Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Tài liệu TỤC NGỮ LƯỢC GIẢI 21 ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (81.1 KB, 2 trang )

Xanh không thủng, cá đi đằng nào: Xanh (một loại chảo bằng đồng, đáy bằng có hai
quai để cầm) đang rán cá, thì tất nhiên là xanh phải thủng thì cá mới rơi ra ngoài
được.
Người ta thường mượn câu này để nói: nếu không có người ăn tay ăn túi, thì tiền
quỹ sao lại thiếu hụt được. Không có người lấy thì sao của lại mất?
2. Xấu đều hơn tốt lỏi: Câu này có lẽ do nhà tướng số dùng đầu tiên để nói rằng: Các bộ
phận trên mặt, trong người hay các cung số tử vi đều xấu, nhưng đều đều với nhau,
tức là tương đương cân đối với nhau, thì còn tốt hơn là có một chỗ tốt còn các chỗ
khác xấu quá (tức là tối lỏi, tốt không đều).
Sau câu này dùng quá rộng ra để chỉ việc vợ chồng con cái trong nhà ăn mặc
xoàng xoàng như nhau, còn hay hơn là một vài người ăn mặc thật sang trọng, còn thì
tất cả các người khác trong nhà ăn mặc đói rách.
3. Xấu chàng hổ ai: Chàng đây là tiếng vợ gọi chồng. Người chồng mà xấu thì ai hổ
thẹn?
Câu này đại ý nói chồng xấu thì vợ cũng xấu lây, vì người ta cho rằng vợ không
biết khuyên chồng làm điều lành tránh điều dữ.
4. Xấu máu đòi ăn của độc: Xấu máu là máu không được tốt, ý nói đàn bà con gái ốm
yếu có bệnh kinh nguyệt bất điều (không được điều hòa).
Người xấu máu tức là người có bệnh mà ăn của độc, thì bệnh sẽ nặng thêm, người
càng ốm yếu.
Nghĩa bóng câu này muốn nói người ở địa vị thấp mà đòi những danh vọng cao,
người vô tài mà đòi làm những việc lớn. Đại ý câu này khuyên người ta nên tự biết
mình, không nên đòi hỏi những điều quá đáng.
5. Xấu thiếp hổ chàng: Thiếp đây là tiếng người vợ tự xưng. Chàng là người vợ gọi
người chồng. Xấu thiếp hổ chàng là vợ mà xấu thì chồng cũng xấu hổ lây.
Ý nghĩa cũng na ná câu: “Xấu chàng hổ ai.” Cả hai cũng đại ý nói danh tiếng,
việc làm của vợ chồng có liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau.
6. Xem hội đến chùa: Đi xem hội chùa phải đến tận chùa mà xem thì mới rõ hội có
những gì vui hay không.
Câu này đại ý nói đã đi đâu thì phải đi đến nơi đến chốn, đã làm việc gì thì phải
làm cho đến cùng, chớ nên giữa đường bỏ dở.


7. Xôi hỏng bỏng không: Xôi tức là xôi nấu bằng gạo nếp. Bỏng tức là bỏng làm bằng
gạo nếp rang lên. Bỏng nhẹ bồng bềnh, ăn bao nhiêu cũng chưa no, xôi dẻo và chắc,
ăn ít cũng thấy no, nên người ta thường quí xôi hơn bỏng.
Trong các cuộc cướp cháo bố thí (cũng gọi là cháo thí hay cháo chúng sinh),
người khôn vặt hay xông vào cướp lấy oản, xôi là những chất quí nhất trong các đồ lễ
cũng cháo, chứ không thèm cướp bỏng là một chất chỉ đáng dành cho trẻ con. Không
dè chậm chân, chậm tay, xôi đã không được, khi quay lại, định cướp bỏng vậy, những
bỏng cũng không còn.
Xôi hỏng bỏng không đại ý nói hỏng mọi việc, vì tính kiêu kỳ, muốn ăn no.
8. Xẩy chân xẩy tay còn vớ được, xẩy miệng không vớ được: Đang đi, xẩy chân bước
hụt, đang vịn tay vào đâu xẩy tay trượt ra, đều có thể vớ lấy cái gì để bám víu cho
khỏi ngã. Xẩy miệng tức nói lỡ lời, thì không thể bấu víu vào đâu để ngăn lời nói
khỏi buộc ra được.
Câu này đại ý khuyên người ta ăn nói nên thận trọng, kẻo lỡ lời thì không lấy lại
được.
9. Xui nguyên dục bị: Nguyên là nguyên đơn, người đứng lên khởi tố, nghĩa là đứng lên
nộp đơn kiện người khác. Bị tức là bị cáo nghĩa là người bị nguyên đơn kiện là đã
động chạm đến quyền lợi nguyên đơn, là người bị kiện.
Xui nguyên dục bị nghĩa là xui bên nguyên đơn đi kiện và dục bên bị cáo đi luồn
lọt chạy chọt tìm thầy gỡ tội cho, hoặc kiện lại nguyên đơn. Người xui dục người ta
kiện cáo nhau như vậy là “thầy cò”, là người chuyên việc khuấy cho đục nước để
kiếm ăn, như câu: “đục nước béo cò”.

×