Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Tài liệu Ngộ độc sâu róm ở trẻ em doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (348.33 KB, 6 trang )

Ngộ độc sâu róm ở trẻ em

Vào mùa sinh trưởng của các loài sâu bọ, trẻ em đi chơi hè rất dễ bị tai
nạn ngộ độc do bị “sâu đốt”. Đã có trường hợp trẻ bị sốc phản vệ nặng do
đụng phải sâu róm khi trẻ tìm bắt chơi hoặc tình cờ sâu rơi bám vào người.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý phòng tránh và biết cách xử trí thích hợp để
tránh biến chứng nặng cho trẻ.
Những con sâu róm sặc sỡ, lạ mắt
Sâu róm là ấu trùng của bướm, thường được ngộ nhận là những sinh vật
hiền lành vô hại. Chúng thường khiến trẻ em thích thú, tò mò bởi hình dáng kỳ lạ
và dễ bắt được trong tự nhiên do chúng di chuyển rất chậm. Những loại sâu róm
bao phủ bởi nhiều lông, gai, được cho là nơi cung cấp các độc chất nên việc tiếp
xúc trực tiếp với các lông và gai này chắc chắn sẽ gây triệu chứng ngộ độc. Đây là
loài sinh vật tiềm ẩn nguy cơ gây độc cùng với khả năng biến hóa thành những
con bướm xinh đẹp.
Sâu róm có hình dạng cơ thể giống như con giun nhưng màu sắc sặc sỡ, chi
tiết lạ, có gai và lông để ngụy trang và tự vệ. Khi bị chạm vào, chúng xù lên những
chùm lông hoặc gai để tấn công. Gai sâu có dạng đầu nhọn hoặc phân nhánh, có
thể gây độc trực tiếp hoặc nối với hạch chứa nọc độc ở chân. Những cái lông chích
của sâu róm trông giống như sợi thủy tinh có thể tự gãy rời khỏi thân sâu, bám trên
da người và gây triệu chứng ngộ độc. Lông sâu trên da không bị thoái biến đi mà
mắc lại suốt cả năm sau khi bị ngộ độc, gây ra những cơn đau bất chợt trong suốt
thời gian này, đặc biệt nguy hiểm khi ở mắt.
Ở nước ta chưa có số liệu thống kê nhưng ở các nước như Hoa Kỳ thì từ
cuối những năm 90, các Trung tâm Độc chất đã báo cáo có hơn 3.700 trường hợp
ngộ độc do sâu róm hàng năm, trong đó có khoảng 30% xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi.
Ngoại trừ một số ít do sâu ngài, hầu hết các trường hợp có triệu chứng ở da là do
tiếp xúc với sâu róm gây ra. Đáng lưu ý là sâu róm có thể gây bệnh cảnh nặng, đặc
biệt ở trẻ nhỏ. Một số trong những loài sâu róm gây ngộ độc phổ biến với các gai
nhọn và hạch độc ở chân là loài Megalopyge opercularis (Pus caterpillar),
Megalopige crispate (Flannel moth caterpillar), Sibine stimuli (Saddleback


caterpillar) có khả năng tự vệ rất cao, đồng thời có gai và lông chứa các độc tố.
Sâu róm Megalopyge opercularis là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ngộ
độc nặng ở Hoa Kỳ. Điển hình là sau khi tiếp xúc với con sâu, bệnh nhân bị đau
nhức dữ dội ở vùng da tiếp xúc tại chỗ mà không bị ngứa. Một loạt các sẩn xuất
huyết có thể xuất hiện trong vòng 2 – 3 giờ và có thể tồn tại trong nhiều ngày.
Ngoài ra, còn có thể bị sưng hạch lân cận và sưng cả tay chân. Những triệu chứng
khác gồm nhức đầu, sốt, hạ huyết áp và co giật. Ngộ độc do nuốt phải sâu
Lophocampa caryae gây nhiều triệu chứng, từ chảy nước miếng tới nổi mề đay.
Hiện người ta chưa biết nhiều về thành phần nọc độc của sâu róm, vì có quá
nhiều loài mà nọc độc của mỗi loài này đều khác nhau nên gây khó khăn cho việc
nghiên cứu. Các độc tố đã được phát hiện có tính chất không bền với nhiệt độ cho
thấy bản chất chúng là protein hoặc polypeptide. Người ta cũng tìm thấy histamine
và serotonin trong thành phần độc tố của một số loài sâu róm. Điều này giải thích
nguy cơ phản ứng dị ứng nặng có thể xuất hiện.
Trẻ bị ngộ độc do bắt chơi, đụng phải sâu róm trong vườn cây
Nghiên cứu những trường hợp ngộ độc do trẻ chủ động bắt sâu róm, xảy ra
ở trẻ em tuổi từ 1 – 8 tuổi (80%) ghi nhận hầu hết có triệu chứng ở da (94,2%)
như: phát ban, ngứa ở da, và có cảm giác đau nhức có gai, lông sâu đâm vào da.
Trẻ ăn phải sâu thường biểu hiện khóc la dữ dội, chảy nước miếng, không chịu
uống nước, trẻ lớn cho biết cảm thấy khó chịu ở miệng, môi và có cảm giác vướng
lông ở miệng. Các tình huống khác bị ngộ độc do sâu róm rơi từ trên cao xuống
chạm vào da, rơi vào trong ly nước đang uống hoặc vướng trong giày dép sâu
chạm vào chân.
Vào mùa sâu róm, với sự hiện diện số lượng lớn và hiện tượng tự nhiên
phát tán trong không khí, lông sâu róm có thể bay chạm vào da người hoặc hít phải
sẽ gây triệu chứng ngứa dữ dội do viêm da cục bộ kéo dài vài giờ đến nhiều ngày.
Đôi khi bị nổi mề đay lan tỏa. Có trường hợp lông sâu vướng vào mắt gây viêm
nội nhãn ở mắt. Thông thường, những lông sâu chạm và nằm lại trên bề mặt da
người, có thể tự bay mà không cần tác động mạnh. Chỉ cần rửa sạch bằng nước và
hạn chế tiếp xúc. Tuy nhiên, khi trẻ gãi mạnh da, cầm bắt hoặc cắn vào thân sâu sẽ

làm lông và gai đâm sâu vào trong da hoặc niêm mạc miệng gây tổn thương kéo
dài do “sâu đốt”. Đã có trường hợp báo cáotrẻ nhỏ bị ngộ độc nặng do ăn phải sâu.
Quan sát vết sâu đốt thường không đơn độc mà thường thấy nhiều nốt đỏ,
hình thành dãy hoặc nhiều dãy nốt đỏ. Xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên da và gây
đau ở những mức độ khác nhau, thay đổi tùy độ mẫn cảm của trẻ. Vết sâu đốt để
lại vết sưng hằn trong trong vài ngày đến nhiều tuần, một số trường hợp diễn tiến
nặng có thể tử vong.
Xử trí khi bị sâu đốt
Căn bản của việc điều trị là loại bỏ chất độc và làm dịu triệu chứng. Bị sâu
bám cẩn thận dùng que để lấy sâu ra, phủi sạch các lông gai thấy được, sau đó
dùng băng dính dán lên vùng da tiếp xúc với sâu róm để lấy sạch các lông nằm
sâu, còn sót lại. Sau đó nhẹ nhàng rửa sạch da bằng nhiều nước và xà phòng. Đắp
lạnh để làm giảm sưng và giảm đau. Đối với gai mắc ở hầu họng và thực quản
phải dùng thuốc tê cho bệnh nhân mới có thể lấy gai ra được. Không có thuốc giải
độc cho các trường hợp ngộ độc do sâu róm. Do vậy, các biện pháp điều trị tiếp
sau đó là dùng thuốc giảm đau, giảm ngứa và làm dịu phát ban da bằng thuốc
kháng histamine và/hoặc corticoids. Những trẻ ngộ độc nặng bị hạ huyết áp phải
được xử trí cấp cứu tiêm adrenaline và truyền dịch kịp thời.
Phòng tránh
Sâu róm tăng trưởng trong một khoảng thời gian nhất định trong năm,
chúng có số lượng lớn vào mùa sinh trưởng và có năm số lượng sâu nhiều hơn
những năm khác. Trẻ em cần được cảnh báo mối nguy hiểm gặp sâu vào những
thời điểm này. Mặc dù khả năng đụng phải những loại sâu độc xảy ra khi đi chơi
dã ngoại tương đối thấp nhưng tai nạn sâu đốt vẫn thường xảy ra khi trẻ đụng phải
cành lá mà sâu đang ăn. Hơn nữa, gai sâu vẫn có thể dính vào quần áo hoặc găng
tay và trẻ chạm phải chúng ở những vị trí này. Do vậy, nên cho trẻ mặc áo dài tay
và đội nón rộng vành khi đi chơi nơi có cây cảnh. Dạy trẻ không chơi bắt sâu,
không sờ vào sâu ngay cả khi chúng đã chết vì vẫn có độc tố như lúc sâu còn sống.
Cũng phải nhớ lông sâu róm có thể phát tán trong không khí gây dị ứng ở một số
người nên vào mùa sâu róm lưu ý đóng cửa sổ, cửa ra vào và phải vệ sinh các máy

điều hòa nhiệt độ có chức năng mang không khí từ bên ngoài vào nhà. Không treo
áo quần ngoài vườn vì lông sâu róm có thể dính vào. Hãy nhìn ngắm loài sinh vật
tiềm ẩn khả năng biến hóa thành những con bướm xinh đẹp này mà không nên
đụng phải.

×