Những điều quảng cáo học được từ PR
Gần đây, mọi người nhắc nhiều đến quan hệ công chúng (PR), có lúc PR được đánh giá rất cao
trong quảng cáo, tiếp thị và phát triển thương hiệu. Thậm chí, nhiều nhà nghiên cứu thị trường và
marketing đã từng dự báo: PR sẽ lật đổ sự thống trị của quảng cáo trên các phương tiện thông
tin đại chúng.
Vào những năm 2000-2002, có thể họ đã có lý khi đưa ra những dự đoán như vậy. Bởi vì, khi đó, các
doanh nghiệp tiến hành quảng cáo quá rầm rộ với tần suất dày đặc khiến chúng trở nên nhàm chán và
mất đi sự tín nhiệm đối với khách hàng.
Trong khi đó, khái niệm PR khá mới mẻ và được xem như một công cụ tương đối hiệu quả để tạo dựng
hình ảnh của doanh nghiệp trong lòng công chúng. Hai từ khóa của PR là “hiểu biết lẫn nhau” và “công
chúng”. Hiểu biết lẫn nhau là quan hệ hai chiều và rất quan trọng để đem đến thành công cho PR. Đây
không chỉ là việc doanh nghiệp truyền tới công chúng thông điệp của mình, mà còn bao gồm cả việc
doanh nghiệp lắng nghe tiếng nói của công chúng. Rất nhiều doanh nhân coi truyền thông như một luồng
thông tin một chiều phát ra từ họ, và quên mất việc lắng nghe thị trường.
Mặc dù, nếu đem so sánh với PR, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng nghĩa với
việc truyền thông tin một chiều từ phía các doanh nghiệp, nhưng tầm quan trọng của nó nếu so sánh với
PR cũng cần phải được xem xét lại. Trong thời điểm hiện nay, chúng ta đang sống ở trong một thời đại
mà những kênh truyền thông có ảnh hưởng và tác động trực tiếp hàng giờ, hàng phút lên tất cả mọi
người: 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần.
Bạn hãy tưởng tượng một ngày của các khách hàng tiềm năng sẽ diễn ra như thế này: sau khi thức dậy,
thứ đầu tiên mà họ đọc trong khi nhấm nháp một tách cà phê sáng sẽ là một tờ báo.
Trên đường từ nhà đến cơ quan, họ sẽ bật radio trên ô tô để nghe tin tức thời sự. Đến văn phòng làm
việc, việc đầu tiên là họ sẽ bật máy vi tính để kiểm tra hộp thư và sau đó sẽ ghé thăm một vài trang web.
Đến giờ nghỉ trưa, sang quán ăn ở cạnh cơ quan, rất có thể họ sẽ nhìn thấy nhiều bảng thông cáo, yết thị
hay biển quảng cáo tại những nhà chờ xe buýt hoặc treo dọc đường đi. Và sau đó, trong lúc chờ bữa ăn
trưa, họ tranh thủ đọc một tờ tạp chí yêu thích nào đó. Họ lại tiếp tục nghe radio trên đường từ cơ quan
về nhà. Và sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi, khi về đến nhà, họ sẽ bật ngay tivi, lướt xem tin
tức. Về khuya, trong khi theo dõi một trận đấu bóng đá hay thể thao có đội mà mình hâm mộ trên tivi, họ
lại lướt web để tìm kiếm một món quà để tặng cho một thành viên trong gia đình nhân dịp sinh nhật sắp
đến.
Khách hàng đã đọc, nghe, nhìn trên rất nhiều phương tiện truyền thông trong ví dụ nói trên. Và đây cũng
chính là những cơ hội để khách hàng có thể nhận được các thông điệp từ bạn. Vậy bạn cần phải làm
cách nào để những thông tin đó có thể đọng lại trong tâm trí của khách hàng? Hãy tạo lập một chiến lược
marketing tích hợp, sử dụng đồng thời các phương tiện thông tin truyền thông để tác động trực tiếp lên
khách hàng và có sức thuyết phục để họ đi đến quyết định sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Khi thực hiện chiến lược quảng cáo tích hợp, bạn cần đạt được các mục tiêu sau:
1. Gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí của khách hàng
Một thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ mới, khi thâm nhập thị trường rất cần có những chương trình quảng
cáo rộng rãi trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nhận biết về sự tồn
tại của chúng. Trước hết, việc này nhằm tăng cường nhận thức của các khách hàng mục tiêu hiện tại và
sau đó là tạo ra sự nhận thức về sự tồn tại của chúng cho các khách hàng mới hoặc tại thị trường mới.
Tuy nhiên, để gây ấn tượng và ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của khách hàng, thông điệp và hình ảnh
mà bạn đưa ra phải thống nhất, đánh trúng vào tâm lý và ý thích của khách hàng, nhưng đồng thời cũng
phản ánh được những mặt tích cực, ưu điểm, lợi thế có trong sản phẩm/dịch vụ của bạn.
2. Tối đa hóa sự ảnh hưởng của các phương tiện thông tin đại chúng
Khi tiến hành quảng cáo, bạn cần tìm hiểu khách hàng tiềm năng của mình sử dụng và tin cậy những
nguồn thông tin nào. Sự phù hợp của thị trường mục tiêu với phương tiện thông tin đại chúng được lựa
chọn chính là cơ hội cho quảng cáo của bạn đến được với khách hàng.
Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông: TV, radio, báo, tạp chí… có ưu thế là sự tác động mạnh,
phạm vi ảnh hưởng rộng và phong phú, tuy nhiên đòi hỏi chi phí cao và tần suất lớn. Mỗi phương tiện
truyền thông có những đặc trưng riêng biệt, có những điểm mạnh nhưng cũng có những điểm yếu. Vì
vậy, một chiến dịch quảng cáo tích hợp được đánh giá là thành công khi lợi dụng được tất cả các thế
mạnh của từng loại phương tiện truyền thông đó.
Ví dụ, nếu thiết lập một trang web dành riêng cho quảng cáo sản phẩm trong công ty, thì bạn có thể đưa
ra những thông điệp có tính chiều sâu hơn và sinh động hơn rất nhiều so với việc quảng cáo trên các
dạng phương tiện khác. Các quảng cáo ngoài trời lại có lợi thế gây ấn tượng nhanh và trực tiếp đến thị
giác người tiêu dùng. Trong khi đó, nếu gửi thư trực tiếp, e-mail hay đăng tin quảng cáo trên báo chí bạn
có thể cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin về các chiến lược khuyến mại. Các quảng cáo
ngắn gọn on-line trên các web quảng cáo hoặc ở ngoài đường phố có thể kích thích sự tò mò và hướng
khách hàng tiềm năng đi tìm kiếm nhiều thông tin hơn về bạn.
3. Duy trì và mở rộng khách hàng
Đối với các đối tượng khách hàng khác nhau, phương pháp và cách thức lựa chọn phương tiện để tiếp
thị cũng rất khác nhau. Ví dụ, với những đối tượng khách hàng chưa từng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của
bạn, có thể thích hợp với loại hình quảng cáo bằng bưu thiếp, quảng cáo trên báo chí hoặc sử dụng PR.
Trong khi đó, với những khách hàng đã từng dùng sản phẩm/dịch vụ của bạn, có thể sử dụng thư tay
trực tiếp, thư điện tử.
Các doanh nghiệp, nếu chỉ sử dụng một hoặc hai phương tiện quảng cáo, thì thường rất khó khăn để giữ
và duy trì được lòng trung thành của khách hàng hiện tại và thu hút các khách hàng mục tiêu, đồng thời
cũng dễ để mất khách hàng vào tay các đối thủ cạnh tranh khi mà họ sử dụng rộng rãi các phương tiện
để quảng cáo với tần suất dày đặc và cường độ tác động mạnh.
Bằng cách lựa chọn chiến lược quảng cáo tích hợp, áp dụng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng,
đáp ứng nhu cầu thông tin khác nhau của mọi đối tượng khách hàng, bạn có thể duy trì và mở rộng đối
tượng khách hàng mà không khiến họ bị nhàm chán, buồn tẻ và có cảm giác bị làm phiền.
4. Trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng
Một chiến dịch quảng cáo tích hợp có thể “theo gót” khách hàng tiềm năng suốt cả ngày. Ở ví dụ ban đầu
đưa ra về các phương tiện thông tin, báo chí mà họ có thể xem, nhìn thấy hoặc nghe thấy trong ngày,
cho thấy nếu bạn biết tận dụng tối đa và có hiệu quả các phương tiện này, hình ảnh của bạn sẽ trở nên
quen thuộc, gần gũi và không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ. Khi đó, có thể nói, chiến dịch
quảng cáo của bạn đã thành công.