1
TRAO ĐỔI!
ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ NĂNG
THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP
Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC
ThS. LÊ Đ
ỨC ĐỒNG
Trường THPT chuyên NTMK Sóc Trăng
Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là người làm công việc chỉ đạo, quản lý giáo dục toàn diện
học sinh (HS) một lớp. Đồng thời là người chỉ đạo mọi hoạt động của học sinh bao gồm: hoạt
động học tập, hoạt động rèn luyện theo quy định của Điều lệ Trường phổ thông.
GVCN là cầu nối giữa tập thể HS với các tổ chức xã hội trong và ngoài nhà trường; là
người tổ chức phối hợp các lực lượng, giáo dục. Cùng với nhà trường, thông qua công tác chủ
nhiệm, góp phần định hình định hướng tính cách của học sinh.
GVCN là nhà quản lý, nhà tâm lý; là nơi để các em học sinh chia sẻ những buồn vui, là
chỗ dựa tinh thần vững vàng cho các em trong cuộc sống. Đồng thời là người đánh giá khách
quan kết quả rèn luyện của mỗi HS và phong trào chung của lớp.
Bên cạnh những mặt tích cực, còn bộc lộ sự yếu kém trong công tác chủ nhiệm. Đó là
còn đi theo lối mòn trong phương pháp giáo dục HS (Cuối tuần sinh hoạt lớp; cho HS tự đánh
giá điểm cộng, điểm trừ; phê bình những HS vi phạm, biểu dương những HS tích cực; dặn dò
tuần tới…).
Vẫn còn thiếu năng động, sáng tạo, thiếu đổi mới, thiếu sự đột phá trong công tác chủ
nhiệm. Chưa quan tâm sâu sát, chưa tìm hiểu kỹ tâm, sinh lý học sinh nên hiệu quả công việc
chưa cao…
Nguyên nhân do tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường (những tiêu cực, những
mặt trái…) vào môi trường trường học. Bên cạnh đó, tâm, sinh lý HS thay đổi rất nhiều, rất khác
so với những bài học về tâm, sinh lý lứa tuổi trước đây. Ở trường đại học, việc thực hành công
tác chủ nhiệm chỉ gói gọn trong 8 tuần thực tập của năm cuối, nên chưa thể có thời gian rèn
luyện, nâng cao năng lực công tác này. Hơn nữa, đời sống kinh tế của giáo viên còn gặp nhiều
khó khăn. Mặt khác, đây chỉ là công tác “kiêm nhiệm” ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy. Do đó,
chưa tạo được sự say mê, toàn tâm toàn ý đầu tư cho công tác chủ nhiệm. Nhiều nơi bố trí giáo
viên làm công tác chủ nhiệm vì chưa đủ giờ dạy theo quy định.
Từ thực trạng của công tác chủ nhiệm và nguyên nhân nêu trên, xin được phép đề xuất
một số biện pháp sau đây nhằm từng bước góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chủ
nhiệm:
1. Đổi mới về nội dung:
Chúng ta đang xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” nên nội dung công
tác chủ nhiệm cần được đổi mới một cách mạnh mẽ, đi vào chiều sâu. Mục đích là phát huy chủ
thể học sinh; lấy học sinh làm trung tâm dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm.
Đổi mới về nội dung là một trong những vấn đề bức thiết nhằm đưa ra những định
hướng, những khâu việc làm cụ thể cho công tác chủ nhiệm. Trên cơ sở đó, GVCN có thể vận
dụng sáng tạo, năng động vào điều kiện, hoàn cảnh, thời điểm của lớp mình. Đổi mới về nội dung
2
đòi hỏi người GVCN cần có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc. Bên cạnh đó là ý chí,
nghị lực và có một năng lực sư phạm vững vàng; hiểu thấu tâm sinh lý lứa tuổi sâu sắc.
Mặt khác, GVCN cần có lòng thương yêu thật sự đối với học sinh và có niềm tin vào các
em; mạnh dạn giao những công việc cho các em và có sự định hướng, kiểm tra. Việc phối hợp
giữa chủ nhiệm và các đoàn thể trong trường (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên, Công
đoàn…) là hết sức cần thiết trong công tác giáo dục học sinh.
Việc đổi mới nội dung có các phần cơ bản như sau:
1.1. Xây dựng lớp tự quản:
Thực chất đây là quá trình từng bước chuyển hoá tâm huyết, nhiệt tình của GVCN thành
ý thức tự quản, tự giác đầy trách nhiệm và hứng thú của học sinh. Từ đó, chuyển hoá lớp học của
những cá nhân học sinh thành một tập thể học sinh biết tự quản dưới sự định hướng, dẫn dắt của
GVCN lớp.
Mục đích xây dựng lớp tự quản là hình thành, rèn luyện con người biết làm chủ bản
thân; luôn chủ động, nhanh nhạy trong mọi mặt hoạt động. Đây là cơ hội tốt nhất, môi trường tốt
nhất để học sinh tập dượt, rèn luyện tính tự giác, sự năng động, sự sáng tạo khi đang còn ngồi
trên ghế nhà trường.
Lấy học sinh làm trung tâm trong công tác chủ nhiệm. Trên cơ sở đó, từng bước biến quá
trình giáo dục thành tự giáo dục. Học sinh có điều kiện tốt nhất để thể hiện mình; tự ý thức, tự
quản bản thân mình; tự quản tổ mình, lớp mình. Trong môi trường tự quản ấy, nhân cách học sinh
mới được xác lập, được thử thách qua công việc hàng ngày, hàng tuần.
Tâm lý lứa tuổi cho thấy: lứa tuổi học sinh trung học là lứa tuổi luôn ham tìm tòi, ham
hiểu biết, ham hoạt động và muốn khám phá, khẳng định bản thân (thể hiện trong học tập, văn
nghệ, thể thao, sinh hoạt tập thể…). Vì vậy, xây dựng lớp tự quản vừa thoả mãn được nét tâm lý
phong phú của học sinh mà còn tạo điều kiện, cơ hội để nó được nuôi dưỡng, thử thách, rèn luyện
và phát triển theo chiều hướng tích cực, tự giác.
Xây dựng lớp tự quản không những giúp các em tự quản lý các hoạt động của lớp mình
mà còn góp phần quản lý các hoạt động chung của nhà trường. Các hình thức hoạt động phong
phú, đa dạng của các lớp sẽ tạo nên môi trường tốt cho việc phát triển nhân cách các em. Đó là
tinh thần tập thể, lòng yêu thương, thông cảm lẫn nhau; cộng đồng cùng làm việc nhóm, sức
mạnh của tinh thần đoàn kết, cùng chăm lo công việc chung…
1.2. Tổ chức sinh hoạt, thảo luận chuyên đề:
Thay vì cách làm xưa nay là GVCN “thuyết giảng” về bài học đạo đức một chiều; phê
bình những sai phạm cũng như biểu dương những thành tích một chiều thì nay chúng ta đưa ra
những “Chuyên đề” phù hợp cho học sinh thảo luận trong giờ chủ nhiệm.
Nội dung các chuyên đề phải thật gần gũi, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa
tuổi. Có thể theo chủ điểm hàng tháng hoặc những vấn đề đang được xã hội quan tâm như môi
trường sống, an toàn giao thông; tình bạn, tình yêu trong lứa tuổi học trò; chọn nghề cho tương lai
như thế nào; xài tiền như thế nào khi chúng ta còn sống phụ thuộc vào cha mẹ; lợi ích của việc
đọc sách và lòng đam mê tìm hiểu kiến thức; bạo lực gia đình và trách nhiệm của chúng ta; tự học
như thế nào để có kết quả tốt; kinh nghiệm học giỏi bộ môn; khắc sâu kiến thức và phương pháp
học tập…
3
Khi đưa ra những chuyên đề này, những tình huống có vấn đề để phát huy trí lực học
sinh; khơi gợi những bức xúc, những suy nghĩ đa chiều để các em bộc lộ. Từ đó, GVCN có sự
định hướng đúng đắn; mở ra hướng suy nghĩ tích cực cho các em. Cần có thời gian, đầu tư chuẩn
bị cho chuyên đề qua việc gần gũi, thân thiện để nắm tâm tư, tình cảm của học sinh cũng như
những bức xúc, những vấn đề nhạy cảm mà các em không có dịp bày tỏ hoặc không biết tâm sự
cùng ai.
Nên thông báo các chuyên đề thứ hai đầu tuần để học sinh có thời gian chuẩn bị, nghiền
ngẫm vấn đề và tổ chức thảo luận chuyên đề vào tiết chủ nhiệm cuối tuần. Tránh tình trạng thiếu
sự chuẩn bị hoặc chưa chuẩn bị chu đáo; vội đưa ra những vấn đề quá tầm nghĩ, tầm tư duy của
học sinh sẽ gây khó khăn cho việc thảo luận. Cũng không nên tìm, đưa ra những vấn đề to tát của
“người lớn” để các em phải “gồng mình” trả lời khiên cưỡng, không thực tế, sáo rỗng…
1.3. Tổ chức tham quan, dã ngoại:
Nếu có điều kiện, tổ chức HS tham quan di tích lịch sử, văn hoá hoặc thắng cảnh thiên
nhiên. Từ đó khơi dậy, giáo dục truyền thống cách mạng; tự hào về quê hương, đất nước…
Phải xác định địa điểm, phương tiện, tổ chức cho công việc tham quan, dã ngoại. Việc
này cần có sự phối hợp, tìm hiểu các địa phương để có sự chuẩn bị chu đáo. Khâu chuẩn bị cho
chuyến đi cực kỳ quan trọng và nếu chuẩn bị tốt đã thành công năm mươi phần trăm. Bởi vì phải
chuẩn bị phương tiện, nơi đến, người hướng dẫn; việc ăn uống, nghỉ ngơi trên đường đi, nghỉ
ngơi nơi đến; phân công, phối hợp giáo viên phụ trách các nhóm lớp… tất cả đều phải có sự
thống nhất, tuân theo quy định chặt chẽ để buổi tham quan, dã ngoại thành công.
Bên cạnh đó, có sự phân công cụ thể học sinh về việc ghi chép, chụp hình, quay phim ghi
lại những hình ảnh, tư liệu ở di tích, thắng cảnh đó. Đây không phải là chuyến đi chơi mà là
chuyến đi học thực tế nên cần quán triệt ý nghĩa của chuyến dã ngoại, tham quan này cho học
sinh. Có thể phân công các nhóm, chia ra nhiều chủ đề để các nhóm tự giác thực hiện.
2. Đổi mới về phương pháp:
Đổi mới phương pháp là cách làm mới, cách làm có khoa học hơn, mang lại hiệu quả
hơn. Đổi mới phương pháp vừa là yêu cầu để phù hợp với đổi mới nội dung, vừa là động lực thúc
đẩy nội dung không ngừng hoàn thiện.
Nếu chỉ đổi mới nội dung mà không đổi mới phương pháp thì sa vào tình trạng không
đồng bộ; gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết vấn đề. Ngược lại, nếu chỉ đổi mới phương pháp
mà không đổi mới nội dung thì sa vào tình trạng “bình mới rượu cũ”, vô tình tạo sức ỳ cho sự
phát triển nội dung.
Xin đề xuất một số nội dung đổi mới về phương pháp như sau:
2.1. Thực hiện chuyên trách công tác GVCN để không còn là công việc kiêm nhiệm như
hiện nay (vừa giảng dạy, vừa làm chủ nhiệm). Có như vậy, GVCN toàn tâm toàn ý, mới có thời
gian đầu tư cho công việc và thực hiện công việc có hiệu quả. Từ đó, đặt công tác chủ nhiệm vào
một vị thế quan trọng; không còn là công việc “kiêm nhiệm” của giáo viên. Như vậy, GVCN sẽ
nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhà trường trong việc quản lý lớp.
Hoặc tăng số giờ chủ nhiệm bằng ½ giờ tiêu chuẩn hiện hành nhằm năng cao hiệu quả
của công tác chủ nhiệm.
4
2.2. Tập huấn công tác tự quản cho đội ngũ Ban cán sự lớp. Giao quyền tự chủ lớp học
cho Ban cán sự điều hành các mặt hoạt động của lớp với sự tư vấn của GVCN.
Mục đích: + Trang bị cho đội ngũ Ban cán sự lớp những kiến thức cơ bản về quản lý lớp
học.
+ Quản lý lớp có phương pháp, bài bản và chủ động xử lý mọi tình huống xảy
ra (nếu có).
2.3. Những bài học về kỹ năng sống, về đạo lý, đạo đức trong các giờ sinh hoạt lớp được
thực hiện bằng việc thảo luận, trao đổi dưới dạng chuyên đề. Các chuyên đề được bảo trước cho
học sinh để các em có thời gian tìm hiểu, suy nghĩ…
2.4. Chọn những GV có tay nghề vững vàng, có uy tín với học sinh, với phụ huynh; có
tinh thần trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm. Giao quyền hạn cho GVCN để họ chủ động trong
công việc được giao.
3. Về đổi mới kỹ năng:
3.1. Trang bị kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ GVCN: GVCN vừa là nhà sư
phạm, vừa là nhà quản lý, nhà tổ chức mọi hoạt động của học sinh trong lớp. Tập huấn thường
xuyên công tác quản lý học sinh cho GVCN. Trang bị những kiến thức cần thiết, cơ bản cho
GVCN (như kỹ năng tổ chức lớp; kỹ năng điều khiển thảo luận chuyên đề; kỹ năng tổ chức các
trò chơi, các hoạt động ngoài giờ lên lớp; kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm…).
3.2. Không ngừng trao đồi, củng cố, phát huy các kỹ năng của công tác chủ nhiệm. Mặt
khác, GVCN cần tích luỹ vốn sống thực tế, vốn kinh nghiệm để tạo lập các kỹ năng cho bản thân.
Trên đây là một số đề xuất của chúng tôi về đổi mới nội dung, phương pháp và kỹ năng
thực hiện công tác chủ nhiệm lớp.
Giáo dục học sinh của GVCN là tổng hợp các kỹ năng, là cả một nghệ thuật giáo dục; đòi
hỏi GVCN không ngừng tự hoàn thiện mình, tự nâng cao mình trước yêu cầu nâng cao chất
lượng giáo dục.