Thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo pháp
luật Việt Nam và pháp luật của một số
quốc gia ở Đông Nam Á
Dương Đình Công
Khoa Luật
Luận văn Thạc sĩ ngành: Luật Quốc tế; Mã số: 60 38 60
Người hướng dẫn: PGS. TS. Hoàng Phước Hiệp
Năm Bảo vệ: 2011
Abtract: Làm rõ những nội dung cơ bản về SHTT (Sở hữu trí tuệ), quyền
SHTT, thực thi quyền SHTT theo pháp luật Việt Nam và pháp luật In-đô-nê-
xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan. Tìm hiểu thực tiễn của việc thực thi
quyền SHTT ở Việt Nam; thực tiễn thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a,
Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan. Đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện
pháp luật về SHTT và việc thực thi quyền SHTT ở Việt Nam: đòi hỏi khách
quan của việc hoàn thiện pháp luật về SHTT và thực thi quyền SHTT, những
yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật về SHTT và nâng cao hiệu quả thực
thi quyền SHTT, xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển và bảo vệ
SHTT, hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT, kiện toàn hệ thống các cơ
quan nhà nước về SHTT,
Keywords: Pháp luật; Quyền sở hữu trí tuệ; Việt Nam; Đông Nam Á
Content
Sở hữu trí tuệ (SHTT) và thực thi quyền SHTT là một nội dung quan trọng
trong hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế và khu
vực. Việc nhận thức tác động to lớn của tài sản trí tuệ và những lợi ích do việc có một
cơ chế hiệu quả nhằm bảo hộ quyền SHTT trở thành một hoạt động nổi bật của các
quốc gia và các thiết chế quốc tế về bảo hộ quyền SHTT.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng khẳng định phát
triển khoa học, công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh
và bền vững… “ Hình thành hệ thống đánh giá kết quả, hiệu quả hoạt động khoa học
và công nghệ. Thực hiện nghiêm túc các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, tập trung
phát triển và khai thác tài sản trí tuệ”[9, 135]. Tiếp tục thực hiện các cơ chế hợp tác
song phương và đa phương về chính trị, an ninh, kinh tế; chủ động, tích cực và có
trách nhiệm cùng các nước xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh.
Trong xu thế chung của thời đại Việt Nam đã ban hành một số các văn bản
quy phạm pháp luật về SHTT nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của lĩnh
vực SHTT cũng như bảo hộ quyền SHTT theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã
cam kết. Các quy định pháp luật Việt Nam về SHTT, thực thi quyền SHTT khá đầy
đủ và tương thích với pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi quyền SHTT ở
Việt Nam trong thời gian qua chưa đạt được kết quả mong muốn.
Vì lẽ đó, tác giả chọn đề tài “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt
Nam và pháp luật của một số quốc gia ở Đông Nam Á” làm nội dung nghiên cứu cho
luận văn tốt nghiệp thạc sỹ Luật quốc tế của mình.
Luận văn được cấu trúc theo ba chương:
Chương 1: Những vấn đề lý luận pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ
theo pháp luật Việt Nam và pháp luật một số quốc gia ở Đông Nam Á
Chương 2: Pháp luật và thực tiễn thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và
ở một số quốc gia Đông Nam Á
Chương 3: Phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở
hữu trí tuệ ở Việt Nam
Chƣơng 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN PHÁP LUẬT VỀ THỰC THI QUYỀN
SỞ HỮU TRÍ TUỆ THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT MỘT SỐ
QUỐC GIA Ở ĐÔNG NAM Á
1.1. Lịch sử hình thành và phát triển của khái niệm thực thi quyền SHTT
1.1.1. Khái niệm “tài sản trí tuệ”, quyền SHTT
1.1.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển khái niệm “tài sản trí tuệ” và
quyền SHTT
Từ rất lâu, tài sản trí tuệ đã hiện hữu trong đời sống và có ý nghĩa cũng như
tác động to lớn đối với sự phát triển của xã hội loài người. Tuỳ theo cách tiếp cận và ý
chí nhà nước mà sự ghi nhận về tài sản trí tuệ có nhiều quan điểm không giống nhau.
Sản phẩm trí tuệ đã được nhà nước ghi nhận lần đầu tiên một cách có hệ thống trong
đạo luật Venice năm 1474[12, 13]. Năm 1883 và năm 1886 thế giới chứng kiến sự ra
đời của hai công ước quốc tế về SHTT lần lượt là Công ước Paris về bảo hộ quyền
SHCN và Công ước Berne về bảo hộ các sản phẩm văn học nghệ thuật. Đây chính là
viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của hệ thống các quyền liên quan
đến tài sản trí tuệ.
Mặc dù không có khái niệm trực tiếp và chính thống về tài sản trí tuệ nhưng
chúng ta có thể định nghĩa quyền SHTT được hiểu là tập hợp các quyền đối với sản
phẩm trí tuệ là thành quả lao động sáng tạo của con người hay uy tín kinh doanh của
các chủ thể được pháp luật quy định bảo hộ. Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật
của các nước khác trên thế giới không đưa ra định nghĩa trực tiếp thế nào là SHTT mà
chỉ định nghĩa gián tiếp thông qua phân loại SHTT[15, 22].
Công ước thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới( WIPO) đưa ra khái niệm
quyền SHTT theo hướng liệt kê các quyền và không giới hạn:
Quyền SHTT bao gồm các quyền liên quan tới: Các tác phẩm văn học, nghệ
thuật và khoa học; Việc thực hiện biểu diễn nghệ thuật, phát minh, phát thanh, ghi âm,
truyền hình; Các sáng chế trong lĩnh vực đời sống của con người; Các phát minh khoa
học; Kiểu dáng công nghiệp; Nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại
và chỉ dẫn thương mại; Bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh và tất cả các quyền
khác bắt nguồn từ hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học
hay nghệ thuật.
Hiệp định Thỏa thuận về những khía cạnh liên quan đến thương mại của
quyền SHTT (TRIPs/WTO) đưa ra 07 nhóm quyền sở hữu được bảo hộ, bao gồm:
Quyền tác giả và quyền liên quan; Tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã
hóa; Nhãn hiệu hàng hóa; Sáng chế; Thiết kế bố trí( topography) mạch tích hợp;
Thông tin bí mật; và Kiểu dáng công nghiệp.
Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, tại chương 2 điều 2, điểm 3 định
nghĩa về quyền SHTT bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu hàng hoá,
sáng chế, thiết kế bố trí (topography) mạch tích hợp, tín hiệu vệ tinh mang chương
trình đã được mã hoá, thông tin bí mật (bí mật thương mại), kiểu dáng công nghiệp và
quyền đối với giống thực vật.
Luật SHTT Việt Nam 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) khoản 1, điểu 4 định
nghĩa: quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm
quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền SHCN và quyền đối với
giống cây trồng.
Đặc điểm của quyền SHTT:
- Thứ nhất, quyền SHTT là quyền đối với những tài sản trí tuệ có tính sáng
tạo.
- Thứ hai, do tài sản trí tuệ mang thuộc tính “vô hình” nên việc bảo hộ tài sản
này chỉ mang tính tương đối.
- Thứ ba, phần lớn quyền SHTT được pháp luật bảo hộ trong một thời hạn
nhất định.
- Thứ tư, tài sản trí tuệ mang thuộc tính “ tích lũy”.
1.1.1.2. Phân loại quyền SHTT
Quyền SHTT được phân thành ba nhóm chính: quyền tác giả và quyền liên
quan; quyền SHCN; quyền đối với giống cây trồng.
1.1.2. Khái niệm thực thi quyền SHTT
1.1.2.1. Định nghĩa thực thi quyền SHTT
Trong khoa học pháp lý Việt Nam chưa đưa ra một khái niệm đầy đủ, chính
thức về thực thi quyền SHTT. Thực thi trong Tiếng Anh (Enforcement) nghĩa là bắt
tuân theo pháp luật [34, 209]. “Enforcement” có gốc Tiếng Anh là “force” với nghĩa
dùng sức mạnh (quyền lực nhà nước) bắt làm đúng quy định. Thuật ngữ này có nghĩa
buộc mọi người phải tuân theo một luật lệ để làm cho chúng có hiệu lực; là sự thi
hành nghiêm ngặt một luật lệ và được bảo đảm bằng các biện pháp chế tài.
Khái niệm thực thi quyền SHTT gần với khái niệm thực hiện pháp luật về
SHTT và khái niệm thi hành (chấp hành) pháp luật về SHTT nhưng giữa chúng có
những điểm khác nhau.
Thực hiện (implementation) có nghĩa là tự nguyện, tận tâm làm theo đúng quy
định [34, 441]; là quá trình hoạt động có mục đích làm cho các quy tắc xử sự chứa
đựng trong các quy phạm pháp luật SHTT trở thành hành vi thực tế hợp pháp của các
chể thể pháp luật.
Thi hành (execution) có nghĩa tự mình phải làm theo lẽ phải [34, 306]; là việc
các chủ thể trong quan hệ pháp luật về SHTT thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình
trong những hoàn cảnh, điều kiện đã được dự liệu bằng hành động tích cực.
TRIPs sử dụng thuật ngữ enforcement of intellectual property rights với nghĩa
thực thi.
1.1.2.2. Nguyên tắc, biện pháp thực thi quyền SHTT chủ yếu
a. Nguyên tắc thực thi quyền SHTT
- Nguyên tắc hiện đại, khoa học
- Nguyên tắc hiệu quả
- Nguyên tắc đúng đắn và công bằng
- Nguyên tắc minh bạch và không quá tốn kém
- Nguyên tắc cân bằng lợi ích
b. Các biện pháp chủ yếu thực thi quyền SHTT
- Thực thi quyền SHTT thông qua biện pháp tư pháp: Việc thực thi quyền
SHTT thông qua biện pháp tư pháp được xem xét trước hết và chủ yếu là hoạt động
của tòa án và các cơ quan tư pháp khác theo thủ tục TTDS, TTHS và tố tụng hành
chính.
- Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của các cơ quan hành chính:
Trong hoạt động thực thi quyền SHTT, các cơ quan hành chính thực hiện các chức
năng chủ yếu: xử lý vi phạm hành chính về quyền SHTT; giải quyết các khiếu nại
hành chính, thực thi quyền SHTT ở nội địa và hoạt động kiểm soát thực thi quyền
SHTT tại biên giới.
- Các biện pháp tạm thời: Theo pháp luật của nhiều nước trên thế giới, biện
pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng phổ biến nhất là lệnh điều tra trước khi xét xử
và lệnh Mareva.
1.2. Cơ chế thực thi quyền SHTT theo quy định của pháp luật Việt Nam
và pháp luật của một số quốc gia ở Đông Nam Á
Cơ chế thực thi quyền SHTT về tổng thể là cơ chế vận hành chính xác dựa
trên các nguyên tắc, phương thức, trình tự, thủ tục thực thi quyền SHTT và các chủ
thể tham gia hoạt động trong lĩnh vực quyền SHTT nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp của các chủ thể hưởng quyền SHTT; lợi ích nhà nước, cộng đồng và toàn xã hội
góp phần bảo đảm nguyên tắc pháp chế, duy trì trật tự, kỉ cương xã hội [8, 54]. Ngoài
các bộ phận cấu thành cơ chế nêu trên, trong luận văn này, cơ chế thực thi quyền
SHTT được tập trung xem xét dưới các góc độ về: thể chế thực thi quyền SHTT; thiết
chế thực thi quyền SHTT; yếu tố con người trong quá trình thực thi quyền SHTT và
mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố cấu thành cơ chế thực thi quyền SHTT.
1.2.1. Các quy định về thể chế thực thi quyền SHTT
Thể chế ở đây ý nói là hệ thống các văn bản quy phạm do cơ quan nhà nước
có thẩm quyền hoặc tổ chức ban hành nhằm quản lý các mặt của đời sống xã hội,
buộc mọi người, tổ chức phải tuân theo [35, 320]. Thể chế thực thi quyền SHTT là hệ
thống các văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức ban hành nhằm
điều chỉnh các vấn đề về thực thi quyền SHTT.
1.2.1.1. Thể chế thực thi quyền SHTT ở Việt Nam
Việc xây dựng thể chế thực thi quyền SHTT đã được Đảng và nhà nước xác
định từ rất sớm. Khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế vào đầu những năm 90 của thế kỷ
XX, hội nhập kinh tế quốc tế thì vấn đề hài hòa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc
tế, hoàn thiện về thể chế là đòi hỏi hàng đầu. Thể chế thực thi quyền SHTT ở Việt
Nam được đánh dấu bằng việc Quốc hội Việt Nam ban hành BLDS năm 1995 với 61
điều luật quy định liên quan đến quyền SHTT và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt
ngày 29/11/2005 Quốc hội đã thông qua Luật SHTT (có hiệu lực ngày 01/7/2006) và
luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật SHTT ngày 19/6/2009 đã đánh dấu bước
tiến dài trong việc xây dựng thể chế thực thi quyền SHTT ở Việt Nam. Cùng với đó,
một loạt các Nghị định cũng đã được Chính phủ ban hành nhằm cụ thể hóa các quy
định của luật SHTT.
1.2.1.2. Thể chế thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a, Ma-lai –xi-a, Xin-ga-po
và Thái Lan
- Thể chế thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a[65]
SHTT và quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a là một lĩnh vực kém phát triển so với
các lĩnh vực pháp luật khác trong những thập niên sau khi đất nước này giành được
độc lập vào năm 1945. Đầu những năm 90 của thế kỷ 20 luật SHTT đã trở thành lĩnh
vực pháp lý phát triển nhanh nhất ở In-đô-nê-xi-a và chính phủ In-đô-nê-xi-a đã thực
hiện các cải cách lập pháp lớn trong lĩnh vực này[40].
Với Hiệp định TRIPs, chính phủ In-đô-nê-xi-a đã cải cách luật SHTT của quốc
gia bằng cách sửa đổi các quy chế hiện hành. In-đô-nê-xi-a đã ban hành hầu hết các
luật điều chỉnh lĩnh vực SHTT và thực thi quyền SHTT. In-đô-nê-xi-a cũng đã kí kết
các thỏa thuận song phương về bảo hộ quyền tác giả với một số nước phương Tây,
trong đó có Mỹ, Australia và các nước EU, … Như vậy có thể thấy rằng với việc phê
chuẩn Hiệp định TRIPs/WTO, chính phủ In-đô-nê-xi-a đã có những thay đổi quan
trọng về mặt lập pháp và thể chế để cải thiện và thúc đẩy hoạt động thực thi quyền
SHTT hiệu quả hơn.
- Thể chế thực thi quyền SHTT ở Ma-lai-xi-a[67]
Hệ thống pháp luật Ma-lai-xi-a là sự hòa hợp giữa những đặc điểm của hệ
thống Thông luật của Anh và những điều chỉnh cụ thể phù hợp với đặc điểm của đất
nước Ma-lai-xi-a. Cơ quan lập pháp của nước này ban hành một loạt các luật, đạo luật
điều chỉnh các đối tượng liên quan đến tài sản trí tuệ phù hợp với thực tế địa phương
và các điều ước quốc tế mà Ma-lai-xi-a kí kết, tham gia. Ma-lai-xi-a cũng đã xây dựng
một Chính sách quốc gia về SHTT. Chính phủ Ma-lai-xi-a cam kết cung cấp bảo vệ
đầy đủ cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hệ thống luật pháp về SHTT của Ma-
lai-xi-a phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
- Thể chế thực thi quyền SHTT ở Xin – ga – po[69]
Hệ thống pháp luật SHTT của Xin – ga - po được xây dựng toàn diện và phù
hợp với các tiêu chuẩn của TRIPs từ năm 1999. Xin – ga - po đã ban hành hầu hết các
luật điều chỉnh các đối tượng của quyền tác giả, quyền kề cận, đối tượng quyền SHCN
và giống cây trồng mới. Các quy chế, quy định cũng được chính phủ nước này ban
hành để điều chỉnh các lĩnh vực SHTT liên quan.
Song song với điều đó, chính sách quốc gia về SHTT được quốc gia này triển
khai với việc nâng cao năng lực thể chế và hiệu quả của các cơ quan thực thi pháp luật
đã mang lại những kết quả rõ rệt. Xin – ga - po nhiều năm liên tiếp là quốc gia hàng
đầu Châu Á về thực thi quyền SHTT theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn
kinh tế thế giới.
- Thể chế thực thi quyền SHTT ở Thái Lan[71]
Cũng như tình trạng chung của các nước trong khu vực, chính sách pháp luật
và hoạt động thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Thái Lan vẫn bị đánh giá là yếu
kém. Trong những năm qua hoạt động lập pháp, xây dựng thể chế về thực thi quyền
SHTT ở quốc gia này đã có những bước cải thiện đáng kể.
Hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật của Thái Lan đã sớm có các quy định
về quyền sở hữu nói chung, quyền SHTT và thực thi quyền SHTT nói riêng. Chính
phủ Thái Lan cũng đã xây dựng nhiều đề án về mặt lập pháp được xem là tích cực
nhất trong khu vực Đông Nam Á nhằm tạo thuận lợi cho những nỗ lực thực thi pháp
luật. Thái Lan cũng là quốc gia tham gia hơn 20 công ước, hiệp ước quốc tế trực tiếp
hoặc gián tiếp quy định về SHTT và thực thi quyền SHTT.
1.2.2. Các quy định về thiết chế thực thi quyền SHTT
Thiết chế ở đây ý nói là hệ thống bộ máy các cơ quan, tổ chức( hệ thống bộ
máy nhà nước là trung tâm) được thiết lập trên cơ sở một thể chế nhất định nhằm bảo
đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quản lý mọi hoạt động của xã hội theo mục tiêu,
yêu cầu của giai cấp thống trị đề ra [35, 323]. Thiết chế thực thi quyền SHTT chính là
các cơ quan, tổ chức được thiết lập nhằm thực thi các vấn đề liên quan đến quyền
SHTT.
Pháp luật Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, TháiLan đều có
các quy định cụ thể về các thiết chế thực thi này.
1.2.2.1. Thiết chế thực thi quyền SHTT ở Việt Nam
Ở Việt Nam, việc thực thi quyền SHTT thuộc nhiệm vụ của nhiều cơ quan,
bao gồm: Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Bản quyền tác giả( Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch), cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Công an,
Hải quan, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền[23, 173,174].
1.2.2.2. Thiết chế thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po
và Thái Lan
* Thiết chế thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a [66]
Hoạt động thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a thuộc thẩm quyền của nhiều
cơ quan khác nhau: Tổng cục SHTT( DGIPR), Cảnh sát quốc gia, tòa án, hải quan.
- Thiết chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Ma-lai-xi-a [68]
Hoạt động thực thi quyền SHTT ở Ma-lai-xi-a thuộc thẩm quyền của nhiều cơ
quan khác nhau, bao gồm: Tổng công ty SHTT (MyIPO), Bộ Thương mại và Tiêu
dùng trong nước, Cảnh sát, Tòa án SHTT và hải quan quốc gia.
- Thiết chế thực thi quyền SHTT ở Xin-ga-po[70]
Hoạt động thực thi quyền SHTT ở Xin-ga-po thuộc nhiệm vụ của nhiều cơ
quan khác nhau của chính phủ: Văn phòng SHTT Xin-ga-po (IPO), Chi nhánh sở hữu
trí tuệ thuộc Lực lượng cảnh sát Xin-ga-po (IPRB), Lực lượng Hải quan, Tòa án…
- Thiết chế thực thi quyền SHTT ở Thái Lan[72]
Hoạt động thực thi quyền SHTT ở Thái Lan thuộc nhiệm vụ của nhiều cơ quan
khác nhau: Cục SHTT Thái Lan; Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; Tòa án Trung ương về
SHTT và Thương mại quốc tế( CIPIT); Hải quan Hoàng gia Thái Lan.
1.2.3. Yếu tố con ngƣời trong quá trình thực thi quyền SHTT
Lý luận và thực tiễn chỉ ra rằng quy định của luật pháp dù có hoàn thiện và
ngày càng tiệm cận gần với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội mà không có
một bộ máy thực thi với những con người thực thi có năng lực thì quy định đó cũng
không thể phát huy được hiệu quả điều chỉnh của nó.
Trong thời đại ngày nay, gần như bất kỳ quốc gia nào, dù ở trình độ phát triển
cao hay thấp đều đặt yếu tố con người lên hàng đầu trong hoạt động thực thi quyền.
Chiến lược SHTT quốc gia và chương trình hợp tác về SHTT của các nước
ASEAN đều đề cao hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và hợp tác đào
tạo nguồn lực thi hành pháp luật về SHTT.
1.2.4. Mối quan hệ tƣơng tác giữa các bộ phận cấu thành cơ chế thực thi
quyền SHTT
Trong cơ chế thực thi quyền SHTT thì các yếu tố thể chế, thiết chế, con người
đều có mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời, yếu tố trước làm tiền đề cho yếu tố
sau và yếu tố sau bổ sung để hoàn thiện yếu tố trước.
1.3. Cơ chế giải quyết các tranh chấp về SHTT
Trên cơ sở yêu cầu thực thi quyền SHTT theo hiệp định TRIPs, các quốc gia
đều xây dựng cho mình một cơ chế giải quyết tranh chấp về SHTT phù hợp với điều
kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của quốc gia mình. Về cơ bản, giải quyết tranh chấp về
SHTT có các cơ chế sau: cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính tài phán (bao gồm tố
tụng tòa án và trọng tài); cơ chế giải quyết tranh chấp không mang tính tài phán
(tham vấn, môi giới, trung gian hòa giải) và các cơ chế giải quyết khác. Trong phần
này chủ yếu trình bày cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính tài phán.
1.3.1. Cơ chế giải quyết tranh chấp về SHTT theo pháp luật Việt Nam
Pháp luật Việt Nam quy định các cơ chế giải quyết tranh chấp về quyền SHTT
khá phong phú, phù hợp với thực tiễn quốc tế từ cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài
con đường tài phán (thương lượng, hòa giải…) đến cơ chế tài phán ( theo thủ tục tố
tụng tại TAND, trọng tài…).
1.3.2. Cơ chế giải quyết tranh chấp về SHTT theo pháp luật In-đô-nê-xi-a,
Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và Thái Lan
- Cơ chế giải quyết tranh chấp về SHTT theo pháp luật In-đô-nê-xi-a[66]
Việc giải quyết tranh chấp ở In-đô-nê-xi-a được tiến hành theo nhiều cách
thức khác nhau: giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính, biện pháp dân sự,
biện pháp hình sự, giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải và các biện pháp
giải quyết tranh chấp khác.
- Cơ chế giải quyết tranh chấp về SHTT theo pháp luật Ma-lai-xi-a[68]
Các tranh chấp về SHTT ở Ma-lai-xi-a được giải quyết bằng các biện pháp
kiện dân sự, biện pháp hình sự, hành chính và các biện pháp giải quyết tranh chấp
khác.
- Cơ chế giải quyết tranh chấp về SHTT theo pháp luật Xin-ga-po[70]
Các tranh chấp về quyền SHTT được giải quyết bằng các biện pháp kiện dân
sự, biện pháp hình sự và hành chính.
- Cơ chế giải quyết tranh chấp về SHTT theo pháp luật Thái Lan[72]
Thái Lan duy trì một hệ thống các cơ quan và các biện pháp giải quyết tranh
chấp đa dạng bao gồm hòa giải và trọng tài thuộc thẩm quyền của DIP và các cơ chế
giải quyết tranh chấp bằng kiện dân sự, hình sự.
* Cùng với các cơ chế giải quyết tranh chấp nêu trên thì giải quyết tranh chấp
bằng trọng tài và trung gian hòa giải đều là phương thức giải quyết tranh chấp cho
hiệu quả cao.
1.4. Vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc thực thi quyền SHTT trong hoàn thiện
pháp luật và phát triển kinh tế quốc gia
1.4.1. Vị trí của quy định về thực thi quyền SHTT trong hệ thống pháp
luật quốc gia
Vị trí của chế định về thực thi quyền SHTT trong hệ thống pháp luật của các
quốc gia là không giống nhau
Theo pháp luật Việt Nam chế định thực thi quyền SHTT được quy định ở
nhiều các văn bản luật và văn bản dưới luật.
Quy định thực thi quyền SHTT trong hệ thống pháp luật, bên cạnh việc quy
định khá đầy đủ các nội dung của quyền SHTT thì luật của các quốc gia In-đô-nê-xi-a,
Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan đều quy định khá chi tiết, cụ thể về hoạt động thực
thi quyền SHTT của các cơ quan có thẩm quyền trong các luật chuyên ngành điều
chỉnh các đối tượng cụ thể của quyền SHTT và các quy chế hoạt động của các cơ
quan thực thi.
1.4.2. Ý nghĩa của việc thực thi quyền SHTT trong hoàn thiện pháp luật
và phát triển kinh tế quốc gia
Việc thực thi quyền SHTT hiệu quả là tiền đề quan trọng để hệ thống quy
phạm pháp luật về SHTT không ngừng được bổ sung, hoàn thiện dần tiệm cận và
tương thích với hệ thống pháp luật quốc tế.
Hoạt động thực thi quyền SHTT hiệu quả góp phần kích thích nền kinh tế sáng
tạo là nhân tố đem lại sự tăng trưởng kinh tế không chỉ cho chủ thể sở hữu mà còn cho
toàn xã hội. SHTT là phương tiện đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia. Việc
tuân thủ hệ thống quản lý SHTT là cách thức để các nước đang phát triển tiếp cận bền
vững hơn với các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ và hội nhập kinh tế quốc
tế[28]
Kết luận: SHTT và thực thi quyền SHTT ngày càng có vai trò quan trọng
trong phát triển kinh tế không chỉ ở các nước phát triển cả ở các nước đang và kém
phát triển. Ngoại trừ Xin-ga-po đã có một hệ thống pháp luật và hệ thống thực thi
quyền SHTT tương đối hoàn thiện, hoạt động khá hiệu quả thì In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-
xi-a, Thái Lan và Việt Nam đều đang có những nỗ lực đáng kể nhằm hoàn thiện về
mặt lập pháp và thể chế, tăng cường năng lực thực thi quyền SHTT. Dựa trên nền tảng
các nội dung bảo hộ tối thiểu do TRIPs đặt ra, hệ thống pháp luật của các quốc gia
này không ngừng được sửa đổi, hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt
động thực thi quyền SHTT.
Chƣơng 2: PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Ở VIỆT NAM VÀ Ở MỘT SỐ QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á
2.1. Pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở Việt Nam
2.1.1. Tổng quan về pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở Việt
Nam
Hệ thống pháp luật Việt Nam về SHTT và thực thi quyền SHTT tương đối đầy
đủ, hoàn thiện so với yêu cầu của TRIPs/WTO.Về cơ bản hệ thống pháp luật Việt
Nam đã quy định khá đầy đủ về xác lập, bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Trong luật
tố tụng, pháp luật có các quy định cụ thể về các biện pháp thực thi chủ yếu theo các
thủ tục hình sự, dân sự, hành chính và bảo đảm cho các bên có liên quan có quyền tiếp
cận dễ dàng theo yêu cầu tối thiểu của hiệp định TRIPs.
Thực tiễn cho thấy thực thi quyền SHTT của Việt Nam được đánh giá là một trong
những khâu yếu nhất. Tình trạng chủ sở hữu quyền, doanh nghiệp và đa số người dân chưa
hiểu biết về SHTT là phổ biến. Hoạt động xác lập quyền, hành vi xâm phạm quyền SHTT
và hoạt động ngăn chặn, xử lý vi phạm quyền SHTT còn nhiều bất cập. Ý thức tuân thủ
pháp luật SHTT của người dân còn thấp.
2.1.2. Các nội dung cụ thể của việc thực thi quyền SHTT ở Việt Nam
2.1.2.1. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của cơ quan hành chính
Hoạt động thực thi quyền SHTT của các cơ quan hành chính được xem xét chỉ
bao gồm: hoạt động đăng ký xác lập quyền SHTT và hoạt động phát hiện, xử lý vi
phạm quyền SHT.
* Hoạt động đăng ký xác lập quyền SHTT: Hoạt động đăng ký xác lập quyền
SHTT tập trung chủ yếu vào hoạt động của Cục Bản quyền tác giả và Cục SHTT.
Theo số liệu thống kê của Cục kể từ năm 1986 đến nay Cục đã tiếp nhận và
cấp trên 20.000 giấy Chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy Chứng nhận đăng ký
quyền liên quan cho các chủ sở hữu quyền.
Hoạt động trọng tâm của Cục SHTT là xác lập quyền SHCN. Nếu năm 2005
số lượng đơn nộp tại Cục SHTT là 21.548 đơn thì năm 2010 tăng lên 62.104 đơn các
loại.
Qua số liệu báo cáo về hoạt động SHTT của Cục SHTT trong giai đoạn 2005-
2010 có thể thấy rằng hoạt động tiếp nhận đơn, xử lý cũng như cấp Văn bằng bảo hộ
của Cục SHTT là khá lớn.
* Hoạt động phát hiện và xử lý vi phạm quyền SHTT: Trước thực tế tình hình
xâm phạm quyền SHTT ngày càng có dấu hiệu phổ biến, mức độ phức tạp, nghiêm
trọng của tình hình xâm phạm quyền SHTT ngày càng có dấu hiệu gia tăng[8, 127] thì
hoạt động của các cơ quan công an, thanh tra chuyên ngành về SHTT, quản lý thị
trường trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp xâm phạm quyền tác
giả, quyền SHCN có ý nghĩa quan trọng.
Theo báo cáo sơ kết công tác phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán
hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ của Bộ Công an, trong 5 năm (2002-2007), lực
lượng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế của 43 địa phương đã phát hiện 1.092 vụ sản
xuất, buôn bán hàng giả.
Trong năm 2009, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh
tế và chức vụ cũng đã điều tra, phát hiện và bắt giữ 76 vụ; khởi tố nhiều đối tượng có
các hành vi sản xuất, buôn bán các hàng hóa giả mạo SHTT.
2.1.2.2. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của tòa án
Hoạt động của cơ quan tư pháp trong bảo đảm thực thi quyền SHTT ở Việt
Nam thuộc nhiều cơ quan khác nhau. Ở đây chỉ xem xét hoạt động của cơ quan tòa án
trong thụ lý, xét xử các vụ, việc liên quan đến tài sản trí tuệ theo các thủ tục hình sự,
dân sự và hành chính mà cơ bản nhất vẫn là xét xử theo thủ tục dân sự.
Từ năm 2000 đến 2005, toàn ngành tòa án đã thụ lý 93 vụ tranh chấp về SHTT:
đã giải quyết 61 vụ (16 vụ đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc rút đơn kiện; 12 vụ hòa giải thành;
đưa ra xét xử 33 vụ). Từ năm 2006 đến năm 2009, toàn ngành đã thụ lý 108 vụ tranh chấp
quyền SHTT; trong đó: đã giải quyết 57 vụ( chuyển hồ sơ 4 vụ, đình chỉ 16 vụ; công nhận
sự thỏa thuận 11, đã xét xử 25). Như vậy, số liệu giai đoạn 2006 đến 2009 cho thấy mặc
dù luật SHTT đã được ban hành và có hiệu lực nhưng tình hình giải quyết các tranh chấp
của TAND các cấp không có nhiều chuyển biến.
Nguyên nhân: Thứ nhất, người dân còn mang nặng tâm lý ngại ra tòa. Thứ
hai, một số đối tượng quyền SHTT thuộc lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến bí mật
kinh doanh, hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp cũng là một cản trở chủ sở hữu
quyền tìm đến tòa án. Thứ ba, các vụ việc liên quan đến SHTT rất phức tạp và
nhiều trường hợp phải kéo dài thời gian thụ lý, giải quyết. Thứ tư, việc thiếu các
thẩm phán có đủ năng lực và trình độ chuyên sâu về SHTT đã làm cản trở hoạt
động xét xử của tòa án. Thứ năm, tình trạng hành chính hóa các quan hệ dân sự.
2.1.2.3. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của hải quan
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan năm
2005 và Luật SHTT, cơ quan Hải quan có quyền thực hiện các biện pháp kiểm soát
hàng hóa XNK liên quan đến bảo hộ quyền SHTT. Theo đánh giá của Tổng cục Hải
quan, cơ sở pháp lý và quy định trình tự, thủ tục về bảo hộ quyền SHTT tại biên giới
đã tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động
thực thi quyền SHTT thông qua kiểm soát biên giới của hải quan trong thời gian qua
vẫn tồn tại những hạn chế nhất định.
2.1.2.4. Các hoạt động thực thi quyền SHTT khác
* Bên cạnh hoạt động thực thi quyền SHTT của các cơ quan hành chính, tư
pháp, hải quan thì các hoạt động thực thi khác, bao gồm: hoạt động phối hợp giữa các
cơ quan thực thi và công chúng, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về SHTT
cũng đóng vai trò quan trọng.
2.1.3. Những vấn đề vƣớng mắc trong quá trình thực thi quyền SHTT ở
Việt Nam
Thực tiễn thực thi quyền SHTT ở Việt Nam trong thời gian qua nổi lên các
vấn đề sau:
Thứ nhất, về hoạt động quản lý, xác lập quyền SHTT.
Thứ hai, hoạt động phát hiện, ngăn chặn, xử lý và hoạt động phối hợp giữa các
cơ quan thực thi pháp luật.
Thứ ba, về hoạt động của tòa án.
Thứ tư, hoạt động kiểm soát biên giới
2.2. Pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a
2.2.1. Tổng quan về pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở In-đô-
nê-xi-a [66]
Hệ thống pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ của In-đô-nê-xi-a từng
bước được hoàn thiện và dần tương thích với các nghĩa vụ TRIPs đề ra. In-đô-nê-xi-a
cũng sớm xây dựng Chính sách quốc gia về SHTT (IPNP).
Mặc dù đã có những nỗ lực trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng
như nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật về SHTT nhưng nhìn chung
tình trạng vi phạm quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a vẫn là vấn đề nóng và ảnh hưởng
không nhỏ tới sự phát triển kinh tế cũng như hình ảnh của đất nước đối với thế giới.
2.2.2. Các nội dung cụ thể của việc thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a
2.2.2.1. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của cơ quan hành
chính
* Hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT: Tổng cục SHTT( DGIPR) In-đô-
nê-xi-a là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng đăng ký các vấn đề liên quan đến
quyền tác giả, và quyền sở hữu công nghiệp. Theo thống kê của DGIPR thì số lượng
đăng ký về ứng dụng nhãn hiệu thương mại và Nhãn hiệu dịch vụ từ 2000-2009 đã
liên tục tăng.
Bên cạnh việc thực hiện các chức năng của mình thì việc thực thi quyền SHTT
của DGIPR thuộc nhiệm vụ của các điều tra viên( CSI/PPNS).
* Hoạt động phát hiện và xử lý vi phạm quyền SHTT
- Nhóm đặc trách quốc gia về SHTT: Trong năm 2006 Nhóm Đặc trách quốc
gia về SHTT được thành lập theo nghị định của tổng thống để thực thi quyền SHTT ở
In-đô-nê-xi-a. Đội đặc nhiệm này là một cơ thể đa ngành, gồm đại diện từ các Bộ
khác nhau.
- Lực lượng cảnh sát: Cảnh sát In-đô-nê-xi-a đã có những tiến bộ đáng kể, đặc
biệt liên quan đến đĩa quang. Tuy nhiên hầu hết các hành động của cảnh sát chỉ giới
hạn trong việc giải quyết vi phạm bản quyền và các hình phạt được quy định trong
luật là không đáng kể và không ngăn chặn xâm phạm.
2.2.2.2. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của tòa án
Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp SHTT thuộc thẩm quyền
của tòa án thương mại. Hiện tại, In-đô-nê-xi-a có 5 tòa án thương mại được thành lập:
tòa án thương mại trung ương Jakata, tòa án thương mại Semarang, tòa án thương mại
Surabaya, tòa án thương mại Medan và tòa án thương mại Makasar.
Hoạt động của tòa án trong việc giải quyết các trường hợp xâm phạm quyền
SHTT là không hiệu quả. Rất ít trong hàng trăm báo cáo vi phạm bản quyền của lực
lượng cảnh sát được đưa ra trước tòa án. Hơn nữa, có sự thiếu minh bạch về các
trường hợp và kết quả vụ án; tiền phạt rất thấp và không có tính ngăn chặn[52, 50].
2.2.2.3. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua hoạt động của hải
quan[42]
Theo luật Hải quan(luật số 10/1995, sửa đổi theo luật số 17 năm 2006), lực
lượng hải quan In-đô-nê-xi-a có thẩm quyền để thực thi quyền SHTT(IPR) bằng biện
pháp kiểm soát biên giới.
Các biện pháp biên giới đặc biệt đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm
quyền SHTT khác( như vi phạm bằng sáng chế, quyền đối với giống cây trồng, thiết
kế bố trí, chỉ dẫn địa lý …) được thực hiện theo quy chế của Chính phủ.
2.2.3. Những vấn đề vƣớng mắc trong quá trình thực thi quyền SHTT ở In-đô-
nê-xi-a [40]
- Thứ nhất, trong cơ chế thực thi quyền SHTT thiếu sự phối hợp giữa các cơ
quan liên quan.
- Thứ hai, nhìn chung cán bộ thực thi trong các cơ quan thực thi quyền SHTT
còn thiếu kiến thức và nhận thức giá trị của quyền SHTT.
- Thứ ba, ngân sách hạn chế cho công tác phổ biến, thi hành và cơ sở hạ tầng
cho hoạt động thực thi cũng làm hạn chế năng lực thực thi của cán bộ và cơ quan hữu
quan.
- Cuối cùng, điều kiện xã hội và văn hóa của In-đô-nê-xi-a gây nhiều cản trở
cho hoạt động thực thi.
2.3. Pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở Ma-lai-xi-a
2.3.1. Tổng quan về pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở Ma-lai-
xi-a [67]
Hệ thống pháp luật Ma –lai –xi –a dựa trên cơ sở truyền thống pháp luật án lệ(
common law). Trong thời gian qua chính phủ Ma- lai-xi- a đã có những nỗ lực đáng
kể trong việc hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT.
Nhìn chung hệ thống pháp luật Ma-lai- xi- a về SHTT cơ bản tương thích, phù hợp
với các yêu cầu của TRIPs/WTO.
2.3.2. Các nội dung cụ thể của việc thực thi quyền SHTT ở Ma-lai-xi-a
2.3.2.1. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của cơ quan hành chính
* Hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT: Văn phòng SHTT Ma-lai- xi- a
(MyIPO) thuộc Bộ thương mại và tiêu dùng trong nước là cơ quan có chức năng:
Đảm bảo các quy định của pháp luật về SHTT được quản lý và thực thi phù hợp; cung
cấp dịch vụ, lệ phí và các khoản phí khác theo quy định của pháp luật SHTT…Trong
giai đoạn 2006 -2010 MyIPO đã cấp 21.620 Văn bằng bảo hộ đối với sáng chế;
98.362 nhãn hiệu thương mại và 8.150 kiểu dáng công nghiệp được đăng ký.
* Hoạt động phát hiện và xử lý vi phạm quyền SHTT:- Bộ phận thực thi của Bộ
Thương mại và tiêu dùng trong nước: Theo đạo luật Bản quyền, Đội ngũ cán bộ của
MDTCC được bổ nhiệm để thi hành đạo Luật và được trao quyền để vào cơ sở bị nghi là
có dấu hiệu sản xuất hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Năm 2009, MDTCC đã xử lý 409
trường hợp liên quan đến hàng giả, 902 trường hợp liên quan đến bản quyền và 4.130
trường hợp về bí mật kinh doanh [49,27].
MDTCC thường xuyên phối hợp với các cơ quan chính phủ như cảnh sát, hải
quan, tổng chưởng lý, MyIPO để tiến hành các hoạt động thực thi quyền SHTT trọng
tâm.
2.3.2.2. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của tòa án [50]
Tháng 7/2007, tòa án về SHTT được thành lập tại 15 bang để xét xử các trường
hợp liên quan đến SHTT và 06 tòa án cấp cao tại các bang: Kuala Lumpur, Selangor,
Johor, Perak, Sabah và Sarawak để xem xét các trường hợp vi phạm quyền SHTT.
Trong năm 2005 tòa án Ma-lai- xi- a chỉ giải quyết được 14% các trường hợp
liên quan đến SHTT do tòa thụ lý. Khi tòa án SHTT được thành lập số vụ án do tòa
này giải quyết đã tăng lên khoảng 70%. Sự ra đời của tòa án SHTT ở Ma-lai- xi- a là
một cột mốc quan trọng phản ánh những nỗ lực trong việc cải thiện tình hình thực thi
quyền SHTT, góp phần giáo dục công chúng tôn trọng quyền SHTT, tạo thuận lợi cho
phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
2.3.2.3. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của hải quan [42]
Lực lượng hải quan hoàng gia Malaysia là cơ quan có thẩm quyền thực thi
quyền SHTT bằng việc tạm giữ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thương mại theo quy
định tại phần thứ XIVA( điều 70C- 70P) của Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa 1976 (đã
được sửa đổi bởi Đạo luật A1138 năm 2002) về các biện pháp kiểm soát biên giới.
Cùng với việc thiết lập các cơ quan thực thi quyền SHTT ở nội địa thì việc
hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thực thi tại biên giới của cơ quan hải quan
cũng là những nỗ lực đáng kể của chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cán bộ hải
quan được đào tạo chuyên sâu về SHTT là trở ngại làm giảm hiệu quả hoạt động của
lực lượng này.
Thực tế các hoạt động thực thi nói chung và kiểm soát biên giới nói riêng
thường dựa trên cơ sở khiếu nại của chủ sở hữu quyền hoặc người có quyền lợi liên
quan. Một nguyên nhân gây khó khăn cho hoạt động thực thi của cơ quan hải quan là
không phải lúc nào chủ thể quyền cũng đều có sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan này.
2.3.3. Những vấn đề vƣớng mắc trong quá trình thực thi quyền SHTT ở Ma-lai-
xi-a [49, 28, 29]
Thứ nhất, mặc dù tòa án SHTT đã được thành lập năm 2007, tuy nhiên đương
sự vẫn gặp phải sự chậm trễ quá mức trong quá trình tòa án giải quyết vụ việc. Trình
độ của thẩm phán và tính phức tạp của tranh chấp về SHTT đã gây nên tình trạng kéo
dài thời gian giải quyết.
Thứ hai, trong nhiều trường hợp chủ sở hữu quyền SHTT không được cung
cấp đầy đủ các điều kiện để truy tố vụ án tại tòa án (như nhân chứng chuyên môn
hoặc hỗ trợ chuyên nghiệp để tạo thuận lợi cho việc truy tố).
Thứ ba, nhận thức của công chúng thấp và việc thiếu sự hợp tác của chủ sở
hữu quyền đối với các cơ quan thực thi cũng làm giảm hiệu quả thực thi.
Thứ tư, các bản án của tòa án và mức phạt tiền thấp không có tính chất ngăn
chặn hành vi tiếp tục tiếp diễn.
Thứ năm, hàng giả và vi phạm bản quyền trở thành tội phạm có tổ chức kiểm
soát bởi các tập đoàn và hiện đang có sự thiếu hiệu quả của pháp luật để chống lại
cách tiếp cận mới.
2.4. Pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở Xin-ga-po
2.4.1. Tổng quan về pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở Xin-ga-
po [69]
Hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về SHTT nói riêng của Xin-ga-po
tương đối vượt trội so với các quốc gia còn lại của ASEAN. Bên cạnh hệ thống pháp
luật quốc gia thì các hiệp định, hiệp ước mà Xin-ga-po ký kết với các quốc gia, các tổ
chức quốc tế và khu vực có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với việc thực thi các
nghĩa vụ mà Xin-ga-po là một bên ký kết. Cho đến nay Xin-ga-po đã tham gia hơn 20
các điều ước quốc tế liên quan đến SHTT.Pháp luật Xin-ga-po đã hoàn toàn tuân thủ
các yêu cầu của Hiệp định TRIPS từ năm 1999.
Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2007
Xin-ga-po xếp hạng thứ 2 thế giới cho việc thực thi đầy đủ các quyền SHTT. Theo
Liên minh Phần mềm doanh nghiệp, tỷ lệ vi phạm phần mềm của Xin-ga-po đã giảm
dần trong vài năm qua.
2.4.2. Các nội dung cụ thể của việc thực thi quyền SHTT ở Xin-ga-po [47]
2.4.2.1. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của cơ quan hành
chính
* Hoạt động đăng ký xác lập quyền SHTT: Văn phòng SHTT Xin-ga-po (IPO)
được thành lập vào 4/2001 là cơ quan chính phủ có nhiệm vụ tư vấn và thực thi pháp
luật về SHTT; thúc đẩy nhận thức của công chúng về tài sản trí tuệ và cung cấp cơ sở
hạ tầng để tạo điều kiện phát triển tài sản trí tuệ tại Xin-ga-po. IPO giữ vai trò quan
trọng trong việc tư vấn về SHTT cho quốc gia trong các cuộc đàm phán ký kết Hiệp
định thương mại tự do với các nước khác[47, 36].
Số lượng bằng sáng chế từ năm 2005 – 2010 nộp tại Xin-ga-po là 47.230;
trong đó số bằng sáng chế trong nước là 3.882 (chiếm 8,2%), số bằng sáng chế do
người nước ngoài nộp là 43.348. Trong khoảng 10 năm, số lượng bằng sáng chế nộp
tại Xin-ga-po tăng gần 50%. Số liệu cho thấy chính sách SHTT và những cam kết bảo
vệ SHTT của chính phủ đã mang lại những phát triển đáng kể trong việc đăng ký, xác
lập quyền SHTT.
* Hoạt động ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT: Tháng
01/2000, Xin-ga-po thành lập Chi nhánh SHTT (IPRB) thuộc Lực lượng cảnh Xin-ga-
po để thực thi tốt hơn các quy định hình sự của đạo luật Bản quyền và luật Nhãn hiệu.
IPRB hợp tác chặt chẽ với chủ sở hữu quyền trong việc thực thi đó. Từ năm 2000,
IPRB đã thực hiện nhiều cuộc tấn công liên quan đến bản quyền và nhãn hiệu thương
mại.
2.4.2.2. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của tòa án
Tòa án ở Xin-ga-po được chia thành hai cấp tòa án là tòa án tối cao và tòa án
cấp dưới. Tòa án cấp dưới được chia thành nhiều tòa khác nhau.
Tháng 9 năm 2002, Xin-ga-po thành lập tòa án SHTT (thuộc tòa án tối cao) để
giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền SHTT. Thẩm phán và các ủy viên tư
pháp thuộc tòa án SHTT được bổ nhiệm phải là những người có chuyên môn và kinh
nghiệm trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến SHTT. Thủ tục dân sự, các
biện pháp tạm thời, lệnh, huấn thị để ngăn ngừa kịp thời hành vi xâm phạm quyền
SHTT và/hoặc bảo vệ các chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm; thủ tục hình sự,
các hình phạt mang tính chất răn đe như phạt tù, phạt tiền, tạm giữ, tịch thu, tiêu hủy
hàng hóa vi phạm, máy móc phương tiên sử dụng vào việc sản xuất hàng hóa…là khá
hiệu quả.
2.4.2.3. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của hải quan [42]
Các biện pháp thực thi được quy định tại điều 81-100 của luật Thương mại
1998, cũng như trong các quy định về nhãn hiệu thương mại (biện pháp thực thi biên
giới) năm 1999. Đạo luật Bản quyền (sửa đổi 2004) quy định các biện pháp thực thi
biên giới của hải quan Xin-ga-po (điều 140 – điều 141) trao thẩm quyền mặc nhiên
(ex-officio) cho lực lượng này khi hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu hoặc quá
cảnh qua biên giới.
Các biện pháp biên giới và các biện pháp khác được áp dụng cho hàng hóa
xâm phạm nhãn hiệu hoặc vi phạm bản quyền mà chưa có quy định cụ thể đối với các
đối tượng khác của quyền SHTT.
Xin-ga-po có một hệ thống các công cụ hỗ trợ hoạt động chuyên nghiệp tạo
thuận lợi cho thương mại và đã đạt được mục tiêu đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải
quan của WCO.
2.4.3. Những vấn đề vƣớng mắc trong quá trình thực thi quyền SHTT ở
Xin-ga-po
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của công chúng đối với tài sản trí tuệ. Hầu hết
người dân đều có nhận thức cao về tài sản trí tuệ và phản đối hành vi xâm phạm
quyền SHTT. Tuy nhiên, chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động nâng cao nhận thức của
công chúng đối với lĩnh vực này.
Thứ hai, tăng cường hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thực thi- phối hợp
giữa lực lượng thực thi tại biên giới và nội địa.
Thứ ba, tăng cường các biện pháp nhằm khuyến khích sự hợp tác giữa chủ sở
hữu quyền với các cơ quan thực thi quyền SHTT.
2.5. Pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở Thái Lan
2.5.1. Tổng quan về pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở Thái
Lan [71]
Hệ thống pháp luật Thái Lan dựa trên cơ sở hệ thống dân luật (civil law) và
ảnh hưởng của truyền thống luật án lệ (common law) và pháp luật Thái Lan cổ
điển[38]. Lĩnh vực pháp luật về SHTT và thực thi quyền SHTT được điều chỉnh chủ
yếu bởi các luật khác nhau.
Cũng như các quốc gia còn lại trong khối ASEAN, hoạt động thực thi quyền
SHTT của Thái Lan mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa
thực sự hiệu quả. Tình trạng vi phạm quyền SHTT vẫn diễn ra phổ biến và công khai.
2.5.2. Các nội dung cụ thể của việc thực thi quyền SHTT ở Thái Lan
2.5.2.1. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của cơ quan hành
chính
* Hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT:Cục SHTT Thái Lan (DIP) đã
được chính thức thành lập vào ngày 03/5/1992) với các nhiệm vụ chủ yếu phát triển
tài sản trí tuệ; tiếp nhận, xử lý cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT; xử lý khiếu nại;
tuyên truyền, giáo dục, đào tạo và hợp tác quốc tế… Hiện nay, có hơn 200 quan chức
chính phủ và 45 nhân viên.
Trong khoảng thời gian 5 năm (2006-2010), DIP đã tiếp nhận 27.602 đơn xin
cấp bằng sáng chế, trong đó số lượng đơn trong nước là 4.803 đơn, số lượng đơn do
nước ngoài nộp là 22.799 đơn; 48.388 đơn đối với thiết kế, trong đó số lượng đơn
trong nước nộp là 43.611 đơn, nước ngoài 4.777 đơn.
* Hoạt động phát hiện và xử lý vi phạm quyền SHTT: Cảnh sát Hoàng gia
Thái Lan phối hợp với Cục điều tra đặc biệt, Cục SHTT, Hải quan theo dõi các hoạt
động bất hợp pháp, đột kích, bắt giữ và tịch thu hàng hóa vi phạm. Các hoạt động của
lực lượng cảnh sát nhắm vào các cơ sở sản xuất trên quy mô lớn và bán buôn với tính
chất thương mại với mục đích loại bỏ các hàng hóa vi phạm tại đầu của chuỗi cung
ứng cho thị trường. Năm 2006, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ 9.575; năm 2007 là 7145
trường hợp; năm 2008 là 5923 trường hợp và 7613 trường hợp trong năm 2009.
2.5.2.2. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của tòa án [36]
Tòa án Trung ương về SHTT và Thương mại quốc tế được thành lập cuối năm
1996 và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/12/1997. CIPIT hoạt động theo các
nguyên tắc độc lập do Chánh án tòa án tối cao phê chuẩn nhằm đảm bảo tính hiệu quả
và linh hoạt.
Để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT, CIPIT chú trọng tới các hình
phạt cứng rắn. Hầu hết các trường hợp liên quan đến SHTT do CIPIT thụ lý đều là các
trường hợp áp dụng pháp luật và thủ tục tố tụng hình sự. Trong năm 2009 có 6.612
trường hợp vi phạm SHTT đã được nộp tại tòa án và chủ yếu liên quan đến việc làm
giả nhãn hiệu hàng hoá ( 2.166 trường hợp) và các hoạt động vi phạm bản quyền
(2.145 trường hợp); 10 trường hợp liên quan đến vi phạm bằng sáng chế. Trong tổng
số 7.703 trường hợp do CIPIT thụ lý( trong đó có 1.091 trường hợp của năm 2008) đã
giải quết được 6.815 trường hợp , có 119 trường hợp bị áp dụng hình phạt tù[44,6].
2.5.2.3. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của hải quan [42]
Lực lượng hải quan Hoàng gia Thái Lan chú trọng công tác thực thi biên giới
với việc ngăn chặn từ đầu hàng hóa xâm phạm quyền SHTT ở điểm xuất khẩu, nhập
khẩu. Bên cạnh việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục hải quan
Hoàng gia Thái Lan đã tích cực tham gia các cuộc hội thảo tập trung vào việc cải
thiện bảo vệ và thực thi quyền SHTT ở cấp độ khu vực và quốc tế. Hải quan Hoàng
gia Thái Lan thường xuyên tăng cường hợp tác với các đối tác tư nhân.
2.5.3. Những vấn đề vƣớng mắc trong quá trình thực thi quyền SHTT ở
Thái Lan [63]
Thứ nhất, sự phối hợp chưa hiệu quả giữa tòa án với các cán bộ điều tra trong
hoạt động phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.
Thứ hai, việc tiêu hủy hàng hóa xâm phạm quyền SHTT theo cách thức nào và
chi phí tiêu hủy cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong một số trường hợp chi
phí để tiêu hủy hàng hóa xâm phạm quyền SHTT là không nhỏ.
Thứ ba, giá thành cao của sản phẩm gốc, lợi nhuận thu được từ hành vi xâm
phạm quyền SHTT cũng như nhận thức của công chúng cũng là một cản trở đối với
hoạt động thực thi quyền SHTT.
Kết luận: Pháp luật về thực thi quyền SHTT của Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-
lai-xi-a, Xin-ga-po và Thái Lan cơ bản tương thích và đạt được các tiêu chuẩn bảo hộ
tối thiểu theo yêu cầu của TRIPs. Các hoạt động thực thi cũng được tăng cường và đạt
được những kết quả khác nhau. Bên cạnh các cam kết của chính phủ, việc xây dựng
một đất nước đề cao tài sản trí tuệ hướng tới xây dựng một đất nước có “văn hóa sở
hữu trí tuệ” là mục tiêu mà các quốc gia hướng tới.
Chƣơng 3: PHƢƠNG HƢỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ
THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ Ở VIỆT NAM
3.1. Phƣơng hƣớng hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT, thực thi
quyền SHTT
3.1.1. Đòi hỏi khách quan của việc hoàn thiện pháp luật về SHTT và thực
thi quyền SHTT
- Hoàn thiện pháp luật SHTT và thực thi quyền SHTT đáp ứng yêu cầu của sự
nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
- Hoàn thiện pháp luật SHTT và thực thi quyền SHTT trước những thách thức
của sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ.
- Hoàn thiện pháp luật SHTT và thực thi quyền SHTT trước đòi hỏi của xu thế
toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập khu vực và thế giới.
- Hoàn thiện pháp luật SHTT và thực thi quyền SHTT nhằm ngăn chặn, xử lý
có hiệu quả các hành vi xâm phạm quyền SHTT.
- Hoàn thiện pháp luật SHTT và thực thi quyền SHTT đáp ứng đòi hỏi của
việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
3.1.2. Những yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật về SHTT và nâng cao
hiệu quả thực thi quyền SHTT
Việc nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT phải đáp ứng được những yêu
cầu sau:
Thứ nhất, việc nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT phải đặt trong sự hoàn
thiện và hiệu quả việc thực thi pháp luật nói chung.
Thứ hai, hệ thống pháp luật SHTT phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, cụ
thể; tương thích với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Thứ ba, việc hoàn thiện cơ chế thực thi quyền SHTT phải tạo được sự phối kết
hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT và minh định rõ thẩm quyền cũng
như trách nhiệm của từng cơ quan thực thi đó.
Thứ tư, việc hoàn thiện pháp luật về SHTT, nâng cao năng lực thực thi quyền
SHTT phải đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền, nhà nước và xã hội;
3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT
3.2.1. Xây dựng chiến lƣợc quốc gia về phát triển và bảo vệ SHTT
Trong thời gian qua Việt Nam đã có một số chương trình hành động cụ thể
nhằm tăng cường năng lực thực thi cho các cơ quan thực thi pháp luật về SHTT. Tuy
nhiên, trước tình hình mới Việt Nam cần xây dựng một Chiến lược quốc gia về
SHTT. Trước mắt, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục giữ vai trò là cơ quan đầu mối
thực hiện Chương trình hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền
SHTT; triển khai xây dựng đề án Nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT. Trên cơ sở
các chương trình, đề án quốc gia về SHTT và học tập kinh nghiệm nước ngoài, Chính
phủ xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về SHTT của Việt Nam phù hợp với
điều kiện, đặc thù Việt Nam.
3.2.2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT
- Tiếp tục rà soát lại hệ thống các quy định pháp luật về SHTT đã ban hành,
các văn bản hướng dẫn thi hành. Hệ thống hóa các văn bản pháp luật, các văn bản
pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn cần sớm được loại bỏ;
- Việc xây dựng luật cần đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, thuận tiện, rõ ràng và
phải có tầm nhìn trung và dài hạn; đảm bảo tính ổn định, tránh tình trạng phải sửa đi
sửa lại nhiều lần gây tốn kém, không hiệu quả;
- Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật đã được quốc hội thông
qua những chưa được hướng dẫn. Nâng cao năng lực lập pháp của quốc hội; hướng
tới mô hình “ lập pháp trọn gói” – luật ban hành kèm nghị định hướng dẫn;
- Đối với các lĩnh vực mà chúng ta có ký kết các điều ước quốc tế song
phương hoặc đa phương cũng cần được nội luật hóa trên cơ sở các nguyên tắc của
pháp luật Việt Nam và tương thích với luật pháp quốc tế; hài hòa lợi ích của chủ sở
hữu quyền, nhà nước và xã hội.
3.2.3. Kiện toàn hệ thống các cơ quan nhà nƣớc về SHTT
Kiện toàn hệ thống các cơ quan quản lý về SHTT chú trọng ở các hoạt động
sắp xếp, tổ chức, cải tiến hoạt động thực thi quyền SHTT của các cơ quan này.
Về các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT chúng ta vẫn giữ nguyên mô hình
hiện tại nhưng sắp xếp lại cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi
cơ quan.
3.2.4. Nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT của các cơ quan hành
chính
Cơ quan quản lý thị trường:
- Kiện toàn tổ chức quản lý thị trường từ trung ương đến địa phương; xây
dựng bộ phận chuyên trách về chống hàng giả phù hợp với điều kiện từng địa phương;
- Nâng cao trình độ chuyên môn và kĩ năng phát hiện hàng giả cho các kiểm
soát viên;
- Tăng cường cơ sở vật chất, kĩ thuật phục vụ cho công tác phát hiện, xử lý
hàng giả; xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến thông suốt từ Cục đến các chi cục quản lý
thị trường.
* Lực lượng công an nhân dân:
- Tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ
trực tiếp làm nhiệm vụ phát hiện, xử lý các trường hợp xâm phạm quyền SHTT;
- Nghiên cứu, tiến tới thành lập lực lượng công an chuyên trách trong việc
ngăn chặn, xử lý các vụ án về SHTT;
- Tăng cường hợp tác với cơ quan công an các nước và tổ chức cảnh sát quốc
tế trong đấu tranh sản xuất, buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.
* Cơ quan hải quan
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các các văn bản pháp luật liên quan đến công
tác thực thi, bảo hộ quyền SHTT
- Kiện toàn tổ chức hải quan, trang bị cho cán bộ Hải quan chuyên trách các
kiến thức cơ bản về lĩnh vực SHTT và biện pháp, thủ tục thực thi bảo hộ quyền SHTT
tại cơ quan Hải quan.
- Tăng cường sự phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin chặt chẽ hơn giữa cơ
quan Hải quan và cơ quan quản lý nhà nước liên quan cũng như với chủ sở hữu quyền
SHTT.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng các tiêu chí thống kê trong lĩnh vực thực
thi bảo hộ quyền SHTT và yêu cầu làm tốt công tác thống kê ngay từ đầu.
3.2.5. Nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT của cơ quan tòa án
Để nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT của tòa án, trong thời gian tới
chúng ta cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
- Về pháp luật: cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về tố tụng dân
sự trong bộ luật TTDS; phân định rõ thẩm quyền; nghiên cứu, áp dụng thủ tục rút gọn
nhằm giảm thời gian, chi phí xét xử; quy định rõ về vấn đề bồi thường thiệt hại do
hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra; các chế tài cần được quy định rõ ràng, cá thể
hóa cho từng hành vi và đối tượng xâm phạm nhằm bảo vệ kịp thời, hiệu quả quyền,
lợi ích hợp pháp của chủ thể liên quan.
- Về tổ chức: cần nghiên cứu, xây dựng các tòa án chuyên trách ở một số
thành phố lớn với đội ngũ thẩm phán được đào tạo chuyên sâu về SHTT, có kỉ năng,
kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc về SHTT. Tăng cường cơ sở vật chất, xây
dựng cơ sở dữ liệu, tài nguyên SHTT cho phép tra cứu, nghiên cứu, viện dẫn các quy
định pháp luật về SHTT hiện hành của Việt Nam và các trung tâm SHTT uy tín trên
thế giới.
- Về đào tạo nhân lực: cần nâng cao năng lực xét xử, trình độ chuyên môn cho
đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư kí tòa án trong việc giải quyết, xét xử các
vụ việc dân sự, vụ án hình sự; các phiên tòa mẫu cần được tổ chức thường xuyên như
là một hoạt động thường kì mang tính chất tham khảo cho TAND các địa phương.
- Về phối hợp, cung cấp thông tin: cần có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp
và trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, xét
xử vụ án hình sự.
3.2.6. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT
Trong thời gian vừa qua các cơ quan thực thi quyền SHTT đã có sự phối kết
hợp trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền SHTT và đạt
được những kết quả khả quan. Từ thực tiễn hoạt động của các cơ quan hữu quan cần
xây dựng một cơ chế phối hợp thực thi quyền SHTT theo hướng:
- Xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan thực thi trong cơ chế phối hợp;
tránh tình trạng chồng chéo về chức năng và thẩm quyền;
- Xây dựng các nguyên tắc trong cơ chế phối hợp; quy định rõ trách nhiệm của
từng cơ quan, cán bộ thực thi;
- Xây dựng và quy định chức năng của cơ quan có vai trò điều phối chung đối
với hoạt động thực thi quyền SHTT;
- Xác định những phương thức, hình thức phối hợp chủ yếu của các cơ quan từ
kiểm soát biên giới đến thực thi trong nội địa; phân định rõ thẩm quyền theo địa giới
hành chính hoặc ngành hàng.
3.2.7. Tăng cƣờng phổ biến, giáo dục pháp luật về SHTT
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về SHTT nói
riêng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng, doanh
nghiệp đối với việc bảo vệ quyền SHTT.
Theo đó, trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật SHTT cần xác định rõ
đối tượng, mục đích, nội dung, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp.
Đối với hoạt động giáo dục, đào tạo về SHTT: cần đưa nội dung giáo dục về
SHTT vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng như một môn học bắt buộc.
Về đào tạo chuyên môn: Cục SHTT tiếp tục hoàn thiện chương trình, nội dung
đào tạo chuyên sâu về SHTT cho các đối tượng trong và ngoài cục
3.2.8. Hoàn thiện hệ thống thông tin, tăng cƣờng hợp tác, chia sẽ về SHTT
với các tổ chức khu vực và thiết chế quốc tế về SHTT
Đối với trong nước cần hoàn thiện trang tin điện tử của cục SHTT, Cục bản
quyền tác giả với nội dung phong phú, dễ dàng tra cứu, sử dụng và thường xuyên
được cập nhật.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật, kinh
nghiệm xử lí các trường hợp liên quan đến SHTT đối với các cơ quan SHTT quốc gia
và quốc tế: cơ quan sáng chế Nhật Bản( JPO, cơ quan sáng chế Châu Âu( EPO), Cơ
quan Sáng chế & Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) và các tổ chức của WIPO…
Tiếp tục thực hiện các Chương trình hợp tác về bảo hộ quyền SHTT trong các
nước ASEAN, Dự án tài trợ cho ASEAN về bảo hộ quyền SHTT (ECAP III) do Liên
minh Châu Âu tài trợ; hoàn thiện hệ thống Cổng điện tử về sở hữu trí tuệ (SHTT) của
ASEAN (ASEAN IP Portal) …
KẾT LUẬN
Hoàn thiện hệ thống pháp luật SHTT và có một cơ chế bảo hộ, thực thi quyền
SHTT hiệu quả trở thành điều kiện để các quốc gia hội nhập vào nền kinh tế thế giới,
tạo động lực cho sự phát triển, thịnh vượng của kinh tế quốc gia. Thực tế chứng minh
rằng ở đâu tài sản trí tuệ được bảo vệ thì ở đó hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, đầu tư
và chuyển giao công nghệ phát triển. Việt Nam cũng như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a,
Xin-ga-po, Thái Lan đã có những nỗ lực đáng kể trong việc hoàn thiện pháp luật và
xây dựng một cơ chế thực thi quyền SHTT đáp ứng các yêu cầu cơ bản của TRIPs.
Việt Nam là thành viên của WIPO từ năm 1976 và năm 2007 Việt Nam trở
thành thành viên chính thức thứ 150 của WTO, những cơ hội đặt ra với Việt Nam là
không nhỏ, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt cũng rất lớn. Đặc biệt trong
lĩnh vực SHTT, việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nâng cao năng lực thực thi
quyền SHTT trở thành một yêu cầu đòi hỏi phải có sự nỗ lực không chỉ của chính phủ
mà cần phải có sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp, các chủ sở hữu quyền và
người dân. Chính vì vậy, kết quả nghiên cứu về pháp luật và đặc biệt là thực tiễn thực
thi quyền SHTT ở Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực cung cấp thêm một
cách tiếp cận để những nhà làm luật đưa ra được những chính sách phát triển đúng
đắn vừa phù hợp với pháp luật quốc tế vừa phát huy được những cơ hội trong nền
kinh tế toàn cầu.
“Thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam và pháp luật một số
quốc gia ở Đông Nam Á” là đề tài rộng, phức tạp đòi hỏi những hiểu biết chuyên sâu
về SHTT và thực tiễn thực thi quyền SHTT. Trong phạm vi một Luận văn cao học,
tác giả chưa thể giải quyết triệt để những vấn đề đã và đang đặt ra đối với hoạt động
thực thi quyền SHTT. Những thiếu sót, hạn chế là không thể tránh khỏi. Tác giả rất
mong nhận được sự giúp đỡ, góp ý, phê bình của Hội đồng Khoa học, các chuyên gia
pháp lý, giảng viên, các bạn học viên và những người quan tâm đến lĩnh vực SHTT ở
Việt Nam và thế giới.
Reference:
Tiếng việt
1. Bộ KH & CN (2008), Báo cáo số 1650/BC- BKHCN về Kết quả năm 2008 về thực hiện
Chương trình Hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn
2006 -2010, Hà Nội.
2. Bộ Thương Mại (2007), Tài liệu bồi dưỡng về các cam kết gia nhập tổ chức thương mại thế
giới của Việt Nam, Hà Nội.
3. Hoàng Anh Công (2006), “Pháp luật hải quan với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ”, Tạp chí
Nghiên cứu Lập pháp, 89, tr. 40-45.
4. Cục Sở hữu trí tuệ (2009), Hoạt động sở hữu trí tuệ 2009, Hà Nội.
5. Cục Sở hữu trí tuệ (2009), Tổng quan về hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp
năm 2009 – Phần hoạt động tại địa phương, Hà Nội.
6. Cục Sở hữu trí tuệ (2011), Báo cáo số 104/BC – SHTT Tổng kết công tác năm 2010 và
phương hướng công tác năm 2011 về sở hữu trí tuệ, Hà Nội.
7. Nguyễn Bá Diến (2001), Giáo trình Tư pháp quốc tế, NXB ĐHQGHN, Hà Nội.
8. Nguyễn Bá Diến (2010), Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong tiến trình hội nhập quốc tế
những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB ĐHQGHN, Hà Nội.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB
Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
10. EU-Việt Nam MUTRAP III (2011), Tầm quan trọng của thực thi pháp luật bảo hộ quyền sở
hữu trí tuệ, Hà Nội.
11. Lê Hồng Hạnh, Đinh Thị Mai Phương (2004), Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
12. Kamil Idris (2005), Sở hữu trí tuệ một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, NXB Bản đồ,
Hà Nội.
13. Vũ Thị Phương Lan (2005), “ Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật”,
Tạp chí Luật học, 6, tr 34-38.
14. Đoàn Năng (2005), “Thực trạng về pháp luật về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”, Tạp chí Dân
chủ và Pháp luật số chuyên đề về sở hữu trí tuệ tháng 3, tr.5-9.
15. Lê Nết (2006), Tài liệu bài giảng quyền sở hữu trí tuệ, NXB ĐHQG thành phố HCM, Hồ
Chí Minh
16. Lê Đình Nghị, Vũ Thị hải Yến (2009), Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ, NXB Giáo dục, Hà
Nội.
17. Nguyễn Lan Nguyên (2009), “ Một số ý kiến nhằm đẩy mạnh bảo hộ quyền tác giả ở Việt
Nam trong thời gian tới”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, 25, tr. 259-264.
18. Hoàng Thị Kim Quế (2005), Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, NXB
ĐHQGHN, Hà Nội.
19. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Bộ luật Dân sự số
33/2005/QH11, NXb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
20. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Bộ luật Tố tụng Dân sự số
24/2004/QH11, NXb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
21. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2009), Bộ luật Hình sự sửa đổi số
37/2009/QH12, NXb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
22. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2003), Bộ luật Hình sự số
19/2003/QH11, NXb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
23. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Hải quan( sử đổi) 2005
số 42/2005/QH11, NXb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
24. Phùng Trung Tập (2004), Các yếu tố của quyền sở hữu trí tuệ, NXB Tư Pháp, Hà Nội.
25. Lê Xuân Thảo (2005), Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, NXB Tư Pháp, Hà
Nội.
26. Tìm hiểu pháp luật(2009), Luật Sở hữu trí tuệ, NXB Lao động – Xã hội, Hà Nội.
27. Trung tâm thương mại quốc tế, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (2004), Những điều cần biết
về sở hữu trí tuệ- Tài liệu hướng dẫn hướng dẫn dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và
nhỏ), Bản dịch của Cục SHTT Việt Nam, Hà Nội.
28. Phạm Quốc Trung (2008), “Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”, Tạp chí
Kinh tế và Dự báo, 8(424),
/>2008&m_itemid=14987&m_magaid=&m_category=266
29. Lê Thành Trung (2006), Về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định Trips trong
tương quan so sánh với pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật, ĐHQG Hà
Nội.
30. Đoàn Văn Trường( 2007), Các phương pháp thẩm định giá quyền sở hữu trí tuệ, NXB
Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
31. Trường Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, NXB Công
an Nhân dân, Hà Nội.
32. Trường Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình Luật So sánh, NXB Công an Nhân dân, Hà
Nội.
33. Trường Đại học Luật Hà Nội (2008), Giáo trình Tư pháp quốc tế, NXB Công an Nhân dân,
Hà Nội.
34. Từ điển Anh – Việt(1994), NXB Thế giới, Hà Nội.
35. Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính(2009), Thuật ngữ hành chính, Hà Nội
36. Viện Khoa học Xét xử (2009), Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ
tại Tòa án nhân dân trong tình hình mới, Hà Nội.
37. Nguyễn Văn Vóc, “ Nghị quyết TW 2 ( khóa VIII) về khoa học và công nghệ”, Sở Khoa
học và Công nghệ Tỉnh Hải Dương,14/11/2008.
/>trung-ng-2-khoa-viii-v-khoa-hc-va-cong-ngh&catid=86:tw&Itemid=150
38. Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tư Pháp (2008), Giới thiệu sơ lược về các cơ quan pháp luật của
các nước thành viên thuộc ASEAN, Tài liệu chuẩn bị cho ALAWMM6.
Tiếng Anh
39. Zai Adnan, Brett McGuire (2008), Indonesia progress in IP protection- but much still to be
done, Building and enforcing intellectual property value, pp.207-210, Jakarta.
40. Kusumadara Afifah, Problems of Enforcing Intellectual Property Laws in Indonesia,
41. Christoph Antons(2006), “ Intellectual property law in Southeast Asia: recent legislative and
institutional developments ”, Journal of Informational law and Technology,
42. Asian Legal Information Institute, Intellectual property rights (IPR) enforcement strategies – sub-
committee on customs procedures (2006),
43. Vichai Ariyanuntaka, TRIPS and specialised intellectual property court in Thailand,
44. Department of Intellectual Property Ministry of Commerce Kingdom of Thailand (2010)
Thailand’s Implementation on Intellectual Property Rights, Bangkok
45. Directorate General of Intellectual Property rights Indonesia (2010), Legal and regulatory
frameworks on Intellectual Property rights, Jakarta.
46. Graham Dutfield (2002), Intellectual property rights and development, UNCTAD/ ICTSD.
47. William Dymond, Sri Adiningih (2008), Stuty report of the 2007 individual Action Plan
(IAP) peer review of Singapore, Ministry of Trade and Industry Singapore,
48. Kelly J. Edward, Chuenjaipanich (2002), Intellectual property rights in Thailand, Tilleke
& Gibbins International LTD,
/>thailand-tilleke-gibbins.html.
49. EU- Malaysia Chamber of Commerce and Industry, EUMCCI trade Issues and
Recommendation 2010, />position-papers-2010-ipr
50. Abdul Kadir Khairul Fazli (2008), The establish of the intellectual property court in
Malaysia, Kuala Lumpur,
/>nt_of_IP_Court_in_Msia_Jan-Feb08_(00124342).pdf
51. Government of the Republic of Indonesia (2009), Implement of intellectual property rights
in Indonesia, Jakarta.
52. IIPA( 2011), “Indonesia”, International intellectual property Alliance(IIPA) 2011 special
301 report on copyright protection and enforcement, pp. 49 -57.
53. IIPA( 2011), “Malaysia”, International intellectual property Alliance(IIPA) 2011 special 301
report on copyright protection and enforcement, pp 221-231.
54. IIPA( 2011), “Singapore”, International intellectual property Alliance(IIPA) 2011 special
301 report on copyright protection and enforcement, pp 263-270.
55. Institute of Developing Economies(2001), The Judicial System in Thailand: An Outlook for
a New Century, JaPan.
56. Sri Lastami, Ira Deviani (2009), Information of the emplementation and recent development
of intellectual property rights system in Indonesia, Jakarta.
57. Marni Emmy Mustafa SH, MH (2006), Enforcement of intellectual Property rights in
Indonesia,
58. National intellectual property policy,
59. Dato’Pahamin a. Rajab (2000), Enforcement of intellectual property rights, policy
implementtion issues, BaLi.
60. P.Kandiah, IP enforcement in Malaysia, Kandiah & Associates Sdn. Bhd, www.21coe-win-
cls.org/activity/pdf/2/90-94.pdf
61. Sanjeetha Sidhu (2011), “ The status and practices of intellectual property in Malaysia”,
SEGi Review, 4(1), pp. 80-92.
62. The EBO’s Asian Regional IPR Protection Project, Intellectual property rights Acquisition,
Scope and Enforvement- Malaysia, Indonesia, China, Viet Nam,
/>2_051108_IK.pdf
63. Phattarrasak Vannasaeng, Ruangsit Tankarnjanaurak, Issues of the IP enforcement in
Thailand, www.21coe-win-cls.org/english/activity/pdf/2/78-82.pdf.
64. Thitapha Wattanapruttipaisan (2004), “ Intellectual property rights and enterprise
development: some policy issues and options in Asean”, Asia- Pasific Development Journal,
11(1), pp. 73-89.
65.www.ecapproject.org/archive/archive/asean_ip_legislations_filing_procedures_and_satatistic
s/indonesia.html.
66. www.ecap-project.org/archive/archive/how_to_enforce_your_ipr/indonesia.html
67.www.ecapproject.org/archive/archive/asean_ip_legislations_filing_procedures_and_satatistics/
malaysia.html.
68. www.ecap-project.org/archive/archive/how_to_enforce_your_ipr/malaysia.html
69.www.ecapproject.org/archive/archive/asean_ip_legislations_filing_procedures_and_satatistic
s/singapore.html.
70. www.ecap-project.org/archive/archive/how_to_enforce_your_ipr/singapore.html
71.www.ecapproject.org/archive/archive/asean_ip_legislations_filing_procedures_and_satatistic
s/thailand.html.
72. www.ecap-project.org/archive/archive/how_to_enforce_your_ipr/thailand.html
73. www.ipos.gov.sg/topNav/pub/sta/
74. www.myipo.gov.my/en/about-myipo/corporateinformation.html
75. www.myipo.gov.my/en/about-myipo/functions-and-services.html