Người cao tuổi và căn
bệnh giãn phế quản
Giãn phế quản là một bệnh nặng , tiến triển mãn tính trong nhiều năm.
Bệnh này thường xuất hiện ở những người cao tuổi.
Có một số người cao tuổi thường ho ra nhiều đờm loãng, đôi khi có lẫn máu,
nhất là về buổi sáng những ngày lạnh trời, đi khám bệnh được biết mình bị
giãn phế quản. Vậy giãn phế quản là gì, nguyên nhân gây ra bệnh và cách
phòng chống ra sao?
Giãn phế quản là bệnh do căng giãn và hủy hoại không hồi phục của thành
phế quản, có kèm theo tắc các nhánh phế quản nhỏ.
Nhìn vào hình vẽ lá phổi, chúng ta thấy phế quản đi từ ngoài vào, như một
cành cây to luồn sâu vào phổi, chia cành, chia nhánh nhỏ dần, cuối cùng là
những phế quản rất nhỏ đi đến những phế nang chứa khí. Các nhánh này
càng nhỏ, lớp cơ chun ở thành phế quản càng nhiều làm phế quản co giãn
như một ống cao-su dẫn khí. Khi lớp cơ chun này bị giãn, thành phế quản bị
hủy hoại, độ co vào nở ra của phế quản không còn nữa hoặc chỉ còn rất ít sẽ
gây ra giãn phế quản.
Về nguyên nhân gây bệnh, hầu hết các trường hợp giãn phế quản đều xảy ra
sau các bệnh nhiễm khuẩn mạn tính ở phế quản, phổi. Các bệnh nhiễm
khuẩn kéo dài ở đường dẫn không khí và phổi như viêm phế quản mạn tính,
hen phế quản, lao phổi, bệnh bụi phổi, áp xe phổi… đều có thể gây giãn phế
quản. Bệnh thường bắt đầu âm ỉ, không có triệu chứng rõ ràng, nên lúc đầu
rất khó phát hiện. Đa số người bệnh khởi đầu bằng chứng ho kéo dài, tái đi
tái lại nhiều lần, dễ nhầm với viêm phế quản hoặc một bệnh phổi khác.
Ho là triệu chứng xuất hiện sớm nhất. Người bệnh ho dễ dàng, nhiều nhất
vào buổi sáng khi ngủ dậy, ho dai dẳng quanh năm, chỉ hơi nhẹ đi trong
những tháng hè khô ráo.
Khạc ra rất nhiều đờm, có thể tới 100 - 200ml một ngày, chủ yếu trong các
cơn ho buổi sáng để tống ra tất cả những chất tiết ứ đọng trong phế quản ban
đêm.
Tính chất của đờm khá đặc biệt. Đờm này đọng lại trong ống nhổ thành
nhiều lớp, bọt ở trên, đờm ở giữa, mủ và các mảnh tế bào ở dưới. Soi đờm
qua kính hiển vi sẽ thấy những mảnh vụn tế bào, những bạch cầu đa nhân…
Xét nghiệm vi khuẩn, có thể thấy nhiều loại vi khuẩn như phế cầu, liên cầu,
trực khuẩn friedlander,…
Ho ra máu là triệu chứng thường gặp. Người bệnh thường ho ra máu nhiều
hay ít lẫn với đờm, đỏ tươi, mỗi đợt kéo dài nhiều ngày và lặp đi lặp lại
nhiều đợt như thế tùy theo thời tiết và tình hình bệnh. Về những tháng đông
Xuân, bệnh thường nặng hơn, tiết trời càng lạnh, những đợt ho càng nhiều
và càng kéo dài.
Kèm theo ho ra máu là khó thở, lúc đầu người bệnh chỉ bị khó thở khi làm
việc gắng sức, sau khó thở thường xuyên.
Đó là những triệu chứng chính thường gặp, tiến triển thành từng đợt liên tiếp
trong nhiều năm. Những đợt này ngày càng xảy ra mau hơn và có thể dẫn
đến những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng như ho ra máu nặng,
nhiễm khuẩn tại chỗ (viêm phế quản - phổi, áp xe và hoại thư phổi, bội
nhiễm lao…) hoặc nhiễm khuẩn ở xa (áp xe não, nhiễm khuẩn huyết, viêm
màng trong tim…)
Về phòng bệnh, cần chú ý:
- Hầu hết các trường hợp giãn phế quản là thứ phát sau các bệnh nhiễm
khuẩn ở phế quản - phổi, như hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, lao
phổi… Vì vậy, muốn đề phòng giãn phế quản, trước hết phải phòng và chữa
sớm, chữa triệt để những bệnh trên để tránh hậu quả giãn phế quản.
- Lao động, sinh hoạt điều độ, giữ cơ thể không bị thời tiết thay đổi tác động
đột ngột, nhất là trong những tháng đông - Xuân thời tiết giá lạnh. Tập thể
dục đều đặn, đặc biệt là tập thở, nếu có điều kiện nên sống ở nơi có không
khí trong lành, khí hậu ấm và khô.
- Ngoài ra, cũng cần coi chừng các dị vật, như sặc cơm, để hạt đỗ, hột
quả,… rơi vào đường hô hấp. Cũng không nên hút thuốc lá, thuốc lào vì
chúng là nguyên nhân thuận lợi dẫn đến giãn phế quản