Nguyên nhân gây sốt ở
trẻ em
Sốt không phải là một bệnh nhưng nó biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác
nhau. Có nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ, trong đó sốt do nhiễm trùng hoặc
do một số bệnh tật khác cần đặc biệt lưu ý.
Sốt xảy ra khi cơ quan điều hòa nhiệt (hypothalamus) của cơ thể bị rối loạn
làm tăng thân nhiệt lên cao hơn mức bình thường (37oC).
Một số nguyên nhân gây sốt ở trẻ
Một số nguyên nhân gây sốt ở trẻ không phải do bệnh lý như: trẻ chơi ngoài
trời nắng, mặc quần áo quá chật hoặc mặc nhiều áo quần quá hoặc ở trong
phòng kín quá, thiếu ánh sáng, thiếu thông gió. Trẻ sốt, thậm chí sốt cao
thường là do hiện tượng nhiễm trùng (do vi khuẩn, virút hoặc do một số ký
sinh trùng).
Trẻ thường hay bị nhiễm trùng đường hô hấp trên gây sốt, chảy mũi nước,
ho, điển hình là bị viêm VA hoặc viêm thanh quản cấp gây sốt, khàn tiếng
hay mất tiếng; hoặc khi bị viêm tai cũng làm cho trẻ sốt kèm theo đau trong
tai làm cho trẻ rất khó chịu nên quấy khóc hoặc lấy tay gãi vào tai. Một số
trẻ lớn hơn có thể bị viêm đường hô hấp lâu ngày điều trị không dứt điểm,
gây viêm xoang cũng gây nên triệu chứng sốt. Viêm đường hô hấp trên
nhiều khi cũng có thể sốt cao. Đối với đường hô hấp dưới, trẻ có thể mắc các
bệnh như viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm phổi. Các bệnh thuộc
đường hô hấp dưới khi trẻ bị bệnh thường có sốt cao, thậm chí sốt rất cao và
có thể gây co giật.
Bệnh tay, chân, miệng cũng là một bệnh gây cho trẻ sốt. Bệnh tay, chân,
miệng có thể nhầm với một số bệnh như thủy đậu, bởi vì thủy đậu cũng làm
cho trẻ sốt và có xuất hiện các nốt phỏng nhưng ở bệnh tay, chân, miệng
ngoài các vị trí như miệng, mông thì thường có ở lòng bàn tay, lòng bàn
chân. Trẻ cũng có thể mắc các bệnh sốt phát ban gây sốt (sởi, rubeol, sốt
xuất huyết…), thậm chí sốt rất cao và có nguy cơ gây co giật.
Một số bệnh về đường tiết niệu như: viêm bàng quang cấp, viêm cầu thận
cấp cũng làm cho trẻ bị sốt. Ở một số vùng có bệnh sốt rét lưu hành thì khi
trẻ sốt cũng cần được quan tâm vì trẻ khi mắc bệnh sốt rét cũng gây sốt.
Bệnh về nhiễm trùng ở tim, gan, mật cũng có thể gây sốt, ví dụ như bệnh
viêm nội tâm mạc bán cấp loét sùi (thường sốt nhẹ và dai dẳng).
Trẻ cũng có thể mắc một số bệnh nguy hiểm như viêm não hoặc nhiễm
khuẩn huyết thì trẻ thường sốt cao, tình trạng rất nặng kèm theo nhiều triệu
chứng đặc trưng khác.
Khi trẻ sốt nên làm gì?
Khi nghi ngờ trẻ bị sốt hoặc trẻ kêu bị sốt (trẻ lớn) thì cần lấy cặp nhiệt độ
để cặp cho trẻ (lưu ý trước khi cặp nhiệt độ cho trẻ phải dùng tay vẩy cho cột
thủy ngân trong cặp nhiệt độ về dưới 36oC). Nếu thấy trẻ sốt thì ngay tại gia
đình cần chườm và lau nước ấm cho trẻ, tức là dùng khăn nhúng vào chậu
nước ấm có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ trẻ đang sốt 2 độ. Nên chườm ở trán,
lau nước ấm ở nách, bẹn cho trẻ. Không nên dùng nước lạnh hoặc nước đá
để lau hoặc chườm cho trẻ.
Khi trẻ sốt không nên mặc quần áo chật quá, không mặc quần áo ấm. Cần
cho trẻ nằm ở vị trí thoáng, mát, không nên cho trẻ nằm trong phòng máy
lạnh có nhiệt độ phòng lạnh quá so với thân nhiệt của trẻ lúc đang sốt. Cũng
không nên cho quạt xoáy vào người trẻ. Nên cho trẻ uống nhiều nước vì trẻ
sốt sẽ gây mất nước, nhất là trẻ bị sốt cao. Nước cho trẻ uống tốt nhất là loại
dung dịch 0RS. Đối với trẻ nên dùng loại có trọng lượng 5,63g/gói, dùng
một gói pha vào một cốc đựng 200ml nước sôi để nguội cho trẻ uống dần,
nhất là lúc trẻ khát đòi uống nước. Nếu không có 0RS, có thể dùng nước gạo
rang pha vào nước đun sôi để nguội cho trẻ uống. Nếu trẻ còn bú mẹ hoặc
uống sữa bò thì khi trẻ đói đòi bú hoặc đòi ăn thì vẫn cho trẻ bú và uống sữa
bình thường, thậm chí còn tăng số lần cho trẻ bú hoặc uống sữa. Các loại
cháo hầm với thịt vằm nhỏ cũng rất cần cho trẻ ăn khi bị sốt. Các loại súp
như súp khoai tây, cà rốt cũng nên cho trẻ ăn khi trẻ sốt và đòi ăn. Nên cho
trẻ uống thêm nước hoa quả tươi như: nước cam, chanh, xoài.
Nếu trẻ sốt cao trên 38oC, có thể cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt paracetamol
với liều lượng trung bình là 10mg/kg cân nặng của trẻ, cứ sau 6 giờ nếu trẻ
vẫn còn sốt có thể cho uống lại một liều như ban đầu. Khi trẻ sốt, đặc biệt là
trẻ sốt cao thì cần cho trẻ đi khám ở cơ sở y tế gần nhất để đề phòng trẻ co
giật, trẻ mắc bệnh nhiễm trùng nặng hoặc bệnh nguy hiểm khác.
Không nên tự mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống khi chưa có đơn thuốc của
bác sĩ khám bệnh cho trẻ, bởi vì kháng sinh dùng cho trẻ phải đúng chỉ định.
Nếu tự mua kháng sinh để cho trẻ dùng có khi bệnh của trẻ không những
không khỏi mà còn nặng thêm, thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ.