Tải bản đầy đủ (.doc) (23 trang)

ĐẶC điểm NGHỆ THUẬT THƠ 1975 2000

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (166.89 KB, 23 trang )

MỤC LỤC
Mở đầu
Nội dung
1. Khái quát tình hình thơ ca 1975 - 2000
2. Đặc điểm nghệ thuật thơ 1975 - 2000
2.1. Thể loại
2.1.1. Sự trở lại của thơ văn xuôi và thơ ngắn
2.1.2. Sự trở lại của thể trường ca
2.2. Những biến đổi về ngôn ngữ, giọng điệu
2.3. Thơ mang hơi thở, nhịp điệu của đời sống hiện đại
Kết luận
1
MỞ ĐẦU
Chiến thắng mùa xuân năm 1975 của nhân dân ta là một sự kiện lịch sử có
ý nghĩa và tầm vóc quốc tế, những chiến công vĩ đại ấy đã đem lại hòa bình và
thống nhất. Từ đây đất nước liền một giải, cả dân tộc cùng nhau hàn gắn vết
thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc theo định hướng xã
hội chủ nghĩa. Được cổ vũ bởi chiến thắng vĩ đại nhân dân ta hào hứng xây dựng
đất nước, gieo cấy lại trên những cánh đồng hoang đầy vết tích bom đạn của giặc
Mỹ. Chiến thắng vẻ vang và sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa đã thổi vào văn
học nói chung và thơ nói riêng cảm hứng lãng mạn. Thơ chúng ta trong những
năm ấy vừa tiếp tục cuộc trường chinh giành độc lập xây dựng đất nước, vừa mở
ra những hướng phát triển mới. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, thơ xâm nhập
sâu hơn vào bên trong của tâm hồn con người, các phương thức trong thơ cũng có
sự thay đổi. Chính điều này đã giúp cho thơ Việt Nam vươn lên trong quá trình
thừa kế và phát huy thơ theo tư duy hiện đại tạo ra những bước chuyển mới trên
thi đàn dân tộc.
2
NỘI DUNG
1. Khái quát tình hình thơ ca Việt Nam giai đoạn 1975 - 2000
Những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc, sự vận động của tư duy thơ


biểu hiện trên hai mạch chính. Thứ nhất là sự nối tiếp cảm hứng sử thi như một
quán tính nghệ thuật, sự xuất hiện thể loại trường ca có ý nghĩa như những khúc
nhạc hoành tráng tổng kết cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Tuy nhiên đã có sự
thay đổi trong cái nhìn nghệ thuật của các bản trường ca này so với thơ ca chống
Mỹ, tuy cùng mang âm hưởng hào hùng nhưng giờ đây số phận cá nhân đã được
chú ý nhiều hơn, nhất là những số phận bi kịch của con người. Hay nói khác đi,
khi miêu tả sự lớn lao kỳ vĩ của Tổ quốc, các nhà thơ đồng thời hướng cái nhìn
đầy quan tâm đến số phận cá nhân, thậm chí nhiều khi số phận đất nước được
nhận diện thông qua nỗi đau cá nhân.
Thứ hai trong những năm cuối thập kỷ 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ
XX, “thơ đời thường” xuất hiện nhiều hơn. Trong những câu thơ đôi khi chất chứa
nhiều hoang mang, chán nản của các nhà thơ thể hiện rõ nét trong tác phẩm của
mình.
Bằng cái nhìn tỉnh táo và đầy màu sắc chiêm nghiệm, nhiều thi phẩm sau
chiến tranh đã thể hiện một cách sâu sắc về những mặt trái của cuộc sống và cũng
không né tránh khi nói về những bất công xã hội. Cái nhìn nghệ thuật của thơ sau
1975 là một cái nhìn không còn mang màu sắc lý tưởng và lãng mạn, một cái nhìn
thể hiện nhiều hơn về những thay đổi của xã hội Việt Nam thời kỳ tiền đổi mới.
Công cuộc đổi mới khởi xướng vào năm 1986 là một sự kiện trọng đại mở
ra trang sử mới cho đất nước nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Các nhà
thơ đã đón nhận sự đổi mới, đã dám nói thẳng, nói thật những điều mà trước đây
do nhiều nguyên nhân họ phải im lặng. Bối cảnh lịch sử và văn hóa mới, cả mặt
phải và mặt trái của nó khiến các nhà thơ không thể nhìn cuộc sống như trước đây
mà buộc họ phải thích ứng với những thay đổi với các mặt của cuộc sống, điều đó
3
đã dẫn đến sự thay đổi của tư duy nghệ thuật thơ. Biểu hiện đầu tiên của sự thay
đổi về tư duy nghệ thuật là ý thức nhìn cuộc đời bằng cái nhìn tỉnh táo và thơ ca
giai đoạn này đã bắt đầu tìm đến những vần thơ trúc trắc, mang tính đối thoại và
sáng tạo cao đồng thời có giọng điệu gần gũi với đời sống hằng ngày. Sự nỗ lực
khám phá sự phong phú của cái tôi nhiều bí ẩn, phơi bày những bi kịch cá nhân.

Đây chính là lý do khiến một số tác phẩm thơ sau 1975 mang đậm khát vọng tìm
đến những hình thức ngôn từ mới lạ. Sau năm 1975 thì công cuộc đổi mới đất
nước đã mở rộng cánh của giao lưu, hội nhập và thơ ca thời kỳ này đã tự tìm kiếm
những mô hình nghệ thuật mới.
2. Đặc điểm nghệ thuật thơ 1975 - 2000
Thể loại
Các thể thơ trong thơ trữ tình giai đoạn 1975 - 2000 thường được sử dụng
là tự do, lục bát, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ nhưng chiếm ưu thế cao hơn là thể tự do.
Theo thống kê của tiến sĩ Phạm Quốc Ca trong bài “Mấy nhận xét về thể thơ trong
thơ trữ tình Việt Nam 1975 - 2000” thì thấy rằng trong tổng số 1.144 bài thơ được
lấy làm đối tượng nghiên cứu thì thơ tự do có đến 645 bài (56%). Điều đó phản
ánh xu hướng tiếp tục tự do hóa về hình thức thơ, muốn giải phóng cho thơ khỏi
những ràng buộc của những qui tắc, luật lệ.
Không những thế mà đa số các bài thơ 8 chữ sau 1975 đều ít nhiều bị biến
thể. Có lẽ trong khi viết các nhà thơ phát hiện ra sự ràng buộc về số chữ và nhịp
điệu khá khuôn mẫu của nó ức chế sự thể hiện cảm xúc, nhịp điệu đều đặn quen
thuộc đã cản trở việc thể hiện nhịp tâm hồn đang mở ra hết mọi biên độ cảm xúc
trước cuộc sống hối hả, xô bồ hiện nay. Ví dụ như bài Trở lại Đông Hà của Lê Thị
Mây. Về cơ bản bài thơ được viết theo thể 8 chữ nhưng có một số câu có đến 9, 10
chữ như câu: “Tôi may cho người chiếc mũ trước trời xanh.”
Thể thơ lục bát cũng có sự đổi mới, nhiều bài thơ lục bát được bố trí theo
kiểu thơ tự do. Để tạo sự lạ hóa, một số tác giả đã chia câu thơ thành nhiều dòng
hoặc một dòng thành 2, 3 câu:
4
“Dập dềnh bóng núi. Đèo ngang
Mình ta
với nỗi buồn vàng
trong tay.”
(Lục bát ở Đèo Ngang - Phạm Thị Ngọc Liên)
Đó là sự nới lỏng cấu trúc các thể thơ truyền thống. Nếu trước đây thơ

truyền thống gắn chặt với kĩ thuật gieo vần và nhịp điệu thơ thường êm ả, nhưng
đến thời đoạn sau 1975, tính “điệu nói” được gia tăng thêm một mức nữa và cấu
trúc thể loại dựa vào nhịp nhiều hơn vần. Ngoài ra, giọng điệu thơ cũng trở nên
gân guốc hơn, ngôn ngữ thơ không còn êm mượt mà trở nên trúc trắc, phong phú
và đa dạng hơn.
Thơ Việt Nam trong ba thập niên 1975 - 2000 đã có một hành trình mới với
nhiều đổi mới đột biến cả về nội dung và hình thức. Một trong số những thành tựu
nổi bật của thế hệ các nhà thơ hiện đại Việt Nam sau 1975 là họ đã có những bước
chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp. Thơ của
họ gần gũi với cuộc đời hơn, gần với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự buồn vui của
con người hơn, thơ của họ nghiêng về phía những cá thể và là tiếng nói thân phận.
Ngòi bút thơ của họ chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn
ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác và hướng tới
những hiệu quả nghệ thuật mới. Các nhà thơ sau 1975 không mấy khi phải gồng
mình lên để nói những điều lớn lao, cũng viết về những cuộc chiến tranh đã đi
qua, nhưng thơ họ đã hướng tới những số phận, khắc hoạ được những nỗi đau mất
mát, nó thấm thía và lay động lòng người hơn trước. Nỗi buồn được cảm thông và
chia sẻ trong thơ họ rất thật, nó mệt mỏi, nhức đau như chính cuộc đời vậy. Đọc
thơ họ, chúng ta có cảm giác vừa đi qua một cánh rừng rậm đặc trong bóng đêm
ẩm ướt của những câu thơ đang tuôn trào như một sự hối thúc ám ảnh. Thơ của họ
như bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, suy ngẫm và ý tưởng -
cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm. Những day dứt của đời thường để lại
không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự thật khắc nghiệt mà họ phải nếm trải
5
đã dội đập vào thơ họ đến tức ngực - làm thơ họ bừng tỉnh. Đọc thơ họ, ta như
được tham dự vào những nỗi khổ đau và hy vọng đã làm nên gương mặt của mỗi
số phận.
“Đổi mới thơ” không có nghĩa là tiến đến một thứ thơ không mang lại gì
cho chúng ta ngoài sự mù mờ, rắc rối đến nỗi không cắt nghĩa nổi một cảm xúc,
không khắc hoạ được một hình ảnh để từ đó xây dựng nên một cách sáng rõ và

nhân bản hơn những hiện tượng nằm trong phạm trù ý thức và vô thức của mỗi cá
thể sống. Có nhà thơ đã chỉ ra rằng thơ ca phải là cuộc đối thoại của con người với
thời đại của họ và thơ ca là phương tiện để hiểu biết và chung sống giữa những
con người thuộc các thế hệ khác nhau. Thơ ca không bao giờ là hành trình đơn
phương giữa những con người dù nó luôn phải tự dấn thân cô đơn trong sáng tạo.
Thể thơ không chỉ gắn với nghệ thuật ngôn từ mà nó được xem như là sự
biểu hiện quan niệm thẩm mĩ đối với đời sống. Thơ giai đoạn sau 1975 có sự
phong phú về thể loại, phù hợp với thời đại bấy giờ. Sau đây, chúng tôi đi vào
những thể thơ đáng chú ý trong thơ ca 1975 - 2000.
2.1.1. Sự trở lại của thơ văn xuôi và thơ ngắn
2.1.1.1. Thơ văn xuôi
Sau 1975, thơ văn xuôi được tiếp tục thể nghiệm. Hình thức thơ văn xuôi
cũng là một trong nhiều biểu hiện cho thấy sự tiếp tục xâm lấn của văn xuôi vào
địa hạt thơ như là một đặc điểm của thơ hiện đại.
Thơ văn xuôi giai đoạn này chiếm tỉ lệ cao hơn hẳn so với các giai đoạn
trước. Sự xen kẽ các đoạn văn xuôi trong một bài thơ đã không còn là điều mới lạ,
được thể hiện qua một số nhà thơ như: Trinh Đường, Thu Bồn, Thanh Thảo,
Nguyễn Đức Mậu, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Quang Thiều, Đặng Đình
Hưng…
Thơ văn xuôi trong giai đoạn này đã có những bước chuyển mình đáng kể.
Nhiều tác phẩm đạt được những giá trị nghệ thuật nhất định và được người đọc
chấp nhận, đặc biệt là trong sáng tác của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ.
6
Trong bài Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh đã cho ta thấy được sự hi
sinh gian khổ, lòng dũng cảm, kiên cường, đồng thời còn cho thấy được muôn mặt
tình cảm trong cuộc đời của người lính:
“Chúng tôi đầy rừng tắm giặt, hái rau, đào hầm, mơ mộng sống đời thường suốt
cuộc đời chiến tranh, yêu đời lính yêu luôn gian khổ.
Lính sáu chín, lính bảy hai, lính tái ngũ còn giữ nguyên chức vụ quân hàm, ríu rít
giọng nam, giọng bắc lính xe tăng đột phá, lính pháo binh cõng lửa ra song, làm

sao anh quen làm sao anh nhớ hết?”
Thơ văn xuôi sau 1975 có một số bài độc đáo như: Thế giới đang tồn tại
(Lê Hoài Nguyên), Em yêu anh như tháng giêng (Phạm Thị Ngọc Liên)…
“Tháng giêng trong tay em, tháng giêng rét ngọt, anh như gần rồi lại như xa. Anh
bên em như chiếc ghế trước hiên nhà, yên lặng đón em từng sang trong veo từng
chiều mưa đổ…
Ôi tháng giêng tháng giêng. Tháng lộng lẫy của cả mười hai tháng, tháng tiếng hát
của loài chim ,tháng hạnh phúc của trăm thứ quả… Tháng giêng dài như sông,
tháng giêng rộng như biển. Tháng giêng chở những lời tha thiết nói rằng Em yêu
anh, yêu anh…”
(Em yêu anh như tháng giêng - Phạm Thị Ngọc Liên)
Lời thơ tha thiết, rạo rực xúc cảm của tình yêu. Một bức tranh thiên nhiên
của tháng giêng rất đẹp. Nhà thơ đã không ngần ngại bày tỏ tình yêu của mình.
Lời thơ dài ra như để thỏa mãn cho tâm sự chất chứa của nhân vật trữ tình.
Thơ văn xuôi đến với người đọc không chỉ đơn thuần là cảm xúc. Nhiều bài
thơ buộc người đọc phải suy nghĩ, trăn trở, xem dưới nhiều góc độ mới cảm nhận
hết ý nghĩa của nó. Bài thơ Bài gọi cây và thế giới của Nguyễn Vĩnh Tiến là một
bài như thế. Với hàng loạt hình ảnh phong phú, mới lạ, tác giả đã gửi gắm nhiều ý
tưởng về thế giới.
Có thể nói thơ văn xuôi đã có mặt trong sáng tác của hàng loạt các nhà thơ
chống Mỹ. Hiện thực của một thời chiến trận, thông qua những hình ảnh người
7
lính, người đọc không chỉ thấy sự hi sinh gian khổ, lòng dũng cảm ngoan cường
mà còn thấy dươc những suy nghĩ, trải nghiệm, tình cảm của cuộc đời người lính.
“Chúng tôi có những kỷ niệm riêng, những bài học, những điều để nghĩ.
Chúng tôi đầy rừng tắm giặt, hái rau, đào hầm mơ mộng sống đời thường suốt
cuộc đời chiến tranh, yêu người lính yêu luôn gian khổ.
Lính sáu chín, lính bảy hai, lính tái ngũ còn giữ nguyên chức vụ quân hàm, ríu rít
giọng nam, giọng bắc, lính xe tăng đột phá, lính pháo binh cõng lửa qua song, làm
sao anh quên, làm sao anh nhớ hết.”

(Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh)
Những khó khăn, gian khổ, những ước mơ về một cuộc sống đời thường bình dị
đã được Hữu Thỉnh viết lên chân thực, cảm động.
Chiến tranh đã đi qua nhưng nó vẫn ám ảnh, vẫn chưa là quá khứ trong
cuộc đời của mỗi người lính đã từng tham gia trận mạc. Những ký ức đau thương
và thực tế khắc nghiệt của chiến tranh luôn ám ảnh họ.
“Hết phiên gác, Tội ngủ vùi trong võng. Đom đóm rơi đầy giấc mơ của lính. Tôi
đang ngủ, đang mơ. Tôi nào hay bên những gốc cây bầy mối đục mòn đêm trên
những xác người.

Chiến tranh lùi xa con đường mòn Trường Sơn bao giờ tôi trở lại? Đâu cái giếng
nước hòa máu người tôi uống trong cơn khát, gốc cây rào rào bầy mối đục mòn
đêm. Đâu măn ngôi mộ vô danh đắp bằng nỗi đau, nước mắt. Nơi cánh rừng có
nhiều đom đóm bay”.
(Cánh rừng nhiều đom đóm bay - Nguyễn Đức Mậu)
Bằng những hình ảnh đau thương, cụ thể với không gian là một góc rừng
Trường Sơn thời chống Mỹ, thời gian của cả quá khứ và hiện tại đã qua, đã xa
nhưng tất cả những nỗi đau vẫn ám ảnh họ mãi mãi khôn nguôi. Những kỷ niệm
xót thương về những người đồng đội đã hi sinh nằm lại chiến trường.
“Hãy về cùng tôi, một người lính bình thường như bao người lính khác.Việt
Nam, đồng đội tôi đã đổi bằng máu để giữ vẹn nguyên Người.”
8
(Đất nước - Phạm Tiến Duật)
Để có thể diễn đạt những trạng thái tình cảm cụ thể, phức tạp thì các nhà
thơ phải tìm kiếm một hình thức thơ văn xuôi là phù hợp nhất. Không chỉ dừng lại
ở dung lượng phản ánh lớn mà thể thơ văn xuôi rất thích hợp khi đi vào miêu tả
những trạng thái tình cảm tinh tế và nhiều sắc màu của tâm hồn con người. Đề tài
tình yêu là nguồn cảm hứng bất tận, nay các nhà thơ có thể thỏa sức thể hiện tình
cảm nồng nàn của mình.
“Khi em ngẩng đầu lên anh biết đêm đã xuống, gió thổi qua biển lớn và mưa rơi

trên những vòm lá rậm.
Khi em mỉm cười, anh biết những bông hoa nở cánh trong im lặng, lũ trẻ nhảy đàn
trên phố sớm.”
(Vẫn là thơ viết về người đàn bà không có tên - Lưu Quang Vũ)
Sự trở lại của thơ văn xuôi 1975 - 2000 cho ta thấy mạch phát triển nối tiếp,
sáng tạo và phong phú của nó trong con đường thơ Việt Nam.
Trong thời đại ngày nay, hình thức tự sự, đặc biệt là tiểu thuyết đang hiện
lên như nhân vật chính trên sân khấu văn học thì ảnh hưởng của chất văn xuôi vào
thơ là điều dễ hiểu. Thơ văn xuôi thể hiện rõ dung lượng lớn, phản ánh những vấn
đề phức tạp của cuộc sống. Chẳng hạn bài thơ Vẫn thơ tình viết về người đàn bà
không có tên của Lưu Quang Vũ:
“Khi em để tay lên chốt cửa, giọt ánh sáng chập chờn trong trí nhớ, anh thấy lại
chiếu găng cũ quên nơi tủ áo,
Chuyến tàu dài đi qua thị trấn cũ, ở đó thằng bé trong anh chờ mong mùa hạ đến.
Khi em tìm ngắm ngón tay anh, đáy thất vọng nẩy sinh dòng nhựa mới.
Khi em nhắm mắt lại, anh biết những con ngựa hoang đang đi trên đồng cỏ
Khi em tựa xuống vai anh, lúa gặt về nóng rực, con gái con trai hát lưng đồi nắng,
mật đỏ tràn lên suối đất thơm.”
Bài thơ cho chúng ta những cảm xúc da diết nồng nàn với những liên tưởng
và những ngôn ngữ giàu nhạc điệu.
9
Thơ văn xuôi không chỉ thể hiện ở hình thức mà nó còn có ý nghĩa nội
dung và tư duy nghệ thuật, có thể thấy nó có dấu tích của tiểu thuyết, khi thơ áp
sát vào những vui buồn của đời thường, sự phức tạp của các tình huống trữ tình,
sự biến hóa và vận động dang dở…
Như vậy, sự trở lại của thơ văn xuôi của văn học trong giai đoạn này đã góp
phần không nhỏ về sự phong phú và đa dạng của thể loại đồng thời nó cũng mở ra
một xu hướng mới cho văn học thời kì này. Vậy tại sao lại có sự trở lại của thơ
văn xuôi? Có ba lí do chính sau:
Thứ nhất, đây là thể loại cho phép nhà thơ triển khai tự do hơn những phức

hợp cảm xúc của cá nhân. Tức là nhà thơ có thể diễn tả rõ ràng, cụ thể cảm xúc
của mình hay của nhân vật trữ tình.
Thứ hai, nó thể hiện sự giao thoa của các thể loại. trong đó đáng kể nhất là
ảnh hưởng của chất tiểu thuyết (văn xuôi) vào thi ca.
Thứ ba, thơ văn xuôi khiến cho giọng điệu không còn mượt mà êm ái như
trước mà trở nên thô ráp hơn, nhịp điệu thơ mang nhiều tính bất ngờ hơn.
Chính vì thế nó làm cho quan niệm của các nhà thơ thay đổi, không phải có vần thì
mới gọi là thơ, thơ văn xuôi có một dung lượng lớn cho phép nhà thơ thể hiện
được những mặt phức tạp của cuộc sống.
Vậy nên thơ văn xuôi trở lại sau năm 1975 không phải là một bước thụt lùi
trong thơ ca Việt Nam mà nó là một sự tiếp nối để tiếp tục tìm tòi sáng tạo theo
hướng tự do hóa được mở ra từ phong trào thơ mới 1932 - 1945 với những thể
nghiệm của Nguyễn Xuân Sanh (Đất thơm), Phạm Văn Hạnh (Giọt sương hoa)…
2.1.1.2. Thơ ngắn
Thơ ngắn là một thể loại có hình thức khá mới lạ ở giai đoạn trước 1975,
mỗi bài chỉ có từ 2 đến 3 câu thậm chí chỉ có một câu. Chính vì thế nó rất phổ biến
cho việc đăng tải báo chí và phù hợp với cách “đọc” thơ thời hiện đại. Thơ ngắn
có những ưu thế riêng như: khắc sâu ấn tượng, đập vào cảm thức người đọc. Thơ
ngắn xuất hiện do hoàn cảnh xã hội lúc này, xã hội đổi mới thì văn học cũng đổi
10
mới. Sau 1975, thơ ngắn không là điều mới lạ trên các tờ báo mà còn rất phổ biến.
Những bài thơ ngắn là những chiêm nghiệm suy nghĩ của các nhà thơ.
Thơ trữ tình với hình thức thơ ngắn làm nên diện mạo chính của thơ Việt
Nam từ xưa đến nay. Sau 1975, thơ có xu hướng ngày càng ngắn lại. Có bài cô
đúc lại thành hai câu, thậm chí một câu. Nó phản ánh nhịp sống nhanh, hướng tới
hiệu quả tức thì của lối sống đô thị hiện đại khi không còn lấy hiện thực để phản
ánh, thơ giảm yếu tối kể. Nhịp sống hiện đại đòi hỏi mọi thể loại phải ngắn đi để
phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ của bạn đọc. Nguyễn Hoa đã nói lên tâm trạng khá
phổ biến của các nhà thơ bấy giờ:
“Khát bài thơ ít chữ

Hồn vía cả kiếp người”
(Khát)
Thơ giai đoạn này có xu hướng cô đọng hóa, xuất hiện hình thức thơ một
khổ ba câu, chẳng hạn bài Thoáng nghĩ về cỏ của Trương Nam Hương…
Sự phổ biến của thể loại thơ ngắn tạo nên một đặc điểm nổi bật của thơ ca
giai đoạn này.
2.1.2 Sự trở lại của trường ca
Trường ca xuất hiện từ lâu nhưng sau 1975 nó lại phát triển mạnh mẽ và nở
rộ. Trước cách mạng tháng tám, Xuân Diệu cũng đã thành công qua hai tác phẩm
Ngọn quốc kì và Hội nghị non sông. Trong thời chống Mỹ nổi bật là Thu Bồn với
bài Bài ca chim Chrao. Sau năm 1975 nhu cầu viết trường ca xuất hiện ở nhiều
nhà thơ bởi trường ca có ưu điểm cho phép nhà thơ có điều kiện miêu tả, tái hiện
những vùng hiện thực rộng lớn qua độ dài của nó, hơn nữa trường ca thường dung
nạp trong nó những yếu tố tự sự rõ nét, thông qua các sự kiện cũng như các biến
cố xảy ra trong đời sống để nhà thơ có thể trình bày những suy ngẫm của mình về
dân tộc, về con người. Đặc biệt trong thể loại này, nhà thơ có thể sử dụng nhiều
thể thơ khác nhau tạo nên các cung bậc của cảm xúc, tạo dựng tiết tấu và hình ảnh
thơ.
11
Trường ca trước 1975 thường có giọng trần thuật theo cảm xúc. Sau 1975,
trường ca mang giọng tự sự, giải bày độc thoại nội tâm. Đặc biệt sau 1980, trường
ca lại thường mang tính triết lí bình luận, suy ngẫm lại vừa mang tính trữ tình sâu
sắc, hồi tưởng và giàu cảm hứng bi tráng.
Trong bài Những người đi tới biển, Thanh Thảo viết:
“Con xin được bắt đầu từ mẹ
Để nói về chúng con
Lứa tuổi 20, 30 điệp trùng áo lính
Đã từng sung sướng
Đã từng nghẹn ngào
Được ra trận những năm đất nước mình khốc liệt

Những năm một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời.”
Bài thơ cho ta thấy một cảm hứng bi tráng và đó cũng là cảm hứng chung
cho trường ca sau năm 1975 đồng thời cũng là điểm phân biệt so với trường ca
trước. Làm cho người đọc bị lôi cuốn theo dòng cảm xúc suy tưởng của người viết
như được sống trong những năm tháng “đêm trước” ngày 30/4 với những chiến sĩ
Trường Sơn.
Trường ca thể hiện cảm nhận về cuộc sống rất sâu sắc của tác giả. Đó là cái
nhìn tinh tế, đa diện về con người và cuộc sống. Trường ca Những người đi tới
biển của Thanh Thảo có thể nói rõ điều đó:
“Tuổi hai mươi
Dày như cỏ sắc như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ”
Những bài trường ca chống Mỹ đa phần mang cảm hứng và giọng điệu
ngợi ca, thể hiện tinh thần lạc quan của chủ thê qua hệ thống ngôn ngữ sử thi.
Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh cũng thể hiện điều đó. Đó là những chuyện
hành quân, chuyện ở hầm, chuyện sinh hoạt Trường Sơn, chuyện bà mẹ tiễn con,
người vợ đợi chồng, cùng những tử biệt sinh ly tan hợp của đời người trong chiến
tranh. Nhưng họ vẫn đẹp và mang tính chất sử thi:
12
“Chị tôi không trẻ nữa, xóm làng yêu ý tứ vẫn kêu cô
Xóm làng thương không khóc con trước mặt
Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy
Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc
Vẫn được tiếng là người đứng vậy
Nhưng anh tôi vẫn còn.”
Về ngôn ngữ ta thấy trường ca có một sự thay đổi trong giai đoạn này, nhà
thơ đã đưa vào trường ca ngôn ngữ trầm tư, độc thoại. Đó là lời của nhân vật trữ
tình nói về bản thân, về thế hệ của mình:
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc”
(Những người đi tới biển - Thanh Thảo)
Một phong cách chung của trường ca là ngôn ngữ triết lí. Đó là cách nêu
lên sự kiện rồi nói lên cảm xúc, suy tưởng:
“Người ta bảo chim trời không gieo không gặt
Nhưng chúng tôi nào phải chim trời
Dẫu có nghìn lần thay chốn đổi nơi
Nắm cơm ấy suốt đời ta nuôi sống.”
(Những người đi tới biển - Thanh Thảo)
Ngoài ra còn phải kể những trường ca Mặt trời trong lòng đất của Trần
Mạnh Hảo, Trường ca sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu… đều thể hiện cho phong
cách trường ca ở giai đoạn này.
Như vậy, trường ca sau năm 1975 có một sự nở rộ với những sáng tác của
các nhà thơ trong thời kì này. Đó là những đóng góp không nhỏ cho thơ ca Việt
Nam. Ở trường ca sau năm 1975, câu thơ tự do và không vần chiếm ưu thế, khác
hẳn với trước đó trường ca thường được viết dưới các hình thức cố định như thơ
lục bát, thơ bảy chữ giống như truyện thơ truyền thống. Chính vì thế với hình thức
thơ tự do không vần ta thấy trường ca mang vẻ đẹp hiện đại hơn.
13
2.2. Những biến đổi về ngôn ngữ, giọng điệu
Từ sau 1975, thơ Việt Nam mang một diện mạo mới. Hiện thực cuộc sống
bề bộn, phong phú đã đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, thơ không chỉ bằng lòng với
những gì đã có. Những nhà nghệ sĩ đã không ngừng tìm tòi, đổi mới trong cách
biểu hiện, hệ thống ngôn ngữ và giọng điệu thơ.
Sau năm 1975, đất nước hòa bình, cuộc sống mới đặt ra nhiều vấn đề thiết
thực. Do sự đa dạng về kiểu loại nhà thơ và quan niệm thẩm mĩ nên thơ sau 1975
cũng rất đa dạng về ngôn ngữ. Để nói, để viết cho hết, cho đúng cái thực tại ấy,
các nhà thơ cần đến tiếng nói của đời thường. Đó cũng là lí do để các tác giả có ý
thức đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ.
Trước hết là cách nói dân gian được nhiều nhà thơ sử dụng khiến cho thơ

vừa dễ nhập vào người đọc, vừa có khả năng tạo nên tiếng cười trong thơ. Hay nói
cách khác là loại ngôn ngữ đời thường, suồng sã. Đây là ngôn ngữ được nhà thơ
thể hiện như một người bình thường giữa cuộc sống xô bồ, phức tạp. Tiêu biểu
cho cách nói này là nhà thơ Nguyễn Duy. Thơ Nguyễn Duy có những “kiểu “xẩm
ngọng” và giọng điệu “bụi bặm” đã khiến cho thơ trở nên “tếu táo” hơn và cũng
gần gũi với người đọc hơn”. Lời nói thông tục được tác giả đưa vào lục bát:
“Ối giời ơi … nõn nà sao
Bàn chân lóng ngóng đặt vào nơi đâu
Trắng tinh - trắng toát - trắng phau
Ngó qua thấy đẹp ngắm lâu rợn người.”
(Trắng … và trắng…)
“Tạnh men là tạnh la đà
Tạnh cơn một bóng ảo ra chính mình
Phàm trần bớt chút lung linh
Các em bớt xỉnh xình xinh mấy phần”
(Kiêng)
Cách dùng từ theo kiểu của Nguyễn Duy nói riêng và của nhiều nhà thơ
khác nói chung là góp phần chứng minh thêm tính đa dạng, phong phú và khả
14
năng phát huy của lời ăn tiếng nói nhân dân. Ngôn ngữ thơ giai đoạn này hướng
đến sự giản dị, không cầu kỳ kiểu cách, với một hệ thống từ ngữ có sắc thái đời
thường, gần gũi với cuộc sống con người:
“…Buồn không mang comlê không đợi chờ ai
Mắt là hổ phách
Đẹp dữ tợn.
………”
(Buồn - Nguyễn Bình Phương)
Một số nhà thơ như Lê Đạt, Nguyễn Quang Thiều… lại có ý thức đưa ngôn
ngữ đậm chất tượng trưng, siêu thực vào thơ khiến cho nghĩa thơ trở nên nổi bật,
mang tâm thế của một hành trình văn hóa công nghiệp và hậu công nghiệp. Đó là

loại ngôn ngữ hàm ẩn, giàu sức gợi, nó khiến cho thơ không chỉ hồn hậu mà còn
có khả năng biểu đạt những tâm thức sâu thẳm của người hiện đại:
“Trên cánh đồng mênh mông, có không đặt ra nghi lễ bốn mùa
Tôi trở về tìm nơi không có tiếng người, không có bóng cây
Bền bỉ hơn sự im lặng, lưỡi cày từ tháng giêng thưở trước
Dựng lên những luống đất của cơn mơ, người lạ đến gieo trồng.”
(Độc thoại - Nguyễn Quang Thiều)
Sự kết hợp sáng tạo của các nhà thơ từ những trường ngữ nghĩa khác nhau
cho ta thấy một vẽ đẹp mới lạ:
“Mái nhà rộng sắc lẹm lưỡi rìu
Chém ngược vào trời xanh truyền thuyết
(Tây nguyên - Lương Định)
Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
(Địa chỉ buồn - Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Cuộc sống hôm nay với nhiều màu sắc phong phú và sự phối màu cuộc
sống cũng phức tạp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Bởi vậy, trong thơ sau
năm 1975 có rất nhiều từ được dùng để gọi cuộc đời với tính chất của nó ẩn đằng
sau từng con chữ. Đó là chợ đời, nợ đời, chợ tình trong thơ Trần Mạnh Hùng, là
15
cái khôn - cái dại, cái ngắn - cái dài, cái rộng - cái hẹp, cái dở - cái hay trong thơ
Lương Quy Nhân, … Những chữ ấy dẫu chưa ở trong thơ cũng đã nghe ra được
một chút gì chua xót, một nỗi băn khoăn, một sự đắn đo lựa chọn, một nỗi e ngại
trước những biến đổi đang diễn ra trước mắt. Trong thơ sau năm 1975, người đọc
còn nhận thấy một loại từ diễn tả tính chất ăn năn, hối hận của bản thân con người:
tôi sững sờ, tôi hốt hoảng, tôi day dứt, tôi nhận biết, tôi ngỡ, tôi đâu biết, chợt thấy
mình có lỗi, bỗng tôi chợt thấy rằng, xin cúi đầu,…:
“Tôi sững sờ
Gặp lại dáng mẹ tôi quạt thóc
Bên đường hai mươi năm về trước
(…)

Từ bàn tay của má
Thổi vào hồn tôi những ngọn gió buồn
Thổi vào hư không một luồng gió gắt
Thổi vào cuộc đời bao điều day dứt.”
(Má quạt thóc bên đường - Dương Kỳ Anh)
Những từ ngữ đã gợi tả sự thức tỉnh trước những bi kịch bản thân, xoáy vào
nỗi buồn sâu thẳm, vào những đớn đau, vào những cái nhức nhối. Nó đã góp phần
thay đổi giọng điệu thơ sau năm 1975, giọng thơ có sự pha lẫn niềm ngậm ngùi:
“Mới bình minh đó đã hoàng hôn
Đang nụ cười tươi bỗng lệ tuôn
Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn.”
(Một tiếng đờn - Tố Hữu)
và cay đắng:
“Và tôi hóa kẻ nhầm - sai - khờ - dại
Vỗ tay, tôi bỗng sững sờ
Bởi yêu người đã dối - lừa - được tôi!”
(Xem ảo thuật - Thúc Hà)
16
và ngỡ ngàng:
“Ngẫu nhiên em ra đời giọt trời rơi xuống
không hề ký tên hợp đồng làm người
Giọt yêu cũng ngẫu nhiên đến từ trời
không đề cương không kịch bản không dự báo thời tiết…”
(Giọt trời - Nguyễn Duy)
Một loại ngôn ngữ không thể thiếu trong thơ ca sau 1975 là ngôn ngữ kể.
Đó là ngôn ngữ không mang đậm chất thơ, nhà thơ không quan tâm tới vẻ đẹp
ngôn từ và cũng không để lộ cảm xúc thái độ của mình:
“Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ

Vẻ vừa vội vã vừa nhẫn nại
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
Vội vã như thể đó là lần sau chót
Không thở dài
Không mỉm cười”.
(Người đàn bà ngồi đan - Ý Nhi)
Bên cạnh đó, ngôn ngữ thơ sau 1975 thể hiện những vấn đề về tính dục. Sự
xuất hiện của nội dung sex trong thơ ở giai đoạn trước không phải không có nhưng
được diễn đạt bằng những hình ảnh bóng bẩy, tượng trưng,… Còn ở giai đoạn sau
những bài thơ có nội dung sex lại đậm đặc từ ngữ “trần trụi”. Có những bài thơ, từ
ngữ trần trụi mang tính thẩm mĩ:
“Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi
Chúng mình sẽ thành chồng vợ
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em.”
17
(Tan vỡ - Dư Thị Hoàn)
Điểm đáng chú ý về hình thức cấu trúc ngôn ngữ thơ sau năm 1975 là cách
xếp đặt ngữ âm. Cách xếp đặt ngữ âm trong thơ giai đoạn này được tác giả
Nguyễn Đăng Điệp ví như một “trò chơi”. Một số cây bút có nhiều bài thơ tiêu
biểu cho cách tổ chức trò chơi ngữ âm này là Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng,
Dương Tường, Lê Đạt,… Trò chơi ngữ âm trong thơ đã góp phần tạo nên sự thú vị
cho người thưởng thức:
“Mây may thu mắt thủy mặc đồ
Nét thảo biếc đậm mày quá khứ
Nắng nhạt bước thon hè tình sử
Jin xổ dài

khăn chấm đỏ
bụi mưa”
(Thủy mặc - Lê Đạt)
Hay:
“Đêm xuống rồi
Ta lẻn
Đi tìm mặt mình
Đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình”
(Người đi tìm mặt - Hoàng Hưng)
Thơ ca sau 1975 không còn êm mượt như thơ ca giai đoạn 1945 – 1975 mà
trở nên trúc trắc hơn, ngôn ngữ thơ phong phú, giọng điệu thơ đa dạng hơn, tính
trong suốt và sáng rõ của ngôn ngữ thơ nhiều khi được cố ý mờ hóa tạo nên tính
đa nghĩa trong thơ. Điều đó làm cho giọng điệu thơ cũng thay đổi.
2.3. Thơ mang hơi thở, nhịp điệu của đời sống hiện đại
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta đã thoát khỏi chiến tranh,
lịch sử dân tộc ta lại mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ độc lập tự do và thống nhất
đất nước. Năm 1986, công cuộc đổi mới được khởi xướng, đây là một sự kiện
trọng đại mở ra một trang sử mới cho đất nước nói chung và văn học nghệ thuật
18
nói riêng. Các nhà thơ đã đón nhận sự đổi mới, đã dám nói thẳng, nói thật những
điều mà trước đây do nhiều nguyên nhân họ phải im lặng trong cái tôi nhiều trăn
trở, giằng xé. Cuộc gặp gỡ của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và giới văn nghệ sĩ
cả nước vào tháng 10 năm 1987 có tác động rất lớn đến tinh thần của những người
cầm bút, nhất là ý thức tự cởi trói trong lĩnh vực sáng tạo. Không thể phủ nhận
một thực tế là cơ chế thị trường đã làm cho cuộc sống khởi sắc hơn, nhưng mặt
khác con người dường như sống với nhau lạnh lùng hơn, các mối quan hệ giữa các
cá nhân trong xã hội lạnh lẽo hơn. Bối cảnh lịch sử và văn hoá mới, cả mặt phải và
mặt trái của nó khiến các nhà thơ không thể nhìn cuộc sống như trước đây mà
buộc họ phải thích ứng với những thay đổi nhiều khi chóng mặt của cuộc sống.
Điều đó dẫn đến sự thay đổi của tư duy nghệ thuật thơ và nhịp điệu của thơ trong

giai đoạn 1975 - 2000 cũng thay đổi, nó mang xu hướng của đời sống hiện đại.
Nhịp điệu, hơi thở của đời sống hiện đại được biểu hiện trong thơ sau năm
1975 qua hai xu hướng chính:
Thứ nhất: là xu hướng viết về chiến tranh qua những khúc ca bi tráng về số
phận của dân tộc. Mặc dầu chiến tranh qua chưa lâu, các nhà thơ đã có một độ lùi
cần thiết để nhìn về cuộc chiến bằng cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn. Trước đây,
hiện thực hiện lên trong tác phẩm thường là hiện thực nhìn thấy thì trong thơ sau
năm 1975, chiến tranh chủ yếu hiện lên trong ký ức thể hiện bao nỗi buồn trĩu
nặng, bao nhức nhối khó lành. Chất giọng xót xa, nỗi buồn được nói nhiều trong
thơ. Từ điểm nhìn hiện tại, các nhà thơ phóng chiếu cái nhìn sâu xa về lịch sử đất
nước - một lịch sử oai hùng nhưng cũng không ít đau thương và bất hạnh. Ý thức
nhiều hơn về bi kịch khiến cho các tập thơ trong giai đoạn này không rơi vào
giọng điệu ca tụng dễ dãi mà thể hiện chiều sâu suy tư, ngẫm ngợi của nhà thơ về
thế thái nhân tình trong sự chuyển động không ngừng của lịch sử. Hoa trên đá
(1984) của Chế Lan Viên, Bài thơ không năm tháng (1983) của Lâm Thị Mỹ Dạ,
Tự hát (1984) của Xuân Quỳnh, Ánh trăng (1984) của Nguyễn Duy, Người đàn
bà ngồi đan (1985) của Ý Nhi … là những tập thơ “tự hát” về số phận, về niềm
19
vui và nỗi buồn, về hạnh phúc và đau khổ của tác giả mà cũng là của kiếp nhân
sinh.
Thứ hai: là xu hướng trở về cái tôi cá nhân, những lo âu của đời sống
thường nhật.
“Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền.”
(Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh)
Đây là xu hướng nổi bật nhất trong thơ sau năm 1975. Và từ sau năm 1975,
đất nước chuyển sang giai đoạn mới. Cuộc đời của mỗi người cũng bắt đầu có
những thay đổi cùng với sự thay đổi của dân tộc. Hiện thực cuộc sống bấy giờ
không phải là những tháng năm hào hùng chiến đấu và chiến thắng, mà ẩn chứa

đằng sau những vinh quang của một thời đã qua là những đắng cay của con người
khi đối diện với muôn mặt của cuộc sống đời thường. Và vấn đề đặt ra lúc này
không chỉ là vận mệnh dân tộc, nhân dân mà còn là số phận của từng cá nhân con
người. Cái tôi, cái cá thể của mỗi người lâu nay bị chìm khuất trong cái ta thì lúc
này đã nổi lên như một yêu cầu bức thiết của đời sống. Cảm hứng lịch sử và dân
tộc đang được thay thế dần bởi cảm hứng thế sự và đời tư. Và trong giai đoạn
chuyển giọng nhà thơ nói nhiều hơn về nỗi buồn nhân sinh, về những cảm nhận
của cái tôi trước một thực tại khắc nghiệt. Nếu như trước đây, các nhà thơ còn e
ngại khi đề cập đến nỗi buồn thì giờ đây họ đã công khai bày tỏ nỗi buồn. Đấy
không hẳn là nỗi buồn kiểu thơ mới mà là nỗi buồn gắn với thực tại mới, quan
điểm nghệ thuật mới. Có nỗi buồn về thần tượng bị gãy đổ, ảo tưởng bị tan vỡ khi
nhận ra : “chúa chỉ bằng đất đá” (Nguyễn Trọng Tạo), có nỗi buồn vì cuộc sống
mưu sinh làm cho con người chỉ chú ý đến chuyện tồn tại mà “xa dần truyện, bớt
dần thơ” (Nguyễn Duy), và có những trắc ẩn về riêng tư, đôi lứa:
“Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương
Rơi không thành tiếng”
20
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Chất giọng tự thú, tự bạch, những cảm thức cá nhân trước biến động nhân
thế trở thành gam giọng phổ biến.
“Từ hồi về thành phố
Quen ánh điện, cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường”.
(Ánh trăng - Nguyễn Duy)
Cuộc sống đổi thay từng giờ, thế nên mọi giá trị cũng đổi thay mặc cho bao
kẻ ngỡ ngàng, mặc cho bao người nuối tiếc. Người đàn bà trong thơ Ý Nhi đi tìm
kết cục đời mình với cái nhìn độ lượng về quá khứ, rạch ròi ở hiện tại nhưng lại
khắc khoải ở tương lai.

“Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Vừa nhẫn nại vừa vội vã.”
(Người đàn bà ngồi đan - Ý Nhi )
Nét nổi bật của xu hướng này là nhà thơ rung động trước những biến thái
tâm lý sâu sắc, tinh tế nhiều khi ngỡ thật mong manh. Tuy nhiên, đôi khi thơ trong
giai đoạn này cũng có lúc xuất hiện nhiều nỗi đau vờ khóc giả. Không phải nỗi
buồn nào cũng cần có duyên cớ, điều quan trọng là thơ phải thể hiện được nỗi
buồn sâu sắc và thấm đầy chất nhân bản. Đó là những giọt nước mắt thanh lọc
giúp con người sống cao đẹp hơn, “ Người” hơn. Đánh giá về vấn đề này, Nguyễn
Đăng Điệp đã tổng kết: “Thơ sau 1975 tuy viết nhiều về nỗi buồn nhưng dường
như vẫn còn hiếm những nỗi buồn cao cả được thể hiện sâu sắc và ám ảnh”.
21
KẾT LUẬN
Thơ ca Việt Nam sau 1975 cuộc hành trình hiện đại hóa đã diễn ra từ thời
kì thơ mói 1932 – 1945 và thơ ca cách mạng 1945 – 1975. Đây là một giai đoạn
đổi mới và đa dạng hóa về phương thức thể hiện. Kết cấu theo mạch trữ tình và
giọng điệu trầm lắng là những đặc điểm nổi bật của trường ca sau chiến tranh. Thơ
trữ tình sau 1975 có xu hướng ngày càng ngắn lại, có bài thơ hai câu, thậm chí là
một câu. Có thể lí giải điều này bằng tâm lí tiếp nhận của con người với nhịp sống
đô thị hiện đại. Thơ tự do ngày càng chiếm ưu thế. Đa số các nhà thơ thường viết
với hình thức thơ tự do không vần. Hình thức thơ tiếp tục có những cải tiến mới
trên cơ sở truyền thống. Riêng câu thơ có những biến đổi khá mạnh bạo. Giọng
thơ trữ tình sau 1975 trở nên rất đa dạng, có giọng tự sự, khách quan, giọng cảm
thương, trầm tư, triết lí, có giọng tranh luận, suồng sã, mỉa mai, thậm chí là ngông
nghênh, khinh bạc. Ngôn ngữ thơ cũng có những biến đổi, mang vể đẹp trong
sáng, gần với ngôn ngữ đời thường, có phàn hàm ẩn, giàu sức gợi… Tư duy nghệ
thuật của các nhà thơ đang hướng tới những vấn đề quan tâm của con người đương
đại hết sức phức tạp. Như vậy, thơ 1975 – 2000 đã có sự tiếp nối những thành tựu
về nghệ thuật đã đạt được từ những giai đoạn trước, đồng thời có những sự phát

triển, đổi mới mạnh mẽ. Điều đó góp phần vào sự phản ánh cuộc sống, tâm lí con
người thời bấy giờ. Đó là những đóng góp đáng trân trọng cho vườn thơ Việt
Nam.
22
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 Nhiều tác giả, Văn học 1975 - 1985, tác phẩm và dư luận, NXB hội nhà
văn, HN, 1997
2 Vũ Mạnh Tuấn, Văn học Việt Nam hiện đại, nhận thức và thẩm định, NXB
khoa học xã hội, HN, 2001
3 Nguyễn Văn Long - Lã Nhâm Thìn, Văn học Việt Nam sau 1975 - những
vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, NXB Giáo dục, 2009
4. Phạm Quốc Ca, Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam sau 1975,
Luận án tiến sĩ ngữ văn, TPHCM, 2003
23

×