Tải bản đầy đủ (.doc) (18 trang)

lịch sử văn hóa chùa tây

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (5.32 MB, 18 trang )

Viện Đại Học Mở Hà Nội
Khoa du lịch
BÀI THU HOẠCH ĐIỀN DÃ:
Giảng viên: PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo
Sinh viên thực hiện: Trần Thị Mai Sương
Lớp: A2K14
Hà Nội, ngày 15/03/2008
Lời giới thiệu
Một chuyến đi với những hiểu biết mới, khám phá được nhiều nét thú vị của
những ngôi đình, ngôi chùa của đất nước ta.
Đoàn chúng tôi cùng tham quan với bốn địa điểm nổi tiếng của tỉnh Hà Tây như:
“Đình Tây Đằng”, “Chùa Mía”, “Chùa Tây Phương” là ngôi nổi bật với những bức tượng
của các vị Tổ. Đặc biệt khá đẹp và rất ấn tượng với “Chùa Thầy”.
Sau chuyến đi thực tế chùa Thầy đã để lại cho tôi những ấn tượng và những suy
nghĩ riêng, ấn tượng với kiến trúc độc đáo và rất thú vị với những bức tượng trong chùa.
Chùa Thầy khá nổi bật với Hội chùa Thầy. Hội diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7
tháng ba âm lịch hàng năm.
“ Rủ nhau lên núi Sài Sơn
Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình?
Hỏi non, non những làm thinh
Phải rằng non đã vô tình với ai?
Nước non ví chẳng chiều đời
Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung?
Yêu nhau ta dắt nhau cùng
Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu.”
(Á Nam Trần Tuấn Khải)
Đây là một trong những bài thơ nổi tiếng thể hiện trai thanh gái lịch gần xa tìm đến
hội chùa Thầy để thỏa mãn tính mạo hiểm khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu trong một
khung cảnh thiên nhiên rộng mở.
Thân bài:


I/ Tên di tích và lịch sử xây dựng:
1 a. Tên di tích:
Chùa Thầy còn được gọi là chùa Cả, tên chữ là: “ Thiên Phúc Tự”.
Tên di tích “ chùa Thầy” đã có khá nhiều cách giải thích khác nhau. Có cách cho
rằng: Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là “ chùa Thầy”. Nhưng
cũng có cách khác giải thích rằng: “Chuyện kể rằng sau khi đắc đạo, thiền sư Từ Đạo
Hạnh trở về giảng đạo, dạy học hái thuốc giúp dân, tổ chức những trò chơi như đá
cầu, đánh vật, múa rối nước… Do đó dân chúng rất cảm phục nên mới gọi nhà sư
bằng một danh xưng vừa trìu mến vừa gần gũi là "thầy". Bởi vậy chùa ngài tu là chùa
Thầy, núi ngài hóa cũng là núi Thầy, làng ngài sống là làng Thầy, thậm chí đến cả
tổng đó cũng được gọi là tổng Thầy.”
b. Địa điểm của di tích:
Chùa Thầy là một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, làng Hoàng Xá, xã Phượng
Cách, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Chùa cách Hà Nội khoảng 25 km về phía Tây nam,
đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc.
Ngày nay, chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.
2 a. Nội dung các tấm bia trong chùa:
Chùa Thầy có 7 tấm bia đá, được chạm khắc vào các năm 1653, 1666, 1673,
1683, 1672 và 1717. Lâu đời nhất là tấm “Thiên phúc tự tạo lệ bi” niên đại Thịnh Đức
thứ nhất (l653). Bia đặt trong nhà khách, hình khối chữ nhật dẹt, trán tròn. Bia có kích
thước: cao 1,66m; rộng 0,9m; dày 0,2m. Trán bia khắc “lưỡng ong triệu nguyệt”, diềm
chạm lân chầu. Hai mặt bia khắc hoa văn và minh văn, bài ký “Thiên phúc tự tạo lệ bi”
ghi lại vị trí và lịch sử của chùa.
Chính vẻ đẹp, hình tượng kỳ ảo của chùa Thầy đã khiến Chúa Định Vương Trịnh
Căn (1682-1709) khi qua đây phải ghi lại trên bia Phật Tích Sơn Tự: "Nay thấy chùa
Thiên Phúc ở núi Phật Tích như viên ngọc nổi lên giữa đám ruộng sỏi đá rạng vẻ xuân
tươi cả bốn mùa".
b. Năm tháng xây dựng và các đợt trùng tu nâng cấp mở rộng:
Chùa Thầy được xây dựng vào đời Vua Lý Nhân Tông (1072-1127). Ban đầu,
chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì.

Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên
núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự).
Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng
điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông.
Thật hiếm thấy ngôi chùa nào đã ngót ngàn năm tuổi, vẫn giữ vị trí toạ lạc không
thay đổi như Thiên Phúc Tự (chùa Thầy). Dĩ nhiên không thể còn nguyên vẹn kiến trúc
thời Lý do Thiền sư Từ Đạo Hạnh xây dựng, dấu tích còn lại đến bây giờ là kết quả của
những đợt trùng tu lớn vào TK XVII, TK XVIII.
II/ Quy hoạch và kiến trúc:


1 a. Quy hoạch di tích:
Chùa Thầy là một ngôi chùa có quy mô lơn với diện tích khoảng 2400 mét vuông.
Toàn khu chính diện của chùa Thầy là một khuôn viên hình chữ nhật rộng khoảng 40
mét, dài khoảng 60 mét gồm ba tòa nhà to và dài xây song song hình chữ “tam”. Có hai
dãy hành lang chạy kèm hai bên các đầu hồi.
Nhưng lạ thay, cả ngôi báo điện hình chữ “tam” đồ sộ như thế mà chỉ có 36 lỗ
đục,còn gỗ được xây chồng lên nhau, nhưng lại rất vững chắc. Hai bên tòa nhà chính
diện là gác chuông và gác trống nhô cao lên khỏi hai dãy hành lang:
“Lâu đài quang tịch bên hồ nước,
Chuông trống vang rền trong khói sương.”
b. Phương hướng của chùa:
Chùa Thầy quay mặt về hướng Nam. Nhìn về phía trước chùa, bên trái là ngọn
Long Đẩu; bên phải lưng chùa dựa vào núi Sài Sơn.
c.Thế đất xây chùa:
Chùa được xây dựng dựa trên thế đất hình con rồng, một thế đất rất đẹp.
Chùa Thầy được xây dựng trên trán con rồng. Đây là một hình thức chùa xây
dựng theo kiểu nội công ngoại quốc. Nhưng chùa Thầy được xây dựng từ thời nhà Lý vì
thế hình thức nội công ngọai quốc này là mới được bổ sung thêm. Phía sau chùa là núi, có
3 lớp nền. Núi Thầy được xem là thân con rồng đang uốn lượn. Thân con rồng này dựa

vào trán con rồng. Chung quanh có Thập lục kỳ sơn (là các con lân, con phượng, con rùa)
chầu về. Ngôi chùa này nhìn ra sân rộng gọi là lưỡi con rồng. Phía trước là hồ Long Trì
(ao rồng), xung quanh có làng xóm đông vui. Chùa nằm trên khu đất Hàm rồng, sân cỏ
trước là hàm trên của rồng, bờ hồ bên trái là hàm dưới, miệng rồng đang lè cái hòn ngọc
ra để đùa nghịch là Thủy Đình: nơi thường diễn ra trò múa rối nước đặc sắc; hai dải đất
rộng ra hai bên là hai chân trước của rồng ôm lấy chùa; hai cầu Nhật Tiên Kiều và
Nguyệt Tiên Kiều là răng nanh của rồng với kiểu “ Thượng gia hạ kiểu”; hai bên có giếng
tượng trưng cho mắt rồng; hai cây gạo khúc khuỷu vươn lên trời trước chùa là râu rồng;
ba lớp chùa Hạ, Trung, Thượng là đầu rồng; hành lang hai bên chùa có gác chuông, gác
trống là tai rồng.
2. Cảnh quan môi trường:
Chùa Thầy được xây dựng trên thế đất đẹp tạo nên cảnh quan môi trường của
chùa cũng rất đẹp và linh thiêng. Chắc hẳn ai đã từng đến cũng sẽ ấn tượng với cảnh quan
thiên nhiên cũng như những nét đẹp cổ kính riêng của chùa Thầy.
Chùa Thầy gồm ba toà nhà chạy song song với nhau dựng trên nền cao bó đá hộc
xanh. Toà ngoài gọi là nhà tiền tế hay chùa Hạ. Toà giữa là trung điện hay chùa Trung,
toà trong cùng là thượng điện. Hai bên chùa là hành lang dài thờ mười tám vị La Hán.
Phía sau chùa là gác chuông và gác trống.
Trước cửa chùa có một hồ nước rộng còn gọi là Long Trì (ao Rồng) rất đẹp. Giữa
hồ có một thuỷ đình nhỏ xinh như một đóa hoa sen duyên dáng soi mình trên mặt nước,
xưa được dùng làm nơi múa rối nước, một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Với
làn nước trong xanh cùng với cây cối khá phong phú, xanh tươi đã tạo cho du khách đến
thăm chùa có được cảm giác rất thoải mái và thú vị:

“Ao sâu trong vắt ngư long nội,
Núi bọc xung quanh tựa gấm thêu.”
Hai bên chùa có hai chiếc cầu mái, do Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602 sau
khi ông đi sứ nhà Minh về. Cầu Nhật Tiên ở bên trái, trông vào đền Tam Phủ xây trên
một hòn đảo giữa hồ. Bên phải là cầu Nguyệt Tiên, nối với con đường lên núi. Đúng là:
“Hai vầng nhật nguyệt xuống ao này,

Múa với hoa sen mới nở đầy.”
Khoảng sân phía trước của chùa Thầy khá rộng, được tạo nên bởi các viên gạch
vuông. Cứ bốn viên gạch vuông thì tạo thành một ô vuông to và xung quanh những ô
vuông to được chèn vào bởi những ngọn cỏ xanh trông rất đẹp và rất cân xứng.
Vườn của chùa thì rất xanh, đẹp và rất đa dạng với các loại cây. Có đủ các loại
cây như: cây lấy quả, cây cảnh, cây xanh… Đặc biệt, phía trong khuôn viên của chùa rất
ấn tượng với các loại cây như cây tre, các chậu cây cảnh, cây hoa làm nên sự yên tĩnh và
trong xanh của ngôi chùa.
3. Kết cấu bộ khung gỗ tòa nhà chính:
Trong quần thể danh thắng gồm 16 ngọn núi với những hang động nổi tiếng, chùa
Thầy nổi bật cả về qui mô và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc.
Cụm kiến trúc chính là chùa Cả gồm ba lớp nhà lớn, dựng trên cao bó đá hộc xanh
nằm đối diện với Thuỷ Đình. Lớp ngoài là nhà tiền tế, lớp giữa thờ Phật, lớp trong cùng
được dùng để thờ Từ Đạo Hạnh.
Điều đặc biệt là tòa Bảo điện nguy nga, đồ sộ chỉ có 36 lỗ đục, gỗ được xếp chồng
lên nhau, nhưng rất kiên cố, vững chắc. Bộ mái chùa đồ sộ với lớp ngói mũi hài to bản và
dày, bốn góc cong vút đặt trên bộ khung gồm bốn cột lớn và mười hai cột nhỏ bằng gỗ
quý kê trên tảng đá liên kết với nhau bằng hệ thống xà hoành. Các khớp mộng vững chắc,
xung quanh được lắp ván bưng đố lụa với nhiều mảng trang trí đẹp. Gỗ trong chùa chính
là gỗ lấy từ Hòa Bình (Thanh Hóa) đưa về, khoảng hơn 100 tấn gỗ, chủ yếu là gỗ lim và
toàn bộ những chi tiết đều được kết nối bằng mộng tất cả qua bảy lần trùng tu. Có hai cột
gỗ nguyên bản từ năm 930 bằng gỗ kim giao, là một loại gỗ phản ứng ngả màu đen khi
gặp độc được không hề bị mối mọt qua thời gian và người ta tính toán rằng hai cột gỗ này
còn chịu được cả ngàn năm nữa
Những tòa chính của chùa Thầy được xây trên nền rất cao, thấp nhất là hành lang và
nhà hậu cũng được làm trên nền cao 1m, tiền đường cao hơn mặt đất 1m, điện Phật cao
1,76m, cao nhất là điện thánh cao 2,20m, xung quanh kê đá hộc. Toàn bộ cấu trúc chùa
theo kiểu chồng dường kèm giá chiêng. Hành lang kiểu hệ thống vì kèo ván chống. Đáng
lưu ý nhất là tòa thiêu hương (hay ống muống) là kiến trúc nối liền dựa chủ yếu hai tòa
tiền đường và thượng điện nên không có cột, hai bên có lan can gỗ chạm chấn song con

tiện.
Kết cấu bộ khung gỗ trong tòa nhà chính rất vững chắc. Các khớp của nhà gắn chặt
với nhau, có những nét hoa văn rất đẹp tạo nên tòa nhà rất ấn tượng. Chung quanh chùa
lát gỗ có chạm nhiều mảng rồng, kỳ lân cùng với những ngọn lửa nhọn hoắt chĩa ra 2 bên
cân đối, đây là kiểu trang trí thời Lê thế kỷ 16-17.

4. Mô tả mái ngói, đầu đao, bờ nóc, bờ dải:
Mái ngói: Phần mái chùa Thầy lợp bằng một thứ ngói cổ, bộ mái đồ sộ, mái cong
lợp lớp ngói theo kiểu mũi hài to bản và dày. Với bộ mái cong đó đã tạo nên cảm giác
nhẹ nhàng đồng thời thể hiện sự khéo léo của những người có công xây chùa nơi đây.
Tương truyền là ngói ở đây là ngói của chùa Tây Phương. Các cụ già trong xã kể lại:
“Khi chuyển ngói từ chùa Tây Phương về, đoạn đường dài 15 km mà ngói được chuyền
tay nhau theo kiểu nối dây, chỉ trong một ngày, vừa vận chuyển, vừa lợp xong.”
Đầu đao: Nhìn từ trên đỉnh mái xuống bốn góc mái vểnh lên cong vút, tạo đường
nét rất nghệ thuật và thanh thoát. Cuối góc mái là hình con rồng. Ở đây rồng là con vật
tượng trưng cho cái thiện. Hình tượng con rồng là do người lao động sáng tạo ra, là biểu
tượng cho nguồn nước, phun ra nước mong cho mưa thuận gió hòa. Vì đất nước chúng ta
là đất nước phát triển với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước.
Bờ nóc: Từ hai phía trên của đỉnh mái, có hai con rồng đang phun nước và nhìn về
phía nhau.
Bờ dải: Là đường nối dài từ phía trên mái chảy xuôi xuống phía đầu đao. Ở chùa
Thầy, phía bờ dải và đầu đao có cả con phượng, con rồng, phía trên có con lân và trên
nữa có con xô đang lao xuồng tạo nên hình ảnh rất đặc sắc và vui nhộn. Có dị bản là ở
phía trên có con xô và phía dưới có con vật đang ngóng con xô. Đó là một hình ảnh rất
thú vị, nó được tạo nên bởi những người thợ khác nhau.
Chạy dọc đường bờ nóc và bờ dải có nhiều hình hoa chanh nối tiếp nhau. Chúng
được làm từ những khối hình hộp có chạm thủy, làm cho các đường bờ mềm mại và ấn
tượng hơn.

III/ Nghệ thuật điêu khắc tượng thờ:

Dường như tại nơi đây, những người có vai trò quyết định trong công việc trùng
tu qua các thời đại đã có ý thức bảo lưu những kết cấu kiến trúc theo kiểu cũ, nhưng mở
rộng và nâng cao để chứa đựng được khối di vật luôn được bổ sung trong đó. Số lượng di
vật chùa Thầy vô cùng đồ sộ, niên đại trải dài từ thời kỳ khởi dựng cho tới ngày nay.
Chùa Thầy như một bảo tàng sưu tập hiện vật của nhiều thời đại.
1. Vị trí các pho tượng thờ trong chùa:
a/ Ở nhà Bái đường:
Nhà Bái đường hay còn gọi là Tiền đường, nhà Thiêu hương Co khá nhiều tương.
Có hai bức tượng nổi bật là: Bức phù điêu và Khánh đồng. Bức phù điêu “Thập điện
diêm vương” được làm bằng gỗ mít, mới được làm cách đây 5 năm, ghép gỗ chạm trỗ
hoa rất đẹp. Bức tượng được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng. “Thập điện diêm vương” là
mười vị vua ở cửa xuống âm phủ phán xem ai có tội nặng nhẹ và tùy theo tội nặng nhẹ sẽ
xử phạt. Có nhiều cách tra tấn khác nhau: dã, rút lưỡi, trói…
Tiếp đến, nhìn về bên trái có tượng hai vị Đức Ông, bên phải có một vị Đức
Thánh Hiền. Ở đây còn có bốn pho tượng được mang từ chùa Tây Phương sang là Bát Bộ
Kim Cương. Tiếp vào trong nổi bật với hai bức tượng Hộ Pháp rất to lớn. Đây là hai bức
tượng to nhất nước, tượng ngồi mà đã cao đến bốn mét, được làm với hơn hai tấn đất sét
và giấy bản, cách đây khoảng 400 năm. Dân gian vẫn nói "to như ông Hộ Pháp" là cách
nói so sánh với hai tượng này. Đức Hộ Pháp là những vị thần bảo vệ Phật Pháp, mặc giáp
trụ, cầm vũ khí, ngồi trên lưng sấu, một loại sư tử huyền thoại. Còn một số thuyết khác,
đã thành phổ biến, cho rằng tượng vị bên trái là Khuyến thiện (gọi tắt là ông Thiện) có da
mặt trắng, vẻ mặt tươi cười. Tượng vị bên phải là Trừng ác (gọi tắt là ông Ác) với da mặt
đỏ, trông rất dữ tợn. Theo thuyết này thì việc bày đối xứng hai tượng ông Thiện-Ác nói
lên sự tồn tại biện chứng của hai bản nguyên Thiện-Ác. Hai bên còn có bốn vị ở bốn góc
và pho tượng ngựa tượng trưng cho tứ trấn Đông-Tây-Nam-Bắc.
Ở giữa được bày trí những tượng từ thấp đến cao như: Thích ca sơ sinh, Quan
Âm, Di Lặc, Tuyết Sơn, Tam Thế Phật. Tuyết Sơn-Di Lặc-Thích Ca sơ sinh là những bức
tượng, tượng trưng cho ba đoạn đời tu hành của Phật.
Năm 29 tuổi, ông Thích Ca lên núi Hymalaya tu hành theo con đường khổ hạnh
sáu năm liền. Mỗi ngày ăn một hạt kê, hạt vừng để đủ sống để, suy nghĩ mong tìm đường

cứu nạn cho chúng sinh. Vì thế, tượng Tuyết Sơn là tượng Phật ở giai đoạn tu khổ hành,
chưa thành Phật, còn đau đáu về cuộc đời. Tượng Tuyết Sơn mang hình dạng một nhà sư
gày gò, ngồi an tịnh, trầm mặc, khuôn mặt đầy suy tư.
Di Lặc được coi là vị Phật của tương lai, đấng Từ Tôn cứu thế, người ta cho rằng
"Di Lặc xuất thế thiên hạ thái bình". Bởi vậy tượng Di Lặc thường béo tốt, mặt tròn, bụng
phệ, chân tay ngắn, tư thế một chân co, một chân chống, khuôn mặt tượng luôn cười hớn
hở bắt nguồn từ đại tâm từ bi hỉ xả của ngài.
Cuối cùng là tượng Thích Ca sơ sinh, khi ông Thích Ca mới sinh ra đời có ánh
hào quang tảo sáng. Ông đã bước đi bẩy bước, mỗi bước đi của ông là một bông hoa sen
nở ra. Tay trái một chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất. Nói ra một câu bất hủ "Thiên
thượng địa hạ, duy ngã độc tôn", xung quanh có chín con rồng tượng trưng cho mây trời
linh thiêng hội tụ lấy nước thiêng tẩy trừ những uế trọc cho đức Phật.
b/ Nhà Thượng Điện:
Nhà Thượng Điện là nơi thường đóng kín bởi có bàn thờ Tam Bảo (là nơi có ba
thứ quý làm nên tôn giáo “Phật-Pháp-Tăng”).
Ở đây, Cái cổ nhất là Bệ đá tòa sen hình hộp thời Trần lớn nhất Việt Nam, bốn góc
bệ tạc bốn con chim thần Garuda (một loại chim hung ác nhưng đã được đức phật cảm
hóa), giữa các đường gờ có chạm rồng và hoa lá cách điệu rồng và chim Garuda được đặt
cùng với nhau, điều đó thể hiện lòng từ bi trắc ẩn của đạo Phật. Các tượng ở đây cũng
được bày trí từ thấp lên cao. Đầu tiên là chân tu của Từ Đạo Hạnh. Sau đó là tượng Cửu
Long, tiếp đến là tượng Thích Ca Mầu Ni. Đứng trên cùng của bệ là tượng Di Đà Tam
Tôn. Chính giữa là tượng A Di Đà, một bên có Quan Âm Bồ Tát, một bên là Bồ Tát Đại
Thế Trí. Tượng Phật A Di Đà thường có kích thước lớn hơn các tượng khác.
Bên trái có khám thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh đặt ở góc trong cùng của tòa điện
Thánh, trên một đế bệ (cơ đài) nhưng không mở ra. Khám có niên đại TK XVI, trừ một
vài bộ phận đã được thay thế vào thời Nguyễn.
Gian bên trái là tượng vua Lý Thần Tông (hậu thân của Thiền sư) đặt trên ngai
vàng. Tượng tạc vào năm Thái Hòa (1499) thời Lê Nhân Tông. Đến niên hiệu Vĩnh Hựu
(1735-1740). Vua Lê Ý Tông cho tạc thêm 2 tượng: Vua Chiêm (người phỗng) và đôi
phượng gỗ đặt trước tượng vua, vì cho rằng tiền thân của vua Lê Thần Tông cũng tức là

vua Lý Thần Tông và là Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ở đây, cái bệ để pho tượng rất quý. Nó
được làm từ trước TK XV-Nhà Mạc. Ở trước có ngài thờ, bên cạnh có cây trụ gỗ làm
bằng gỗ trò vẩy, là loại gỗ quý, chỉ có một cột.
Trong chùa còn có tượng ông Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan là cha mẹ Từ Đạo
Hạnh và hai bạn đồng đạo thân thiết của Ngài là Thiền sư Minh Không và Thiền sư Giác
Hải.
Bao bọc hai bên Tam Bảo là hành lang với hệ thống tượng La Hán, hiện thân của
những người tu hành xuất thân từ nhiều tầng lớp có tiểu sử, cá tính, lối tu khác nhau do
vậy cũng là nhóm tượng sinh động, hiện thực, tạo nhiều cảm hứng.
2. Nội dung các pho tượng thờ chính trong chùa:
Chùa Thầy hiện còn bảo lưu được 36 pho tượng cổ, niên đại từ thời Lý đến thời
Nguyễn. Chùa xếp thứ 3 về số lượng tượng cổ. Sau đây là một số pho tượng thờ chính và
rất quan trọng tại chùa Thầy:
 Tượng Từ Đạo Hạnh:
Trong chùa có đặt 3 pho tượng diễn tả 3 "kiếp" của Thiền sư Từ Đạo Hạnh :
Tăng, Phật và Đế Vương.
Bên trái là tượng toàn thân Thiền sư bằng gỗ bạch đàn lắp máy tự động. Khi ta
mở cửa ra thì tượng đứng lên, đóng cửa vào thì tượng ngồi xuống được, ý muốn nhắc
nhở đến thời kỳ Ngài đi tu ở Hương Hải am đã làm thuốc trị bệnh cứu người và dày
công sáng tạo môn nghệ thuật múa rối nước cổ truyền để cho dân giải trí. Ta thấy
rằng, kỹ thuật làm máy móc để cho pho tượng có thể cử động được là rất giỏi. Nhưng
về sau, Cao Xuân Dục, tuần phủ Sơn Tây (1841-1923) có bàn với các bô lão trong xã:
“Thánh thì không phải chào người phàm, để Ngài phải đứng dậy mỗi lần mở cửa thì
chúng ta thất lễ”. Từ đó, người ta đã cắ dây máy đó đi và pho tượng đó ngồi luôn,
không còn đứng lên hay ngồi xuống nữa.
Chính giữa là tượng Thiền sư khi đã thành phật. Được bài trí phía trước mắt bệ
đá tòa sen hình hộp, tượng tạc bằng gỗ vào TK XIX, phủ một lớp sơn màu cánh gián
nhạt, tư thế thiền định trên bệ gỗ hình tròn. Kích thước: cao 0.95m, ngang vai 0.35m,
ngang đùi 0.58m. Đầu đội mũ thất Phật, làm bằng vải thêu kim tuyến. Mặt hơi gầy nhưng
rắn rỏi, hai bên miệng có nhiều nếp nhăn, tai dài, lông mày cong, giống tượng chân dung.

Ngoài thân tượng phủ kín bông lớp áo cà sa màu vàng (vải thật). Toàn bộ tượng và bệ gỗ
được đặt trên một bệ đá sư tử đội tòa sen được chế tác từ thời Lý.
Ông Từ Đạo Hạnh tu hành cả đạo phật và đạo giáo. Vì thế, ông có nhiều phép thần
thông biến hóa. Khi nhà vua bị ốm và lâm bệnh, ông đã chữa khỏi bệnh cho vua. Được
biết nhà vua đã lâu mà vẫn chưa có con nên sau này ông Từ Đạo Hạnh đã hóa để chuyển
sang kiếp khác. Bên phải là tượng Thiền sư sau khi đã hóa, đầu thai làm con trai của
Sùng Hiền Hầu và trở thành nhà vua Lý Thần Tông. Tượng Lý Thần Tông đầu đội mũ
bình thiên, mình khoác long bào, ngồi trên ngai vàng.
 Bộ tượng Di Đà Tam Tôn bằng gỗ cổ nhất Việt Nam:
A Di Đà ngự chính giữa, vị trí cao nhất phía trong cùng của gian giữa tòa điện
Thánh. Tượng theo tư thế kiết già. Đầu tượng có tóc kết xoắn ốc cao thiên về phía đỉnh.
Tai đeo hoa, cổ đeo vòng trang trí hình tròn lớn ở giữa với hình hoa mai và anh lạc.
Các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng đeo dây anh lạc chỉ có ở tượng niên đại
TK XVI. Tay phải của tượng để trước lòng đùi kê lên bàn chân, tay trái lồng lên tay phải.
Ngón cái của hai tay đan xen nhau, đều đeo nhân có mặt hoa cúc mãn khai. Tượng khoác
áo cà sa chùng lỏng, gấp nhiều nếp phủ quanh cổ và lượn tròn trước bụng. Lớp áo ngoài
trùm qua bờ vai, phủ lên hai gối xuống mở bệ sen. Bên trong có lớp xiêm rộng thắt lưng
nhiều nếp và bó mối xoắn.
Quan âm Bồ tát ngồi trong tư thế thiền định, chân xếp bằng trên mặt đài sen.
Kích thước tượng: cao 1,48m, ngang vai 0,58m, ngang đùi 1,14m. Đầu tượng đội mũ
thiên quan, đính nhiều bông hoa tròn, đóa ở giữa có quầng sáng hình lá đề cân xứng. Mặt
nhìn thẳng phía trước, đôi tay chắp trước ngực, bàn tay lồng úp vào nhau. Ngoài cùng
khoác cà sa chùng rộng, cổ áo lượn tròn, phủ cân xứng hai bên tay, xuống đùi rồi trùm
mặt bệ. Đường diềm áo có điểm hoa văn hình hạt ngọc và những bông hoa trông tựa như
tràng hạt.
Bồ tát Đại Thế Chí ngự trên bệ vuông, chân trái buông thõng, chân phải xếp bằng.
Kích thước tượng: cao 1.22m, ngang vai 0.3m, ngang đùi 0.77m. Đầu đội mũ thiên quan,
lượn vành núi cao, trang trí hoa sen. Mặt thanh nhỏ, Cổ đeo vòng. Tay phải cầm phất trần
đặt lên đầu gối phải, tay trái để ngửa trước lòng. Tượng khoác cà sa chùng rộng, giống
tượng đức Phật A Di Đà và Bồ tát Quan Thế âm. Quanh thân có vòng tràng hạt điểm hoa

tròn, tua ngũ sắc rủ qua hai vai, quấn quanh tay, lượn xuống đùi.
Cả ba pho Di Đà Tam Tôn đều được tạc bang gỗ mít, sơn son thếp vàng. Nhà
nghiên cứu Trán Lâm Biền, trong sách Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình
truyền thống Việt cho rằng: "Bộ Di Đà Tam Tôn có niên đại sớm nhất bằng gỗ được biết
ở nước ta (đầu TK XVII). Sở dĩ pho tượng Bồ tát Đại Thế Chí ở chùa Thầy có niên đại
TK XVII vì có hình thức gần với tượng Quan âm thời Mạc”. Trong sách Chùa Việt Nam,
Giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định: "Bộ tượng Di Đà Tam Tôn (ở chùa Thầy) có niên đại
1607 hiện là bộ tượng sớm nhất ở nước ta".
 Tượng phỗng:
Chùa Thầy có hai pho tượng phỗng khá độc đáo, đặt trước bàn thờ vua Lý Thần
Tông. Niên đại của tượng là TK XVII, kích thước: cao 1.2m, ngang vai 0.42m.
Tượng có thân mình mập khỏe, cởi trần, mặc váy, bụng phệ tròn căng. Hai chân trần
chúc mũi chân xuống dưới, gót chống thẳng lên trên. Dải tóc dài quấn quanh đầu. Tai
tượng to, có lỗ ở hai bên. Thắt lưng có hai múi lượn dài về phía trước.
3. Giá trị nghệ thuật của các pho tượng chủ yếu trên:
Với những sự cố gắng và tâm huyết của những người thợ giỏi đã làm nên những
bộ tượng đặc sắc, rất điêu luyện và tinh tế.
Về điêu khắc, mỗi nhóm tượng được chú trọng, nhấn mạnh đến thần thái, cách tạo
hình ứng với chức năng của tượng như bộ tượng Di Đà Tam Tôn bao gồm Bồ Tát Đại
Thế Chí - A di đà - Bồ Tát Quan Âm. Ba tượng này có thế ngồi tọa thiền kiết già (yoga),
khiến tâm không thể lay động. Điểm đặc biệt ở ba pho tượng này là phong cách tạo hình
mới chú trọng yếu tố trang trí bằng hệ thống hạt nổi, bao gồm những hạt tròn to nhỏ khác
nhau, kết hợp với hoa cúc mãn khai kết năm hàng dọc, ba hàng ngang bao quanh thân
tượng. Chưa có tượng nào trước và sau này lại có nhiều hạt như vậy. Nhóm tượng Tuyết
Sơn-Di Lặc-Thích Ca sơ sinh và Từ Đạo Hạnh cũng được tạo nên với những nét riêng rất
đặc sắc thể hiện được thần thái của tượng.
Về hình và màu, tượng Phật thể hiện sự viên mãn hoàn chỉnh đầy đủ 32 quý tướng
nhà Phật: tai dài, mặt tròn đầy, tóc bụt ốc… Y phục cân đối tĩnh tại, hài hòa thiên địa
nhân. Tượng Thánh mang tính chân dung, hiện thực, đặc biệt chú trọng đến tính động, tác
dụng mạnh tới thị giác người xem.

Về chất liệu, Các nghệ nhân phối hợp giữa gỗ và đất để tạo hình phong phú. Nếu
tượng gỗ với màu của vàng, đỏ của sơn, màu cánh gián dưới ánh đèn nến tạo cảm giác
lung linh, huyền ảo. Tượng đất hút màu tạo nên độ trầm sâu cho các pho tượng. Tuỳ loại
tượng, tuỳ chức năng mà hệ thống tượng được sử dụng trang trí màu sắc cho phù hợp.
Tượng Phật, đặc biệt tượng Tam thế, được sơn son thếp vàng tạo vẻ trang nghiêm, linh
thiêng. Tượng Tuyết Sơn màu đen, thể hiện giai đoạn khởi thủy, tu hành theo lối khổ
hạnh của Phật.
Tất cả các yếu tố về: phong thuỷ, nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, sắp đặt
điêu khắc, đồ thờ để tạo hiệu quả thị giác, để người Phật tử tự suy ngẫm đi đến giác ngộ.
Tất cả đã tạo nên những hình ảnh tượng rất có hồn, linh thiêng và rất đẹp. Hình ảnh tượng
rất thật. Kích thước tượng được các nghệ nhân đo đạc, tạo nên rất đỗi cân xứng và tỉ mỉ.
Tóm lại, các pho tượng chính trên cũng như tất cả các tượng trong chùa Thầy có giá trị
nghệ thuật rất lớn.
IV/ Thư mục tài liệu tham khảo:
Qua internet:
1/ Sách: Non nước Việt Nam
2/
3/ />4/ />5/
6/
 Một số hình ảnh về chùa Thầy:
Thủy Đình
Hổ Phù 18 vị La Hán

Từ Đạo Hạnh khi đã thành Phật Tượng Lý Thần Tông

Chim thần Garuda Mái ngói, đầu đao, bờ dải

Tượng Thích Ca sơ sinh

Đức Hộ Pháp (Khuyến thiện) Đức Hộ Pháp (Trừng ác)

Tượng Quan Âm-Di Lặc-Tuyết Sơn-Tam Thế Phật


Bức phù điêu “Thập điện diêm vương”
Kết bài:
Một chuyến đi thật thú vị!
Tôi đã thấy được sự khác biệt khi đi đình, chùa. Tôi được biết và học hỏi được
nhiều điều hơn như: các kiểu kiến trúc, danh thắng, nguồn gốc của các pho tượng quý…
Đi đình, đi chùa không chỉ dừng lại ở những nghi lễ mà tôi thấy nó đã được thiết
thực hơn nhiều. Sinh viên chúng tôi được hiểu biết, được học hỏi và được tìm về lịch sử,
cội nguồn của dân tộc với niềm tự hào riêng.
Chùa Thầy không chỉ là di tích lịch sử, di tích cách mạng, một công trình kiến
trúc cổ có giá trị mà còn là một thắng cảnh nổi tiếng được thiên nhiên ưu đãi. Ngày này,
khu di tích này đang ngày càng mở rộng và phát triển hơn để cùng đón bà con Phật tử và
du khách trong nước cũng như ngoài nước về tham quan, tìm hiểu. Đặc biệt hơn, đến với
chùa Thầy du khách còn được tham gia vào lễ hội đăc trưng tại nơi đây. Đó là “ Hội
Thầy”. Được tham gia, được vui cùng “Hội Thầy” chắc hẳn du khách sẽ cảm thấy chuyến
đi của mình thú vị và ấn tượng hơn rất nhiều.



×