Cảm nghĩ của em về đêm giao thừa
Cảm xúc đêm giao thừa!!!!!!!
Khi những nụ hoa đào chớm nở và vườn quất nặng trĩu qủa cũng là lúc báo
hiệu một mùa xuân tới. Xuân về, trăm hoa khoe sắc, cảnh vật, con người dường như
cũng hoà vào sức xuân, tất cả đều bừng lên một sức sống mãnh liệt. Và thời khắc giao
thừa – tiễn một năm cũ, đón chào một năm mới bao giờ cũng đem lại cho mỗi người
những cảm xúc thật khó tả.
Với người Việt Nam, từ già tới trẻ, dù đi làm ăn xa mấy cũng cố gắng về sum
họp với gia đình mấy ngày Tết. Và đêm giao thừa là một trong những giờ phút quan
trọng mà mỗi thành viên trong gia đình mong chờ. Cũng chính bởi lý do đó, trước
giao thừa, mọi người thường chuẩn bị đón Tết rất kỹ để có được một cái Tết thật vui
vẻ và đầm ấm.
Khoảng 20 tháng chạp, các gia đình đã đi xem đào, quất, nhà nào cũng rất cẩn
thận để chọn cho được một cây đào, một cây quất thật đẹp, có nhiều lộc hay một bình
hoa thuỷ tiên mang về nhà chơi mấy ngày Tết. Điều quan trọng nhất đối với mỗi gia
đình là phải có một mâm cỗ cúng đêm giao thừa thật đầy đủ để tỏ lòng thành kính với
ông bà, tổ tiên. Và bánh chưng là một thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng.
Bởi thế ngay từ 23 tháng Chạp, nhiều nhà đã chuẩn bị mua lá dong, lạt về gói
bánh chưng. Và tới khoảng 25, 26 Tết bắt đầu tiến hành gói bánh. Cảm xúc được cùng
cả nhà chuẩn bị gói bánh chưng đối với mỗi người cũng thật khác nhau, có người nhớ
cảm giác khi còn nhỏ được tự gói riêng cho mình một cái bánh chưng bé, có người lại
nhớ cảm giác được cùng cả nhà quây quần bên nồi bánh, chờ tới khi bánh chín, vớt ra,
nhìn những chiếc bánh vuông vức với màu xanh mướt của lá thật thú vị …
Có nhà ngoài nấu bánh chưng, vẫn quen nếp xưa: mua thịt lợn về gói giò. Và
trong mâm cỗ cúng trời đất ngoài gà (nhà ai không cúng gà thì thay bằng chân giò
lợn), rượu, bánh chưng, xôi gấc, còn có gạo, muối. Trên bàn thờ tổ tiên thường có
mâm ngũ quả. Chiều 30 Tết cả nhà thường quây quần bên nhau ăn bữa cơm tất niên.
Đây là một phong tục tốt đẹp từ xưa đến nay của người Việt.
Các thành viên trong nhà, dù đi làm xa cũng cố gắng có mặt trong bữa cơm tất
niên bởi đây là thời gian mọi thành viên trong gia đình được quây quần bên nhau,
cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong một năm. Cũng bởi thế mà có người đã
từng chia sẻ cảm xúc về bữa cơm tất niên như thế này: “Tết đến, được trở về ngôi nhà
thân yêu, cùng ăn bữa cơm chiều 30 với cả nhà, tôi cảm thấy sung sướng vô bờ sung
sướng nào hơn được sống giữa tình thương yêu, đùm bọc của những người mà mình
hằng yêu quí”.
Quả thực người Việt Nam trọng tình, trọng nghĩa nên khoảnh khắc trước và sau
giao thừa đối với mỗi người thật quan trọng và khó quên. Bữa cơm tất niên còn là thời
gian tất cả mỗi thành viên trong gia đình ngồi ôn lại những gì đã và chưa làm được
trong một năm. Những điều tốt sẽ được tiếp tục phát huy, còn những điều chưa tốt sẽ
đựợc khắc phục trong năm tới.
Tới khoảng 10 giờ tối, mâm cỗ cúng bắt đầu được sửa soạn để đúng đến thời
khắc 12 giờ đêm, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, một thành viên
trong gia đình, thường là đàn ông – người trụ cột của gia đình sẽ thắp hương cúng tổ
tiên, trời đất cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ cho cả gia đình một năm mới đầy may mắn
và hạnh phúc, con cái trong nhà học hành giỏi giang, nghe lời ông bà cha mẹ. Chờ cho
tới khi hết hương cũng là lúc những giây phút đầu tiên của năm mới tới, cả nhà cùng
nâng chén rượu, dù có ai không uống được rượu nhưng cũng cố gắng nhấp môi để
cùng chúc các thành viên trong gia đình một năm mới tràng đầy hạnh phúc và may
mắn.
Một nét đẹp nữa của người Việt sau thời khắc giao thừa là cả nhà cùng quây
quần bên nhau để nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước.
Thông thường nhà nào có ba thế hệ cùng chung sống thì con cháu thường chúc
ông bà sống lâu trăm tuổi. Ông bà, cha mẹ lì xì cho các con, các cháu, mong các con
hay ăn chống lớn và sống có ích cho xã hội. Thời xưa, trẻ con thường được lì xì bằng
tiền màu đỏ cho may mắn. Thời nay, người lớn thường để tiền lì xì cho trẻ con vào
những phong bao màu đỏ in nhiều hình rất ngộ nghĩnh.
Người Việt có thói quen lên chùa xin lộc, cầu may sau những khoảnh khắc đầu
tiên của năm mới. Những cành lộc khi đêm về thường được cho vào lọ cắm để trên
bàn thờ, mong cho mọi may mắn sẽ tới với gia đình trong một năm. Bên cạnh đó mọi
người còn có tục lệ xin chữ của ông đồ về treo trong nhà, thường mọi người thường
hay xin chữ: Phúc , Lộc , Thọ… mong cho may mắn sẽ tới với gia đình trong năm
mới.
Những người hàng xóm thường qua nhà nhau chúc Tết ngay sau giao thừa, mọi
người cùng chúc nhau đón một năm mới với tất cả sự may mắn và hạnh phúc. Xưa,
khi Tết đến nhà nhà được đốt pháo, giây phút giao thừa được mọi người cảm nhận qua
tiếng pháo nổ đì đùng, thời nay giây phút giao thừa được mọi người cảm nhận qua
những chùm pháo hoa sáng trên bầu trời với đủ màu sắc. Với những người ngoại
quốc, được đón Tết ở Việt Nam là cả một niềm hạnh phúc và thú vị, đặc biệt hơn khi
họ đón giao thừa, được cảm nhận hương vị ấm cúng của Tết Việt.
Bởi không phải ở đâu giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới lại được
đón nhận trong không khí ấm áp và nồng nhiệt như ở Việt Nam. Có những người
ngoại quốc dù chỉ đón giao thừa một lần ở Việt Nam thì cảm xúc đêm giao thừa
dường như vẫn còn nguyên vẹn trong họ: đầm ấm và hạnh phúc khó tả.
Dù là ai, làm gì, ở đâu, vào khoảnh khắc giao thừa, mọi người cũng mong được
có mặt ở nhà để được cùng nâng chén rượu chúc sức khoẻ ông bà, cha mẹ, được nhận
từ ông bà cha mẹ tiền lì xì đầu năm cùng lời chúc mừng năm mới – một năm tràng đầy
hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.