Tải bản đầy đủ (.pdf) (55 trang)

Những tác phẩm biến đổi thế giới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (460.56 KB, 55 trang )

NHỮNG TÁC PHẨM
BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI
Robert B. Downs
Hoài Châu và Từ Huệ dịch
Nhà xuất bản Lao Động
2003
Mục lục
Lời giới thiệu
Phần thứ nhất : Thế giới con người
1. Ông Hoàng - Niccolò Machiavelli
2. Lương tri - Thomas Paine
3. Quốc phú luận - Adam Smith.
4. Luận về nguyên tắc dân số - Thomas Malthus.
5. Dân sự bất phục tòng - Henry David Thoreau.
6. Túp lều bác Tom - Harriet Beecher Stowe.
7. Tư bản luận - Karl Marx.
8. Ảnh hưởng uy lực trên biển cả trong lịch sử - Alfred T. Mahan.
9. Căn bản địa lý của lịch sử - Sir Halford J. Mackinder.
10. Cuộc chiến đấu của tôi (Mein kampf) - Adolf Hiler.
Phần thứ hai : Thế giới khoa học.
11. Vũ trụ tuần hoàn - Nicolaus Copernicus.
12. Vai trò của tim - William Harvey.
13. Nguyên tắc toán học - Sir Isaac Newton.
14. Nguồn gốc muôn loài - Charles Darwin.
15. Đoán mộng - Sigmund Freud.
16. Thuyết tương đối - Albert Einstein.
Lời giới thiệu
16 tác phẩm được Robert B. Downs trình bày trong cuốn sách này gồm đủ loại : chính trị, kinh tế, y
học, triết học…; xuất hiện từ cuối thời Trung cổ tới giữa thế kỷ XX. Theo tác giả, đây là những tác
phẩm từng gây được những ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài ở phương Tây và ở cả phương Đông, có tác
động lớn lao tới đời sống nhân loại, xứng đáng được gọi là "Books That Changed World" - Những tác


phẩm biến đổi thế giới.
Dẫu thế giới quan và nhân sinh quan của tác giả có nhiều điểm khác chúng ta, và sự nhận định của
tác giả không hiếm khi thiếu chính xác, song đây quả là một cuốn sách rất nên tham khảo. Nó giới thiệu
với chúng ta, theo trình tự thời gian, những kiến thức và tư tưởng của hàng trăm ngàn trang sách viết
bằng những thứ tiếng khác nhau, đã được thu gọn.
Hy vọng rằng, công phu của tác giả cũng như của các dịch giả và sự ủng hộ của Nhà xuất bản, sẽ
giúp ích phần nào cho bạn đọc xa gần trong những giờ nghiên cứu ngoại khóa hay những giờ giải trí.
Rất mong nhận được sự góp ý của các bạn.
Chân thành cám ơn.
Thiên Trung
1. ÔNG HOÀNG
Niccolò Machiavelli

Trải qua hơn bốn thế kỷ, trong suy nghĩ mọi người trên khắp thế giới, tiếng "Machiavelian" đồng
nghĩa với một cái gì quỉ quái, phản phúc, xấu xa, độc ác và đồi trụy. Tính từ ấy bắt nguồn từ cái tên
Niccolò Machiavelli là một biểu tượng của nhà chính khách đầy mưu mô, thủ đoạn, giả đạo đức, vô
luân lý, tráo trở và bất nhân mà triết lý duy nhất là cứu cánh biện minh cho phương tiện. Khắp thiên hạ
đều cho rằng đối với Machiavelli, cái luật chính trị "cao" nhất là luật tùy thời.
Ở Anh vào thế kỷ XVII, "Già Nick" là hiệu danh dùng để bổ nghĩa cho cả hai danh từ riêng
Machiavelli và quỉ Satan. Có thể nào bào chữa cho bị cáo, hay liệu có trường hợp giảm khinh nào
không ? Cái tiếng dữ ấy đồn xa chỉ vì một cuốn sách, cuốn "Ông Hoàng" viết năm 1513, nhưng mãi
đến năm 1532 mới xuất bản, nghĩa là năm năm sau khi tác giả của nó từ trần. Không có tác phẩm văn
học nào thoát khỏi sự liên hệ với thời đại của nó và trong trường hợp cuốn "Ông Hoàng" điều đó lại
càng đúng. Thế mà cuốn sách ấy chứa đựng những bài học cho muôn đời.
Người ta không biết rõ về cuộc đời của Machiavelli kể từ năm 1498 trở về trước. Năm đó, 1498,
Machiavelli 29 tuổi đã là Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Florence. Ông giữ chức vụ này trong 18
năm. Vì công việc ngoại giao ông được đi Tuscany, vượt qua bên kia rặng núi Apennines tới Roma,
và sau đó vượt qua cả núi Alpes. Ông được quen biết nữ Bá tước Caterina Sforza; các ông Pandolfo
Petrucci, nhà độc tài xứ Siena; Ferdinand xứ Aragon, Louis XII nước Pháp, Hoàng đế Maximillan,
Đức Giáo Hoàng Alexander VI, Đức Giáo Hoàng Julius II và Cesare Borgia. Giữa Florence và các

tiểu quốc Venice, Pisa, Milan và Naples luôn xảy ra những mối bất hòa. Thời đó, chính trị suy đồi đến
độ không thể tưởng tượng nổi. Là người rất sành tâm lý, Machiavelli như cá gặp nước, ông có dịp thi
thố tài năng trong những nhiệm vụ thương thuyết thật khó khăn. Sự thực tế hay trân tráo đối với các vấn
đề chính trị của ông về sau này hẳn là do kinh nghiệm mà có, bởi ông đã học được cái bí quyết coi
thường mọi động lực khác mà chỉ chú trọng đến lòng tham và ích kỷ.
Rồi bất hạnh xảy tới. Nhờ viện trợ của Tây Ban Nha, họ Medecis lật đổ chế độ Cộng hòa và tái lập
nền thống trị ở Florence. Machiavelli bị cách chức, tống giam, tra tấn và sau cùng bị đày về một trang
trại nhỏ gần San-Casciano. Ông sống ẩn dật nơi đó cho đến khi mất, năm 1527, trừ một vài chuyến
xuất ngoại rất ngắn hạn. Trong những năm dài ẩn dật buồn nản, sự giải trí của ông là soạn sách : Ông
Hoàng, Những bài diễn văn, Nghệ thuật chiến tranh và Lịch sử xứ Florence , tất cả đều đặc biệt
liên quan đến chính trị thời xưa và đương thời.
Khó mà nhận định được tình cảm của ông đối với việc công ra sao, ngoại trừ một vấn đề mà ông
cảm xúc chân thành. Ông là một nhà ái quốc chân chính hết lòng mong muốn cho nước Ý được thống
nhất và hùng cường. Bình thường ông nhận xét sự việc một cách lạnh lùng, hoài nghi, một nhà trí thức
thuần túy không biết câu nệ. Nhưng một khi bàn về sự thống nhất nước Ý thì ông say sưa, hùng hồn,
nồng nàn và linh hoạt. Tình trạng nước Ý hồi đầu thế kỷ XVI bi thảm đến nỗi có thể làm cho kẻ yêu
nước rơi nước mắt.
Đương thời của Machiavelli, một biến động lớn về chính trị, kinh tế và thần học đang ngấm ngầm
nổi lên ở Ý. Ở những nơi khác : Anh, Pháp và Tây Ban Nha sau nhiều năm tranh đấu đã tạm hoàn thành
thống nhất quốc gia. Trái lại ở Ý quan niệm về một tổ chức quốc gia hay liên bang vẫn còn chưa được
nghĩ tới. Bấy giờ có năm guồng máy chính trị lớn cai trị nước Ý : Milan, Florence, Venice, Tòa Thánh
và Naples. Lớn mạnh nhất là Venice. Sự phân chia chính trị năm bè bảy mối là một nguyên nhân làm
cho nước Ý suy yếu và ngoại bang dòm ngó. Khởi đầu là vua Charler VIII nước Pháp xâm lăng năm
1494 và vị vua này vừa rút binh khỏi nước Ý độ vài năm thì đến lượt vua Louis XII và Ferdinand xứ
Argon, cả hai đều đồng ý chia đôi vương quốc Naples. Hoàng đế Maximilian phái binh tới chinh phục
Venice. Quân đội Đức, Thụy Sĩ, Pháp và Tây Ban Nha giày xéo và đánh lẫn nhau trên đất Ý.
Trong khi đó thì giữa người Ý với người Ý gây hấn lẫn nhau, thù hận, cướp bóc và giết chóc nhau
như cơm bữa. Cộng hòa này khai chiến với Cộng hòa kia, ganh tỵ uy quyền lẫn nhau không thể nào hợp
nhất thành một mặt trận cùng chống ngoại thù. Tòa Thánh bấy giờ đang ở giai đoạn suy yếu nhất trong
lịch sử, lo sợ có đối thủ mạnh cướp mất quyền lực thế gian, nên muốn duy trì tình trạng chia năm xẻ

bảy hơn là thực hiện thống nhất đất nước.
Lúc bấy giờ có lẽ Machiavelli là người sáng suốt hơn cả, đã nhận thức được những nguy cơ đang đe
dọa nước Ý. Trong cuộc sống ẩn dật bất đắc dĩ ngày đêm suy ngẫm về những thảm họa đã giáng xuống
đất nước thân yêu, ông đi tới kết luận là hy vọng duy nhất có thể cứu vãn xứ sở là phải có một đại lãnh
tụ và vị lãnh tụ ấy phải cường mạnh và quyết liệt để thu phục những tiểu quốc nhỏ bé, thống nhất họ lại
thành một quốc gia đủ sức tự bảo vệ và đánh đuổi ngoại xâm. Một lãnh tụ cỡ đó phải kiếm ở đâu ?
Trong cuốn "Ông Hoàng", Machiavelli trình bày quan niệm của ông về bậc lãnh tụ lý tưởng đó và tỉ mỉ
vạch rõ con đường mà vị đại lãnh tụ ấy phải theo để đi tới thành công.
Mặc dù Machiavelli đề tặng cuốn "Ông Hoàng" cho Lorenzo de Medici đương trị vì xứ Florence
lúc bấy giờ, nhưng vai chính cuốn sách lại là Cesare Borgia, con của Đức Giáo Hoàng Alexander VI,
mới mười bảy tuổi đã là Hồng y. Cesare Borgia còn là một tướng lãnh tài ba đã chinh phục tỉnh
Romagna và là một nhà độc tài, tàn ác. Năm 1502 Machiavelli được cử đi sứ tại triều đình Cesare
Borgia và, đúng như Nevins đã bình luận, Machiavelli "đã thán phục Borgia hết sức khi thấy nhà độc
tài này đã khéo léo áp dụng sự thận trọng và sự táo bạo, lời nói ngọt ngào mà hành động lại đẫm máu,
lạnh lùng trí trá như thế nào và giả dối ra sao, lúc khủng bố để khuất phục thiên hạ thì tàn nhẫn đến
mức độ nào, cả khi áp dụng chế độ độc tài để kìm kẹp một tiểu quốc thì hiệu quả ra sao". Nhờ sử dụng
sự phản trắc, độc ác và bội tín, Cesare đã thành công rực rỡ, nhưng chỉ là thành công nhất thời.
Machiavelli vốn là người chủ trương trung thành với một chính thể cộng hòa nhưng khi nghiên cứu tình
trạng tuyệt vọng và bi thảm của nước Ý, ông tin rằng một mẫu người như Cesare Borgia mới đáng là
lãnh tụ lý tưởng để chấm dứt tình trạng hỗn loạn bấy giờ. Và rồi với lòng ái quốc nhiệt thành, cảm
hứng vì viễn tượng thống nhất quốc gia, ý thức được nhu cầu khẩn trương lúc ấy và cơ hội ngàn năm
một thuở dành cho người mới lên cầm quyền, Machiavelli trút hết lòng nhiệt thành và năng lực dồi dào
vào công việc soạn cuốn "Ông Hoàng". Tác phẩm hoàn thành trong sáu tháng cuối năm 1913, và sau
đó ít lâu được đệ lên triều Vua Lorenzo với lời đề tặng của tác giả như sau :
"Trộm nghĩ không còn gì đáng giá để kính tặng ngài, hơn là dâng ngài nhàn lãm, để có thể hiểu được
trong một khoảng thời gian ngắn nhất tất cả những kinh nghiệm mà tôi đã học hỏi được cùng lúc với
nhiều gian khổ và nguy hiểm".
Luận cứ căn bản trong cuốn "Ông Hoàng" là : thịnh vượng của xứ sở biện minh cho tất cả mọi
phương tiện và trong cuộc sống công cộng và đời tư có những tiêu chuẩn luân lý khác nhau. Theo luận
thuyết này, vì công ích, nhà chính khách có quyền có những hành động bạo tàn và lừa đảo vốn là những

hành động chắc chắn sẽ bị lên án và có thể bị coi như là trọng tội trong những quan hệ giữa cá nhân.
Nói cho đúng ra Machiavelli chủ trương phân biệt giữa đạo đức và chính trị, Ông Hoàng là một thứ
kim chỉ nam cho những bậc vua chúa (có người nói là cho những bạo chúa), dạy cách chiếm đoạt và
duy trì quyền bính, tuy quyền bính đây không phải là để làm lợi cho nhà cầm quyền mà là để làm lợi
cho dân, để xây dựng cho dân một chính thể ổn định, đủ sức chống lại cách mạng cũng như ngoại xâm.
Làm thế nào để tạo được ổn định và an ninh ?
Trường hợp những thể chế quân chủ thế tập thì khỏi cần bàn tới nhiều, vì với trí thông minh và mẫn
tuệ trung bình, nhà cầm quyền thế tập tất nhiên có thể nắm giữ việc điều khiển chính phủ. Trái lại một
nền quân chủ mới thành lập gặp nhiều khó khăn phức tạp hơn. Việc cai trị sẽ tương đối dễ đàng, nếu
lãnh thổ mới bị chinh phục và sáp nhập thuộc cùng một dân tộc và ngôn ngữ với quốc gia đi thôn tính,
đặc biệt là nếu theo hai nguyên tắc này : "Thứ nhất phải tuyệt diệt dòng họ đã cai trị xứ này, thứ hai là
luật lệ và sưu thuế phải để nguyên không thay đổi".
"Nhưng nếu như lãnh thổ mới chiếm được thuộc một dân tộc khác, có ngôn ngữ, phong tục và luật lệ
riêng thì khó khăn sẽ gấp bội và muốn vượt qua được cần phải có thật nhiều may mắn và khéo léo".
Machiavelli đề nghị những biện pháp kiểm soát mà nhà cầm quyền phải tự thân hành đến ngự trị trên
lãnh thổ đó, phải di dân sang (như thế đỡ tốn hơn là đóng quân), phải kết thân với những nước láng
giềng yếu hơn mình và phải gắng sức làm suy yếu những nước mạnh. Không theo những luật căn bản
đó, Louis XII nước Pháp đã thất bại và mất hết đất đai chinh phục được.
Khi nghiên cứu vấn đề làm thế nào để cai trị các miền chinh phục được, Machiavelli trình bày ba
phương pháp nhờ đó có thể cai trị được một quốc gia vốn đã quen "sống dưới chính luật pháp của
mình và trong tự do Phương pháp thứ nhất là tiêu diệt quốc gia ấy; thứ hai là thân hành tới sống ở đó;
thứ ba là để xứ đó sinh hoạt theo kỷ cương luật pháp cũ, buộc xứ đó triều cống và trao quyền cho vài
người bản xứ. Những người này sẽ tìm cách giữ cho toàn thể dân chúng còn lại là bạn của quốc gia
thống trị". Trong ba phương pháp ấy Machiavelli cho hai phương pháp đầu là vẹn toàn hơn cả.
Tuy nhiên, nếu đô thị hay xứ nào mới chiếm được đó quen sống dưới chế độ một Vương giả mà
dòng họ vừa bị tuyệt diệt thì người dân địa phương một mặt vì quen sống phục tùng và mặt khác đã
quen bị bóc lột tất không thể nào lựa chọn được một thủ lãnh mới. Họ lại chưa từng biết thế nào là tự
do, tất còn lâu mới nổi dậy được để chống lại chính quyền mới, một người ngoài cuộc có thể dễ dàng
thu phục và lôi kéo họ về với mình.
Bàn thêm về "các tân vương quốc", Machiavelli khuyên rằng "Phải luôn luôn nhớ là tâm lý quần

chúng không nhất trí, dễ thuyết phục họ bao nhiêu thì lại khó giữ cho họ tin mình bấy nhiêu. Vì thế ta
cần chuẩn bị để khi quần chúng không còn tự ý tin nữa, thì buộc họ phải tin bằng võ lực".
Tiếp theo tác giả ca ngợi Cesare Borgia là vị lãnh tụ tài ba đặc biệt có quyền phản bội và phạm tội
giết người.
"Khi nhớ lại những hành động của quận công Borgia, tôi không biết trách cứ ông như thế nào, mà
trái lại tôi nhận thấy rằng, tôi có bổn phận đưa ông ta ra làm gương cho bất cứ ai nhờ may mắn hay do
người khác đưa lên nắm chính quyền. Bởi vì có tinh thần cao thượng và hoài bão lớn lao, quận công
Borgia không thể nào xử sự khác được… Vị tân vương này nhận định rằng điều cần thiết để bảo tồn
cho mình nơi đất mới là phải đắc nhân tâm, phải thắng mọi trở lực hoặc bằng võ lực hoặc bằng xảo
trá, phải làm cho dân vừa mến vừa sợ, quân binh trung tín và tôn sùng, phải tiêu diệt những kẻ có uy
quyền hay có lý do để hại mình, phải đổi mới trật tự và nề nếp cũ, vừa nghiêm khắc, vừa hòa hoãn,
khoan hồng và rộng rãi, phải tiêu diệt đám quân phản phúc và lập những đạo binh mới, phải duy trì
tình hữu nghị với vua chúa bằng cách nào để khi họ giúp thì hết lòng mà gây hấn thì dè dặt. Tất cả
những ông Hoàng có quan điểm đó không thể tìm đâu ra một tấm gương sáng hơn về các hành vi của vị
quận công này.
Một kẻ tiếm quyền khi thôn tính được một xứ rồi phải cấp tốc định việc trừng phạt ngay, rồi sau đó
ra ân để thu phục nhân tâm ân huệ nên ban bố từ từ, chút một, như vậy dân chúng được thụ hưởng đầy
đủ hơn. Một ông vua sáng suốt nên nhớ rằng trừng phạt chỉ là một trong nhiều phương pháp để chỉ huy
những bầy tôi.
Điều cần thiết cho một vị vương là được lòng dân vì nếu không thế sẽ không còn biết nương dựa
vào đâu lúc gặp cơn hoạn nạn Đừng để ai dẫn chứng câu tục ngữ xưa : "Xây dựng trên dân chúng là
xây dựng trên cát" để chống lại tôi vì điều đó có thể đúng trong trường hợp cá nhân của một công dân
quá tin ở tình cảm của thiên hạ đối với mình và cứ tưởng thiên hạ sẵn sàng cứu mình khi mình bị kẻ thù
hay công tố viên ức chế. Nhưng một đấng anh hùng can đảm và có khả năng lãnh đạo, biết bảo tồn an
ninh trật tự trong xứ, sẽ chẳng bao giờ nuối tiếc đã xây dựng củng cố an ninh cho mình trên lòng
thương mến của nhân dân.
Luận về thuộc quốc của Giáo hội, tức là những vương quốc dưới quyền cai trị trực tiếp của Giáo
hội, Machiavelli có những nhận định châm biếm vừa chua chát vừa nghiêm khắc hơn hết.
Nhờ công lao hay may mắn mà những thuộc quốc này được bảo vệ bởi những giáo lệnh khả kính và
hữu hiệu đến nỗi uy quyền của những vị vua chúa các vương quốc này được hoàn toàn bảo đảm mặc

dù họ sống hay hành động cách nào tuỳ ý. Họ là những ông chúa duy nhất có đất đai mà không phải bảo
vệ, có bầy tôi mà không phải cai quản.
Ở đây cũng như trong những tác phẩm khác, Machiavelli lên án gay gắt Giáo hội La Mã ở đầu thế kỷ
XVI đã không chịu thống nhất nước Ý để đối phó với ngoại bang. Ông chủ trương phải phân biệt hoàn
toàn Giáo hội và quốc gia.
Vì một chính phủ mạnh cần có quân đội mạnh, Machiavelli cho vấn đề quân sự là tối quan trọng và
dành khá nhiều chỗ bàn tới vấn đề này. Đương thời ông, phần lớn những tiểu quốc Ý quen dùng lính
đánh thuê, hầu hết là người ngoại quốc, trong việc quốc phòng. Machiavelli biện luận rằng những binh
sĩ như thế "vô dụng và nguy hiểm" và một quân đội quốc gia tùy thuộc vào sức mạnh vũ trang, người
cai trị phải coi vấn đề quân sự là mối bận tâm chính yếu.
Machiavelli dành nhiều chương nói về cách cư xử của các ông Hoàng, cư xử thế nào cho phải trong
nhiều trường hợp khác nhau.
"Giữa lối sống thường nhật và cái đạo sống mà người ta phải theo có một sự khác biệt rất lớn Điều
cần thiết cho một vị vương nào muốn giữ vững địa vị của mình là phải biết cư xử đúng hơn là chỉ biết
tốt và phải biết tùy trường hợp mà sử dụng hay không sử dụng đến lòng tốt Một vị vương được trời
phú cho những đức tính vẫn được coi là tốt thì ai cũng phải nhận là đáng ca ngợi, nhưng khó mà có thể
có đủ những đức tính ấy, thường xuyên thực thi những đức tính ấy Cho nên làm chúa thì phải cẩn
trọng để biết cách tránh điều ô nhục gây ra bởi những đồi trụy có thể làm mình mất ngôi".
Một ông Hoàng phải bất chấp sự mang tiếng là hà tiện vì tiêu xài tiền bạc, của cải, hoặc chính mình
hay của bề tôi, hoặc của thiên hạ Đối với những cái gì không phải của mình hay của con dân, ông
Hoàng phải ban bố chi phí rộng rãi Bởi vì rộng rãi bằng tài sản của người khác (tài sản chiếm được
trong các cuộc chiến tranh chinh phục) chẳng những không làm giảm mà còn làm tăng thêm oai danh
của mình. Nhưng đem cho tài sản của mình đi nghĩa là làm thiệt hại đến mình. Chẳng gì tự hại mình
bằng sự hoang phí vì làm mất đi phương tiện giúp mình tiêu xài rộng rồi trở thành nghèo túng và bị
khinh nhờn, hoặc để khỏi bị nghèo túng mà hoá ra tham lam và bị thù ghét.
Nhà vua phải nhớ rằng độc ác là một khí giới tốt để giữ cho bề tôi khỏi lục đục và phục tùng. "Bởi
vì ai mà biết dẹp một tình trạng rối loạn bằng một vài biện pháp cứng rắn làm gương, về sau tất sẽ có
thể nhân từ hơn người lúc đầu quá khoan hồng, cứ để cho cái sảy nẩy cái ung, rồi kết quả là đi đến
cướp đoạt và đổ máu làm tổn thương đến toàn thể xứ sở, trong khi ấy thì sự tàn ác của nhà vua chỉ gây
thiệt hại cho những cá nhân".

Machiavelli tuyên bố trong một đoạn văn nổi tiếng: "Do đó mới có vấn đề nên để cho dân yêu hơn
là sợ hay là để cho dân sợ hơn là yêu. Chắc hẳn có người trả lời là phải làm sao vừa được yêu vừa
được sợ : Song le yêu và sợ khó có thể đi đôi với nhau, cho nên, nếu buộc phải chọn lựa thì tốt hơn
nên để cho dân sợ hơn yêu. Bởi vì con người nhiều khi vô ơn bội nghĩa, nông nổi, giả dối, chỉ biết lo
tránh hiểm nguy, tham lam; chỉ hết lòng với ta khi ta còn có thể ban ơn cho họ; sẵn sàng nhảy vào lửa,
hy sinh tài sản, sinh mệnh và con đẻ dứt ruột cho ta khi quyền lực vẫn nằm trong tay ta".
Thật là hết sức trơ tráo mặc dù Machiavelli sau khi cân nhắc nặng nhẹ giữa yêu và sợ đã khuyên
rằng : "Nhà vua phải hết sức tránh, đừng để cho thần dân oán ghét". Trong cuốn "Ông Hoàng" không có
chương nào bị chỉ trích và lên án cho bằng chương 18 bàn về "bậc vua chúa giữ chữ tín cách nào". Sở
dĩ tính từ "Machiavellian" có cái nghĩa xấu xa là vì chương này hơn là do những phần khác của cuốn
này.
Ở chương đó tác giả đồng ý rằng, giữ chữ tín thì đáng ngợi khen lắm, nhưng ông cũng cho rằng để
duy trì quyền lực chính trị, lừa dối, giả đạo đức và bội tín là cần thiết và có thể tha thứ được.
"Có hai cách chiến đấu, một là theo luật pháp, hai là dùng vũ lực. Phương pháp thứ nhất hợp cho
loài người, phương pháp thứ hai thích hợp với thú vật. Nhưng bởi vì phương pháp thứ nhất thường
không hiệu quả cho nên cần phải dùng đến phương pháp thứ hai. Vì thế nhà vua phải biết sử dụng cả
hai cho khéo Nhưng vì cần phải biết sử dụng cái thiên tính của con thú một cách thông minh, nhà vua
phải chọn cả hai loại sư tử và cáo, vì sư tử không biết tránh cạm bẫy và cáo tại không thể tự vệ nổi
trước bầy sói Một ông vua khôn ngoan không cần và cũng không phải giữ lời khi vì chữ tín mà tự
mình làm tổn thương mình và khi những nguyên nhân buộc phải hứa đã đổi thay. Nếu bản chất của tất
cả mọi người đều tốt thì đó không phải là một lời khuyên tốt, nhưng vì thiên hạ lắm kẻ bất lương và
không giữ lời hứa đối với nhà vua, thì ngược lại nhà vua cũng chẳng cần phải giữ chữ tín đối với họ,
và cũng chẳng có một ông vua nào phải mất công tìm những lý do thỏa đáng để khỏa lấp một điều thất
tín Nhưng bản tính con người vốn chất phác, và vốn hoàn toàn bị chi phối vì những nhu cầu trước
mắt đến nỗi ai muốn lừa dối họ, sẽ luôn luôn tìm thấy những kẻ sẵn lòng làm người chịu bịp Như
vậy, nên tỏ ra vẻ đại lượng, thủy chung, nhân đạo, mộ đạo và chính trực và cũng nên như vậy thực sự;
nhưng tâm não phải giữ cho được thật cân bằng để khi cần không phải tỏ ra đại lượng, thủy chung, nhân
đạo, mộ đạo và chính trực thì có thể và biết cách làm trái ngược lại Mọi người chỉ thấy cái vỏ bề
ngoài chứ ít kẻ thấy được cái bản chất thực của nhà vua."
Machiavelli còn khuyến cáo là một ông vua cần phải tránh làm cho dân oán ghét hay khinh bỉ. Có

hai phương pháp chính cho một ông vua chuốc lấy căm hờn đó là "tham lam và can thiệp vào tài sản
và thê thiếp của con dân Người ta khinh một ông vua lang chạ, phụ bạc, nhu nhược, nhút nhát hay do
dự". Vả lại, nhà cầm quyền phải được lòng dân nhờ tự tay ban phát ân huệ và "để mặc cho các quan
tòa trách nhiệm gia hình, và tất nhiên cách xếp đặt tổng quát mọi sự việc có thể gây ra bất mãn". Ngay
cả những thành lũy cũng không cứu được một ông vua bị dân chúng thù ghét.
Để chỉ dẫn nhà vua "về cách cư xử phải thế nào", Machiavelli đã tha thiết khuyên rằng:
"… Một ông vua phải tỏ ra là một kẻ chuộng tài và phải cất nhắc những con dân nào tài giỏi trong
mọi ngành nghề. Vì vậy có bổn phận khuyến khích làm cho họ được dễ dãi tiếp tục nghề nghiệp, bảo
trợ con dân dù là trong ngành thương nghiệp, nông nghiệp hay bất cứ nghề nghiệp gì khác, để cho họ
không bị xao lãng trong việc tô điểm thêm cơ nghiệp mà không sợ bị cướp đi mất, hoặc ngần ngại
khuếch trương xí nghiệp vì sợ phải đóng thuế".
Machiavelli đã tỏ ra rất mực cảm phục chế độ La Mã xưa và ông đã gợi lại hình ảnh chế độ ấy để
khuyên nhà vua hãy "tìm cách cho dân chúng hưởng lạc qua các buổi lễ lạt và các cuộc trình diễn vào
những mùa thích hợp trong năm".
Machiavelli rất tin tưởng ở định mệnh và sự may rủi, có lẽ đó là một ảnh hưởng của thái độ chung
thời ông đối với khoa chiêm tinh.
Ông viết :"Tôi cho rằng có thể là vận mệnh đã làm chủ một nửa những hành động của chúng ta và để
quyền kiểm soát một nửa hay non một nửa những hành động còn lại cho chúng ta". Tuy nhiên ông cũng
chỉ tin vừa phải thuyết định mệnh thôi, vì ông cho rằng con người có thể ảnh hưởng được phần nào tới
số mệnh và ông chủ trương "nên xông xáo hơn là thận trọng. Vì định mệnh cũng như một người đàn bà,
muốn trị được, cần phải đánh đập và mạnh tay cương, và chúng ta thấy rằng định mệnh cũng như một
người đàn bà, luôn luôn ưu đãi những người trẻ, vì họ ít câu nệ và liều lĩnh tàn bạo hơn; điều khiển với
nhiều dũng cảm hơn".
Cuốn "Ông Hoàng" được kết luận với chương "một lời hô hào để giải phóng nước Ý", một lời kêu
gọi thức tỉnh lòng ái quốc. Thời của một vị tân quân đã tới, một vị "anh hùng nước Ý nào đó" đứng lên
vì nước Ý trong "cái tình trạng khốn nạn hiện nay" bị nô lệ còn hơn dân Do Thái, bị áp bức còn hơn
dân Ba Tư, chia rẽ còn hơn dân thành Athène không lãnh tụ, không trật tự, bị hành hạ, bóc lột, xâu xé
ra từng mảnh nhỏ, bị chà đạp, và bỏ phế đến hủy diệt trong mọi lãnh vực Chúng ta đã thấy nước Ý
cầu nguyện Thượng đế ban cho một vị cứu tinh để cứu quốc gia này thoát khỏi mọi sự tàn bạo dã man
và mọi áp bức ấy như thế nào. Chúng ta cũng thấy nước Ý đã sẵn sàng và sốt sắng ra sao để đi theo bất

cứ tiêu chuẩn nào nếu có chỉ một người nào đó thôi nêu được tiêu chuẩn đó lên.
Machiavelli đã chấm dứt lời thỉnh cầu hùng biện ấy trong những dòng sau : "Vì đó, cơ hội chót cho
nước Ý nhận định người giải phóng không thể để cho trôi qua được Trong tất cả những tỉnh của nước
Ý đã đau khổ vì bị tràn ngập quân ngoại bang, vị tân quân sẽ phải được tiếp đón với một tình cảm mến
như thế nào, với một khát vọng phục hận như thế nào, lòng sùng bái và những giọt nước mắt như thế
nào. Đó là điều tôi thấy không có một tiếng nào có thể diễn tả ra được. Còn có cánh cửa nào không mở
ra để đón vị tân quân ấy ? Còn có người nào từ chối không phục tùng và còn có ai ganh ghét cản trở
bước đường của vị ấy ? Còn có người Ý nào không tôn kính người ấy ?".
Trên ba thế kỷ rưỡi đã trôi qua trước khi mộng của Machiavelli nhìn thấy một Quốc gia Ý thống
nhất, thoát khỏi ách chiếm đóng và đô hộ của ngoại bang được trở thành sự thực.
Những bản chép tay cuốn "Ông Hoàng" đã được lưu truyền trong khoảng thời gian Machiavelli còn
sống và nhiều năm sau đó.
Tới năm 1532, cuốn sách này đã được Đức Giáo Hoàng Clement VII chấp nhận cho xuất bản. Vị
Giáo Hoàng này là người anh em họ của Ông Hoàng được tác giả đề tặng cuốn sách. Trong vòng hai
mươi năm sau, cuốn "Ông Hoàng" đã được tái bản tới lần thứ hai mươi lăm. Cộng đồng Trent ra lệnh
hủy diệt những tác phẩm của Machiavelli. Ở La Mã người ta tố cáo ông là một kẻ vô thần. Và ở đây
cũng như ở mọi nơi khác bên Âu châu, người ta đã cấm lưu hành, tàng trữ những tác phẩm của ông. Ở
Đức, các tu sĩ Dòng Tên đã đốt hình nộm của ông. Cả người Thiên Chúa giáo và người theo đạo Tin
lành đều đua nhau lên tiếng chống ông. Vào năm 1559, tất cả những tác phẩm của Machiavelli đều bị
liệt vào loại sách cấm.
Mãi cho tới thế kỷ XIX, tiếng tăm của Machiavelli mới được bênh vực và biện minh phần nào.
Những phong trào cách mạng ở châu Mỹ, ở Pháp, ở Đức và những nơi khác nữa đã gây ra khuynh
hướng mạnh mẽ muốn thế tục hóa chính quyền, tách rời chính quyền với Giáo hội. Cuộc chiến đấu cho
tự do của Ý đã đạt tới tột điểm thành công vào năm 1870, là nhờ nguồn cảm hứng của nhà đại ái quốc
Ý Machiavelli. Trong một thiên tiểu luận rất sâu sắc, H.Douglas Gregory đã chứng minh rằng nhờ tuân
theo những quy tắc của Machiavelli, nhà lãnh tụ Ý, Bá tước Cavour đã thống nhất được nước Ý và
đuổi được kẻ xâm lăng, trong khi đó thì nếu theo bất cứ một bài học nào khác sẽ chỉ đem lại tai họa và
thất bại.
Các nhà độc tài và vua chúa chuyên chế trong mọi thời kỳ đều tìm được rất nhiều lời khuyên lợi ích
trong cuốn "Ông Hoàng", điều ấy không thể chối cãi được. Bảng danh sách những độc giả say mê cuốn

sách rất quan trọng : Hoàng đế Charles đệ ngũ và bà Catherine de Medicis đã tán thưởng tác phẩm.
Oliver Cromwell đã kiếm được một bản "Ông Hoàng" chép tay và đã áp dụng những nguyên tắc của
cuốn sách đó trong Chính phủ Cộng hòa Anh quốc. Hai ông vua Pháp Henry đệ ngũ và Henry đệ tứ lúc
bị ám sát còn cầm cuốn "Ông Hoàng" trong tay. Cũng một cuốn sách đó đã giúp cho Fréderick Đại đế
tạo ra chính sách của nước Phổ thời ấy. Vua Louis thứ 14 đã coi "Ông Hoàng" là cuốn sách gối đầu
giường được ưa thích hơn hết. Người ta đã tìm thấy một cuốn "Ông Hoàng" có ghi những chú thích
trong xe ngựa của Hoàng đế Napoléon ở Waterlo. Những ý kiến về cách cai trị của Napoléon đệ tam
đã chính thức bắt nguồn cũng từ cuốn "Ông Hoàng", và Bismark cũng đã là một đệ tử trung thành của
Machiavelli. Gần đây hơn nữa, cứ theo như chính lời của Hitler thì "Ông Hoàng" là nguồn cảm hứng
thường xuyên của ông ta lúc nghỉ ngơi. Về phần Benito Mussolini, ông này đã từng tuyên bố : "Tôi tin
rằng cuốn "Ông Hoàng" của Machiavelli phải là sách chỉ nam tuyệt tác của nhà chính khách. Học
thuyết của tác giả ngày nay vẫn hợp thời vì trong vòng bốn trăm năm vẫn không có những gì là thay đổi
sâu xa trong trí não người ta hay là trong những hoạt động của các quốc gia". (Về sau ý kiến của
Mussolini đã thay đổi vì vào năm 1939 đảng Phát xít Ý đã cho liệt Machiavelli vào danh sách những
tác giả tân và cựu bị cấm không được cho lưu hành).
Mặt khác nhiều nhà phân tích các biến cố lịch sử sâu sắc đã viết rõ ràng rằng chung cục cuộc đời
những nhà độc tài như Hitler, Mussolini thường là bi đát vì họ đã không chú ý đến hay là đã hiểu sai
một số những nguyên tắc căn bản do Machiavelli đề ra. Những người nghiên cứu sâu xa học thuyết của
Machiavelli đã đồng ý là không đọc đầy đủ cả hai tác phẩm "Luận bàn" (Discourses) và "Ông
Hoàng" (The Prince) sẽ không thể hiểu được đầy đủ những ý tưởng của ông.
Tác phẩm "Luận bàn" được Machiavelli hoàn thành trong vòng năm năm trời và cũng được xuất
bản một năm cùng với cuốn "Ông Hoàng", là một tác phẩm công phu hơn nhiều. Người ta cho rằng có
một sự khác biệt lớn giữa hai tác phẩm ấy. Đó là cuốn "Luận bàn" bàn về "cái phải thế" còn cuốn
"Ông Hoàng" bàn về "cái là thế ". Cuốn "Ông Hoàng" được hoàn toàn dành cho những vấn đề của các
vương quốc, tức là các quốc gia do những vị quốc vương đơn độc cai trị. Còn cuốn "Luận bàn" thì
được bàn về những nguyên tắc cai trị phải được áp đụng ở những nước cộng hòa.
Đọc và so sánh hai tác phẩm nói trên người ta phải giật mình mà kết luận rằng : Machiavelli là một
người tin đặc biệt vào lý tưởng Cộng hòa. Ông không ưa gì chế độ chuyên chế và ông cho rằng một
chính phủ tốt hơn hết là một chính phủ hòa hợp được các nguyên tắc cai trị của hai thể chế dân quyền
và quân quyền. Không có nhà cầm quyền nào có thể yên vị nếu không chiếm được sự ủng hộ của dân

chúng. Những quốc gia vững bền hơn hết là những quốc gia có những ông vua cai trị với những quyền
hạn được hạn chế do hiến pháp. Như người ta đã nhận thấy, theo quan điểm của Machiavelli thì sự
phán đoán của dân chúng rất trung thực, khi ông chỉ trích câu phương ngôn xưa : "Xây dựng trên dân
chúng là xây dựng trên cát". Theo ông, chính phủ lý tưởng là chính phủ Cộng hòa La Mã xưa, như ông
đã thường nhắc tới trong tác phẩm "Luận bàn".
Như vậy thì tại sao Machiavelli lại viết tác phẩm "Ông Hoàng" khi ông cho rằng một chính phủ
cộng hòa cho một quần chúng tự do là có giá trị hơn mọi thứ chính phủ khác ? Cuốn "Ông Hoàng" đã
được viết ra cho một thời đặc biệt và cũng vì một số điều kiện đặc biệt nữa. Machiavelli đã chắc chắn
nhận thức được rằng không thể thiết lập được chế độ cộng hòa cho có hiệu quả tốt ở nước Ý vào thế kỷ
XVI. Ông Hoàng đã được viết ra vì mục đích duy nhất giúp cho một người hùng phương sách cứu dân
Ý thoát ra khỏi cái tình trạng tuyệt vọng của họ và khỏi cái tình thế chính trị thối nát lúc bấy giờ. Phải
đương đấu với cơn khủng hoảng trầm trọng lúc ấy, dân Ý không thể phân định quá tỉ mỉ thứ vũ khí có
thể cứu được họ.
Hiện nay vẫn còn có nhiều ý kiến rất dị biệt về Machiavelli mặc dù mọi cố gắng đã được thực hiện
để khôi phục lại tên tuổi ông. Tình trạng do Giuseppe Prezzolini mô tả vài năm trước đây vẫn còn
thịnh hành:
"Bây giờ chúng ta có Machiavelli của các tu sĩ Dòng Tên, một kẻ thù của Giáo hội, Machiavelli của
các nhà ái quốc, Đấng cứu thế của một nước Ý thống nhất và của dòng họ cai trị Savoy, Machiavelli
của quân phiệt, tiền phong của quân đội quốc gia, Machiavelli của các triết gia đã sáng tạo ra một
đường lối tư tưởng mới, tinh thần thực tiễn; và Machiavelli của những nhà văn, chiêm ngưỡng lối hành
văn mạnh mẽ và cú pháp táo bạo của ông. Và tất cả những Machiavelli ấy đều là chính đáng cả".
Thật khó mà chối cãi được rằng không có ai trước Karl Marx lại có một ảnh hưởng cách mạng tới
tư tưởng chính trị như là Machiavelli. Ông xứng đáng được tặng danh hiệu "Nhà sáng lập môn chính trị
học".

2. LƯƠNG TRI
Thomas Paine

Không một người bình thường nào đã tiên đoán được cái tương lai rực rỡ của Thomas Paine, khi
ông tới châu Mỹ vào năm ba mươi bảy tuổi. Cho tới tuổi ấy đời ông chỉ là một chuỗi những thất bại và

thua thiệt. Công việc nào ông bắt tay vào làm cũng đều đi đến kết quả không ra gì.
Vì lý do nào chỉ trong vòng một ít năm, mà Thomas Paine, một người di cư vừa mới đặt chân tới
Tân Thế giới lại nổi danh là một trong những tác giả Anh ngữ xuất sắc hơn hết ; một trong những nhân
vật được tranh luận hơn hết trong lịch sử Hoa Kỳ ; một tay phiến động và là một cách mạng gia mà ai
cũng biết tên tuổi ; người ta sợ và ghét, hoan hô và ca ngợi tận hang cùng ngõ hẻm tất cả những thuộc
địa Anh ở châu Mỹ, ở Anh và cả ở Tây Âu nữa ? Hình như cuộc hành trình qua đại dương đã ảnh
hưởng tới việc biến đổi kỳ dị con người và tính tình của ông đầu hôm sớm mai từ một kẻ tầm thường
biến thành một thiên tài.
Tuy nhiên nếu nhìn trở lại chuỗi ngày ấu thơ của Paine ta sẽ thấy rõ là thật ra thời kỳ ấy không phải
bỏ đi mà đó là một cách chuẩn bị cho cuộc đời mới của ông. Ông sinh ở Thetford, một quận ở Norfolk
thuộc miền Đông nước Anh, vào ngày 29 tháng Giêng năm 1737. Cha ông là một tín đồ giáo phái
"Quaker", còn mẹ ông theo Anh giáo. Ngay khi vào đời, ông đã nếm cảnh cùng cực thiếu thốn và làm
việc nặng nhọc. Cho đến năm mười ba tuổi, Thomas Paine theo học một trường trung học.
Theo lời ông thì chính tại trường này, ông đã "hấp thụ được một nền giáo dục thật là tốt và một số
kiến thức hữu ích đáng kể". Thực hành vốn trái ngược với lý thuyết - nên tài linh mẫn về khoa học và
phát minh của ông đã nổi bật lên ngay từ hồi đó và ông vẫn giữ được tài năng ấy qua suốt cả cuộc đời
bận rộn.
Sau thời kỳ giáo dục ngắn ngủi ấy, Paine bắt đầu tập sự học nghề của cha làm áo nịt phụ nữ.
Ba năm học nghề; rồi phần thì vì cái quyến rũ của biển khơi, phần vì quá chán ngán công việc buồn
tẻ đương làm, ông đã trốn khỏi nhà để đăng vào đoàn thủy thủ tàu cướp biển "Nỗi kinh hoàng"
(Terrible) do một viên thuyền trưởng có cái tên ghê gớm là Tử Thần chỉ huy. Được cha giải thoát, ông
lại trở về tiếp tục nghề cũ cho tới năm mười chín tuổi. Rồi ông lại lao mình đăng vào đoàn thủy thủ tàu
"Hoàng đế nước Phổ", cũng một tàu cướp biển, trong một thời gian ngắn.
Rồi khi đã chán cái quan niệm lãng mạn về đời thủy thủ, ông lại trở về tiếp tục nghề cha, nhưng lần
này thì ở London chứ không ở Thetford như trước nữa. Cửa tiệm ông giúp việc lần này ở gần Drury
Lane. Lúc nhàn rỗi, ông đi dự các lớp thuyết giảng về thiên văn học.
Tiếp đó là những năm buồn lo, bối rối, lạc lõng.
Ở Sandwich, ông lập gia đình với một cô hầu mồ côi mẹ, nhưng chưa được một năm thì người vợ
này chết. Nhạc phụ ông làm nghề thu thuế công quản; và Paine cũng bị lôi cuốn vì cái nghề này dành
cho ông nhiều nhàn rỗi và nhiều lợi ích khác.

Paine được thu nhận làm một viên chức sở thuế công quản.
Thật không còn gì làm mất bè bạn và cảm tình một cách chắc chắn hơn nữa vì nghề của ông là bắt
bọn buôn lậu, và kẻ giàu, người nghèo cũng đều chống lại ông cả. Sau khi bị cất chức vì thiếu tinh thần
không thi hành luật lệ được nghiêm chỉnh, ông đã trở lại nghề làm áo nịt trong một thời gian ngắn, rồi
lại xoay qua dạy học với một số lương đói rách là 25 bảng Anh một năm ở Kensington.
Được sở thuế công quản tái tuyển dụng, ông tục huyền vào năm 1771 và theo vợ cùng bà nhạc về
làm việc trong một hiệu bán tạp hóa và thuốc lá ở Lewes, để tăng thêm thu nhập.
Trong mấy năm này, Paine đã dành nhiều thì giờ để lui tới nhà White Hart Tavern, tham dự những
buổi hội họp ở một câu lạc bộ xã hội với tư cách là hội viên. Với mục đích xây dựng ông đã sáng tác
những vần thơ châm biếm và những bài ca ái quốc, và có khi lại viết những bài báo về những vấn đề
đứng đắn hơn, ông cũng thường hay tranh luận sôi nổi về những vấn đề hàng ngày. Vì ông có tài ăn nói
nên các đồng nghiệp của ông đã đề cử ông làm phát ngôn viên cho họ nhân một dịp đòi tăng lương và
cải thiện điều kiện làm việc. Paine đã dành nhiều tuần lễ sau đó để chuẩn bị một bản điều trần nhan đề
: "Tình trạng lương bổng của các nhân viên sở thuế công quản và ý kiến về sự thối nát bởi cái nghèo
túng của nhân viên sở thuế công quản". Vào mùa đông năm 1772 - 73 , Paine đã đi London để trình
bản thỉnh nguyện với các nghị sĩ quốc hội và các viên chức khác.
Nhưng chẳng những bản thỉnh nguyện bị bác bỏ mà Paine còn bị sa thải luôn với lý do là đã sao
lãng bổn phận; cửa hàng bán thuốc lá bị vỡ nợ, đồ đạc, và vật dụng riêng của Paine được đem bán để
cứu ông thoát tù vì nợ, và ông phải rời xa vợ ông. Thế là gần trung niên, ông lại phải sống cô độc
không một đồng dính túi.
May mắn là trong thời kỳ Paine lưu trú ở London, ông đã gặp Benjamin Franklin lúc ấy đang làm ủy
viên đại diện các thuộc địa Anh ở Hoa Kỳ. Có thể là vì đã nhận thấy thiên tài của Paine nên Franklin
đã thuyết phục Paine hãy sang châu Mỹ thử thời vận. Franklin viết cho con rể là Richard Bache ở
Philadelphia giới thiệu Paine là "một thanh niên tháo vát có giá trị", Franklin cũng đề nghị nên dùng
Paine đứng bán hàng, làm phụ giáo trong một trường học, hay làm một phụ tá giám thị. Lá thư của
Franklin là vốn liếng chính của Paine khi ông đặt chân đến Philadelphia vào đầu tháng Chạp năm
1774.
Tuy nhiên Paine cũng đã đem theo một thứ vốn liếng loại khác quý vô giá. Đó là kinh nghiệm bản
thân. Ông đã biết ở bên Anh công lý đã được áp dụng tàn ác như thời cổ xưa như thế nào; ông cũng đã
biết cái nghèo hèn ty tiện; ông cũng đã từng được nghe và đã từng đọc nhiều về quyền tự nhiên của con

người, ông cũng đã thấy cái hố sâu phân cách hàng triệu dân thường với con số vài ngàn tôn thất và
quý tộc ở bên Anh, và ông cũng biết kế hoạch bầu cử vào thứ dân nghị viện Anh ở địa phương thối nát
ra sao; ông cũng không lạ gì sự đồi trụy và ngu ngốc của vương thất bên Anh lúc ấy. Vì đã suy nghĩ kỹ
càng về những vấn đề đó nên Paine đã có một tấm lòng trắc ẩn sâu xa đối với nhân loại, một lòng yêu
chế độ dân chủ và phải khuyến khích thúc đẩy để đạt tới một công cuộc cải cách chính trị và xã hội
toàn diện.
Ngay sau khi tới Philadelphia, Paine đã được một tờ báo mới ra đời lúc ấy là tờ Pensylvania
Magazine mời làm chủ bút và ông đã giữ chức vụ này gần suốt mười tám tháng là quãng thời gian tờ
báo này sống được. Và gần như ngay lúc ấy, nhờ xuất bản một bản tiểu luận lên án tình trạng nô lệ của
người da đen và mạnh mẽ ủng hộ công việc giải phóng những người nô lệ này, Paine đã đột nhiên mở
đầu cho cái công nghiệp lâu dài chiến đấu để bảo vệ công lý của ông từ đấy trở đi.
Năm tuần lễ sau, một hội những người Hoa Kỳ đầu tiên chống chế độ nô lệ đã được thành lập ở
Philadelphia. Tiếp theo đó ông đã tham gia vào công việc đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, đề nghị
những đạo luật quốc tế quy định bản quyền của các tác giả, tố cáo những tàn ác đối với loài vật, chế
giễu tập tục đấu gươm hay đấu súng, và đòi bãi bỏ chiến tranh để thay vào đó bằng đàm phán mỗi khi
có bất hòa giữa các quốc gia.
Tuy nhiên chính giữa lúc ông viết những điều trên thì ông cũng không thể không đóng một vai trò
quan trọng, một cuộc chiến tranh quốc tế đang lan rộng nhanh chóng. Những trận đánh ở Concord,
Lexington và ở đồi Bunker đã diễn ra vào mùa xuân 1775.
Sau "cuộc tàn sát ở Lexington" vào tháng Tư, Paine đã viết cho Bejamin Franklin như sau : Tôi thấy
thật khổ tâm khi phải nghe đạn lửa tàn phá quốc gia réo bên tai đúng lúc tôi đặt chân tới.
Ở mười ba thuộc địa của Anh tại châu Mỹ, người ta rất chia rẽ về thái độ cần phải theo lúc ấy, đi từ
thái cực này sang thái cực khác.
Người như Samuel Adams và John Hancock thì ủng hộ chiến tranh, còn nhóm bảo thủ lại vẫn trung
thành với vua nước Anh.
George Washington, Benjamin Franklin và Thomas Jefferson thuộc nhóm các lãnh tụ vẫn xác nhận
lòng trung thành với nước Anh và tỏ ra không mấy tin ở ý tưởng phân ly và độc lập. Cả hai đệ nhất và
đệ nhị Đại lục Quốc hội đều chấp nhận những quyết định xác nhận lòng trung thành của họ đối với
Vương quyền, và chỉ thỉnh cầu được thanh thỏa những yêu sách của họ. Ngay giữa những luồng tư
tưởng bất nhất, giữa sự xung đột của các quan niệm và xúc động, giữa sự lôi kéo và giằng co ấy, có

một người đã nhận thấy rõ ràng chiều hướng và kết quả có thể xảy ra của các biến cố. Ngay từ đầu,
Thomas Paine đã quan niệm cuộc phân ly giữa Anh và Hoa Kỳ là không thể tránh được.
Ông đã dành cả mùa thu năm 1775 để ghi lại những ý tưởng của ông.
Trước khi xuất bản, Paine đã đưa tác phẩm của mình cho nhiều bè bạn đọc; một trong những người
bạn của ông là bác sĩ Benjamin Rush đã đề nghị nên đề tựa là Lương Tri - (Common Sense) - và đã
giúp Paine tìm một nhà xuất bản. Đó là Robert Bell gốc người Scotland vừa là một nhà bán sách, vừa
là chủ nhà in, ở Philadelphia.
Cuốn Lương Tri ra đời ngày 10 tháng Giêng năm 1776, "do một người Anh viết ra"; đó là một cuốn
sách nhỏ dày bốn mươi bảy trang giá hai shilling. Trong vòng ba tháng, 120.000 ấn bản đã được bán
ra, và tổng cộng số tiền thu được ước lượng lên tới nửa triệu, một tỷ lệ bán trong dân chúng tương
đương với số 30 triệu ấn bản ở Hoa Kỳ ngày nay. Rất có thể là tất cả những người trí thức đương thời
ở mười ba thuộc địa đã đọc cuốn sách ấy.
Mặc dầu số sách lớn lao đã bán được, Paine quyết định không nhận một đồng tiền bản quyền nào.
Không bao giờ trong lịch sử văn học có một cuốn sách ngay sau khi xuất bản đã có ảnh hưởng sâu
rộng có thể so sánh được với cuốn Lương Tri.
Đó là một tiếng kèn kêu gọi những dân Mỹ thuộc địa chiến đấu cho nền độc lập của xứ sở họ -
không hòa giải, không do dự. Paine đã chỉ cho họ thấy là chỉ có cách mạng mới là giải pháp độc nhất
để giải quyết vấn đề tương tranh giữa họ với nước Anh và Hoàng đế nước Anh George III.
Paine đã tuyên bố : "vì không có gì khác nữa ngoài sự tương tranh, vậy thì, vì Thượng đế, chúng ta
hãy chia tay nhau hẳn. Phải chăng chúng ta đã trả quá đắt cái giá đòi thủ tiêu những sắc luật, nếu đó là
tất cả những lý do chiến đấu Trả với cái giá một trận đánh ở đồi Bunker vì luật pháp hay vì đất đai
là quá điên rồ Đó không phải là việc riêng của một thành phố, một quận, một tỉnh hay là một vương
quốc, mà là của một đại lục… Đó không phải là việc làm trong một ngày, một năm hay một thời đại; cả
hậu thế cũng bị liên hệ trong cuộc tranh đấu ấy Bây giờ là lúc gieo hạt giống cho tình đoàn kết giữa
lục địa, cho niềm tin và danh dự Dây liên lạc giữa lục địa quá lỏng lẻo Độc lập là dây liên lạc duy
nhất ràng buộc chúng ta lại với nhau".
Đây là một đoạn giới thiệu cuốn Lương Tri tương đối ôn hòa:
"Có thể những tình cảm nói tới trong những trang sau đây chưa được hợp thời cho lắm để được mọi
người tán thưởng; nếu đã từ lâu chúng ta không cho một điều nào đó là sai thì cái thói quen đó sẽ làm
cho ta thấy điều sai kia có cái vẻ bên ngoài đúng và thói quen đó sẽ khiến chúng ta lớn tiếng hò hét

bênh vực cho phong tục. Nhưng rồi sự xôn xao ấy sẽ sớm lắng dần xuống. Thời gian làm cho người ta
thay đổi ý kiến nhiều hơn là lẽ phải".
Phần đầu cuốn sách nhỏ này luận về nguyên thủy và bản chất của chính quyền với sự ứng dụng đặc
biệt vào hiến pháp của nước Anh. Triết lý về chính quyền của tác giả đã được diễn tả ra trong một số
những câu đại loại như sau:
"Chính quyền, ngay cả khi ở một tình trạng tốt đẹp hơn hết, cũng chỉ là một thứ tội ác cần thiết ; ở
tình trạng tồi tệ hơn hết thì chính quyền ấy ở thế không thể dung thứ được. Chính quyền, cũng như y
phục, là biểu hiện của tình trạng ngây thơ đã mất; cung điện của vua chúa đã được xây dựng trên những
căn lều đổ nát nơi thiên đường Văn minh càng hoàn hảo bao nhiêu thì nền văn minh ấy càng ít có dịp
có một chính quyền hoàn hảo bấy nhiêu".
Paine lý luận là nguồn gốc và nguyên ủy của chính quyền đã "vì thế giới không cai trị được bằng
đức hạnh, mà trở nên cần thiết; đây cũng là mục đích của chính quyền, tức là tự do và an ninh".
Giữa xã hội và chính quyền có một dị biệt sâu sắc. Con người bị lôi cuốn vào xã hội, vì qua sự hợp
tác với người khác, một số nhu yếu cần thiết của con người có thể được thỏa mãn. Trong tình trạng
này, con người có một số quyền tự do bình đẳng. Đúng lý tưởng thì con người phải được sống trong
hòa bình và hạnh phúc mà không có chính phủ, nếu như những "xúc động của lương tâm" được "trong
sáng, thuần nhất, và được tuân theo một cách không cưỡng lại được". Vì con người vốn hèn yếu và bất
toàn trên phương diện đạo đức nên mới cần đến một quyền thế để kìm hãm họ lại; và quyền thế đó là
do chính quyền mà có. Tuy nhiên an ninh, tiến bộ và niềm an ủi của con người lại lệ thuộc vào xã hội
nhiều hơn là vào chính quyền. Tập quán và phong tục xã hội, mối liên lạc và quyền lợi giữa người với
người có ảnh hưởng mạnh hơn là những thể chế chính trị.
Sau đó Paine đã "trình bày một vài nhận xét về hiến pháp mà người Anh vốn lấy làm tự hào". Ông
phê bình như sau : "Phải nhìn nhận rằng hiến pháp ấy đã là cao thượng vì được quy định vào giữa một
thời kỳ nô lệ và đen tối. Khi bạo lực chà đạp thế gian thì chỉ một sự thoát ly nhỏ nhoi khỏi bạo lực ấy
cũng đã là một cứu rỗi vẻ vang rồi. Nhưng có thể chứng minh dễ dàng cái bất toàn, và cái mầm rối
loạn trong hiến pháp ấy cũng như không thể thực hiện được những gì mà có vẻ đã hứa hẹn". Để được
coi là bổn phận chính yếu của chính quyền tức là trách nhiệm, thì Paine lại cho là hoàn toàn không có
trong hiến pháp Anh. Hiến pháp ấy phức tạp đến nỗi thật không thể nào xác định được ai là kẻ chịu
trách nhiệm về bất cứ một điều gì. Phần độc nhất đáng ca ngợi trong hiến pháp ấy là quyền của người
dân Anh, ít nhất là trên lý thuyết, là được cử người vào Hạ nghị viện.

Paine đề nghị một chế độ có một quốc hội lập pháp được bầu cử theo thể thức dân chủ cho các
thuộc địa [1] một Tổng thống và một nội các, với ngành hành pháp chịu trách nhiệm trước quốc hội.
Nhưng Paine đã dành cho thể chế quân chủ kế thừa những lời lẽ phũ phàng hơn hết và niềm khinh bỉ
đau độc hơn hết. Ông tấn công toàn thể nguyên tắc của chế độ quân chủ, và đặc biệt là thể chế quân chủ
nước Anh.
"Chế độ quân chủ trước hết được những kẻ dị giáo đưa vào thế giới; rồi dân Do Thái (Israel) rập
theo tập tục ấy. Đó là một phát minh thành công hơn hết của ma quỉ để dẫn dắt đến sự tôn thờ ngẫu
tượng. Người dị giáo thần thánh hóa những ông vua đã qua đời của họ. Chúng ta đã đem cái tội ác thừa
kế nối ngôi ghép thêm vào cái tội ác quân chủ chế độ. Và khi cái tội ác quân chủ chế độ là một bại
hoại và hạ thể chúng ta thì tội ác thừa kế nối ngôi được đòi hỏi như một vấn đề chính nghĩa, lại là một
xỉ nhục và bắt buộc đối với hậu thế Một trong những chứng cớ tự nhiên chắc chắn hơn hết về cái
điên rồ của quyền thừa kế ngôi vua là Tạo hóa đã bài bác quyền ấy. Tạo hóa đã chẳng thường đem
quyền ấy ra mà giễu cợt khi khiến cho các vua chúa sinh ra những kẻ thừa kế bất tài, bạc nhược sao ?"
Trong con mắt Paine, quyền thừa kế ngai vàng ở Anh thật đáng nghi ngờ nếu đi ngược dòng thời gian
tới thời kỳ nước này bị chinh phục. Ông đã viết :"Một đứa con hoang người Pháp, đã đổ bộ lên với
một bầy cướp võ trang rồi tự lập làm vua nước Anh dù không có sự đồng tình của dân bản xứ, nói
đúng ra chỉ là một kẻ lừa bịp láo lếu. Chắc chắn là không làm gì có chuyện thiên mệnh ở đây". Nếu
chế độ quân chủ bảo đảm chỉ sản xuất ra có những con người tốt và khôn ngoan, thì cũng chẳng có gì là
đáng trách cứ, nhưng chế độ ấy đã mở cửa cho những kẻ ngu ngốc, những kẻ tàn ác và những kẻ không
xứng đáng người nào tự coi mình như sinh ra để mà trị vì, còn những kẻ khác sinh ra để tuân lệnh, sẽ
sớm trở thành ngạo mạn; được tuyển chọn ưu đãi trong đa số nhân loại, còn lại đầu óc họ sẽ sớm bị
đầu độc vì địa vị Khi lên nắm chính quyền, thường thường họ là những kẻ ngu dốt hơn ai hết, và
không thích đáng với địa vị hơn ai hết trong suốt bờ cõi. Để cho những ông vua còn nhỏ tuổi hay quá
lão ngự trị trên ngai vàng cũng tạo ra vô vàn điều bất hạnh; trong trường hợp trước, thực quyền cai trị
đất nước ở trong tay một nhà nhiếp chính, và trong trường hợp sau, quyền ấy lại lệ thuộc vào tính tình
bất nhất của một ông vua quá già, suy nhược.
Để chống lại lập luận cho rằng chế độ quân chủ thừa kế ngăn ngừa được nạn nội chiến, Paine đã
nhấn mạnh là từ ngày bị thôn tính, Anh đã trải "không dưới tám lần nội chiến và mười chín cuộc nổi
loạn".
Ông kết luận:

Ở Anh - một ông vua chả có gì để làm hơn là gây chiến và làm mất đất, nói nôm na là đã làm nghèo
quốc gia và gây ra những mối bất hòa ở trong nước. Thật là một chuyện tốt đẹp cho một người mỗi
năm được lĩnh tám trăm ngàn bảng Anh và lại còn được tôn thờ luôn nữa! Đối với xã hội và Thượng
đế, một người lương thiện còn có giá trị nhiều hơn là tất cả những tên vua chúa bất lương từ trước đến
nay.
Trong nhiều đoạn Paine đã đặc biệt gắt gao chua chát đối với Hoàng đế Georges đệ tam. Sau trận
tàn sát ở Lexington, ông viết :"Tôi không nhìn nhận tên Hoàng đế Pharaông này của nước Anh, một ông
vua có tâm tính chai đá, cau có; tôi khinh cái kẻ vô hạnh, với cái danh hiệu giả mạo; Cha của thần dân
đã có thể bình tâm nghe con dân bị tàn sát, và vẫn ngủ yên được với máu của họ trong lương tâm".
Trong một đoạn sau ông thêm :"Có người hỏi : Còn vua Mỹ thì ở đâu ? Tôi sẽ trả lời bạn là ông ấy
ngự trị ở trên và không gây tai họa gì cho nhân loại như là tên hôn quân ở nước Anh".
Sau khi đã phát biểu mạnh mẽ những ý tưởng bình dân về một chính thể quân chủ, Paine đã đề cập
đến "Một vài ý nghĩ về hiện trạng doanh thương Mỹ". Ông đã nhấn mạnh vào những nhân chứng kinh tế
để chủ trương phân ly với nước Anh. Về chủ trương của nhóm Tories [2] cho rằng châu Mỹ đã phát
triển nhờ mối liên hệ với Anh, Paine đã trả lời:
"Châu Mỹ cũng đã phát triển như hiện nay và chắc chắn là hơn thế nữa, nếu không còn một quốc gia
châu Âu nào có bất cứ một liên quan gì với châu Mỹ. Những sản phẩm thương mại nhờ đó châu Mỹ trở
nên giàu có được, là những nhu yếu của đời sống, luôn luôn sẽ có thị trường khi mà dân châu Âu vẫn
còn cần ăn Lúa mì của chúng ta sẽ bán được giá trên bất cứ một thị trường châu Âu và những thứ
hàng hóa mà chúng ta phải bỏ tiền ra nhập cảng, chúng ta sẽ mua ở nơi nào chúng ta muốn".
Paine đã bác bỏ luận điệu cho rằng Anh đã che chở cho thuộc địa của mình chống lại người Tây
Ban Nha, người Pháp và người da đỏ với lời bình luận như sau:
"Nước Anh có thể sẽ bảo vệ nước Thổ Nhĩ Kỳ vì những lý do tương tự là để bảo vệ an toàn cho nền
thương mại và thuộc quốc của mình", và trong bất cứ trường hợp nào, sự bảo vệ ấy cũng được thực
hiện bằng "tiền của chúng ta cũng như là tiền của nước Anh".
Paine thừa nhận là một trong những dây liên lạc bền chặt hơn hết đã ngăn cản Hoa Kỳ phân ly với
nước Anh là cái quan niệm đầy tình cảm coi nước Anh như một mẫu quốc. Nếu đúng như thế, thì "hành
vi kia của nước Anh lại càng thêm sỉ nhục hơn nữa. Ngay các thú dữ cũng không ăn thịt con, và ngay
cả đến những dân mọi rợ cũng không khai chiến với chính gia đình họ Từ ngữ quốc gia họ hàng hay
mẫu quốc đã được Hoàng đế Anh và bọn thần tử ký sinh giả nhân giả nghĩa chấp dụng, với cái hậu ý

thấp kém là để gây một ảnh hưởng bất chính đối với lòng dễ tin của chúng ta. Châu Âu là quốc gia bà
con của châu Mỹ, chứ không phải nước Anh".
Ông nhấn mạnh rằng Tân thế giới đã từng là "nơi trú ngụ cho những người ở khắp cả châu Âu bị
ngược đãi vì yêu chuộng quyền tự do công dân và tự do tín ngưỡng. Ngay tại tỉnh này cũng không có
tới một phần ba dân số thuộc dòng giống người Anh. Vì vậy, tôi cả quyết cho rằng từ ngữ nước mẹ hay
nước anh em chỉ áp dụng cho nước Anh là sai lầm, ích kỷ, thiển cận và hẹp hòi".
Paine cho rằng có rất nhiều điểm bất lợi trong việc tiếp tục liên hệ với nước Anh. Và ta đã thấy
được trong đoạn ông viết sau đây một phần nào ý kiến mà sau này được diễn tả ra qua lời cảnh cáo
của George Washington, đó là phải "sáng suốt trong đường lối liên minh thường xuyên với bất cứ miền
nào trên thế giới hải ngoại" và qua chính sách của Thomas Jefferson như sau "Hòa bình, mậu dịch, và
tình bạn chân thật với tất cả mọi quốc gia - không liên kết riêng với bất cứ một quốc gia nào".
"… Vì, bất cứ sự tùng phục hay sự lệ thuộc nào vào nước Anh cũng đều lôi cuốn thẳng lục địa này
vào những cuộc chiến tranh và tranh chấp ở châu Âu, và sẽ gây ra cho chúng ta những mối bất hòa với
những quốc gia khác đang tìm cách kết thân với chúng ta. Đối với những quốc gia ấy, chúng ta chẳng
giận hờn cũng chẳng phiền trách. Vì châu Âu là thị trường mậu dịch của châu Mỹ, vậy chúng ta phải
tránh những liên hệ thiên vị với bất cứ phần đất nào ở đó. Quyền lợi chính của châu Mỹ là tránh xa
khỏi những cuộc tranh chấp ở châu Âu.
Điều mà chúng ta không bao giờ có thể làm được vì sự phụ thuộc với Anh, là chúng ta phải nghiêng
về phía nước Anh để làm tăng giá trị cho chính sách của quốc gia này. Châu Âu khó có hòa bình lâu
dài vì chế độ vương quốc đã bắt rễ quá đậm ở đây, và khi xảy ra chiến tranh giữa nước Anh với bất
cứ một quốc gia nào, nền thương mại của châu Mỹ sẽ sụp đổ, vì châu Mỹ liên hệ với Anh.
Những điều bất tiện lợi nhiều vô kể trong guồng máy chính quyền Anh, sau khi được kiểm điểm lại,
Paine kết luận:
"Anh không đủ sức thi hành công lý ở cái đại lục này, công việc ấy sẽ sớm trở thành nặng nề và rắc
rối khó có thể điều hành cho có kết quả khả quan được, nếu quyền lực ấy xa chúng ta quá và không
hiểu gì về chúng ta cả; vì nếu quốc gia ấy không thể chinh phục ta được, ắt họ không thể cai trị ta
được. Gửi một bản báo cáo hay một bản thỉnh nguyện đi một nơi xa hàng ba, hay bốn ngàn hải lý, rồi
đợi chờ tới bốn hay năm tháng mới nhận được trả lời, rồi cần phải tới năm hay sáu tháng nữa để giải
thích; chỉ trong vài năm sự việc này thành điên rồ và ngây ngô Cho rằng một hải đảo sẽ vĩnh viễn cai
trị một đại lục thì thật là phi lý. Chưa bao giờ ta thấy có trường hợp một vệ tinh lại lớn hơn là một

hành tinh chính của nó".
Đối với những người hoài nghi và yếu bóng vía còn tin là Hoa Kỳ vẫn có thể sống hòa nhịp và hòa
giải với Anh được, Paine đã viện đến những lý lẽ cảm động như sau:
"Bạn có thể trả lại cho chúng tôi quãng thời gian đã qua đi không ? Bạn có thể hoàn lại cái trong
trắng thuở ban đầu cho một cô gái điếm không ? Cũng như bạn sẽ chẳng thể nào hòa giải được nước
Anh và châu Mỹ. Bây giờ sợi dây cuối cùng đã đứt rồi, dân ở Anh đang chống lại chúng tôi rồi. Có
những sự tổn hại mà tạo hóa không thể tha thứ được; vì nếu tạo hóa có thể tha thứ được những tổn hại
ấy thì tạo hóa không còn là tạo hóa nữa. Cũng giống như một người đã yêu không tha thứ cho kẻ đã
cướp mất người tình của mình thì đại lục này sao lại tha thứ được cho những người Anh sát nhân!
Trong khi áp bức còn đè nặng lên thế giới bên ngoài, châu Mỹ phải mở rộng cánh cửa tự do và sửa
soạn một nơi ẩn trú cho những người bị ngược đãi".
Paine đã dành chương cuối cùng cuốn sách nhỏ của ông cho một vài nhận xét rất thực tế về "khả
năng hiện thời của châu Mỹ", nhằm phác họa công trình xây dựng lòng tự tin của người Mỹ và thuyết
phục họ rằng họ có nhân lực, kinh nghiệm chế tạo và nguyên liệu thiên nhiên chẳng những đủ để đánh
bại được Anh mà nếu cần còn thắng được cả thế giới thù địch chống lại họ nữa. Hoa Kỳ hồi đó còn là
thuộc địa đã có một đạo quân lớn được võ trang và có kỷ luật. Chỉ trong một thời gian ngắn, người ta
có thể kiến tạo một hạm đội so sánh được với Anh vì nhờ có một số lượng đáng kể như dầu chai, cây,
sắt và dây nhợ , và "Đóng tàu là cái tài mà Mỹ vẫn lấy làm hãnh diện hơn hết, nên sớm muộn rồi Mỹ
cũng sẽ vượt được toàn thế giới". Một hạm đội là một điều cần thiết trong bất cứ trường hợp nào, để
phòng thủ và bảo vệ, vì lẽ hạm đội Anh "ở cách xa đây ba hay bốn ngàn hải lý đã tỏ ra rất ít hứa hẹn
và trong những trường hợp bất ngờ, thì lại hoàn toàn vô hiệu".
Về sau Paine bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận về tôn giáo. Ghi lại quan điểm của Paine về vấn
đề tôn giáo ở giai đoạn này trên đường sự nghiệp của ông là một điều lợi ích:
"Về vấn đề tôn giáo thì tôi chủ trương rằng bổn phận thiết yếu của tất cả mọi chính phủ là phải che
chở tất cả mọi tín ngưỡng, và tôi thấy không còn việc nào mà một chính phủ lại cần phải làm hơn là
việc ấy nữa. Một luận chứng có vẻ như muốn chống lại một Giáo hội được thiết lập và có chủ trương
phân quyền giữa Giáo hội và quốc gia Riêng tôi thì tôi hoàn toàn tin tưởng một cách có ý thức là sở
dĩ có những dị biệt về quan niệm tôn giáo ở giữa chúng ta là vì đó là phạm vi Đấng Toàn Năng : điều
đó làm cho phạm vi lòng nhân ái của đạo Ki-tô chúng ta trở thành rộng lớn hơn. Nếu chúng ta chỉ biết
suy tưởng có một chiều, thì khuynh hướng tôn giáo của chúng ta sẽ cần phải được thử thách, chứng

minh; và trên nguyên lý tự do ấy, tôi thấy tên các loại tôn giáo khác nhau giữa chúng ta cũng giống như
tên các đứa trẻ trong một gia đình, có khác là điểm tên thánh mà thôi".
Tóm lại những lý do khiến ông tin tưởng là "không có gì giải quyết được nhanh chóng những vấn đề
của chúng ta cho bằng một bản tuyên ngôn độc lập rõ ràng và dứt khoát", Paine đã viện ra bốn yếu tố
để kết luận cuốn Lương tri:
1. Bao lâu mà Hoa Kỳ còn bị coi là thuộc quốc của Anh thì sẽ không có một quốc gia nào khác lại
có thể đứng ra hòa giải những mối bất hòa giữa Anh và Hoa Kỳ;
2. Nước Pháp hay Tây Ban Nha sẽ chẳng giúp Hoa Kỳ để nối kết lại sự đứt đoạn và siết chặt lại
mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Anh, vì làm như thế sẽ thiệt hại cho quyền lợi của quốc gia họ;
3. Khi người dân Mỹ nhìn nhận mình là thần dân của Anh thì những quốc gia khác sẽ coi họ như là
những kẻ phiến loạn, và do đó chỉ được ít cảm tình cho họ;
4. Kết quả sẽ cực kỳ tốt đẹp nếu dân Mỹ lập một bản tuyên ngôn nói rõ sự bất bình và ý định cắt đứt
mọi liên hệ với Anh để gửi tới tất cả mọi quốc gia khác, bày tỏ ý chí hoà bình thân thiện và sự mong
muốn thiết lập bang giao thương mại với các quốc gia ấy.
Để kết luận, Paine vẫn chủ trương là
…Cho đến khi độc lập được tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ vẫn cảm thấy như một người cứ lần lữa hoãn lại
hết ngày này sang ngày khác một công việc khó chịu, tuy vẫn biết là việc đó phải giải quyết; vẫn ghét
bắt tay vào việc; mà vẫn mong cho việc đó xong đi, và vẫn cứ luôn luôn bị ám ảnh vì những ý tưởng
của công việc cần thiết đó.
Vì vậy, thay vì nhìn nhau e ngại nghi ngờ, mỗi người trong chúng ta hãy chìa bàn tay thành thật thân
hữu cho người láng giềng của ta và đoàn kết lại để vạch ra một đường lối, một đường lối được coi như
là một cử chỉ vị tha, sẽ chôn vùi trong lãng quên tất cả mọi bất hòa trước. Hãy để cho cái tên đảng Tự
do và đảng Bảo thủ tàn lụi đi. Và chúng ta chớ nên để lọt vào tai bất cứ những gì không phải là điều :
một công dân tốt, một người bạn cởi mở và kiên quyết, và chân thành ủng hộ quyền lợi của nhân loại
và một châu Mỹ với những quốc gia tự do và độc lập.
Đó là nội dung bức Thông điệp cách mạng do cuốn Lương Tri thông báo cho dân Mỹ đi từ những lý
lẽ bình phàm, thực tế, thiết thực cho tới những lời kêu gọi trĩu nặng tình cảm, mãnh liệt có khuynh
hướng của một kẻ sinh ra đã có máu phiến động.
Hậu quả cấp biến và mãnh liệt của cuốn Lương Tri có thể dẫn chứng được bằng những đoạn trích
trong những văn kiện của một số các nhà lãnh tụ đương thời lưu lại.

Những mối hồ nghi của George Washington đã tan biến khi ông viết cho Joseph Reed ở Norfolk
:"Chỉ một vài bằng chứng nảy lửa nữa như những bằng chứng đã được phô diễn ở Falmouth và
Norfolk thêm vào với cái lý thuyết đúng và phép lý luận vững chắc chứa đựng trong cuốn sách nhỏ
Lương Tri sẽ không làm cho người ta phải bối rối quyết định về tính cách thích đáng của vấn đề phân
ly nữa"; và một vài tuần sau cũng lại George Washington đã viết cho Reed : "Nhờ những lá thư riêng
vừa ở Virginia gửi tới, tôi thấy cuốn Lương Tri của Paine đã làm cho tư tưởng nhiều người ở đó thay
đổi một cách thật kỳ diệu". John Adams cũng đã viết cho bà vợ ông như sau :"Tôi gửi mình một cuốn
sách nhỏ nhan đề là Lương Tri, viết để bênh vực những lý thuyết mà chúng ta có lý do để hy vọng sẽ
sớm tạo thành tín ngưỡng chung của mọi người". Sau khi đọc xong, Abigail đã trả lời lá thư đó như sau
: "Lương Tri, giống như một tia sáng, đã tới đúng lúc để làm sáng tỏ những mối nghi ngờ và ấn định sự
lựa chọn của chúng ta".
Benjamin Rush đã viết : "Những tác phẩm của Paine đã tung nổ ngay từ máy in với một hiệu quả ít
thấy trong làng sách báo vào bất cứ thời nào và ở bất cứ xứ sở nào"; Tướng Charles Lee đã thêm :
"Tôi nhìn nhận tác phẩm ấy đã thuyết phục được tôi"; Franklin ghi nhận là : "Tác phẩm ấy đã có một
hiệu quả phi thường"; và William Henry Drayton đã thuật lại là : "Bản tuyên ngôn đó đến như một
tiếng sét nổ giữa các nghị sĩ" của Quốc hội Đại lục.
Trong cuốn Lịch sử Cách mạng Hoa Kỳ, Sir George Trevelyan đã bình luận như sau :
"Thật khó mà đặt tên cho một tác phẩm đã có ngay một hiệu quả cấp kỳ, bao la và lâu dài đến như
thế Cuốn sách đó đã được ăn cắp, trích lục, nhại lại và bắt chước phiên dịch sang tiếng của mọi
quốc gia đang khao khát chế độ tân Cộng hòa Cứ theo như báo chí đương thời thì cuốn Lương Tri đã
cho hàng ngàn người tán thành chủ trương độc lập mà trước đấy họ không thể chịu đựng được ý tưởng
đó. Tác phẩm đó đã tạo được phép lạ và biến nhiều người thuộc nhóm Tories[3] thành người của phe
Whigs[4] .
Trong vòng có vài tháng sau khi cuốn Lương Tri xuất hiện, đa số các tiểu bang đã chỉ thị các đại
diện của họ bỏ phiếu ủng hộ nền độc lập của Hoa Kỳ, chỉ có tiểu bang Maryland là tỏ ra do dự và
New York là chống lại. Vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, chưa đầy sáu tháng sau khi cuốn sách nhỏ danh
tiếng của Paine được phát hành, Quốc hội họp tại Philadelphia đã tuyên bố Hoa Kỳ là một quốc gia
độc lập ở Châu Mỹ. Mặc dù Paine không viết bản tuyên ngôn độc lập đó, song ông đã cộng tác chặt
chẽ với Thomas Jefferson khi bản tuyên ngôn được soạn thảo và ngoại trừ điều khoản chống nô lệ mà
Paine ủng hộ, bị bỏ qua không đề cập đến, những nguyên tắc Paine đã đề ra đều được ghi vào bản

tuyên ngôn nổi tiếng này.
Tuy nhiên cuốn Lương Tri lại chỉ có một ảnh hưởng gián tiếp tới sự nghiệp của đời Paine về sau đó.
Ta có thể kể sơ qua được điểm nổi bật nhất. Ngay sau khi Hoa Kỳ tuyên bố độc lập, ông đã gia nhập
đoàn quân Cách mạng. Là một phát ngôn viên hoạt bát vì chính nghĩa Hoa Kỳ, ông đã hăng say góp
phần vào công cuộc xây dựng nền thống nhất và tinh thần quốc gia bằng một loạt tác phẩm nhỏ, mỗi
cuốn đều có nhan đề là Cuộc khủng hoảng. Cuốn đầu tiên được bắt đầu bằng những dòng sau : "Đây là
lúc thử thách dũng khí của mọi người. Trong cuộc khủng hoảng này, người chiến sĩ và nhà ái quốc tùy
thời [5] sẽ co đầu rụt cổ trước bổn phận đối với xứ sở, nhưng kẻ nào ở trong hàng ngũ chiến đấu lúc
này thì kẻ ấy đáng được mọi người yêu mến và biết ơn". Vài tháng sau nhận thấy Paine có tài tuyên
truyền và xây dựng tinh thần các chiến sỹ, Quốc hội đã rút ông ra khỏi quân đội và cử ông làm Thư ký
ủy ban Ngoại giao - nói đó đúng là vị Ngoại trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ. Những cuộc tranh luận xung
khắc đã buộc ông phải từ chức, và sau đó ông được cử giữ chức vụ Thư ký Quốc hội Tiểu bang
Pennsylvania.
Vào năm 1781, ông được cử sang Pháp cùng với John Laurens để vận động chính phủ nước này trợ
giúp về tài chính cho chính phủ Hoa Kỳ lúc ấy đang lâm bước cực kỳ khó khăn; cũng ngay trong năm
đó, ông đã trở về Hoa Kỳ với tiền bạc và nhiều vật dụng trợ giúp khác.
Vào năm 1783, là năm Cách mạng đã hoàn tất, Paine quay sang những phát minh về cơ khí; ông đã
vẽ kiểu cây cầu treo bằng sắt đầu tiên và ông cũng đã thí nghiệm về năng lực của hơi nước. Paine
quyết định tham khảo ý kiến các kỹ sư Pháp và Anh về một số vấn đề kỹ thuật, nên tới năm 1787, ông
lại sang châu Âu và lưu lại đây mười lăm năm.
Cuộc Cách mạng Pháp nổ bùng ít lâu sau khi Paine tới châu Âu, ông đã nhiệt liệt ủng hộ vì ông cho
biến cố này là một chứng minh cho những ý tưởng dân chủ của ông trước kia. Để bênh vực cuộc cách
mạng và để đáp lại những lời công kích của Edmund Burke, ông đã viết tác phẩm nổi tiếng Những
quyền lợi của con người. Vì những lý thuyết trình bày trong tác phẩm trên, ông buộc phải vội vã trốn
khỏi Anh để khỏi bị bắt vì tội phản quốc.
Ông trốn sang Pháp và được bầu vào Quốc ước Hội nghị. Hội đồng cách mạng với tư cách đại diện
cho thành phố Calais; vì nhằm mục đích cứu vua Louis thứ 16 thoát khỏi bị xử tử, Paine đã tuyệt giao
với những nhà cách mạng quá khích như Robespierre và Marat. Nên khi nhóm này lên nắm chính
quyền, họ cho bắt Paine, và giam giữ ông mười tháng. Ông bị tước bỏ danh hiệu công dân danh dự
Pháp; và thiếu chút nữa thì bị đưa lên đoạn đầu đài. Ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của Đại sứ

Hoa Kỳ James Monroe và về nghỉ dưỡng sức ở nhà vị Đại sứ này.
Tác phẩm vĩ đại của Paine vào thời kỳ này là The Age of Reason (Tuổi trưởng thành). Đôi khi tác
phẩm này được coi như là một "bản Thánh kinh của những người vô thần".
Thật ra Paine là một người ngoan đạo, tin tưởng nơi một Thượng đế và tin về đời sau và dù đã chỉ
trích bản Cựu Ước nặng nề, tác phẩm The Age of Reason đã được Paine viết để chống lại làn sóng vô
thần mạnh mẽ đã tràn ngập nước Pháp trong thời Cách mạng. Tuy nhiên, các nhà thần học và các nhóm
Chính thống giáo đã gay gắt lên án Paine là một kẻ vô tín ngưỡng và cấp tiến nguy hiểm.
Khi Paine trở về Mỹ năm 1802, ông không còn được tiếp đón như một vị anh hùng cách mạng nữa.
Trái lại, các nhà lãnh tụ chính trị và những giáo hữu ngoan đạo coi như đã thực sự khai trừ ông, vì ông
là tác giả cuốn The Age of Reason và cũng vì những thuyết chính trị cấp tiến của ông.
Khi ông đã an cư ở New Rochelle thuộc thành phố New York, ông đã bị truất mất quyền bầu cử với
lý do ông không phải một công dân Mỹ. Người ta cũng đã tìm cách mưu sát ông.
Sau bảy năm trời bị hắt hủi tàn nhẫn, bị thù ghét không thể tưởng tượng được, bị bỏ rơi, nghèo nàn
và đau yếu liên miên, ông đã mất vào năm 1809, thọ 72 tuổi. Người ta đã khước từ không cho chôn
ông ở nghĩa địa của giáo phái "Quaker".
Những nỗi khổ đau, những lọc lừa giả dối và những tổn hại bạo tàn trong những năm cuối cùng của
Paine vẫn tồn tại cho tới mãi thời gần đây. Théodore Roosevelt vẫn coi Paine là một kẻ "vô thần nhỏ
bé và ghê tởm" mặc dù Paine chẳng ghê tởm, chẳng nhỏ bé và cũng chẳng vô thần, cũng như danh hiệu
"đế quốc" gán cho Tòa thánh La Mã mà Tòa thánh La Mã chẳng phải là một đế quốc, và cũng chẳng
phải là La Mã. Cho tới năm 1933 một chương trình nói về Paine đã bị cấm phát thanh ở đài New
York. Rồi tới năm 1945, tên ông mới được ghi vào đài kỷ niệm những danh nhân của Hoa Kỳ, tức là
ông chỉ được hưởng vinh dự ấy bốn mươi lăm năm sau ngày thành lập đài kỷ niệm này. Cũng trong
năm đó, thị trấn New Rochelle đã phục hồi quyền công dân bị truất từ năm 1806 cho vị anh hùng Cách
mạng Paine.
Có lẽ ông là người xứng đáng với danh hiệu "Người khai sáng nước Hoa Kỳ độc lập" hơn ai hết.
Ông là người đầu tiên đã dùng danh từ "Hợp Chủng Quốc ở châu Mỹ". Chính ông đã tiên đoán là danh
hiệu "Hợp Chủng Quốc ở châu Mỹ" sẽ rền vang trong lịch sử y như danh hiệu Vương quốc Anh vậy.
Chính ông đã tuyên bố : "Trong một giới hạn rộng lớn, chính nghĩa của Hoa Kỳ là chính nghĩa của toàn
thể nhân loại". Không có dấu hiệu nào chứng tỏ bản tính của Paine rõ hơn câu : "Nơi nào không có tự
do thì nơi đó là đất nước tôi" mà ông đã dùng để đáp lại câu : "Đâu có tự do thì đó là đất nước tôi"

của Franklin.
Ngay ở thời ông, cũng không phải chỉ toàn có những người hận thù và hiểu lầm ông. André Jackson
đã dám nói là : "Thomas Paine không cần đến những đền đài kỷ niệm do bàn tay con người xây cất;
ông đã tự xây cất cho ông một đài kỷ niệm trong thâm tâm tất cả những người yêu chuộng tự do".
___
[l] Đây là nói về các thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ lúc bấy giờ vẫn chưa nổi lên chống lại Anh để
lập thành Hoa Kỳ như ngày nay.
[2] Nhóm Bảo thủ ở Mỹ chủ trương không nên tách rời khỏi Anh vào thời Hoa Kỳ mở cuộc chiến
tranh phân ly với nước này và sau đó trở thành một quốc gia độc lập.
[3] Xem chú thích ở phần trên.
[4] Một đảng chính trị được thành lập ở Hoa Kỳ vào năm 1834, chống lại đảng Dân chủ, Đảng
Whigs có chủ trương gần giống như Đảng Cộng hoà ngày nay.
[5] Nguyên văn : người chiến sĩ vào mùa hè và nhà ái quốc trời nắng : The summer soldier and the
sunshine patriot.


3. QUỐC PHÚ LUẬN
Adam Smith

Chừng hai tháng sau khi tập "Lương tri" của Thomas Paine đã làm cho bản tuyên ngôn Độc lập và
nhiều biến cố quan trọng khác của cuộc cách mạng Hoa Kỳ diễn biến dồn dập, một cuốn sách có ảnh
hưởng sâu rộng sau này trong một lãnh vực khác của đời sống, xuất hiện ở London. Không giống như
tập văn nẩy lửa của Paine, hai cuốn "Nghiên cứu về bản chất và nguyên do sự trù phú của các Quốc
gia" rất chừng mực của Adam Smith là một trái bom nổ chậm, khởi đầu ít được chú ý, và phải đợi tới
cả trăm năm sau khi Adam Smith qua đời, bộ sách mới có ảnh hưởng toàn diện.
Năm 1776, có thể rất hợp lý gọi là năm kết thúc một giai đoạn và mở đầu cho một giai đoạn khác.
Cuộc cách mạng Mỹ đã bùng nổ, cuộc cách mạng Pháp đang âm ỉ, và cuộc cách mạng kỹ nghệ được
châm ngòi bằng sự phát giác ra năng lực hơi nước, đang xúc tiến mau lẹ. Một nhà bình luận đã gọi thời
trước đó là "thời Tăm tối của Hiện đại". Ở Anh, mọi lãnh vực sinh hoạt kinh tế, gần như nằm dưới sự
kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Giá cả, lương bổng và giờ lao động đều được ấn định, sự sản xuất

được qui định, nền ngoại thương, kể cả xuất nhập cảng, hoàn toàn ở trong tay nhà nước định đoạt.
Chiến tranh gần như là một biến cố thường trực. Chính sách Quốc gia chủ trương quân lực và hải quân
mạnh, dân số đông, giành giật, cướp thuộc địa ở khắp thế giới, và làm suy yếu những quốc gia đối thủ
thí dụ như Pháp, bằng đường lối cạnh tranh chính và bất chính. Giai cấp cầm quyền chống đối lại dữ
dội mọi đề nghị nhằm phân phối tài sản một cách công bình. Giáo dục chỉ dành cho một thiểu số được
ưu đãi, hình luật vô cùng khắc nghiệt, dân quyền chỉ có ở trên lý thuyết nhiều hơn là trong thực tế.
Đã qua bao thế hệ, giai cấp quí tộc địa chủ vẫn nắm giữ guồng máy nhà nước, nhưng một giai cấp
mới và mạnh gồm những nhà buôn, nhà kỹ nghệ, đã mọc lên, đòi hỏi và được thụ hưởng những đặc
quyền riêng. Theo quan điểm của giai cấp mới này thì xuất cảng là đáng cầu, nhập cảng là tai họa, tiền
không được ra khỏi xứ, cán cân thương mại phải giữ sao cho có lợi, lương công nhân phải hạ, giờ lao
động phải nhiều, quan thuế phải cao để bảo vệ hàng nội hóa, cần phải có một hạm đội hàng hải thương
thuyền hùng hậu và sau hết là mọi biện pháp giúp đỡ thương giới phải làm sao cho có lợi cho cả quốc
gia. Dưới áp lực của giai cấp mới, quốc hội đã chấp thuận nhiều đạo luật dựa vào những quan niệm kể
trên.
Trong tình trạng đó, Adam Smith xuất hiện với ý định phá vỡ những thành kiến mà ông cho là sai
lầm và nguy hại. Cuộc đời của Smith từ trước cho đến giai đoạn này có thể coi như một sự chuẩn bị
cho công trình vĩ đại mà ông đang bắt tay vào. Sinh quán ở Scotland, năm 14 tuổi (1737) Smith ghi tên
theo học trường đại học Glasgow. Tại đây Smith thụ giáo với Francis Hutcheson, một giáo sư lỗi lạc,
vẫn thường nhắc nhở niềm tin tưởng ở nguyên tắc : "Hạnh phúc tối đa của đại đa số". Chính niềm tin
đó của Francis Hutcheson đã trở nên chủ thuyết của Smith. Sau đó ông theo học trường đại học
Oxford, và trong sáu năm ở đây ông dành rất nhiều thì giờ để đọc đủ các loại sách. Trở về Scotland,
Smith làm giảng sư ở Edinburgh, và đến năm 1751 ông được bổ làm giáo sư luân lý và siêu hình học,
rồi ít lâu sau làm giáo sư triết học (moral philosophy) tại trường đại học Glasgow. Trong 12 năm liền
ông được nổi tiếng vì có biệt tài giảng dạy, và nổi tiếng về một tác phẩm bán rất mạnh nhan đề là
"Triết lý về các tình cảm luân lý" - một tác phẩm được dư luận đương thời coi có giá trị hơn bộ Quốc
phú luận. Vì được trả lương hậu hĩ hơn, Smith từ chức giáo sư để làm bạn đồng hành và là thầy dạy tư
cho một nhà quí tộc trẻ tuổi trong cuộc du lịch ba năm ở châu Âu. Trong chuyến đi này ông đã làm
quen với các nhà kinh tế học, triết lý và chính trị học nổi tiếng ở châu Âu, nhất là ở Pháp.
Từ năm 1759, Adam Smith đã phác định nội dung bộ sách sau này là bộ Quốc phú luận. Ông mất rất
nhiều thời gian suy tư, nghiên cứu, quan sát, tiếp xúc với đủ mọi lớp người, mất rất nhiều thời gian

duyệt đi duyệt lại trước khi trao tác phẩm vĩ đại của đời ông cho nhà in. Ba năm trước khi sách xuất
bản, ông luôn có mặt ở London thảo luận về nội dung Quốc phú luận với Benjamin Franklin, khi đó là
đại diện của Mỹ thuộc Anh. Ngày 9 tháng 3 năm 1776, bộ Quốc phú luận của Adam Smith được phát
hành, và từ đó sách được tái bản không biết bao nhiêu lần và được dịch ra rất nhiều thứ tiếng.
Vì nội dung có tính cách bách khoa nên bộ Quốc phú luận không phải chỉ là một bộ sách thông
thường về kinh tế học. Một nhà phê bình gọi đây là bộ "Lịch sử và nhận định về văn minh châu Âu".
Mở đầu với những trang khảo luận về vấn đề loại lao công, Adam Smith lược qua các lãnh vực cứu
xét về nguồn gốc và việc sử dụng tiền tệ, giá cả vật phẩm nhu yếu, lương bổng công nhân, thị trường
chứng khoán, lợi tức đất đai, giá trị vàng bạc, sự khác biệt giữa loại lao động sản xuất và lao động
không sản xuất. Sau đó tác giả phân tích sự phát triển kinh tế ở châu Âu từ khi đế quốc La Mã tan rã,
phân tích và phê bình chính sách thuộc địa và chính sách thương mại của các quốc gia châu Âu. Ông
cũng đề cập đến các vấn đề như lợi tức của đế quốc, phòng thủ và công lý ở các xã hội nguyên thủy,
nguồn gốc và sự phát triển binh đội ở châu Âu. Smith cũng không bỏ qua các vấn đề lịch sử giáo dục
thời Trung cổ, phê bình nền đại học đương thời, lịch sử thê quyền của Giáo hội, sự tiến triển của công
trái, và kết luận ông cứu xét về những nguyên tắc đánh thuế và các chế độ lợi tức công cộng.
Tiền đề tổng quát mà Adam Smith dùng làm nền tảng cho bộ Quốc phú luận có dáng dấp tư tưởng
của Niccolò Machiavelli; thí dụ như ông nhận định rằng : người ta ai cũng vì tư lợi, ham giàu chỉ là
một khía cạnh của lòng vị kỷ , và mọi hoạt động của con người đều vì lý do tư lợi cả. Điều đặc biệt là
Smith không những không lên án những khuynh hướng đó mà ông còn tin rằng chính lòng vị kỷ của cá
nhân sẽ đưa tới sự trù phú của xã hội. Ông cho rằng : Quốc gia sẽ trở nên phồn thịnh "nếu mọi cá nhân
không ngừng nỗ lực để cải thiện cuộc sinh hoạt của riêng mình Anh hàng thịt, anh làm rượu, anh làm
bánh mang đồ ăn đến cho ta chính là vì lợi riêng của cá nhân họ, chúng ta kêu gọi không phải lòng nhân
từ của họ mà kêu gọi đến lòng ích kỷ của họ, chúng ta không bao giờ nói với họ về những nhu cầu của
chúng ta mà chỉ nói với họ về mối lợi riêng của họ". Vì sách Quốc phú luận có những đoạn tương tự
nên Ruskin đã gọi tác giả là "con người Scotland kém trí, thiếu học, chuyên khuyên điều phi nghĩa :
Phải ghét Chúa, ghét Thượng đế, phải từ bỏ luật lệ của Ngài và thèm thuồng tài sản của láng giềng".
Adam Smith chủ trương rằng : kỹ nghệ mới chỉ có thể phát triển được bằng các phân công và tích
lũy tư bản. Cả hai khía cạnh này đều vì tư lợi và "sự xếp đặt tự nhiên" theo quan niệm của các nhà triết
học thế kỷ XVIII. Như vậy vô hình trung, bàn tay Thượng đế đã dẫn dắt con người, để cùng một lúc
phục vụ quyền lợi riêng tư và quyền lợi của tập thể. Nhận định đó dĩ nhiên đưa tới kết luận là chính

phủ chỉ nên can thiệp ở mức tối thiểu vào cuộc sinh hoạt kinh tế. Ở một bình diện khác Thomas Paine
cũng có nhận định tương tự khi ông viết : "một Chính phủ tốt đẹp nhất là một Chính phủ cai trị ít nhất".
Để chứng tỏ những điều lợi của sự phân công, Adam Smith đã nêu ra trường hợp chế tạo đinh ghim
:"Một công nhân không biết nghề không quen sử dụng máy móc giỏi ra một ngày làm được một
chiếc đinh ghim, và chắc chắn không thể nào làm được 20 chiếc một ngày. "Phân tách sự chế tạo đinh
ghim" làm mười tám công việc khác nhau, chia cho nhiều người làm trong xưởng máy tôi đã thấy một
xưởng máy đinh ghim nhỏ chỉ dùng có mười công nhân mà có thể sản xuất tới bảy mươi tám ngàn
chiếc đinh ghim một ngày". Đó là "kết quả của sự phân công hợp lý và sự phối hợp những động tác
khó khăn".
Theo Adam Smith, sự phân công đã có từ các xã hội nguyên thủy. Ông viết:
"Trong một bộ lạc săn bắn hay chăn nuôi, thí dụ như có một người giỏi làm cung tên và thường hay
đổi cung tên lấy súc vật, lấy thịt thú. Anh thấy rằng trao đổi như vậy anh có nhiều thú, nhiều thịt hơn là
chính anh đi rừng, và vì lẽ đó anh mới lấy nghề làm cung tên làm nghề chính của anh
Một người khác giỏi làm sườn, làm mái lều, giỏi làm nhà lưu động…
Cũng vì lý do tư lợi một người thứ ba trở nên thợ rèn, thợ chế đồ đồng; người thứ tư thợ thuộc da
ai cũng biết chắc có thể đổi sản phẩm mình dùng không hết lấy sản phẩm của người khác, và chính điều
đó khuyến khích mọi người chuyên hẳn một việc, và trau dồi tài nghệ đến mực hoàn hảo "
Sau đó nghiên cứu về tiền tệ, và giá cả, Adam Smith đề ra một nguyên tắc, thường bị các nhà phi
kinh tế học đả kích, nhưng lại được các lý thuyết gia chủ nghĩa xã hội sau này coi như là một khẩu
lệnh. Ông viết :"Chỉ có giá trị lao động là không bao giờ thay đổi. Chỉ có lao động là tiêu chuẩn thực
và tối hậu để định giá và so sánh sản phẩm ở bất kỳ ở đâu và thời buổi nào. Lao động là giá trị thực
của sản phẩm; tiền bạc chỉ để nói lên cái giá trị ấy mà thôi".
Trong Quốc phú luận không đoạn nào có giọng văn trực ngôn và đôi khi công phẫn bằng ở những
đoạn Adam Smith bình luận về sự chênh lệch quyền lợi giữa giới chủ và thợ, và ông phản đối quan
niệm của phái doanh thương cho rằng : lương bổng hạ buộc công nhân phải làm việc nhiều và do đó
nước Anh được thêm thịnh vượng. Về điểm trên Smith nhận định : "Công nhân muốn hưởng lương,
càng cao càng hay, chủ nhân muốn trả lương càng hạ càng tốt. Công nhân sẵn sàng vận động để đòi
tăng lương, chủ nhân sẵn sàng vận động để hạ lương công nhân". Ông viết tiếp:
"Trong những cuộc tranh chấp về lương bổng luôn luôn xảy ra, rất dễ đoán bên nào được, bên nào
thua. Giới chủ, có ít người nên dễ vận động. Luật pháp nếu không cho phép thì cũng không cấm họ vận

động, nhưng luật pháp lại cấm sự vận động của các công nhân. Không có một đạo luật nào chống vận
động để hạ lương công nhân, nhưng lại có rất nhiều đạo luật cấm vận động đòi tăng lương. Trong một
cuộc tranh chấp về lương bổng, giới chủ có thể cầm cự được lâu dài hơn nhiều. Một địa chủ, một trại
chủ, một chủ nhà máy hay một thương gia, không có công nhân vẫn có thể sống một hay hai năm dựa
vào tư bản họ đã tích lũy được. Trong khi đó đa số công nhân thất nghiệp không thể nào sống nổi một
tuần lễ, rất ít người sống được một tháng và gần như không thể có người sống được một năm. Cuối
cùng dù chủ cần công nhân cũng như công nhân cần đến chủ, nhưng sự "cần" của đôi bên không cấp
thúc như nhau.
Cảm tình của Smith đối với hạng công nhân lương hạ bộc lộ trong những đoạn văn như sau:
"Xã hội chính trị lớn nào cũng gồm có đại đa số gia công, nông dân, và công nhân mọi giới. Cải
thiện cuộc sinh hoạt của đại đa số nhân dân không thể coi là một trở ngại cho sự thịnh vượng của toàn
thể xã hội. Không một xã hội nào có thể thịnh vượng và hạnh phúc nếu tầng lớp rộng lớn nhất, phải
sống trong cảnh bần cùng khổ ải. Hơn nữa để cho bọn người cung cấp cái ăn, cái mặc, cái ở cho toàn
thể xã hội, được hưởng một phần những sản phẩm do chính họ sản xuất ra như được đủ ăn, đủ mặc, đủ
ở, chỉ là chuyện công bình mà thôi Trả công rộng rãi làm tăng tiến sở đắc của giới lao động.
Người ta ai cũng thế, đồng lương cao hạ khuyến khích làm việc nhiều hay ít, hay hay dở ở những nơi
trả lương cao chúng ta thường thấy công nhân hoạt động, cần mẫn, lanh lợi hơn ở những nơi trả lương
hạ".
Ông viết tiếp:
"Các thương gia, chủ xưởng máy phàn nàn rằng : tăng lương lại phải tăng giá cả và do đó sự tiêu thụ
ở trong nước và nước ngoài bị giảm sút. Họ không nói gì cả về việc tiền lời của họ tăng lên. Họ im
lặng về những hậu quả ác hại do số lợi tức của chính họ gây ra. Họ chỉ phàn nàn về đồng tiền công của
kẻ khác". Hai mươi năm trước khi sách "Những nguyên tắc về dân số" của Malthus được xuất bản,
Adam Smith đã tiên đoán thuyết của tác giả trên khi ông viết :
"Loài động vật nào cũng chỉ có thể sinh sôi nẩy nở trong phạm vi phương tiện sinh sống cho phép. Ở
xã hội văn minh, sự kiện thiếu phương tiện sinh sống đã hạn định sự sinh sản của giai cấp cùng khổ. Vì
lẽ đó trong giai cấp này đa số thiếu nhi bị yểu tử".
So sánh với những thắng lợi của lao động ngày nay, chúng ta không thể tưởng tượng được rằng
những sự trói buộc lao động có tính cách phong kiến vẫn hằng còn tồn tại trong thế kỷ của Adam Smith
mà việc cấm tổ chức mọi hình thức công đoàn chỉ là một. Những trói buộc khắc nghiệt hơn cả vẫn là

luật lệ về học nghề và định cư lập nghiệp.
Qui chế học nghề có từ thời nữ hoàng Elizabeth. Theo lời Smith, qui chế đó ấn định rằng "bất kỳ
người nào nếu muốn hành một nghề nào đó ở Anh đều phải qua ít nhất là bảy năm học nghề". Trong
thời gian đó, người học nghề chỉ có đủ cơm ăn và dĩ nhiên những người chủ vô lương tâm lợi dụng đạo
luật để khai thác công nhân học nghề sống ở trong tình cảnh chẳng khác gì nô lệ. Smith tố cáo luật lệ
học nghề và vạch trần ra rằng : không làm gì phải mất đến hàng năm để học nghề vì đa số các nghề chỉ
mất chừng vài tuần lễ là làm được. Hơn nữa luật lệ học nghề là một sự xâm phạm bất chính vào quyền
tự do làm ăn của công dân, muốn làm gì tùy ý và đâu trả lương cao thì làm.
Đạo luật về định cư cũng ai oán không kém. Smith viết :"Tôi dám nói rằng, trong giới cùng khổ ở
Anh, hiếm có người nào bốn mươi tuổi mà không có kinh nghiệm bản thân về sự ác độc của đạo luật
định cư". Đạo luật này, cũng như đạo luật về học nghề, được ban hành từ thời Nữ hoàng Elizabeth và
nhằm mục đích cứu tế cho những người nghèo. Mỗi một khu đều có trách nhiệm cấp dưỡng cho những
người nghèo. Để ngăn chặn con số này có thể tăng lên, luật lệ bắt buộc những người mới tới định cư
phải có đủ phương tiện sinh sống. Áp dụng đối với lao động, đạo luật định cư có tác dụng biến họ
thành một lớp tù nhân mãn kiếp khó có thể rời bỏ quê hương để tìm đường đi làm ăn ở nơi khác. Theo
Adam Smith, đạo luật định cư là một thí dụ điển hình nữa về sự can thiệp bất công của nhà nước vào
quyền tự do làm ăn của dân chúng và vào sự điều hành tự nhiên của sự sinh hoạt kinh tế.
Adam Smith còn phân biệt thế nào là lao động có sản xuất và lao động không sản xuất, ông viết:
"Trái với một vài trường hợp hoang phí công cộng, sự hoang phí cá nhân không thể làm nghèo
những quốc gia lớn. Toàn thể hay là gần như toàn thể lợi tức công cộng ở nhiều nước dùng để nuôi
dưỡng những bàn tay không sản xuất. Đó là những người thuộc triều đình đông đảo lộng lẫy, thuộc cơ
sở giáo hội, thuộc hải lục quân trong thời bình và cả trong thời chiến nữa. Tất cả lớp người sống vô
sản xuất đó đều sống nhờ vào sức lao động của kẻ khác. Đến một năm nào đó lớp người sống vô sản
xuất này tăng lên quá con số cần thiết, và họ tiêu thụ quá nhiều làm cho số sản phẩm trong nước còn lại
không đủ để nuôi dưỡng những kẻ lao động sản xuất".
Adam Smith còn khuyến cáo, nhưng tiếc thay đất Mỹ thuộc Anh không biết nghe, về trường hợp
dùng công nhân nô lệ, ông viết:
"Kinh nghiệm của mọi thời và mọi nơi chứng tỏ rằng : dùng công nhân nô lệ tuy chỉ tốn có tiền ăn,
nhưng xét cho cùng thì lại là loại công nhân đắt nhất, vì công nhân nô lệ không có quyền tư hữu, do đó
họ càng ăn nhiều và càng làm ít. Làm công việc gì thì cũng chỉ làm vừa đủ là thôi, nếu họ làm thêm chỉ

vì bị cưỡng bách chứ không phải vì ích lợi cho chính họ".
Từ những vấn đề lao động, Adam Smith bước qua chủ trương cải cách điền địa. Theo ý ông trong
lãnh vực này có rất nhiều luật lệ lỗi thời làm cản trở sự tiến hóa của xã hội. Ở Anh vào thế kỷ XVIII,
đa số là điền địa thừa kế. Một địa chủ có thể đặt định ruộng đất của mình, như chia hay bán hàng bao
thế kỷ sau và những đặt định này còn ràng buộc những kẻ thừa kế họ. Ngoài ra còn có tập quán thừa
nhận quyền thừa tự của con trưởng, một tập quán phong kiến có mục đích bảo vệ sự toàn vẹn ruộng đất
của một dòng họ. Theo luật lệ này thì con trưởng là người thừa kế duy nhất. Adam Smith nhận định
:"Thật không có gì đi ngược lại quyền lợi thực của gia đình đông đúc bằng luật lệ, để làm giàu cho một
người đã đưa những người con khác vào tình cảnh ăn mày". Ông chủ trương ruộng đất được mua bán
tự do và chủ trương hủy bỏ luật lệ về ruộng đất thừa kế, luật lệ công nhận quyền thừa tự của con trưởng
và mọi luật lệ khác hạn chế sự tự do trao tặng, chuyển nhượng, hay mua bán ruộng đất.
Một chương nổi tiếng trong Quốc phú luận đề cập đến các vấn đề thuộc địa và theo lời một nhân vật
có thẩm quyền thì đây là "bài tóm lược chính sách thuộc địa hay nhất từ xưa đến nay"; chương này chia
ra làm ba phần :
1. "Lý do tìm thuộc địa mới". Trong chương này có tóm lược lại lịch sử bành trướng thuộc địa của
Hy Lạp, La Mã, Venice, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
2. "Nguyên cớ thịnh vượng của các thuộc địa mới" trong đó kể những yếu tố như là ruộng đất nhiều
và rẻ, lương bổng cao, nhân số tăng mau và sự hiểu biết của dân chúng về canh nông và các nghề khác
(chính sách thuộc địa tương đối sáng suốt của Anh được đem ra so sánh với chính sách hẹp hòi của Bồ
Đào Nha và Tây Ban Nha).
3. "Những ích lợi châu Âu thu hoạch được sau khi tìm ra châu Mỹ và đường sang phương Đông qua
mũi Hảo Vọng". Hai điều này được Adam Smith coi là "hai biến cố trọng đại nhất trong lịch sử nhân
loại".
Những hạn chế đối với các xứ thuộc địa để chiếm giữ độc quyền mậu dịch bị Adam Smith lên án là
xâm phạm đến "quyền thiên nhiên" thuộc địa. Chế độ mậu dịch đối với các xứ thuộc địa là điều vừa vô
lý vừa tốn kém cho cả "mẫu quốc". Ngoài ra các quốc gia thực dân còn phải xuất tiền tài trợ công cuộc
phòng vệ cho thuộc địa, vì dân bản xứ không bao giờ sẵn lòng tự động đóng thuế đủ để phòng thủ xứ
họ.
Về cuộc khởi nghĩa của dân Mỹ thuộc Anh, Adam Smith có khả năng nhận định khách quan hơn
nhiều đồng bào. Ông tin rằng giải pháp thỏa đáng hơn cả là để cho dân Mỹ được có đại diện tại Quốc

hội Anh, liên hiệp đoàn kết hơn là chia rẽ, tỷ lệ đại diện căn cứ vào thuế lợi tức, và mặc dù không
chắc nhưng nếu vạn nhất thuế lợi tức dân Mỹ trội hơn dân Anh, thì nên dời thủ đô của khối liên hiệp
qua Đại Tây Dương lập ở "phần đất của Vương quốc đã đóng góp nhiều hơn cho công cuộc phòng thủ
và sinh hoạt chung". Quan điểm của Adam Smith có thể là một câu trả lời thẳng với Thomas Paine khi
ông này nhận định rằng :"Thật là phi lý nếu cả một lục địa cứ mãi mãi bị một hòn đảo cai trị".
Adam Smith còn chủ trương để cho các xứ thuộc địa được độc lập nếu không thể hòa giải được
cuộc tranh chấp giữa Anh với các xứ thuộc địa ở châu Mỹ. Tuy chủ trương như vậy nhưng không phải
là ông không nhận thấy rằng : "Đề nghị Anh tự ý từ bỏ mọi uy quyền ở các thuộc địa, để cho các thuộc
địa được bầu các cấp cai trị, ban hành luật pháp, tuyên chiến hay nghị hòa nếu xét ra cần, là điều
không có một quốc gia nào trên thế giới đã và sẽ chấp thuận dù rằng cai trị thuộc địa rắc rối đến đâu,
dù lợi tức thu hoạch được ít mà chi phí thì nhiều".
Khối óc sáng suốt và thông hiểu của Adam Smith đã được biểu lộ trong đoạn văn tiên tri của ông về
tương lai của châu Mỹ:
"Từ chủ tiệm, nhà buôn đến vị thẩm phán dân bản xứ Mỹ sẽ là nhà chính trị, nhà lập pháp. Họ sẽ
thiết lập một nền cai trị mới cho một đế quốc rộng lớn mà theo ý họ, sẽ có triển vọng mạnh nhất và
quan trọng nhất thế giới".
Quyển IV nhan đề là :"bàn về các chế độ kinh tế" của bộ "Quốc phú luận" là phần then chốt và nổi
tiếng hơn cả. Trong phần này tác giả cứu xét hai chế độ kinh tế khác nhau, đó là chế độ thương mại và
chế độ canh nông. Trong phần dành khảo luận về thương mại, dài gấp tám lần phần dành cho canh
nông, Adam Smith nói về nguyên tắc tự do kinh doanh, mà sau này được gắn liền với tên ông. Tất cả
những kết luận về các vấn đề như lao động điền địa, hàng hóa, tiền tệ, giá cả, canh nông, dự trữ, và
thuế khóa đều đưa tới chủ trương để cho thương mại, cả nội thương lẫn ngoại thương được tự do. Đó
là đường lối duy nhất đưa một quốc gia tới sự phát triển đầy đủ, tiến tới thịnh vượng. Smith tán trợ
việc hủy bỏ mọi thứ thuế đảm phụ, trợ cấp, mọi cấm đoán của chế độ mậu dịch, mọi thứ độc quyền
thương mại của những công ty đặc quyền, vì những sự kiện này làm trở ngại sự phát triển tự nhiên của
kỹ nghệ và thương mại, làm trở ngại sự lưu thông tự do của hàng hóa tới tay người tiêu thụ. Gạt bỏ
quan niệm sai lầm về "Cán cân thương mại" được phái doanh thương tôn thờ. Tiền chỉ là một dụng cụ
"và không có tiêu chuẩn nào dựa vào đó khiến ta có thể quyết đoán giữa hai quốc gia cán cân nghiêng
về bên nào, hay bên nào xuất cảng được giá hơn Sự trù phú không phải chỉ bằng tiền, hay bằng quí
kim mà bằng những gì tiền có thể mua được, và do đó tiền chỉ có giá trị để mua hàng".

Sự phân công giữa các quốc gia cũng là điều đáng mong mỏi và hợp lý như sự phân công giữa các
cá nhân. Adam Smith viết:
"Trên thế giới có những quốc gia có đủ điều kiện để sản xuất những thứ hàng đặc biệt, đến nỗi
người ta thấy cạnh tranh với những quốc gia đó là điều vô ích. Thí dụ như Scotland với những phương
pháp trồng tỉa cầu kỳ [1] có thể sản xuất nho ngon, và với thứ nho này Scotland có thể chế biến rượu
ngon nhưng đắt gấp ba mươi lần thứ rượu tương tự nhập cảng của ngoại quốc. Như vậy cấm nhập cảng
rượu ngoại quốc để khuyến khích kỹ nghệ rượu ở Scotland có phải là điều hợp lý hay không ?".
Adam Smith đã tóm tắt những lợi điểm của chế độ tự do thương mại như sau:
"Bất kỳ người chủ gia đình khôn ngoan nào cũng nghĩ rằng nếu làm lấy mà đắt thì thà mua còn hơn
ở một đại vương quốc cũng vậy. Nếu ngoại quốc có thể cung cấp loại hàng giá rẽ hơn giá hàng mà
chúng ta có thể sản xuất, thì chỉ nên mua thứ hàng đó mà chúng ta vẫn có lợi hơn.
Adam Smith vạch rõ những lợi ích của ngoại thương như sau:
"Ngoại thương có hai điều lợi : một là bán ra được những sản phẩm trong nước tiêu thụ không hết,
hai là mua vào được những sản phẩm cần thiết Với sự phát triển ngoại thương, thị trường trong nước
đã nhỏ hẹp, người ta vẫn có thể tiến xa trong sự phân công, và đưa sự sản xuất tới mức hoàn thiện. Mở
được những thị trường rộng lớn để tiêu thụ những sản phẩm dư thừa ở trong nước, người ta có thể
khuyến khích các ngành công kỹ nghệ tăng cường khả năng sản xuất đến mức tối đa và do đó tăng
cường lợi tức và sự trù phú của quốc gia".
Tuy nhiên, người ta thấy lời Smith khuyến cáo nên áp dụng chính sách giao thương tự do không có
tính cách giáo điều tuyệt đối. Qua một số ngoại lệ và giới hạn ông đã có ý muốn thừa nhận khi áp dụng
nguyên tắc trên. Ông cho biết trong vài trường hợp, là nếu cần phải khuyến khích kỹ nghệ trong nước
thì đánh thuế nặng hàng hóa sẽ có lợi. Trước hết là khi một ngành kỹ nghệ nào đó cần thiết cho công
cuộc phòng thủ quốc gia, thì ngay cả trên những căn bản hoàn toàn kinh tế người ta cũng không thể thi
hành bình thường chính sách ngoại thương vì ở đây "phòng thủ quan hệ hơn trù phú". Smith nhìn nhận
rằng : Sống trong một thế giới luôn luôn có chiến tranh, một quốc gia trù phú, thời bình giao thương rất
có lợi nhưng đến thời chiến lại có thể trở nên kẻ thù nguy hiểm hơn những quốc gia nghèo nàn. Smith
còn đồng ý rằng đối với những ngành kỹ nghệ mới phôi thai, một chế độ quan thuế đặc biệt sẽ khuyến
khích những ngành kỹ nghệ đó có thể phát triển mau lẹ tới mức độ không cần sự bảo trợ nữa. Tuy vậy,
mọi thay đổi trong chế độ quan thuế cần phải thi hành "từ từ và sau khi đã được một thời gian dài", cốt
nhằm bảo vệ mọi đầu tư vào các nhà máy trong những ngành kỹ nghệ không thể cạnh tranh được với

ngoại quốc và cốt để giúp các thợ thuyền có thì giờ tìm được công việc mới. Đó là những nhượng bộ
có tính cách thực tế trước những lý lẽ của phái chống đối chính sách thương mại tự do.
Một câu hỏi : nếu chính phủ đứng ở ngoài mọi hoạt động thương mại, kỹ nghệ, canh nông và phần
lớn hoạt động hàng ngày khác, như Smith đã chủ trương thì chính phủ còn có những nhiệm vụ gì là
thích hợp ? Adam Smith trả lời : Nhà nước có rất ít trách nhiệm và trước hết là trách nhiệm phòng thủ
quốc gia và thi hành công lý. Smith còn chủ trương nhiệm vụ của nhà nước là "xây dựng và duy trì
những công tác công ích, những công tác này không có lợi gì cho bất cứ một cá nhân hay một nhóm cá
nhân nào để họ đứng ra thi hành, vì cái lợi thu về không bù được lại với số chi cá nhân hay nhóm cá
nhân ấy phải bỏ ra, mặc dầu thường thường nó có thể làm hơn được là chỉ đền đáp lại cho cái xã hội
lớn lao kia".
Smith liệt kê những công tác do quốc gia đảm nhiệm gồm có :mở mang và sửa sang công lộ cùng lo
cho dân chúng có đủ nước dùng, đủ hơi, đủ điện đốt sáng. Như vậy Smith thấy rằng "Kẻ thường được
người ta gọi là chính khách hay chính trị gia" không có lý do tồn tại nào khác ngoài việc lo bảo vệ hòa
bình ở hải ngoại và duy trì trật tự ở nội bộ.
Adam Smith đã vượt xa thời đại, khi ông chủ trương nhà nước phải gánh vác công cuộc giáo dục
quần chúng. Để bênh vực lập trường của mình, ông lý luận như sau :
"Một người không sử dụng thỏa đáng những khả năng trí óc của mình có thể nói là một người đáng
khinh hơn ngay cả một người hèn nhát, họ hình như bị tàn tật, bị méo mó về nhân tính. Giáo dục quần
chúng có thể không có lợi gì cho nhà nước, nhưng dù sao, nhà nước cũng không thể để cho quần chúng
chịu cảnh thất học và xét cho cùng, thì giáo dục quần chúng không phải là không đem lại lợi ích cho
nhà nước. Càng được học hỏi, quần chúng càng khỏi bị lừa bịp, càng bớt dị đoan mê tín mà ở những
quốc gia dốt nát thường thường vì những tệ đoan ấy mà bị những rối loạn khủng khiếp. Lớp quần chúng
thông minh và có học thức bao giờ cũng lịch sự, nhã nhặn, và có trật tự hơn là lớp quần chúng vô học,
dốt nát. Mỗi cá nhân đều biết tự trọng hơn, và có thể được những người trên coi trọng và ngược lại sẽ
trọng người trên hơn Ở những quốc gia tự do, sự bền vững của chính phủ tùy thuộc phần lớn ở sự
phán xét quần chúng, vì lẽ đó nên việc quan trọng hơn hết là quần chúng cần phải được giáo dục để họ
đừng phán xét chính phủ một cách bừa bãi hay thất thường".
Cho đến nay nghĩa là gần hai trăm năm sau, vấn đề xác định giá trị Adam Smith và tác phẩm của ông
một cách vô tư vẫn còn phức tạp. Thí dụ như trong bộ "Lịch sử văn minh" Buekel viết : "Quốc phú
luận có thể là bộ sách quan trọng nhất từ xưa đến nay, dù đứng về phương diện giá trị nội dung của

bộ sách hay đứng về phương điện tác dụng thực tế". Max Lerner, một nhà văn vốn không mấy tán
thưởng tư tưởng của Adam Smith cũng phải nhìn nhận rằng bộ Quốc phú luận "là một trong những bộ
sách đã tạo nên cuộc sống như chúng ta thấy ngày nay". Lerner nhận xét một cách thích đáng rằng :
"Độc giả bộ Quốc phú luận đa số là những người chiếm được nhiều quyền lợi theo cái quan niệm về
sự sinh hoạt được trình bày trong bộ sách. Những người đó thuộc giai cấp đang lên gồm có những nhà
kinh doanh, những ủy ban chấp hành ở các nghị viện trên thế giới, và những ủy ban chấp hành của các
học viện. Qua trung gian những nhân vật thuộc giai cấp này, bộ Quốc phú luận đã ảnh hưởng sâu rộng
trong nhân dân toàn thế giới, dù họ không biết gì về bộ sách đó, và cũng nhờ giai cấp này mà đã gây ra
một ảnh hưởng sâu rộng đến quan niệm kinh tế và chính sách quốc gia".
Lập luận của hai nhân vật có thẩm quyền đó đã được một nhà kinh tế học nổi tiếng Anh
J.AR.Marriott xác nhận khi ông viết : "Có lẽ không có bộ sách nào lại có ảnh hưởng lớn lao đối với tư
tưởng khoa học kinh tế và đường lối cai trị bằng bộ Quốc phú luận. Có nhiều lý do cắt nghĩa tại sao bộ
sách này vẫn còn có ảnh hưởng cho đến tận ngày nay". Một nhà kinh tế học khác W.R.Scott viết : "Về
mặt tri thức, Adam Smith quả là một bậc thầy đã quan niệm vững chắc được toàn diện cuộc sinh hoạt
kinh tế".
Mặt khác có nhiều nhà tư tưởng khoáng đạt và cấp tiến đã cho rằng khó mà tha thứ cho Adam Smith
vì sự tự do quá trớn mà các nhà kinh doanh, các nhà kỹ nghệ đã áp dụng qua chủ thuyết trong tác phẩm
của Smith được họ coi như là Thánh Kinh. Những lý thuyết đề cao bảo vệ quyền lợi của công nhân,
nông dân, bảo vệ quyền lợi của giới tiêu thụ và nói rộng ra là bảo vệ xã hội, đã bị bóp méo vì những
quyền lợi không chính đáng, có nghĩa là tự do thao túng vô tổ chức, vượt qua ngoài mọi sự kiểm soát
và can thiệp của chính phủ.
Ngoài ra người ta còn đặt thành vấn đề : Phải chăng nếu không có bộ Quốc phú luận thì thương mại
và kỹ nghệ cũng phát triển theo những nguyên tắc Adam Smith đã vạch ra, hay là sau khi phát hành bộ
Quốc phú luận với cả một lý thuyết và một kế hoạch, đã là đầu mối thúc đẩy những sự thay đổi lớn lao
trong cuộc sinh hoạt mới này ? Có lẽ sự thật tiềm ẩn đâu đây trong đó.
Ai cũng đều công nhận : Adam Smith sinh đúng lúc. Đứng ở ngưỡng cửa hai giai đoạn lịch sử, ông
đã nêu lên lý thuyết mới về tự do kinh doanh, và thế giới đã nghe và sử dụng lý thuyết của ông để thực
hiện một sự chuyển mình lớn lao về kinh tế. Với sự phát triển của cuộc cách mạng kỹ nghệ, các nhà
kinh doanh nước Anh thời đó thừa nhận giá trị lý thuyết của Adam Smith. Họ hủy bỏ những sự trói
buộc, những đặc quyền doanh thương, và đã mở mang nước Anh thành một quốc gia trù phú nhất thế

giới trong thế kỷ XIX. Ảnh hưởng tư tưởng của Adam Smith đối với các cường quốc thương mại khác
thời đó cũng không kém phần sâu rộng. Có lẽ không có mấy ai không thừa nhận cho Adam Smith cái
danh hiệu là "cha đẻ của nền kinh tế hiên đại".
___
[1] Chú thích của dịch giả : nguyên văn : với những nhà kính, những thửa đất che kín. những bức
tường ấm để ương cây


4. LUẬN VỀ NGUYÊN TẮC DÂN SỐ
Thomas Malthus

Cuối thế kỷ XVIII, có một lối chơi rất được ưa chuộng là tưởng tượng ra những cái không tưởng. Lý
tưởng dung hợp với những phong trào cách mạng ở Mỹ và Pháp, đã khiến cho những kẻ giàu tưởng
tượng kết luận rằng : con người hoàn thiện đã thấp thoáng ở chân trời, và chẳng còn bao lâu nữa người
ta sẽ tạo được một thiên đường ở hạ giới.
Trong số các nhà mơ mộng thời đó, có hai vị đã có nhiều đồ đệ tín thành đã nói lên những nguyện
vọng và mơ tưởng của quần chúng. Đó là William Godwin ở Anh và Nam tước Condorcet ở Pháp.
Điển hình của những cái lạc quan bất trị ấy đã được Godwin diễn tả trong tập "Công bằng chính trị".
Godwin tin tưởng rằng : rồi đây nhân loại sẽ tới giai đoạn thừa sức sống đến mức không cần phải ngủ,
thừa sinh lực để cùng sống mãi mãi, nhu cầu hôn nhân sẽ được thay thế bởi nhu cầu phát triển tinh thần.
Tóm lại nhân loại sẽ là thiên thần cả. Godwin viết : "Những sự cải thiện khác sẽ đi song song với
những cải thiện về sức khỏe và tuổi thọ. Chiến tranh, tội ác, tòa án, chính phủ sẽ không còn có nữa.
Ngoài ra, con người sẽ không còn có tật bệnh, không còn phải đau đớn, ưu uất hay sầu hận. Người nào
cũng hết lòng làm việc thiện chung".
Để đánh tan sự lo lắng về tình trạng người nhiều mà thực phẩm ít, Godwin viết :"Cho dù có hàng
triệu thế kỷ sinh sôi nẩy nở qua đi, trái đất vẫn có thể có đủ thực phẩm để cung cấp cho sự sống của
nhân loại". Godwin còn tin rằng : với thời gian sự đam mê tình dục có thể sẽ dịu bớt. Condorcet thì
nghĩ rằng : mức độ sinh sản nếu giảm bớt thì càng hay.
Những quả bóng tươi đẹp đó thường hay làm cho người ta muốn chọc thủng chơi, và người cầm kim
châm ở đây là một giáo sĩ chưa vợ ngang ngược tên là Thomas Robert Malthus, một sinh viên ba mươi

hai tuổi ở học viện Chúa Jésus ở Cambridge. Câu trả lời của ông đối với những nhà toàn thiện xã hội
là tập "Luận về nguyên tắc dân số", 1798, một tập sách đã thuộc loại sách giáo khoa trong bộ môn kinh
tế học.
Malthus là con trai thứ của Daniel Malthus và là nhân vật đồng thời với Adam Smith và Thomas
Paine, tuy ông ít tuổi hơn nhiều. Thân phụ ông, một phú nông bạn của Rousseau, lại là một người nhiệt
thành hâm mộ Godwin. Cả hai cha con đều ham tranh luận : Thomas đả kích, còn Daniel thì bênh vực

×