Tải bản đầy đủ (.docx) (21 trang)

hình ảnh đất nước trong thơ nguyen dinh thi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (145.21 KB, 21 trang )

- 1 -
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
Đề tài: tình yêu quê hương đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi
Gvhd: TS Phan Ngọc Thu
Môn: Tác gia thơ Việt Nam hiện đại 2 (từ 1945 – 1975)
Học viên: Nguyễn Thị Phương Ly
Lớp: VHVN K26
Tình yêu quê hương đất nước là nguồn cảm hứng bất tận của văn học Việt
Nam. Từ bài thơ Thần của Lí Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn,
Cáo bình ngô của Nguyễn Trãi, cho đến sau này những vần thơ yêu nước của cụ Đồ
Chiểu, những câu thơ dậy sóng của Phan Bội Châu, thơ ca cách mạng đã kế thừa
- 2 -
truyền thống ấy tạo nên một nội dung chủ đạo xuyên suốt thơ ca cách mạng truyền
thống nói chung và kháng chiến chống Pháp nói riêng. Tất cả đều dạt dào tình yêu
với đất nước, non sông. Tiếp bước các thế hệ cha anh, tình yêu quê hương đất nước
cũng là một đề tài quen thuộc trong thơ của Nguyễn Đình Thi, mang những nét
riêng độc đáo làm nên phong cách của nhà thơ.
***
Đất nước qua lăng kính chủ quan của mỗi nhà văn, nhà thơ có những điểm
chung nhưng cũng có những nét riêng. Tình yêu quê hương đất nước trong thơ
Nguyễn Đình Thi được thể hiện ở những điểm cơ bản sau:
1. Đất nước qua những tên miền
Nhà thơ – người chiến sĩ Nguyễn Đình Thi đã lặn lội qua nhiều chiến trường,
góp mình vào nhiều chiến dịch. Bàn chân ông đã in dấu chân trên nhiều nẻo đường
của Tổ quốc. Có lẽ vì thế nên thơ Nguyễn Đình Thi xuất hiện rất nhiều những địa
danh, những tên đất, tên miền. Qủa thật các địa danh được nói đến trong thơ
Nguyễn Đình Thi khá nhiều thể hiện qua các nhan đề bài thơ: Việt Bắc (Quê hương
Việt Bắc), Điện Biên ( Người lính Điện Biên), Hắc Hải (Bài thơ Hắc Hải), Miền
Nam (Gửi các anh chị trong tù miền Nam), Hải Phòng (Nhớ Hải Phòng), Vàm Cỏ


(Buổi chiều Vàm Cỏ)…
Hoặc qua những tên đất, tên núi, tên sông được nhắc đi nhắc lại trong nhiều
bài: bến Phan Lương, sông Lô (Đêm sao); Sơn La, Tây Bắc, sông Đà, Lạng Sơn,
Cao Bằng, sông Thao, Yên Bái, Tuyên Quang, phố Ràng, phố Ru …(Quê hương
Việt Bắc)
Ngoài những địa danh có tên riêng xác định, trong thơ Nguyễn Đình Thi ta
còn gặp những danh từ chỉ những địa danh chung đó là: làng, bản, thôn, xóm, núi
đồi, thung lũng…
Những tên đất, tên miền hiện lên không chỉ mang tính chất liệt kê mà nó còn
có sức gợi. Nó gợi nên hồn thiêng núi sông, niềm tự hào dân tộc, những tên gọi đã
- 3 -
đi vào lịch sử, gắn liền với một sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc hoặc cũng có
thể gắn liền với nỗi niềm riêng của Nguyễn Đình Thi:
Cao Bằng đèo lên cao vút
Sơn La những lũng đầy sương
…Lạng Sơn rừng hồi lộng gió
Sông Kỳ Cùng ồn ào sóng vỗ
Sông Thao hiền hòa cuộn đỏ
Bến Bình Ca sóng vỗ xôn xao
(Quê hương Việt Bắc)
Quê hương đất nước là miền đất Hải Phòng với những tháng ngày tuổi thơ lam
lũ:
Ta nhớ Hải Phòng năm đói rách
Tiếng còi tàu Sông Cấm chiều hôm
Ôi những phố đen sì than bụi…
Quán Bà Mau, ngã Ba Chìa, Bến Đá
Chợ Cột đèn, chợ Sắt, chợ Đưa người
(Nhớ Hải Phòng)
Và đặc biệt là Hà Nội, địa danh được nhắc đến nhiều nhất trong thơ Nguyễn
Đình Thi. Là người tri thức ra đi kháng chiến từ Thủ đô, gắn bó với nhân dân với

các miền quê của đất nước nhưng với nhà thơ Hà Nội vẫn là mảnh đất máu thịt với
bao nhiêu kỉ niệm, bao nhiêu tình cảm, nỗi niềm. Vì vậy, Hà Nội mỗi lần xuất hiện
trong thơ ông lại cho ta một sắc điệu khác nhau.
Đó là Hà Nội trong những ngày kháng chiến gian khổ:
Hà Nội ngước nhìn lên
Phố phường nín thở
Những lề đường mòn cũ
Vàng nhợt ánh đèn
Hà Nội
- 4 -
Một mình xé ruột
(Đêm đầy sao)
Hà Nội của những năm tản cư đẹp nhưng buồn rưng rưng trong lòng người ra
đi:
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngõ vắng
Thềm cũ lối ra đi
Lá rụng đầy
Tháp Rùa lim dim nhìn nắng
(Sáng mát trong)
Nhưng Hà Nội vẫn là một niềm tin vững chải:
Hà Nội vẫn là Hà Nội
Bao nhiêu lùm cây mảng tường mừng reo
(Hà Nội đêm nay)
Viết về nhiều vùng đất khác nhau nhưng Hà Nội trong tâm tưởng của nhà thơ
vẫn là những hình ảnh thân thương, quen thuộc. Ngày giải phóng thủ đô:
Hà Nội chiều nay mưa tầm tã
Ta lại về đây giữa phố xưa
Nước Hồ Gươm sao xanh dịu quá

Tháp Rùa rơi lệ cười trong mơ…
(Ngày về)
“Ta xây Hà Nội của ta” chưa được bao lâu thì lại tiếp tục cuộc chiến tranh
khác ác liệt hơn, đau thương mất mát nhiều hơn. Hà Nội lại tiễn đưa bao người ra
tiền tuyến:
Em đi với anh trong đêm Hà Nội
Qua những phố hè thân thuộc yêu thương…
Ngày mai hai đứa đã hai nơi
- 5 -
Hai đầu đất nước trong giông bão
(Chia tay trong đêm Hà Nội)
Có thể nói, những bài thơ về Hà Nội bao giờ cũng được thể hiện bằng một
cảm xúc thiết tha sâu lắng.Hà Nội của Nguyễn Đình Thi là Hà Nội có vẻ đẹp truyền
thống lâu đời, vẻ đẹp của mùa thu pha lẫn nỗi buồn kín đáo, là điểm tựa vững chắc
cho đất nước, cho hồn thiêng núi sông. Hà Nội như một cõi đi về trong tâm sự của
riêng ông.
2. Đất nước “tươi thắm vô ngần”
Tình yêu quê hương đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi trước hết thể hiện
ở niềm tự hào về một đất nước tươi thắm vô ngần. Niềm tự hào về đất nước Việt
Nam được cất cao qua những dòng thơ lục bát:
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
(Bài thơ Hắc Hải)
Lời gọi nghe thiết tha dạt dào tình cảm yêu thương với mảnh đất Việt Nam
dấu yêu. Những biển lúa mênh mông trải dài dải đất hình chữ S mang lại sự ấm no,
hạnh phúc cho người dân. Những cánh cò cất cánh từ ca dao và neo đậu mãi với
cuộc đời.
Không gian đất nước trong thơ ông là hình ảnh của những miền quê thân

thuộc, được thể hiện bằng nhiều tình cảm, cảm hứng khác nhau, thể hiện những nét
miêu tả khác nhau: “Sơn La những lũng đầy sương – Những đồi vàng hoe lúa
chín”, “Cao Bằng đèo lên cao vút – Mây trắng gọi đường đi xa”. Hay núi rừng Việt
Bắc:
Chiều nhàn nhạt về nơi nào xa lắm
Ngây ngất sương mây
Lối mòn không dấu chân
- 6 -
…Tiếng súng vọng về trong nắng
Trung du rung động chân trời
Chú nhỏ giao thông phi ngựa
Đôi bờ hoa cỏ nhìn theo
Cầu tre bắc gió cao
Nghiêng nghiêng soi bóng suối
Bướm trắng đuổi chân người
(Quê hương Việt Bắc)
Vẻ đẹp của Việt Bắc là sự hài hòa, đồng điệu giữa con người và thiên nhiên.
Con người đi giữa thiên nhiên cao đẹp, thiên nhiên có con người thiên nhiên càng
thêm hữu tình hơn. Những ngày đầu đặt chân lên mảnh đất này ông cảm thấy một
sự thân quen khó tả. Hóa ra, những núi, những sông, những ngôi nhà sàn kia gợi
cho ông nhớ về kí ức tuổi thơ ở Luang Prabang (Lào). Nói không gian, nói hình
ảnh nhưng cũng là nói lòng người, nói hộ tâm tình của một trái tim yêu nước thiết
tha.
Quê hương đất nước là hình ảnh thủ đô Hà Nội rạng ngời:
Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
Hà Nội vui sao, những cửa ngoại ô tíu tíu gánh gồng
…Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu.
Chỉ một vài địa danh song chưa bao giờ hình ảnh đất nước Việt Nam trong
thơ lại hiện lên sáng rõ, thiêng liêng mà gần gũi, truyền thống mà hiện đại, vừa khái

quát vừa cụ thể đến từng tên phố, từng nét đời, dáng người vẻ mặt và ánh mắt và
lắng hồn núi sông như thế.
Hơn nữa, hình ảnh đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi luôn hàm chứa những
bởi những hình ảnh cụ thể bình dị. Nó không gợi cảm giác cao xa, chói lọi. Nó cứ
bình dị, mộc mạc đơn sơ. Yêu vô cùng cái xứ sở “Đất nắng chan hòa – hoa thơm
quả ngọt trời xanh”. Yêu vô cùng:
- 7 -
Những buổi trưa đầm ấm
Em bé trông rau đuổi lũ gà
Những nẻo đường thêu nắng
Chưa bao giờ đẹp như bây giờ
(Quê hương Việt Bắc)
Những hình ảnh xuất hiện trong thơ Nguyễn Đình Thi là những hình ảnh gần
gũi, đời thường, nó cứ ào ạt được tác giả đưa vào trong thơ mà không làm mất đi vẻ
đẹp của bài thơ. Em bé, luống rau, lũ gà…là những hình ảnh rất đỗi thân thuộc xuất
hiện nơi làng quê Việt Nam. Bởi Việt Nam là vậy, dung dị đáng yêu mà làm say
đắm lòng người. Việt Nam không cần có những tòa nhà chọc trời, những cung điện
nguy nga…
Đất nước trù phú và giàu đẹp:
Quanh co, chen nhau rộn ràng Đồng Xuân
Xanh tươi bát ngát Tây Hồ
Hàng đào ríu rít Hàng Đường Hàng Bạc, Hàng Gai
(Người Hà Nội)
Rừng cây rung gió say sưa
Ngàn sao nghiêng mình chào vẫy
Bãi cát thắp lên từng dòng đuốc lửa
Đò bơi tíu tít qua sông
(Đêm sao)
Nếu như các nhà Thơ mới và một số nhà thơ Cách Mạng sau này có xu hướng
mĩ lệ hóa từ ngữ thì Nguyễn Đình Thi chủ yếu để hiện hình lên trang giấy những từ

ngữ thuần Việt, mộc mạc, tự nhiên. Trong thơ ông xuất hiện đậm đặc các từ thuần
Việt, các tính từ, các từ láy để “mỗi tiếng mỗi chữ ngoài công dụng gọi tên sự vật
bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến chung quanh nó những cảm xúc những hình
ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy”:
Đất nước hiện lên lung linh màu sắc trong tiếng ca hát của tình người.
- 8 -
Lòng ta không ngừng ca hát
Ôi những núi chàm sáng ngời
Ta yêu những rừng Việt Bắc
Nơi ta khôn lớn nên người.
Đẹp hơn nữa là đất nước của một mùa thu độc lập, khi gót giày của kẻ xâm
lăng không còn:
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
(Đất nước)
Âm điệu các câu thơ ở đây quấn quýt cộng với nhịp dài ngắn, tất cả tạo nên
dáng hình một đất nước trường chinh trên vạn dặm dài lịch sử, một đất nước mang
vẻ đẹp tầm vóc của một thời đại mới. Và đó cũng là nỗi lòng yêu quý tha thiết non
sông, đất nước của chính tác giả Nguyễn Đình Thi. Đất nước sạch bóng quân thù.
Những con đường in dấu chân của những người Việt Nam tự do. Những dòng sông
trôi yên ả dâng tặng những mật ngọt phù sa làm đẹp cho cuộc đời. Ông ngỡ ngàng,
reo vui trước cảnh “chuyển mình” của đất nước:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
(Đất nước)
M.Gorki từng nói: “Nghệ sĩ thật sự vĩ đại trước hết phải là nghệ sĩ của một
dân tộc, một quê hương cụ thể bởi lẽ chỉ khi được sống, được gắn bó, nếm trải mọi

niềm vui nỗi buồn với dân tộc ấy, với địa phương ấy người ta mới khám phá ra hết
những vẻ đẹp tiềm ẩn của nơi đó.” Với Nguyễn Đình Thi cũng như thế, nơi mà ông
đã đánh đổi bằng cả cuộc đời với biết bao thăng trầm, bao kỷ niệm thì những điều
tưởng chừng nhỏ bé đơn sơ trong cuộc sống thường ngày đã khắc sâu vào tâm trí
- 9 -
và cũng không biết tự bao giờ lòng họ đã gắn chặt quê hương như thân sơ máu thịt.
Để rồi khi cảm xúc đã dâng đầy thì những hình ảnh ấy hiện hữu trong thơ hết sức
sống động, chân thực mà trước hết đó là niềm tự hào về quê hương giàu đẹp.
Ông viết: “Mọi hạnh phúc không gì so sánh nổi là nhờ Cách mạng, nhờ những
năm được sống và làm việc trong cuộc chiến đấu của dân tộc nên đã được đi tới
nhiều nơi, được tận mắt nhìn thấy đất nước, từ những nơi núi sông trời biển bao la,
hùng vĩ, đẹp đến choáng ngợp mắt nhìn và choáng ngợp cả trí tuệ cho đến những
mảnh ruộng lầy lội sắt gang, một khóm tre, một bờ cỏ thấm đẫm công sức vất vả
bao đời…” [2, 390]
3. Đất nước “vất vả đau thương”
Sinh ra khi đất nước còn đang chiến tranh, Nguyễn Đình Thi cũng như bao
người đã phải chứng kiến những khổ đau của đất nước. Nhưng nhà thơ không hề
thi vị hóa, không hề giấu giếm mà bày ra trước mắt người đọc hình ảnh một đất
nước oằn mình rên xiết dưới bom đạn kẻ thù:
Hà Nội nát người trong gai sắt
Máu chảy hồng tươi bất khuất
(Hà Nội đêm nay)
Hình ảnh trong thơ Nguyễn Đình Thi khỏe khoắn, gân guốc, chất phác tự
nhiên nhưng cũng không kém phần tinh tế, uyển chuyển. Lắng lại trong những
tiếng ầm ầm của bom đạn, của gót giầy quân thù, bật lên trên nền đen tối của bóng
đêm, của “miệng súng đen sì tua tủa” là:
Ngang đồi một tia vàng bay vút
Một vàng sao sáng ngời muôn vầng sao
Tung lên như hoa lửa
Như bụi ngọc ngập trời

Rơi rơi trên đầu trên cổ
Trên ngón tay
Triệu triệu sao
- 10 -
(Hà nội đêm nay)
Bom đạn của kẻ thù không thể giết được “trời đầy chim và đất đầy hoa”, vẫn
neo đậu trong thơ ông những hình ảnh nên thơ trên cái nền chết chóc mà quân thù
đã gieo rắc trên đất nước này:
Cầu tre bắc gióng cao
Nghiêng nghiêng soi bóng suối
Bướm trắng đuổi chân người
(Mưa xuân)
Đau thương là điệp khúc bỏng rát trái tim ông. Bằng những hình ảnh thơ đầy
sức ám gợi, Nguyễn Đình Thi đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng
không thể quên về một đất nước đau thương trước sự giày xéo của quân thù:
Bức tường đầy vết đạn
Ôm bóng tối đổ nghiêng
Hà Nội nát người trong gai sắt
Máu chảy hồng tươi bất khuất
(Hà Nội đêm nay)
Cây cháy rũ vàng
Mặt em trắng toát
(Em bé gái)
Ôi quê hương ta đau xót
Đói gầy mắt nhìn thiêu đốt
(Lúa)
Những câu thơ dài ngắn khác nhau như những tiếng nấc nghẹn ngào khi viết
về Hà Nội trong những năm kháng chiến: Hà Nội ngước nhìn lên – Phố phường nín
thở - Những lề đường mòn cũ – Vàng nhạt ánh đèn – Hà Nội – Một mình đau xé
ruột” (Đêm đầy sao)

Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
- 11 -
Nắng rọi ngõ vắng
Thềm lối cũ ra đi
Lá rụng đầy
Tháp rùa lim dim nghìn nắng
Những cánh chim non
Trông vời nghìn nẻo
Mây trắng nổi tơi bời
(Sáng mát trong)
Lịch sử dân tộc không ít những trang hoành tráng nhưng cũng lắm những
trang đau thương. Bởi thế cùng với niềm tự hào về một xứ sở tươi đẹp hồn thơ
Nguyễn Đình Thi vẫn lắng lại xót xa:
Quê hương biết mấy thương yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều đau thương
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
(Bài thơ Hắc Hải)
Đất nước đau thương còn hiện hình rõ nét hơn khi tác giả nhắc đến những con
người cụ thể. Nhà thơ nhìn một em bé gái:
Hỡi em gánh nước bên sông
Đẹp tươi như đóa hoa hồng
Vai nhỏ đã nhiều thương khó
(Chim én)
Những con người phải chịu đựng cảnh đói khát triền miên:
Đất nước muôn nơi
Nghèo xơ xác hôm nay chói lọi
Quê hương ta đau xót
Đói gầy mắt nhìn thiêu đốt

(Lúa)
- 12 -
Nỗi đau đất nước bị chiến tranh tàn phá trở thành nỗi đau nhức nhối. Đau
thương là chủ âm của những bài thơ về đất nước. Nhưng tâm điểm trong cảm hứng
về đất nước của Nguyễn Đình Thi không phải ở nỗi vất vả đau thương. Nhà thơ
dường như dồn hết tâm sức của mình để khắc họa một đất nước tươi thắm vô ngần,
dù cho bom đạn kẻ thù giày xéo Đây là điều kì diệu của dân tộc Việt Nam, là điều
kì diệu trong những sáng tác của Nguyễn Đình Thi. Bởi vậy, viết về đất nước đau
thương nhưng những câu thơ của ông không hề bi thương, người đọc luôn nhận
thấy một cảm hứng vượt thoát, vượt lên trên nỗi đau để khẳng định sức mạnh, sức
sống quật cường bất khuất của dân tộc mình. Đó là một đất nước anh hùng.
4. Đất nước anh hùng
Vì sao người Việt Nam đánh Mỹ được lâu thế?
Thưa chị vì chúng tôi yêu đất nước chúng tôi.Cũng như chị yêu
con chị
Đế quốc Mỹ mạnh lắm, các bạn đánh thế nào?
Cọp dữ nanh dài vuốt nhọn, vẫn có thể bị đàn ong quật ngã.
(Vì sao)
Với hình thức đối thoại trong thơ văn xuôi Nguyễn Đình Thi đã giải đáp thắc
mắc của nhân loại. Vì sao một Việt Nam bé nhỏ có thể đánh thắng đế quốc mạnh
nhất thế giới thời bấy giờ? Bởi người Việt Nam yêu nước, dân tộc Việt Nam đoàn
kết, dũng cảm, kiên cường. Bởi đó là những con người :
Vì Tổ quốc anh hi sinh lặng lẽ
Trên môi lưu luyến nụ cười
(Người tử sĩ)
Dù cái chết cận kề trên môi của người chiến sĩ vẫn nở một nụ cười. Nụ cười
vì mình đã hi sinh cho Tổ quốc đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Các anh đã
mãi mãi nằm xuống đất mẹ nhưng nụ cười vẫn tươi nguyên:
Chiều qua đồn trúng đạn
Giữa vườn lê anh nhắm mắt thản nhiên

- 13 -
An Châu mấy anh không về nữa
Nụ cuời còn tươi nguyên
(Bài thơ viết cạnh đồn Tây)
Bản thân là người chiến sĩ, hơn ai hết, ông thấy cái đẹp trong tinh thần con
người, trong sự vùng lên của đất nước:
Quê hương ta núi sông lộng lẫy
Mỗi lần vùng dậy lại đẹp hơn
(Quê hương Việt Bắc)
Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
(Đất nước)
Đọng lại trong tâm trí người đọc là nụ cười, nụ cười của những người đã ngã
xuống, của những người đang sống, nụ cười mang “niềm hi vọng xóa thương đau”,
nụ cười của ngày trở về, ngày chiến thắng:
Bóng cờ bát ngát ngày vui, nước non reo cười, trên môi người
cười
Tiếng cười
Ngày về
(Người Hà Nội)
Nhân dân đã bao phen “nhiều đau thương vất vả”:
Đất nước nuôi những anh hùng
Chìm trong máu chảy lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
(Bài ca Hắc Hải)
Hiền như xưa là bản chất của con người Việt Nam, bản chất của những con
người gắn bó với đồng ruộng, khoai ngô, quả cà giòn tan, bát canh rau muống.
Những con người lặng lẽ mà kiên gan vượt qua giông bão âm thầm góp phần hun
- 14 -

đúc nên hồn cốt dân tộc. Nỗi nhớ tha thiết của người lính thủy thủ trở về với điệu
lục bát quen thuộc.
Họ căm giận, uất nghẹn trước hành động bạo tàn của quân thù khiến câu thơ
như bị bẻ gẫy:
Ngoài phố ầm ầm lũ cướp
Bắt
Khám
Chăng dây
Miệng súng đen sì tua tủa
(Đêm sao)
Chính những con người chân đất đã đứng lên gánh vác sứ mệnh lịch sử, làm
nên thành những anh hùng. Để rồi khi đứng ở hiện tại cchiến thắng vinh quang nhìn
lại con đừơng lịch sử vừa qua của dân tộc Nguyễn Đình Thi tự hào khẳng định:
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh
Gian khổ trong chiến đấu, hi sinh và rạng ngời trong chiến thắng, khổ thơ kết
hợp hài hòa mặt cụ thể, gợi cảm với tính khái quát, biểu tượng (ngày nắng đốt theo
đêm mưa dội, trán, lòng, trời đất mới, ánh bình minh) là sự tổng kết lịch sử sâu sắc
của Nguyễn Đình Thi theo cách một nhà thơ trữ tình.
Từ niềm tự hào đất nước, Nguyễn Đình Thi hướng đến ngợi ca tầm vóc sử thi
của đất nước:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
- 15 -
Khổ thơ vừa là hình ảnh tả thực về trận đánh cuối cùng khi chiếm đồi A1 của
trận Điện Biên Phủ rung chuyển năm châu – chấn động địa cầu, laị vừa là hình ảnh

biểu tượng cho đất nước từ máu lửa đứng lên chiến đấu và chiến thắng. Câu thơ ở
đây gọn, chắc, cô đọng, cân đối, trang trọng, khỏe mà đĩnh đạc trong những câu sáu
chữ. Đây chính là sự đột phá nghệ thuật, vần điệu bị tước bỏ, các chữ gói gọn,
không thừa, không thiếu, hình ảnh rất mạnh (Rung trời giận dữ, nước vỡ bờ) mọi
ảnh sáng tập trung làm sáng lòa cuộc đấu tranh hùng tráng của dân tộc Việt Nam.
Trong khó khăn gian khổ, đất nước càng trưởng thành tỏa sáng, chính vì thế càng
về cuối bài thơ cảm hứng lạc quan càng nồng đượm.
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Có khi vươn tới ý thức về độc lập chủ quyền và niềm tự hào về đất nước
mình:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
(Đất nước)
Vượt lên trên đau thương là một đất nước anh hùng với những con người anh
hùng, sẵn sàng xả thân mình cho độc lập tự do, cho sự toàn vẹn lãnh thổ của đất
nước Việt Nam.
5. Đất nước – tình yêu đôi lứa
Thơ mới là tiếng thơ của cái tôi cá nhân có phần tích cực, có ý nghĩa nhân bản,
nhưng không ít trường hợp là cái tôi cô đơn, buồn chán tìm kiếm sự thoát li, hưởng
lạc:
- 16 -
Tôi là con nai bị chiều giăng lưới
Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối
(Xuân Diệu)

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh,
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa !
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo
(Chế Lan Viên)
Cuộc Cách mạng tháng tám thắng lợi mở ra một thời đại mới, thời đại của
cái ta, thơ văn ít nói đến cái tôi cá nhân, ít nói đến nỗi buồn, tình yêu Nhà phê
bình Hoài Thanh cũng đã có nói: “Đời sống cá nhân không có nghĩa gì trong đời
sống bao la của toàn thể” Nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn viết về tình yêu lứa đôi, và
không thể phủ nhận rằng ông cũng có những bài thơ tình đích thực. Tình yêu trong
thơ ông là sự hòa quyện giữa cái riêng và cái chung. Tình yêu quê hương đất nước
và tình yêu đôi lứa, đây có lẽ là nét khác biệt tạo nên dấu ấn riêng trong thơ
Nguyễn Đình Thi. Tình yêu trong thơ ông là những mối tình nảy nở trong cuộc vạn
lí trường chinh đầy bão tố của dân tộc. Những người chiến sĩ nguyện hi sinh cho
hạnh phúc của nhân dân của cộng đồng nhưng cũng có hạnh phúc của riêng mình.
Họ tự nguyện gác tình riêng để chiến đấu bởi họ biết xa nhau chỉ là tạm thời, xa
nhau để mong có ngày gặp lại:
Đôi người yêu xa cách lại xa nhau
Yêu nhau nên họ xa nhau
(Chuyện hai người yêu xa cách)
Anh muốn em sung sướng suốt đời
Xa nhau hẹn ngày gặp lại
(Chia tay)
Tình yêu không thể vẹn tròn dưới bầu trời của nô lệ, thuộc địa. Nhưng nô lệ,
chiến tranh không thể giết chết trái tim yêu thương cuả con người. Tình yêu vẫn cất
- 17 -
cánh giữa bom đạn chiến tranh. Hình ảnh người yêu vẫn hiện lên nguyên vẹn với
“cái miệng hay cười”, “Đôi mắt em hay nghĩ ngợi”, tưởng như “thấy em bước vội /
Tới tìm anh qua đêm lạnh xa xôi” Nhưng cái miệng hay cười của em là cái miệng
“nói chuyện những ngày mai sẽ tới”, tiếng thì thầm của em là tiếng “Thì thầm em

nói em yêu quá / Các anh vất vả vì giống nòi”(Bài thơ viết cạnh đồn Tây). Tình yêu
của em như ngọn lửa như ánh sao chiếu rọi tim anh, chiếu rọi những chặng đường
chiến đấu đầy gian lao phía trước:
Anh mang em như ngọn đèn chiếu rọi
Như trái tim anh đập không ngừng
Đời anh có em như ngày có nắng
Yêu em anh yêu cả mọi người
(Chia tay)
Lần đầu tiên trong thơ kháng chiến, cảm hứng về tình yêu hòa quyện với cảm
hứng về Tổ quốc. Nguyễn Đình Thi đã dung hòa được cá nhân và tập thể, cá nhân
với cộng đồng, cái chung với cái riêng.Tình yêu trong thơ Nguyễn Đình Thi không
não nùng như những bài thơ tình trong Thơ mới, tình yêu trong thơ ông hòa quyện
những phẩm chất mới, hiện đại của tình yêu thế hệ trẻ trong thời đại mới. Tình yêu
em, tình yêu đôi lứa luôn đồng hành cùng tình yêu Tổ quốc dân tộc. Chính sự kết
hợp hài hòa không gượng ép này khiến cho ông có những bài thơ tình đích thực.
Tình yêu tưởng như không có chỗ trong thơ ca kháng chiến nhưng với Nguyễn
Đình Thi nó đã thực sự cất cánh. Tuy nhiên, cần thấy rằng tình yêu trong thơ
Nguyễn Đình Thi lúc này không có tiếng thở dài não nuột của biệt ly, của đau khổ,
của oan trái như trong Thơ mới mà là một thứ tình cảm trong sáng, tích cực, đầy hy
vọng và đầy lạc quan. Nó quyện vào tình yêu tổ quốc, đồng hành cùng lý tưởng:
Nào đồng chí – bắt tay
Em
Bóng nhỏ
Đường lầy
- 18 -
(Không nói)
Hai người yêu nhau cũng là hai người đồng chí. Chính lý tưởng là sợi dây nối
kết họ. Ở đây nhà thơ đã dung hòa được cái riêng vào cái chung, khiến thơ vừa
mang tiếng nói đời tư lại vừa mang tiếng nói sử thi:
Đời anh có em như ngày có nắng

Yêu em anh yêu cả mọi người
Ở đất nước khói cam tuyền mờ mịt thức mây gần hết thế kỷ, hàng triệu người
đi ra chiến trường mà nhiều người trong số họ không trở về nữa thì vinh quang và
khổ đau ngấm vào từng thước đất, bờ cây ngọn cỏ, vào từng thân phận của mỗi một
con người, vào từng mái nhà, bếp lửa. Không có một ai ở ngoài cuộc cả. Và do đó
không ai có quyền quên lãng. “Ta không quên từng đêm lặng ánh đèn. Giọt nước
mắt người rơi xa vắng. Những nẻo đường khuya sớm. Bấy nhiêu năm gió bụi chiến
trường. Mưa nắng lăn mình trong lửa”, để tất cả vì Tổ quốc bình yên.
Gió ào ào nghìn nỗi nhớ
Khóm cúc bên đường nghiêng ngả
Dòng sông cuộn mãi hiền từ.
Đã có một lúc trong kháng chiến chống Pháp, người ta “dị nghị” với ông về
việc viết thơ tình! Mặc dù thơ tình của ông viết ra không phải là nhiều. Nhưng bốn
bài thơ tình đặc sắc của Nguyễn Đình Thi đã sống trong sổ tay của nhiều thế hệ
người đọc Việt Nam thời hiện đại. Nhớ (gửi M), Em bảo anh, Chia tay trong đêm
Hà Nội và Lá đỏ. Thơ tình yêu của Nguyễn Đình Thi trở nên gần gụi với mọi người
vì gắn bó cái riêng vào cái chung muôn thuở của cuộc đời. Soi cái tình riêng vào
cái tình chung của đất nước quê hương. Gửi M:
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi tắn vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn.
- 19 -
Từ đất nước, tình yêu đến những dải đường thêu nắng như những gì đẹp nhất,
thiêng liêng nhất để thi sỹ bày tỏ tâm tình. Nắng trong thơ Nguyễn Đình Thi như có
hồn người phát sáng. Nắng là màu sắc của tình yêu đất nước và sự thủy chung của
mỗi cuộc đời.
Việt Nam đất nắng chan hòa
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
Mắt đen cô gái long lanh

Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung.
Tình yêu trải qua những bước thăng trầm nhưng vẫn đẹp lung linh như hình
ảnh đất nước trong “mưa bom bão đạn” vẫn đẹp vô cùng.
Anh yêu em vẫn như lửa dữ
Như gió mùa xuân thổi dịu hiền
(Đã bao năm tháng)
***
Nguyễn Đình Thi bước vào con đường sáng tác khác với những nhà văn khác,
người ta thường từ cảm xúc tạo nên tác phẩm và cuối cùng đúc kết thành lí luận.
Nguyễn Đình Thi đi theo chiều ngược lại từ triết học, lí luận và dần đi đến sáng tác.
Ông luôn trăn trở với những “đứa con” của mình như Hoài Thanh nhận xét: “Thơ
Nguyễn Đình Thi là thơ của điệu nghĩ. Nghĩ đến đâu có thơ đến đó, nghĩ lại thì thơ
được điều chỉnh.” Tình yêu quê hương đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi là một
chủ đề xuyên suốt quá trình cầm bút của ông. Ông viết bằng một trái tim yêu nước
thiết tha, một tấm lòng dành trọn vẹn cho non sông đất nước. Đất nước Việt Nam
“tươi thắm vô ngần” nhưng “vất vả đau thương”, “vất vả đau thương” nhưng anh
dũng vô cùng”.
- 20 -
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hữu Đạt (1996), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, NXB Giáo dục, H.
2. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp thơ hiện đại, NXB Hội nhà văn.
3. Nguyễn Đăng Mạnh (1996), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà
văn, NXB Giáo dục, Hà Nội.
4. Thao Nguyễn (2010), Nguyễn Đình Thi – những dấu ấn tài hoa và lịch lãm,
NXB Văn hóa thông tin.
5. Nguyễn Đình Thi (2001), Tuyển tác phẩm văn học, (Phần tiểu luận và bút
kí), NXB Văn học, Hà Nội.
6. Đỗ Lai Thúy (1997), Con mắt thơ, NXB Giáo dục.
- 21 -
7. Nhiều tác giả (2000), Nguyễn Đình Thi – Tác giả và tác phẩm, NXB Giáo

dục, Hà Nội.
MỤC LỤC
Trang

×