Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu Ngũ Động Sơn pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (179.25 KB, 4 trang )




Ngũ Động Sơn

Ngũ Động Sơn thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng.
Từ thị xã Phủ Lý, đi ngược thuyền sông Đáy 8km là đến
động, hoặc từ Phủ Lý qua cầu Hồng Phú, theo quốc lộ 21,
đến cây số 8 là tới cửa động.

Ngũ Động Sơn là năm hang nối liền nhau tạo thành một dãy
động liên hoàn có chiều dài hơn 100m trong một lòng quả
núi. Núi này có tên là núi Cuốn Sơn (Quyển Sơn) vì liên
quan tới truyền thuyết về lá cờ của Lý Thường Kiệt bay lên
núi và cuốn lại trên núi. Núi còn có tên là Cấm Sơn vì núi
này rất thiêng, không ai dám động vào một cây cỏ, cành khô
trên núi, trên núi tương truyền có cỏ thi để chữa bệnh nên núi
còn gọi là Thi Sơn. Hang Ngũ Động nằm trong lòng núi Cấm
thuộc địa phận xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng.

Trong các động có rất nhiều thạch nhũ hình thù khác nhau,
kiểu dáng xuất hiện, màu sắc, da nhũ, độ xốp, độ bóng của
các hình nhũ cũng rất khác nhau. Có cái mọc chồi từ vách
động, khe động, có cái rủ từ trên trần xuống, có cái nhô lên từ
mặt nền. Có những nhũ đá ẩn sâu vào bóng tối, khi có ánh
đuốc rọi vào, do hơi nước phản chiếu, ánh lửa ngời lên như
châu ngọc. Có những phiến thạch nhũ bên trong rỗng, có
nhiều hang hốc ăn thông với nhau, khi đánh vào nghe như
tiếng đàn, tiếng trống, tiếng chiêng. Nếu bề dày của phiến đá
lớn, chúng sẽ phát ra những âm thanh trầm, còn nếu bề dày
của những phiến đá mỏng hơn thì chúng sẽ phát ra những âm


thanh trong trẻo ngân nga.

Trên các bức vách của động thiên nhiên kỳ thú đã vẽ nên
nhiều cảnh tượng đẹp, gợi những tưởng tượng sinh động về
cuộc sống con người và cuộc sống xung quanh. Động 4 có
một lối nhỏ ra một cái giếng có độ sâu vừa phải, nước trong
vắt, có thể nhìn thấy cá đang bơi. Đây có thể là nơi tiêu nước
của toàn động trong quá trình lòng núi bị bào mòn và rất có
thể đáy giếng có đường ăn thông ra sông Đáy ở phía dưới
chân núi Cấm. Lối vào động thứ 5 có những thạch nhũ tạo
thành 3 cái cửa tự nhiên cách biệt nhau bởi những cột đá, mỗi
cửa có thạch nhũ rủ xuống như những chiếc rèm cửa, có cửa
có hình thạch nhũ như đôi voi đang chầu.

Núi Cấm, do không ai chặt cây cối nên đã giữ được một thảm
thực vật phong phú, có nhiều cây to, nhiều cây dây leo phủ
kín đồi. Trên đỉnh núi còn có một bàn cờ thiên tạo bằng đá.
Từ đây có thể phóng tầm mắt ra xa để bao quát toàn bộ vẻ
đẹp sơn thuỷ hữu tình của vùng nước non này.

×