Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Tài liệu Văn Hóa và Mê Tín pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (434.33 KB, 8 trang )




Văn Hóa và Mê Tín

Chuyện xưa kể rằng “khi con người bước qua cuộc sống sang
cõi chết, phải đi đò qua con sông “Lê Thê”, bọn quỉ sứ của
Diêm Vương bắt mọi linh hồn ăn “cháo lú” để từ này vĩnh
viễn quên đường về”.

Có một người con chí hiếu tên là Mục Kiều Liên thương nhớ
mẹ khôn nguôi, không hiểu ở cõi xa xôi ấy, mẹ mình sướng
khổ ra sao, nên một lần chàng quyết đi tìm mẹ. Nhờ phép
thần thông, chàng xuống được âm phủ, một thuyết khác nói
là chàng phải làm phúc cho mọi người bằng cách xây chùa
trăm gian, bắc cầu chín nhịp thì được gặp mẹ. Chàng đã làm
và được gặp mẹ thật. Các vong hồn trong cõi âm ty chỉ được
Diêm Vương thả ra đúng một ngày mỗi năm: Đó là dịp lễ
Trung Nguyên, rằm tháng bảy âm lịch, còn quanh năm bị
giam cầm đầy đọa. Ngày hôm ấy, chàng Mục thấy không biết
bao nhiêu linh hồn vất vưởng, lang thang, đói khát, rách rưới.
Nghe theo lời mẹ, chàng trở về dương gian, đúng ngày ấy lên
chùa cầu kinh, cúng cháo lá đa, đốt vàng mã cho các linh hồn
kia đỡ tủi. Từ đó, ngày rằm tháng bảy còn được gọi là ngày
“xá tội vong nhân”. Và mọi ngôi chùa đều tổ chức cúng bái,
chiêu niệm cho linh hồn siêu tịnh độ, ai có điều kiện thì tổ
chức bữa cúng cháo lá đa công cộng, có đủ thanh bông hoa
quả, cháo hoa đựng trong những chiếc bồ đài bằng lá đa cắm
dọc đường quan, sau đó những người nghèo đói ở trên trần
gian tha hồ vào cướp cỗ mà ăn…


Ta không bàn về chuyện cũ có thực hay hư cấu. Không bàn
đến chuyện đổ vàng mã đốt đi có trở thành đồ thật ở cõi ta
hay không. Vào ngày rằm tháng bảy thường có đôi ba hạt
mưa, người ta cho rằng mưa thế để dâng nước trên con sông
“Lê Thê”, cho thuyền chở mã để đến với mọi linh hồn trong
cõi ấy. (Thực ra, đây là tháng ngâu, rất dễ mưa).

Cho đến nay, vật đổi sao dời, bao thế kỉ đã qua, tục cúng rằm
tháng bảy đã trở thành phong tục, thành một ngày Tết nhỏ, lễ
nhỏ mà dân gian các vùng thường vẫn tổ chức.

Thực ra, dân tộc Việt Nam từ lâu đã có phong tục thờ cúng tổ
tiên, ông bà cha mẹ khi đã khuất, coi họ vẫn như đang còn
sống ở một thế giới khác. Đó là lòng tưởng nhớ, sự biết ơn,
niềm sùng kính với tiền nhân, đến cội nguồn. Một phong tục
đẹp trong nền văn hóa truyền thống, một nét tâm linh luôn
được thắp lên từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chuyện có hay không có linh hồn, có hay không có một thế
giới khác là của các nhà khoa học. Nhưng thực tế, có một sự
suy nghĩ coi trọng đời sống tinh thần, coi trọng cội nguồn vẫn
đang tồn tại trong tâm khảm mọi người Việt Nam, mà câu
chuyện Mục Kiều Liên kia chỉ là cái cớ. Bữa cỗ cúng cháo lá
đa để người đang sống được tha hồ ăn uống, là một nét đẹp.
Nó không còn là sự bố thí thông thường, mà là sự chia sẻ để
vợi đi một phần nhỏ thống khổ cuộc đời. Chả thế mà đại thi
hào Nguyễn Du cũng đã có bài “Văn tế thập loại chúng sinh”
thường gọi là “Văn chiêu hồn”, một áng văn chương bất tử
như một bài kinh cầu nguyện cho những ai đã ra đi khỏi cuộc
đời, tan vào hư vô nhưng còn sống mãi trong lòng người còn

sống.

Tết Trung Nguyên cho ngày “Xá tội vong nhân” cũng đẹp
như Tết Trung thu của trẻ em, Tết 10 tháng 10 là ngày cơm
mới, hay Đoan ngọ là mùng 5 tháng 5, dù ý nghĩa mỗi ngày
có khác nhau. Nhớ người đã khuất, thương xót kẻ không
còn là nét đẹp của văn hóa Việt Nam, một dân tộc trọng tình
người, đề cao nhân nghĩa, thủy chung.

Duy chỉ có điều đáng bàn chút ít là nhân ngày Tết ấy, thời
gian càng phôi pha thì càng có kẻ lợi dụng, dùng nó như một
chiêu bài cho mê tín dị đoan, được lồng vào tín ngưỡng. Từ
lâu, tín ngưỡng và mê tín thường có ranh giới không rõ rệt,
dễ làm nhiều người ngộ nhận nên rất dễ bị lợi dụng cái tốt để
làm điều không tốt. Trong đó tục đốt vàng mã là một. Chưa
ai chứng minh được rằng có người từ cõi chết trở về. Cũng
chưa ai chứng minh được cái áo bằng giấy đốt đi lại thành áo
thật. Đến cửa Phật cũng phải bài trừ tục mê tín ấy. Chùa Trấn
Quốc, chùa Bà Đá, những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội phải
yết biển “Không đem vàng mã vào chùa”, thì rõ ràng là
không ai có thể đồng tình với thói mê tín, dị đoan này.

Hiện tại, người ta đã đi quá đà gây lãng phí lớn, có nhà giàu
xổi, phất lên nhanh, ngày rằm tháng bảy, đặt hàng mã cả xe
máy Dream, tủ lạnh, ti vi màu, hình nhân là mấy cô gái mặt
hoa da phấn cho người chết dùng, tiêu hàng triệu đồng, đốt đi
không biết bao nhiêu giấy tốt. Có người đã nhẩm tính, mỗi
năm số giấy làm hàng mã bị đốt lên đến con số hàng chục,
hàng trăm tấn, trong khi các vùng xa còn thiếu đói, trẻ em
không có giấy viết để đến trường. Đó là một điều hiển nhiên

vô lý, khó chấp nhận.

Gia đình nào mà chẳng có những người quá cố, dù mất đã lâu
hay mới. Gia đình nào cũng có bàn thờ với bát nhang nghi
ngút. Công giáo nào cũng có bàn thờ kiểu Công giáo. Tục thờ
cúng tổ tiên rõ ràng là một nét đẹp, thể hiện tâm hồn người
Việt Nam coi trọng truyền thống văn hóa, tôn kính cội nguồn.
Rằm tháng bảy, cầu nguyện cho các linh hồn được siêu thoát
cũng vẫn là nét đẹp. Nó cũng như đi thanh minh hay tảo mộ,
ngày giỗ thắp hương để con cháu nhớ đến ông bà.

Chỉ riêng chuyện lấy ngày này làm cái cớ mà thực hiện hành
động mê tín như gọi hồn, gọi rí, đốt vàng mã vô tội vạ… thì
không còn là lĩnh vực tâm linh nữa mà đã trở thành mê tín, dị
đoan, cần được chỉnh sửa.

Văn hóa vốn rất đa dạng, có vật thể và phi vật thể. Chúng ta
cũng luôn tôn trọng mọi tín ngưỡng khác nhau. Nhưng sống
trong thời đại khoa học kỹ thuật, khó mà chấp nhận những
điều phi lí nhân danh tâm linh được. Đứng về khía cạnh kinh
tế cũng vậy, gia đình còn thiếu thốn nhiều thứ, xã hội còn
phải tiết kiệm, bỗng dưng đốt đi bao nhiêu tiền của, giấy má
đáng quí cũng khó mà đồng tình cho được.

Một nén nhang, một bông hoa nhớ đến người xưa, đó chính
là văn hóa, là điều chúng tôi hằng tâm niệm về cội nguồn, về
quá khứ về những công đức sinh thành ra ta và cả giống nòi
này. Vì vậy mà càng cần dẹp bỏ điều mê tín không đẹp,
không phù hợp nữa.


×