Ngăn & cách trong các không gian
kiến trúc
Trong công trình kiến trúc, ít nhiều đều có sự ngăn cách trong các không gian hay
ngăn cách để tạo thành các phòng chức năng.
Sự ngăn chia ấy vừa đáp ứng cho việc sử dụng những hoạt động thích hợp riêng biệt, lại
vừa hỗ trợ những yếu tố phụ trợ liên quan hệ thống kỹ thuật (chiếu sáng, thông tin, cấp
thoát nước, vật liệu nội thất…) được thiết kế, vận hành hợp lý. Tuy nhiên, sự ngăn cách
trong thực tế công trình nói chung và nhà ở nói riêng có thể chỉ là tương đối, bởi nhiều lý
do…
Mở – xu hướng kiến trúc hiện đại
Nhà vư
ờn truyền thống ở Huế, gian giữa được ngăn cách linh
hoạt với hai gian bên bằng các tủ sách và tủ trưng bày. Các cột
cũng là giới hạn cố định được treo câu đối.
Kiến trúc hiện đại có xu hướng “mở”. Điều đó dễ dàng nhận thấy và nó cũng như là một
đặc điểm nổi trội. Bên cạnh việc quan niệm về thẩm mỹ kiến trúc thay đổi thì việc mở có
liên quan nhiều đến các yếu tố khác. Đó là sự giải phóng về kết cấu công trình; với kết
cấu hiện đại công nghệ mới, kiến trúc đã vươn được những nhịp xa hơn rất nhiều so với
những công trình xây bằng gạch, đá. Đó là sự ra đời và phát triển của vật liệu kính, một
loại vật liệu ngăn che đặc biệt, trong suốt. Đó là sự thay đổi của lối sống, phương thức
làm việc, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin – điều này đã tác động
ngược lại kiến trúc, làm cho kiến trúc hiện đại mở hơn…
Phòng không có cửa, ngăn cách ước lệ với khu cầu thang bằng một kệ trang trí.
Có thể thấy trước kia, bếp nấu trong nhà ở thường được tách riêng một nơi khác, bởi sử
dụng những nhiên liệu như than, dầu không vệ sinh. Nhưng ngày nay bếp nấu được “kéo
gần” cạnh luôn cả bàn ăn và có khi chung không gian với phòng khách bởi một cấu trúc
mới, mà một trong những nguyên nhân chính là sự thay đổi sang dạng nhiên liệu sạch
như gas, điện. Ở một ví dụ khác, là không gian làm việc. Nếu như ở nước ta cách đây
khoảng 20 năm có lẽ khái niệm toà nhà văn phòng (office building) rất xa lạ, thì ngày nay
điều đó đã quá phổ biến. Lý do thứ nhất là sự phát triển của kết cấu xây dựng cho phép
làm những toà nhà với những sàn rộng như thế. Lý do thứ hai: cách thức làm việc đã
khác xưa – dây chuyền chặt chẽ hơn và cũng linh hoạt hơn, mà nếu trong những toà nhà
công sở kiểu cũ: nhiều tầng, nhiều phòng nhỏ bé chắc hẳn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến
hiệu quả.
Trong lịch sử xây dựng thế giới, kết cấu bêtông cốt thép ra đời từ năm 1850 và được sử
dụng làm nhà cao tầng từ năm 1903. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập tới
loại kết cấu này – phổ biến trong công trình nhà ở gia đình và công trình dân dụng thông
thường. Khung bêtông cốt thép chịu lực đã giải phóng các bức tường chịu lực trong kết
cấu gạch đá. Ngôi nhà ở gia đình cũng vậy. Nếu như với kết cấu tường gạch chịu lực thì
rất khó có được một không gian lớn – nếu không muốn nói là không thể, do bị chia cắt
bởi các bức tường. Nhưng với kết cấu khung bêtông cốt thép, tường xây chỉ có ý nghĩa
bao che, ngăn chia, không còn chịu lực nữa. Và vì vậy, đôi khi sự ngăn chia trong không
gian kiến trúc đó không cần tới các bức tường như kiến trúc cũ với kết cấu tường chịu
lực. Sự ngăn chia đã trở nên đa dạng và linh hoạt hơn nhiều. Một loại vật liệu điển hình
làm nên gương mặt của kiến trúc hiện đại là kính – đã làm nên những thay đổi lớn. Vật
liệu kính (cùng công nghệ sản xuất kính, công nghệ cửa kính) là một loại vật liệu bao che
– ngăn chia đặc biệt; ngăn được gió, mưa, bụi, tiếng ồn, cho phép ánh sáng đi qua và
không cản trở tầm nhìn. Kính đã cho phép mở ra những tầm nhìn rộng lớn, kết nối không
gian.
“Vay mượn” không gian
Đề cập tới một góc độ khác, cũng là kiến trúc hiện đại nhưng là ngôi nhà ở trong đô thị.
Thực tế nhà ở trong đô thị của chúng ta đa phần là nhà phố (nhà lô) với diện tích hạn chế.
Các kiến trúc sư thường sử dụng thủ pháp “vay mượn” không gian, kết nối không gian để
tạo nên những không gian lớn hơn, tạo tầm nhìn khoáng đạt, tăng giá trị thẩm mỹ. Bên
cạnh đó việc này còn rất có ý nghĩa trong việc kết hợp khai thác chiếu sáng, thông gió;
tận dụng diện tích giao thông; sử dụng linh hoạt trong cuộc sống các không gian kết nối
đó. Trong nhà ở gia đình, những nơi thường được kết hợp có thể thường thấy là: phòng
khách – phòng ăn; phòng sinh hoạt chung gia đình – phòng ăn; chỗ để xe, phòng khách
(đặc biệt với những nhà phố có một mặt tiền hẹp), phòng ngủ – phòng làm việc Tất
nhiên, sự kết hợp này cũng có những mặt trái của nó, có những nhược điểm nhất định;
tuy nhiên chỉ có tính thời điểm chứ không phải là hệ thống và thường được chấp nhận dễ
dàng.
Một sự ngăn cách ước lệ về không gian,
vừa có cảm giác giới hạn, lại vẫn thoáng.
Chi tiết vách ngăn đậm tính trang trí và có
tính thẩm mỹ rất cao.
Việc “vay mượn” không gian xuất phát từ việc giải quyết nhu cầu diện tích cũng như các
khía cạnh kỹ thuật – vật lý kiến trúc liên quan, để tạo ra một không gian mới đáp ứng
được yêu cầu công năng riêng biệt, thậm chí có thể kết hợp cả yếu tố công năng với nhau.
Thế nhưng có những thứ “vay mượn” hiện nay lại trở thành một xu hướng rất phổ biến,
gần như là luật bất thành văn – kể cả khi nhà không hề chật. Đó là một sự thay đổi, và có
những nguyên nhân như đã đề cập trong chuyện cái bếp nấu ở phần trên. Bên cạnh đó, xu
hướng sống, thói quen sinh hoạt ở đô thị hiện đại cũng khác xưa rất nhiều. Không gian
sống của ngôi nhà hướng nội nhiều hơn, khách tới nhà ít hơn khiến cho phòng khách
ngày xưa mang tính chất là phòng sinh hoạt chung gia đình nhiều hơn và được kéo gần
tới phòng bếp – ăn. Rất nhiều nhà, diện tích không hề nhỏ, mặt thoáng không thiếu nhưng
vẫn cứ “vay mượn” không gian, bởi sự kết hợp sẽ làm phong phú hơn và ở một góc độ
nào đó tiện cho sinh hoạt hơn là sự phân chia riêng rẽ. Và theo đúng nguyên tắc, khi nhà
chật, kết hợp – “vay mượn” không gian sẽ cảm giác đỡ chật hơn thì khi nhà rộng cũng
làm như vậy sẽ được càng rộng nhiều hơn nữa.
Một kiểu vay mượn khác là “vay mượn” không gian bên ngoài. Với việc phá bỏ những
bức tường bao che bên ngoài, thay vào đó là vách kính trong suốt hoặc hệ cửa có thể mở
lớn trực tiếp, tầm nhìn sẽ được mở rộng, ánh sáng tự nhiên chan hoà và hệ quả là không
gian đó cũng sẽ được mở rộng thêm. Tuy nhiên cách làm này cần xem xét kỹ với môi
trường và bao cảnh bên ngoài, bởi thực tế trong đô thị không phải chỗ nào cũng có
“view” đẹp, hướng gió tự nhiên tốt, môi trường trong lành. Và cũng cần lưu ý với sự kín
đáo của chính mình khi phá bỏ sự ngăn cách, mở rộng tầm nhìn.
Không chỉ là ngăn cách
Những bức tường ngăn chia không cần thiết? Kiến trúc hiện đại phải mở, các không gian
phải kết nối liên thông không cách biệt? Không hẳn như vậy! Trong thực tế, kiến trúc dù
hiện đại đến mấy, con người dù có quan niệm tân tiến, cởi mở đến mấy thì kiến trúc vẫn
cần sự ngăn cách. Đó là sự ngăn cách để phân định không gian, để định hướng cho người
sử dụng, để linh hoạt khi sử dụng, để che đi những khiếm khuyết có thể bộc lộ, và nhiều
khi cũng cần riêng biệt – kín đáo (ở mức độ nào đó) trong một số thời điểm. Đó là sự
ngăn cách ước lệ, linh hoạt.
Ngăn cách c
ầu thang với phòng khách phía ngoài bằng hệ lam gỗ. Nhà truyền thống ở
phố cổ Hội An, sự ngăn cách không gian bằng chính những chiếc cột và những tấm
mành. Cột cũng là nơi trang trí.
Thực ra, giải pháp ngăn cách này đã được sử dụng trong kiến trúc dân gian truyền thống
với hệ kết cấu khung gỗ mà không cần những bức tường chịu lực. Trong phạm vi giới
hạn về diện tích, khoảng cách của kết cấu gỗ thì việc mở rộng không gian cũng cần thiết,
nhưng – như đã nói – đôi khi vẫn cần sự phân định, ngăn cách. Người xưa đã biết kết hợp
việc này với các yếu tố công năng khác mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Với kiến trúc hiện đại cũng vậy, khi không còn những bức tường đặc nặng nề, thì những
“vách ngăn” cũng không đơn thuần là vách ngăn chia nữa. Nó thường được kết hợp làm
yếu tố trang trí, là đồ đạc có công năng sử dụng, hoặc kết hợp cả hai. Và có thể thấy kiểu
ngăn cách này rất phong phú, đa dạng, cũng là “đất” sáng tạo của các kiến trúc sư, nhà
thiết kế nội thất. Một vách ngăn có thể là một chiếc tủ để đồ, trang trí. Một quầy bar của
phòng bếp kế bên phòng sinh hoạt chung vừa có tác dụng như tên gọi, lại vừa để che bếp
nấu cho kín đáo (thuật ngữ gọi là tránh “lộ táo”), và tất nhiên cũng có tác dụng trang trí.
Một chiếc tủ giày có ý nghĩa như bình phong chắn ở cửa. Một hệ lam gỗ giới hạn phòng
khách, che cầu thang và đảm nhiệm chức năng lan can của thang… Những “vách ngăn”
ước lệ này có thể rất đơn giản, cũng có thể rất cầu kỳ; có thể chỉ là sự sắp đặt của đồ vật
rời, cũng có thể là một thành phần kiến trúc – nội thất “cứng” không/ khó di chuyển.
Nhưng chắc chắn nó sẽ đẹp và tạo nhiều cảm xúc hơn những bức tường!