Chứng khoán Trung Quốc “tự sụt” và
bài học với chứng khoán Việt Nam
Việc Nhà nước Trung Quốc mới đây tăng mức thuế đối với các giao dịch chuyển
nhượng cổ phiếu trong thị trường chứng khoán lên gấp 3 lần (từ 0,1% lên 0,3%)
nhằm hạn chế độ nóng của thị trường chứng khoán tại nước này đã thật sự trở
thành một sự kiện lớn trong đời sống chứng khoán.
Sự kiện đó đã dẫn đến hệ quả không tránh khỏi là chỉ số chứng khoán Thượng Hải
giảm đến 20%, tức khoảng 900 điểm so với mức kỷ lục trước đó là 4.334 điểm. Hệ
quả tiếp theo là rất nhiều nhà đầu tư, trong đó đa phần là các nhà đầu tư nhỏ lẻ ít
am hiểu và không nắm chắc thông tin về xu thế của thị trường chứng khoán, đã bị
thiệt hại nặng nề khi giá cổ phiếu mà họ mua phải vào lúc tăng đỉnh điểm đã sụt
giảm thê thảm, có thể đến trên 30%.
Vậy chúng ta có thể liên hệ sự kiện này với tình hình hoạt động tại thị trường
chứng khoán Việt Nam ra sao?
So với Trung Quốc, rõ ràng số lượng tài khoản giao dịch và số người chơi chứng
khoán của Việt Nam chưa nhiều (chỉ mới chiếm khoảng 2%). Nhưng nếu xét về
tốc độ tăng trưởng của chỉ số chứng khoán thì tính từ cuối năm 2006 (732 điểm)
đến mốc đỉnh 1.170 điểm vào tháng 2.2007, mức tăng trưởng tại thị trường chứng
khoán Việt Nam cũng đã đạt đến 146% - một tỷ lệ được coi là khác thường nếu so
sánh với tốc độ bình quân 10-12% của các thị trường chứng khoán có tiếng trên thế
giới.
Câu hỏi cần đặt ra là: liệu chúng ta có nên quá tự hào về sự tăng phi mã ấy? Trong
khi đó, cũng như Trung Quốc, nhiều công ty cổ phần niêm yết tại Việt Nam đang
có chỉ số P/E vượt trên 40 (mức được coi là cao so với thế giới và thậm chí với cả
một số nước châu Á), thậm chí có những công ty có P/E lên đến 100, hoặc 150 lần.
Giá trị thị trường của cổ phiếu đã vượt hẳn so với giá trị thực của chúng - đó là
điều mà nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã cảnh báo, tuy không mấy khi
nhận được lời phản hồi cầu thị.
Khách quan mà nói, đợt sụt giảm vào tháng 4/2007 vừa qua tại thị trường chứng
khoán Việt Nam, tuy khá lớn và đã đạt đến độ sụt khoảng 30%, nhưng chưa đến
mức làm cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị trắng tay, và cũng mới chỉ là khúc dạo đầu
trong bản nhạc bi tráng của dàn giao hưởng chứng khoán.
Tuy vậy, tình trạng đó cũng đã gây ra một số hậu quả mà rõ ràng nhất là thị truờng
OTC bị giảm đến 50% và hiện đang đóng băng vô thời hạn. Điều an ủi là so với thị
trường chứng khoán Trung Quốc, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phải là
quá nóng, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chưa phải là cột trụ của nền kinh tế
quốc dân nên nếu có “mệnh hệ” nào thì huyết mạch tài chính quốc dân cũng không
bị tắc nghẽn.
Tuy thế, tâm lý đám đông, bắt đầu từ quá trình đầu tư ồ ạt và thiếu cẩn trọng, đã
mau chóng trở nên một đặc thù quá rõ nét tại thị trường chứng khoán nước ta.
Ngay cả vào thời buổi “răng cưa”, khi thị trường trở nên hết sức thất thường, người
ta vẫn tiếp tục đầu tư vào nhiều mã cổ phiếu “không biết tại sao cứ tăng trần” với
mục tiêu “lướt sóng” thay vì đầu tư trung hoặc dài hạn, với kỳ vọng thu được
chênh lệch hàng trăm phần trăm chỉ trong vòng một tháng.
Trong khi đó, các thế lực đầu cơ cũng đang tăng tiến rất nhanh về trình độ làm giá,
khuấy động thị trường với những mã cổ phiếu “hot” và “siêu hot”, giá tăng vùn vụt
còn hơn cả OTC thời hoàng kim, tăng bất chấp thị trường lên hay xuống.
Với sự hy vọng vẫn đang lớn dần trong lòng các nhà đầu tư, cùng với suất lợi
nhuận trên thị trường chứng khoán vẫn cao hơn cả chênh lệch từ bất động sản và
hơn hẳn phần lãi từ các khu vực đầu tư sản xuất kinh doanh khác, cộng với làn
sóng đầu tư nước ngoài đang gia tăng đáng kể vào Việt Nam, có nhiều khả năng
đến cuối năm 2007 và bước sang đầu năm 2008, chỉ số VN-Index sẽ vọt lên mức
1.300 điểm, thậm chí còn hơn thế.
Với mức điểm này, chỉ số chứng khoán tại Việt Nam sẽ tăng gần gấp đôi chỉ trong
vòng một năm- một mức độ gần tương đương với thị trường chứng khoán Trung
Quốc, và do đó cũng “giúp” thị trường chứng khoán Việt Nam tăng nhanh độ nóng
và độ rủi ro của mình. Đến lúc đó, số tài khoản giao dịch cá nhân sẽ có thể tăng vọt
lên đến trên 400.000, chiếm tỷ lệ trên dân số gần bằng với tỷ lệ này tại Trung Quốc
hiện nay.
Và cũng đến lúc đó, khi các tín hiệu cảnh báo đã vang lên khẩn cấp, các cơ quan
quản lý Nhà nước về chứng khoán sẽ bắt buộc phải thực hiện những giải pháp để
kìm nén sự lan tỏa rủi ro, dẫn đến một hệ quả đương nhiên là thị trường sẽ bị sụt
giảm sâu chỉ trong một thời gian ngắn, và sẽ có nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại nặng
nề. Thế nhưng hậu quả kinh tế và hậu quả xã hội ấy vẫn có thể tránh được, hoặc
được hạn chế đến mức tối thiểu, nếu ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý chứng
khoán có sách lược hợp lý để dự báo và điều tiết cái thị trường quá nhạy cảm này.