Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu Vì sao đái tháo đường tăng nhanh ở thành thị? docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (102 KB, 4 trang )




Vì sao đái tháo đường
tăng nhanh ở thành thị?
Chế độ dinh dưỡng bừa bãi, không hợp lý sẽ làm tăng gánh nặng cho tuỵ,
dần dần dẫn đến suy chức năng tuỵ, gây đái tháo đường.
BS Kim Loan (Bệnh viện E Hà Nội) cho biết, đái tháo đường là một bệnh
rối loạn chuyển hoá đường gây tăng đường huyết mạn tính, kéo theo rối loạn
chuyển hoá lipit, protit và điện giải do thiếu insulin tương đối hay tuyệt đối
của tuyến tuỵ. Bệnh gây các biến chứng nguy hiểm ở nhiều phủ tạng, đặc
biệt là mắt, thần kinh, thận, tim mạch và có thể tử vong nếu không điều trị
kịp thời.

Có hai thể bệnh: typ 1 và typ 2, nhưng đái tháo đường typ 2 (thể không phụ
thuộc insulin) chiếm khoảng 90% và ngày càng tăng nhanh ở nước ta, nhất
là ở thành thị. Nguyên nhân được xác định là do điều kiện dinh dưỡng và lối
sống thay đổi, lao động tĩnh tại, ít hoạt động thể lực cùng với dinh dưỡng
không hợp lý.
Trong thực tế, ở các đô thị, do cuộc sống bận rộn, nhiều người có thói quen
sử dụng nhiều các loại thức ăn nhanh, các thực phẩm tinh chế, ít chất xơ, ăn
nhiều đồ ngọt, bữa ăn thất thường, không ổn định về giờ giấc và khối lượng
thức ăn. Điều này sẽ làm tăng gánh nặng cho tuỵ, dần dần dẫn đến suy chức
năng tuỵ, gây đái tháo đường. Vì thế, có đến 80% những người mắc bệnh đái
tháo đường typ 2 là những người béo.
Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến các rối loạn chuyển hoá mỡ, tổn thương
hàng loạt cơ quan và tổ chức, mà trước hết là các biến chứng nặng ở mắt
(gây mù), ở hệ tim mạch (gây nhồi máu cơ tim…), ở thận (dẫn tới khả năng
phải thường xuyên lọc thận) hoặc ở hệ thần kinh (với các tổn thương thần
kinh ngoại vi, thần kinh sọ não và thần kinh thực vật).
Hai trong bốn yếu tố then chốt quyết định hiệu quả điều trị bệnh đái tháo


đường là đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý và
tăng cường vận động bền bỉ, phù hợp với điều kiện sức khoẻ, nhằm giữ được
trọng lượng cơ thể ở mức độ hợp lý và phòng ngừa được các tai biến tim
mạch.
Trong đó, về chế độ ăn uống, người bệnh đái tháo đường cần áp dụng chế độ
ăn chống béo phì, sử dụng nhiều rau quả, hạn chế dùng các thực phẩm tinh
chế kỹ. Đặc biệt, cần ăn đủ số calo theo cân nặng, ăn đều đặn, chia làm
nhiều bữa nhỏ, không ăn quá no hoặc để quá đói, ăn kết hợp các chất xơ và
các thức ăn có nhiều vitamin. Tình trạng quá no hoặc quá đói sẽ dẫn đến
tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết đều là những trạng thái nguy hiểm
cho người bệnh tiểu đường.
Một sai lầm thường thấy ở những bệnh nhân đái tháo đường là chỉ vì sợ tăng
đường huyết mà ăn quá ít đường và bù bằng chất béo, điều này dễ dẫn đến
tình trạng vữa xơ động mạch. Một chế độ ăn quá ít chất bột - đường cũng sẽ
dẫn đến giảm dung nạp với bột đường, nghĩa là dễ làm tăng đường máu.
Người bệnh đái tháo đường có thể ăn tất cả các thức ăn mà người khoẻ mạnh
vẫn ăn, chỉ cần điều chỉnh hợp lý theo mức độ cho phép. Nguyên tắc chung
là giảm các thức ăn có nhiều đường, tăng chất đạm, vitamin, hoa quả theo
chỉ dẫn “chế độ ăn cho người bị tiểu đường” tại các cơ sở y tế.
Theo PGS.TS Tạ Văn Bình (Chủ tịch Hội người giáo dục bệnh đái tháo
đường Việt Nam): "Việt Nam không phải là quốc gia có tỷ lệ đái tháo đường
lớn nhất thế giới, nhưng bệnh đái tháo đường ở Việt Nam phát triển nhanh
nhất thế giới". Cũng theo TS Tạ Văn Bình thì "không thể phân theo giai
đoạn bệnh lý, nhưng bệnh đái tháo đường có biến chứng cấp tính, nhiều
bệnh nhân bị loét do biến chứng bệnh mạch vành, mạch máu ngoại vi nên
phải cắt bỏ chân tay…"
Đối tượng mắc bệnh đái tháo đường thường ở độ tuổi từ 30-65, tuy nhiên
hiện nay có những bệnh nhân đái tháo đường mới chỉ 9-10 tuổi, điều này
phản ánh sự trẻ hoá về bệnh này ở nước ta.


×