'Mẹo' hòa nhập nhanh dành cho nhân viên mới
Dưới đây là một số mẹo giúp nhân viên mới có thể nhanh chóng hòa nhập và trở
thành đồng nghiệp đáng tin cậy.
Những điều nên làm:
- Cư xử thân thiện với tất cả mọi người, ngay cả khi bạn đang cảm thấy khó khăn
trong việc hòa nhập vào môi trường mới.
- Chủ động bắt chuyện với các đồng nghiệp. Thay vì ngồi yên đợi người ta hỏi đến
mình, bạn hãy cố gắng tạo ra các cuộc nói chuyện cởi mở và thân mật với các
đồng nghiệp. Có thể chỉ vài lời bình luận về một chương trình truyền hình phổ
biến, một bộ phim đang thu hút người xem hay một sự kiện thể thao đang được rất
nhiều người quan tâm.
- Nhờ đồng nghiệp chỉ chỗ để có thể mua được cốc cà phê ngon nhất, hoặc nơi nào
thích hợp nhất để ăn sáng, ăn trưa hay nơi mua sắm gần công ty nhất. Điều này
giúp cho bạn hòa nhập nhanh hơn với các đồng nghiệp, và biết đâu bạn lại nhận
được một lời mời của họ cùng đi đến một trong các nơi đó.
- Sẵn sàng đợi một thời gian để đồng nghiệp có thể hiểu được bạn và giúp bạn hòa
nhập vào không khí làm việc và sinh hoạt trong công ty.
- Thỉnh thoảng, bạn đem một chút đồ ăn nhẹ đến công ty, một ít trái cây hoặc ít
bánh ngọt mà mọi người thích. Đặc biệt mỗi khi bạn có dịp đi đâu xa về, dù là đi
công tác hay đi chơi, bạn cũng nên có chút quà chung cho mọi người như một ít
đặc sản của vùng mà bạn vừa đến…
Những điều không nên làm:
- Nghe lén cuộc hội thoại cá nhân của người khác. Nếu điều này xảy ra, bạn sẽ bị
cho là mất lịch sự và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của mọi người
dành cho bạn. Việc xâm phạm quyền riêng tư của người khác là tối kị, dù là trong
công việc hay trong cuộc sống.
- Vội vàng đưa ra các nhận xét mang tính tiêu cực về người khác hay một việc xấu
cho dù bạn biết rõ là có liên quan đến đồng nghiệp trong công ty. Mọi người sẽ có
cảm giác bạn là kẻ lắm chuyện, hay tọc mạch vào việc của người khác.
- Trong công việc hiện tại, khi gặp vấn đề khó khăn cần giải quyết, đừng bao giờ
nói: "Tại công việc trước đây của tôi, chúng tôi đã làm theo cách này nên bây giờ
tôi cũng làm như vậy". Bạn sẽ khiến các đồng nghiệp khó chịu, thậm chí có người
sẽ vặn vẹo tại sao bạn không làm việc ở đó mà lại chuyển tới đây.
- Yêu cầu mọi người tham gia các liên kết trực tuyến như mạng xã hội, blog cá
nhân của bạn. Liên kết mạng của bạn chỉ nên bao gồm những người có mối liên hệ
thân quen, bởi vậy, đừng yêu cầu đồng nghiệp mới phải tham gia khi họ chưa thực
sự muốn.
Loại bỏ cảm giác nghi ngờ bản thân
Mọi người đều trải qua cảm giác nghi ngờ bản thân trước khi bắt đầu công việc.
Những ngày đầu tiên đi làm, cảm giác đó lại càng tăng lên. Bạn không ngừng tự
hỏi bản thân: “ Công việc này có thực sự phù hợp với mình?”, “ Làm sao mình có
thể đảm nhận nhiều trách nhiệm như vậy?”, “ Đồng nghiệp có nghĩ mình là kẻ
ngốc hay không?”…
Nếu đặt ra những câu hỏi như vậy, bạn chỉ cần nhớ tới lý do nhà tuyển dụng thuê
mình. Bạn đã gửi một bộ hồ sơ ấn tượng, vượt qua vòng phỏng vấn và thương
lượng mức lương thành công. Như vậy, nhà tuyển dụng đã nhận thấy khả năng của
bạn và muốn bạn làm việc cho họ. Tất nhiên, những ngày làm việc đầu tiên, bạn
không thể tránh khỏi sai sót. Điều quan trọng là bạn rút ra kinh nghiệm và không
lặp lại.
Sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên
Mọi thứ đều mới mẻ khi bắt đầu công việc và bạn có rất nhiều việc phải hoàn
thành. Hãy sắp xếp nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên, chia nhỏ công việc và hoàn thành
từng phần. Dù tiến độ có thể chậm hơn nhưng người khác nhưng hãy “ chậm mà
chắc” và dần dần bạn sẽ quen việc hơn.
Hơn nữa, bạn cũng không nên quá chú ý tới những người khác quan sát bạn ra sao
bởi ai cũng biết rằng một nhân viên mới khó có thể thể hiện một cách hoàn hảo
trong những ngày đầu tiên đi làm.
Luôn đúng giờ
Hãy đến cơ quan đúng giờ vào buổi sáng và không tan sở sớm hơn mọi người. Bạn
nên tạo thói quen đó ngay từ những ngày đầu đi làm. Nếu bạn có việc riêng như đi
khám bệnh chẳng hạn, hãy cố gắng báo cho người quản lý càng sớm càng tốt. Dù
chỉ ra ngoài 10 phút, bạn cũng nên nói với sếp một tiếng. Và trước khi rời cơ quan,
đừng quên tới chỗ sếp và xác nhận rằng công việc trong ngày đã hoàn thành.
Tụ tập với đồng nghiệp trong giờ ăn trưa
Khi bắt đầu đi làm, hãy cố gắng đi ăn trưa với đồng nghiệp trong phòng. Đây là
thời gian để xây dựng mối quan hệ. Đồng nghiệp biết tới bạn nhiều hơn, họ sẽ
hướng dẫn, đưa ra những lời khuyên cho bạn. Dần dần bạn sẽ loại bỏ hết căng
thẳng, lo lắng của những ngày đầu tiên đi làm trong đời.