Những băn khoăn của bố
khi vừa “lên chức” cha –
Phần 1
Có con là điều tuyệt vời. Đúng vậy! Đối với một người đàn ông, trở
thành cha là một bước ngoặt lừng lẫy trong đời. Nhưng xen kẽ với niềm
vui và tự hào đó, ông bố trẻ có không ít băn khoăn mà nếu không tinh ý,
mẹ sẽ chẳng thể nhận ra, nhất là khi con đã chiếm hết sự quan tâm của
mẹ (hết cả phần dành cho bố nữa). Hãy đồng hành với chồng và cùng
nhau đạt danh hiệu “bố mẹ tuyệt vời nhất đời” mẹ nhé!
Các ông bố thường hết sức lạc quan và vui mừng khi nghe vợ báo tin: “Mình
sắp có một đứa con trai anh nhé!”. Họ sẽ tưởng tượng ra đồng minh thân cận
nhỏ bé của mình trong những buổi cổ vũ bóng đá hoặc viễn cảnh con trai
ưỡn ngực khoe bố trong những lần tán dóc với bạn bè hoặc cả những bài
diễn văn khi con đạt được thành công nào đó.
Các ông bố luôn rất vui mừng khi được "lên chức" - Ảnh: Inmagine
Thế nhưng khi ngày trọng đại đã đến, khi cô y tá đem đến một đứa trẻ sơ
sinh khóc ngằn ngặt và chúc mừng bố: “Con trai anh đây, xin chúc mừng!”.
Ông bố trẻ sẽ bắt đầu lo lắng: “Làm sao mình biết khi nào con đói nhỉ?; Từ
giờ quan hệ xã hội của mình sẽ chấm dứt ư (đó là chưa dám nói đến quan hệ
chăn gối với mẹ nó nhé)? Và mình sẽ phải kiếm bao nhiêu tiền để lo đủ cho
vợ con đây?”
Các ông bố rồi sẽ phải trả lời hết những câu hỏi này. Nhưng thực tế là nhiều
người trong số họ chưa sẵn sàng đón nhận những thách thức trước mặt. Và
các bà mẹ trẻ thân mến, chúng tôi biết giờ đây bạn đang dành toàn bộ tâm trí
của mình cho nhóc tì đáng yêu vừa ra đời, nhưng hãy để mắt đến chồng một
tí nhé, để giúp anh ấy trở thành một ông bố tuyệt vời giống như bạn vậy!
“Làm thế nào vợ chồng tôi đủ khả năng chi trả mọi chi phí cho em bé?”
Hãy lên kế hoạch tiết kiệm tiền ngay từ khi bắt đầu mang bầu - Ảnh:
Jupiterimages
Giữa việc cho con bú mớm và tạo nếp sinh hoạt cho em bé, các bà mẹ trẻ
còn có hằng hà sa số những việc phải bận tâm. Trong khi phải đảm bảo cuộc
sống của chính mình, bố mẹ bắt đầu lo nghĩ về việc có thêm một miệng ăn
(hoặc nhiều hơn) – theo số liệu của Mỹ, chi phí trung bình để nuôi dạy một
đứa trẻ cho đến 18 tuổi vào khoảng xấp xỉ 6 tỷ đồng (VNĐ). Một ông bố trẻ
bình thường có thể “suýt ngất” vì con số này, và viễn cảnh sẽ càng tệ hơn
nếu vợ anh không trở lại làm việc sau khi sinh con. Là một người đàn ông, ít
ông bố nào chịu chia sẻ nỗi sợ hãi của mình, nhất là trong khi niềm vui được
lên chức bố mẹ đang lấn át hết mọi cảm xúc khác.
Hãy giúp bố nào! Hãy làm điều này ngay trong khi bạn đang là một người
mẹ mang thai đầy hạnh phúc, vì lúc này bạn chưa thực sự phải chạy theo
một đứa trẻ khóc và đòi ăn suốt ngày. Hai bạn hãy cùng nhau lên kế hoạch
chi tiêu và tiết kiệm dài hạn để chuẩn bị tài chính cho việc nuôi con
Thay vì căng thẳng nghĩ cách để tăng thu nhập bằng mọi giá, hai bạn hãy
nghĩ đơn giản hơn bằng cách tiết kiệm các chi phí không cần thiết, chẳng
hạn như mua sắm cân nhắc hơn, nấu ăn tại nhà thay vì ra tiệm hoặc mua các
nhu yếu phẩm theo số lượng lớn. Hai bạn cũng có thể nhờ đến sự giúp đỡ
của bà nội và bà ngoại để tiết kiệm chi phí chăm sóc trẻ, hoặc tính toán đến
các công việc tự do có thể làm ở nhà để tăng thu nhập cũng như sắp xếp thời
gian làm việc xen kẽ nhau để có thể thay nhau chăm con.
“Tôi không thể vừa làm một người cha tốt lại vừa chú tâm vào công việc
của mình được.”
Cân bằng cuộc sống gia đình với sự nghiệp là vấn đề nan giải không chỉ với
mẹ mà đối với bố, việc này có thể còn đặc biệt khó khăn. Người mẹ thường
có ít nhất 12 tuần nghỉ thai sản để tập trung hoàn toàn vào con cái, nhưng
những ông bố thì chỉ có thể nghỉ đôi ngày trong những ngày vợ lâm bồn.
Hãy giúp bố nào! Khuyến khích chồng đề nghị với chủ doanh nghiệp về
một chế độ làm việc phù hợp để có thể dành nhiều thời gian cho vợ con
trong giai đoạn này. Hãy nhắc nhở chồng rằng hầu hết doanh nghiệp chỉ
quan tâm đến hiệu quả công việc chứ không phải việc bạn sẽ làm việc vào
lúc nào. Bạn và chồng có thể hội ý giải pháp cho tình thế công việc của anh
ấy.