Vấn đề mới - cũ trong thơ Việt Nam trước
1945 nhìn từ phong trào Thơ mới
1. Trong phần Nhỏ to đặt cuối Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có mơ ước mai
sau chỉ cần 4 người trong số 45 người có mặt ở Thi nhân Việt Nam được công chúng
nhớ, là ông đã thoả ước nguyện. Thế nhưng sự thật con số được nhớ trong công chúng
hiện nay là lớn hơn nhiều, gấp vài ba lần. Không cần phải nghĩ ngợi, có thể ở ngay
đầu cửa miệng: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc
Tử, Bích Khê, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông, Anh Thơ Còn có thể kể
vào đây cả những người chỉ có vài bài, hoặc một bài như Nguyễn Nhược Pháp, Vũ
Đình Liên, Đoàn Văn Cừ, Yến Lan, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân Thế là đã ngót hai
chục, tức là gấp ngót 5 lần con số Hoài Thanh mơ ước. Và giá trị thơ họ để lại là cho
cả thế kỷ XX, cho đến nay, chứ không phải riêng cho thời 1932 - 1945.
Và đây là một tuyển - tuyển, có nghĩa không phải là tất cả bề rộng của phong
trào, với mỗi nhà thơ có đến một hoặc vài tập, và vô số bài đăng trên báo, rất nhiều
báo, đương thời. Để có bộ tuyển 167 bài này, Hoài Thanh nói ông đã đọc 50 quyển và
khoảng một vạn bài thơ, trong đó có non một vạn bài dở. Con số một vạn đây là chỉ
của một người đọc, trong 10 năm. Hẳn còn nhiều ngàn hoặc cả vạn bài khác Hoài
Thanh chưa đọc. Vậy sự tuyển chọn ở đây quả thật là chặt. Phần được chọn trong Thi
nhân Việt Nam cùng với diện rộng các bài của trên 45 nhà thơ được tuyển ta quen gọi
là Thơ mới. Vậy con số non một vạn bài dở mà Hoài Thanh chê cần được gọi là thơ
gì? Thơ dở thì chắc rồi. Nhưng dở có phải là cũ không? Đó là câu hỏi đặt ra cần xem
xét khi tìm hiểu vấn đề mới - cũ?
Cần tiếp tục một sự gạn lọc nữa. Không phải 167 bài được Hoài Thanh chọn
vào tuyển tất cả đều được người đọc đời sau nhớ. Có lẽ chỉ khoảng 1/4 số bài được
người đọc thuộc. Tức là có người một bài như Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp,
Thâm Tâm ; có người vài bài như Lưu Trọng Lư, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ ; có
người nhiều bài hơn như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên Lại có
rất nhiều người không có bài nào để nhớ.
Thế nhưng chỉ với những bài được nhớ ấy, nới cho thật rộng, khoảng dăm sáu
chục bài của trên dưới 20 nhà thơ lại kết tụ được, kết tinh được thần sắc, cốt cách, linh
hồn của một phong trào thơ, được mệnh danh là Thơ mới. Giá trị nó để lại cho đời, cái
nó xứng đáng được xưng tụng, không phải chỉ là ý tưởng, ngôn ngữ, cảm xúc, giọng
điệu, phong cách thơ, thậm chí một trào lưu thơ được gọi là mới, mà là sự hội tụ, sự
kết tinh để có cả một thời thơ, một thời đại trong thơ, làm chuyển động và thay đổi
hẳn những gì đã định hình và ổn định suốt cả 10 thế kỷ, và còn lấn sang đầu thế kỷ
XX, với hai người kết thúc là Yên Đổ và Tú Xương Cái được gọi là thời đó lại
không thể sớm hơn, và tất nhiên không có chuyện muộn hơn. Sớm hơn một chút là
Đông Hồ, Tương Phố; là Trần Tuấn Khải, Tản Đà Tất cả đều chưa đến được cái gọi
là mới. Còn lùi sâu hơn nữa vào hai thập niên đầu thế kỷ XX - đó là thơ chữ Hán của
Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu. Là thơ nôm trào phúng của Nguyễn Thiện Kế,
Phan Điện (không kể Yên Đổ, Tú Xương). Là thơ Nôm hoặc Quốc ngữ của các nhà
Nho trong phong trào Đông kinh nghĩa thục. Tất cả đều thuộc một phạm trù thơ khác,
gần gũi với thơ Trung đại nên càng xa quỹ đạo Thơ mới, nhưng lại không thể gọi là
thơ cũ. Thơ mới, vậy là chỉ có thể xuất hiện và tồn tại trong 10 năm - từ 1932 cho đến
Tuyển Thi nhân Việt Nam năm 1942. Có gì như là một sắp xếp của lịch sử, một định
mệnh, không thể khác. Chỉ đến thời điểm đó mới có Thơ mới. Và sau đó, không còn
nữa, khi tất cả đều được chuyển vào quỹ đạo của một nền thơ hiện đại.
2. Vậy là ở đây có định ngữ mới cho một phong trào thơ tồn tại chỉ trong 10
năm, trải ra trên một diện không rộng lắm, chỉ trên dưới 40 nhà thơ; và được phản ánh
tập trung và rõ nét trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh. Có chữ mới tất có câu
hỏi: Vậy cái cũ, thơ cũ là gì? Có phải là tất cả những gì có trước nó, trước 1932, kể từ
Đông Hồ, Trần Tuấn Khải ngược về đầu thế kỷ XX, và sâu hơn, cả nền thơ Trung đại?
Và cả những gì đồng thời với nó, mà không được người tuyển chọn là Hoài Thanh để
mắt tới nơi con số non một vạn bài dở mà ông đã nêu?
Có thể hiểu như thế được không? Lôgích hình thức có thể cho phép hiểu như
thế. Cũ là tất cả những gì đã qua đi trong thời gian, trước ngưỡng hiện tại. Nhưng
đánh giá thơ, cũng như đánh giá các hiện tượng tinh thần của con người lại không thể
áp dụng nguyên tắc này. Bởi mọi giá trị tinh thần, khi nó đã là giá trị thì sống mãi. Và
quy luật phát triển của nghệ thuật không phải sau là hơn trước, mà chỉ là sau phải khác
trước. Không thể nói Balzac thế kỷ XIX là hơn Voltaire thế kỷ XVIII. Không thể nói
Lý Bạch, Đỗ Phủ thời Đường là hơn Khuất Nguyên thời Xuân Thu. Cũng như vậy,
không thể nói Nguyễn Du thế kỷ XVIII là hơn Nguyễn Trãi thế kỷ XV
Sự thật thì khi phong trào Thơ mới mới được khởi động quả là khó tránh khỏi
có những bốc đồng, quá trớn, theo lối chế riễu, coi thường, thậm chí mạt sát mọi cái
được gọi là cũ. Thơ cũ đến từ những khuôn mẫu thời Đường, trong đó thể thất ngôn -
luật phải chịu một sự bài bác kịch liệt nhất, bởi, nói như Phan Khôi, nó "bó buộc quá
mà mất cả sanh thú"
(1)
. Đến cả một tác gia vẫn được người đời sau nhớ là Bà Huyện
Thanh Quan cũng bị chê, trong lời bình của Phạm Quỳnh, được Hoài Thanh dẫn lại:
"nó hay, nó trúng vần, trúng điệu, nhưng vì đó có lẽ cũng làm mất cái giọng thiên
nhiên đi ít nhiều vậy.
Rằng hay thì thật là hay
Nhưng hay quá, khéo quá, phần nhân công nhiều mà tự nhiên ít, quả là một bức
tranh cảnh vậy"
(2)
.
Đến cả một người tiền bối gần gũi là Tản Đà, với bài Cảm thu, tiễn thu hay là
thế, cũng bị Tú Mỡ đem ra chế riễu:
Cây tươi tốt lá còn xanh ngắt
Bói đâu ra lác đác lá ngô vàng
Trên đường đi nóng rẫy như rang
Cảnh tuyết phủ mơ màng thêm quái lạ.
Là nhà thơ, lại là thơ trào phúng, dĩ nhiên là Tú Mỡ chẳng cần phải, như chúng
ta, để tâm đến những quy ước và lệ luật trong truyền thống thơ cổ điển mà nhà Nho
Tản Đà chưa thể dứt ra được. Và dẫu chưa dứt được, nhưng lệ luật ấy cũng không
phương hại gì nhiều lắm đến sự thống nhất giữa cảnh và tình trong cảm nhận của một
lớp người vào buổi giao thời vẫn còn lưu luyến với cái buồn thu với những "lá đào",
"suối tiễn", "oanh đưa" để phô bày cảm xúc và tâm trạng. Nhưng rồi bình tĩnh lại,
khi sự thắng thế của Thơ mới đã được khẳng định thì một chuyển đổi thái độ là điều
dễ hiểu: Thơ mới không thể là sự phủ định toàn bộ truyền thống, là sự quay lưng tuyệt
đối với quá khứ dân tộc.
Do vậy mà toàn bộ thơ cổ điển, với những đỉnh cao của nó lại trở về là đối
tượng chiêm ngưỡng, tôn thờ của Thơ mới. Trước hết là Nguyễn Du. Lưu Trọng Lư
viết: "Thơ mới dẫu nó sản xuất ra được một bậc thiên tài lỗi lạc nào, tôi cũng không
vì bậc thiên tài ấy mà rẻ rúng ông Nguyễn Du thân yêu của tôi, ông Nguyễn Du bất
diệt, nhà thi sĩ của muôn đời"
(3)
. Còn Hoài Thanh, người tổng kết Thơ mới thì không
chỉ một lần nói đến Nguyễn Du: "Một quyển sách nói về thơ Việt mà mở ra không
nhắc đến Nguyễn Du tôi thấy như một sự bội bạc. Nghĩ thế tôi muốn tìm một câu gì
trong Truyện Kiều để in lên đầu sách. Sự tình cờ xui tôi nhớ lại câu: "Của tin gọi một
chút này làm ghi. Đọc đi đọc lại riêng lấy làm đắc ý lắm”
(4)
. Và một lần khác, khi
"quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại nào phong phú
như thời đại này" Hoài Thanh vẫn phải lựa cách rào đón mà nói trước rằng đây chỉ là
so thời với thời. Chứ không dám so một người với một người. Bởi, so một người với
một người thì tránh sao khỏi động đến Nguyễn Du là "bậc kỳ tài đời nay không ai
sánh kịp"
(5)
.
Và tất nhiên không chỉ có Nguyễn Du. Cùng với Nguyễn Du còn bao nhiêu
người khác nữa, trước và sau ông. Từ Nguyễn Trãi đến Hồ Xuân Hương Và cả bà
Huyện Thanh Quan. Bà Huyện Thanh Quan, dẫu có lời chê, rào trước đón sau của
Phạm Quỳnh vẫn được tính đến trong các tác gia cổ điển có giá trị - Vậy là tinh hoa cổ
điển - Thơ mới vẫn tôn thờ Cho đến thời hiện tại, với những người đi trước như Tản
Đà, dẫu có lúc bị chế riễu, vẫn được Hoài Thanh, nhân danh các nhà Thơ mới "cung
chiêu anh hồn" về dự hội Tao Đàn, với tư cách là "người của hai thế kỷ”: "Có tiên
sinh, người ta sẽ thấy rõ chúng tôi không phải là những quái thai của thời đại, những
đứa thất cước, không có liên lạc gì với quá khứ của giống nòi"
(6)
Tất nhiên, khi xưng tụng, khi đặt các tiền nhân lên chiếu trên, hoặc lên bàn thờ,
để bái vọng, các nhà Thơ mới lúc ấy, và chúng ta bây giờ đều nhất trí hiểu đó là thơ
thuộc một kiểu khác, một tư duy nghệ thuật khác, hệ tư duy nghệ thuật trung đại, với
khuôn mẫu lý tưởng là Khuất Nguyên, là Lý - Đỗ, là nguồn cội kinh điển Nho gia
Đây là tinh hoa cổ điển - tiền bối của Thơ mới, chứ không phải là Thơ cũ. Thơ mới -
để được gọi là mới, nó phải rời bỏ nguồn cội đó mà đã tìm đến với một khuôn mẫu
mới là phương Tây mà người chịu ảnh hưởng thơ Pháp đậm nhất, theo Hoài Thanh, đó
là Xuân Diệu:
Tôi nhớ Rimbaut với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
(Tình trai)
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
(Đây mùa thu tới)
Cụm từ "hơn một " và động từ "rũa" - đó là cách nói quen thuộc trong ngôn
ngữ Pháp. Cụ thể hơn, đề từ cho bài Huyền diệu, Xuân Diệu đã chọn một câu thơ của
Baudelaire, được coi là tuyên ngôn của chủ nghĩa tượng trưng: Hương thơm, sắc màu
và âm thanh cùng hòa hợp (Les parfums, les conleurs et les sons se répondent).
3. Một loại hình thơ khác không thuộc phạm vi cổ điển mà thuộc phạm trù hiện
đại, khởi động từ đầu thế kỷ XX có nội dung yêu nước, và gắn với hệ ý thức tư sản,
bắt đầu từ thơ chữ Hán theo cổ thể của Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu ; qua
Trần Tuấn Khải trong các thể thơ dân tộc quen thuộc như từ khúc, hát xẩm, hát nói,
hát ả đào; và Tản Đà cũng với từ khúc, hát xẩm, phong dao, thất ngôn trường thiên -
cả hai đều e ấp một tình yêu nước thầm kín, xa xôi ; đến giòng thơ ca cách mạng vô
sản sau 1930 với Sóng Hồng, Xuân Thuỷ, Trần Huy Liệu, Hoàng Văn Thụ Đây là
các sáng tác mà ta quen xếp vào giòng thơ cách mạng khi nói đến các trào lưu thơ
trước 1945. Loại thơ này, cùng với hàng trăm bài thơ Nôm, sáng tác từ 1925 đến 1941
của "Ông già Bến Ngự" và Ngục trung nhật ký viết bằng chữ Hán, theo thể cổ - chưa
được ấn hành của Hồ Chí Minh làm nên diện mạo phong phú, đa dạng của một dòng
thơ có sự sống sôi nổi, bền lâu trong các tầng lớp quần chúng đang khát khao cách
mạng Loại thơ này - gồm cả thơ Tố Hữu (và có khác với thơ Tố Hữu) - hoàn toàn
không phải là Thơ mới trên tất cả các phương diện của đề tài và chủ đề, của thể loại và
ngôn ngữ, của phong cách và nhịp điệu, nhưng lại không thể gọi là thơ cũ. Mặc dù có
bài vẫn với các yếu tố cũ trong thể thơ, chữ dùng, hình tượng, vần điệu, như bài thơ
tuyệt mệnh của Hoàng Văn Thụ:
Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
(Gửi bạn)
Nhưng bài thơ lại có một phẩm chất, một số phận không thể là cũ.
Bốn câu thơ tuyệt mệnh này của Hoàng Văn Thụ, gợi ta nhớ đến những câu thơ
cũng trong một hoàn cảnh tương tự của một người làm thơ khác, là Tố Hữu:
Cô đơn thay là cảnh thân tù
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu
(Tâm tư trong tù)
hoặc:
Nếu mai đây có chết một thân tôi
Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da
(Trăng trối)
Một người là Hoàng Văn Thụ vẫn ở trong phạm trù thơ trung đại; một người là
Tố Hữu đã chuyển sang phạm trù Thơ mới - hiện đại; nhưng cả hai lại nhất quán trong
một lý tưởng mới, một nhân sinh quan cách mạng - nó là sức hấp dẫn, là sự cảm hoá
cao nhất đối với tất cả mọi người dân khao khát tìm đường đến với cách mạng
Và như vậy, nếu vẫn còn có chút cập kênh giữa tư tưởng và tình cảm tiên tiến
với nghệ thuật cũ, thì trào lưu thơ cách mạng vẫn không thể bị xếp vào thơ cũ. Còn
riêng Tố Hữu, là đại biểu sáng giá của dòng thơ này, thì không những là không cũ, mà
còn đứng ngang hàng với những đại diện ưu tú nhất của Thơ mới, bởi một cảm xúc
tràn đầy và một năng lực cá thể hoá tuyệt vời trong hầu khắp các bài của Từ ấy. Với
Tố Hữu, đó là Thơ mới cách mạng - với nửa phần là ăn nhập và nửa phần là đối lập
với Thơ mới.
4. Vậy thì thơ cũ là loại thơ nào? Diện mạo nó ra sao? Ta hãy thử đi tìm nó, để
hiểu Thơ mới phải ra đời, và đã ra đời trong bối cảnh nào, như một tất yếu lịch sử.
Theo sự công kích của các nhà Thơ mới, ta hiểu trước hết đó là thứ thơ phải
tuân thủ nghiêm nhặt, các luật thơ đến từ thời Đường mà bất cứ một kẻ sĩ nào thời
Trung đại cũng phải học, phải ôn luyện để có thể vượt qua các cửa ải thi cử, trên con
đường khoa hoạn. Theo Phan Khôi: "Phép thi ngày xưa bắt học trò vào trường làm
một bài thơ theo thể thất ngôn luật. Thể thất ngôn luật vốn mượn của thi nhân đời
Đường, nhưng khi người ta đưa nó vào khoa cử, nó còn bó buộc gấp mấy luật
Đường "
(7)
. Đó mới chỉ là thơ (thi). Còn phú, còn kinh nghĩa, văn sách và còn bao thể
khác. Và bao trùm là kinh điển Nho gia mà một người muốn tập tễnh vào thế giới
khoa hoạn phải học lấy làm lòng. Hãy hình dung có bao nhiêu kẻ sĩ đi vào con đường
lều chõng, từ khi có chế độ khoa cử, trong thời đại phong kiến bắt đầu từ năm 1075 là
có bấy nhiêu người phải làm thơ - để thi; và phải làm sao cho đúng luật, bởi thất luật
thì tài đến như Tú Xương vẫn "tám khoa không khỏi phạm trường quy". Làm thơ cho
đúng luật, ở một người chỉ mong thi để làm quan thì sao mà được gọi là nhà thơ. Vậy
là có cả một biển người phải học cách làm thơ, và đã để lại thơ không chỉ qua các kỳ
thi, mà suốt cả đời người, bất kể có lọt được vào thế giới khoa hoạn, hay vẫn chỉ là
nho sĩ ở làng quê. Cái biển người ấy đã sản sinh ra biết bao là biển thơ; có cái đúng
luật có cái sai luật; nhưng cả sai lẫn đúng vừa sinh ra đã chết ngay, vì nào có ai đọc
được! Đó chính là thơ cũ. Cái cũ này đúng là xuyên suốt nhiều thế kỷ thời Trung đại.
Loại thơ ấy không chỉ tồn tại trong lịch sử vì chế độ khoa cử, vì con đường độc
đạo của sự tiến thân cho kẻ sĩ, mà vẫn tồn tại như một quán tính, theo chân Nguyễn
Khuyến, Tú Xương mà vào thời hiện đại - cho đến năm 1919 là năm diễn ra khoa thi
chữ Hán cuối cùng. Thi cử hết, nhưng kẻ sĩ còn đắm đuối với bầu khí quyển cũ nào
đâu đã hết! Con số non một vạn bài dở mà Hoài Thanh nói đến có phần chắc số lớn là
ở khối thơ này.
Đó là cuộc thi của báo Đông Pháp: "tất cả có 1500 người dự. Đó chỉ là thơ
cũ, một thứ thơ còn ngoi ngóp. 1500 thi sĩ cùng ra đời một lần. Trong nước ta có bao
nhiêu người biết đọc biết viết là có chừng ấy thi sĩ. Có lẽ số thi sĩ nhiều hơn cũng
nên"
(8)
.
Đó là tình trạng - gần như ngược lại với thời trung đại. Hoài Thanh dẫn lại ý
kiến của một diễn giả đăng trên Phụ nữ tân văn số tháng 8-1933, với sự đồng tình cho
rằng: "Nhiều người chỉ học trong nửa tiếng đồng hồ là thuộc và có thể làm đúng niêm
luật. Các báo hàng ngày vẫn đăng luôn bao nhiêu là thơ bát cú của nhiều thi sĩ chỉ
học trong có mấy ngày là "thành tài". Chúng tôi dám quả quyết như vậy là vì từ khi có
báo Quốc ngữ đến nay chỉ vài mươi năm, ở mục văn uyển các báo, thơ tám câu bẩy
chữ mọc ra không phải như hoa lan, hoa huệ, hoa hồng, mà như nấm"
(9)
.
Nói là "như nấm", để thấy sự tràn lan, tràn lấn của các loại thơ cũ. Dẫu vẫn còn
ít bài có giá trị - điều này các nhà Thơ mới không phủ nhận - nhưng "những bài ấy
thưa thớt quá, không che được cái tầm thường mênh mông, cái trống rỗng đồ sộ
đương ngự trị trên thi đàn Việt Nam "
(10)
.
Và đó là bối cảnh ra đời của Thơ mới.
Nhưng khi Thơ mới thắng thế thì sức kháng cự của thơ cũ yếu dần. Nó "lui về
các thi xã, ẩn mình trong những thi tập chỉ trao tay trong năm bảy anh em mà lưu
truyền về sau cho con cháu". Và tác giả Thi nhân Việt Nam không quên căn dặn:
"Đừng có ai xâm phạm đến những nơi nó đang an nhàn dưỡng lão". Bởi ông đã từng
bị một vị tiến sĩ nói thẳng vào mặt: "Khoa học xin nhường các người, còn thơ văn để
cho chúng tôi". Còn Lưu Trọng Lư thì có lần đã bị ông Nghè ấy doạ chém
(11)
.
Thơ cũ được hiểu như thế trở thành một thực thể già nua, khô xác, không có sự
sống, vừa in ra đã chết, vì không có người đọc. Cuộc chiến đấu giữa Thơ mới và thơ
cũ do thế diễn ra, không có nhiều dằng co lắm và kết thúc cũng nhanh, - sau một loạt
các cuộc luận chiến giữa một bên là Nguyễn Văn Hanh, một bên là Nguyễn Thị Kiêm,
Lưu Trọng Lư và một số người khác - trong hai năm 1935 và 1936. Trên văn đàn, Thơ
mới dần dần chiếm lĩnh, rồi ngự trị. Còn thơ cũ thì báo nào đăng nhiều là báo ấy chết.
Bởi đến ngay Phan Khôi - người khởi xướng Thơ mới mà cuốnChương Dân thi
thoại (1936) của ông do chỉ bàn về thơ cũ nên cũng bị ế lây.
Đây là sự hết thời không phải của một trào lưu thơ mà là cả một thời đại thơ.
Một thời đại thơ với những quy định nghiệt ngã nhằm tạo các thợ thơ chứ không phải
các thi nhân. Tất nhiên những tài năng thơ - những thi nhân, thi hào thì vẫn xuất hiện,
và thời nào cũng có. Đó là những người có dũng cảm vượt thoát, và phá vỡ các quy
cách trói buộc ngàn đời, để thổi được hồn của họ, cùng hồn thời đại vào thơ, mà tạo
nên Truyện Kiều, Chinh ngâm phụ, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Yên
Đổ, Tú Xương bất hủ.
5. Cuối cùng là vấn đề định danh mới xuất hiện từ lúc nào để làm nên Thơ mới?
Rồi lúc nào thì nó biến mất, để chỉ còn Thơ. Và từ trong khoảng thời gian đó mà xuất
hiện và hiện diện lung linh một thực thể thơ - Thơ mới?
Người ta thường nói đến bài Tình già của Phan Khôi đăng trên Phụ nữ tân văn
số 122, 10-3-1932 như là sự mở đầu của Thơ mới. Điều này quả là đúng. Bởi ở đây nó
nói đến một kiểu tình yêu ngoài tình vợ chồng, mà là “nhân ngãi” (tức người tình) - đó
là điều cấm kỵ đối với lễ giáo phong kiến. Mối tình chỉ là nhân ngãi đó kéo dài từ “hai
mươi bốn năm xưa” đến “hai mươi bốn năm sau”; bốn mươi tám năm qua rồi, mà đôi
bạn tình gặp nhau vẫn còn nhận được ra nhau, “liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có
đuôi” Cái mới đó, theo Hoài Thanh, khiến cho “số đông thanh niên trong nước bỗng
thấy mở ra một góc trời vì cái táo bạo dấu diếm của mình đã được một bậc đàn anh
trong văn giới công nhiên thừa nhận”
(12)
. Kèm với bài này còn phải nhắc lại một
tuyên bố của Phan Khôi: "Thơ cốt chơn. Thơ cũ bị câu thúc quá nên mất chơn". Và
chủ trương: "Đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà
không bó buộc bởi niêm luật gì hết". Đó là một chủ trương mới mà ông muốn Tình già
là một minh hoạ. Nhưng Tình già tuy dãn câu ra đến 24 chữ, vẫn là trong khuôn khổ
vần điệu của từ khúc biến thể, có trong thơ cổ điển.
Tình già là một trong ba bài thơ Hoài Thanh cho là mở đầu phong trào Thơ
mới. Hai bài sau là của Lưu Trọng Lư, dưới tên ký Liên Hương và Thanh Tâm; trong
đó bài Vắng khách thơ, sau đổi là Xuân về của Thanh Tâm, theo ông là có giá trị hơn
cả.
Năm vừa rồi
Chàng cùng tôi
Nơi vùng giáp Mộ
Trong căn nhà cỏ
Tôi quay tơ
Chàng ngâm thơ
Vườn sau oanh dục dã
Dừng tay tôi kêu chàng
Mới là mới ở sự tự do hoá câu thơ; còn việc "nàng quay tơ", "chàng ngâm thơ"
thì vẫn là sự lưu luyến những hình ảnh cũ. Phải đến Tiếng thu thì Lưu Trọng Lư mới
đưa ta nhập được vào chính thế giới của Thơ mới.
Công cách tân, cho sự hình thành cái mới, đúng với nghĩa của nó phải giành
cho Thế Lữ, trongNhớ rừng, với thể 8 chữ thênh thang, phóng khoáng mượn của ca
trù, nhưng lại không phải là ca trù, và dứt ra khỏi mọi vương vấn của thất ngôn tứ
tuyệt hoặc bát cú:
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông tháng ngày dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm
với Tiếng sáo thiên thai, trong những câu lục bát vắt dòng:
Trời cao, xanh ngắt - ô kìa
Đôi con hạc trắng bay về bồng lai
hoặc với Giây phút chạnh lòng, trong hiệu quả của sự liền mạch và dãn rộng
đến vô cùng, thể thất ngôn tứ tuyệt:
Anh đi đường anh, tôi đường tôi.
Tình nghĩa đôi ta - có thế thôi
Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy
Giam hãm thân trong cảnh nặng nề
Vẫn để hồn theo người lận đận
Vẫn hằng trông ngóng buổi anh đi
Cái chữ tuy đặt cuối câu đầu của một khổ tứ tuyệt thật ra khi đã vào Thơ
mới nó không còn khổ nữa mà trở nên liền mạch, kết dính vào nhau, quả là một phá
cách, đến cả văn xuôi cũng không chấp nhận nổi, huống là thơ.
Thế Lữ, được Hoài Thanh định danh là "một hồn thơ rộng mở", chính là người
đã mở toang cánh cửa cho Thơ mới tràn vào làng thơ, mở đường cho sự vươn lên đỉnh
cao mới nhất là Xuân Diệu.
Không đến 10 năm, mới chỉ dăm bảy năm, cho đến Mùa cổ điển của Quách
Tấn thì con sông thơ đã bằng yên trở lại, trong phong vị trầm mặc của thơ Đường, và
trong hơi ấm quen thuộc của lục bát ca dao Nguyễn Bính:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
(Chân quê)
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm
(Không đề)
của Huy Cận:
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
(Ngậm ngùi)
Và thất ngôn trường thiên đã thay thế hẳn tứ tuyệt và bát cú - để có Tràng
giang của Huy Cận, cóThu và Xuân của Chế Lan Viên, có Nắng mới của Lưu Trọng
Lư, có Tình trai của Xuân Diệu ở đó không chỉ hồn mà cả xác của thơ cũ đã hoá
thân thành Thơ mới.
Như vậy nếu Thơ mới vẫn theo lối thất ngôn, và vẫn chưa dứt bỏ mỗi khổ thơ 4
câu theo lối tứ tuyệt, thì thứ thơ gọi là tứ tuyệt đó chẳng còn đâu nữa cái trật tự đề,
thực, luận, kết mà ít ai trong các thi nhân cổ điển dám phá bỏ. Tóm lại, thơ luật đã
hoàn toàn bị phá vỡ mà hoà tan vào không khí tự do của Thơ mới, để thành thơ trường
thiên 5 chữ, 7 chữ, và 8 chữ
Cho đến lúc này, vào năm 1936 khi Lê Tràng Kiều đề nghị bỏ chữ mới, để chỉ
còn thơ, thì vài năm sau trong Tựa Mùa cổ điển, Chế Lan Viên đã có thể bình thản
viết: "Phân chia bờ cõi thơ bằng hai chữ Mới - Cũ chẳng có ý nghĩa gì"
(13)
.
Không còn Mới - Cũ mà chỉ còn thơ. Vậy là Thơ mới đã thắng thế trong một
cuộc chiến không đầy 10 năm. Bất chấp nhà Nho chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, năm 1941
“sau nhiều lần chỉ trích và mạt sát”, “vẫn cả quyết là Thơ mới đã đến ngày mạt
vận!”
(14)
. Chữ "mạt vận" không biết nhà chí sĩ dùng với ý nghĩa gì?
Vậy là trong khi tiến hành một cuộc cách mạng thơ ca, Thơ mới vẫn không cắt
rời với truyền thống thơ dân tộc - từ đỉnh cao Nguyễn Du "bất diệt, nhà thi sĩ cho
muôn đời" (Lưu Trọng Lư), đến Tản Đà - người "đã dạo những bản đàn mở đầu cho
một cuộc hoà nhạc tân kỳ đương sắp sửa" (Hoài Thanh). Có ồn ào, có cãi cọ trong lời
lẽ vào buổi khởi đầu, và qua hơn mười cuộc diễn thuyết trong Nam ngoài Bắc; nhưng
căn bản Thơ mới đã thắng thế nhờ vào lao động nghệ thuật say mê của một thế hệ thơ
do sự đào luyện của trường học Pháp - Việt và do sự tiếp nhận trực tiếp các ảnh hưởng
của phương Tây mà dứt bỏ được một cách triệt để mọi trói buộc của truyền thống. Và
là một sự thắng thế không phải bằng lý luận, mà chính là bằng vào sự xuất hiện của
chính các bài thơ hay được công bố trên báo, và in thành tập trong hơn 10 năm, đem
đến sự rút lui dần trong lặng lẽ của cả một biển thơ cũ. Một cuộc cách mạng thật mau
lẹ, bởi nó nằm trong một chuyển động lớn, một cuộc chuyển giao lịch sử lớn chỉ diễn
ra có một lần trong lịch sử thơ ca Việt Nam từ xã hội trung đại sang xã hội hiện đại,
trong đó thơ ca nói riêng và văn chương học thuật nói chung vừa là hệ qủa của một
cuộc sinh thành, vừa là một tác nhân thúc đẩy./.