Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Vấn đề mới - cũ trong thơ Việt Nam trước 1945 nhìn từ phong trào Thơ mới pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (169.4 KB, 8 trang )

Vấn đề mới - cũ trong thơ
Việt Nam trước 1945 nhìn từ
phong trào Thơ mới
1. Trong phần Nhỏ to đặt cuối Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có mơ
ước mai sau chỉ cần 4 người trong số 45 người có mặt ở Thi nhân Việt
Nam được công chúng nhớ, là ông đã thoả ước nguyện. Thế nhưng sự thật
con số được nhớ trong công chúng hiện nay là lớn hơn nhiều, gấp vài ba
lần. Không cần phải nghĩ ngợi, có thể ở ngay đầu cửa miệng: Thế Lữ, Xuân
Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Tế
Hanh, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông, Anh Thơ Còn có thể kể vào đây
cả những người chỉ có vài bài, hoặc một bài như Nguyễn Nhược Pháp, Vũ
Đình Liên, Đoàn Văn Cừ, Yến Lan, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân Thế là
đã ngót hai chục, tức là gấp ngót 5 lần con số Hoài Thanh mơ ước. Và giá
trị thơ họ để lại là cho cả thế kỷ XX, cho đến nay, chứ không phải riêng cho
thời 1932 - 1945.
Và đây là một tuyển - tuyển, có nghĩa không phải là tất cả bề rộng của
phong trào, với mỗi nhà thơ có đến một hoặc vài tập, và vô số bài đăng trên
báo, rất nhiều báo, đương thời. Để có bộ tuyển 167 bài này, Hoài Thanh nói
ông đã đọc 50 quyển và khoảng một vạn bài thơ, trong đó có non một vạn
bài dở. Con số một vạn đây là chỉ của một người đọc, trong 10 năm. Hẳn
còn nhiều ngàn hoặc cả vạn bài khác Hoài Thanh chưa đọc. Vậy sự tuyển
chọn ở đây quả thật là chặt. Phần được chọn trong Thi nhân Việt Nam cùng
với diện rộng các bài của trên 45 nhà thơ được tuyển ta quen gọi là Thơ
mới. Vậy con số non một vạn bài dở mà Hoài Thanh chê cần được gọi là
thơ gì? Thơ dở thì chắc rồi. Nhưng dở có phải là cũ không? Đó là câu hỏi
đặt ra cần xem xét khi tìm hiểu vấn đề mới - cũ?
Cần tiếp tục một sự gạn lọc nữa. Không phải 167 bài được Hoài
Thanh chọn vào tuyển tất cả đều được người đọc đời sau nhớ. Có lẽ chỉ
khoảng 1/4 số bài được người đọc thuộc. Tức là có người một bài như Vũ
Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Thâm Tâm ; có người vài bài như Lưu
Trọng Lư, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ ; có người nhiều bài hơn như Xuân


Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên Lại có rất nhiều người không
có bài nào để nhớ.
Thế nhưng chỉ với những bài được nhớ ấy, nới cho thật rộng, khoảng
dăm sáu chục bài của trên dưới 20 nhà thơ lại kết tụ được, kết tinh được
thần sắc, cốt cách, linh hồn của một phong trào thơ, được mệnh danh
là Thơ mới. Giá trị nó để lại cho đời, cái nó xứng đáng được xưng tụng,
không phải chỉ là ý tưởng, ngôn ngữ, cảm xúc, giọng điệu, phong cách thơ,
thậm chí một trào lưu thơ được gọi là mới, mà là sự hội tụ, sự kết tinh để có
cả một thời thơ, một thời đại trong thơ, làm chuyển động và thay đổi hẳn
những gì đã định hình và ổn định suốt cả 10 thế kỷ, và còn lấn sang đầu thế
kỷ XX, với hai người kết thúc là Yên Đổ và Tú Xương Cái được gọi là thời
đó lại không thể sớm hơn, và tất nhiên không có chuyện muộn hơn. Sớm
hơn một chút là Đông Hồ, Tương Phố; là Trần Tuấn Khải, Tản Đà Tất cả
đều chưa đến được cái gọi là mới. Còn lùi sâu hơn nữa vào hai thập niên
đầu thế kỷ XX - đó là thơ chữ Hán của Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội
Châu. Là thơ nôm trào phúng của Nguyễn Thiện Kế, Phan Điện (không kể
Yên Đổ, Tú Xương). Là thơ Nôm hoặc Quốc ngữ của các nhà Nho trong
phong trào Đông kinh nghĩa thục. Tất cả đều thuộc một phạm trù thơ khác,
gần gũi với thơ Trung đại nên càng xa quỹ đạo Thơ mới, nhưng lại không
thể gọi là thơ cũ. Thơ mới, vậy là chỉ có thể xuất hiện và tồn tại trong 10
năm - từ 1932 cho đến Tuyển Thi nhân Việt Nam năm 1942. Có gì như là
một sắp xếp của lịch sử, một định mệnh, không thể khác. Chỉ đến thời điểm
đó mới cóThơ mới. Và sau đó, không còn nữa, khi tất cả đều được chuyển
vào quỹ đạo của một nền thơ hiện đại.
2. Vậy là ở đây có định ngữ mới cho một phong trào thơ tồn tại chỉ
trong 10 năm, trải ra trên một diện không rộng lắm, chỉ trên dưới 40 nhà
thơ; và được phản ánh tập trung và rõ nét trongThi nhân Việt Nam của Hoài
Thanh. Có chữ mới tất có câu hỏi: Vậy cái cũ, thơ cũ là gì? Có phải là tất cả
những gì có trước nó, trước 1932, kể từ Đông Hồ, Trần Tuấn Khải ngược
về đầu thế kỷ XX, và sâu hơn, cả nền thơ Trung đại? Và cả những gì đồng

thời với nó, mà không được người tuyển chọn là Hoài Thanh để mắt tới nơi
con số non một vạn bài dở mà ông đã nêu?
Có thể hiểu như thế được không? Lôgích hình thức có thể cho phép
hiểu như thế. Cũ là tất cả những gì đã qua đi trong thời gian, trước ngưỡng
hiện tại. Nhưng đánh giá thơ, cũng như đánh giá các hiện tượng tinh thần
của con người lại không thể áp dụng nguyên tắc này. Bởi mọi giá trị tinh
thần, khi nó đã là giá trị thì sống mãi. Và quy luật phát triển của nghệ thuật
không phải sau là hơn trước, mà chỉ là sau phải khác trước. Không thể nói
Balzac thế kỷ XIX là hơn Voltaire thế kỷ XVIII. Không thể nói Lý Bạch, Đỗ
Phủ thời Đường là hơn Khuất Nguyên thời Xuân Thu. Cũng như vậy, không
thể nói Nguyễn Du thế kỷ XVIII là hơn Nguyễn Trãi thế kỷ XV
Sự thật thì khi phong trào Thơ mới mới được khởi động quả là khó
tránh khỏi có những bốc đồng, quá trớn, theo lối chế riễu, coi thường, thậm
chí mạt sát mọi cái được gọi là cũ. Thơ cũ đến từ những khuôn mẫu thời
Đường, trong đó thể thất ngôn - luật phải chịu một sự bài bác kịch liệt nhất,
bởi, nói như Phan Khôi, nó "bó buộc quá mà mất cả sanh thú"
(1)
. Đến cả
một tác gia vẫn được người đời sau nhớ là Bà Huyện Thanh Quan cũng bị
chê, trong lời bình của Phạm Quỳnh, được Hoài Thanh dẫn lại: "nó hay, nó
trúng vần, trúng điệu, nhưng vì đó có lẽ cũng làm mất cái giọng thiên nhiên
đi ít nhiều vậy.
Rằng hay thì thật là hay
Nhưng hay quá, khéo quá, phần nhân công nhiều mà tự nhiên ít, quả
là một bức tranh cảnh vậy"
(2)
.
Đến cả một người tiền bối gần gũi là Tản Đà, với bài Cảm thu, tiễn thu
hay là thế, cũng bị Tú Mỡ đem ra chế riễu:
Cây tươi tốt lá còn xanh ngắt

Bói đâu ra lác đác lá ngô vàng
Trên đường đi nóng rẫy như rang
Cảnh tuyết phủ mơ màng thêm quái lạ.
Là nhà thơ, lại là thơ trào phúng, dĩ nhiên là Tú Mỡ chẳng cần phải,
như chúng ta, để tâm đến những quy ước và lệ luật trong truyền thống thơ
cổ điển mà nhà Nho Tản Đà chưa thể dứt ra được. Và dẫu chưa dứt được,
nhưng lệ luật ấy cũng không phương hại gì nhiều lắm đến sự thống nhất
giữa cảnh và tình trong cảm nhận của một lớp người vào buổi giao thời vẫn
còn lưu luyến với cái buồn thu với những "lá đào", "suối tiễn", "oanh đưa"
để phô bày cảm xúc và tâm trạng. Nhưng rồi bình tĩnh lại, khi sự thắng thế
của Thơ mới đã được khẳng định thì một chuyển đổi thái độ là điều dễ
hiểu: Thơ mới không thể là sự phủ định toàn bộ truyền thống, là sự quay
lưng tuyệt đối với quá khứ dân tộc.
Do vậy mà toàn bộ thơ cổ điển, với những đỉnh cao của nó lại trở về
là đối tượng chiêm ngưỡng, tôn thờ của Thơ mới. Trước hết là Nguyễn Du.
Lưu Trọng Lư viết: "Thơ mới dẫu nó sản xuất ra được một bậc thiên tài lỗi
lạc nào, tôi cũng không vì bậc thiên tài ấy mà rẻ rúng ông Nguyễn Du thân
yêu của tôi, ông Nguyễn Du bất diệt, nhà thi sĩ của muôn đời"
(3)
. Còn Hoài
Thanh, người tổng kết Thơ mới thì không chỉ một lần nói đến Nguyễn Du:
"Một quyển sách nói về thơ Việt mà mở ra không nhắc đến Nguyễn Du tôi
thấy như một sự bội bạc. Nghĩ thế tôi muốn tìm một câu gì trong Truyện
Kiều để in lên đầu sách. Sự tình cờ xui tôi nhớ lại câu: "Của tin gọi một chút
này làm ghi. Đọc đi đọc lại riêng lấy làm đắc ý lắm”
(4)
. Và một lần khác, khi
"quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại nào
phong phú như thời đại này" Hoài Thanh vẫn phải lựa cách rào đón mà nói
trước rằng đây chỉ là so thời với thời. Chứ không dám so một người với một

người. Bởi, so một người với một người thì tránh sao khỏi động đến
Nguyễn Du là "bậc kỳ tài đời nay không ai sánh kịp"
(5)
.
Và tất nhiên không chỉ có Nguyễn Du. Cùng với Nguyễn Du còn bao
nhiêu người khác nữa, trước và sau ông. Từ Nguyễn Trãi đến Hồ Xuân
Hương Và cả bà Huyện Thanh Quan. Bà Huyện Thanh Quan, dẫu có lời
chê, rào trước đón sau của Phạm Quỳnh vẫn được tính đến trong các tác
gia cổ điển có giá trị - Vậy là tinh hoa cổ điển - Thơ mới vẫn tôn thờ Cho
đến thời hiện tại, với những người đi trước như Tản Đà, dẫu có lúc bị chế
riễu, vẫn được Hoài Thanh, nhân danh các nhà Thơ mới "cung chiêu anh
hồn" về dự hội Tao Đàn, với tư cách là "người của hai thế kỷ”: "Có tiên sinh,
người ta sẽ thấy rõ chúng tôi không phải là những quái thai của thời đại,
những đứa thất cước, không có liên lạc gì với quá khứ của giống nòi"
(6)

Tất nhiên, khi xưng tụng, khi đặt các tiền nhân lên chiếu trên, hoặc lên
bàn thờ, để bái vọng, các nhà Thơ mới lúc ấy, và chúng ta bây giờ đều nhất
trí hiểu đó là thơ thuộc một kiểu khác, một tư duy nghệ thuật khác, hệ tư
duy nghệ thuật trung đại, với khuôn mẫu lý tưởng là Khuất Nguyên, là Lý -
Đỗ, là nguồn cội kinh điển Nho gia Đây là tinh hoa cổ điển - tiền bối
của Thơ mới, chứ không phải là Thơ cũ. Thơ mới - để được gọi là mới, nó
phải rời bỏ nguồn cội đó mà đã tìm đến với một khuôn mẫu mới là phương
Tây mà người chịu ảnh hưởng thơ Pháp đậm nhất, theo Hoài Thanh, đó là
Xuân Diệu:
Tôi nhớ Rimbaut với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
(Tình trai)
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

(Đây mùa thu tới)
Cụm từ "hơn một " và động từ "rũa" - đó là cách nói quen thuộc
trong ngôn ngữ Pháp. Cụ thể hơn, đề từ cho bài Huyền diệu, Xuân Diệu đã
chọn một câu thơ của Baudelaire, được coi là tuyên ngôn của chủ nghĩa
tượng trưng: Hương thơm, sắc màu và âm thanh cùng hòa hợp (Les
parfums, les conleurs et les sons se répondent).
3. Một loại hình thơ khác không thuộc phạm vi cổ điển mà thuộc phạm
trù hiện đại, khởi động từ đầu thế kỷ XX có nội dung yêu nước, và gắn với
hệ ý thức tư sản, bắt đầu từ thơ chữ Hán theo cổ thể của Nguyễn Thượng
Hiền, Phan Bội Châu ; qua Trần Tuấn Khải trong các thể thơ dân tộc quen
thuộc như từ khúc, hát xẩm, hát nói, hát ả đào; và Tản Đà cũng với từ khúc,
hát xẩm, phong dao, thất ngôn trường thiên - cả hai đều e ấp một tình yêu
nước thầm kín, xa xôi ; đến giòng thơ ca cách mạng vô sản sau 1930 với
Sóng Hồng, Xuân Thuỷ, Trần Huy Liệu, Hoàng Văn Thụ Đây là các sáng
tác mà ta quen xếp vào giòng thơ cách mạng khi nói đến các trào lưu thơ
trước 1945. Loại thơ này, cùng với hàng trăm bài thơ Nôm, sáng tác từ
1925 đến 1941 của "Ông già Bến Ngự" và Ngục trung nhật ký viết bằng chữ
Hán, theo thể cổ - chưa được ấn hành của Hồ Chí Minh làm nên diện mạo
phong phú, đa dạng của một dòng thơ có sự sống sôi nổi, bền lâu trong các
tầng lớp quần chúng đang khát khao cách mạng Loại thơ này - gồm cả
thơ Tố Hữu (và có khác với thơ Tố Hữu) - hoàn toàn không phải là Thơ
mới trên tất cả các phương diện của đề tài và chủ đề, của thể loại và ngôn
ngữ, của phong cách và nhịp điệu, nhưng lại không thể gọi là thơ cũ. Mặc
dù có bài vẫn với các yếu tố cũ trong thể thơ, chữ dùng, hình tượng, vần
điệu, như bài thơ tuyệt mệnh của Hoàng Văn Thụ:
Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
(Gửi bạn)

Nhưng bài thơ lại có một phẩm chất, một số phận không thể là cũ.
Bốn câu thơ tuyệt mệnh này của Hoàng Văn Thụ, gợi ta nhớ đến
những câu thơ cũng trong một hoàn cảnh tương tự của một người làm thơ
khác, là Tố Hữu:
Cô đơn thay là cảnh thân tù
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu
(Tâm tư trong tù)
hoặc:
Nếu mai đây có chết một thân tôi
Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da
(Trăng trối)
Một người là Hoàng Văn Thụ vẫn ở trong phạm trù thơ trung đại; một
người là Tố Hữu đã chuyển sang phạm trù Thơ mới - hiện đại; nhưng cả hai
lại nhất quán trong một lý tưởng mới, một nhân sinh quan cách mạng - nó
là sức hấp dẫn, là sự cảm hoá cao nhất đối với tất cả mọi người dân khao
khát tìm đường đến với cách mạng
Và như vậy, nếu vẫn còn có chút cập kênh giữa tư tưởng và tình cảm
tiên tiến với nghệ thuật cũ, thì trào lưu thơ cách mạng vẫn không thể bị xếp
vào thơ cũ. Còn riêng Tố Hữu, là đại biểu sáng giá của dòng thơ này, thì
không những là không cũ, mà còn đứng ngang hàng với những đại diện ưu
tú nhất của Thơ mới, bởi một cảm xúc tràn đầy và một năng lực cá thể hoá
tuyệt vời trong hầu khắp các bài của Từ ấy. Với Tố Hữu, đó là Thơ
mới cách mạng - với nửa phần là ăn nhập và nửa phần là đối lập với Thơ
mới.

×