TÍCH HỢP CÁC QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ
TRÊN NỀN TẢNG QUY HOẠCH HỆ THỐNG
GIAO THÔNG VẬN TẢI
TS. KHUẤT VIỆT HÙNG
Viện Quy hoạch & Quản lý GTVT
Trường Đại học Giao thông Vận tải
Tóm tắt: Mục tiêu cơ bản của nghiên cứu này nhằm khẳng định sự cần thiết phải tích hợp các
quy hoạch tổng thể phát triển đô thị trên nền tảng quy hoạch hệ thống giao thông vận tải. Trước
tiên tác giả xác định lại vai trò của giao thông vận tải trong đô thị. Tiếp đến, tác giả xác định
những bất cập về công tác lập quy hoạch trong nội dung các văn bản pháp quy hiện hành. Trên cơ
sở đó xác định sự cần thiết phải tích hợp các quy hoạch tổng thể hiện hữu trong một quy hoạch
tổng thể phát triển đô thị bao gồm các nội dung quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, sử dụng đất và
xây dựng đô thị trên nền tảng của quy hoạch phát triển giao thông vận tải đô thị.
Summary: In order to emphasize the importance of integrating different master level plans in
the city into one integrated master plan of city based on the urban transport system plan. At first
the author re-emphazed of the stragic role of urban transport system in the development of city,
then the author identified the problems urban planning system in the existing laws and regulations.
Finally, the study concluded on the importance of integrating the existing different master level
plans into one integrated urban development plan, which should cover the contents of Socio-
Eocnomic Development Plan, Land use Plan and Urban Construction Plan based the on the uban
transport system plan as the foundation.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hai hiện tượng khá phổ biến trong công tác quy hoạch đô thị ở nước ta hiện nay đó là tình
trạng mà thường gọi là “quy hoạch treo” và “quy hoạch chồng quy hoạch”. Tình trạng này đã
thực sự trở thành vấn đề bức xúc và là một trong nguyên nhân cơ bản của những bất cập trong
công tác quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, gây nên những bức xúc trong đời sống xã hội. Cho
đến nay, đã có nhiều thông tin, đánh giá khác nhau về nguyên nhân của những hiện tượng nêu
trên. Tuy nhiên, hầu hết những công bố thường mang tính chất thông tin đại chúng và những kết
luận thường mới dừng ở mức mô tả hiện tượng. Câu hỏi về nguyên nhân của “quy hoạch treo”
vẫn còn ở phía trước, đòi hỏi phải có những nghiên cứu khoa học và khách quan. Câu hỏi chủ
đạo của nghiên cứu này chính là: phải chăng việc có quá nhiều các loại quy hoạch khác nhau
nhưng đều có quy mô tổng thể chính là một trong những nguyên nhân cơ bản của hiện tượng
quy hoạch treo?
II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để trả lời câu hỏi nghiên cứu trên, tác giả lựa chọn phương pháp tiến hành nghiên cứu
phân tích các tài liệu, văn bản pháp quy hiện hành theo các bước sau: (1) xác định vai trò của hệ
thống Giao thông Vận tải (GTVT) trong đô thị thị, (2) phân tích các văn bản pháp quy hiện hành
để xác định các nghịch lý cơ bản trong hệ thống quy hoạch tổng thể phát triển đô thị nước ta,
(3) Kết luận và kiến nghị về sự cần thiết phải hình thành một quy hoạch tích hợp phát triển đô
thị trên nền quy hoạch GTVT.
III. VAI TRÒ CỦA GIAO THÔNG VẬN TẢI TRONG ĐÔ THỊ
Theo Mayer and Miller (2001), các hoạt động đô thị và hệ thống giao thông vận tải có quan
hệ tương hỗ với nhau, ràng buộc và quyết định lẫn nhau trong quá trình hình thành, phát triển và
vận hành. Mạng lưới CSHT giao thông vận tải và sự sẵn sàng về phương tiện và dịch vụ vận tải
quyết định việc lựa chọn địa điểm đối với toàn bộ các hoạt động sử dụng đất (kinh tế, xã hội, hạ
tầng kỹ thuật) trong đô thị. Bên cạnh đó trong thực tiễn lập và thực hiện quy hoạch phát triển
đô thị, mạng lưới CSHTGTVT là căn cứ để định dạng và phân khu chức năng đô thị, là không
gian để triển khai quy hoạch và tiến hành xây dựng và lắp đặt các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô
thị khác (năng lượng, thông tin, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước…) và là cơ sở để xác định vị
trí các công trình hạ tầng xã hội đô thị. Điều này khẳng định vai trò định dạng cấu trúc không
gian đô thị của mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đồng thời khẳng định mức cung ứng
của phương tiện và dịch vụ vận tải giữ vai trò quyết định cấp độ của các hoạt động diễn ra tại
các địa điểm khác nhau trong không gian đô thị.
Mục tiêu phát triển
Lựa chọn địa điểm
Lịch trình hoạt động
Đặc tính hoạt động
Mạng lưới CSHT GTVT
Phương tiện & dịch vụ
Nhu cầu giao thông
Dòng giao thông
Nguồn: Mayer and Miller (2001)
Hình 1. Quan hệ tương hỗ giữa hoạt động đô thị và hệ thống giao thông vận tải
Ngược lại, việc lựa chọn địa điểm của các hoạt động đô thị đặt ra những yêu cầu về mức độ
sẵn sàng của phương tiện và dịch vụ vận tải. Lịch trình của các hoạt động tại các vị trí khác
nhau trong đô thị quyết định đặc tính về thời gian và không gian của nhu cầu giao thông. Đặc
tính khi diễn ra hoạt động đô thị quyết định hướng, tuyến đường và vận tốc của dòng giao thông
trong đô thị. Mối quan hệ hỗ tương, ràng buộc và quyết định lẫn nhau giữa đô thị và giao thông
là cơ sở khoa học và thực tiễn chủ yếu đòi hỏi trong mọi thời điểm phải luôn đảm bảo sự tích
hợp đồng bộ giữa phát triển đô thị (kinh tế, xã hội, không gian) và giao thông trong tất cả các
khâu từ quá trình hoạch định chính sách, lập quy hoạch, lập kế hoạch tài trợ, thực hiện quy
hoạch và kiểm soát tác động của các dự án phát triển.
IV. HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG CÁC QUY HOẠCH TRONG ĐÔ THỊ NƯỚC TA
4.1. Các quy định về hệ thống giao thông vận tải trong đô thị
Theo Luật Xây dựng 2003 và các văn bản hướng dẫn hiện hành, hệ thống giao thông đô thị
được xác định là một trong các hệ thống thuộc kết cấu hạ tầng đô thị. Theo nghị định
08/2005/NĐ-CP và quyết định
03/2008/QĐ-BXD và 04/2008/QĐ-BXD, hệ thống giao thông
đô thị được xếp ngang bằng với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác như cấp nước, thoát nước,
nghĩa trang, năng lượng, thông tin liên lạc và hạ tầng kỹ thuật khác. Trong Luật xây dựng 2003
và các văn bản hướng dẫn hiện hành, khái niệm “hệ thống giao thông đô thị” chỉ bao hàm phần
cơ sở hạ tầng của hệ thống giao thông vận tải mà không đề cập đến dòng đối tượng tham gia
giao thông (phương tiện, con người, lịch trình vận tải) và hoạt động quản lý giao thông vận tải
đô thị (quản lý nhà nước, điều khiển dòng giao thông, tổ chức vận tải).
Trong các Luật về giao thông có liên quan đến giao thông vận tải đô thị (Luật Giao thông
đường bộ 2008, Luật Đường Sắt 2005, Luật Giao thông đường thủy nội địa) các phương thức
giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy) được khái niệm riêng thành từng hệ thống riêng
trong một vùng lãnh thổ hành chính (quốc gia, vùng, đô thị …). Trong các Luật trên cũng không
có quy định về sự phối hợp giữa phương thức được quy định trong Luật với các phương thức
giao thông vận tải khác. Hiện tại, nước ta không có luật nào quy định về một hệ thống giao
thông vận tải đa phương thức, thể hiện tính đồng bộ, liên thông giữa tất cả các phương thức giao
thông vận tải (đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, đường hàng không, đường biển).
4.2. Hiện trạng quan hệ giữa quy hoạch GTVT đô thị và các quy hoạch tổng thể khác
trong đô thị
• Khái quát về các quy hoạch tổng thể trong đô thị nước ta
Trong thực tế hiện nay, có 4 loại quy hoạch tổng thể có liên quan đến hệ thống giao thông
vận tải, bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, Quy hoạch chung xây dựng, Quy
hoạch sử dụng đất và Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đô thị.
Mặc dù trong kỳ
hợp thứ 5, quốc hội khóa 12 đã ban hành Luật Quy hoạch đô thị, số 30/2009/QH12 ngày 17
tháng 6 năm 2009, tuy nhiên có thể khẳng định khái niệm quy hoạch đô thị trong Luật này cũng
vẫn chỉ giới hạn trong khái niệm “quy hoạch xây dựng đô thị” được quy định trong Luật Xây
Dựng 2003.
Nếu căn cứ vào các Luật hiện hành, chỉ có quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch sử
dụng đất được quy định trong Luật đất đai 2003 và Luật Xây dựng 2003. Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế xã hội được quy định theo một nghị định của chính phủ, số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07 tháng 09 năm 2006. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có Luật hoặc văn bản dưới luật nào
quy định về trình tự, nội dung nghiên cứu và quá trình thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển
giao thông vận tải đô thị. Vì vậy, những phân tích tiếp theo dưới đây cũng tiếp tục đi sâu phân
tích khái niệm và nội dung của quy hoạch chung xây dựng đô thị.
Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH
Quy hoạch các hệ thống
HTKT khác
Quy hoạch
không gian đô thị
Quy hoạch các diện
tích đất đai khai thác
Quy hoạch
sử dụng đất đô thị
Quy hoạch chung
xây dựng đô thị
Quy hoạch tổng thể
GTVT đô thị
Quy hoạch mạng lưới
CSHT GTVT
Quy hoạch
Vận tải đô thị
Quy hoạch
phương tiện GTVT
Hình 2. Các quy hoạch tổng thể có liên quan đến GTVT đô thị
Trong thực tế hiện nay ở nước ta, các quy hoạch tổng thể phát triển GTVT được lập cho
các đô thị loại 1 và đô thị đặc biệt đang áp dụng quy định về nội dung quy hoạch theo quy định
của Luật Giao thông đường bộ và Luật giao thông đường sắt về quy hoạch giao thông vận tải
đường bộ hoặc đường sắt. Tuy nhiên, các bản quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đô thị đều
phải tuân thủ (gần như hoàn toàn) các chỉ tiêu về không gian, diện tích, vị trí và cơ cấu sử dụng
đất được phê duyệt trong Quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch chung xây dựng đô thị cùng thời
kỳ.
Bên cạnh đó, nếu phân tích nội dung của các Quy hoạch tổng thể (Đất đai, Xây dựng và
Giao thông Vận tải) thì nội dung Quy hoạch mạng lưới Cơ sở hạ tầng Giao thông Vận tải
(CSHT GTVT) giữ vai trò trung tâm của cả 3 bản quy hoạch. Đối với quy hoạch sử dụng đất,
mạng lưới CSHT GTVT là cơ sở để tiến hành phân bổ về không gian, vị trí, quy mô mật độ của
các loại hình sử dụng đất khác nhau trong đô thị, bao gồm các hoạt động sử dụng đất trong
không gian đô thị, là đối tượng của Quy hoạch xây dựng đô thị, và cả các loại đất đai khác.
Trong khi đó, hình dạng và năng lực của mạng lưới CSHT GTVT cần phải được xác định trên
cơ sở nhu cầu vận tải đô thị phát sinh từ các hoạt động sử dụng đất hiện hữu và mong muốn
(quy hoạch).
• Những nghịch lý cơ bản trong quan hệ giữa các quy hoạch
Như đã nêu trên, hiện đang tồn tại một nghịch lý là mặc dù không được quy định bằng một
văn bản luật nào nhưng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đô thị được xem như là một
trong những căn cứ cơ bản để lập Quy hoạch Sử dụng đất, Quy hoạch chung Xây dựng và Quy
hoạch tổng thể phát triển GTVT đô thị trong cùng thời kỳ. Quan hệ này đảm bảo được tính
thống nhất từ trên xuống về mục tiêu nhưng lại không đảm bảo được tính thực tiễn từ dưới lên
của quá trình lập quy hoạch. Theo mô hình quy hoạch từ trên xuống, các quy hoạch cấp dưới
phải tuân thủ tuyệt đối các mục tiêu, chỉ tiêu, phương án đã đề xuất và được phê duyệt trong quy
hoạch cấp trên. Nhưng nếu theo xem xét theo yếu tố thời gian thì lại có những bất cập nhất
định.
Nếu xem xét theo thời kỳ quy hoạch thì quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy
hoạch sử dụng đất có thời kỳ quy hoạch khoảng 10 năm trong khi quy hoạch chung xây dựng đô
thị và quy hoạch tổng thể phát triển GTVT thường có thời kỳ quy hoạch từ 15 đến 20 năm. Vì
vậy, nếu hai bản quy hoạch sau (xây dựng và GTVT) dựa vào kết quả dự báo của quy hoạch
tổng thể PTKTXH thì tầm dự báo sẽ không đủ xa để có thể làm căn cứ xây dựng phương án quy
hoạch.
Một khía cạnh khác của yếu tố thời gian là giai đoạn nghiên cứu lập quy hoạch. Theo các
nghị định 92/2006/NĐ-CP, nghị định 05/2006/NĐ-CP và nghị định 181/2004/NĐCP và theo
thực tế lập quy hoạch tổng thời gian lập các quy hoạch tổng thể trong đô thị, từ khi lập nhiệm vụ
cho đến khi phê duyệt quy hoạch thường mất tối thiểu là 3 năm và thậm chí kéo dài đến 5-6
năm. Như vậy, nếu cùng sử dụng một mốc thời gian quy hoạch trong tương lai, năm 2020, và
theo mô hình quy hoạch từ trên xuống thì nếu bắt đầu lập quy hoạch tổng thể phát triển KTXH
giai đoạn 2011-2020 từ năm 2008 thì đến hết năm 2010 mới có thể bắt đầu sử dụng kết quả quy
hoạch được phê duyệt để làm cơ sở lập các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng
và quy hoạch tổng thể phát triển GTVT. Khi đó nếu thực hiện quy hoạch chung xây dựng và
quy hoạch sử dụng đất trước thì đến năm 2013 mới hoàn thành hai quy hoạch này cho giai đoạn
2011-2020 và có thể bắt đầu sử dụng kết quả được phê duyệt của hai quy hoạch này để lập quy
hoạch tổng thể phát triển GTVT. Như vậy đến năm 2016 mới hoàn thành quy hoạch tổng thể
phát triển GTVT cho giai đoạn 2011-2020. Như vậy, trong giai đoạn 2011-2016 hệ thống
GTVT không có quy hoạch và tương tự giai đoạn 2021-2026 hệ thống GTVT không có quy
hoạch.
Nếu khắc phục tình trạng trên bằng cách giữ nguyên thời kỳ (10 năm) và dịch mốc thời
gian quy hoạch cấp dưới, năm 2022 với QHCXD và QHSDĐ và 2025 với QHGTVT, thì rõ ràng
là các quy hoạch cấp dưới cần phải tiến hành lại toàn bộ quá trình điều tra, khảo sát và dự báo
về phát triển kinh tế xã hội chứ không thể đơn thuần sử dụng kết quả dự báo đến năm 2020 như
trong kết quả quy hoạch tổng thể phát triển KTXH đã được phê duyệt. Giả sử nếu trong khi lập
quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tiến hành thu thập dữ liệu dự báo là giai đoạn 2001-2010
thì quy hoạch chung xây dựng sẽ phải thu thập dữ liệu trong giai đoạn 2001-2012 để tiến hành
dự báo phát triển đến năm 2022 và quy hoạch tổng thể phát triển GTVT sẽ phải thu thập dữ liệu
giai đoạn 2001-2015 để tiến hành dự báo phát triển KTXH đến năm 2025.
Nếu lấy thời kỳ quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch tổng thể phát triển GTVT dài
hơn, 20 năm cho QHCXD và 15 năm cho QHGTVT, khi đó tầm quy hoạch xây dựng sẽ là giai
đoạn 2011 đến năm 2030 và quy hoạch tổng thể phát triển GTVT sẽ là từ năm 2016 đến năm
2030, thì có thể khẳng định rằng kết quả của quy hoạch tổng thể phát triển KTXH giai đoạn
2011-2020 chỉ có thể được sử dụng để tham khảo, không thể sử dụng để làm cơ sở cho hai quy
hoạch cấp dưới này.
Bên cạnh đó, còn một nghịch lý trong bản thân mô hình quy hoạch từ trên xuống như hiện
nay đó là cấp phê duyệt quy hoạch. Hiện nay, quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt bằng một
nghị quyết của chính phủ, cao hơn so với cấp phê duyệt cả quy hoạch tổng thể phát triển KTXH,
quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch tổng thể phát triển GTVT, thủ tướng chính phủ.
• Những nghịch lý cơ bản trong quan hệ giữa quy hoạch GTVT đô thị và các quy
hoạch khác
Trong trường hợp về phương án quy hoạch CSHTGTVT trong các báo cáo quy hoạch tổng
thể phát triển KTXH đã được phê duyệt thì có thể khẳng định các công trình được đề xuất
không hề dựa trên dự báo và phân tích quan hệ nhu cầu giao thông giữa các khu vực khác nhau
trong đô thị. Trong các quy định hiện hành về nội dung nghiên cứu lập quy hoạch. Vì vậy,
không thể khẳng định độ chính xác về sự cần thiết và quy mô đề xuất của các công trình trong
phương án.
Nghịch lý tương tự cũng xảy ra trong hầu hết các đồ án quy hoạch tổng thể trong đô thị
hiện nay đó là các luận chứng về sự cần thiết, quy mô đề xuất, quỹ đất và chỉ giới xây dựng của
các công trình cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trong các quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch
xây dựng không hề dựa trên các kết quả dự báo và phân tích nhu cầu giao thông.
Trong khi quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đô thị là bản quy hoạch duy nhất tiến hành
nghiên cứu luận cứ sự cần thiết và quy mô các công trình CSHT giao thông vận tải theo trình tự
từ dưới lên, có thực hiện các dự báo và phân tích các nhu cầu giao thông nhưng lại chịu sự ràng
buộc về hướng tuyến, quy mô, vị trí, diện tích, chỉ giới xây dựng của ba quyết định phê duyệt
quy hoạch tổng thể phát triển KTXH, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung xây dựng.
Như vậy, nếu căn cứ vào cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò trung tâm của hệ thống giao
thông vận tải đối với quá trình phát triển đô thị thì có thể khẳng định đây chính là nhược điểm
cơ bản nhất trong hệ thống các quy hoạch phát triển đô thị ở nước ta cho đến thời điểm ra đời
quyết định 03/2008/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy định nội dung thể hiện
bản vẽ, thuyết minh đối với Nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch Xây dựng.
Tuy nhiên, ngay cả trong quyết định 03/2008/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, mặc
dù đã đưa ra những hướng dẫn tương đối rõ nét và khoa học cho quá trình nghiên cứu quy hoạch
kết cấu hạ tầng GTVT đô thị bằng việc yêu cầu thực hiện bước dự báo nhu cầu giao thông vận
tải trước khi đưa ra định hướng phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đô thị . Tuy nhiên điều bất hợp
lý cơ bản ở trong quyết định này là vẫn duy trì quan điểm xem giao thông vận tải là một hệ
thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị tương đương với điện, cấp nước, thoát nước thể hiện ở
việc sắp xếp nội dung nghiên cứu “định hướng phát triển không gian” bao gồm xác định “hướng
phát triển không gian trên cơ sở cấu trúc phát triển đô thị lựa chọn (làm rõ hệ khung giao thông
chính đô thị trên mặt đất và ngầm và các liên kết với các khu vực khác)”, sau đó là “chuẩn bị kỹ
thuật” trước khi tiến hành “dự báo nhu cầu vận tải”, rồi tiếp đến mới “phân loại, phân cấp và tổ
chức mạng lưới giao thông vận tải”.
Nếu dựa trên cơ sở khoa học như đã trình bày ở trên, bước định hướng phát triển hệ thống
giao thông vận tải đô thị cần phải tiến hành ngay sau bước “định hướng quy hoạch sử dụng
đất và phân khu chức năng” vì ở đây đã hội đủ điều kiện để tiến hành dự báo nhu cầu vận tải,
lập ma trận quan hệ điểm đi (O) – điểm đến (D) và lập sơ đồ định hướng quan hệ giao thông cơ
bản (sơ đồ O-D) giữa các khu vực sử dụng đất khác nhau trong đô thị. Việc xác định cơ cấu
phương tiện trên các hướng giao thông cơ bản sẽ là cơ sở để xác định năng lực thông qua cần
thiết của hệ thống hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải công cộng chủ đạo của đô thị. Từ đó
xác định được khung giao thông chính đô thị trên mặt đất và ngẩm cũng như kết nối giao thông
với các khu vực khác. Sau đó, mới tiến hành bước “định hướng phát triển không gian” và định
hướng phát triển các hệ thống hạ tầng tiện ích trong đô thị như hệ thống điện, nước, chiếu
sáng
Vì vậy, mặc dù quyết định 03/2008/QĐ-BXD có nhiều điểm tiến bộ so với tất cả các
hướng dẫn trước đó có liên quan đến lập quy hoạch xây dựng đô thị nhưng vẫn còn tồn tại
những nghịch lý cơ bản đối với cơ sở khoa học về vai trò của hệ thống GTVT trong quy hoạch
và phát triển đô thị.
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Qua những nội dung phân tích trên đây nghiên cứu đi đến các kết luận và kiến nghị như
sau:
Giao thông Vận tải có vai trò trung tâm trong quá trình phát triển đô thị đặc biệt là
trong quá trình hình thành nên cấu trúc không gian đô thị, hình thành các khu chức năng đô thị
cũng như mức độ phát triển của các hoạt động sử dụng đất trong đô thị.
Hệ thống quy hoạch trong đô thị ở nước ta hiện vẫn chịu ảnh hưởng của mô hình quản
lý hành chính chức năng dẫn đến trong đô thị tồn tại 4 quy hoạch tổng thể khác nhau trong có
nhiều nội dung nghiên cứu trùng lặp và đặc biệt là nội dung nghiên cứu và vai trò của kết cấu hạ
tầng và năng lực của vận tải công cộng luôn giữ vai trò trung tâm trong cả 4 quy hoạch. Sự ràng
buộc lẫn nhau giữa các quy hoạch khiến cho tính khoac học, thực tiễn và thời sự của các phương
án quy hoạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Về hệ thống các văn bản pháp quy cho từng loại quy hoạch có thể khẳng định hệ
thống các văn bản pháp quy của quy hoạch xây dựng đô thị là đầy đủ và toàn diện nhất.
Thực tiễn quá trình lập quy hoạch cho thấy việc phân tách thành 4 loại quy hoạch và
phân cấp quy hoạch và xác định thời kỳ quy hoạch như hiện nay cho thấy nhiều điểm bất cập,
Kinh nghiệm phát triển quy hoạch đô thị trên thế giới cho thấy xu thế chuyển dịch từ
quy hoạch tổng thể đơn ngành sang tích hợp trong quy hoạch tổng thể phát triển đô th
ị.
Nếu xem xét về nội dung và để khắc phục những hạn chế liên quan đến thời gian lập
và thời kỳ quy hoạch như đã nêu trên thì hoàn toàn có thể tích hợp toàn bộ các quy hoạch tổng
thể trong đô thị thành một bản quy hoạch tổng thể phát triển đô thị (City Master Plan). Đồng
thời vẫn
duy trì các quy hoạch phát triển nghành, chuyên ngành hay các quy hoạch chi tiết cho
từng khu vực đô thị hay cho các dự án phát triển cụ thể trong đô thị
Những kết luận trên là cơ sở để tiến hành tích hợp các quy hoạch tổng thể trong đô thị vào
một nghiên cứu quy hoạch duy nhất có tên gọi “Quy hoạch Tổng thể Phát triển đô thị”
trên
nền tảng pháp lý là hệ thống văn bản pháp quy trong quy hoạch xây dựng đô thị kết hợp với các
văn bản pháp quy có liên quan khi tích hợp các nội dung giao thông vận tải, kinh tế xã hội và sử
dụng đất trong cùng một quy hoạch.
Tài liệu tham khảo
[1]. Các Luật: Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12, Luật xây dựng Việt Nam số 11/2003/QH11; Luật
đường sắt số 35/2005/QH11 Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11; Luật hàng không dân dụng số
66/2006/QH11; Luật Giao thông dường bộ 2008 số 23/2008/QH12; Luật Quy hoạch đô thị, số
30/2009/QH12
[2]. Các nghị đinh của Chính phủ 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật đất đai;
số186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 về Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 về Quy hoạch xây dựng; số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 09 năm
2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển KTXH; 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 1
năm 2008; 140/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006 Quy định việc bảo vệ môi trường trong quy
hoạch;
[3]. Các thông tư số 30/2004/TT-TNMT ngày 01 tháng 11 năm 2004 của Bộ Tài nguyên – Môi trường
hướng dẫn lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 07/2008/TT-BXD của Bộ xây
dựng về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng.
[4]. Các quyết định số 03/2008/QĐ-XD của Bộ trưởng Bộ xây dựng về việc ban hành quy định nội dung
thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với nhiệm vụ và đồ án xây dựng; 04/2008/QĐ-XD của Bộ trưởng Bộ xây
dựng về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng.
[5]. KADOMATSU (2006), Recent Development of Decentralization, Deregulation and Citizens’
Participation in Japanese City Planning Law, Kobe University Law Review No. 40.
[6]. />♦