Mổ ít xâm lấn – phương
pháp mới điều trị thoái
hóa khớp háng
sQuá trình lão hóa và những bệnh lý mắc phải khiến nhiều người phải sống
trong tình trạng hạn chế vận động hoặc không thể vận động do khớp háng bị
tàn phế. Một tin vui đến với những người bệnh này khi vừa qua, Khoa chấn
thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức ứng dụng một phương pháp mới
trong điều trị thay khớp háng: Phương pháp mổ ít xâm lấn.
Đây là một kỹ thuật điều trị hiện đại của y học thế giới đã có mặt tại Việt
Nam và mở ra nhiều cơ hội hơn cho người bệnh.
Vì sao dẫn đến sự thoái hóa khớp háng?
Theo TS. Đào Hùng Hạnh, bác sĩ chuyên khoa xương khớp của Bệnh viện
Bạch Mai thì thoái hóa khớp háng là một biểu hiện của bệnh thoái hóa khớp
nói chung và có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thoái hóa khớp
háng là tình trạng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, có thể kèm
theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhày giúp bôi trơn ma sát ở
điểm nối giữa hai đầu xương. Tình trạng này gây đau nhức và cứng khớp,
người bệnh bị hạn chế cử động. Tuy không gây tử vong như bệnh đái tháo
đường hay tim mạch nhưng ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống
của người bệnh do đau, tê, khó cử động…
Các chuyên gia xương khớp cho biết, quá trình lão hóa của cơ thể là một
nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp háng nói
riêng. Đây là một quá trình tự nhiên của cơ thể sống. Vì thế người ta thấy
rằng thoái hóa khớp háng gặp ở 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên
tuổi 80.
Đối tượng mắc bệnh là tuổi già, thường gặp nhiều ở phụ nữ do tình trạng
loãng xương của họ diễn ra nhiều hơn ở nam giới, đặc biệt là quá trình mang
thai và nuôi con bằng sữa mẹ. Các bác sĩ cho biết, sau tuổi 45, tỷ lệ nữ mắc
chứng thoái hóa khớp gấp từ 1,5- 2 lần so với nam giới. Tại Khoa chấn
thương chỉnh hình – Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ nhận thấy rằng trong
100 nam giới có chỉ định phải thay khớp háng thì có tới 60 người trong số họ
uống rượu nhiều và mắc các bệnh lý về gan. Tuy nhiên thoái hóa khớp háng
không phải là bệnh của riêng người cao tuổi mà có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi
nào do các nguyên nhân bệnh lý hoặc bẩm sinh gây nên. Đó là những chấn
thương, tình trạng béo phì, viêm nhiễm hoặc dùng các thuốc có tác dụng phụ
không tốt đến khớp… đều có thể dẫn đến khớp bị thoái hóa.
Nhu cầu thay khớp háng và sự có mặt của phương pháp mổ ít xâm lấn
Tại Khoa chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Việt Đức, mỗi tuần có
khoảng 6 – 7 bệnh nhân trong tình trạng có chỉ định phải thay khớp háng.
Thường là những trường hợp thoái hóa cổ xương đùi và hoại tử chỏm xương
này. Các bác sĩ trong khoa cho biết, đặc điểm của các bệnh nhân đến đây
điều trị thường đã rất nặng.
Bệnh nhân khớp ở Việt Nam rất ít khi được phát hiện và điều trị bệnh sớm,
do họ thường đi khám bệnh khi tình trạng bệnh đau nhức không thể chịu
đựng thêm được nữa vì thế rất khó khăn cho điều trị nội khoa. Nếu các
trường hợp điều trị nội khoa như dùng thuốc, các biện pháp vật lý trị liệu
không đạt hiệu quả thì phải tiến hành phẫu thuật thay khớp háng. Khớp háng
được thay là khớp nhân tạo, có chức năng giúp người bệnh vận động được
như khớp tự nhiên.
Trước đây, để có thể thay khớp háng cho bệnh nhân, các bác sĩ phải rạch
một đường mổ dài từ 15 – 20cm, do đường rạch dài nên phá vỡ nhiều tổ
chức của da, cơ, gân, mạch máu nên thời gian hồi phục của người bệnh lâu
hơn, nguy cơ nhiễm khuẩn rất dễ xảy ra, bệnh nhân cũng mất máu nhiều
hơn. Sự ra đời của kỹ thuật mổ thay khớp háng ít xâm lấn mới xuất hiện trên
thế giới 5- 6 năm nay và được ứng dụng mạnh mẽ ở các nước có nền y học
phát triển như Mỹ, Đức, Pháp… và nhanh chóng trở thành một kỹ thuật nổi
trội trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.
Là một bệnh viện ngoại khoa đầu ngành trong cả nước, Bệnh viện Việt Đức
đã lĩnh hội được kỹ thuật này và bắt đầu triển khai. Cho đến nay đã có vài
chục bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp háng bằng phương pháp hiện đại
này.
Theo BS. Đoàn Việt Quân, Phó chủ nhiệm Khoa chấn thương chỉnh hình, kỹ
thuật mổ này có vết mổ nhỏ, chỉ khoảng 6 – 7cm và khắc phục được toàn bộ
những hạn chế của mổ trước đây, đó là người bệnh không mất nhiều máu,
giảm đau sau mổ, thời gian hồi phục nhanh, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, sau
3 ngày có thể đứng lên và vận động được. Để có được hiệu quả điều trị tốt,
các bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân nên đi khám bệnh sớm nếu thấy có những
dấu hiệu bất thường ở khớp háng.
Những chú ý sau khi được thay khớp háng
Theo các bác sĩ Khoa chấn thương chỉnh hình, các khớp háng được thay có
thể đáp ứng nhu cầu vận động của người bệnh trong khoảng thời gian từ 15
– 20 năm. Tuy nhiên muốn đạt được kết quả này người bệnh phải hết sức
chú ý những điểm sau: Phải đi khám lại theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, nếu
có những bất thường xuất hiện sau phẫu thuật như đau nhức, sưng tấy thì cần
phải trở lại bệnh viện sớm, đồng thời phải có kiểm tra định kỳ sự thích ứng
của khớp nhân tạo đối với cơ thể.
Người bệnh không được nằm, ngồi vắt chân, gấp chân, không được ngồi
xổm, không được xoạc chân gây ảnh hưởng đến khớp. Các vận động mạnh
như chạy, nhảy, khuân vác cũng không nên tiến hành. Sau phẫu thuật cũng
không cần thiết phải bổ sung canxi bằng thuốc mà thay bằng thực phẩm giàu
canxi trong từ nhiên, đồng thời không nên sử dụng các chất kích thích vì dễ
dẫn đến nguy cơ hư hại nhanh khớp nhân tạo.
Nếu có các bệnh lý khác phải dùng thuốc điều trị thì cần được tư vấn của cả
bác sĩ xương khớp, tránh tác động xấu lên khớp đã thay và những nguy cơ
tiến triển thoái hóa ở những khớp khác.