Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

CÁC VẤN ĐỀ TỒN TẠI TRONG KHAI THÁC, SỬ DỤNG, QUẢN LÝ, QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG BA doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (297.36 KB, 8 trang )

TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, Tập 74, Số 5, (2012), 177-184

177



CÁC VẤN ĐỀ TỒN TẠI TRONG KHAI THÁC, SỬ DỤNG, QUẢN LÝ,
QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG BA
Lê Đức Thường

Nghiên cứu sinh, Trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM

Tóm tắt. Nội dung bài báo này trình bày kết quả phân tích, đánh giá việc khai thác sử dụng,
cũng như công tác quản lý và quy hoạch tài nguyên nước trên lưu vực sông Ba. Kết quả
phân tích là cơ sở để thực hiện việc chuyển đổi hình thức quản lý tài nguyên nước từ truyền
thống sang quản lý tổng hợp, là nguồn tư liệu giúp cho việc đề ra chiến lược quản lý bền
vững tài nguyên nước lưu vực sông Ba.
Từ khóa: lưu vực sông Ba, tài nguyên nước.

1. Mở đầu
Trong những thập niên qua, việc khai thác sử dụng tài nguyên nước và công tác
phòng, chống thiên tai do nước gây ra đã có những thành tựu quan trọng, góp phần to
lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong một thời
gian dài chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của tài nguyên
nước đối với đời sống, sức khỏe và môi trường, chưa chú trọng đến quản lý và bảo vệ
cũng như quy hoạch sử dụng tài nguyên nước. Điều này dẫn đến những biểu hiện suy
thoái tài nguyên nước cả về số lượng lẫn chất lượng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước,
thiếu nước, khan hiếm nước đã xuất hiện ở nhiều nơi và đang có xu hướng gia tăng, tình
trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, thiếu quy hoạch, thiếu tính liên ngành còn
khá phổ biến. Trong khi đó, nhu cầu dùng nước của các ngành kinh tế không ngừng gia
tăng, cân bằng nước giữa cung và cầu nhiều lúc, nhiều nơi không đảm bảo, đã trở thành


áp lực lớn đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện dân
số gia tăng, biến đổi khí hậu toàn cầu. Trước tình hình đó đòi hỏi phải chuyển đổi hình
thức quản lý tài nguyên nước từ truyền thống sang quản lý tổng hợp. Để làm được điều
này trước hết phải đánh giá đầy đủ và toàn diện tình hình khai thác sử dụng, công tác
quy hoạch và quản lý tài nguyên nước trên lưu vực.
2. Một số đặc điểm về tài nguyên nước lưu vực sông Ba
Sông Ba là một trong những con sông lớn của nước ta và là con sông lớn nhất
khu vực ven biển miền Trung, thuộc địa phận 3 tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Phú Yên với diện
tích tự nhiên của lưu vực khoảng 13.900km
2
(nếu tính cả nhánh sông Bàn Thạch là
14.132 km
2
). Dòng chính sông Ba bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Rô của dải Trường Sơn.
178 Các vấn đề tồn tại trong khai thác…
Từ thượng nguồn đến An Khê, sông chảy theo theo hướng Tây Bắc - Đông Nam sau đó
chuyển hướng Bắc Nam, đến cửa sông Hinh chảy theo hướng gần như Tây - Đông rồi
đổ ra biển Đông tại cửa Đà Rằng thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Lưu vực sông Ba có dạng dài và hẹp nhưng phình to ở giữa, với chiều rộng bình
quân là 48,6km, nơi rộng nhất là 85km, chiều dài dòng chính tính từ thượng nguồn đến
cửa Đà Rằng (Đà Diễn) dài 374 km, mật độ lưới sông 0,22 km/km
2
.
Đại bộ phận diện tích lưu vực sông Ba nằm ở phía Đông Nam dãy Trường Sơn,
nhưng ảnh hưởng của dãy đến khu vực này đã yếu dần và được thay thế bằng phông
chung của nền cấu trúc khối tảng cao nguyên. Phần thượng lưu của lưu vực sông, chủ
yếu là các nhánh núi bị chia cắt mạnh. Phần trung lưu của lưu vực sông rất ngắn, đồi núi
có chiều cao trung bình làm cho sông gần như không có phần trung lưu, nước từ thượng
lưu đổ thẳng xuống vùng đồng bằng ven biển, được cấu thành bởi những gò đồi sót của
các bề mặt địa hình cổ hơn bị bóc mòn, cùng với những bậc thềm, bãi bồi, đụn cát, cồn

cát nguồn gốc biển, gió biển, sông - biển và sông.
Hàng năm trên toàn lưu vực nhận được lượng mưa khoảng 1.740 mm với mô
đun dòng chảy đạt 22,8 l/s.km
2
và đổ ra biển Đông gần 10 tỷ m
3
nước. Các sông suối
thuộc lưu vực sông Ba thường hẹp và sâu, độ dốc sông suối lớn nên có tiềm năng về
thủy điện.
3. Những vấn đề còn tồn tại trong khai thác sử dụng và quản lý tài nguyên nước
lưu vực sông Ba
3.1. Khai thác và sử dụng tài nguyên nước
Trong những năm qua, các địa phương trên lưu vực sông Ba đã đáp ứng được
nhu cầu dùng nước, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội trên toàn lưu vực. Mặt dù đã
có nhiều cố gắng trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước, nhưng vẫn còn một số tồn
tại sau đây:
3.1.1. Phương thức khai thác sử dụng nước chưa bền vững
Các hồ chứa nhỏ trên sườn dốc có vai trò trữ và điều hòa nước, duy trì dòng
chảy mùa cạn cho các sông suối nhỏ, chống hạn cục bộ ở khu vực thượng nguồn sông.
Tuy nhiên, trên nhiều nhánh sông suối đã xây dựng rất nhiều đập dâng nhỏ nhưng lại
thiếu các hồ chứa tạo nguồn, đã làm cạn kiệt nước các sông suối trong mùa khô (tập
trung chủ yếu ở một số sông suối thuộc tỉnh Gia Lai).
Thủy vực trong sông chính và các sông nhánh lớn có vai trò duy trì nước cho hệ
sinh thái và cung cấp nước cho các khu vực ven sông trong mùa cạn. Hiện nay thủy vực
này chưa được khai thác sử dụng hợp lý, chưa được quan tâm bảo vệ nên nước trong
một số đoạn sông đã bị suy thoái cạn kiệt. Điển hình là đoạn sông hạ lưu đập Đồng Cam
ra tới cửa Đà Rằng.
Thủy vực nước trong các hồ chứa lớn trên sông chính, chúng như các kho chứa
LÊ ĐỨC THƯỜNG 179
nước dự trữ trên lưu vực, có vai trò vừa điều hòa nước cung cấp cho hạ du, vừa chống

lũ, chống hạn, nên rất cần có một quy hoạch phù hợp đáp ứng yêu cầu sử dụng nước của
lưu vực. Hiện tại trên hệ thống sông Ba đã xây dựng được các hồ chứa lớn như: sông
Hinh, Ayun Hạ, Sông Ba Hạ, Krông H’năng, An Khê –Kanak. Do dung tích chứa nước
khi xây dựng đã bị cắt giảm khá nhiều so với quy hoạch ban đầu nên các hồ chỉ có thể
đáp ứng một mức độ nhất định việc trữ nước cho phát điện và tưới, chưa đáp ứng được
yêu cầu hồ chứa nước trung tâm sử dụng tổng hợp có khả năng chống lũ, phát điện, điều
hòa dòng chảy, cấp nước cho hạ du. Như vậy trên lưu vực sông Ba còn thiếu các hồ
chứa lớn có khả năng trữ và điều tiết nước, phòng chống lũ, duy trì dòng chảy môi
trường
Có thể nói rằng, phương thức khai thác sử dụng nước trên toàn bộ lưu vực sông
Ba còn những khiếm khuyết nhất định, chưa đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững tài
nguyên nước cũng như chưa bền vững về mặt môi trường.
3.1.2. Khai thác sử dụng tài nguyên nước chưa có sự phối hợp giữa các ngành,
chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng tổng hợp tài nguyên nước
Việc khai thác sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Ba còn đơn lẻ, chưa
có sự phối hợp giữa các ngành với nhau, nên hiệu quả sử dụng tổng hợp tài nguyên
nước còn rất thấp. Thậm chí, trong những năm có hạn, hầu hết các công trình trên lưu
vực sông cũng chưa có sự điều phối, chia sẻ nguồn nước, chưa có sự phối hợp giữa các
ngành liên quan để sử dụng nước chống hạn. Đây là một thực trạng cần sớm khắc phục
để việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực thực sự bền vững.
3.1.3. Hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên nước của nhiều công trình còn
thấp
Nhiều công trình khai thác sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực bị xuống cấp,
hư hỏng chưa sửa chữa kịp thời đã làm thất thoát một lượng nước lớn. Diện tích tưới
thực tế của các công trình thủy lợi vừa và nhỏ trên lưu vực chỉ được 75% so với thiết kế
(đập Đồng Cam với năng lực tưới thiết kế 20.000 ha hiện tại đang tưới 16.700ha đất
canh tác).
3.1.4. Trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước mới quan tâm tới lợi ích kinh
tế, chưa quan tâm đến bảo vệ hệ sinh thái và môi trường
Hầu hết các quy hoạch trên lưu vực sông Ba đều mới chỉ chú trọng đến việc khai

thác và sử dụng tài nguyên nước chứ chưa quan tâm đến yêu cầu duy trì dòng chảy môi
trường để bảo vệ hệ sinh thái khu vực hạ du. Các hồ chứa phục vụ tưới hay phát điện
trên lưu vực sông đều dựa trên cơ sở lấy hết dòng chảy cơ bản của sông, không trả lại
sông bất kỳ một lượng nước nào để duy trì hệ sinh thái nước trong sông. Điều này là
không hợp lý theo tiêu chí của phát triển bền vững. Nếu không có hướng giải quyết thì
cạn kiệt ngày càng gia tăng và nguy cơ thiếu nước trong mùa khô ngày càng trầm trọng,
làm tăng nguy cơ hạn hán trên diện rộng.
180 Các vấn đề tồn tại trong khai thác…
3.1.5. Khai thác nước dưới đất còn tùy tiện, chưa phối hợp chặt chẽ với khai
thác sử dụng nước mặt
Nước dưới đất trên lưu vực sông Ba đang khai thác và sử dụng một cách tùy tiện
không có quy hoạch, khai thác quá mức tại một số nơi đã làm sụt giảm mực nước ngầm
(mực nước ngầm tại Đăk Lăk, Gia Lai; đặc biệt là các khu vực trồng cây công nghiệp
dài ngày), khai thác nước mặt và nước ngầm chưa có sự phối hợp. Tình trạng này đã
xảy ra và ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác nước dưới đất theo nhu cầu sử dụng, nhất
là trong những năm khô hạn.
3.2. Quản lý tài nguyên nước
Trong những năm qua, được sự quan tâm của chính phủ, các bộ ngành, các địa
phương trên lưu vực, việc quản lý tài nguyên nước đã có những bước chuẩn bị tích cực
để chuyển hình thức quản lý tài nguyên nước từ truyền thống sang quản lý tổng hợp.
Trong quá trình chuẩn bị để thực hiện việc chuyển đổi này, chúng tôi thấy rằng quản lý
tài nguyên nước trên lưu vực sông Ba còn tồn tại những vấn đề sau:
3.2.1. Quản lý tài nguyên nước chưa có sự phối hợp liên ngành, liên địa
phương, chưa mang tính tổng hợp, chưa có cơ chế hợp lý để thực hiện quản lý tài
nguyên nước theo lưu vực sông
Lưu vực sông Ba là lưu vực sông liên tỉnh, thuộc địa phận ba tỉnh Gia Lai, Đăk
Lăk và Phú Yên. Tuy nhiên, việc quản lý tài nguyên nước trên lưu vực thực hiện theo
địa giới từng tỉnh, cơ quan quản lý tài nguyên nước của tỉnh chịu sự quản lý ngành dọc
của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường thông qua cục Quản lý tài nguyên nước, chứ chưa
có một tổ chức, cũng như cơ chế để thực hiện việc quản lý chung trên cả lưu vực. Đây

là nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng, điều phối và giải quyết các mâu thuẫn xung đột
về tài nguyên nước trên lưu vực chưa đạt hiệu quả.
3.2.2. Năng lực quản lý tài nguyên nước của các địa phương còn nhiều hạn chế,
chưa đáp ứng yêu cầu thực tế
Từ năm 2002 chức năng quản lý tài nguyên nước được chuyển về Bộ Tài
Nguyên và Môi Trường, sở Tài Nguyên Môi Trường của các tỉnh đều có phòng quản lý
tài nguyên nước, nhưng chỉ có từ 2-4 người làm công tác này, tại các huyện thường có 1
cán bộ chuyên trách, nhưng nhiều huyện đến nay vẫn chưa phân công cán bộ, trong số
những cán bộ đang làm việc, có nhiều cán bộ chuyên trách lại không có chuyên môn.
Từ đây chúng ta thấy rằng, đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên nước tại các địa phương
trên lưu vực sông Ba còn rất thiếu và hạn chế về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý
chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
3.2.3. Quản lý vận hành các công trình lớn trên hệ thống sông còn nhiều bất cập,
chưa có sự phối hợp trong toàn hệ thống
Việc quản lý vận hành các công trình thủy lợi thủy điện lớn trên hệ thống sông
LÊ ĐỨC THƯỜNG 181
như hồ Ayun Hạ, hồ thủy điện sông Hinh, thủy điện sông Ba Hạ, đập Đồng Cam trong
phòng chống lũ lụt, phát điện, cung cấp nước tưới chưa có sự điều phối hợp lý, mới chỉ
chú ý đến lợi ích riêng mà chưa chú ý đến lợi ích chung của toàn hệ thống.
3.2.4. Trong quản lý tài nguyên nước chưa kết hợp phát triển tài nguyên nước
với việc phân phối, chia sẻ, sử dụng tổng hợp và bền vững tài nguyên nước
Mặc dù trên lưu vực đã lập nhiều quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên nước,
nhưng chưa có quy hoạch nào đạt được chiến lược quản lý tài nguyên theo hướng tổng
hợp và thống nhất, mà chỉ tập trung vào vấn đề sử dụng trước mắt. Như vậy, có thể nói
rằng quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Ba vẫn chưa xác định rõ con đường và
những việc phải làm để thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý lưu vực
sông.
3.2.5. Quản lý tài nguyên nước trên lưu vực vẫn là quản lý cung cấp nước, chưa
có các cơ sở để thực hiện quản lý nhu cầu sử dụng nước
Hầu hết các địa phương trên lưu vực sông Ba việc quản lý tài nguyên nước vẫn

dựa trên cơ sở quản lý nguồn cung cấp là chủ yếu, chưa quan tâm đến nhu cầu sử dụng
của người dùng nước và chưa chịu trách nhiệm về việc có đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng
của người dùng, trong khi đó quản lý tổng hợp tài nguyên nước phải thực hiện quản lý
theo nhu cầu sử dụng nước, cơ quan cung cấp nước phải chịu trách nhiệm đáp ứng đầy
đủ nhu cầu của người sử dụng, còn người sử dụng phải sử dụng hợp lý, tiết kiệm và trả
đầy đủ các chi phí theo đơn giá quy định. Chính vì vậy việc chuẩn bị các cơ sở và điều
kiện cần thiết để từng bước tiến tới thực hiện được quản lý nhu cầu sử dụng nước là hết
sức cần thiết nhằm thực hiện việc quản lý tài nguyên nước theo hướng tổng hợp và
thống nhất.
3.2.6. Người sử dụng tài nguyên nước chưa được tham gia một cách đầy đủ vào
việc quản lý và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực, đồng thời chưa có cơ chế thuận lợi
để cộng đồng tham gia quản lý tài nguyên nước
Sự tham gia của người dân trong quản lý bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực
hiện tại còn ở mức độ thấp. Nhìn chung, cộng đồng dân cư chưa được tham gia xây
dựng các chính sách, quyết định có liên quan đến khai thác sử dụng tài nguyên nước
trên lưu vực, chưa được phép tham gia vào việc xây dựng cơ cấu tổ chức, mà mới chỉ
dừng lại ở hình thức thảo luận các chính sách của tỉnh, huyện…
4. Những vấn đề tồn tại trong quy hoạch và phát triển tài nguyên nước lưu vực
sông Ba
Trên lưu vực sông Ba đã có các quy hoạch sử dụng nước của các ngành như quy
hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy điện, quy hoạch cấp nước sinh hoạt đô thị và nông thôn,
quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hầu hết các quy hoạch này chỉ là quy hoạch
đơn ngành đơn mục tiêu, mặc dù có một số quy hoạch có đề cập đến sử dụng tổng hợp
tài nguyên nước nhưng chưa có quy hoạch nào giải quyết thỏa đáng mục tiêu này.
182 Các vấn đề tồn tại trong khai thác…
4.1. Quy hoạch thủy lợi
Các địa phương trên lưu vực sông Ba đều đã có quy hoạch thủy lợi. Nhìn chung
các quy hoạch này đã đánh giá được đặc điểm, điều kiện nguồn nước của lưu vực sông
Ba và đề xuất các phương án quy hoạch các công trình thủy lợi, chủ yếu là xây dựng các
hồ chứa, đập dâng vừa và nhỏ cung cấp nước tưới cho nông nghiệp. Ngoài ra, một số

quy hoạch thủy lợi cũng đã xem xét sử dụng tổng hợp tài nguyên nước cho phát điện,
phòng chống lũ, cấp nước sinh hoạt nhưng hầu hết chưa đáp ứng yêu cầu của quy
hoạch tổng hợp.
4.2. Quy hoạch thủy điện
Được đánh giá là một trong những lưu vực có tiềm năng thủy điện lớn của cả
nước. Hiện nay lưu vực sông Ba đã có quy hoạch thủy điện, quy hoạch này đề xuất xây
dựng hệ thống thuỷ điện bậc thang trên dòng chính và dòng nhánh có công suất phát
điện của cả hệ thống là 701 MW và tổng điện lượng là 2630,3. 10
6
KWh/năm bao gồm
các công trình sau: Trên sông nhánh Ia Yun có hồ Iayun Thượng 1 (28 MW), Iayun
Thượng 2 (18MW), HChan (12MW), Hmun (15 MW), hồ Iayun Hạ (3 MW); Trên sông
nhánh Krông Hnăng có hồ Krông Hnăng (66 MW); Trên nhánh sông Hinh có hồ sông
Hinh (70 MW); Trên dòng chính sông Ba từ thượng lưu xuống hạ lưu có hồ An Khê-
Kanak (trong đó An Khê 150 MW, Kanak 13 MW, chuyển một phần nước sau thủy điện
sang sông Kone), hồ ĐakSrông (88MW), hồ Sông Ba Thượng (40MW), hồ Sông Ba Hạ
(240 MW).
Nhìn chung các quy hoạch thuỷ điện đã đưa ra sơ đồ khai thác khá hợp lý, phù
hợp với đặc điểm và điều kiện của lưu vực sông. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại:
- Quy hoạch mang tính đơn ngành, nên mới chỉ chú trọng đến mục tiêu của
ngành điện, chứ chưa quan tâm đến các mục tiêu khác như tưới tiêu, phòng lũ, chống
hạn một cách đúng mức mà chỉ xem xét sau đó ở mức độ kết hợp:
Vùng hạ lưu lưu vực sông Ba là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt,
chính vì thế yêu cầu phòng lũ cho khu vực này là rất cao. Tuy nhiên hầu hết các công
trình thủy điện trong hệ thống đều không xem xét đến dung tích phòng lũ cho hạ du, mà
chỉ đưa ra phương thức phòng lũ bằng cách hạ thấp mực nước trước lũ xuống dưới mực
nước dâng bình thường. Mặt khác, do yêu cầu phòng lũ không phải là mục tiêu chính
nên một số công trình vì lợi ích kinh tế đã cắt giảm dung tích phòng lũ so với thiết kế
ban đầu (công trình thủy điện sông Ba Hạ, trong quy hoạch dung tích hiệu dụng có thể
kết hợp phòng lũ là 484,4 tr.m

3
, đến khi thiết kế chỉ còn 165,9 tr.m
3
khiến cho công
trình khi xây dựng không có khả năng cắt nổi các trận lũ với tần suất nhỏ hơn 10%). Vì
vậy hiệu quả phòng lũ cho hạ du của các công trình này còn rất hạn chế, chưa đáp ứng
yêu cầu thực tế.
Một số hồ chứa thủy điện để nâng cao cột nước cho phát điện đã nâng cao mực
nước chết (Hồ thủy điện sông Ba Hạ dung tích chết của hồ đã được nâng lên đến 183,8
LÊ ĐỨC THƯỜNG 183
tr.m
3
trong khi dung tích hiệu dụng chỉ 165,9 tr.m
3
) vô hình chung gây lãng phí một
lượng nước rất lớn, trong khi đó các khu vực xung quanh đang cần nước, điều này tác
động không nhỏ đến tình hình hạn hán trên lưu vực và môi trường nước phía dưới hạ
lưu.
- Trong quy hoạch chưa coi trọng tác động về mặt môi trường của các công
trình thủy điện:
Hầu hết các công trình thủy điện trong quy hoạch đều lấy hết dòng chảy trên
sông, mà chưa xem xét đến việc trả lại một lượng dòng chảy cần thiết cho hệ sinh thái
nước và duy trì các giá trị môi trường ở khu vực hạ lưu.
Một số công trình trên hệ thống sử dụng giải pháp chưa phù hợp như việc sử
dụng đường ống áp lực để dẫn nước từ đập đến nhà máy, làm cho hệ sinh thái thủy sinh
phía sau đập thay đổi đáng kể thậm chí tạo nên một đoạn sông chết (đoạn sông chết sau
hồ sông Ba Hạ dài tới 8 km).
Quy trình vận hành phát điện theo giờ trong ngày của các hồ thủy điện, như hồ
thủy điện Sông Hinh đều theo chế độ phủ đỉnh nên trong ngày có những giờ hồ tích
nước không phát điện đoạn sông hạ lưu sẽ bị cạn kiệt ảnh hưởng tiêu cực đến môi

trường và thủy sinh vật ở hạ lưu.
- Một số quy hoạch chưa hợp lý góp phần làm gia tăng lũ lụt vào mùa lũ và hạn
hán vào mùa khô cho các khu vực trong lưu vực:
Việc chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực khác phía sau nhà máy thủy điện
cũng là một nhân tố làm gia tăng lũ lụt cho hạ lưu vào mùa lũ và hạn hán vào mùa khô.
Như nhà máy thủy điện An Khê – Ka nak chuyển một phần nước từ lưu vực sông Ba
sang sông Kone vào mùa khô nhưng lại xả lũ vào lưu vực sông Ba vào mùa lũ.
- Trong quy hoạch chưa quan tâm đúng mức tác động của biến đổi khí hậu cũng
như một số vấn đề liên quan khác:
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng có xu thế bất lợi làm tăng nguy cơ thiên
tai do nước gây ra. Chúng ta biết rằng lượng dòng chảy sông ngòi luôn biến đổi tùy theo
mức độ biến đổi của lượng mưa, còn mưa thì biến đổi phụ thuộc vào nhiệt độ không khí,
mà lưu vực sông Ba là một trong những lưu vực chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí
hậu, thế nhưng trong tất cả các quy hoạch thuỷ điện nói riêng và quy hoạch tài nguyên
nước nói chung chưa xem xét vấn đề này một cách toàn diện và khoa học.
Dòng nước sông Ba trở nên rất trong do chảy qua nhiều hồ chứa trên lưu vực,
gây ra hậu quả tiêu cực như: giảm lượng phù sa bồi lấp cho các khu vực phía hạ lưu,
làm cho đất canh tác ngày càng thoái hóa. Mặt khác, hiệu ứng nước trong gây xói lở
trầm trọng bờ sông ở hạ lưu các đập. Tuy nhiên, trong tính toán quy hoạch vẫn chưa
quan tâm đúng mức đến vấn đề này, nếu có cũng chỉ đánh giá qua loa và có độ chính
xác chưa cao.
184 Các vấn đề tồn tại trong khai thác…
5. Kết luận
Công tác quản lý, khai thác sử dụng cũng như quy hoạch tài nguyên nước trên
lưu vực sông Ba đã có những bước chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả nhất định
cho cộng đồng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc chuyển đổi hình thức quản lý tài
nguyên nước từ truyền thống sang quản lý tổng hợp, đòi hỏi các địa phương trên lưu
vực phải: Khắc phục được những khiếm khuyết trong khai thác sử dụng; Khắc phục
được những tồn tại trong công tác quản lý; Điều chỉnh quy hoạch sao cho hợp lý hơn
trong điều kiện hiện nay mà bài báo đã phân tích.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020,
Nxb. Văn hóa, Thông tin, 2006.
[2]. Viện Quy hoạch thuỷ lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo cáo quy hoạch
phát triển thủy lợi lưu vực Sông Ba, 2006.
[3]. Viện Quy hoạch thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo cáo rà soát
quy hoạch thuỷ lợi toàn quốc, 2008.
[4]. Nguyễn Văn Cư và nnk, Nghiên cứu giải pháp tổng thể sử dụng hợp lý tài nguyên và
bảo vệ môi trường lưu vực sông Ba và sông Côn - Đề tài nghiên cứu độc lập cấp nhà
nước, Viện Địa lý, Mã số KC.08-25, 2005.
[5]. Nguyễn Văn Thắng, Các phương pháp và những vấn đề chủ yếu cần xem xét giải quyết
trong quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên lưu vực sông Ba, Báo cáo tại Hội thảo
Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và một số giải pháp kỹ thuật liên quan, Hà Nội,
2005.

PROBLEMS IN EXPLOITATION, USING, MANAGEMENT, PLANNING
AND DEVELOPMENT OF WATER RESOURCES IN BA RIVER BASIN
Le Duc Thuong
Graduate students, HoChiMinh City University of Technology

Abstract. The contents of this paper introduce the result from the analysis and assess of the
exploitation, using, management and planning of water resources in Ba river basin. The
results of this paper include the basis of the transformation from traditional water resources
management to intergrated water resources management, These results also help us find out
the sustainable water resource management strategies in Ba river basin.
Keywords: Ba river basin, Water resource.

×