Sử thi Đam San – Bản sắc văn hóa của Tây
Nguyên
Với khối lượng đồ sộ lên đến hàng trăm, sử thi Tây Nguyên là “bộ bách khoa thư” khổng lồ hiếm có về
thời cổ của các dân tộc Tây Nguyên nước ta. Người Ấn Độ nói: “Cái gì không có trong hai bộ sử thi
Mahabharata và Ramayana thì không thể tìm thấy bất kì ở đâu trên đất nước Ấn Độ”, còn chúng ta cũng
có thể tự hào mà nói: “Cái gì không có trong sử thi Tây Nguyên thì không thể tìm thấy trên đất Tây
Nguyên”. Nếu như Iliat, Odixe- những tác phẩm anh hùng ca vĩ đại của Hi Lạp ca ngợi lí tưởng vinh
quang và chiến trận thì những anh hùng ca Tây Nguyên lại hướng về lí tưởng đấu tranh chống lại những
tập tục cũ, lạc hậu, chống lại thần quyền và các thế lực áp bức bóc lột vừa nảy nở trong cuộc sống của bộ
tộc. Nhưng trên hết, ở tác phẩm sử thi vẫn là sự hiện diện của những con người, những nhân vật cá tính và
bản lĩnh sống trong mỗi trang giấy, qua hơi thở cuộc sống, qua lời kể và tiếng cồng chiêng dậy núi đồi…
Nói cách khác, qua sử thi, người đọc hiện đại có thể tìm thấy bản sắc văn hóa của các tộc người Tây
Nguyên. Chương trình sách giáo khoa phổ thông Ngữ văn 10 trích dẫn “Chiến thắng Mtao Mxây” trong
sử thi nổi tiếng Đam San. Để có thể hiểu hết những giá trị của tác phẩm, nhất định phải nắm được những
đặc trưng văn hóa ở nơi đây. Bản sắc truyền thống của người Tây Nguyên đã đi vào những trang sử thi
sống động của một thời kì lịch sử xa xưa của dân tộc tồn tại trong nếp ăn ở sinh hoạt hàng ngày của họ.
Đó là những tục lệ, lễ nghi không thể thiếu, là nét văn hóa khá độc đáo của đồng bào Tây Nguyên. Những
tác phẩm văn học dân gian như sử thi là kho tàng quý giá lưu trữ lại suốt quá trình lịch sử đồng bào. Tìm
kiếm trong các sử thi, anh hùng ca có thể nhận biết được một số tập tục, lễ nghi, văn hóa ứng xử, sinh
hoạt…
Tục nối dây- chuê nuê của người Tây Nguyên
Đây là một tập tục đã tồn tại từ lâu đời của người Tây Nguyên. Khi người vợ hoặc chồng chết đi thì người
còn lại phải lấy người trong dòng họ để tiếp tục cuộc sống vợ chồng, với quan niệm cho rằng có thực hiện
đúng “chuê nuê” mới giữ trọn dòng giống của gia đình, của dân tộc, con người mới không bị lẻ đôi.
Chẳng hạn như trong khan Đam San của người Êđê, tục lệ này thể hiện rất rõ. Khi bà của H’Nhí chết thì
H’Nhí phải là người “nối dây” lấy ông của mình làm chồng, hoặc khi Đam San chết và đầu thai vào người
chị H’Âng sinh ra Đam San cháu thì H’Nhí và H’Bhí phải tiếp tục nối dây với Đam San cháu.
Tục cột rượu treo chiêng
Phong tục này thể hiện tính hiếu khách của người Tây Nguyên và cũng là lễ chào đón một sự kiện trọng
đại nào đó. Trong khan Đam San, tục cột rượu được thể hiện ở việc gia đình H’Nhí chuẩn bị cưới chồng
cho chị em nhà H’Nhí và H’Bhí.
Cột rượu còn là một tục lệ mà người Tây Nguyên dùng để cầu may cho khách, hoặc người thân trong gia
đình. Đây là một hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong nếp sống văn hóa hàng ngày.
Chiêng là một loại nhạc cụ quí giá có ý nghĩa trong đời sống tinh thần. Nó chứng minh sự giàu có của
một gia đình. Nhà nào có nhiều chiêng, nhiều ché tức, ché tang thì được coi là giàu mạnh. Ngoài Đam
San, trong các sử thi khác như Xing Nhã, Đăm Yông, hay Y Ban…hình ảnh của ché rượu và tiếng chiêng
dường như tôn thêm vẻ đẹp văn hóa, cho cái riêng của con người Tây Nguyên.
Tiếng chiêng được diễn tấu bằng cách gõ chiếc dùi bọc bằng cao su, hoặc dùi gỗ mềm không bọc để tạo
ra tiếng chiêng khác nhau. Trong khan Đam San có diễn tả âm thanh này một cách sống động, tựa hồ như
đưa người ta quay về với một thời cổ đại oai hùng mang sắc màu thần thoại: “tiếng chiêng lan ra khắp
xứ ,… tiếng chiêng luồn qua sàn nhà, lan xuống dưới đất !…” và: “tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng
lên trời…”. Phải chăng, chính những tục lệ văn hóa độc đáo này mà sử thi Tây Nguyên trở nên có ý nghĩa
về cả lịch sử lẫn một nền văn học nghệ thuật còn nhiều bí ẩn cần khám phá? Và phải chăng, chàng trai
Đam San bỗng trở thành một người anh hùng đầy bản lĩnh bởi tiếng chiêng vang dậy núi rừng…
Tục lệ cưới hỏi và văn hóa ứng xử
Theo tập tục này thì đối với họ người con gái là quý nhất, là người nắm giữ vai trò chủ chốt trong gia
đình. Người M Nông có câu hát: “Người vợ giữ nhà, thực hiện những việc lớn lao nguy hiểm…của cải
trong nhà do người phụ nữ trông coi. Người không có vợ như nhà không có nóc, như gà không có
chuồng. Vậy con gái là quý nhất”…Có lẽ vì vậy mà trong hôn nhân người con gái sẽ làm chủ đối với việc
cưới hỏi (hoặc nói theo cách của người đồng bào là bắt rể), khác hoàn toàn phong tục của người Kinh.
Tìm hiểu sử thi Đam San cũng thấy xuất hiện hình thức cưới hỏi này. Chẳng hạn như cách nói đối đáp
giữa nhà trai, nhà gái với thái độ khiêm nhường khi chuẩn bị cho việc hôn nhân. Trong chi tiết H’Âng chị
của Đam San mời khách ăn cơm bằng một cách nói, tự chê cơm rượu của nhà mình: “Mời các anh ăn cơm
cho. Cơm tôi có mùi mốc, nước tôi có mùi hôi, thịt gà diều bỏ rơi, và người nấu là một con vẹt, thật là
một con vẹt diều tha…” và ngược lại khách cũng chỉ ăn một ít rồi nói: “vì ở nhà chị nên tôi mới ăn nhiều
như vậy. Còn ở nhà tôi, một quả dưa chuột tôi ăn đến ba năm. Một quả dưa hấu tôi ăn đến ba đời”…Nghệ
thuật phóng đại trở thành khúc biến tấu độc đáo nhất để người Tây Nguyên thể hiện đời sống văn hóa của
mình, qua những pho sử thi mang bề dày lịch sử. Hoặc chỉ đơn giản trong những lời đối đáp trên, nghệ
thuật này khiến người ta hiểu rằng: phải chăng đó là sự thử thách tình cảm chân thành bằng cách tự mình
“bôi nhọ” vào mặt mình? Sau khi khách đã giữ lễ một cách khiêm tốn thì bấy giờ gia chủ mới thết đãi
khách một bữa cơm thịnh soạn bằng rượu quý ” đen thắm, thứ rượu chôn dưới đất đã tám năm…” và cuối
cùng mới tiến hành lễ cột rượu – treo chiêng của gia chủ nhằm bày tỏ lòng hiếu khách. Bên cạnh đó,
trong tục lệ cưới hỏi còn có sự hiện diện của chiếc vòng đồng. Đây là tín vật có ý nghĩa rất thiêng liêng,
trọng đại mang tính chất đính ước, một lời giao kết để làm tin giữa nhà trai và nhà gái. Trong khan Đam
San và các sử thi, truyện cổ tích của người Tây Nguyên thường xuất hiện tục lệ này. Những gì được
người Tây Nguyên phản ánh qua hình thức văn học nghệ thuật, đều xuất phát từ cuộc sống, và nếp sinh
hoạt văn hóa cho nên những tục lệ này tồn tại trong các sử thi, cũng là điều dễ hiểu.
Dưới góc nhìn văn hóa, chúng ta có thể tiếp cận gần hơn tới giá trị đích thực của tác phẩm văn học. Chính
sự kết tinh của một nền văn hóa, của những giá trị văn hóa đã tạo nên phong cách riêng độc đáo, đậm đà
cho người Tây Nguyên. Hay nói cách khác “truyền thống văn hóa” Tây Nguyên là sự kết tinh của phong
tục tập quán, lối sống – sinh hoạt, và cũng là cái nôi của sự hình thành, phát triển chất trí tuệ của người
Tây Nguyên trong cộng đồng người Việt nói chung.
Bàn về đời sống văn hóa quả không đơn giản, vì vốn dĩ, bản sắc văn hóa rất phong phú, đa dạng, mang
nhiều giá trị về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Với người Tây Nguyên, như từng có đề xuất phương án lí
giải, phải chăng, đó là một nền “văn hóa rừng” theo nghĩa: “rừng không chỉ là tài nguyên, mà rừng là tất
cả, là toàn bộ cuộc sống của họ, là chính bản thân họ”… Rừng là không gian sinh tồn và còn là thời gian
sinh tồn của người Tây Nguyên. Chính điều này đã tạo nên những trang sử thi của một thời cổ đại oai
hùng với lí tưởng thần thánh. Đam San là vẻ đẹp, là niềm tự hào của người Êđê nói riêng và các tộc người
trên dãy núi Trường Sơn nói chung…
Với những gợi mở của vấn đề, chắc hẳn, việc tiếp cận đoạn trích được giới thiệu trong nhà trường và tác
phẩm đặc sắc Đam San sẽ có thêm một hướng đi mới.