Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu của ngôn ngữ học potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (127.19 KB, 3 trang )

Đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu của ngôn
ngữ học
2. Nhiệm vụ của ngôn ngữ học. Các ngành, các bộ môn của nó
Nhiệm vụ của ngôn ngữ học là:
 Phải miêu tả và làm lịch sử cho tất cả các ngôn ngữ, các ngữ tộc mà nó với
tới
 Phải tìm ra những quy luật thường xuyên và phổ biến trong các ngôn ngữ,
rút ra những quy luật khái quát có thể giải thích tất cả các hiện tượng đặc biệt.
Nhiệm vụ đa dạng và phức tạp trên đây của ngôn ngữ học sẽ được thực hiện
trong các ngành, các bộ môn ngôn ngữ học khác nhau.
Trước hết, người ta phân biệt hai ngành ngôn ngữ học: ngôn ngữ học lịch
sử và ngôn ngữ học miêu tả. Ngôn ngữ học lịch sử nghiên cứu ngôn ngữ trong sự
phát triển lịch sử của nó, còn ngôn ngữ học miêu tả nghiên cứu một trạng thái nào
đó của ngôn ngữ. Sự phân biệt ngôn ngữ học lịch sử với ngôn ngữ học miêu tả bắt
nguồn từ sự đối lập giữađồng đại và lịch đại.

Đồng đại là trục những hiện tượng đồng thời (AB), liên quan đến những sự vật
đang cùng tồn tại, loại trừ mọi sự can thiệp của thời gian. Lịch đại là trực của
những hiện tượng kế tục (CD), trên đó bao giờ cũng chỉ có thể xét một sự vật
trong một lúc mà thôi, nhưng trên đó có tất cả những sự vật của trục thứ nhất với
những sự thay đổi của nó. F.Saussure so sánh đồng đại và lịch đại với nhát cắt
ngang và nhát cắt dọc một thân cây: khi cắt dọc, ta trông thấy bản thân các thớ gỗ
làm thành thân cây, còn khi cắt ngang ta thấy cách tập hợp các thớ đó trên một
bình diện đặc biệt. Nhưng cách cắt thứ hai khác cách cắt thứ nhất vì nó cho thấy rõ
giữa các thớ có một số quan hệ mà khi cắt dọc không thể nào trông thấy được.
Cần phân biệt đồng đại và lịch đại, nhưng không nên đối lập chúng một cách
tuyệt đối. Cả trong trạng thái hiện tại lẫn trong trạng thái quá khứ, ngôn ngữ bao
giờ cũng là một hệ thống. Cần phải nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ cả trong
mối liên hệ lẫn nhau lẫn trong trong sự phát triển một cách đồng thời. Trong mỗi
trạng thái ngôn ngữ, cần vạch ra những hiện tượng đang lùi vào quá khứ và những
hiện tượng đang xuất hiện trên cái nền của những hiện tượng ổn định, có tính


chuẩn mực đối với trạng thái ngôn ngữ đó.
Ngôn ngữ gồm ba bộ phận là ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Trên cơ sở đó,
hình thành ba bộ môn ngôn ngữ học khác nhau: ngữ âm học, từ vựng học và ngữ
pháp học.
Ngữ âm học là bộ môn nghiên cứu mặt âm thanh của ngôn ngữ. Ngữ âm có mặt
tự nhiên và mặt xã hội của nó. Mặt tự nhiên của ngữ âm là những thuộc tính về âm
học (cao độ, trường độ, âm sắc ) và những thuộc tính về cấu âm (hoạt động của
bộ máy hô hấp và chuyển động của các cơ quan phát âm như môi, lưỡi tạo ra
một âm nào đó) của chúng. Mặt xã hội hay chức năng của ngữ âm là những quy
định, những giá trị mà cộng đồng người sử dụng chung một ngôn ngữ gán cho các
đặc trưng âm thanh. Ngữ âm học nghiên cứu toàn bộ phương tiện ngữ âm trong tất
cả những hình thái và chức năng của nó và mối liên hệ giữa hình thức âm thanh và
chữ viết của ngôn ngữ.
Từ vựng học là bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu các từ và các đơn vị tương
đương với từ (cụm từ cố định, thành ngữ, quán ngữ) trong các ngôn ngữ. Nội dung
của từ vựng học rất phong phú và đa dạng, do đó đã hình thành một số phân môn
như từ nguyên học, ngữ nghĩa học, danh học và từ điển học.
Ngữ pháp học là một bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu các hình thức biến đổi
từ, các mô hình kết hợp từ và các kiểu câu trong sự trừu tượng hoá khỏi ý nghĩa
vật chất cụ thể (ý nghĩa từ vựng) của các từ, cụm từ và câu. Nói cách khác, ngữ
pháp học nghiên cứu cách thức và phương tiện cấu tạo từ và câu. Ngữ pháp học
bao gồm Từ pháp học và Cú pháp học. Từ pháp học nghiên cứu các phương diện
cấu tạo từ. Cú pháp học nghiên cứu các cụm từ và câu.


×