Lòng biết ơn và ranh giới giữa thiên đường, trần
gian và địa ngục
*Photo: Monterey Bay Holistic Alliance
Thiên đường là nơi tất cả mọi người đều trân trọng và biết ơn những gì họ có, biết ơn những gì
người khác làm cho họ dù ít hay nhiều. Địa ngục là nơi tất cả mọi người than vãn vì những điều họ
không có hay đã mất đi, nơi ai ai cũng đều lấy oán trả ơn, nơi người ta vì đau khổ mà gây thêm đau
khổ. Chúng ta ở trần gian, nơi lưng chừng giữa thiên đường và địa ngục. Vậy ta chọn đi lên hay đi
xuống?
Địa ngục – khổ vì không biết ơn
Không biết ơn, hay là không trân trọng những gì mình đang có, không nhớ và cảm kích những gì
người khác làm cho mình. Điều đó không chỉ làm cho bản thân ta khổ mà còn làm buồn, khổ những
người chẳng may tiếp xúc với ta.
Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này: Có một anh nhà giàu nọ rất hay làm từ thiện, hàng tuần
anh ta đều phát cơm, phát gạo cho những người nghèo khổ trong vùng. Người ta rất vui vẻ và tôn
xưng anh là đại thiện nhân, cũng như rất vui vẻ mỗi lần đến lãnh gạo. Rồi anh làm ăn thất bại, phải
bán đi phần lớn gia sản, tuy không đến nỗi nghèo nàn nhưng gia cảnh không còn được như xưa.
Anh không thể nào tổ chức bố thí, phát cơm, phát gạo như trước nữa. Thế là những người dân
từng nhận bố thí kia lại quay sang trách mắng, chửi rủa anh là kẻ keo kiệt. Họ nói xấu về anh và
không thèm nhìn mặt anh mỗi khi anh xuất hiện trên phố… Vậy đó, cho họ ăn hàng ngày họ không
nhớ, mà chỉ cần thiếu một ngày là họ nhớ ngay.
Làm người cũng vậy, bạn sống tốt thì không mấy ai khen, có khen cũng chẳng thật lòng, thậm chí
có người còn mang nghi ngờ xem bạn có phải “đạo đức giả” hay không. Bạn làm trăm việc tốt cũng
không bằng lộ ra một việc xấu. Bạn nói lời nhỏ nhẹ họ nghe quen, đến khi chửi thề một tiếng họ bảo
luôn “thằng mất dạy”.
Những điều đó làm nên địa ngục, chúng ta đang tạo ra một địa ngục xung quanh nhau. Và hơn nữa,
ta còn tạo ra địa ngục trong bản thân mình. Ta luôn đau khổ vì những gì không đạt được, những thứ
không có chứ chẳng bao giờ thấy hài lòng vì những gì mình đang có trong tay.
Thiên đường – nơi của lòng biết ơn và trân trọng
Ralph Marston nói như thế này:
“Bạn tặng cho ai đó một món quà, và họ chẳng thèm cảm ơn, vậy bạn có
muốn tiếp tục tặng quà cho họ không? Cuộc sống này cũng vậy. Nếu bạn
muốn nhận được nhiều điều tuyệt vời mà cuộc đời có thể ban tặng, bạn
phải thành thật biết ơn những gì cuộc đời đã ban cho.”
Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện khác: Hôm qua là một ngày xui xẻo đáng ghét của tôi. Hơn 1
giờ sáng mà tôi vẫn chưa biết mình sẽ viết gì, nên kết quả là đến 3 giờ tôi mới viết xong. Điều đó
làm tôi ngủ quên tới hơn 7 giờ 30 và đi làm muộn 1 tiếng. Đến khi về tôi phát hiện bánh xe của mình
xẹp lép tự bao giờ. Vá xe xong, về nhà tôi thấy ngay hóa đơn tiền điện, tiền internet khi chưa kịp
lãnh lương. Vừa ngồi xuống ghế xoa đầu thì người yêu gọi điện hủy cuộc hẹn… Tôi tự hỏi đã bao
giờ trong cuộc đời mình gặp nhiều chuyện xui rủi, không như ý đến vậy chưa?!
Rồi tôi cũng bình tâm mà nghĩ: Tôi thức đến 3 giờ sáng nhưng vẫn viết xong bài, tôi viết được – đó
là hạnh phúc! Tôi đi làm muộn nhưng vẫn không bị ai la mắng hay trễ nải công việc – đó là may
mắn! Tôi phải đi vá xe nhưng điều may mắn là tôi có xe, và có tiền vá xe, và có cả tiệm vá xe gần
đó! Tuyệt vời! Tôi phải trả tiền điện, tiền net chứng tỏ hàng tháng tôi vẫn hưởng thụ những dịch vụ
đó, hiện giờ chưa có tiền nhưng rồi sẽ có thôi! Người yêu hủy hẹn?! Điều may mắn là có người yêu,
không phải sao! Vì sao tôi lại không thấy may mắn, hạnh phúc như thế ngay từ đầu? Vì tôi chỉ nhìn
thấy cái mất, cái thiếu mà không thấy cái mình đang có!
“Khi một người cảm thấy hạnh phúc vì có thể hít thở, hạnh phúc trong
từng hơi thở, thì chẳng có gì trên đời khiến họ cảm thấy bất hạnh được
nữa.” – Nhất Bảo
Trần gian hỗn tạp
Khi ta biết ơn những gì mình đang có, những gì được trao tặng, biết ơn người khác vì những gì họ
mang đến cho ta, ta đang sống trong thiên đường của chính mình. Nhưng muốn xã hội này trở
thành thiên đường, thì mỗi con người trong đó đều phải biết ơn và trân trọng.
Tôi cũng hay thích giúp người này người nọ, chỉ bằng cách cho họ lời khuyên hay chỉ bảo cái này
cái nọ trong khả năng của mình. Tôi chỉ khuyên khi người ta hỏi hoặc tôi xem người đó thật sự thân
thiết với mình. Thấy ai chịu nghe tôi mới nói còn người lạ nhiều khi cũng không dám nói nhiều đâu.
Đôi lúc có người hỏi về cuộc sống, tình yêu, gia đình… thậm chí có bạn nhờ tôi giải bài tập hay dịch
giúp vài đoạn tiếng Anh tôi cũng không ngại.
Có điều trong một vài trường hợp, tôi thật thấm thía câu “làm ơn mắc oán” khi có một số người tôi
đã giúp đỡ, đã quen biết nhau, đã từng khá thân thiết với nhau lại quay ra nói xấu, không nhìn mặt
tôi trong khi tôi chưa từng làm chuyện gì xúc phạm đến họ. Có lẽ họ bỗng dưng “ghét cái thái độ”
lên mặt dạy đời của tôi chăng? Hay họ ghét cách tôi phê phán các lề thói “phong trào” mà họ luôn
có mặt trong đó? Và tôi thấy mình vẫn đang ở trần gian – nơi người ta căm ghét nhau thì dễ mà trân
trọng nhau thì khó!
Trần gian lúc nào cũng có thể thành thiên đường hay thành địa ngục, tất cả đều là ở lòng biết ơn
của những con người sống trong đó! Hãy luyện tập bằng cách ghi ra những điều mà bạn biết ơn
cuộc sống này, những người mà bạn biết ơn họ vì điều gì đó, hãy đọc danh sách đó mỗi ngày và bổ
sung nó trong suốt cuộc đời hạnh phúc của bạn!
“Điều đáng quý nhất ở mỗi con người là lòng biết ơn. Thứ đáng quý nhất
mà một người có thể cho đi là thời gian của họ.” – Nhất Bảo
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo