LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS Nguyễn Văn Long, người thầy
đã nhiệt tình, tận tâm trong quá trình hướng dẫn tôi hoàn thành luận văn tốt
nghiệp này.
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu, tập thể thầy cô giáo khoa
Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phòng sau đại học đã tận tình giúp
đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Và tôi cũng xin cảm ơn những người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã khích
lệ, giúp đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình học tập.
Xin trân trọng cảm ơn.!.
Hà Nội, tháng 10 năm 2013
Tác giả luận văn
Hoàng Thị Nhiệm
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975, đặc biệt là từ cao trào Đổi mới 1986
đến nay đã có sự biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện góp phần làm nên diện mạo
của một giai đoạn văn học mới. Trong dòng mạch đó, mỗi nhà tiểu thuyết lại lựa
chọn cho mình một lối đi riêng. Có người tìm đến những cách tân mang dấu ấn hậu
hiện đại khiến người đọc sững sờ với những cuộc chơi kết cấu, chơi nhân vật đầy ấn
tượng, người khác lại tìm về để làm mới cái khung truyền thống với quan niệm
“mới về tư tưởng quan trọng hơn”… Nhưng tất cả đều hướng tới sự kiếm tìm
những giá trị văn chương khác lạ để đưa nền văn học nước nhà tiến lên một tầm cao
mới. Công cuộc đổi mới văn chương ấy đã và đang tiếp tục diễn ra với sự tiếp nối
của nhiều thế hệ nhà văn từ những người đóng vai trò tiên phong, mở đường như
Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Khải đến những người từng gây sóng gió văn
đàn như Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp… và
một lớp nhà văn đương đại vẫn đang mở cho mình những lối đi riêng để khẳng định
bản thân với khao khát vượt qua những gì người đi trước đã tạo dựng như Tạ Duy
Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Thuận, Võ Thị Hảo, Đặng Thân… Trong
các gương mặt văn xuôi này, Nguyễn Xuân Khánh nổi bật lên như một hiện tượng
đặc biệt của thập niên đầu thế kỉ XXI. Đặc biệt không chỉ ở chỗ ông là nhà văn cao
tuổi nhất nhận được nhiều giải thưởng nhất của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà
văn Hà Nội cho ba cuốn tiểu thuyết được xuất bản từ năm 2000 đến 2011 là Hồ
Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa mà còn ở chỗ tác phẩm của ông đã
thu hút được sự chú ý khá lớn từ phía người đọc (tới năm 2012, số lần tái bản của
Hồ Quý Ly là mười, Mẫu Thượng ngàn là sáu, còn Đội gạo lên chùa mới xuất
hiện vào 2011 đã in lại đến lần thứ tư dù rằng mỗi cuốn đều dày tới hơn tám trăm
trang sách thiết tưởng dễ gây ngại ngần với những độc giả thời hiện đại). Cái tạo
nên sức hấp dẫn riêng của Nguyễn Xuân Khánh trong đời sống văn học đương đại
không chỉ thể hiện ở những thành tích ấy mà quan trọng hơn là ở bút lực dồi dào
của một nhà văn từng trải bao thăng trầm của đời và nghề. Với ba tiểu thuyết nói
1
trên, Nguyễn Xuân Khánh xứng đáng là một trong những gương mặt nổi bật nhất
của văn xuôi Việt Nam trong những năm đầu của thế kỉ XXI. Do đó, việc tìm hiểu,
nghiên cứu những nét đặc sắc trong nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của
tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh đã, đang và sẽ còn thu hút sự quan tâm của nhiều
độc giả và giới nghiên cứu, phê bình văn học.
1.2. Một trong những thành công đặc sắc nhất làm nên sức hấp dẫn của tiểu
thuyết Nguyễn Xuân Khánh là sự “mới về tư tưởng” mà chất triết luận là một yếu tố
khá nổi bật trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Đây chính là yếu tố quan trọng
góp phần tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Cái sức
hút không đến từ một hình thức nghệ thuật tân kì mà đến từ nội dung tư tưởng mới
mẻ được thể hiện ở sự luận giải, gửi gắm những triết lý về lịch sử, văn hóa, tôn
giáo, con người theo cách riêng của nhà văn.
1.3. Việc nghiên cứu chất triết luận trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh sẽ
giúp người đọc thấy được sự gia nhập của nhà văn vào một khuynh hướng phát
triển khá mạnh của văn xuôi Việt Nam sau 1975 - khuynh hướng triết luận – một xu
hướng phù hợp với yêu cầu của xã hội đương đại với nhiều vấn đề cấp thiết cần
được nhìn nhận thấu đáo và đề xuất cách giải quyết hợp lý. Nhưng khuynh hướng
văn học này quả thực là một thách thức không nhỏ đối với người cầm bút bởi triết
luận thế nào cho sâu sắc, sử dụng các phương thức nghệ thuật nào để tác phẩm vẫn
giàu chất văn chương chứ không sa vào sự luận giải khô khan không phải là dễ
dàng. Nó đòi hỏi ở nhà văn một sự “thông thái”, một bản lĩnh nghệ thuật vững
vàng – những yếu tố cơ bản của một nhà văn lớn.
Nhận thấy, việc tìm hiểu chất triết luận trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân
Khánh là một hướng tìm tòi có triển vọng hứa hẹn đem đến nhiều khám phá thú vị
về chiều sâu tư duy tiểu thuyết của nhà văn - cái mạch ngầm chi phối cách kết cấu
tác phẩm, cách tổ chức, sắp xếp các sự kiện, cách lựa chọn và xây dựng nhân vật,
giọng điệu tác phẩm nên người viết mạnh dạn lựa chọn đây là nội dung nghiên
cứu của đề tài.
2
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Khuynh hướng triết luận trong văn học Việt Nam đã có sự phát triển khá
mạnh mẽ trong văn xuôi từ thời kì đổi mới đến nay. Do đó, tìm hiểu về chất triết
luận trong các tác phẩm văn chương đã trở thành một hướng tìm tòi, nghiên cứu của
nhiều bài viết và công trình nghiên cứu lớn nhỏ khác nhau. Cuốn khảo cứu Triết lý
văn hóa và triết luận văn chương của Hoàng Ngọc Hiến có thể coi như sự tìm hiểu
một cách khái quát về mối quan hệ song hành giữa văn học và triết học. Còn các
luận văn như Triết luận trong truyện ngắn Nguyễn Khải (Nguyễn Thị Huấn – Luận
văn thạc sĩ Ngữ văn – ĐHSPHN 2002), Yếu tố triết luận trong thơ Nguyễn Duy (Lê
Trâm Anh - Luận văn thạc sĩ Ngữ văn – ĐHSPHN 2007), Chất triết luận trong
trường ca Thanh Thảo (Hoàng Thị Thu Hương - Luận văn thạc sĩ Ngữ văn –
ĐHSPHN 2009), Từ cảm hứng triết luận – tôn giáo đến thế giới nhân vật trong Đội
gạo lên chùa (Nguyễn Thị Mai Hương – Luận văn thạc sĩ Ngữ văn – ĐHSPHN
2012) chính là những công trình mà người viết đã đi sâu tìm hiểu sự thể hiện của
chất triết luận trong sáng tác của các tác giả cụ thể để làm rõ những tư tưởng mới
mẻ của những nghệ sĩ ngôn từ trong việc khái quát các vấn đề của cuộc sống. Luận
văn Chất triết luận trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh của chúng tôi chính là
sự tiếp nối mạch nghiên cứu nhiều triển vọng nói trên.
2.2. Ba tiểu thuyết ra đời kế tiếp nhau Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội
gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh là đề tài bàn luận và tìm hiểu sôi nổi của
truyền thông và giới phê bình chuyên sâu trong hơn mười năm nay. Đặc biệt là vào
ngày 15/10/2012, nhân dịp nhà văn bước sang tuổi 80, Viện Văn học phối hợp với
Nhà xuất bản Phụ nữ đã tổ chức cuộc hội thảo: “Lịch sử và văn hóa trong tiểu
thuyết Nguyễn Xuân Khánh”. Cũng nhân dịp này, cuốn sách tập hợp các bài viết
của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín mang tên Lịch sử và văn hóa – Cái nhìn nghệ
thuật Nguyễn Xuân Khánh đã được xuất bản nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu tìm
hiểu của độc giả về ba tiểu thuyết của nhà văn cao niên này. Bên cạnh đó, tiểu
thuyết của ông cũng đã trở thành đối tượng nghiên cứu của khá nhiều công trình
nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên ở các trường đại học trong cả nước.
3
Điểm thống nhất trong các bài viết, các đề tài nghiên cứu về tiểu thuyết Nguyễn
Xuân Khánh đó là việc chỉ ra nội dung xuyên suốt trong các tác phẩm của ông là sự
suy tư về tinh thần dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc trong những thời điểm nhạy cảm
của lịch sử, từ đó gợi ra những suy nghĩ thiết thực với cuộc sống đương đại.
Các nhà nghiên cứu đã thể hiện sự tiếp cận đa chiều với tiểu thuyết Nguyễn
Xuân Khánh. Có hướng tiếp cận thiên về tìm hiểu những đặc điểm hình thức nghệ
thuật như kết cấu, cốt truyện, sự đổi mới trong nguyên tắc trần thuật… Nhà nghiên
cứu Bùi Việt Thắng trong bài viết Tiếp cận tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ
phương diện kết cấu thể loại đã chỉ ra “hợp xướng nhiều bè”, “hòa âm lịch sử và
tâm lí” là những đặc điểm kết cấu tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Còn Thái Phan
Vàng Anh khi tìm hiểu Tính đối thoại trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh đã
khẳng định “Nguyễn Xuân Khánh đã làm giàu tính đối thoại của tiểu thuyết, khẳng
định sức sống của tiểu thuyết lịch sử cùng những câu chuyện của quá khứ cho đến
nay vẫn chưa hề kết thúc”[11;86]. Hay luận văn thạc sĩ của Phạm Thị Hải Vân lại
tập trung vào vấn đề Cốt truyện trong Mẫu Thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh
theo quan điểm của Tomasevski đã nhận thấy tính chất “nhiều tầng bậc, đa cấp độ”
là đặc điểm cơ bản của nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong Mẫu Thượng ngàn… Có
hướng ghi nhận các tác phẩm của nhà văn từ nỗ lực làm mới thể loại tiểu thuyết lịch
sử như Trung Trung Đỉnh ngay khi Hồ Quý Ly mới được công bố đã khẳng định
chắc chắn rằng đó là “một giải pháp mới cho tiểu thuyết lịch sử nước nhà” [12], còn
nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình và Đỗ Hải Ninh lại thống nhất ý kiến coi Nguyễn
Xuân Khánh là “người tự do trên sân chơi tiểu thuyết lịch sử”[11;410] , “Trong Hồ
Quý Ly và Mẫu Thượng ngàn, cách xử lí lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh khá tự do
và đầy tính chủ quan”[11;91]… Có người lại đứng từ góc nhìn văn hóa để nhận ra
vẻ đẹp, giá trị văn chương Nguyễn Xuân Khánh. Bài viết của Trần Thị An Sức ám
ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu Thượng ngàn đã chỉ ra những
yếu tố tín ngưỡng dân gian trong tác phẩm như tục thờ cúng bách thần và vật linh,
tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời cắt nghĩa các yếu tố đó như
những “nội lực cố kết cộng đồng”, “phản lực tự vệ của một dân tộc” hay “vô thức
4
cộng đồng cần khai phóng”, để từ đó đi đến nhận định “Tìm hằng số văn hóa người
Việt trong tín ngưỡng dân gian ở văn hóa làng và liên làng, Nguyễn Xuân Khánh đã
thực sự tìm cho mình một lối nẻo mới. Nếu Hồ Quý Ly là việc nhìn nhận vai trò của
cá nhân với lịch sử thì Mẫu Thượng ngàn nhìn nhận vai trò của cộng đồng như một
nền tảng mà từ đó, cá nhân mới có cơ hội để bứt phá. Nhưng cộng đồng, với sự
đồng thuận và mù quáng đặc trưng của tâm lí đám đông, lại dựa vào tín ngưỡng dân
gian với tất cả sức mạnh và sức ỳ của nó, với tác dụng cố kết cộng đồng cũng như
tác hại cản trở đối với sự phát triển của nó, quả là có nhiều giới hạn. Nhận diện để
khai phóng nguồn sức mạnh đó là một vấn đề quan thiết cho vận mệnh dân tộc hôm
nay”[11;353]. Ngoài ra, có những nhà nghiên cứu khác đi sâu tìm hiểu một hoặc
một vài yếu tố văn hóa nổi bật trong các tác phẩm Nguyễn Xuân Khánh như các bài
viết Mẫu Thượng ngàn – Con đường tìm về cội nguồn văn hóa và sức sống dân tộc
(Nguyễn Văn Long – Lê Thị Thủy), Tiểu thuyết như một tham khảo Phật giáo, Tiểu
thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn văn hóa (Mai Anh Tuấn), Tiểu thuyết
Nguyễn Xuân Khánh, sự đan bện giữa lịch sử và văn hóa – phong tục (Phạm Hoài
Nam), Đội gạo lên chùa – một cách hiểu về Phật tính (Nguyễn Thị Bình) hay Đội
gạo lên chùa – Sự đối đầu giữa các giá trị văn hóa (Phan Trọng Hoàng Linh), đi
sâu hơn cả là luận văn thạc sĩ Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn văn hóa
(ĐHSPHN, 2012) của Tống Thị Hạnh Chi…
Dù tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh đã trở thành trọng tâm nghiên cứu của
nhiều bài viết, luận văn song hầu như chưa có bài viết nào chọn chất triết luận làm
nội dung chủ đạo mà mới chỉ dừng lại ở sự gợi mở ý hướng tìm tòi sâu sắc hơn cho
những nghiên cứu về sau. Chẳng hạn, trong bài viết Tiểu thuyết Nguyễn Xuân
Khánh, một diễn ngôn về lịch sử và văn hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp
cho rằng “cái nhân lõi thu hút người đọc chính là cách lý giải lịch sử của nhà văn”
[11;21], còn Đỗ Hải Ninh trong Quan niệm về lịch sử trong tiểu thuyết Nguyễn
Xuân Khánh nói rõ hơn “bức tranh lịch sử không mang giá trị tự thân, nghĩa là
không nhằm tái hiện chân thực thời đại lịch sử. Nguyễn Xuân Khánh chỉ mượn nó
làm phương tiện để chuyển tải kinh nghiệm, suy ngẫm và triết lý của mình”[11;91],
5
Đoàn Ánh Dương nhận định “Nhà văn đã từ chối lối tự sự đã bị trượt nghĩa và rỗng
nghĩa của những diễn giải lịch sử chính thức/ chính thống để tìm đến hình thức diễn
ngôn khác nhằm tạo nên những diễn giải lịch sử của riêng mình, qua đó, trình bày
các kiến giải về dân tộc và tương lai của dân tộc” [11;100], Mai Anh Tuấn cho rằng
“Chính trong sự vạm vỡ dung lượng chữ nghĩa, nhà văn đã có thể tiến hành đại
nghị, triết luận về các khát khao ẩn ngầm của thời đại” [11;210]… Trực tiếp đi theo
hướng nghiên cứu này là luận văn thạc sĩ Từ cảm hứng triết luận – tôn giáo đến thế
giới nhân vật trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh
(ĐHSPHN, 2012) của Nguyễn Thị Mai Hương. Ở luận văn này, người viết đã đi sâu
tìm hiểu cảm hứng triết luận về tôn giáo, cụ thể là Phật giáo trên hai phương diện
“Phật giáo là một lối sống” và “Phật giáo như một giáo lý” để chỉ ra bài học sâu sắc
cho con người trong cuộc sống hiện đại là bài học về lối sống Phật giáo “lối sống từ
bi, độ lượng, không sân hận, chấp trước để từ đó đạt được cái Tâm tốt đẹp, tránh
được cái Nghiệp xấu của cuộc đời” [19;40]. Tuy nhiên, triết luận về tôn giáo (Phật
giáo) cũng mới là một trong số những nội dung triết luận mà tiểu thuyết Nguyễn
Xuân Khánh thể hiện; bên cạnh đó, tác giả còn quan tâm triết luận về lịch sử, về dân
tộc, về con người, về cả những tôn giáo khác như Nho giáo, Đạo giáo, Đạo Mẫu và
Thiên Chúa giáo.
Điểm qua vài nét khái quát về tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Nguyễn Xuân
Khánh, chúng tôi thấy rằng vấn đề triết luận trong tiểu thuyết của nhà văn đã ít
nhiều thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có một
công trình nào mà người viết xem chất triết luận trong cả ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly,
Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa là đối tượng nghiên cứu chính để tìm hiểu
một cách toàn diện, thấu đáo, có hệ thống xuyên suốt. Chúng tôi xem những ý kiến
của người đi trước là những gợi mở quan trọng giúp chúng tôi thực hiện đề tài này.
3. Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu: Sự biểu hiện của chất triết luận trong tiểu thuyết
Nguyễn Xuân Khánh trên cả hai phương diện nội dung và phương thức biểu đạt là
trọng tâm nghiên cứu của đề tài.
6
3.2. Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu chủ yếu tập trung vào ba tiểu
thuyết xuất bản từ năm 2000 đến nay của Nguyễn Xuân Khánh là Hồ Quý Ly, Mẫu
Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa.
3.3. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành luận văn, chúng tôi đã vận dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp khảo sát, thống kê được chúng tôi sử dụng để thống kê các
câu văn, câu thoại mang nội dung triết lí, chiêm nghiệm trong ba tiểu thuyết.
- Phương pháp phân tích tác phẩm văn học, so sánh văn học: Chúng tôi vận
dụng phương pháp phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại để làm nổi bật tư
tưởng triết luận của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thể hiện qua ba tác phẩm; sử
dụng phương pháp so sánh để làm nổi bật tư tưởng riêng thể hiện qua mỗi tác phẩm
của nhà văn, mặt khác so sánh với tư tưởng của một số nhà văn khác để thấy được
nét riêng trong quan niệm của Nguyễn Xuân Khánh.
- Phương pháp tiếp cận liên ngành: Để làm rõ chất triết luận trong tiểu thuyết
Nguyễn Xuân Khánh, chúng tôi đã vận dụng kết hợp phương pháp tiếp cận liên
ngành, kết hợp văn học với triết học, văn hóa học…
4. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
4.1. Mục đích nghiên cứu: Tìm ra những nét đặc sắc trong tư tưởng nhà văn
Nguyễn Xuân Khánh khi luận giải những vấn đề về lịch sử, dân tộc, tôn giáo và con
người trong ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa để từ
đó khẳng định được sự sâu sắc, nhạy bén trong tư tưởng - nghệ thuật của ông.
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu: Chỉ ra được những tiền đề hình thành chất triết
luận trong tư duy tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh; Nhận diện và phân tích những
nội dung triết luận cơ bản trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh và những phương
thức nghệ thuật tác giả sử dụng để làm rõ nội dung triết luận đó; So sánh với chất
triết luận trong một số tác phẩm của một số nhà văn khác để thấy được nét đặc sắc
riêng có trong việc thể hiện tính chất này trong sáng tác của nhà văn.
7
5. Đóng góp của luận văn:
Với mục đích tìm hiểu sự biểu hiện của chất triết luận trong tiểu thuyết
Nguyễn Xuân Khánh, luận văn đã hệ thống hóa và phân tích các nội dung triết luận
trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh trên các bình diện dân tộc, lịch sử, văn hóa,
con người. Đồng thời chỉ ra những phương thức nghệ thuật biểu đạt chất triết luận
từ sự lựa chọn kết cấu tiểu thuyết, xây dựng nhân vật đến đặc điểm của ngôn ngữ và
giọng điệu triết luận trong các tác phẩm Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo
lên chùa. Từ đó, chúng tôi đã cố gắng làm rõ giá trị của tác phẩm Nguyễn Xuân
Khánh và những đóng góp của nhà văn trong đời sống văn học của dân tộc những
thập niên đầu thế kỉ XXI, nhất là trên lĩnh vực tiểu thuyết.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm ba chương chính:
Chương 1: Sơ lược về khuynh hướng triết luận trong văn học Việt Nam sau
1975 và những tiền đề của chất triết luận trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh
Chương 2: Những nội dung triết luận trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh
Chương 3: Những phương thức biểu đạt chất triết luận trong tiểu thuyết
Nguyễn Xuân Khánh
8
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: SƠ LƯỢC VỀ KHUYNH HƯỚNG TRIẾT LUẬN TRONG VĂN
HỌC VIỆT NAM SAU 1975 VÀ NHỮNG TIỀN ĐỀ CỦA CHẤT TRIẾT
LUẬN TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN XUÂN KHÁNH
1.1. Sơ lược về khuynh hướng triết luận trong văn học Việt Nam sau 1975
1.1.1. Triết luận trong văn chương
Xưa nay, văn học và triết học vốn có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau.
Thời trung đại, “văn – sử - triết”, “văn – triết” bất phân là một hiện tượng đặc thù
mà bản chất là sự đan xen trực tiếp của lối tư duy luận lý và lối tư duy hình tượng
trong một tác phẩm văn chương. Bước sang thời hiện đại, hiện tượng ấy đã cáo
chung, nhưng điều đó không có nghĩa là ý vị triết học đã hoàn toàn vắng bóng trong
những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Ngược lại, nó chuyển sang kiểu quan hệ gián
tiếp, tan biến vào hình tượng, cấu trúc tác phẩm. Văn học Việt Nam sau 1975, triết
luận nổi lên như một khuynh hướng văn học đang ngày càng thu hút sự chú ý của
nhiều cây bút muốn chiếm lĩnh hiện thực từ chiều sâu của sự nhận thức.
Nhìn từ góc độ chiết tự, “triết luận” là một từ ghép được hợp lại bởi hai
thành tố “triết” và “luận”. “Triết” là những gì liên quan đến triết học, triết lý.
“Luận” là bàn luận, lí giải, tranh biện. Như vậy, “triết luận” là bàn luận, lí giải để
đi đến kết quả là sự chiêm nghiệm về những vấn đề phổ quát của cuộc sống.
Từ đó, có thể hiểu, triết luận trong văn chương là khái niệm để chỉ khía cạnh
triết học tiềm ẩn và hiện diện trong một sáng tạo nghệ thuật nào đó. Nó gồm hai
thành tố cơ bản là “chủ đề triết luận” (nội dung) và “hình thức triết luận” (nghệ
thuật biểu hiện chất triết luận).
Triết luận trong văn chương chính là sự hòa quyện của tư tưởng triết học
trong hình thức và nội dung của tác phẩm văn chương; là sự giao thoa giữa lối tư
duy thiên về lí trí, trừu tượng của triết học và lối tư duy thiên về cảm xúc, hình
tượng của loại hình nghệ thuật ngôn từ. Triết luận nảy sinh từ nhu cầu gia tăng chất
trí tuệ, gia tăng lối tư duy lí tính cho mỗi tác phẩm văn chương. Điều đó có nghĩa là
nhà văn phải chuyển trung tâm chú ý từ “phản ánh hiện thực” sang “nghiền ngẫm
9
về hiện thực”, coi trọng sự xử lí chất liệu hiện thực ở bề sâu, gia tăng tính tư tưởng
cho tác phẩm, đem lại chiều sâu và giá trị phổ quát cho mỗi sinh thể nghệ thuật. Ở
những tác phẩm giàu chất triết luận, quan điểm, tư tưởng của nhà văn thấm sâu vào
mọi tầng bậc của tác phẩm, từ kết cấu, hình tượng đến ngôn ngữ, giọng điệu, nhiều khi
được bộc lộ qua những chiêm nghiệm, triết lý mà tác giả trực tiếp phát biểu qua những
lời trữ tình ngoại đề hoặc gửi vào lời nhân vật. Và chính những tư tưởng mới mẻ ấy
làm nên cái hồn cốt của tác phẩm tạo nên sức hấp dẫn riêng có của mỗi nhà văn.
Triết luận trong văn chương là sự khám phá quy luật của đời sống bằng tư duy
nghệ thuật, có nghĩa là nó gắn với những đặc trưng cơ bản của sáng tạo nghệ thuật,
sáng tạo văn chương. Thông qua thế giới hình tượng, người nghệ sĩ thể hiện những trải
nghiệm riêng, những kinh nghiệm về đời sống vừa có chiều sâu, vừa cụ thể, sinh động.
Nói cách khác, triết luận xuất phát từ nhu cầu nhận thức thực tại của chủ thể trên tinh
thần triết học. Yếu tố này càng trở nên sâu sắc trong sáng tác của những tác giả có nhiệt
hứng trao đổi và truyền bá tư tưởng, lập thuyết. Khi yếu tố này nổi bật lên như một đặc
trưng thì nó sẽ tạo nên nét riêng cho một diện mạo nghệ thuật, thậm chí, nó tạo nên một
phong cách sáng tạo, một cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
Đi tìm chất triết luận trong tác phẩm văn chương là tìm hiểu cách luận giải
của tác giả về những vấn đề lớn của đời sống và những nét đặc sắc nghệ thuật dung
chứa những triết lý sâu xa đó.
1.1.2. Sơ lược về khuynh hướng triết luận trong văn học Việt Nam sau 1975
So với giai đoạn 1945 – 1975, văn học Việt Nam sau 1975, nhất là từ cao
trào đổi mới 1986 đến nay đã có nhiều thay đổi quan trọng mang tính chất bước
ngoặt như thay đổi quan niệm về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, thay đổi
trong quan niệm nghệ thuật về con người… Và một trong những thay đổi cơ bản là
nền văn học chuyển từ việc chỉ sáng tác theo một khuynh hướng chủ yếu (khuynh
hướng sử thi) sang nhiều khuynh hướng sáng tác mới như khuynh hướng nhận thức
lại, khuynh hướng thế sự - đời tư, khuynh hướng triết luận… làm nên sự đa dạng,
phong phú cho diện mạo văn chương. Trong đó, khuynh hướng triết luận đang ngày
càng nổi lên như một mối quan tâm hàng đầu của đội ngũ những người sáng tác.
10
Đã từng có một thời người ta lấy “văn học phản ánh hiện thực” làm nguyên lí
sáng tác, coi tái hiện bức tranh hiện thực là mục đích của sự phản ánh nghệ thuật,
lấy tính hiện thực làm thước đo nghệ thuật, lấy tiêu chí chính trị để đánh giá con
người, cảm hứng sử thi là cảm hứng chủ đạo trong văn học… Nhưng, sau 1975, từ
sự “nhận thức lại”, người ta đã nhận ra rằng phản ánh hiện thực không thể là mục
đích cuối cùng của văn học nghệ thuật mà hiện thực chỉ là phương tiện để nhà văn
diễn tả những suy nghĩ, chiêm nghiệm, công bố những tư tưởng riêng từ đó đề cao
cách đánh giá của nhà văn về hiện thực; đồng thời, quan niệm về hiện thực cũng
được mở rộng đến tính toàn vẹn của nó, bên cạnh một hiện thực lịch sử còn có
những hiện thực khác là cái phức tạp, chưa biết hết, không thể biết hết… Do đó,
cảm hứng sử thi mờ nhạt dần, cảm hứng thế sự - đời tư, cảm hứng nhận thức lại và
cảm hứng triết luận ngày càng nổi bật lên. Nói về cảm hứng triết luận trong văn học
giai đoạn này, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Long đã nhận định “cảm hứng chiêm
nghiệm, triết lí – nơi bộc lộ những kinh nghiệm từng trải và nhu cầu nhận thức đời
sống từ các quy luật phổ quát… ý thức tự vấn thường trực góp phần làm cho cảm
hứng triết luận trở thành một nét phong cách quan trọng của văn xuôi đương đại”
[34; 243]. Đồng tình với ý kiến trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình khẳng định
“tăng cường tính triết luận là khuynh hướng nổi bật trong văn xuôi thời kì đổi
mới”[7;116]. Khuynh hướng triết luận coi trọng sự nghiền ngẫm, lí giải về hiện
thực, đề xuất những ý tưởng mới, cách nhìn mới vì “cái nhìn triết học bao giờ cũng
giúp cho sự nhận thức nghệ thuật có chiều sâu và giá trị phổ quát” [34; 247], đáp
ứng điều mà nhiều nhà văn thế hệ trước đã trăn trở “cái mà chúng ta thiếu hiện nay
là sự sâu sắc”(Thạch Lam) hay nỗi lo “những nhà văn đánh mất cái đầu và những
tác phẩm văn học đánh mất tư tưởng – nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo
mang tính khái quát cuộc đời riêng của từng nhà văn” [33;296]. Khuynh hướng này
đề cao vai trò của nhà văn, bên cạnh tư cách một người nghệ sĩ thì nhà văn còn hiện
lên với tư cách của một nhà tư tưởng.
Khuynh hướng triết luận trong văn học sau 1975 là sự tiếp nối mạch cảm
hứng triết luận trong văn chương truyền thống. Thời trung đại, mỗi tác phẩm là sự
11
hòa quyện của cả ba yếu tố “văn - sử - triết” nhằm hướng tới mục đích “ngôn chí”,
“tải đạo”, nên đọc tác phẩm người xưa thấy rất nhiều triết lí. Này là triết lí về lẽ
sống của trang nam nhi thời Trần được gửi gắm trong hình tượng người tráng sĩ
“hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu” (Cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông đã mấy
thu) đầy hào khí, này là sự khái quát đầy xót xa về nghịch lí của cuộc đời trong thơ
Nguyễn Trãi “Phượng những tiếc cao diều hãy liệng/ Hoa thì hay héo, cỏ thường
tươi” hay triết lí về lẽ đời đen bạc mà Nguyễn Bỉnh Khiêm chua xót nhận ra “Còn
bạc, còn tiền, còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”, khi lại là triết lí “tài mệnh
tương đố” đầy xót xa trong những câu thơ mở đầu “Truyện Kiều”:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Càng về cuối thời trung đại, hiện tượng văn - sử - triết bất phân càng nhạt
dần. Nhưng điều đó không có nghĩa là cái phẩm chất triết học trong tác phẩm mất đi
mà bước sang nền văn học hiện đại, nó còn được tiếp thêm luồng gió mới đến từ tư
tưởng triết học phương Tây. Sự thức tỉnh của cái tôi cá nhân là hạt nhân tinh thần cơ
bản mà văn hóa phương Tây đã đem tới cho tầng lớp trí thức nước ta những năm
đầu thế kỉ XX. Ý thức cá nhân trỗi dậy tất yếu sẽ dẫn tới nhu cầu phát biểu tư tưởng
riêng tích lũy được từ những trải nghiệm riêng của mỗi nghệ sĩ. Xuân Diệu nổi bật
với triết lí sống vội vàng đến cuống quýt, lúc nào cũng gấp gáp, vội vã với niềm
đam mê tận hưởng những thanh sắc, lạc thú của cuộc đời:
Mau đi thôi, mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn…
Còn Huy Cận thì thường đắm mình trong nỗi suy tư về cái hữu hạn, bé nhỏ,
lạc loài của kiếp người trước vũ trụ bao la, như:
Củi một cành khô lạc mấy dòng
12
Hàn Mặc Tử đi xa hơn đến sự cô đơn của cái tôi bản thể:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Chế Lan Viên thể hiện cái tôi mang màu sắc cô đơn triết học trong khát vọng
chạy trốn vào mộng tưởng, vào vũ trụ, vào quá khứ và vào ngay bản thể của mình.
Càng trốn chạy lại càng hoang mang vì không hiểu nổi chính sự tồn tại của mình:
Ai bảo giùm: ta có, có ta không?
Ở dòng văn học hiện thực phê phán, những tên tuổi lớn cũng gửi gắm trong
các tác phẩm những triết lí sâu sắc về cuộc đời dưới nhiều sắc thái: có cái cười vừa
chua chát vừa xót xa, đau đớn trước bao giá trị đạo đức đẹp đẽ của con người bị
băng hoại bởi đồng tiền trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan;
có cái khắc khoải thường trực của con người luôn day dứt vì sự “sống mòn” vô
nghĩa của bản thân khi bao ước vọng đều bị tan vỡ bởi nỗi dày vò của áo cơm, sự
suy tư về nhân tính trong tác phẩm Nam Cao…
Giai đoạn 1945 – 1975, cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc đã khiến cái tôi
công dân, cái tôi cộng đồng ở mỗi nhà văn, nhà thơ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ
hết. Chế Lan Viên nêu triết lý sống của một thời đại hào hùng, khi mỗi con người
sẵn sàng từ bỏ những băn khoăn trăn trở mang tính cá nhân, cá thể để hướng tới lối
sống vì cộng đồng:
Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt…
Ta vì ai? Khẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh
Hay:
Ôi, cái thuở lòng ta yêu Tổ quốc
Hạnh phúc nào chẳng hạnh phúc đầu tiên
Cả những câu thơ đúc kết quy luật nhân sinh có ý nghĩa phổ quát:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
13
Nếu kể một nhà văn ưa triết luận nhất của giai đoạn này thì phải khẳng định
ngay rằng đó chính là Nguyễn Khải. Những vấn đề mà nhà văn quan tâm phân tích,
lí giải là các vấn đề về đời sống cách mạng, tư tưởng chính trị, thể hiện qua các tác
phẩm “Tầm nhìn xa”, “Hãy đi xa hơn nữa”, các nhân vật của ông cũng thường là
những con người hay suy nghĩ, ưa tranh biện, triết lí.
Chiến thắng vĩ đại của mùa xuân 1975 đã mở ra một thời kì mới. Hòa bình
trở lại, con người trở về với cuộc sống đời thường – cái đời thường muôn màu
muôn vẻ với trắng đen, bi hài… lẫn lộn. Con người phải đối mặt với nhiều vấn đề
của cuộc sống, do đó họ cũng phải suy tư nhiều hơn. Với nhà văn sự suy tư ấy càng
phải sâu sắc hơn bởi họ là những con người nhạy cảm trước những vấn đề bức xúc
của thời đại. Nhiều giá trị từng được coi là chuẩn mực trong thời chiến giờ trở nên
lỗi thời, bị lung lay, rạn nứt bên cạnh nhiều giá trị mới được xác lập. Ý thức cá nhân
lại bừng dậy, nhu cầu công bố tư tưởng cá nhân trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nhất là từ thời kì đổi mới đến nay, nhu cầu bộc lộ những kiến giải mới về nhiều vấn
đề trong cuộc sống càng trở nên mạnh mẽ trong nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ. Chế
Lan Viên sau “bao năm hát giọng cao, giờ tôi hát giọng trầm” nêu lên một ước ao
giản dị của một con người đã đi qua bao thăng trầm của cuộc sống:
Cho tôi về với cành lau
Vàng vọ
Về với con trâu nghé ọ
Có cặp sừng bỡ ngỡ
Chiều buồn không biết cọ vào đâu?
Nguyễn Duy gửi gắm trong thơ biết bao triết lí thế sự sâu sắc, khi là cái nhỏ
bé của con người trước tình mẹ bao la:
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru
Khi lại là nỗi hối hận trước người cha một đời vất vả:
Ta đi mơ mộng trên trời
Để cha cuốc đất một đời chưa xong
14
Trong văn xuôi, hứng thú triết luận nổi lên mạnh mẽ từ những nhà văn lão
thành như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải… cho đến những nhà văn thuộc lớp
sau như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Phan Thị
Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư… Nội dung triết luận cũng được mở rộng tới những
vấn đề về nhân sinh, thế sự, lịch sử, niềm tin, tôn giáo Hình thức thể hiện rất
phong phú: qua các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn
1.1.3. Một vài đặc điểm của chất triết luận trong văn xuôi sau 1975
1.1.3.1. Nội dung triết luận phong phú
Trong văn xuôi giai đoạn 1945 – 1975, một số nhà văn (tiêu biểu là Nguyễn
Khải) đã có ý thức đưa chất triết luận vào tác phẩm, nhưng nội dung triết luận vẫn
còn bị giới hạn trong các vấn đề về đời sống cách mạng và tư tưởng chính trị. Từ
sau 1975 đến nay, cùng với sự nới rộng biên độ của hiện thực đến mức tưởng như
không có giới hạn nào chi phối thì nội dung triết luận được mở rộng đến tất cả các
vấn đề về nhân sinh, thế sự, lịch sử, niềm tin, tôn giáo
Cảm hứng nghiên cứu, phân tích về con người được coi trọng. Các nhà văn
đã có những phát hiện mới mẻ về con người. Vẫn tiếp tục mạch cảm hứng đi tìm
“hạt ngọc” tâm hồn ẩn giấu trong tâm hồn mỗi người, nhưng Nguyễn Minh Châu
sớm giã từ lối viết “minh họa”, từ chối những hình tượng nhân vật đẹp toàn vẹn của
một thời để đi đến khái quát sâu hơn về bản chất con người theo cảm quan triết học,
hướng con người tới sự thức tỉnh, tự nhận thức để hoàn thiện nhân cách qua rất
nhiều tác phẩm như Bức tranh, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa Nguyễn Khải
chiêm nghiệm, đúc kết về các quy luật nhân sinh thường hằng của con người như ý
nghĩa tồn tại của con người, mối quan hệ giữa con người với thời thế, về lối sống
văn hóa của con người qua rất nhiều truyện ngắn như Một người Hà Nội, Sống ở
đời, Danh dự, Một thời gió bụi, Nắng chiều, Má đào… Còn Lê Lựu, qua hình tượng
Giang Minh Sài trong Thời xa vắng, đã thể hiện một chiêm nghiệm rất sâu về bi
kịch của con người đánh mất mình vì luôn phải sống theo cách người khác muốn,
yêu cái mà người khác yêu, bị những qui chuẩn của cộng đồng đè bẹp… Hòa Vang
trong Nhân sứ đã triết luận sâu sắc về con người qua hình tượng Sa Tăng “nhạt
15
nhẽo là thuộc tính thứ nhất của con người”, “gồng gánh suốt đời là thuộc tính thứ
hai của con người”, biết ước mơ “về lại sông Lưu Sa xưa, làm một người thường
chài lưới trên sóng nước, chiều chiều thổi một ống tiêu, nhấp một ngụm rượu,
nướng con cá nhỏ, và đợi một người đàn bà, lấy vợ sinh con…”; Nguyễn Bình
Phương trong Thoạt kì thủy luận giải về hậu quả khôn lường khi con người ta được
nuôi dưỡng trong bầu không khí của bạo lực từ khi chưa ra đời, sự méo mó về nhân
tính khi con người được giáo dục bởi bạo lực và sự hủy diệt khi con người trở thành
hiện thân của bạo lực… Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh
Thái… triết luận về con người bất toàn, con người tính ác, con người phi lí với
mong muốn định lại các giá trị sống từ quan điểm nhân văn, nhân bản…
Bên cạnh mạch triết luận về con người, các nhà văn còn gửi gắm trong tác
phẩm những triết lí về nghệ thuật, về sáng tạo, về lịch sử, về niềm tin… Trong
truyện Giọt máu, Nguyễn Huy Thiệp thể hiện một quan niệm chưa từng có về văn
chương “Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành
bướm và hoa. Đó là chí thánh”, hay “văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn
chương hành nghề kiếm sống, có thứ văn chương sửa mình, có thứ văn chương trốn
đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn”, có khi lại là sự đúc kết về số phận
cô đơn của người nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo nghệ thuật “Thằng bé mơ hồ hiểu
rằng, học đòi văn chương là nó bước vào một cõi mà ở đấy, nó không thể nương tựa
vào bất cứ thứ gì, ngoài bản thân nó…”. Nguyễn Khải lại phát hiện ra một nghịch lí
“Cũng lạ nhỉ! Làm nghệ thuật dưới ánh điện chói lòa thì chỉ là một con bướm sặc sỡ
(…) Làm nghệ thuật trong cô đơn, trong bóng tối với rất nhiều buồn tủi thì lại đạt
tới cái thần diệu của một nghệ thuật đích thực” trong Truyện ngắn và tạp văn… Cả
những vấn đề về tôn giáo, về mối quan hệ giữa đạo và đời cũng được Nguyễn Khải
bộc lộ trong những suy ngẫm rất riêng nhằm đối thoại với những quan niệm đã trở
thành định kiến “Bảo rằng tôn giáo sinh ra do bạc nhược và ngu dốt chỉ đúng có
một phần. Tôn giáo cũng sẽ sinh ra khi con người đã tự ý thức như một chúa tể. Tôn
giáo sẽ biểu hiện như một thăng hoa chứ không còn là một công cụ của đe dọa và áp
bức. Nó sẽ thuộc phạm trù văn hóa chứ không thuộc phạm trù quyền lực như hiện
16
tại. Linh mục sẽ chăm sóc linh hồn con người như một nghệ sĩ chứ không phải như
một cảnh sát” (Thượng đế thì cười)…
Nhu cầu triết lí, chiêm nghiệm về các trạng thái nhân thế và các quan hệ xã
hội cũng được nhiều nhà văn quan tâm. Có thể nhận thấy điều này trong nhiều sáng
tác của Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, Không có vua…), Phạm Thị Hoài
(Thiên sứ, Tiệm may Sài Gòn…)…
Có thể nói rằng nội dung triết luận trong văn xuôi sau 1975, nhất là từ nửa
cuối những năm 1980 đến nay đã và đang tiếp tục mở rộng tới muôn mặt của đời
sống hiện thực phức tạp, đa chiều.
1.1.3.2. Vài phương thức nghệ thuật trong triết luận
Khái quát những tác phẩm đậm đà chất triết luận, chúng tôi thấy nổi bật lên
một số phương thức nghệ thuật thường được sử dụng như sau:
* Tính chất đối thoại
Tính đối thoại là một trong những đổi mới quan trọng của văn học sau 1975
khi tinh thần dân chủ lên cao trong văn học. Ở nhưng tác phẩm được gia tăng chất
triết luận, tính chất đối thoại lại càng nổi lên như một nguyên tắc quan trọng hàng
đầu. Nó được thể hiện trên nhiều bình diện, nhiều cấp độ từ quan niệm, tư tưởng
chung của nhà văn đến từng chi tiết, từng lời thoại…
Nhiều tác phẩm của Nguyễn Minh Châu là những đối thoại giữa các nguyên tắc
cộng đồng với đời sống cá nhân muôn vẻ để từ đó nhà văn triết luận về con người bất
toàn như Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành hoặc tạo ra sự va chạm
giữa các tiếng nói, các quan điểm khác nhau để thể hiện tư tưởng của nhà văn về mối
quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống như trong Chiếc thuyền ngoài xa… Những tác
phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, tính đối thoại thấm tới cả nghệ thuật với việc tạo dựng
hình tượng người kể chuyện không biết hết, không nói hết, không phán truyền chân
lí… Tính chất đa thanh cũng thể hiện rất rõ trong sáng tác của các nhà văn Phạm Thị
Hoài, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà… để triết luận về nhiều
vấn đề của cuộc sống
17
* Giọng trần thuật hướng nội, tự phân tích, tự phán xét
Đề cao kinh nghiệm cá nhân trong phát hiện, lí giải các vấn đề của hiện thực
nên có một điều dễ nhận thấy ở các tác phẩm giàu chất triết luận là nghệ thuật trần
thuật hướng nội. Các nhà văn thường tạo dựng những nhân vật xưng “tôi” để tự
nhìn ngắm, tự phân tích, tự phán xét, tự chiêm nghiệm, triết lí. Như trong truyện
ngắn Bức tranh, Nguyễn Minh Châu để người họa sĩ xưng “tôi” là người kể chuyện,
cũng đồng thời là người tự thú, tự vấn lương tâm để nhận ra rằng “trong con người
tôi đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác
quỷ” hoàn toàn khác với cách nhìn con người giản đơn thời trước.
* Giọng chiêm nghiệm, triết lí
Chiêm nghiệm, triết lí là một phương diện của chất triết luận nhằm hướng tới
sự khái quát nhận thức về một vấn đề của xã hội, nhân sinh. Nguyễn Khải triết lí rất
nhiều về tôn giáo, về nhân sinh, về sáng tạo nghệ thuật. Nguyễn Huy Thiệp lại thể
hiện trong truyện ngắn của ông biết bao triết lí về văn chương, về lịch sử, về văn
minh. Trong những tác phẩm của Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Hòa
Vang… tới những trang viết rất trong sáng, tinh tế, nhạy cảm, tưởng rất hồn nhiên
của Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần cũng chứa đựng
những ý vị triết lí bàng bạc, nhiều khi khá sâu sắc về con người, về nhân sinh.
1.2. Những tiền đề của chất triết luận trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh
Việc đưa yếu tố triết luận vào trong sáng tác văn chương không hề là vấn đề
đơn giản, nó đòi hỏi trước tiên nhà văn phải là một người có tài, có kiến thức khoa
học, xã hội uyên thâm, có một vốn sống dày dặn; sau nữa là ưa thích triết lí, có khả
năng tranh biện để công bố và thuyết phục bạn đọc về tư tưởng riêng của nhà văn.
Tìm hiểu sự hình thành cảm hứng triết luận trong sáng tác Nguyễn Xuân Khánh,
chúng tôi thấy nổi bật một số nhân tố cơ bản sau:
1.2.1. Cuộc đời, sự nghiệp
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933, tại làng Cổ Nhuế - Hà Nội.
Năm lên 6 tuổi, cha mất, ông đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Quê
hương và hình ảnh người mẹ đã in dấu đậm nét trong tâm hồn và tác phẩm của nhà
18
văn. Trở lại sau nhiều năm vắng bóng trong đời sống văn học bằng tiểu thuyết Hồ
Quý Ly, ngay trang mở đầu là dòng đề tặng rất trang trọng “Kính tặng mẹ, người
đàn bà vùng nam Thăng Long” như lời tri ân đến người mẹ và mảnh đất quê hương
thân thương của tác giả.
Đỗ tú tài Toán học xong, Nguyễn Xuân Khánh học Đại học Y khoa Hà Nội
hai năm (đến hết năm 1952) rồi ra vùng tự do tham gia cách mạng. Ông được phân
vào một đơn vị pháo binh đến 1954 dạy văn hóa tại trường Sĩ quan Lục quân rồi
chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1966, ông là phóng viên báo
Thiếu niên Tiền phong cho đến khi phải về hưu non vào năm 1973. Các tác phẩm:
Rừng sâu (1962 – tập truyện ngắn), và các tiểu thuyết: Miền hoang tưởng – 1990
(sau bị thu hồi và cấm xuất bản), Trư cuồng (công bố trên talawas), Hồ Quý Ly
(2000), Mẫu Thượng ngàn (2006), Đội gạo lên chùa (2011).
Nguyễn Xuân Khánh chính thức bước chân vào làng văn từ đầu năm 1959
với truyện ngắn Một đêm, đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số 2/1959, là tác
phẩm đạt giải Nhì (đợt 1, 1958, không có giải Nhất) cuộc thi viết về “đời sống bộ
đội trong hòa bình” của tạp chí. Những năm đầu trong chặng đường viết văn,
Nguyễn Xuân Khánh là một cây bút trẻ hăm hở, xông xáo với những môtip đề tài
quen thuộc về cuộc sống mới, anh bộ đội cụ Hồ… góp một thanh âm trong dàn
đồng ca của văn chương một thuở. Sau đó, những truyện ngắn nhà văn viết trong
giai đoạn 1958 – 1962 được tập hợp trong cuốn Rừng sâu. Vì tập truyện ngắn này
mà nhà văn bị kỉ luật về tư tưởng, bị quy là ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại ở Liên
Xô, làm thô thiển hóa chiến tranh rồi bị cấm bút. Bị coi là có vấn đề về tư tưởng
như vậy nên Nguyễn Xuân Khánh không thể tiếp tục làm công tác giáo dục tư
tưởng trong quân đội, ông giải ngũ và trở thành phóng viên báo Thiếu niên Tiền
phong. Một vài khác biệt về tư tưởng đã khiến nhà văn bước vào con đường nhiều
giông tố, nếm trải bao cay đắng của đời: mất việc làm, mất đảng tịch, về hưu non
khi mới khoảng bốn mươi tuổi (1973); nhà văn đã phải vật lộn với cuộc sống bằng
cách làm nhiều nghề để mưu sinh, từ những công việc “sang trọng” như dịch thuật
đến những việc bình dân như thợ may, thậm chí cả những việc bị coi là “mạt hạng”
19
như bán máu, nuôi lợn, gác nhà… Song niềm đam mê với văn chương chưa bao giờ
ngừng lại “Trong căn nhà lụp xụp lợp lốp cao su lẫn lá gồi lẫn giấy dầu, ông ngồi
viết. Trong căn nhà ẩm thấp bên hồ nước trong làng Thanh Nhàn phía Chợ Mơ, ông
ngồi viết. Trong ngôi nhà nghèo rỗng, tháng tháng phải cùng Dương Tường, Mạc
Lân,… đi bán máu kiếm tiền, ông ngồi viết” [11;251]. Chỉ có điều ngòi bút của ông
đã bắt đầu chuyển hướng “quyết định không đi theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ
nghĩa nữa mà theo cách của mình” [2]. Đó là lần điều chỉnh thứ nhất trong đời văn
Nguyễn Xuân Khánh. Nhà văn đã cởi bỏ bộ đồng phục văn chương, từ chối “trung
tâm” để dạt ra “ngoại biên” với những tác phẩm như “Miền hoang tưởng” (vốn có
tên “Hoang tưởng trắng”, bắt đầu viết từ 1971, đến 1990 mới cho in nhưng cũng
phải lấy bút danh Đào Nguyễn, rồi lại bị thu hồi, lên án), “Trư cuồng” (viết từ
1982) mà đến giờ giới văn chương chính thống vẫn chưa thể chấp nhận. Những tai
nạn văn chương ấy đã khiến nhà văn phải lao đao. Chặng đường đời gian nan đó
chắc chắn đã để lại nhiều trải nghiệm cho nhà văn. Những năm tháng ấy, nhà văn có
điều kiện tiếp xúc với những vẻ đẹp khuất lấp, những giá trị bị coi là bên lề để sau
này nhà văn ca ngợi đó là vẻ đẹp nữ tính, là sức sống của văn hóa dân gian, là thân
phận của con người mà lịch sử chính thống bỏ qua… Những năm tháng ấy cũng là
khoảng lặng trong đời văn mà tác giả đã dừng lại để nghiền ngẫm, trau dồi vốn lịch
sử, văn hóa dày dặn làm nền cho sự trở lại văn đàn với những cuốn tiểu thuyết đồ
sộ. Những sóng gió trong cuộc đời và văn nghiệp không những không đánh gục
được ngòi bút Nguyễn Xuân Khánh mà càng giúp nhà văn trau dồi bản lĩnh vững
vàng, cứng cỏi. Ở lần trở lại này, Nguyễn Xuân Khánh đã tự điều chỉnh ngòi bút
làm nên cuộc lội ngược dòng từ “ngoại biên” trở lại với “trung tâm” và ông đã nhận
được đầy đủ những vinh quang mà bất cứ nhà văn nào cũng ao ước: đạt nhiều giải
thưởng cao quý, sách được tái bản nhiều lần trong một thời gian ngắn cho thấy một
sự quan tâm nồng nhiệt của bạn đọc trong đời sống văn học không thật sự sôi động
như hiện nay. Ba tác phẩm Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn và Đội gạo lên chùa đã
chứng tỏ độ đằm chín của Nguyễn Xuân Khánh về nhiều mặt, không ham tìm đến
những cách tân táo bạo trong hình thức, không đề cập đến những vấn đề mang tính
20
chất nhạy cảm về chính trị như trong Miền hoang tưởng và Trư cuồng mà ông tìm
về lịch sử, lục tìm trong quá khứ, trong văn hóa dân tộc những gì có sức gợi đến
những vấn đề của thực tại làm điểm tựa cho những suy tư minh triết về dân tộc. Có
thể thấy rằng cái nhìn, sự trải nghiệm của một trí thức chịu nạn đã tạo chiều sâu cho
sự lí giải về nhiều vấn đề của đời sống nhân sinh trong tác phẩm của ông.
1.2.2. Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng, học thuyết triết học phương Đông và
phương Tây
Việc gia tăng chất triết luận trong tác phẩm văn chương đòi hỏi nhà văn
không chỉ có sự phong phú về vốn sống, dày dạn trong trải nghiệm mà còn phải có
tư tưởng riêng được soi rọi bởi ánh sáng của triết học. Nói về điều này, nhà nghiên
cứu Nguyễn Văn Long cho rằng “Trong xu hướng gia tăng chất triết luận của văn
xuôi từ thời kì đổi mới đến nay, có ảnh hưởng của nhiều nguồn tư tưởng, từ phương
Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại, nhưng nền tảng cơ bản của những
triết lý mang ý nghĩa tích cực vẫn là tư tưởng nhân bản” [33,65]. Với trường hợp
Nguyễn Xuân Khánh, chúng tôi thấy rằng, tư tưởng triết luận của nhà văn có cội
nguồn sâu xa từ những hiểu biết về Nho – Phật – Đạo của phương Đông và nhiều
học thuyết triết học phương Tây.
Nhìn về lịch sử, tư tưởng Nho – Phật – Đạo đã có ảnh hưởng sâu sắc tới đời
sống văn hóa dân tộc Việt hàng ngàn năm trước. Nho giáo là công cụ trị nước của
nhiều triều đại phong kiến, Phật giáo từng là quốc giáo ở thời Lý – Trần, còn Đạo
giáo, tuy vị thế khiêm nhường hơn nhưng triết lý “vô vi”, tư tưởng con người hòa
đồng với thiên nhiên cũng in đậm nét trong thơ văn của nhiều bậc đại nho như
Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Vì vậy, những dấu ấn của các hệ tư tưởng lớn
đó đã thẩm thấu rất sâu vào tâm hồn của đại bộ phận người Việt. Với Nguyễn Xuân
Khánh, ảnh hưởng của Phật giáo đến rất tự nhiên như ông đã từng tâm sự “Mẹ tôi
một năm có đi hầu đồng một hai lần. Tôi được cảm nhận không khí của đạo Mẫu,
đạo Phật từ thuở bé vì thường hay đi theo mẹ đến khắp các đình, chùa, miếu, mạo
Việt Nam”. Còn Nho học tuy đã tàn hơn trăm năm nhưng nhiều quan niệm của
Khổng giáo vẫn ăn sâu vào nếp nghĩ, cách hành xử của nhiều thế hệ người Việt,
21
nhất là lớp người thời Nguyễn Xuân Khánh. Hơn nữa, tìm về với đề tài lịch sử dân
tộc, nếu không am hiểu sâu sắc về các hệ tư tưởng này thì nhà văn sẽ không thể nào
dựng được sống động chân dung, tư tưởng của các nhân vật đã từng sống trong quá
khứ. Vì thế, việc tiếp nhận những ảnh hưởng của Nho – Phật – Đạo vừa rất tự nhiên
vừa là đòi hỏi bắt buộc của một nhà tiểu thuyết lịch sử Việt Nam.
Mặt khác, là nhà văn hiện đại, lại là một dịch giả chuyên dịch các sách triết
học và tâm lí học cho Viện Thông tin, Nguyễn Xuân Khánh không thể không am
tường về triết học phương Tây, nhất là những hệ thống triết học đã chi phối, định
hình quan điểm sáng tác văn chương, như triết học duy lý của Đề - các, Phân tâm
học của Phrớt hay quan niệm về chủ nghĩa “hậu thực dân”, triết học nhân bản…
Nhờ sự tiếp xúc sâu sắc với triết học phương Tây, Nguyễn Xuân Khánh đã có lối tư
duy phân tích, suy lý để truy cầu chân lí được khơi nguồn từ quan niệm “Tôi tư duy
tức tôi tồn tại” của người phương Tây để “tiến hành đại nghị, triết luận về các khát
khao ẩn ngầm của thời đại”[11;210].
Chính nhờ ảnh hưởng sâu xa của các hệ tư tưởng nói trên mà chất triết luận
trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh có được sự hòa quyện giữa lối tư duy sắc
bén, khoa học của phương Tây và sự thâm trầm của người phương Đông.
1.2.3. Xu hướng dân chủ hóa của thời đại, nhu cầu dân chủ hóa và hội nhập
trong đời sống tư tưởng và văn học
Từ sau 1975, xu thế dân chủ hóa được cổ vũ mạnh mẽ trong xã hội, nhất là
trong đời sống văn hóa, tư tưởng. Dân chủ hóa đã thấm sâu tới mọi lĩnh vực của đời
sống, trong đó có văn học, trở thành xu hướng vận động bao trùm của nền văn học.
Tinh thần dân chủ được thể hiện ở nhiều cấp độ và bình diện, từ các quan niệm về
nhà văn, về hiện thực, về vai trò, vị trí và chức năng của văn học cho tới các bình
diện của sáng tác như hệ đề tài, các kiểu kết cấu và môtip chủ đề, cốt truyện, nhân
vật, giọng điệu và ngôn ngữ… Đặc biệt tinh thần dân chủ cũng chính là cơ sở tư
tưởng để các nhà văn gia tăng chất triết luận trong tác phẩm nghệ thuật.
Trong một nền văn học dân chủ, tác phẩm nghệ thuật có thể được xem là một
phương tiện để nhà văn tự biểu hiện, tự phát biểu tư tưởng, quan niệm, chính kiến
22
của mình để làm giàu cho những nhận thức của mỗi người về xã hội và con người vì
kinh nghiệm cộng đồng không bao giờ cung cấp cho con người sự nhận thức toàn
vẹn về hiện thực và con người. Chính vì vậy, người đọc của ngày hôm nay đòi hỏi ở
mỗi nhà văn một nhà tư tưởng, một nhà hoạt động xã hội để không chỉ soi sáng mà
còn khơi gợi suy nghĩ của họ, để cùng bàn bạc, đối thoại về mọi vấn đề của cuộc
sống mà nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình là “Người đọc mong chờ ở nhà
văn những kiến giải độc đáo, những ý tưởng mới mẻ giúp họ mở rộng tầm nhìn,
cách nghĩ”[7;31]. Hòa vào xu thế dân chủ hóa, Nguyễn Xuân Khánh đã bộc lộ tư
tưởng riêng của nhà văn như một tham khảo với bạn đọc đương đại về các vấn đề
về dân tộc, nhân sinh. Trong cuộc hội thảo về Lịch sử và văn hóa trong tiểu thuyết
Nguyễn Xuân Khánh do Viện văn học tổ chức vào tháng 10 năm 2012, nhà văn đã
bày tỏ một cách khiêm nhường rằng "Cho tôi phát biểu dưới ánh mặt trời một ý
nghĩ của tôi", "Hãy cho mọi người có quyền khác anh để mỗi người đều có chỗ
đứng dưới ánh mặt trời. Đó chính là biểu hiện cao nhất của tinh thần dân chủ".
Xu thế dân chủ hóa, sự thức tỉnh của ý thức cá nhân và ảnh hưởng của
khuynh hướng triết luận trong văn học từ sau 1975 đến nay kết hợp với tài năng,
vốn sống, vốn tri thức, văn hóa là những yếu tố căn bản hình thành chất triết luận
trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh. Không trội về những cách tân trên
phương diện hình thức, nhưng ba tiểu thuyết gần đây của Nguyễn Xuân Khánh vẫn
thu hút sự chú ý của người đọc bởi sự hấp dẫn của những tư tưởng, kiến giải riêng
của nhà văn. Mà tư tưởng nghệ thuật mới là cái giá trị đích thực của một nhà văn,
làm nên gương mặt riêng, phong cách riêng của tác giả.
23