Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc đình làng potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (189.02 KB, 11 trang )

Đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc
đình làng
Ở mỗi một làng quê đồng bằng Bắc Bộ, kiến trúc gây ấn tượng nhất đối với du
khách là đình làng. Trải qua thời gian, rêu phong đã làm cho ngôi đình trở nên cổ kính.
Mái đình xoè rộng, bốn đầu đao cong vút, bộ cột đình đồ sộ, ao làng soi bóng ngôi đình
trầm mặc, dường như đình làng chỉ còn sống với thời đã qua.

Nghệ thuật điêu khắc đình làng ở Bắc Bộ
Nhưng khi bước vào bên trong đình, không khí mát dịu làm ta như trút bỏ vướng
mắc của đời sống, chìm vào không gian tâm linh bao bọc xung quanh để tĩnh trí mà
chiêm bái trước đức Thành Hoàng làng, nhìn ngắm những hình chạm khắc trên kiến trúc.
Và ta hiểu rằng ngôi đình đang ôm vào bên trong, thầm lặng giữ gìn một di sản nghệ
thuật vô giá, mà đến ngày hôm nay nhìn ngắm nó vẫn thấy hiển hiện, xôn xao đời sống xã
hội mấy trăm năm về trước và để lại những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử và nghệ
thuật.

Nhìn một cách khái quát, nghệ thuật điêu khắc đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ phát
triển từ những bước đầu tiên ở thế kỷ XVI, đạt dấu ấn rực rỡ đỉnh cao ở thế kỷ XVII,
chững lại, chín muồi ở thế kỷ XVIII và thoái trào ở thế kỷ XIX. Có thể nói, giá trị nhiều
mặt mà điêu khắc đình làng để lại tập trung ở di sản điêu khắc đình làng thế kỷ XVI -
XVII. Điêu khắc đình làng của 2 thế kỷ này đại diện điển hình nhất cho toàn bộ nghệ
thuật điêu khắc ở đồng bằng Bắc Bộ.
Các thủ pháp tạo hình của điêu khắc đình làng:
1.cái nhìn trẻ thơ:
Điêu khắc trang trí đình làng là tác phẩm của những nghệ nhân nông dân Bắc Bộ.
Nghệ thuật của họ xuất phát từ đời sống và cái nhìn có tính bản năng thuần phác của
người nông dân. “Nó được sản sinh trong khoảng khắc lịch sử mà tinh thần dân tộc vùng
dậy tưng bừng nhất, mà nền văn nghệ dân gian thắng thế nhất”. Chắc chắn khi sáng tạo
để phản ánh, tái tạo hiện thực và giải toả những ẩn ức, họ không bị câu thúc từ bất cứ
những quy chuẩn tạo hình nào. Trong họ đồng thời có 2 con người: người nghệ nhân với
kỹ thuật chạm khắc điêu luyện và người nghệ sĩ với sự tự do trong tưởng tượng, phản


ánh, bộc lộ cái cảm tự thân về hiện thực, bằng bất kỳ thủ pháp nào mà họ cho là phù hợp.
Nhiều thủ pháp tạo hình được sử dụng để sáng tạo ra các bức chạm khắc, thể hiện cái
nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống như cái nhìn của trẻ thơ .

2.Đồng hiện:
Đồng hiện là thủ pháp tạo hình cho phép người nghệ sỹ trên một mặt phẳng cùng
một lúc có thể tái hiện nhiều hoạt cảnh của đời sống với không gian, thời gian khác nhau.
Từ xa xưa thủ pháp tạo hình này đã có mặt ở nhiều nền mỹ thuật thế giới. Cách đây hơn
hai nghìn năm, từ thời văn hóa Đông Sơn, trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, người nghệ nhân
xưa đã dùng thủ pháp đồng hiện để diễn tả lễ hội vòng đời. Người (múa, giã gạo, đánh
trống ), chim, thú, thuyền cùng một lúc trong vòng quay vũ trụ. Thủ pháp tạo hình này
phản ánh hiện thực theo quy luật riêng của nó.
Nhiều hoạt cảnh trong phù điêu trang trí đình làng đã dùng thủ pháp này. Hoạt cảnh
sinh hoạt xã hội ở đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc) diễn tả cùng một lúc nhiều hoạt động rất
khác nhau như cảnh cưỡi ngựa, cùng hàng có quan ngồi uống rượu, có người hầu, cùng
lúc bên cạnh có người đang cày ruộng Trang trí trên cốn đình Hương Canh (Vĩnh Phúc)
có cảnh đi săn, quan cưỡi ngựa, cảnh đấu vật, người hái củi, người ngồi thiền Chạm
khắc đình Hạ Hiệp (Hà Tây) diễn tả cảnh một người đang đút quan tài vào miệng rồng
(theo tích mả táng hàm rồng), cạnh đó có hai người đang đánh vật, bên trên có người
đang ngồi bó gối, trung tâm bức chạm là một đầu rồng lớn và hai con rồng nhỏ.
Nhưng ở đình Phù Lão (Bắc Giang), có lẽ, người nghệ sỹ nông dân đã sử dụng thủ
pháp này một cách thoả mái nhất. Chúng ta hãy xem kỹ một hoạt cảnh với năm nhân vật
được chạm trên ván giong liền với bẩy. Một cô gái khoả thân ngồi trên râu rồng, làn tóc
dài vắt ra phía trước. Tuy hai tay đã bị gãy, nhưng có thể đoán được rằng cô đang tết tóc.
Phía dưới cô gái, một cặp nam nữ đang nhẩy múa, trên nền cảnh phía sau là một dải mây
vờn. Cô gái mặc áo dài, tóc búi ngược, tay cầm quạt đang mở xoè, chân đang nhún nhẩy,
tay chống ngang sườn. Chàng trai cởi trần, mặc quần cộc, tay đang dang ra bên cạnh bạn
gái. Dịch về phía bên trong là một cặp nam nữ đang tỏ tình, với tư thế sống động. Chàng
trai như đang hăm hở xông đến, còn cô gái vén váy kéo sát người tình về phía mình. Phía
xa, một chú khỉ vắt vẻo ngồi cười ở mỏm bẩy. Một con rồng nhô ra, trông thật ngộ

nghĩnh, làm tăng tính hài hước của hoạt cảnh. Toàn bộ các tình huống được diễn ra trên
nền là một con rồng lớn, làm tăng tính huyền thoại cho hoạt cảnh. Bức chạm đã diễn tả
đồng thời nhiều hoạt động, dường như không cùng một thời gian, không gian.
Thủ pháp đồng hiện thể hiện tính dân chủ của cộng đồng làng xã, một đặc điểm khá nổi
bật của văn hóa làng.

3.Cường điệu:
Cường điệu là một thủ pháp nghệ thuật được nhiều ngành nghệ thuật khác nhau sử
dụng như văn học, sân khấu Trong nghệ thuật tạo hình, thủ pháp cường điệu là tăng
kích thước đường nét, hình khối, màu sắc để nhấn mạnh ý đồ, gây sự chú ý về mặt thị
giác. Do đó mà hình tượng được nổi bật và gây được ấn tượng hơn. Chúng ta cũng đã bắt
gặp thủ pháp này trong những tượng mồ ở Tây Nguyên.

Những người nghệ sỹ nông dân đã sử dụng nhiều thủ pháp này trong các bức chạm
khắc của mình. Nhân vật được rút ngắn chiều cao, thường thấp lùn quá mức. Chẳng hạn
theo tỷ lệ giải phẫu một thân có chiều cao 6 đến 7 đầu, thì nhân vật trong những bức
chạm khắc đình làng thường là 3 đến 4 đầu. Bức chạm người múa (đình Thổ Hà, Bắc
Giang) có tỷ lệ chỉ hơn 2 đầu, có cánh tay dài quá cỡ. Điểm nhấn của bức chạm là khuôn
mặt của người thiếu nữ. Tượng người ôm gà chọi thì con gà được phóng to gấp nhiều lần
so với thực tế; tượng người cưỡi voi thì ngược lại con voi lại quá nhỏ so với người (đình
Chu Quyến, Hà Tây) Nhiều khi thân người phía dưới bị lược bỏ ra khỏi mặt phẳng
(hoạt cảnh trai gái vui đùa ở đình Hạ Hiệp, Hà Tây). Thái Bá Vân cho rằng: “Chúng (thủ
pháp-NVC) tìm một giá trị tự tại, chứ không tìm một giá trị mô phỏng, cho nên, trên
đường biểu hiện, chúng sẵn sàng từ bỏ bề ngoài, mà nhận lấy những vô lý trước tự nhiên.
Biết bao cánh tay vươn dài gấp đôi, hay teo lại chỉ bằng một phần ba cách tay bình
thường. Những tỷ lệ bị ấn tẹt xuống, những khớp xương bị bẻ quẹo, những liên lạc về
khối và đường nét không thể có trong không gian thực, thế mà, ở đây, lại hết sức hợp lý
và thuận cảm”.

Khi dùng thủ pháp cường điệu để làm nổi bật ý đồ, người nghệ sỹ nông dân nhiều

khi đã giảm thiểu, lược bỏ chi tiết đến mức tối đa, hoặc ngược lại dùng thủ pháp tăng
cường tối đa chi tiết trên nền cảnh, để đối tượng thường được để khối thô mộc được tôn
lên. Bức chạm đánh vật (đình Phù Lão, Bắc Giang), người múa (đình Thổ Hà, Bắc
Giang), tắm đầm sen (đình Đông Viên, Hà Tây), bốn người uống rượu trên đầu bẩy (đình
Thổ Tang, Vĩnh Phúc) nền cảnh để phẳng, hoặc chỉ sử dụng đường nét rất hạn chế. Bức
chạm bốn nụ cười nổi tiếng (đình Hưng Lộc, Nam Định) thì nền cảnh với bụi cây lớn
phía sau được chạm trổ rất kỹ, với nhiều chi tiết.

4.Nhiều điểm nhìn:
Nhiều điểm nhìn là thủ pháp cùng một lúc đưa nhiều góc nhìn ở các vị trí khác nhau
về một đối tượng lên một mặt phẳng. Thủ pháp nghệ thuật này đã có mặt trong nền mỹ
thuật thổ dân châu Phi, đã được Picátxô sử dụng trong các bức tranh theo trường phái lập
thể của mình. Thủ pháp nhiều điểm nhìn mở rộng khả năng biểu đạt, thể hiện được sự đa
diện, phức tạp của sự vật. Trong các bức chạm khắc đánh cờ ở đình Hạ Hiệp (Hà Tây),
đình Ngọc Bích (Vĩnh Phúc) người nghệ nhân đã đưa hai điểm nhìn từ trên xuống và
nhìn ngang, tạo ra bố cục đặc sắc. Bàn cờ ở vị trí trung tâm, có hình vuông như nhìn từ
trên xuống, còn các nhân vật lại như nhìn ngang theo phối cảnh, mặc dầu bố cục của
chạm khắc không theo định luật xa gần.

5.Kết hợp huyền thoại và hiện thực, trang trí và tả thực:
Trong chạm khắc trang trí người nghệ nhân xưa đã kết hợp hai yếu tố của cõi huyền
và cõi thực thông qua thủ pháp kết hợp trang trí và tả thực vào trong một bố cục, tạo nên
đặc trưng độc đáo của điêu khắc đình làng. Ngay từ những chạm khắc của những ngôi
đình từ thế kỷ XVI đã thể hiện rõ tư duy này. Hai cô tiên có cánh, tay cầm hoa sen đứng
(hay là bay) hai bên, ở giữa có hai người cầm quạt ngồi; những vân xoắn lớn đầy chất
trang trí như những đám mây thiêng, trùm phía trên, phía dưới có người mẹ gánh hai đứa
con dường như đang vội vã đi chợ; voi lồng, voi cày trong nền cảnh đầy chất trang trí
huyền thoại với những họa tiết vân xoắn lớn (đình Tây Đằng). Hai người đánh vật được
tạc rất mộc mạc, sinh động ở giữa, hai bên có hai rồng chầu hai bên (đình Phù Lưu)
Đặc biệt ở ngôi đình cổ nhất Việt Nam vừa mới phát hiện gần đây, đình Thụy Phiêu (Hà

Tây) được dựng năm 1531, trên cột của gian gác thờ, được làm bổ sung vào thế kỷ XVII,
có chạm trổ hình rồng với đường nét chạm khắc mang tính nghiêm nhặt, nhưng ở đuôi
rồng phía trên người nghệ nhân tạc một con lợn béo, khối thô mộc. Cột bên cạnh phía
dưới, một con thạch sùng dường như đang vờn với con rồng. Con rồng tâm linh và con
lợn, con thạch sùng hiện thực. Đó là hai thế giới đối lập nhau và ở đó còn chứa đựng một
nụ cười về thế sự, nhân sinh.

Sang thế kỷ XVII, khuynh hướng này ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều
ngôi đình. ở đình Chu Quyến hoạt cảnh uống rượu, đánh cờ, đánh vật trên nền cảnh
những con rồng vây quanh. Chạm khắc đình Giang Xá có hoạt cảnh một người ngồi bó
gối, sau vai có hai con rồng quấn phía sau. Rồi giữa hoạt cảnh của nhiều hoạt động như đi
săn (có hai người gánh một con thú săn được), phía sau có một con chó săn, cảnh hái củi,
dắt ngựa có con rồng huyền thoại bình thản hoà mình vào khung cảnh của đời sống
hiện thực (đình Hương Canh, Vĩnh Phúc).

Thế kỷ XVIII thủ pháp này được sử dụng hạn chế dần, ở đình Dư Hàng (Hải Phòng)
có một bức chạm đầu rồng, dưới ngay miệng rồng có một con chó quay đầu lại nhìn vào
mặt rồng. Dường như người nghệ sỹ nông dân trong khi sáng tạo đồng thời sống trong
cõi thực và cõi mơ.

Danh họa Trần Văn Cẩn nhận định: “Xem trong nghệ thuật cổ truyền dân tộc, thì rõ
ràng chính cái vốn về chạm trổ lại giàu có, độc đáo còn hơn cả vốn hội họa về những đức
tính tạo hình rất sáng tạo của người xưa, đã kết hợp nhuần nhuyễn tài tình hai tính chất
tưởng như không đi được với nhau: tính hiện thực với tính trang trí”.

Từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến XIX, chạm khắc trong đình làng đã giảm sút về số
lượng và chất lượng. Các đề tài có tính quy phạm, nghiêm nhặt như Tứ linh, Tứ quý và
hoa lá, mà ít có những hoạt cảnh đời sống.

6.Biểu tượng hóa:

Khi giao lưu với văn hóa Trung Hoa, người Việt tiếp thu nhiều môtíp trang trí có tính
biểu tượng. Thủ pháp sử dụng những môtíp trang trí có tính biểu tượng được người nghệ
nhân dân gian thể hiện tập trung trong những ngôi đình muộn, nhất là những đình làng
thời Nguyễn (khi xây mới hoặc khi trùng tu đình làng vào thời Nguyễn). Với thủ pháp
này, nhiều đề án trang trí có tính biểu tượng đã được sử dụng. Đứng đầu Tứ linh là con
rồng với nhiều lớp nghĩa. Lớp nghĩa đầu tiên con rồng là biểu tượng cho mây, mưa, sấm
chớp với tâm thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp, sau khi tiếp thu văn hóa Trung Hoa
thì con rồng mang biểu tượng cho uy quyền của bậc quân vương. ở những ngôi đình thế
kỷ XVI, môtíp rồng đã được chạm khắc rất nhiều trên kiến trúc; sau đó môtíp rồng - tiên
có biểu tượng cho ý nghĩa cội nguồn “con rồng cháu tiên”. Trong đình làng, con rồng làm
tăng “uy quyền” của Thành Hoàng làng, vị vua tinh thần của làng. Con lân, linh vật
huyền thoại, biểu trưng cho ước vọng thái bình; quy (rùa) biểu tượng cho sự trường tồn,
trường thọ và phượng biểu tượng cho hạnh phúc, sang quý. Có một điều chúng ta nhận
thấy: hiếm khi 4 linh vật được sử dụng trong một đề án trang trí mà thường sử dụng cặp
đôi như rồng - phượng hoặc lân - quy.

Trong Tứ linh có bổ sung 4 con vật nữa để thành Bát vật. Đó là ngư-phúc-hạc-hổ.
Ngư (cá) gắn với truyền thuyết “cá hóa rồng” biểu tượng cho sự thành đạt, hanh thông;
phúc (dơi) biểu tượng cho phúc đức; hạc biểu tượng cho sự cao khiết và trường thọ; hổ là
chúa sơn lâm, biểu tượng cho sức mạnh, có thể trấn áp tà ma.

Trong Tứ quý có 4 loài cây: mai - biểu tượng cho sự hồn nhiên; lan - biểu tượng cho
sự tinh khiết; cúc - biểu tượng cho sự thanh nhàn mà sang trọng; trúc - thể hiện tính cách
cứng rắn của người quân tử. Đồng thời Tứ quý còn mang ý nghĩa của 4 mùa trong năm.

Ngoài ra các môtíp trang trí cặp đôi như: rồng-phượng, lưỡng long chầu nguyệt,
phượng hàm thư, tiên-rồng đều giàu tính biểu tượng, thể hiện ước vọng về sự cao sang,
hạnh phúc, trường thọ, phúc lộc dồi dào.

Đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc đình làng


Với sự phong phú về đề tài phản ánh, đa dạng về thủ pháp tạo hình và trình độ cao
về kỹ thuật chạm khắc gỗ, điêu khắc đình làng có một số đặc trưng cơ bản:
7.Hồn nhiên, mộc mạc, sinh động trong phản ánh hiện thực:
Điêu khắc trang trí đình làng thực sự là cuốn biên niên sử về làng xã đồng bằng Bắc Bộ
mấy trăm năm qua. Các hoạt cảnh của những phù điêu đình làng Bắc Bộ đã làm hiển hiện
trước mắt chúng ta cuộc sống của những người nông dân Bắc Bộ. Đề tài phản ánh hiện
thực khá phong phú đa dạng. Hoạt động của đời sống thường nhật của những người nông
dân dường như vẫn xôn xao, cuồn cuộn sống động trong những ngôi đình làng còn tồn tại
đến ngày nay.

Các sinh hoạt của muôn mặt đời thường như: cho con bú, tắm đầm sen, uống rượu,
đánh cờ, đá cầu, cho lợn ăn, đi săn, đánh hổ, đi cày, đánh vật, chải tóc, gãi chân cho
nhau đến cảnh quan quân cướp bóc dân lành, phạt vạ, táng mả hàm rồng, vinh quy bái
tổ, hội làng đều được người nghệ sỹ nông dân đưa vào các bức chạm khắc một cách
hồn nhiên, làm cho người ta có cảm tưởng cuộc sống chạy thẳng vào tác phẩm chạm
khắc, mà không tuân theo một quy định nào về nghệ thuật, quan điểm, thẩm mỹ.

Nhiều chi tiết có tính chất dân tộc học của xã hội truyền thống ở mảng chạm khắc,
cung cấp cho chúng ta thông tin về những nhân vật cụ thể thuộc những tầng lớp khác
nhau như: lính, quan võ, quan văn, nông dân, người biểu diễn xiếc Rồi những chi tiết về
y phục, trang sức của nhiều người khác nhau như: cái khố, khẩu súng kíp, mũ, nón quai
thao, cái yếm, để tóc trần, tóc dài Chính tính hiện thực phong phú đã làm nên giá trị
lịch sử đặc sắc cho điêu khắc đình làng. Bằng những nhát đục bạt khoẻ khoắn, thô phác,
với cảm hứng sáng tạo dạt dào, hiện thực cuộc sống ở làng dường như lung linh, sinh
động cho đến ngày nay.

8.Khái quát cao trong thủ pháp tạo hình:
Sự độc đáo của nghệ thuật điêu khắc trang trí đình làng thể hiện ở tính khái quát cao
trong thủ pháp xây dựng tác phẩm như nhấn mạnh trọng tâm, biết chọn những vấn đề

quan trọng nhất để diễn tả, phản ánh, hướng người xem vào nội dung, giản lược về hình
thức, để không ảnh hưởng đến quá trình tri giác. Các chạm khắc đình làng đã bỏ qua định
luật xa gần, những nguyên tắc về giải phẫu, bố cục, tính hợp lý của hiện thực, để tạo ra
một sự hợp lý của nghệ thuật do người nghệ sỹ dân gian sáng tạo ra.

Để đạt được mục đích này người nghệ nhân dân gian đã sử dụng nhiều thủ pháp tạo
hình như: thủ pháp đồng hiện, để mở rộng không gian, thời gian; thủ pháp cường điệu,
gây ấn tượng bằng cách nhân cách hóa nhân vật; thủ pháp nhiều điểm nhìn để tạo ra cái
nhìn lập thể đặc sắc; thủ pháp biểu tượng hóa để thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan.
Người nghệ nhân xưa quan niệm cái đẹp, cái hợp lý tựu trung là phải “thuận mắt”. Gợi,
tạo liên tưởng, quan trọng hơn tả.

9.Giàu tính nhân bản:
Phù điêu trang trí đình làng đồng bằng Bắc Bộ là bài ca về cuộc sống và con người.
Tính trữ tình và biểu cảm tràn ngập trong các bức chạm khắc. Người nông dân Bắc Bộ
sống hoà hợp với thiên nhiên, muông thú. Các môtíp cây-hoa-lá rất nhiều và luôn quấn
quýt xung quanh nhân vật. Những cảnh sinh hoạt được phản ánh rất bình dị như: mẹ cho
con bú, gánh con, chăn lợn, cày ruộng, dắt ngựa, uống rượu, chọi gà, đánh vật, làm xiếc,
hội làng Nguyễn Đỗ Cung đã nhận định: “Cảnh vật tự nhiên mộc mạc, cuộc sống và
những cuộc đấu tranh hàng ngày liền được biểu hiện với những hình thức giản dị, trực
tiếp, vật và người trong đời sống bình thường được thể hiện trong nghệ thuật, lấn át
những con vật thần thoại và những nhân vật có tính ước lệ cao”.

Việt Nam là đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, nhưng bản chất
trọng tình cảm đã khiến trong các tác phẩm điêu khắc của những người nghệ sỹ-nông dân
hầu như không có đề tài chiến tranh, chủ yếu là những đề tài ca ngợi tình cảm đằm thắm
của con người với con người, con người với thiên nhiên, muông thú, như: cảnh trai gái
vui đùa, tắm đầm sen, đấu vật Không chỉ tình cảm của con người mà tình cảm của con
vật cũng được biểu hiện sinh động mạnh mẽ như bức chạm “rồng ổ” (rồng mẹ với đàn
rồng con) ở rất nhiều đình làng, cảnh đàn khỉ đang ôm ấp đùa nghịch nhau (đình Hưng

Lộc, Nam Định) Trong các tác phẩm điêu khắc đình làng cũng không có những nhân
vật hung ác. Con rồng là linh vật thiêng liêng, qua bàn tay tạo tác của người nghệ nhân
cũng trở nên quen thuộc. Cô tiên trong đồ án trang trí thần thoại như: tiên-hạc, tiên-rồng,
tiên múa, tiên đánh đàn trông rất bình dị, hiền lành như những cô thôn nữ ở làng.

Đặc biệt, hình tượng người phụ nữ được thể hiện khá phong phú. Tư tưởng Nho
giáo coi phụ nữ là “phụ nhân nan hóa”, “ thập nữ viết vô”; phong bế dục vọng, nam nữ
“thụ thụ bất thân” thì trong điêu khắc đình làng các người nghệ sĩ nông dân công khai
bộc lộ dục vọng, lạc thú của con người, miêu tả một cách hiện thực cảnh trai gái tình tự,
giao hoan, cảnh phụ nữ khỏa thân, tắm đầm sen như ở đình Đông Viên (Ba Vì, Hà
Tây), đình Đại Phùng (Hoài Đức, Hà Tây), đình Phù Lão (Lạng Giang, Bắc Giang) Có
thể nói, đề tài của điêu khắc trang trí đình làng đã hướng về con người, thể hiện những
nhu cầu sống, những khát vọng, ước mơ về một cuộc sống no đủ, lạc thú, hạnh phúc và
thanh bình của những người nông dân chất phác mộc mạc, yêu đời.

10.Tính lưỡng nguyên trong nghệ thuật tạo hình:
Đặc tính này cũng thể hiện tư duy lưỡng phân, lưỡng hợp của người Việt. Trần
Quốc Vượng (1996) đã nhận định: “ý niệm lưỡng phân và lưỡng hợp này còn đeo đuổi tư
duy Việt cổ nhiều lắm, lâu lắm”.

Tính lưỡng nguyên trong thủ pháp tạo hình điêu khắc đình làng đã kết hợp những
yếu tố nhiều khi trái ngược nhau về tính chất như: trang trí với tả thực; kết hợp phù điêu
với tượng tròn; đường nét với hình khối; kết hợp thủ pháp cách điệu hóa có tính biểu
tượng, với hoạt cảnh có tính khái quát; đưa những chủ đề trái ngược nhau vào một bố cục
như yếu tố thiêng vào một khung cảnh của đời sống hiện tại.

Nghệ thuật điêu khắc đình làng chứa đựng những giá trị tạo hình độc đáo, thể hiện
xu hướng có tính lưỡng nguyên, đó là xu hướng nhập thế và thoát ly. Hai xu hướng này
đan xen vào nhau, tuy đậm nhạt có lúc khác nhau. Thế kỷ XVI - XVII, xu hướng nhập
thế thể hiện tính trội, khi các hoạt cảnh của đời sống tràn vào các ngôi đình với cảm hứng

dạt dào. Chính nó đã làm nên giá trị độc đáo nhất của điêu khắc đình làng. Từ thế kỷ
XVIII trở đi, xu hướng nhập thế giảm dần nhường chỗ cho xu hướng thoát ly có nhiều
nhiều yếu tố tâm linh, tín ngưỡng. Xu hướng thoát ly được tăng cường cùng với việc sử
dụng nhiều mô típ trang trí có tính biểu tượng, nhằm sùng bái và linh thiêng hóa vị Thành
Hoàng làng, nhất từ khi nhà Nguyễn đưa Nho giáo về vị trí độc tôn. Trong điêu khắc ở
các ngôi đình đã vắng bóng đề tài cuộc sống. Các bức chạm khắc với đề tài mang tính
công thức, thiên về trang trí.

Có thể xem xét tính lưỡng nguyên qua bảng so sánh sau:

1 - Tính chất Kết hợp - Cách tạo hình kết hợp Trang trí và hoạt cảnh

2 - Tính chất Loại hình - Cách tạo hình kết hợp Phù điêu và Tượng tròn, Đường nét
và Hình khối

3 - Tính chất Thủ pháp - Cách tạo hình kết hợp Cách điệu và Tả thực, Biểu tượng
hóa và Khái quát hóa

4 - Tính chất Cách thức - Cách tạo hình kết hợp Nhiều chi tiết và Ít chi tiết, không
có khoảng trống và có khoảng trống

5 - Tính chất Xu hướng - Cách tạo hình kết hợp Thoát ly và Nhập thế,

6 - Tính chất Chủ đề - Cách tạo hình kết hợp Cái thiêng và Cái hiện thực

Đình làng - một thiết chế văn hóa tín ngưỡng xuất hiện vào cuối thời Lê sơ, đã được
đã được các học giả người Pháp nghiên cứu từ khá sớm, nhưng với hệ quy chiếu của
thẩm mỹ Hy -La, họ đã bỏ qua điêu khắc đình làng, mà không nhìn ra giá trị đích thực
của chúng. Ngày hôm nay, với ánh sáng của nghệ thuật hiện đại, điêu khắc đình làng (mà
loại hình nổi bật là phù điêu) thực sự được đánh giá và tôn vinh là một di sản văn hóa, di

sản mỹ thuật quý báu của dân tộc.


×