Đảo ngọc Cát Bà: Nơi lưu giữ nhiều
vẻ đẹp tiềm ẩn
Nơi lưu giữ nhiều “vẻ đẹp tiềm ẩn”, địa chỉ đang được đệ trình lên UNESCO công
nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đó là quần đảo Cát Bà – Long Châu, nằm cách
trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 50km về phía Đông và nằm liền kề Di sản
thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Mỗi năm đảo ngọc Cát Bà đón cả triệu lượt khách thăm. Nhưng nếu được hỏi về lộ trình,
hẳn không ít người chỉ kể được một vài địa danh: Vịnh lan Hạ, các động Thiên Long,
Trung Trang, Hoa Cương hay hang Luồn, bãi Cát Cò, Cát Tiên, đảo khỉ… đã quá thân
quen. Cũng bởi ghé Cát Bà “cưỡi ngựa xem hoa” trong thời gian ngắn, nên đa phần du
khách chỉ biết đến vài ba tiếng đồng hồ chạy tàu thăm đảo, chưa được thưởng thức những
sản phẩm du lịch “cây nhà lá vườn” độc đáo khác.
Thực sự, có một Cát Bà trời yên biển lặng, mang lại cảm giác yên bình khi con sóng dịu
êm vỗ mạn tàu. Nhưng cũng có một Cát Bà dành cho những người ưa mạo hiểm. Có điều
du khách phải trực tiếp làm “ngư phủ” trên mặt biển với một lá thuyền kayak mong
manh.
Tour khám phá Cát Bà không dành cho những người “yếu tim” này có lịch trình 3 ngày 2
đêm qua Hà Nội-Cát Bà. Đi tour này, du khách sẽ được tự mình chèo thuyền len lỏi qua
những hang động, đảo đá hoang sơ chưa kịp đặt tên, tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang
sơ và đầy bí ẩn của những rạn san hô, những đàn cá nhỏ màu bạc biếc tung tăng bơi lội.
“Là tour du lịch đặc biệt, vì thế bạn không thể tự tổ chức mà phải mua tour thông qua các
hãng lữ hành. Hiện nay, ở các tour Cát Bà, nhà tour đều có thiết kế sẵn chương trình chèo
thuyền kayak “cộng thêm” nếu khách có yêu cầu…” – anh Nguyễn Ngọc Quang, ở quận
I, thành phố Hồ Chí Minh cho hay.
Muốn có cảm giác thực sự hòa đồng với thiên nhiên giữa mây trời, sóng nước và
những truyền thuyết của đại dương, Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà là sự chọn
lựa lí tưởng. Khu dự trữ sinh quyển hội tụ các hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam như
rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, hệ thống các hang động,
tùng áng và là nơi sinh sống của 3.154 loài động vật và thực vật. Trong đó, có tới 60 loài
thực vật và 22 loài động vật quý hiếm, đặc hữu có tên trong sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là
Voọc Cát Bà, là loài linh trưởng đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Đến với Cát Bà, du khách còn được biết đến một vùng đất gắn liền với nền văn minh
ngàn năm, điển hình cho cộng đồng dân cư miền biển đảo Bắc Bộ, nơi những người
Việt cổ đầu tiên đi theo mép biển kiếm tìm kế sinh nhai và dần tập hợp, đoàn tụ lại qua
các biến cố thiên tai và lịch sử để rồi hình thành nên nền móng của cộng đồng dân cư Cát
Bà ngày nay. Quần đảo Cát Bà còn là một vùng giàu có về khảo cổ, lịch sử với 77 điểm
khảo cổ đã được phát hiện và nghiên cứu.
Tính đặc sắc và khác biệt là lần đầu tiên trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Khu
dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà được xây dựng như là một “Phòng thí nghiệm học
tập” cho phát triển bền vững dựa trên cách tiếp cận tư duy hệ thống, quy hoạch cảnh
quan, điều phối liên ngành và kinh tế chất lượng. Mô hình Khu dự trữ sinh quyển vừa
cung cấp cơ sở lý luận vừa là công cụ thực hiện Chương trình nghiên cứu đa quốc gia về
Con người và Sinh quyển (MAB), thể hiện phương pháp luận và cách tiếp cận cơ bản là
“con người là một phần của sinh quyển”, là “công dân sinh thái”. Đây cũng là một địa
điểm để thực hiện các ý tưởng kết hợp hài hoà “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để
bảo tồn” theo các nguyên tắc phát triển bền vững.
Tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio+20) tổ chức tại Hà
Nội mới đây, trong Báo cáo “Việt Nam một số điển hình phát triển bền vững” đã đánh
giá: Ý tưởng bảo tồn vùng lõi là vườn quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển
kinh tế, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hoá.
Là một trong 8 Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, Khu dự trữ sinh quyển quần
đảo Cát Bà với những kinh nghiệm thực tiễn thực hiện các hoạt động bảo tồn gắn với
phát triển bền vững là mô hình tốt để các Khu dự trữ sinh quyển khác có thể học tập và
nhân rộng. Tuy nhiên, thách thức và khó khăn đặt ra là nhận thức và mối quan hệ giữa
bảo tồn và phát triển của cộng đồng chưa cao, đặc biệt là của các doanh nghiệp; việc đảm
bảo hài hoà lợi ích, điều phối giữa các lĩnh vực còn khó khăn; huy động nguồn lực, nhất
là nguồn lực tài chính cho các hoạt động phát triển bền vững còn hạn chế.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền nhấn mạnh: Việc xây
dựng quần đảo Cát Bà thành Di sản thiên nhiên thế giới góp phần bảo tồn, giữ gìn các giá
trị cho đất nước và toàn cầu, không chỉ cho hôm nay mà cả thế hệ mai sau. Thành phố
Hải Phòng quyết tâm, nỗ lực hoàn thiện mọi thủ tục, hồ sơ đệ trình lên UNESCO để đến
năm 2013 – năm Hải Phòng đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2013, quần đảo Cát Bà sẽ
được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Thế nhưng, nhìn vào thực tế, Cát Bà còn đó rất nhiều việc phải làm từ xây dựng hạ tầng
cơ sở; chống ô nhiễm môi trường đến gìn giữ, tôn tạo những giá trị văn hoá. Để trở thành
Di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời phát triển du lịch – dịch vụ Cát Bà theo hướng
chuyên nghiệp trong tương lai gần, cùng với quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch Cát
Bà cần phải khắc phục nhanh những nhược điểm cố hữu. Huyện đảo đẩy mạnh, khuyến
khích xã hội hoá du lịch, kêu gọi các thành phần kinh tế, hợp tác phát triển xây dựng nên
một thương hiệu du lịch chuyên nghiệp.
Cùng với các hoạt động đầu tư xây dựng tổ hợp du lịch, khu vui chơi giải trí đa chức
năng, ngành du lịch tiếp tục nghiên cứu, khám phá những giá trị tiềm tàng về sinh thái, về
khảo cổ và lịch sử, về văn hoá vật thể và phi vật thể nhằm tạo ra diện mạo mới và những
sản phẩm du lịch mang tên “Cát Bà – Hải Phòng” có sức hấp dẫn cao hơn.