Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

TÍNH THẨM MỸ TRONG ĐỒ CHƠI MỸ THUẬT DÂN GIAN ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (134.81 KB, 6 trang )





TÍNH THẨM MỸ TRONG ĐỒ CHƠI MỸ
THUẬT DÂN GIAN



Từ xa xưa, cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian. Đồ chơi
dân gian đã trở thành một trong những nguồn gốc của nghệ thuật tạo hình dân gian.
Nó là sản phẩm của người dân lao động một nắng hai sương, thấm đẫm mồ hôi
nhưng lại chứa đựng phong phú những giá trị của tinh thần nhân văn.
Đất nhà nông ta ngày xưa cấy cày một vụ quanh năm "chiêm khê, mùa thối". ấy là
lúc đẻ ra cái gọi là "nông nhàn". Nhưng " nông nhàn " là nhàn ăn, nhàn làm ruộng
chứ không phải "nhàn cư vi bất thiện". Vì vậy đó lại là cơ hội để tìm ra nghề phụ,
lâu dần hình thành làng nghề để nghệ thuật dân gian được hình thành và thăng hoa.
Nhiều làng xã bây giờ trong đình làng vẫn thờ thành hoàng của mình là ông tổ
nghề: "nghề chạm khắc gỗ, nghề chạm bạc, nghề đúc đồng, nghề sơn, nghề làm
nón, nghề làm giấy dó và cả những nghề mang lợi ích tinh thần giải trí cao như
nghề làm tranh, nghề làm con rối nước, nghề làm diều, nghề nặn con giống (tò he)
đó chính là những đồ chơi dân gian đã vượt qua nhiều không gian, thời gian của
cuộc sống để còn đến ngày nay.
Đổ chơi dân gian nói chung phong phú lắm. Xin đơn cử đồ bằng tre: Con khăng,
đèn trung thu, diều sáo, rồi các nhạc cụ đồ chơi bằng đất có tượng đất nung, có
pháo đất tính chất và kỹ thuật chế tác được triển khai từ đơn giản đến phức tạp,
cầu kỳ. Từ mộc mạc đến phong phú về kiểu dáng, màu sắc, phần lớn đồ chơi dân
gian đều rất đẹp, một vẻ hồn nhiên và ngộ nghĩnh (mặt nạ, ông phỗng) cũng có loại
rất cầu kỳ khéo léo (đèn lồng, đèn kéo quân) chính vì vậy mà rất đáng yêu. Nó đáp
ứng cho mọi thú chơi, cách chơi và người chơi ở mọi lứa tuổi của tầng lớp bình
dân. Chính bởi thế nó đi sâu vào tâm thức dân gian của người Việt.


Thủa nhỏ ai chắc cũng đã từng chơi bi đánh đáo, thả diều, chơi khăng, rước đèn
trung thu, múa rồng, múa sư tử trong ngày rằm trung thu háo hức. Đồ chơi dân
gian ra đời là minh chứng cho sự tài khéo của người nông dân Việt Nam.
Nhiều người trong số họ được suy tôn là những nghệ nhân của nghề. Từ nghệ nhân
ấy thật cao quý bởi với họ không có trong tay những phương tiện máy móc hiện
đại, trong đầu không cần tới những kiến thức bài bản mà chỉ có tâm hồn, óc sáng
tạo được kết truyền từ đời này qua đời khác để mà ứng tác và hoàn thiện.
Với con trẻ mọi đồ chơi dân gian ấy vô hình chung đã góp phần gắn kết chúng lại
trong tình nghĩa cộng đồng, bằng hữu, trong tình làng nghĩa xóm tắt lửa tối đèn, và
đó cũng chính là bài học đầu tiên trên đường đời về sự nghèo khó, chắt chiu để mà
khám phá mà sáng tạo, bởi có gì đâu. Cần tre. Chặt từ bụi nhà xuống, cần đất moi
từ ruộng lên, cần gỗ thì có cây xoan, cây mít trong vườn nhà. Người ta có thú để
chơi, để giải trí thì sao mình không có và không làm được. Triết lý ấy hay lắm.
Không cố hữu nhưng cũng không bảo thủ. Bởi nó đã đi qua bao thế kỷ, bao thời
đại góp phần xây dựng nên tài năng, nhân cách của quốc gia trên con đường học
vấn và lao động sáng tạo. Người nông dân ngày nay vẫn thế, nhưng họ tiến xa hơn
vào thời đại công nghệ họ tự chế tạo ra máy bay trực thăng, chế tạo ra các máy
nông cụ để phục vụ cho chính cuộc sống và sản xuất của họ.
Trong thời đại ngày nay sự phát triển như vũ bão của các phát minh khoa học. Đất
nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì lĩnh vực của sản xuất đồ
chơi được sử dụng các thành tựu khoa học. Các đồ chơi bằng nhựa, đồ chơi điện tử
cao cấp của nước ngoài đã tràn lan trên thị trường. Phải nói một cách công bằng và
tư duy đổi mới thì chúng ta mừng cho con em chúng ta được sớm tiếp cận, hưởng
thụ những thứ mà xưa kia chúng ta như nằm mơ không thấy, mặt tích cực của
những đồ chơi ấy hẳn không chê vào đâu được từ tính hiện đại của nó. Nhìn bố mẹ
đưa các con đi sắm đồ chơi trong các siêu thị, trong các shop hàng đủ thấy ánh mắt
của các em say mê tới mức nào và những món quà ấy được gắn với giá trị tiền
không nhỏ. Nhưng mặt tiêu cực của nó trong một số đồ chơi công nghệ thời hiện
đại chắc cũng làm một số bậc phụ huynh ái ngại, xã hội phải lưu tâm bởi tính bạo
lực, tính thiếu thẩm mỹ của nó. Sách báo nói nhiều, phương tiện thông tin đại

chúng nói nhiều, các cơ quan chức năng cũng ra tay can thiệp, nhưng đó vẫn còn là
vấn đề nan giải.
Trở lại với đồ chơi dân gian những năm gần đây chúng ta mừng vì trong các quầy
hàng bán đồ chơi đã có sự trở lại của nhiều đồ chơi bằng đất nung, bằng gốm sứ,
bằng gỗ, bằng mây tre tạo cơ hội cho các đồ chơi dân gian (được hồi sinh, cho
việc giáo dục thế hệ trẻ qua đồ chơi ý thức được tâm hồn, tình cảm của cha ông.
Đặc biệt trong một số trường mẫu giáo người ta đã tiến hành thực nghiệm được các
nghệ nhân làm đồ chơi dân gian vào truyền đạt, thao tác tại các lớp học. Chương
trình giúp trẻ tiếp cận với nghệ thuật tạo hình dân gian cho trẻ em của Viện bảo
tàng dân tộc học Việt Nam, là một hoạt động rất có ý nghĩa về sự gìn giữ và kế
thừa truyền thống dân tộc.
Mong rằng mọi người trong chúng ta, dù bận trăm công nghìn việc trong guồng
máy của thời đại công nghiệp, mỗi người hãy ý thức rằng tính thẩm mỹ, tính sáng
tạo trong đồ chơi dân gian vẫn mãi là ngọn nguồn là sự tiềm ẩn của đời sống tinh
thần trong xã hội hiện đại. Có sự tồn tại và phát triển của nó ắt hẳn sẽ góp phần
làm cho nhân cách con người luôn gắn bó với tổ quốc, với nhân dân, với nơi chôn
nhau cắt rốn của mình bởi trong mỗi chúng ta ai cũng có một tuổi thơ, một làng
quê với cây đa, giếng nước, sân đình trong thực tại và ký ức. Và đó cũng là việc
giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong trào lưu hội nhập, toàn cầu hóa.

×