Chăm Sóc Sức Khỏe Cho Người
Cao Tuổi
Khi tuổi cao, sức chống đỡ và sự chịu đựng của con người trước các yếu tố và tác nhân
bên ngoài cũng kém đi rất nhiều, và đó chính là điều kiện thuận lợi để bệnh tật phát sinh
và phát triển…
Ở người già bệnh thường phát triển chậm chạp, âm thầm khó phát hiện. Và khi mắc bệnh
thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, gây suy sụp sức khỏe rất nhanh. Nghiên cứu y tế
chuyên về Lão khoa nhận định, trong số những người trên 65 tuổi, thì có gần 33% bị suy
giảm chức năng, mất khả năng lao động và ở độ tuổi 80 trở lên thì tỷ lệ này là 64%. Tỷ lệ
mắc bệnh tăng lên theo tuổi và trong độ tuổi 60 trở lên thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 1,7 - 2
lần so với độ tuổi dưới 40.
Người cao tuổi nên tham gia những câu lạc bộ dưỡng sinh. Ảnh: internet
Cần được tư vấn
Hiện nay, công tác tổ chức hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong cộng
đồng còn rất ít. Tại nhiều địa phương, các hoạt động này còn mang tính đơn lẻ và tự phát.
Việc tổ chức các câu lạc bộ dưỡng sinh, trung tâm thể dục… sẽ rất có ích cho người cao
tuổi, song hình thức này còn nhiều hạn chế. Đối với người cao tuổi, nhu cầu được chăm
sóc sức khỏe toàn diện như việc rèn luyện, nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần,
việc khám phát hiện và điều trị kịp thời là rất cao và cần thiết. Cụ Nguyễn Thị Hiếu, 74
tuổi ở phường Phước Hòa, Tam Kỳ nói: “Tôi hay bị đau ốm lặt vặt như xương cốt nhức
mỏi. Nghe nói có nhiều môn thể dục dành cho người già mà không biết cái chi phù hợp
với mình. Tôi cũng đã thử tham gia các câu lạc bộ như dưỡng sinh, yoga… nhưng không
bền được”.
Phương thức rèn luyện sức khỏe phổ biến nhất hiện nay của người cao tuổi là đi bộ vào
mỗi sáng. Không chỉ bền, khỏe, mà cách đi bộ cùng nhau của nhiều người tăng cường
thêm sự vui vẻ, thoải mái luôn được các bác sĩ cho là “liều thuốc tiên” cho người già. Tuy
nhiên, theo như lo lắng của cụ Trần Văn Giang, 81 tuổi ở thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn):
“Tôi đi bộ cũng hơn cả chục năm nay nhưng bắt đầu mùa mưa gió tháng 10 là các khớp
lại nhức mỏi vì đâu có đi bộ được. Tôi cũng tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh của khối
phố, thấy khỏe và tinh thần phấn chấn nhưng phòng tập dành cho người già ít lắm. Mấy
phòng tập toàn dành cho thanh niên luyện tập cơ bắp…”.
Bác sĩ đông y Lê Thân nói: “Sức khỏe của mỗi người tùy thuộc vào sức sống bên trong,
vào tác động của các yếu tố bên ngoài: thiên nhiên, môi trường sống, những mối quan hệ
với gia đình và xã hội của mỗi người. Khi tuổi càng cao thì sức sống bên trong càng giảm
và chống chọi yếu với tác động của các yếu tố bên ngoài. Nếu có cách sống thích hợp, thì
có thể tránh hoặc giảm được bệnh tật và hưởng trọn tuổi thọ”.
Cách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi phổ biến nhất hiện nay là đi bộ vào mỗi
sáng. Ảnh: internet
Theo những ước tính y học, người ta thấy hầu như không một bộ phận nào của người già
lại không có sự lão hóa. Từ thần kinh, cơ, tim mạch, đến hô hấp, ruột, thận, nhất loạt đều
có sự đi xuống như não bộ của một “cụ” 85 tuổi sẽ bị giảm thể tích và khối lượng khoảng
20% so với thời trẻ. Suy giảm thể tích và khối lượng thường do sự chết đi của các tế bào
thần kinh, thần kinh đệm. Đã thế, sự kết nối chức năng thần kinh giữa những tế bào còn
sót lại lại không hoàn hảo, làm cho chức năng của não bộ suy giảm toàn diện. Do đó, đối
tượng người già cần được quan tâm đặc biệt và phải có những tư vấn cụ thể.
Thuốc tốt cho người già
Những cụ già ít vận động (do tuổi tác, do thói quen nghề nghiệp phải ngồi lâu một chỗ)
sẽ làm phân tồn trữ lâu ở trực tràng, lâu ngày dẫn đến táo bón. Táo bón lâu ngày sẽ gây
phồng các tĩnh mạch vùng hậu môn, gọi là bệnh trĩ. Cơ vòng hậu môn ở người già không
còn chặt như hồi trẻ. Nhiều cụ khi mót đại tiện rất khó giữ được phân lại. Để khắc phục
những căn bệnh này, người già cần ăn thức ăn dễ tiêu hóa, không nên ăn quá no, ăn nhiều
bữa trong ngày, không ăn mặn, không ăn nhiều mỡ, cần tập thể dục thường xuyên như đi
bộ. Cần đi khám sức khỏe theo định kỳ. Bác sĩ Lê Thân nói thêm: “Chức năng và thể chất
suy yếu do nhiều nguyên nhân, y học cổ truyền gọi là chứng hư. Khi cơ thể hư thì phải
dùng phép bổ, thuốc bổ; hư phần nào thì dùng thuốc bổ phần đó; chứ không phải dùng
lung tung những thuốc xếp vào nhóm thuốc bổ, không những không thu được công hiệu
mà còn có hại”.
Liều thuốc quý nhất dành cho người cao tuổi là “ăn phải ngon, ngủ phải sâu”. Đặc biệt, ở
người cao tuổi uống quan trọng hơn ăn để cơ thể không bị thiếu nước và chất điện giải.
Món canh sẽ cần thiết cho người già rất nhiều, quan trọng phải ngon miệng. “Thêm vào
đó, chăm sóc cho người già rất khó, đừng ép người già phải nuốt cho trôi bữa ăn tuy đủ
dưỡng chất nhưng họ không thích, phải tạo ra cảm giác hài lòng khi ăn ngon. Đó chính là
đòn bẩy để tuyến yên phóng thích nội tiết tố endorphin, chất chống lão hóa với hiệu năng
không thuốc nào bì kịp” - bác sĩ Thân cho biết thêm.
Liều thuốc quý nhất dành cho người cao tuổi là “ăn phải ngon, ngủ phải sâu”. Ảnh:
internet
Giấc ngủ cũng được cho là liều thuốc tiên cho người già. Không cần phải ngủ 8 tiếng vì
người cao tuổi đều có triệu chứng ngủ ít. Chỉ cần ngủ sâu là đảm bảo cho tinh thần khỏe
mạnh. Giấc ngủ trưa quan trọng hơn đối với người cao tuổi vì giấc ngủ này có tác dụng
“phục hồi” nhiều hơn giấc ngủ về đêm. Và hạn chế dùng thuốc an thần để dễ ngủ. Bởi, tỷ
lệ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não cao gấp ba lần ở người già dùng thuốc ngủ
so với nhóm đối tượng chọn thiền định, dưỡng sinh, dược thảo làm phương tiện để tìm về
giấc ngủ tự nhiên.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi quan trọng nhất vẫn là tình yêu thương và sự quan tâm
của con cháu và người ở cạnh. Người cao tuổi rất quan trọng về mặt tâm lý. Họ có thể
“no” và không mệt khi vui vầy cùng con và cháu. “Có thể chăm sóc người cao tuổi bằng
hai phương thức tại các cơ sở y tế và tại nhà, nhưng quan trọng là họ được yêu thương,
quan tâm đúng cách, đó mới là thuốc quý” - bác sĩ Thân khẳng định.