Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Ngôn ngữ trên truyền hình đang bị “Tây hóa" potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (399.33 KB, 5 trang )




Ngôn ngữ trên truyền
hình đang bị “Tây hóa”
Đài truyền hình phải đóng vai trò tiên phong trong sự nghiệp gìn giữ và
phát huy tiếng Việt.
Nhân viên phòng tiếp thị của ngân hàng Thần Tài (Thần tài Bank) làm việc
với đài truyền hình về một show quảng cáo trên tivi:
Thần Tài Bank: Tôi đề nghị thêm vào điều khoản về phát âm chuẩn tên gọi
của ngân hàng.
Đài TH: ???
Thần Tài Bank: Điều khoản này quy định rằng không được gọi chúng tôi là
Thần Tài “Banh”. Tụi tui sợ chữ “banh ta lông” lắm. Thần tài mà bị “banh ta
lông”* thì ai mà dám gửi tiền vào đó!!
Đài TH: Thế thì chúng tôi phải gọi làm sao ạ?
Thần Tài Bank: Việt ra Việt, Anh ra Anh. Xin đọc rõ là Thần Tài Bank, còn
không phát âm được chữ bank theo đúng phonetic /bæk/ thì gọi rõ ràng là
Ngân hàng Thần Tài cho nó khỏi bị méo mó ý nghĩa…. Ngoài ra Thần tài
Bank chỉ thích quảng cáo trong “Chương trình quảng cáo” chứ không thích
nằm trong “Sâu (show) quảng cáo” đâu…
Trên đây là một câu chuyện vui nói lên những cái nực cười trong cách phát
âm của đa số phát thanh viên của nhiều đài truyền hình ở Việt Nam. Thực tế,
cho đến nay đã có rất nhiều bài viết trên báo chí cảnh báo về sự suy thoái
của tiếng Việt trong thời đại hội nhập trước sức mạnh về tính phổ quát của
tiếng Anh.
Với đa số người Việt ngày nay, nhất là giới thanh niên, một số thuật ngữ
bằng tiếng Anh đã được quốc tế hóa cũng được người Việt Nam hiểu đầy đủ
ý nghĩa của nó. Tivi là máy vô tuyến truyền hình, bank là ngân hàng, game
show là trò chơi trên truyền hình, coupe là giải thường v.v…
Thêm vào đó, đại đa số các phần mềm thông dụng trên máy vi tính hiện nay


đều sử dụng tiếng Anh cũng làm tăng thêm uy lực của ngôn ngữ này. Nếu
chúng ta thử làm một thống kê về ngữ nghĩa của những từ ngữ: Delete, OK,
Yes, Cancel… thì tôi đoán rằng kết quả sẽ có rất nhiều người Việt Nam từ
thành thị đến nông thôn đều hiểu đúng những từ đó nói gì.
Chính vì sự phổ quát đó của tiếng Anh mà rất nhiều quốc gia trên thế giới
cũng đang bận tâm vì tính đa dạng của ngôn ngữ đang bị thu hẹp dần. Điều
này cũng đồng nghĩa với sự mai một của văn hóa. Nước Pháp có lẽ là nước
đang rất âu lo về chuyện này. Họ đã bỏ ra rất nhiều ngân quỹ để tài trợ cho
các chương trình quảng bá tiếng Pháp ở các nước dùng tiếng Pháp là ngôn
ngữ chính (pays Francophone). Ngay cả nước Anh, có một thời thái tử
Charles cũng tỏ ra quan ngại về cách dùng tiếng Anh theo kiểu Mỹ
(American English) của giới thanh niên Anh.
Việt Nam mình, trước kia cũng có những tư tưởng khá cực đoan trong
chuyện vay mượn từ ngữ nước ngoài. Thay vì nói tia tử ngoại (Ultra violet)
lại nói là tia cực tím. Thật ra tử ngoại chính xác hơn vì bước sóng này nằm
ngoài phổ tím trông thấy được bằng mắt thường. Còn cực tím vẫn còn nằm ở
cực của phổ tím. Thay vì dùng chữ hỏa tiễn, lại dùng tên lửa. Làm thế nào để
phân biệt mũi tên có gắn lửa của thổ dân da đỏ với một cổ máy phản lực đưa
con người thám hiểm vũ trụ?
Sự vay mượn là điều tất yếu phải có khi các nền văn hóa giao lưu với nhau.
Nó làm cho ngôn ngữ địa phương được thêm phong phú, và nó phản ánh giai
đoạn lịch sử mà hai nền văn hóa ấy gặp nhau. Ngay cả tiếng Anh cũng có rất
nhiều từ vay mượn của tiếng Pháp. Ví dụ thay vì nói Queen’s room (phòng
của Nữ hoàng) thì họ lại nói Queen’s Chambre (hoặc chamber). Tiếng Việt
cũng vay mượn rất nhiều từ ngữ tiếng Trung Hoa là chuyện tất yếu của lịch
sử.
Nhưng ngày nay, sự cực đoan đó lại đang dịch chuyển về cực ngược lại…

Ngôn ngữ trên truyền hình cũng đang bị “Tây hóa”. Ảnh minh họa
Trở lại với phạm vi hẹp hơn: Ngôn ngữ tiếng Việt trên truyền hình. Hiện có

rất nhiều kênh truyền hình đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó, qua mạng
truyền hình cáp cũng có rất nhiều kênh truyền hình nước ngoài với những
chương trình rất hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Đài truyền hình Việt Nam,
trong xu thế đó, cần phải cạnh tranh với các kênh truyền hình khác bằng
nhiều công cụ, trong đó, nói làm sao để dễ hiểu là công cụ rất quan trọng.
Điều đó không có nghĩa là phải dùng tiếng Anh trong những từ rất phổ cập
đã nói ở trên. Đồng ý là có những từ ngữ không thể không vay mượn được
(internet, photocopy, fax…), nhưng có những từ ngữ mà tiếng Việt đã có sẵn
sàng, tại sao lại phải vay mượn? Mà khi vay mượn lại sử dụng một cách rất
lố bịch.
Thật ra đó không phải là vay mượn nữa, mà là “ta chê ao ta”, là quên cội
nguồn. Phải chăng thay vì dùng chữ Ngân hàng, ta lại nói Bank để cho nhà
băng này mang dáng dấp hiện đại hơn, uy lực tài chính lớn hơn? Phải chăng
khi dùng chữ “ghem sâu” (game show) ý ta muốn nói mọi người khi tham
gia trò chơi truyền hình này phải có phong cách chơi quốc tế hơn? Vì mục
đích gì đi nữa, chúng ta đang chê rằng tiếng Việt không đủ phong phú, hoặc
tiếng Việt không thích hợp cho môi trường hội nhập ngày nay. Tôi cho rằng,
đài truyền hình phải đóng vai trò tiên phong trong sự nghiệp gìn giữ và phát
huy tiếng Việt.
Thật là vui mừng, hạnh phúc khi dân Việt Nam được hội nhập với thế giới.
Nhưng cũng thật là đau xót khi chúng ta hội nhập mà phải đánh mất chính
mình. Đánh mất nền văn hóa bốn ngàn năm văn hiến là một điều rất xót xa.
Phải phân biệt rạch ròi giữa sự vay mượn ngôn ngữ và sự đánh mất cội
nguồn. Nếu không kịp chấn chỉnh ngay từ bây giờ thì vài thập kỷ sau này,
tiếng Việt sẽ trở thành một cổ ngữ, không phải là sinh ngữ nữa.

×