I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUY LUẬT
1. KháI niệm “quy luật”
Quy luật là mối liên hệ bản chất, tất nhiên, phổ biến và lặp đi lặp lại giữa các sự vật hiện tượng, giữa các
thuộc tính của các sự vật cũng như giữa các thuộc tính của cùng một sự vật.
Các quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy của con người đều mang tính khách quan. Con người chỉ có thể
nhận thức quy luật để vận dụng chúng chứ không thể tuỳ tiện xoá bỏ quy luật.
Các quy luật được phản ánh trong các khoa học cũng không phải là sự sáng tạo tuỳ ý của con người mà là
sự phản ánh các quy luật khách quan của tự nhiên, xã hội và tư duy mà thôi.
2. Phân loại quy luật
Người ta có thể phân loại quy luật theo nhiều cách khác nhau. Căn cứ vào mức độ tính phổ biến chia
thành :
Quy luật riêng – tác động trong những phạm vi nhất định, ví dụ, quy luật đấu tranh sinh tồn chỉ tồn tại trong
thế giới động vật;
Qquy luật chung – tác động trong phạm vi rộng hơn các quy luật riêng. Ví dụ, quy luật bảo toàn và chuyển
hoá năng lượng. Quy luật này tác động trong phạm vi rộng hơn, trong một loạt sự vật, hiện tượng (nhiệt
năng, cơ năng, điện năng, v.v.);
Quy luật phổ biến - tác động trong tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy (các quy luật của phép biện
chứng duy vật). Ví dụ, quy luật phủ định của phủ định tồn tại cả trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
Căn cứ vào lĩnh vực tác động, chia thành:
Quy luật tự nhiên - nẩy sinh, tác động trong lĩnh vực tự nhiên. Ví dụ, quy luật đồng hoá và dị hoá;
Quy luật xã hội - nẩy sinh và tác động trong lĩnh vực xã hội. Ví dụ, quy luật đấu tranh giai cấp trong xã hội
có giai cấp;
Quy luật tư duy - nẩy sinh, tác động trong lĩnh vực tư duy. Ví dụ, quy luật kế thừa, v.v.
Quy luật của phép biện chứng duy vật nghiên cứu những quy luật phổ biến nhất của tự nhiên, xã hội và tư
duy. Các quy luật này phản ánh sự vận động, phát triển của sự vật dưới những phương diện cơ bản nhất.
Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập chỉ ra nguồn gốc của sự vận động, phát triển của sự
vật. Quy luật từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại chỉ ra cách thức vận
động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Quy luật phủ định của phủ định chỉ ra khuynh hướngvận động, phát
triển của sự vật, hiện tượng.
II. QUY LUẬT CHUYỂN HOÁ TỪ NHỮNG THAY ĐỔI VỀ LƯỢNG THÀNH NHỮNG THAY ĐỔI VỀ CHẤT
VÀ NGƯỢC LẠI
1. Khái niệm chất và khái niệm lượng
a. Khái niệm chất
Chất là phạm trù triết học chỉ tính quy định khách quan vốn có của các sự vật, hiện tượng, là sự thống nhất
hữu cơ các thuộc tính làm cho sự vật là nó mà không phải cái khác; ví dụ, cái bàn, cái ghế, v.v.
Để hiểu chất là gì cần hiểu thuộc tính là gì? Thuộc tính về chất là một khía cạnh nào đó về chất của sự vật
được bộc lộ ra khi tác động qua lại với các sự vật khác. Đó có thể là tính chất, trạng thái, yếu tố, v.v của sự
vật. Ví dụ, chất của đồng chỉ bộc lộ ra khi đồng tác động qua lại với nhiệt độ, không khí, điện, v.v. Chất của
một người được bộc lộ ra qua quan hệ của người đó với những người khác và qua công việc mà người đó
làm, v.v.
Mỗi sự vật có nhiều thuộc tính. Tổng hợp những thuộc tính cơ bản tạo thành chất cơ bản của sự vật. Như
vậy, sự vật cũng có nhiều chất.
Chất của sự vật là khách quan, vì đó là chất của sự vật, không do ai gán cho sự vật. Nó do thuộc tính của
sự vật quy định.
b. Khái niệm lượng
Lượng là phạm trù triết học chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, hiện tượng về mặt quy mô,
trình độ phát triển, biểu thị con số các thuộc tính, các yếu tố cấu thành sự vật.
Lượng được thể hiện thành số lượng, đại lượng, trình độ, quy mô, nhịp điệu của sự vận động và phát triển.
Chẳng hạn chỉ kích thước dài hay ngắn, quy mô to hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, tốc độ nhanh hay chậm
v.v. Ví dụ, khi nói sinh viên năm thứ hai, thì sinh viên là chất để phân biệt với công nhân, bộ đội, còn năm
thứ hai chính là lượng, chỉ trình độ của sinh viên.
Lượng là cái khách quan vốn có của sự vật. Đối với những sự vật liên quan tới tình cảm khi nhận thức
lượng không thể xác định bằng các đại lượng con số mà phải trừu tượng hoá bằng định tính. Ví dụ, lòng tốt,
tình yêu, v.v.
Lưu ý là sự phân biệt chất và lượng cũng chỉ là tương đối. Cái trong mối quan hệ này được coi là chất thì
trong mối quan hệ khác được coi là lượng. Ví dụ, số 4 trong mối quan hệ phân biệt với các số nguyên,
dương khác thì nó được coi là chất. Nhưng trong mối quan hệ số 4 có tổng số bằng 4 số 1 cộng lại, hay
bằng 2 số 2 cộng lại thì khi ấy nó được coi là lượng.
2. Mối quan hệ giữa sự thay đổi về lượng và thay đổi về chất
a. Những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất
Mỗi sự vật đều có lượng, chất và chúng thay đổi trong quan hệ chặt chẽ với nhau. Lượng thay đổi nhanh
hơn chất, nhưng không phải mọi thay đổi của lượng đều ngay lập tức làm thay đổi căn bản về chất.
Sự thay đổi về lượng chưa làm thay đổi về chất chỉ trong giới hạn nhất định. Vượt quá giới hạn đó sẽ làm
cho sự vật không còn là nó, chất cũ mất đi, chất mới ra đời.
Giới hạn mà trong đó, sự thay đổi về lượng (tăng lên hoặc giảm đi) chưa làm thay đổi về chất được gọi là
độ. Nói cách khác, độ là phạm trù triết học chỉ sự thống nhất giữa lượng và chất, là khoảng giới hạn mà
trong đó sự thay đổi về lượng (tăng lên hoặc giảm đi) chưa làm cho sự thay đổi căn bản về chất của sự vật
diễn ra. Ví dụ, độ của chất sinh viên là từ khi nhập học tới trước khi bảo vệ thành công đồ án, luận văn tốt
nghiệp.
Những điểm giới hạn mà khi sự thay đổi về lượng đạt tới đó sẽ làm cho sự thay đổi về chất của vật diễn ra
được gọi là điểm nút. Thời điểm bảo vệ thành công đồ án, hoặc luận văn tốt nghiệp của sinh viên là điểm
nút để chuyển từ chất sinh viên lên chất cử nhân.
Sự thay đổi về chất do những thay đổi về lượng trước đó gây ra gọi là bước nhảy. Bước nhảy là sự kết thúc
một giai đoạn phát triển của sự vật và là điểm khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới. Bước nhảy vọt
làm cho sự vật phát triển bị gián đoạn.
b. Những thay đổi về chất dẫn đến những thay đổi về lượng
Chất mới ra đời sẽ tác động trở lại tới sự thay đổi của lượng mới (làm thay đổi quy mô, nhịp điệu, tốc độ v.v
phát triển của sự vật). Ví dụ, khi trở thành cử nhân thì tốc độ đọc, hiểu vấn đề tốt hơn khi còn là sinh viên,
v.v. Như vậy, không chỉ sự thay đổi về lượng gây nên những thay đổi về chất mà cả sự thay đổi về chất
cũng gây nên những thay đổi về lượng.
c. Các hình thức của bước nhảy
Bước nhảy để chuyển hoá về chất của sự vật hết sức đa dạng, phong phú với nhiều hình thức khác nhau.
Dựa trên nhịp điệu thực hiện bước nhảy, người ta chia bước nhảy thành bước nhảy đột biến và bước nhảy
dần dần.
Bước nhảy đột biến, chất của sự vật biến đổi một cách nhanh chóng ở tất cả các bộ phận cơ bản, cấu
thành sự vật. Ví dụ, phản ứng hạt nhân (Ur 235 đạt đến khối lượng nhất định sẽ xảy ra vụ nổ hạt nhân) rất
nhanh và làm thay đổi chất của sự vật nhanh chóng.
Bước nhảy dần dần là quá trình thay đổi về chất diễn ra bằng con đường tích luỹ dần dần những nhân tố
của chất mới và mất đi dần dần những nhân tố của chất cũ. Ví dụ, quá trình chuyển biến vượn người thành
người diễn ra hàng vạn năm, hết sức lâu dài. Cần lưu ý, bước nhảy dần dần (là sự chuyển hoá dần dần
sang chất mới) khác sự thay đổi dần dần về lượng (tích luỹ liên tục về lượng, ví dụ như sự tích luỹ tiền gửi
tiết kiệm) của sự vật.
Căn cứ vào quy mô thực hiện bước nhảy của sự vật, người ta chia thành bước nhảy toàn bộ và bước nhảy
cục bộ.
Bước nhảy toàn bộ là bước nhảy làm thay đổi về chất tất cả các mặt, các bộ phận, các yếu tố cấu thành sự
vật. Ví dụ, khi thực hiện cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng ta đã thực hiện bước nhảy toàn bộ trên
tất cả các mặt đời sống kinh tế - chính trị - xã hội - văn hoá - đạo đức, v.v.
Bước nhảy cục bộ là bước nhảy làm thay đổi một số mặt, một số yếu tố, bộ phận của sự vật đó. Ví dụ, quá
trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay đang hàng ngày, hàng giờ làm thay đổi từng mặt đời
sống kinh tế - xã hội - văn hoá theo hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong lĩnh vực xã hội, thay đổi về lượng được gọi là “tiến hoá”, thay đổi về chất được gọi là “cách mạng”.
Tóm lại, sự thống nhất giữa lượng và chất trong sự vật tạo thành độ của sự vật. Những thay đổi về lượng
dần dần đến giới hạn nhất định thì xảy ra bước nhảy, chất cũ bị phá vỡ, chất mới ra đời cùng với độ mới.
Đó chính là cách thức phát triển của sự vật. Quá trình này diễn ra liên tục làm cho sự vật không ngừng vận
động, biến đổi.
3. Ý nghĩa phương pháp luận
Trong hoạt động thực tiễn, muốn có thay đổi về chất của sự vật phải tích luỹ về lượng, không được nóng
vội chủ quan.
Trong hoạt động thực tiễn cần tránh rơi vào “tả khuynh” - nhấn mạnh bước nhảy khi chưa đủ sự tích luỹ về
lượng; bởi lẽ, khi ấy rất dễ rơi vào phiêu lưu, mạo hiểm. Đồng thời, phải tránh “hữu khuynh” - tuyệt đối hoá
sự tích luỹ về lượng, không dám thực hiện bước nhảy khi đã đủ sự tích luỹ về lượng; khi ấy dễ rơi vào bảo
thủ, trì trệ, ngại khó.
Khi tích luỹ về lượng đã đủ cần thực hiện bước nhảy, tránh bảo thủ, trì trệ, ngại khó.
Trong hoạt động thực tiễn cần phân biệt đúng các hình thức của bước nhảy và vận dụng sáng tạo bước
nhảy.
Để sự vật còn là nó phải nhận thức được độ của nó và không để cho lượng thay đổi vượt quá giới hạn độ.
Ví dụ, khi sử dụng đồ điện phải chú ý tới công xuất, điện áp của nó, nếu không sẽ cháy, v.v.
III. QUY LUẬT THỐNG NHẤT VÀ ĐẤU TRANH CỦA CÁC MẶT ĐỐI LẬP
1. Khái niệm các mặt đối lập, mâu thuẫn, sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập
Mặt đối lập biện chứng là phạm trù triết học chỉ những mặt có đặc điểm, thuộc tính, tính quy định có khuynh
hướng phát triển trái ngược nhau tồn tại khách quan trong sự vật. Ví dụ, đồng hoá và dị hoá trong cơ thể
động vật, cực bắc và cực nam trong thanh nam châm, điện tích dương và điện tích âm trong dòng điện, v.v.
Mâu thuẫn biện chứng là sự liên hệ tác động qua lại lẫn nhau của hai mặt đối lập biện chứng. Mâu thuẫn
được hình thành từ hai mặt đối lập nhưng không phải bất kỳ hai mặt đối lập nào cũng tạo thành mâu thuẫn.
Chỉ khi hai mặt đối lập cùng tồn tại trong cùng một sự vật, trong cùng một thời gian, về cùng một mối liên hệ
và thường xuyên tác động qua lại lẫn nhau mới tạo thành mâu thuẫn. Ví dụ, đồng hoá và dị hoá trong cùng
một cơ thể động vật; cùng về một mối liên hệ ở đây là cùng về năng lượng (đồng hoá là nạp năng lượng, dị
hoá là giải phóng năng lượng); đồng hoá và dị hoá thường xuyên tác động theo nghĩa nhờ đồng hoá mà cơ
thể mới có nhu cầu dị hoá. Ngược lại nhờ dị hoá thì cơ thể mới đồng hoá được.
Thống nhất của các mặt đối lập được hiểu theo 3 nghĩa:
Thứ nhất, các mặt đối lập nương tựa vào nhau, làm điều kiện, tiền đề tồn tại cho nhau. Như ví dụ trên, đồng
hoá làm tiền đề cơ sở cho dị hoá và dị hoá làm tiền đề cơ sở cho đồng hoá. Không có đồng hoá thì cũng
chẳng có dị hoá và ngược lại.
Thứ hai, giữa hai mặt đối lập có những yếu tố đồng nhất, giống nhau, tương đồng nhau. Trong ví dụ trên thì
đồng hoá cần đến dị hoá và dị hoá cần đến đồng hoá. Điểm giống nhau là cần đến nhau. Tương tự như nhà
đầu tư tư bản và nước ta, mặc dù là đối lập nhau nhưng có điểm chung là lợi ích. Lợi ích chính là điểm
giống nhau.
Thứ ba, giữa hai mặt đối lập có trạng thái cân bằng, tác động ngang nhau. Trong ví dụ trên, đó chính là lúc
con người không đói và cũng không khát. Đấy là lúc đồng hoá và dị hoá cân bằng nhau, tác động ngang
nhau. Trong xã hội, đó là thời kỳ quá độ. Trong thời kỳ quá độ cái cũ và cái mới đan xen nhau, chưa cái nào
thắng cái nào; xã hội mới chưa khẳng định được mình, xã hội cũ thì chưa mất hoàn toàn.
Đấu tranh của các mặt đối lập là sự tác động lẫn nhau, bài trừ, phủ định lẫn nhau của các mặt đối lập. Đấu
tranh của các mặt đối lập là tuyệt đối, vì nó diễn ra thường xuyên, liên tục, trong tất cả quá trình vận động,
phát triển của sự vật; ngay trong sự thống nhất của các mặt đối lập cũng hàm chứa những nhân tố phá vỡ
sự thống nhất đó. Vì vậy, thống nhất của các mặt đối lập là tương đối.
2. Mâu thuẫn là nguồn gốc của sự vận động và sự phát triển
Đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc, động lực của sự vận động, phát triển của sự vật. Bởi lẽ, khi các
mặt đối lập thống nhất với nhau thì sự vật còn là nó. Nhưng khi mâu thuẫn từ khác biệt trở nên gay gắt cần
giải quyết thì khi ấy sự thống nhất cũ của sự vật mất đi, xuất hiện sự thống nhất mới, chính là sự vật mới ra
đời thay thế sự vật cũ. Sự thống nhất mới này lại mâu thuẫn nhau, rồi lại được giải quyết, cứ như vậy sự
vật vận động, biến đổi, phát triển. Nói cách khác, khi hai mặt đối lập tác động lẫn nhau, cả hai mặt đối lập
đều biến đổi, mâu thuẫn biến đổi và được giải quyết thì mâu thuẫn cũ mất đi làm sự vật không còn là nó. Sự
vật mới ra đời, mâu thuẫn mới lại xuất hiện. Cứ như vậy sự vật vận động, phát triển. Lưu ý rằng, cả thống
nhất và đấu tranh của các mặt đối lập đều có vai trò quan trọng trong sự vận động, phát triển của sự vật.
3. Phân loại mâu thuẫn
Căn cứ vào quan hệ đối với sự vật được xem xét, người ta phân biệt các mâu thuẫn thành mâu thuẫn bên
trong và mâu thuẫn bên ngoài.
Mâu thuẫn bên trong là sự tác động qua lại giữa các mặt, các khuynh hướng đối lập nhau của cùng một sự
vật. Ví dụ, mâu thuẫn giữa đột biến và di truyền trong cơ thể động vật.
Mâu thuẫn bên ngoài là sự tác động qua lại giữa các mặt, các khuynh hướng đối lập nhau của các sự vật
khác nhau. Ví dụ, mâu thuẫn giữa con người với môi trường tự nhiên bên ngoài.
Sự phân chia thành mâu thuẫn bên trong và bên ngoài chỉ có tính tương đối. Trong mối liên hệ này một
mâu thuẫn nào đó được coi là mâu thuẫn bên trong, nhưng trong mối liên hệ khác lại được coi là mâu thuẫn
bên ngoài. Ví dụ, mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên nếu ta lấy con người và tự nhiên làm sự vật thì đó
là mâu thuẫn bên ngoài. Nhưng nếu ta lấy mối liên hệ giữa hệ thiên hà và mặt trời làm sự vật thì đó có thể
lại là mâu thuẫn bên trong hệ thiên hà mặt trời của chúng ta, v.v.
Mâu thuẫn bên trong đóng vai trò quyết định trực tiếp đối với sự vận động phát triển của sự vật. Mâu thuẫn
bên ngoài đóng vai trò quan trọng nhưng chỉ phát huy tác dụng thông qua mâu thuẫn bên trong. Giải quyết
mâu thuẫn bên trong không thể tách rời việc giải quyết mâu thuẫn bên ngoài. Giải quyết mâu thuẫn bên
ngoài là điều kiện để giải quyết mâu thuẫn bên trong.
Căn cứ vào ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của sự vật, người ta chia thành mâu thuẫn cơ bản và
mâu thuẫn không cơ bản.
Mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn quy định bản chất của sự vật và tồn tại trong suốt quá trình tồn tại của sự
vật. Ví dụ, mâu thuẫn cơ bản trong thời kỳ quá độ ở nước ta là mâu thuẫn giữa khuynh hướng tự giác lên
chủ nghĩa xã hội với khuynh hướng tự phát lên chủ nghĩa tư bản.
Mâu thuẫn không cơ bản là mâu thuẫn đặc trưng cho một phương diện nào đó của sự vật và quy định sự
vận động phát triển của phương diện đó của sự vật. Ví dụ, mâu thuẫn giữa lao động trí óc và lao động chân
tay trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Căn cứ vào vai trò của mâu thuẫn đối với sự vận động và phát triển của sự vật trong một giai đoạn phát
triển nhất định, người ta chia thành mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn không chủ yếu.
Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn nổi lên hàng đầu ở một giai đoạn phát triển nhất định của sự vật.
Mâu thuẫn không chủ yếu là mâu thuẫn mà việc giải quyết nó không quyết định việc giải quyết các mâu
thuẫn khác ở giai đoạn đó của sự vật.
Căn cứ vào tính chất của các quan hệ lợi ích, người ta chia thành mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn
không đối kháng.
Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa những giai cấp, tập đoàn người, những nhóm xã hội có lợi ích cơ
bản đối lập nhau không thể điều hoà. Ví dụ, mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản trong xã hội tư bản chủ nghĩa.
Mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn giữa những lực lượng, khuynh hướng xã hội có đối lập về lợi ích
nhưng đó không phải là lợi ích cơ bản, mà chỉ là lợi ích cục bộ, tạm thời. Ví dụ, mâu thuẫn giữa công nhân
và nông dân về những lợi ích tạm thời nào đó.
Từ trên rút ra nội dung quy luật mâu thuẫn: Mọi sự vật đều chứa đựng những mặt có khuynh hướng biến
đổi ngược chiều nhau gọi là những mặt đối lập. Mối liên hệ của hai mặt đối lập tạo nên mâu thuẫn. Các mặt
đối lập vừa thống nhất với nhau và chuyển hoá lẫn nhau làm mâu thuẫn được giải quyết, sự vật biến đổi và
phát triển, cái mới ra đời thay thế cái cũ.
4. Ý nghĩa phương pháp luận
Cần phải thấy được động lực phát triển của sự vật không phải ở ngoài sự vật mà là những mâu thuẫn trong
bản thân sự vật.
Mâu thuẫn là khách quan, phổ biến nên nhận thức mâu thuẫn là cần thiết và phải khách quan. Không nên
sợ mâu thuẫn, không né tránh mâu thuẫn.
Trong hoạt động thực tiễn phải biết xác định trạng thái chín muồi của mâu thuẫn để giải quyết kịp thời.
Mâu thuẫn chỉ được giải quyết khi có đủ điều kiện chín muồi, cho nên không được giải quyết mâu thuẫn
nóng vội khi chưa có điều kiện chín muồi, nhưng cũng không được để việc giải quyết mâu thuẫn diễn ra tự
phát. Nếu điều kiện chưa chín muồi có thể thông qua hoạt động thực tiễn để thúc đẩy điều kiện nhanh đến.
IV. QUY LUẬT PHỦ ĐỊNH CỦA PHỦ ĐỊNH
1. Khái niệm phủ định và phủ định biện chứng
Phủ định là khái niệm chỉ sự thay thế sự vật này bằng sự vật khác trong quá trình vận động và phát triển.
Phủ định siêu hình là sự phủ định sạch trơn, sự phủ định không tạo tiền đề cho sự phát triển tiếp theo,
không tạo cho cái mới ra đời, lực lượng phủ định là ở bên ngoài sự vật.
Phủ định biện chứng là phạm trù triết học dùng để chỉ sự tự phủ định, sự phủ định tạo tiền đề cho sự phát
triển tiếp theo của sự vật, sự phủ định tạo tiền đề cho cái mới ra đời thay thế cái cũ, lực lượng phủ định ở
ngay trong bản thân sự vật.
Phủ định biện chứng có đặc điểm:
+ Khách quan, tự thân sự vật phủ định, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Đó là kết
quả giải quyết mâu thuẫn bên trong sự vật quy định.
+ Có tính kế thừa (có sự liên hệ giữa cái cũ và cái mới), không phủ định sạch trơn hoàn toàn cái cũ, mà kế
thừa có lọc bỏ những cái cũ không còn phù hợp.
2. Nội dung của quy luật phủ định của phủ định
Phủ định của phủ định là khái niệm nói lên rằng, sự vận động, phát triển của sự vật thông qua hai lần phủ
định biện chứng, dường như quay trở lại điểm xuất phát ban đầu nhưng cao hơn.
Phủ định lần thứ nhất làm cho sự vật cũ trở thành cái đối lập của mình. Sau những lần phủ định tiếp theo,
đến một lúc nào đó sẽ ra đời sự vật mới mang nhiều đặc trưng giống với sự vật ban đầu (xuất phát). Như
vậy, về hình thức là trở lại cái ban đầu song không phải giống nguyên như cũ, dường như lặp lại cái cũ
nhưng cao hơn. Ví dụ, hạt ngô (cái ban đầu khẳng định) - cây ngô (phủ định lần 1 - đối lập với hạt ngô - cái
xuất phát) - bắp ngô (phủ định lần 2 - phủ định của phủ định).
Sự phủ định của phủ định là giai đoạn kết thúc một chu kỳ phát triển, đồng thời lại là điểm xuất phát của một
chu kỳ phát triển tiếp theo, tạo ra đường xoáy ốc của sự phát triển. Mỗi đường mới của đường xoáy ốc thể
hiện một trình độ cao hơn của sự phát triển. Sự nối tiếp nhau của các vòng xoáy ốc thể hiện tính vô tận của
sự phát triển.
Lưu ý, trong hiện thực, một chu kỳ phát triển của sự vật có thể bao gồm nhiều lần phủ định biện chứng. Ví
dụ, con tằm thực hiện một chu kỳ phát triển qua 4 lần phủ định biện chứng. Nhưng ít nhất để thực hiện một
chu kỳ phải thông qua hai lần phủ định biện chứng.
3. Ý nghĩa phương pháp luận
Quy luật phủ định của phủ định cho ta cơ sở để hiểu sự ra đời của cái mới, mối liên hệ giữa cái cũ và cái
mới.
Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn cần chống thái độ phủ định sạch trơn; đồng thời, phải biết sàng lọc
những gì tích cực của cái cũ.
Chống thái độ hư vô chủ nghĩa; đồng thời, chống bảo thủ khư khư ôm lấy những gì đã lạc hậu lỗi thời,
không chịu đổi mới.
Phải hiểu phát triển không phải là đường thẳng mà theo đường xoáy ốc đi lên. Nghĩa là, có nhiều khó khăn,
phức tạp trong quá trình vận động, phát triển. Phát triển không phải là đường thẳng.
TÓM LƯỢC NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GHI NHỚ
Trong chương này, anh/chị cần ghi nhớ:
1. Quy luật là gì; căn cứ để phân loại quy luật; sự khác nhau giữa quy luật mà triết học nghiên cứu với các
quy luật mà các khoa học chuyên ngành nghiên cứu.
2. Hiểu được nội dung và ý nghĩa phương pháp luận được rút ra từ ba quy luật cơ bản của phép biện
chứng duy vật.
3. Anh/chị cố gắng vận dụng những hiểu biết khi học quy luật này vào học tập và lý giải một số vấn đề nảy
sinh từ cuộc sống. Làm được như vậy, anh/chị sẽ thấy thích thú hơn khi học những quy luật này.
Chúc anh/chị thành công!
CÂU HỎI SUY LUẬN
Câu hỏi 1: Tại sao không gọi là quy luật phủ định mà phải gọi là “quy luật phủ định của phủ định”?
Gợi ý: Vì phải qua 2 lần phủ định biện chứng, sự vật mới dường như quay trở về điểm ban đầu nhưng cao
hơn về chất. Nếu chỉ một lần phủ định thì chưa hoàn thành một chu kỳ phát triển của sự vật.
Câu hỏi 2: Phải qua ít nhất mấy lần phủ định thì kết thúc một chu kỳ phát triển của sự vật?
Gợi ý: ít nhất phải qua 2 lần, trong thực tế có sự vật phải qua nhiều lần phủ định biện chứng mới kết thúc
một chu kỳ phát triển.
Câu hỏi 3: Có trên thực tế không, có sự vật phải qua 3, 4, 5 lần mới kết thúc một chu kỳ phủ định của phủ
định? (có, tìm ví dụ nuôi tằm).
Câu hỏi 4: Tập lập luận phân tích nhận định: Nếu ai bắn vào quá khứ bằng súng ngắn (lục), thì tương lai sẽ
bắn vào anh ta bằng đại bác.
Gợi ý: Phủ định quá khứ ít thì bị tương lai (hiện tại đối với tương lai là quá khứ) phủ định hàng nghìn lần;
nghĩa là, phải có thái độ đúng đối với quá khứ, không được phủ định sạch trơn.
Câu hỏi 5: Phá huỷ một cái cây không cho nó phát triển nữa có phải là phủ định biện chứng không?
Gợi ý: Không phải là phủ định biện chứng vì đó là phá huỷ hoàn toàn, không tạo tiền đề cho sự vật phát
triển tiếp theo, lực lượng phủ định lại là con người ở bên ngoài sự vật.
Câu hỏi 6: Ta cho các tập đoàn kinh tế tư bản vào kinh doanh ở nước ta có đi ngược với quy luật mâu
thuẫn không?
Gợi ý: Ta và chủ nghĩa tư bản nói chung (các tập đoàn kinh tế tư bản nói riêng) là mâu thuẫn, đối lập nhau.
Nhưng ta cho phép họ vào kinh doanh lại không mâu thuẫn với quy luật mâu thuẫn, cụ thể là không trái với
quan điểm của triết học Mác-Lênin về thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Cụ thể ở đây là giữa ta
và các tập đoàn kinh tế tư bản này có điểm chung đó là lợi ích. Theo quy luật mâu thuẫn thì ở đây có sự
thống nhất của các mặt đối lập. Hơn nữa, các tập đoàn kinh tế này vào phải được sự cho phép của Nhà
nước ta, tuân thủ theo luật pháp của ta. Trong các hiệp định kinh tế phải đảm bảo tuân thủ pháp luật nước
ta, v.v.
Câu hỏi 7: Mâu thuẫn cơ bản của thời kỳ quá độ ở nước ta là gì?
Gợi ý: Đó là mâu thuẫn giữa khuynh hướng tự phát lên chủ nghĩa tư bản và khuynh hướng tự giác lên chủ
nghĩa xã hội. Mâu thuẫn này nảy sinh và tồn tại trong suốt thời kỳ quá độ ở nước ta. Khi mâu thuẫn này
được giải quyết thì có nghĩa thời kỳ quá độ ở nước ta kết thúc. Mâu thuẫn này cũng chi phối các mâu thuân
khác trong thời kỳ quá độ ở nước ta.
Câu hỏi 8: Cách thức và khuynh hướng vận động phát triển của sự vật là gì?
Gợi ý: Theo quy luật lượng - chất thì cách thức phát triển của sự vật: từ từ thay đổi về lượng rồi nhảy vọt về
chất, hay nói khác đi sự vật phát triển theo cách thức đứt đoạn (nhảy vọt) trong liên tục (thay đổi về lượng).
Quy luật phủ định của phủ định chỉ ra khuynh hướng phát triển của sự vật: qua hai lần phủ định biện chứng,
sự vật dường như quay trở lại điểm xuất phát ban đầu nhưng trên cơ sở cao hơn. Cứ như vậy, sự vật vận
động, phát triển theo đường xoáy ốc đi lên.
Câu hỏi 9: Mâu thuẫn giữa công nhân và nông dân ở nước ta có phải là mâu thuẫn đối kháng không?
Gợi ý: Không phải, bởi lẽ, mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội có lợi ích
căn bản đối lập nhau không thể điều hoà được. Giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân ở nước ta có
lợi ích căn bản ( lợi ích kinh tế) không đối lập nhau về bản chất. Do vậy, giữa hai giai cấp này có thể có mâu
thuẫn nhưng không phải là mâu thuẫn đối kháng.