KHI NGƯỜI TA TRẺ (FROM NGUYỄN TRƯỜNG SƠN)
bởi Edric Evans vào ngày 07 tháng 7 2011 lúc 3:38 chiều
1. TIỀN LÀ CẦN THIẾT VÀ QUAN TRỌNG
Nhiều bạn trẻ cho rằng : “Tôi sống vì đam mê, tôi sống vì tôi yêu thích công việc
đó” và cố tình ( hoặc vô ý ) phủ nhận vai trò của tiền trong đời sống hàng ngày.
Mình gặp không ít trường hợp khá dửng dưng với kinh tế vì cho rằng mình còn đi
học, còn bố mẹ chăm lo, còn trẻ chưa cần phải bươn chải nhiều.
Thực tế đã chứng minh, tiền là cần thiết và quan trọng. Dĩ nhiên, theo mình ,
tiền không phải là thứ quan trọng nhất, nhưng tiền lại là thứ mà đam
mê và ước mơ của bạn cần nó nhất.
Hãy cố gắng học cách sử dụng đồng tiền như một công cụ có ích. Bài học này có
học cả đời cũng không xong, quan trọng bạn phải xác định điều tối thiểu là bạn
cần tiền để làm gì, liệu điều đó có thực sự mang lại ích lợi cho bạn hay không.
2. TÔN TRỌNG NGƯỜI LỚN, KÍNH TRỌNG NHỮNG NGƯỜI ĐÃ THAY
ĐỔI BẠN
Ngày xưa, khi mình còn trẻ, lúc nào cũng cảm thấy được quen biết với vị Tổng
giám đốc công ty này, thủ trưởng đơn vị nọ là một việc rất “oai”. Trong số
chúng ta ai cũng từng trải qua cảm giác hồi hộp khi lần đầu được nói chuyện với
người chúng ta thần tượng, dù chỉ biết qua báo đài, Internet; ai cũng cảm thấy
tự hào khi được làm việc hay tiếp xúc với những người nổi tiếng trong xã hội…
Điều đó không có gì là sai trái cả.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế một chút về vấn đề này. Bạn tôn trọng
họ, vì họ lớn hơn bạn, họ có nhiều kinh nghiệm hơn bạn, họ là thần tượng trong
lòng bạn… không đồng nghĩa với việc bạn đặt họ trên đầu và xem họ như một
tượng đài uy vệ. Bởi lẽ, con người không ai là hoàn hảo, đến một lúc nào đó bạn
nhận ra họ cũng “bình thường” như bao người khác, chắc chắn bạn sẽ hụt hẫng
ghê gớm.
Mỗi người trong chúng ta đều có một giá trị bất kỳ. Sau 8 tiếng làm việc, những
con người mà bạn thần tượng hóa quá cao ấy, cũng trở thành một thành viên
của một gia đình nào đó, dung dị giữa đời thường. Rõ ràng, sau 8 tiếng làm việc,
thần tượng của bạn chẳng khác nào bạn, đúng không ?
Một số bạn trẻ mình gặp, họ hay có thái độ e dè, nể nang các sếp lớn trong công
ty hoặc những người thành đạt trong nhiều lĩnh vực. Sự rụt rè, tự ti đó vô tình
đánh mất chính giá trị của bản thân trong mắt người khác – một điều không nên
chút nào. Thoải mái, tự do cởi mở, chia sẻ thẳng thắn, học hỏi điều hay, đừng
ngại ngần khi giao tiếp sẽ giúp bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Tôn trọng người lớn là lẽ thường tình trong cách cư xử hàng ngày,
nhưng chỉ nên bày tỏ lòng kính trọng thực sự với những người đã thay
đổi cuộc sống của bạn. Đôi khi, những người đã thay đổi cuộc sống của bạn
lại là những người không hề có địa vị trong xã hội hay là người nổi tiếng của
cộng đồng, lại càng không phải là người bạn “thần tượng”. Tin mình đi.
3. HỌC CÁCH CHẤP NHẬN
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng “chấp nhận” lại là điều mà đa số các bạn trẻ hay bỏ
qua. Chấp nhận không có nghĩa là phó mặc tất cả, không có nghĩa là thụ động
buông xuôi, mà nó mang hàm ý rộng hơn : Đón nhận thử thách, khó khăn trong
cuộc sống. Khi bạn biết cách chấp nhận, cuộc sống sẽ dễ thở hơn rất
nhiều.
Nếu bạn không thông minh, bạn nên chấp nhận điểm yếu đó mà cố gắng phát
huy thế mạnh khác, hơn là cố chấp tỏ ra hiểu biết vượt trội hơn người khác.
Nếu bạn không xinh đẹp, bạn nên chấp nhận lời chê bai đó, nỗ lực tìm cách để
biến mình trở nên quyến rũ hơn.
Nếu bạn không có một cuộc sống hạnh phúc như nhiều người khác, hãy chấp
nhận nó như điều hiển nhiên vì bởi cuộc đời này còn nhiều người như bạn lắm.
Suy nghĩ về 2 chữ “chấp nhận” từ lúc trẻ chưa bao giờ là thừa thãi.
4. TẬP TRUNG
Vì bạn trẻ và bạn có nhiều cơ hội, bạn có nhiều thứ để đam mê, để chạy nhảy,
để chơi bời và chọn lựa. Bản thân mình cũng vậy. Đôi khi mình bị hấp dẫn bởi
nhiều lời đề nghị hấp dẫn, những lời hứa hẹn ngọt ngào, những mối quan hệ
phù du…để rồi nhận ra, mình loay hoay giữa quá nhiều thứ, rốt cuộc chẳng làm
được gì. Hãy tập trung. Bài học chưa bao giờ cũ. Tập trung làm một thứ, thật
tốt hơn làm mười thứ, chỉ xoàng xoàng.
Tập trung ở đây còn là không để những yếu tố bên ngoài tác động đến định
hướng của mình. Hãy lắng nghe và đón nhận góp ý, chê bai hay chỉ trích. Hãy
nghe ngóng tình hình đối thủ, biết chút chút về thị trường. Nhưng những điều đó
không có nghĩa dễ dàng ảnh hưởng đến hoạch định dài hơi của bạn. TẬP TRUNG
!!!!!!
5. SỐNG THỰC TẾ VÀ CHÂN THÀNH
Bạn tính toán để mình không bị thiệt thòi ?
Bạn so đo từng tí quyền lợi của mình.
Bạn “khôn lỏi” theo đánh giá của nhiều người.
Dù bạn là ai, dù trong công việc bạn là người như thế nào, dù trước đây
bạn là người ra sao, nhưng luôn nhớ : hãy sống tử tế và chân thành.
Như trong cuộc sống của mình, nói ra thì buồn cười, nhưng mình hay có câu :
“Chắc nhờ ăn ở tốt”. Mình không khẳng đinh, mình có chân thành toàn phần hay
không, nhưng mình chắc chắn từ trước đến nay mình luôn sống tử tế, không hại
ai. Và mọi thứ tự nhiên đến một cách tình cờ và nhẹ nhàng, đến mức khiến mình
không hết ngạc nhiên.
Su
6. TÔI TÀI GIỎI NHƯNG BẠN ĐỪNG NGHĨ BẠN CŨNG THẾ
Khi người ta trẻ, trong vài giai đoạn nào đó, người ta đạt được những thành
công nhất định. Vì thế người ta tự hào lắm, người ta thường đi chia sẻ lại về sự
thành công và sự tài giỏi của mình. Rồi người ta đâm dần trở thành ngộ nhận
khả năng của bản thân, hoặc là khi thấy mình hao hao có bước khởi đầu giống
người nổi tiếng nào đó, bỗng chốc nghĩ mình sắp trở thành thiên tài.
Ví dụ cho trường hợp này, chính là bản thân mình.
Mình là một công dân Việt Nam trẻ, trẻ măng măng. Và mình từng có vài thành
công nho nhỏ ngay khi mình còn RẤT trẻ. Quan niệm về “thành công” ở đây là
hoàn tất một công việc trong sự nghiệp làm đạt được kết quả tốt. Nhiều lần,
mình sống trong hào quang oai hùng của một thời quá khứ đó, mà ngộ nhận
chính năng lực thật của mình. Mình đã từng thần tượng vài người thành đạt –
những người cũng có bước khởi đầu hao hao với mình. Vậy là mình tự cho rằng
mình tài giỏi giống như họ.
Khi gặp chuyện và có vài tình huống khó xử, mình nhận ra, bản thân mình chưa
đủ tầm, chưa đủ trình để giải quyết những vấn đề đó.
Bài học rút ra ở đây : Cá nhân mình rất là không đồng ý với câu nói “Tôi tài giỏi
và bạn cũng thế” – mặc dù trong 1 số trường hợp và khía cạnh nào đó, nó đúng.
Nhưng với mình, chưa chắc khi “tôi tài giỏi” là “bạn cũng thế” 1 cách dễ dàng
được. Mọi việc đều có sự đánh đổi hợp lý. Vui lòng ngó qua câu 7 để tìm hiểu rõ
hơn.
7. VIỆC GÌ CŨNG CÓ CÁI GIÁ CỦA NÓ
Điều này thì ai cũng biết. Điều này nói đi nói lại mãi cũng bằng thừa. Nhưng
mình chỉ muốn nhắc các bạn là : Tuy việc gì cũng có cái giá của nó, nhưng hãy
trả bằng cái giá tương xứng, không quá cao không quá thấp, và một khi quyết
định rồi thì không nên hối hận.
Có nhiều người hay khát khao, hay ước ao : Ôi chao, làm người mẫu, ca sĩ thật
sướng, tối ngày diện đồ đẹp, tiền lúc nào cũng nhiều, nhà lầu xe hơi chào đón.
Đó chỉ là một mặt của vấn đề. Mặt còn lại, khó có thể nào biết nếu như mình
không phải là người đó.
Bản thân mình cũng gặp một trường hợp vui vui. Một anh bạn, tên là K., anh ấy
hơn mình vài tuổi, đang gặp nhiều khó khăn trong công việc. Anh ấy luôn bảo
rằng mình sướng, vì công việc của mình tương đối nhàn, và mình lại có thời gian
chạy nhảy lung tung. Rồi anh ấy lại cho rằng những gì mình có được của ngày
hôm nay, thật đáng ngưỡng mộ. Một điều khá buồn cười là anh ấy cố gắng đi
học những cái – mà theo anh ấy nghĩ rằng – khi học xong, anh ấy sẽ có công
việc và cuộc sống tự do như mình.
Nhưng anh ấy lại không hề biết được 1 điều, để có được như ngày hôm nay,
mình đã phải trả giá và hi sinh rất nhiều thứ : Tuổi thơ, tuổi trẻ cuồng nhiệt, tình
cảm bạn bè và cả người bạn trai cũ. Mình đã có 1 thời gian dài tách biệt mọi thứ,
trong lúc bạn bè thì đang tuổi ăn chơi, còn mình chỉ lao đầu vào làm việc, nghiên
cứu đến miệt mài. Cho đến giờ, tuy rằng lúc nào cũng bảo, mình cảm thấy hạnh
phúc với con đường mình chọn, nhưng không hoàn toàn thế. Nhìn những đứa
bạn cùng trang lứa bây giờ vẫn đi chơi phè phỡn, trong khi cuối tuần của mình là
những buổi họp hay café gặp đối tác, cũng có chút gì đó xót xót, buồn buồn.
Làm cừu thì buồn chán, làm sói thì cô đơn. Mình thì dễ, vì mình đã chọn làm sâu
rồi nên cũng phải ráng bò thôi hehe.
8. SỐNG GIẢ ĐIÊN CHO ĐỜI BÌNH YÊN
Trong cuộc sống có tỉ việc phải lo nghĩ. Nếu cứ chạy theo những suy nghĩ đó mãi
và bị cuốn vào guồng quay của công việc, những toan tính âu lo, thì thấy đời lúc
nào cũng có sóng, sóng ngầm hay sóng biển cuộn trào.
Như dạo gần đây, mình bỏ hẳn đọc báo. Vì đọc báo hàng ngày bây giờ, chỉ toàn
những tin giật gân như chém giết, hãm hiếp, cướp bóc, hỏa hoạn, tận thế, diệt
vong, chiến tranh… Nói chung là đánh vào sự sợ hãi trong mỗi con người. Càng
đọc báo, càng ngán ngẩm, càng sợ sệt. Có khi con người sẽ chết vì nỗi sợ hãi
trước khi ngày tận thế thực sự có thật trên đời.
Đôi khi tự nhủ, mình bị điên 1 tẹo thì hay, sống vô lo, cứ cười cười khóc khóc cả
ngày chẳng phải suy nghĩ gì. Đời cứ thế mà bình yên.
9. ĐỪNG BÁN RẺ ƯỚC MƠ
Việc này thì dễ gặp hơn : Các bạn sinh viên, các bạn trẻ và các bạn có rất rất
nhiều ước mơ. Chỉ một lời khuyên duy nhất : Ước mơ – Biết cách ước mơ –
Và bán nó cho những ai thực sự cần.
Ước mơ – ai cũng có hàng ngàn ước mơ. Nhưng biết cách ước mơ là một việc
quan trọng.
Ngày bé, mình ước mơ làm bác sĩ. Khi học đến lớp 8, mình vẫn thích được làm
bác sĩ. Nhưng khi nhận ra mình chỉ có năng khiếu ở các môn xã hội và nhận con
điểm kém ở các môn tự nhiên, mình đành nói lời chia tay với “Bác sĩ”. Thay vào
đó, mình tìm một ước mơ khác, về Marketing.
Nhưng Marketing thì rộng quá. Có lẽ, mình khác các bạn yêu thích Marketing
khác ở 1 điểm, đó chính là mình khá… thực tế. Có nhiều bạn đam mê Marketing,
các bạn đó đọc sách, đọc tài liệu từ ngày này qua ngày khác không biết chán.
Còn mình, một khi quyết tâm biến ước mơ ( trở thành Marketer ) thành hiện
thực, mình đã vác thân đến một công ty và ứng cử vào vị trí Marketing khi mình
mới 15 tuổi.
Nhiều người nghĩ mình hơi khùng khùng, khi 1 con bé chưa học xong cấp 3,
chưa ra trường, không bằng cấp, không kinh nghiệm trước đó lại ứng cử vào 1 vị
trí – nghe – có - vẻ - rất là hoành tráng. Không sao, mình có máu liều nhiều hơn
máu bình thường nhiều lắm.
Ứng cử việc lần thứ 1 : Thất bại
Ứng cử việc lần thứ 2 : Thất bại.
Ứng cử việc lần thứ 10 : Thất bại.
Ứng cử việc lần thứ 11 : Được nhận vào làm bán thời gian, mức lương
2,000,000đ.
Mình khấp khởi vào công ty đó làm. Làm được 3 ngày, mình xin nghỉ. Một lý do
duy nhất : Mình mong muốn làm Marketing, chứ không phải vào để được đào
tạo trở thành Sale.
Ứng cử việc lần thứ 15 : Được nhận vào làm bán thời gian, mức lương 800,000đ.
Nhưng mình rất hạnh phúc vì 2 người sếp đầu tiên của mình, là những người
hướng dẫn mình trở thành một Online Marketer thực thụ.
Thời điểm mình làm, lúc đó, Online Marketing chỉ mới manh nha, chưa thực sự
cao trào như hiện nay. Mình rất yêu công việc của mình. Nhiều khi về nhà vào
lúc 8h, 9h tối, nhưng mình cảm thấy mình trưởng thành nhiều.
Làm bán thời gian ở đó gần 1 năm, mình gần như lớn hơn thêm 4 tuổi vì kiến
thức, những trải nghiệm và kinh nghiệm đều quá tuyệt vời !
“Đừng bán rẻ ước mơ” ở đây không phải là không nên bán ước mơ của bạn với
giá rẻ bèo, mà là hãy tìm người hiểu rõ giá trị ước mơ của bạn và bán nó. Khi
bán rồi, bạn tin chắc người mua có thể giúp ước mơ của bạn thành hiện thực ở 1
phần nào đó, để chắc chắn rằng ước mơ của bạn có giá trị cho cuộc sống và cho
xã hội.
10. CỨ QUAN HỆ BỮA BÃI, RỒI CŨNG SẼ CÓ LÚC NÓ HỮU DỤNG
Phần này có vẻ nhiều người quan tâm quá nhỉ. Nhưng ý mình nói ở đây, không
phải là quan hệ TD như nhiều bạn nghĩ. Mà là các mối quan hệ trong xã hội.
Xin phép được chia sẻ, lại là thực tế ở bản thân mình.
Gia đình mình là gia đình lao động, không giàu có, khá nghèo. Ba mẹ mình chỉ là
công nhân lao động bình thường, gia đình không có gốc gác, không mối quan hệ
với địa phương, chính quyền hay bất cứ công ty gì lớn lao.
Nhưng mình dám chắc với các bạn, khi các bạn gặp mình, các bạn không nghĩ
mình như thế.
Mình có 1 thời gian dài, mình cộng tác làm dự án về website cho một hãng hàng
không tại Việt Nam : Ngành này tương đối nhạy cảm, ai cũng nghĩ là phải “con
ông cháu cha” mới làm được.
Hiện nay, các mối quan hệ trong dotcom của mình khá nhiều. Việc mình lượn lờ
café với các CEO của dotcom cũng là một việc hết sức bình thường. Xin giới
thiệu về mình : 1 đứa làm việc dạo, không là CEO của một công ty nào cả.
Mình từng trải qua nhiều môi trường làm việc đặc thù như ngành giáo dục,
ngành y tế ( nha khoa ), nhà hàng khách sạn ( khách sạn 5 sao ) và hiện nay,
mình tư vấn cho vài dự án nho nhỏ của 1 số công ty hơi lớn lớn của Việt Nam.
Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi : Chắc hẳn mình xinh đẹp lắm, mình sẽ dùng vốn
tự có của mình để đổi chác lại nhiều vị trí quan trọng và những công việc như
hiện nay ?
Mình nói rõ luôn ( nhiều bạn VOZ ) đã gặp mình : Mình – xấu – lùn – mập –
chảnh =)
Vậy thì mình đã làm cái quái gì ?
Các mối quan hệ không tự nhiên đến cũng không tự nhiên đi, chỉ chuyển từ giai
đoạn này sang giai đoạn khác.
Như mình chia sẻ ở phần 1, mình sống rất tử tế. Thường thì khi bắt đầu một mối
quan hệ mới, mình không quan tâm lắm đến chức vụ của người khác, mà mình
chỉ thực sự quan tâm, họ đã làm được gì.
Chính vì thế, nhiều khi mình có nhiều mối quan hệ lớn, mình mới ngớ người ra :
Ủa, bác Tuấn là chủ tịch của tập đoàn XYZ ở VN à ? Đó giờ cứ nghĩ bác ấy là
khách quen của quán này thôi
Mình xác định rõ : Mỗi người đều có 1 vốn sống, việc mình mở rộng mối
quan hệ, mình bỏ hết tất cả cái gọi là “tìm kiếm cơ hội kinh doanh hợp
tác”, vì mình chỉ muốn được trao đổi, trau dồi thêm vốn sống.
Vì thế, với bất kỳ ai, mình cũng đều nói chuyện với họ bằng thái độ rất tôn
trọng. Từ khách quen của một quán café, đến cô bán khoai lang dạo hay là một
tổng giám đốc quyền uy.
Bởi vì mình không quan tâm họ là ai, không muốn tận dụng mối quan hệ để kinh
doanh, vì thế, mối quan hệ của mình với người đó ít khi nặng nề. Họ cũng vui vẻ
hơn khi giúp đỡ mình, họ cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ với mình