Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

LĂNG PHẠM ĐÔN NGHỊ, DẤU ẤN NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ MỸ THUẬT THẾ KỶ XVIII pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (159.45 KB, 11 trang )






LĂNG PHẠM ĐÔN NGHỊ, DẤU ẤN NGHỆ THUẬT
ĐIÊU KHẮC ĐÁ THẾ KỶ XVIII



Việc xây lăng mộ là một
truyền thống lâu đời trong
nghệ thuật kiến trúc cổ Việt
Nam. Nếu lăng mộ từ thời Lê
Sơ về trước dường như chỉ có
vua hay các bà hoàng mới
được xây lăng, rất hãn hữu
mới có lăng đại thần (như
lăng Trần Thủ Độ), thì sang
thời Hậu Lê lại có chiều
hướng phát triển ngược lại.
Giai đoạn này, trong hệ thống
quản lý quốc gia bên cạnh
vua Lê lại có thêm chúa
Trịnh, đáng ra sẽ có cả hệ
thống lăng mộ của vua Lê và
chúa Trịnh. Nhưng thực tế các lăng mộ còn lại đến ngày nay với niên đại thời Hậu
Lê có số lượng rất ít. Một vài lăng có quy mô hơn cả như lăng chúa Trịnh Doanh
(Nga Mi, Thanh Hóa - thế kỷ XVIII) lại càng hiếm: Và trên một cơ sở nào đó quy
mô của lăng mộ này có phần tương tự hoặc lớn hơn không nhiều so với các lăng
quan lại. Điều này được các nhà nghiên cứu giải thích trên quan điểm lịch sử đất


nước trong hoàn cảnh chiến tranh nội chiến, và bởi sự tiếm quyền lẫn nhau trong
xã hội, Vua Lê thì bù nhìn và chúa Trịnh nắm quyền thế. Các thế lực này không thể
quan tâm một cách sâu sắc đến việc xây lăng mộ cho chính bản thân mình. Hơn
nữa việc trả thù cá nhân của các triều đại tiếp sau khiến rất có thể vua chúa có lăng
nhưng cũng không thể tồn tại đến bây giờ, hoặc xây lăng nhưng lại ẩn danh như
trường hợp lăng chúa Trịnh Doanh, nhưng phải lấy tên bà Thái phi Ngọc Diệm
(1,tr241). Mặt khác các quan đại thần nắm giữ quyền lực trong tay, để củng cố cho
địa vị của mình đã tự mình xây dựng lăng mộ cho bản thân tại quê hương bản
quán. Có lẽ ở thế kỷ XVIII, việc xây cất lăng mộ đã trở thành phong trào. Nó cũng
giống như việc cúng tiền để xây đình, chùa, đặt làm tượng hậu để thờ, ý nghĩa của
việc lưu danh hậu thế đã khiến người ta không dè xẻn tiền của. Vậy nên các lăng
Quận Công xuất hiện chiếm một số lượng lớn như: lăng Phạm Mẫn Trực (Hà Tây -
1713), lăng quận Thạc (Thanh Hóa - 1716), lăng Dinh Hương (Bắc Giang - 1729),
lăng họ Đỗ (Bắc Ninh - 1734), lăng Phạm Đôn Nghị (Hà Tây - xây 1734 sửa
1754), lăng Phú Đa (Vĩnh Phúc - 1767), lăng Nguyễn Diễn (Bắc Ninh - 1769), lăng
Phạm Huy Đĩnh (Thái Bình - 1772) v.v Các lăng này có phong cách và qui mô ít
nhiều tương đồng.
Lăng Phạm Đôn Nghị, có lẽ cũng không nằm ngoài những mô thức chung cho việc
xây cất lăng mộ thế kỷ XVIII, nhưng so với rất nhiều lăng hiện tồn, nó lại nằm
trong số ít các lăng còn nguyên vẹn các giá trị về nghệ thuật cũng như kiến trúc
Quần thể lăng Phạm Đôn Nghị có hướng Tây Nam, rộng khoảng 400 m2, còn nếu
tính riêng khu sinh phần và mộ với tường đá ong cao 2m bao quanh thì nó rộng
160 m2, chiếm một bãi đất rộng ở đầu nâng tạo một không gian thoáng đãng. Nét
tĩnh mịch phủ mầu thời gian trên lăng nhưng không hoang sơ chìm vào trong quên
lãng như ở những lăng khác, mà lăng Phạm Đôn Nghị được con cháu thay nhau
trông coi, nhang khói. Bên trong cổng là một khoảng sân rộng có nhiều cây xanh
quanh năm xào xạc tạo cho không gian lăng mộ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm
lặng.
Quận công Phạm Đôn Nghị một là võ quan từng đi kinh lý giữ yên cõi bờ và bình
định những cuộc nổi dậy. ông cũng là người giàu có, nhiều thế lực, nhưng đã có

công dồn tiền của xây dựng quê hương, giúp đỡ dân làng. Đồng thời ông cũng
giành một phần của cải công sức cho dòng họ và xây dựng nơi yên nghỉ cho bản
thân Phạm Đôn Nghị là người đã ghi công lớn trong việc trấn giữ vùng Lao Bảo,
Quảng Trị, nên vào thời bấy giờ được phong tước Quận Công, do vậy lăng của ông
cũng được dân làng gọi là ông Quận. Theo lời kể của các bô lão ở làng thì trước
đây toàn bộ tường bao xây quanh lăng đều bằng đá ong, cao gần 2m. Nhưng hiện
nay tường đá ong này không còn mà được xây lại bằng gạch, chỉ cổng bên trái
bằng đá là còn dấu vết đá ong cũ, cổng bên phải được tôn tạo thêm bằng đá ong
mới. Gần đây, dòng họ Phạm xây thêm một toà nhà 5 gian làm nơi thờ.
Bước qua gian thờ mới xây, người đến thăm sẽ phải sửng sốt khi bắt gặp toàn bộ
khu lăng tẩm kết thành một khối kiến trúc cũng được bao bọc bằng một bức tường
đá ong dày gần 1m. Khu mộ được xây rất kiên cố nên trải qua 3 thế kỷ dường như
vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu. Lăng mang nhiều nét uy nghi diễm lệ và mang
đậm những dấu tích và ý nghĩa lịch sử cũng như giá trị văn hóa nghệ thuật. Cổng
vào lăng được làm bằng đá, phía trên cổng được lợp ngói bằng đá ong, hai bên trụ
có chạm khắc câu đối. Toàn bộ bốn bức tường bao quanh khu mộ được xây dựng
bằng đá ong gần như còn nguyên vẹn.
Đôi chó đá được tạc ở hai bên cổng như một qui cách chung nhằm bảo vệ trật tự trị
an ngày đêm canh chừng. Đôi chó được tạc mập mạp ngồi phủ phục trên bệ, cổ đeo
chuông nhạc với vòng nhạc tròn thể hiện kỹ thuật chạm nổi với trình độ cao. Qua
cổng tới khu sinh phần đồng thời là nơi thờ chính. Trung tâm đặt một hương án lớn
trước một nhà chứa sập thờ, hai bên là hai đẳng thờ đặt trước hai nhà bia. Hương
án phía trên ngai, được chạm hình rồng mây, phía dưới là đồ án hoa văn hoa thị
xen kẽ với mây trong đang hình cánh sen. Các đồ án có bố cục khá chỉnh chu, cân
đối, mặc dù các họa tiết được lặp đi lặp lại nhưng không gợi sự nhàm chán. Các
nghệ nhân chạm khắc đã khéo léo sắp xếp hợp lý giữa mảng lớn nhỏ, giữa vị trí đặt
để trên và dưới nên khiến cho người xem lại cảm thấy rất vui mắt. Các đẳng thờ
bằng đá hình chữ nhật cao khoảng gần 1m, khối đặc, chạm trổ tinh vi xung quanh
mặt bàn khắc văn kỷ hà lồng móc vào nhau đăng đối. Song song với việc tạo ra các
thức chạm khắc cân đối và đăng đối trong các mẫu thức hoa văn trang trí, thì bố

cục lăng cũng có tính cách hoà điệu như vậy. Sự đăng đối hai nửa phải trái của
hình thức kiến trúc lăng, và các lớp cửa trước sau, đã tạo nên sự tôn nghiêm cho
khung cảnh tĩnh mịch này.
Trong hệ thống tẩm thờ, ngoài những bệ - sập - ngai thờ còn có hệ thống các tượng
người và thú xếp từng đôi một đăng đối nhau qua trục đường thần đạo. Các tượng
này được làm bằng đá xanh, to bằng kích thước người thực, gây cho người đời sau
liên tưởng tới không khí nghiêm trang của cảnh phục dịch khi nhân vật được thờ
còn sống. Trong các dạng chạm khắc lăng nói chung, dù là tượng người hay thú
(phổ biến là ngựa, voi, chó) được chạm ở dạng tĩnh lặng, thường ở dạng đứng đơn
chiếc độc lập. Nhưng tượng ở lăng Phạm Đôn Nghị lại là một trong số ít trường
hợp đặc biệt là các tượng này được bố trí thành nhóm đặt cạnh nhau. Điển hình là
pho tượng người và ngựa. Cặp đôi tượng người ngựa này có một sự tương đồng
với lăng Dinh Hương (Hiệp Hòa, Bắc Giang).
Nhưng ở lăng Dinh Hương, cặp tượng này là người dắt ngựa, tức có sự liên kết gần
kề, thì ở lăng Phạm Đôn Nghị tượng người chỉ đơn thuần được đặt cạnh tượng
ngựa để tạo thành nhóm.
Con ngựa được tạc trong một khối đá đặc kể cả phần giữa bốn chân. Song điểm
độc đáo ở đây là tính chất hiện thực được gợi tả bởi cặp chân mảnh dẻ lại được các
nghệ nhân khéo léo tạc theo dạng phù điêu trên đá. Do vậy tuy không đục rỗng
phần giữa của hay chân ngựa giống như các dạng điêu khắc tượng ngựa thời Lê Sơ,
nhưng dáng vẻ của con ngựa vẫn hợp lý và thanh thoát. Cái khối đặc tưởng chừng
như nặng nề ấy lại được giải quyết một cách khéo léo bằng việc trang trí yên cương
một cách khá cầu kỳ. Không chỉ vậy, chẳng những tóc và bờm đã mang chất trang
trí mà yên cương được thắng đầy đủ làm cho vui mắt hẳn lên. Điều này khiến cho
toàn bộ khối tượng chắc chắn hơn và vẫn giữ được nét hiện thực cần thiết.
Tượng quan hầu được đặt sát với ngựa, ở đây nghệ sĩ đã vận dụng khéo những
mảng khối ngang là mình ngựa với khối dọc là thân người tạo nên sự đối lập để tôn
nhau lên trong cùng một tổng thể. Con ngựa hiện ra với bốn chân thẳng, đầy đủ
dây buộc mõm, yên cương, bàn đạp, vải phủ có hoa văn mây, bông ngù, tua rua,
lục lạc rất cầu kỳ. Bên cạnh là một võ quan, mặc áo giáp, một tay úp lên ngực thể

hiện sự trung thành, một tay nắm cây chùy đài trông rất sống động và chân thực.
So với lăng Dinh Hương, thì nhóm tượng này có phần khác nhau về tỷ lệ Tượng
người ở lăng Dinh Hương nhỏ nhắn so với tượng ngựa, còn ở lăng này tượng
người có tỷ lệ lớn hơn hẳn. Điều này tạo cho nhóm người ngựa tuy tách nhau ra
trong một khoảng cách vùa đủ nhưng vẫn tạo cảm giác gắn kết.
Nhân vật võ quan ở đây có tư cách chủ thể hơn so với tượng dắt ngựa của lăng
Dinh Hương. Về mặt điêu khắc chân dung nhân vật, thì tính chất võ quan ở các
pho tượng này cũng được thể hiện ra một cách rõ ràng hơn với khối cằm bạnh, mũi
và má gồ cao. Chân dung của hai nhân vật võ quan trong nhóm tượng người ngựa
này cũng khác nhau khá rõ ràng. Một ông có khuôn mặt bạnh hơn, còn ông kia lại
thanh thoát hơn. Việc chú ý đến tả thực chân dung cũng là một nét rất đặc trưng
của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII- XVIII, mà các bức tượng này được thừa
hưởng.
So với các lăng quan lại khác trong thể kỷ XVIII, như lăng Dinh Hương, lăng Bầu,
lăng Cẩm Bào, lăng Nội Tròn (đều thuộc Hiệp Hoà, Bắc Giang), lăng họ Đỗ, lăng
Nguyễn Diễn (Tiên Sơn - Bắc Ninh), lăng Đoàn Văn Khôi (ứng Hòa - Hà Tây)
thì cặp tượng quan hầu và ngựa ở lăng Phạm Đôn Nghị và lăng Dinh Hương, được
xem là những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá. Chúng được xuất hiện khá phổ
biến trên các lăng mộ thời kỳ này, nhưng đa phần mang khuynh hướng tự nhiên ít
tính trang trí. Các tượng thường được chú trọng vào cách tạo khối trên thân, khiến
con vật trở nên đậm chất hiện thực. Do vậy việc xuất hiện một số mảng chạm tỷ
mỷ và mang tính cách điệu cao như phần yên cương, bờm của ngựa ở lăng Phạm
Đôn Nghị và lăng Dinh Hương, đã làm hình thức điêu khắc hiện thực này trở nên
độc đáo.
Các tượng trong lăng mộ thời Hậu Lê về số lượng và đề tài thường không theo một
sự quy định chặt chẽ do tính chất tự phát của việc xây lăng. Như lăng Phạm Mẫn
Trực chỉ có hai tượng voi, lăng Phạm Đôn Nghị chỉ có hai tượng người đứng cạnh
ngựa, lăng Phạm Huy Đĩnh có cả tượng võ sĩ, ngựa và voi, lăng Dinh Hương ngoài
tượng võ quan dắt ngựa, voi, tượng võ sĩ, còn có cả tượng người hầu gái cầm quạt
hoặc ôm tráp đứng ngay trên sinh phần cạnh ngai thờ Ngay trong số tượng võ sĩ

cũng có người cầm gươm, người cầm trùy. Có nhiều lăng có tượng chó gác cổng,
vài lăng còn thêm cả tượng phỗng, tượng nghê Nằm trong dòng chảy chung của
tượng lăng mộ thời Hậu Lê, các tượng người và thú ở lăng Phạm Đôn Nghị vừa có
cái chung như tượng ở các lăng mộ khác, vừa có nét đặc sắc riêng biệt. Xét về vị trí
chung mà nói, thì vị trí các tượng trong lăng Phạm Đôn Nghi vẫn theo một qui tắc
nhất định nhìn từ phía trong ra: người - ngựa - chó theo trục thần đạo không có gì
đặc biệt. Nhưng việc đặt tượng võ quan sát với tượng ngựa đã làm thay đổi kết cấu
chung này khiến chúng tạo thành một nhóm, thay đổi đi cái nhịp điệu đơn giản của
một cấu trúc lăng mang tính tôn nghiêm.
Một đặc điểm khá độc đáo nữa của lăng Phạm Đôn Nghị là hình tượng võ sĩ cầm
chuỳ được chạm khắc nổi ở hai bên cột đá của nhà bia hai bên phần mộ. Nó khá
giống với dạng bố cục của lăng Phạm Mẫn Trực (Hà Tây) nhưng khác hẳn lăng họ
Ngọ, các tượng võ sĩ này được chạm thẳng vào bề mặt đá ở tường bao phía ngoài.
Cái vẻ rắn chắc của đá xanh, khiến cho bức chạm khắc này ở lăng Phạm Đôn Nghị
có phần trở nên sắc nét. Một lần nữa ta lại gặp hình thức điêu khắc chân dung trên
hai bức phù điêu mô tả hai nhân vật một già một trẻ. Đặc biệt nhân vật già hơn một
chút với bộ ria mép như cố tình tạo cảm giác uy vũ nhưng thực chấtlại rất hiền
lành. Trong khi người trẻ lại tỏ ra có vẻ bặm trợn hơn khi dương cây chuỳ theo thế
nghiêng nghiêng. Dáng vẻ của họ cũng vậy, không khuôn vào một cách cứng nhắc
mà có phần uyển chuyển. Hai bức phù điêu độc đáo này khiến cho khung cảnh của
khu sinh phần của Quận công Phạm Đôn Nghị bớt đi tính chất khô lạnh mà trở nên
gần gũi thân quen. Ngoài ra cách chạm khắc các trang phục quần áo của hai vị võ
quan này cho thấy lối điêu khắc rất đặc trưng cho nghệ thuật thế kỷ XVIII, đó là lối
chạm nông vừa phải chi tiết sắc nét, chú trọng đến các nếp và dải áo.
Đặc biệt, hai bên khu thờ cúng là hai nhà bia làm bằng đá tảng lớn. Bia bên phải có
tên bài văn là “Phạm công gia phả bi ký” kể lại sự tích các đời của Phạm Đôn
Nghị. Bia bên trái có tên là “Hiển linh từ hậu thần bi ký” (mặt trước), “Nhất xã
thôn hậu phật sự lệ” (mặt sau), nói về việc bầu Phạm Đôn Nghị làm hậu Thần hậu
Phật cho làng vì có công đóng góp tiền của, cả hai đều dựng năm Long Đức 3
(1734) [3,tr176]. Mặt bia phía trên chạm đôi rồng chầu được cách điệu kiểu rồng

hoá mây, các diềm bia còn lại chạm trang trí hoa văn mây xoắn, hoa dây uốn lượn.
Nhưng có lẽ điều độc đáo, phải kể đến ở đây chính là nghệ thuật kiến trúc của hai
nhà bia này. Cùng đặc điểm giống như nhà chứa sập thờ, khác với kiến trúc của
nhà bia ở các lăng khác với đặc trưng vòm mái cong với những yếu tố mềm mại,
mỗi nhà bia ở lăng Phạm Đôn Nghị đều có cấu trúc như một long đình với bốn mái
đá phẳng và góc cạnh. Mỗi đầu đao và hai đầu mái chạm khắc đầu rồng, phần
trung khu chạm hình chữ Vạn. Mặc dù các kiến trúc được thiết kế bằng các khối đá
tảng lớn nhưng các nhà bia ở đây vẫn tạo được dáng vẻ thanh thoát. Phải chăng đã
có sự chi phối của tâm thức phật giáo trong kiến trúc lăng mộ ở đây.
Qua khu lăng mộ và đền thờ, mộ Phạm Đôn Nghị nằm sau cùng, được bao bọc bởi
những bức tường đá ong. Mộ phần bằng đá tảng hình chữ nhật nằm giữa những
bức tường đá ong “kiên cố, tuy công trình đã khởi xây từ thế kỷ XVIII nhưng nhờ
bảo quản tốt nên các nét chữ khắc trên mộ nhìn từ xa như hoa văn họa tiết vẫn còn
sắc sảo. Trải bao thời gian, khu di tích lăng đá Phạm Đôn Nghị được xem là một
quần thể kiến trúc điêu khắc đá hoành tráng, độc đáo thời Hậu Lê còn tồn tại đến
ngày nay./.


×