Thị Trường Chứng Khoán Việt-Nam :
Nguyên Nhân và Hậu Quả của Sự Bất
Ổn ( Vietnam stock markets: causes and
effects of unstability )
GS Nguyễn Quốc Khải
Thị trường chứng khoán là một phần của khu vực tài chánh của một quốc
gia. Đây là một nguồn vốn dài hạn quan trọng đối với sự phát triển kinh tế
của một nước. Trong thời gian gần đây, thị trường chúng khoán non trẻ của
Việt Nam liên tục biến động theo chiều hướng không mấy thuận lợi. Để tìm
hiểu thêm, Đỗ Hiếu trao đổi cùng giáo sư Nguyễn Quốc Khải, chuyên gia
kinh tế-tài chính Việt Nam từng cộng tác với Ngân hàng Thế giới và giảng
dạy tại đại học Johns Hopkins.
Thưa giáo sư, tin tức cho biết trong những tuần qua chỉ số Vn Index của thị
trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh biến động không ngừng, và
có chiều hướng suy giảm hơn là tăng trưởng. Giáo sư có nhận xét gì về thị
trường chứng khoán Việt Nam nói chung ?
Người Việt trước đây có tiền thường theo thói quen mua vàng, ngoại tệ,
hoặc bất động sản để tiết kiệm và kiếm lời đồng thời giảm ảnh hưởng của
lạm phát. Số tiền này là tiền chết, không lưu hành được trong thị trường,
không sản xuất gì được. Ngày nay người dân Việt Nam có thêm một môi
trường để đầu tư Thị trường chứng khoán thu hút một phần nào món tiền
chết khổng lồ kia và làm giảm bớt gánh nặng của hệ thống ngân hàng về
nguồn vốn.
Chỉ số của thị trường chứng khoán Việt-Nam tăng 85% trong hai năm
2004-2005 và tăng vọt 145% vào năm 2006. Nhưng trong 6 tháng đầu của
năm 2007 chỉ số này chỉ tăng được 35%. Phân tách kỹ lưỡng hơn, người ta
thấy rằng vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 năm 2007, chỉ số của thị trường
chứng khoán Việt-Nam trong vòng một tuần lễ đã tăng gần 100 điểm từ
974,76 vào ngày 26-01-2007 nhẩy vọt lên đến 1.074,55 vào ngày 02-02-
2007. Đây là một mức gia tăng cao nhất từ khi thị trường chứng khoán
được thiết lập vào tháng 7 năm 2000 với chỉ số đầu tiên là 100.
Thưa giáo sư, chính phủ Việt Nam từng nêu lên quan ngại về tình trạng
"bùng nổ" ở thị trường chứng khoán và đã có áp dụng một số biện pháp "hạ
nhiệt", kết quả ra sao, thưa giáo sư ?
Vào đầu năm nay Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước (UBCKNN) đã thi
hành một số biện pháp để minh bạch hóa thị trường chứng khoán và làm
giảm con sốt của thị trường này.
Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước tiếp tục duy trì mức đầu tư ngoại quốc tối
đa là 49% của tổng số cổ phần của mỗi công ty. Trong khi đó Ngân Hàng
Nhà Nước chỉ cho phép các ngân hàng được sử dụng tối đa 20% vốn để
mua chứng khoán. Đối với tư nhân muốn vay tiền để mua cổ phiếu họ phải
dùng đất, nhà, hoặc dụng cụ để bảo đảm món tiền nợ. Những biện pháp này
nhắm làm giảm sức mua trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên đây cũng là những dấu hiệu của một chính sách quản trị thị
trường một cách vá víu, thiếu chặt chẽ, làm giảm sự tin cậy. Đây cũng
chính là một số những lý do khiến cho tập đoàn tài chánh Hoa-Kỳ Merrill
Lynch phải rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt-Nam.
Từ mấy tháng nay thị trường chứng khoán Việt Nam ở cả hai sàn Sàigòn và
Hà Nội đều có dấu hiệu suy yếu, hiện trạng ra sao thưa giáo sư ?
Hồi giữa năm nay thị trường chứng khoán đã nguội bớt. Chỉ số vẫn tăng
nhưng mức tăng ít hơn. Người ta không thấy hiện nay thị trường có khả
năng vượt lên quá xa mức tâm lý 1.000 điểm. Trong khi đó vào tháng 5 và
tháng 6, chỉ số chứng khoán của Việt-Nam đã có lúc giảm dưới 1.000 điểm.
Chỉ số này xuống còn 883,9 vào ngày 6-8-2007.
Người ta hi vọng kế hoạch cổ phần hóa một số công ty quốc doanh lớn sẽ
có thể đẩy chỉ số của Việt-Nam lên cao trở lại. Nhưng vì trạng thị trường
chứng khoán suy yếu, nhà nước đã xếp kế hoạch này lại.
Theo các chuyên gia chứng khoán quốc tế thì do đâu mà có tình trạng đó ?
Phần đông những tư nhân mua chứng khoán lại không hiểu biết về thị
trường và chỉ nhắm vào lợi nhuận trong ngắn hạn. Đây cũng là một trong
những nguyên nhân làm giá cả lên xuống thất thường. Mặt khác, những báo
cáo tài chánh của các công ty cổ phiếu vừa dài vừa phức tạp với những
danh từ chuyên môn khó hiểu và mức tin cậy không bảo đảm còn rất xa lạ
với quần chúng Việt-Nam.
Ngoài ra, những công ty ghi danh bán chứng khoán chỉ đệ nạp phúc trình
tài chánh cho Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước. Phải mất vài ngày những
phúc trình này mới được phổ biến ra ngoài. Trong thời gian chờ đợi những
nhân viên phụ trách môi giới chứng khoán này có thể sử dụng tin tức trong
các bản phúc trình để mua bán chứng khoán cho chính mình. Trên thực tế
đây chính là một hình thức mua bán nhờ thông tin nội bộ.
Trầm trọng hơn là hiện tượng lũng đoạn thị trường chứng khoán bởi những
“đại gia” từ cuối năm 2005. Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước chỉ ghi nhận
sự kiện này mà không đưa ra biện pháp nào cả.
Một yếu điểm khác của thị trường chứng khoán Việt-Nam là các công ty
Việt Nam có thói quen phát hành quá nhiều cổ phiếu làm cho tỉ lệ lợi nhuận
trên trị giá cổ phiếu ( earnings per share - EPS ) thấp xuống đến 10% mà
không cân nhắc lợi hại. Nguyên tắc là các công ty chỉ nên phát hành thêm
cổ phiếu, khi việc kinh doanh phát triển tốt đẹp.
Hiện nay tại Việt-Nam không một công ty nào ghi danh với thị trường
chứng khoán được kiểm toán bởi một công ty quốc tế. Việt-Nam chỉ có 11
công ty kiểm toán địa phương được phép hoạt động mà phần lớn còn yếu
kém và mức tin cậy và minh bạch của những báo cáo tài chánh do những
công ty soạn thảo còn là một vấn đề cần được bàn thảo.
Mặt khác mức lạm phát của Việt-Nam hiện nay khá cao. Vào tháng 7-2007,
chỉ số giá tiêu thụ ở Việt-Nam tăng 8,4% so với năm ngoái, cao hơn mức
tăng trưởng GDP hàng năm 8,1% trong 6 tháng đầu của 2007. Điều này tạo
sức ép trên lãi suất. Ngân Hàng Trung Ương có thể tăng lãi suất để ngăn
chặn lạm phát hoặc bắt buộc các ngân hàng tăng quỹ dự trữ để giảm khối
lượng tín dụng gia gia tăng trên thị trường. Trong trường hợp này giá chứng
khoán sẽ giảm xuống.
Thật ra giá chứng khoán tại Việt Nam trong thời kỳ bùng phát có bị xem là
giá "ảo", tức giá không đúng thực tế hay không ? Và nếu đúng, thì tình
trang đó có hậu quả ra sao, thưa giáo sư ?
Vào cuối tháng 2 năm 2007, Ông Il Huong Lee, đại diện Quỹ Tiền Tệ Quốc
Tế tại Hà Nội nhận xét rằng “Chính phủ Việt-Nam lo ngại một cách rõ rệt
rằng giá chứng khoán trên thị trường tiếp tục tăng, và nhiều quan sát viên
cho rằng giá cao hiện nay là giả tạo. Điều nay sẽ dẫn đến một số vấn đề nếu
có sự điều chỉnh giá chứng khoán quá nhanh vì hiện nay có rất nhiều người
địa phương đầu tư vào thị trường chứng khoán.”
Thật vậy vào giữa tháng 4-2007, khi chỉ số chứng khoán của Việt-Nam
giảm xuống dưới mức 1.000 điểm, người ta bắt đầu lo ngại rằng thị trường
sẽ bị khủng hoảng. Trong trường hợp này hàng ngàn người sẽ bị phá sản và
dẫn đến bất ổn xã hội vì nhiều người vay nhiều tiền của ngân hàng hoặc
cầm nhà để vay nợ mua chứng khoán.
TS Marc Faber, người đã tiên đoán sự khủng hoảng tài chánh vào năm
1987, vào đầu năm 2007 đã nhận xét rằng chứng khoán của Việt-Nam có
thể giảm 50% để phản ảnh trị giá thực tế. Tại Hội Nghị về tài chánh ở Hà
Nội vào tháng 3-2007, các nhà phân tách đã cảnh báo rằng thị trường Việt-
Nam giảm 30% trong năm nay là một điều khá rõ ràng.
Tuy nhiên một số người lạc quan cho rằng kinh tế Việt-Nam đang phát
triển tốt đẹp, đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt-Nam và những nhà
lãnh đạo cao cấp đầu tư rất nhiều vào chứng khoán. Vì vây những nhân vật
này không thể để cho thị trường chứng khoán khủng hoảng được. Tuy vậy,
khả năng kiểm soát thị trường của chính quyền VN còn là một điều phải
cứu xét lại vì nhà nước hiện không đủ chuyên viên để điều hành thị trường
chứng khoán một cách đúng mức. Ngay cả Ủy Ban Chứng Khoán Nhà
Nước chỉ có 10 thanh tra trông coi 198 công ty ghi danh với hai trung tâm
chứng khoán Saigon và Hà Nội.
Như vậy, theo ông thì liệu những nhà lãnh đạo VN có thể thay đổi chính
sách bất cứ khi nào nếu họ cảm thấy mất quyền kiểm soát hay không ?
Sự lo ngại này không có căn bản vững chắc. Ngày nay, Việt-Nam đã hội
nhập vào nền kinh tế thế giới với nhiều cam kết song phương và đa
phương. Sự kiện này giới hạn khả năng hành động tùy tiện của những
người lãnh đạo VN.
Nếu thị trường chứng khoán không điều chỉnh được an toàn và thay đổi
mau chóng, tình trạng này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế quốc
gia. Theo sự ước đoán của tâp đoàn tài chánh Merril Lynch, nếu mức tăng
trưởng kinh tế của Việt-Nam giảm xuống dưới 7% sẽ đưa đến sự bất ổn xã
hội. Chúng ta nên nhớ rằng mỗi năm lại có khoảng 1,4 triệu người mới
bước chân vào thị trường việc làm.
Nếu Việt-Nam không cải tiến thị trường chứng khoán, những nhà đầu tư
không những có thể chuyển tiền qua thị trường Trung Quốc đã phát tiển
rộng lớn mà còn có thể chọn lựa Indonesia, một quốc gia dân chủ lớn thứ
ba trên thế giới, có tiềm năng như Việt-Nam nhưng phát triển và ít rủi ro
hơn Việt-Nam.
Xin cám ơn Giáo sư Nguyễn Quốc Khải đã giành cho chúng tôi cuộc trao
đổi hôm nay.