Tài liệu khóa học Luyện thi Đại học đảm bảo môn Ngữ văn.
Hocmai.vn – Ngôi trường chung của học trò Việt Trang 1
Đề bài: Vấn nạn giao thông
A. Hướng dẫn cách làm:
Đề này cần:
1. Giải thích vai trò của giao thông vận tải
Sinh hoạt của con người và các hoạt động kinh tế xã hội ngày càng cần phải đi lại. Số lượng
phương tiện giao thông và hạ tầng cơ sở, đặc biệt là đường sá, quyết đinh tới sự thành công của
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước.
2. Vấn nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng, gây hậu quả lớn.
- Tai nạn giao thông ngày càng trầm trọng, mỗi năm có khoảng từ 12000 đến 14000 người chết
và hàng vạn người bị thương vì tai nạn giao thông (bình quân mỗi ngày có 30 người chết).
- Nạn kẹt xe ở các thành phố xảy ra quanh năm, đặc biệt là ở các thành phố lớn, tổn hại tới sức
khỏe người dân và gây thiệt hại về kinh tế hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.
3. Nguyên nhân.
- Ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông của một bộ phận dân cư chưa cao.
- Đường giao thông còn bất cập, không đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng, dễ gây ách
tắc và xảy ra tai nạn.
4. Phải hành động quyết liệt để giải quyết vấn nạn giao thông.
- Nhà nước và nhân dân cùng góp sức phát triển có cơ sở hạ tầng giao thông, làm nhiều đường đi
và đường đi tốt.
- Mọi người dân phải hiểu rõ và tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật về giao thông. "An toàn giao
thông là không tai nạn".
BÀI LÀM THAM KHẢO
Mở bài:
“Nỗi đau này không riêng của ai, của chung đất nước nỗi đau này”. Đó là nỗi đau do tai
nạn giao thông gây ra. Vậy nguyên nhân của tai nạn nhức nhối này là vì đâu? Hậu quả của nó thế
nào? Làm cách nào để ngăn chặn? Tuổi trẻ chúng ta phải làm gì để góp phần giảm thiểu tai nạn
đó?
Thân bài:
1.Vai trò của giao thông, vận tải
Tài liệu khóa học Luyện thi Đại học đảm bảo môn Ngữ văn.
Hocmai.vn – Ngôi trường chung của học trò Việt Trang 2
Giao thông vận tải có một vai trò vô cùng quan trọng đối với một con người nói riêng, đối
với một đất nước nói chung. Nó là nhu cầu đi lại giao lưu, làm việc,… rất thiết yếu của con
người từ xưa tới nay, như cơm ăn, nước uống vậy. Nhìn vào mạng lưới giao thông, trình độ các
phương tiện giao thông hiện đại có thể đánh giá nền văn minh, tình hình kinh tế, chất lượng cuộc
sống của người dân ở một nước. Chẳng hạn các nước văn minh phương Tây như: Pháp, Đức,
Mỹ…giao thông vô cùng phát triển. Hiện nay giao thông ở nước ta đã và đang có sự phát triển,
tiến bộ vượt bậc. Mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt…đang mở ra chằng
chịt như đường vẽ trên bàn cờ - xe máy, ô tô, tàu hỏa, máy bay…đang thay dần cho đi bộ, xe đạp
chậm chạp làm lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
2.Tình hình tai nạn giao thông
Cũng nhờ các phương tiện xe máy được lưu thông, hàng chục bến cảng của hàng không,
hàng trăm ga tàu, bến ô tô xuất hiện khắp mọi miền đất nước mà bạn có thể đến địa điểm công
tác, về địa chỉ trái tim chỉ trong một khoảng thời gian tối ưu như bạn mong muốn. Nhưng cũng vì
những phương tiện hiện đại có tốc độ như bay ấy mà bạn không được trở thành cánh chim thanh
thoát, trái lại lắm lúc có nguy cơ “gãy cánh giữa đường bay”. Bởi chính tai nạn giao thông đang
diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đất nước ta với những con số làm nhức nhối trái tim hàng triệu
người; cứ trung bình mỗi ngày từ 30 đến 35 người bị tai nạn và chừng ấy người bị thương hoặc
gãy tay, gãy chân, bất hạnh hơn nữa là bị chấn thương sọ não.
3. Hậu quả
Như vậy tai nạn giao thông đã gây nên hậu quả khủng khiếp làm thiệt hại nặng nề về người
về của cho đất nước, xã hội. Biết bao kinh phí nhà nước phải bỏ ra để khắc phục hậu quả. Hàng
năm Chính phủ mất hàng ngàn tỉ cho công cuộc ngăn ngừa tai nạn, cho việc chữa trị những
người bị tai nạn giao thông. Có những người vì tai nạn giao thông mà chịu thương tật vĩnh viễn,
sống trong tình trạng “bán thân bất toại”, gây đau khổ, thương tâm cho xã hội, cho người thân.
Biết bao người vợ phải mất chồng, người mẹ mất con, người anh mất em. "Tổn thất này thật lớn
lao", đau thương này không sao kể xiết. Bạn đã bao giờ đi dọc đường quốc lộ số 5, số 1, đường
quốc lộ số 6…chứng kiến bao cảnh tai nạn giao thông đau lòng chưa? Đúng là “những cảnh ấy
trên đường về ta đã gặp; tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi, và từ đó lòng ta luôn tràn
ngập, nỗi buồn thương cho biết bao người” vì quốc tai nạn giao thông này.
4.Nguyên nhân
Tai nạn giao thông gây nhức nhối cho toàn xã hội như đã trình bày ở trên, nguyên nhân vì
đâu?
Tài liệu khóa học Luyện thi Đại học đảm bảo môn Ngữ văn.
Hocmai.vn – Ngôi trường chung của học trò Việt Trang 3
-Về phương tiện: Phương tiện giao thông đã quá hạn sử dụng (nhất là ô tô, xe máy) nhưng vẫn
được lưu hành. Thật không an toàn chút nào. Chúng dễ dàng trở thành tử thần cướp đi mạng
sống con người chỉ trong tích tắc.
-Về cơ sở hạ tầng: chất lượng đường sá, cầu cống còn thấp, nhiều nơi lại còn bị đào bới liên tục,
xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ voi tạo thành những cái bẫy chết người vô hình.
-Quan trọng hơn là nguyên nhân về phía con người, chủ thể tham gia giao thông: hoặc là hạn chế
hiểu biết, không nắm vững luật, hoặc là vì tham tiền, hám lợi mà phóng nhanh, vượt ẩu. Chưa kể
có người lái xe trong trạng thái say bia, say rượu. Thậm chí còn có kẻ ngông cuồng tham gia vào
trò đùa tử thần: đua xe, đánh võng, lạng lách. Đã có biết bao tai nạn thương tâm gây ra cho người
lái và người đi đường.
5.Tuổi trẻ học đường phải làm gì để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông bi
thương này?
Là tuổi trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường- mùa xuân tương lai của xã hội, chúng ta phải có
ý thức tham gia giao thông, có văn hóa giao thông. Trước hết nghiêm túc học tập nắm vững luật
giao thông. Phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định an toàn giao thông; đi đúng phần đường,
không vượt đèn đỏ, không lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; không đi xe khi chưa đến tuổi
và không có bằng chính hiệu. Cùng với mọi người tích cực tuyên truyền luật giao thông trong
toàn xã hội.
Kết luận
Những điều đã trình bày trên cho thấy, ở nước ta, tai nạn giao thông đã trở thành nỗi kinh
hoàng chưa thể kiểm soát nổi như con ngựa bất kham đang lao về phía vực. Nhưng ghìm cương
ngựa bên bờ vực thẳm vẫn còn chưa muộn. Tuổi trẻ chúng ta là tuổi “Đâu cần thanh niên có.
Đâu khó có thanh niên”, hãy lên tiếng, hãy tích cực hành động hơn nữa để góp phần giảm thiểu
tai nạn này làm cho mọi người được sống trong nụ cười và hạnh phúc.
Giáo viên: Nguyễn Quang Ninh.
Nguồn:
Hocmai.vn