Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

Kiến trúc mảng trong hội họa là như thế nào pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (90.89 KB, 8 trang )

Kiến trúc mảng trong hội họa là
như thế nào?
Trong hội họa nói chung, bố cục được xem như là tổng thiết kế
cấu tứ và sắp xếp các yếu tố thị giác. Bố cục bao hàm nhiều
nhân tố đối lập cùng với những tác dụng tương hỗ, hình và nền,
sáng và tối, mặt phẳng và hình khối, góc nhìn và dẫn hướng,
động thái và tĩnh thái… Để có được một bố cục hợp lý, việc tổ
chức sắp xếp các mảng chính phụ, mảng trống, có ý nghĩa hết
sức quan trọng. Trong khuôn khổ bài viết này tôi không có
tham vọng bàn luận kỹ đến bố cục của tác phẩm mà chỉ nêu lên
một số suy nghĩ về cấu trúc của mảng trong sáng tác hội họa.
1. Quan niệm về mảng
Trên mặt phẳng của một bức tranh, nếu để nguyên vẹn một màu
trắng của giấy hay vải toan để vẽ thì ta có thể gọi đó là mảng
trống. Nếu ta chấm lên đó một chấm thì có thể gọi đó là điểm.
Nếu tiếp tục chấm nhiều điểm vào đó thì ta có thể gọi đó là một
mảng được tập hợp bởi nhiều điểm. Tương tự như vậy, ta có
một tập hợp là nét gồm một mảng được cấu thành bởi các nét.
Theo từ điển thuật ngữ mỹ thuật phổ thông, một lượng màu nào
đó chiếm diện tích nhất định trên mặt tranh, tạo thành một
mảng riêng, phân biệt rõ rệt với các mảng màu xung quanh
nó… thì đó được gọi là mảng màu. Sự phân biệt này có thể do
độ đậm nhạt, nóng lạnh của màu sắc hoặc về nội dung hình thể
trong tranh. Khi nói đến mảng màu, người ta thường chỉ các
mảng màu lớn. Tuy nhiên, trong các mảng màu lớn, có chứa
đựng các mảng màu nhỏ hơn. Trong tranh đen trắng thì đó là
những mảng màu mang các sắc độ khác nhau của đen và trắng.
Các nét, hình và điểm, khi được tổ chức, sắp xếp một cách có ý
thức, sẽ tạo nên một hình hoặc một khối. Như vậy, trong một
mảng có thể có một hoặc nhiều hình, tập hợp của các nét và
điểm và ngược lại, hình hoặc khối có thể là tập hợp của một


hoặc nhiều mảng. Qua các lập luận trên, có thể đưa ra một quan
điểm riêng của tôi về mảng như sau: Mảng là sự cấu thành của
một hoặc nhiều hình, khối, cùng sự tham gia của các tập hợp
của điểm, đường nét tạo nên.
Một bức tranh được hình thành trên cơ sở của nhiều mảng tập
hợp lại. Sự sắp xếp, tổ chức của các mảng, qua sự sáng tạo của
họa sĩ, đã để lại cho nhân loại những kiệt tác với rất nhiều
trường phái và phong cách khác nhau.
2. Quan hệ giữa mảng hình và nền
Trong tự nhiên, không tồn tại mối quan hệ giữa hình tượng và
bối cảnh, giữa hình và nền. Khi thị giác con người tập trung vào
một điểm, họ dễ dàng coi mọi thứ xung quanh là bối cảnh và
môi trường. Chính vì vậy, các họa sĩ lợi dụng sự giới hạn của
thị giác, làm điểm nổi rõ lên thành hình, những cái còn lại thì
xử lý thành nền. Để khống chế phạm vi hoạt động của thị giác,
bối cảnh của hội họa, về cơ bản, đều bị khoanh lại trong giới
hạn. Một số nhà tâm lý học đã phân định hình và nền như
sau: “Hình có tính nhô nổi, mật độ cao, có cảm giác đầy chặt,
có hình dạng rõ ràng, có đường bao hoặc đường ranh giới
Nền có tính lùi lại sau, mật độ thấp, không có cảm giác đầy
chặt, hình dạng tương đối rời rạc, không có đường ranh giới cố
định”(1).
Khi độ đậm nhạt của hình và nền gần như nhau thì sự phân biệt
là đường chu vi, nếu đường chu vi cũng không rõ lắm thì phải
dựa vào tác dụng của tính ngưng tụ của hình (tâm lý học thị
giác gọi hình có tính ngưng tụ là hình đóng kín). Do kinh
nghiệm và tri thức thị giác của mỗi người ít, nhiều khác nhau,
cho nên thời gian để nhận biết hình vẽ và kết quả không thể
giống nhau, tính ngưng tụ sẽ là mấu chốt trong việc thức tỉnh
tín hiệu được lưu trữ của người đó.

Tính ngưng tụ của hình thông thường có hai loại tình huống:
dẫn dắt thị giác liên kết các hình rời rạc, phân tán thành đường
chu vi, thành chỉnh thể của hình; dẫn dắt thị giác liên hệ những
phần chủ chốt thành mảng để bổ sung thêm hình thể.
Nhìn chung, từ góc độ nghệ thuật, tính ngưng tụ chỉ là tính
năng tất yếu có của hình tượng nghệ thuật bên cạnh tính thuyết
minh và giá trị thẩm mỹ. Nhiều tác giả không theo đuổi việc
diễn tả thực hình thể, nhưng nhấn mạnh được đặc trưng điển
hình của nó, ngôn ngữ hội họa biểu đạt được tinh thần của hình
thể thông qua việc sắp xếp, cấu thành tác phẩm nghệ thuật.
Tính ngưng tụ của hình trong hội họa còn thể hiện thông qua
màu sắc, đường nét, độ đậm nhạt, diện tích mảng hình, chất
liệu, mật độ của hình, từ đó tạo nên tỷ trọng, sự nặng nhẹ của
hình thể trong tranh. Nếu xử lý đúng lúc, đúng chỗ các yếu tố
trên thì các mảng hình sẽ ăn nhập hài hòa với phần nền và mang
lại tính thẩm mỹ cao cho tác phẩm.
3. Cấu trúc mảng
Bất kỳ một tác phẩm nào muốn được làm rõ nội dung, chủ đề
mà tác giả cần diễn đạt thì việc cần thể hiện là phần chính và
phần phụ. Phần chính cần phải là phần trọng tâm và điển hình,
phần phụ là phần hỗ trợ để phần chính thêm phong phú hơn và
nổi bật trọng tâm hơn. Vì vậy, phần chính không thể quá lấn át
phần phụ, và ngược lại, phần phụ cũng không được quá nổi bật
mà làm mất đi trọng tâm (tức là lấn át phần chính). Các mảng
chính, mảng phụ cần phải được phân biệt rõ ràng và có sự liên
kết có tổ chức rõ rệt từ các mảng lớn, các mảng nhỏ, phần hình
và khoảng trống, kết hợp với các mảng màu, các sắc độ, sự
phân bố sáng tối, đặc biệt là hệ thống các mảng cho phù hợp
với nội dung và cảm xúc của tác giả. Muốn để phần chính và
phần phụ ăn nhập với nhau và mang lại hiệu quả thẩm mỹ, việc

cân bằng thị giác là yếu tố quyết định.
Cân bằng thị giác
Sự cân bằng thị giác được tạo ra nhờ việc sắp xếp các hình thể
mà mắt thường nhìn thấy được trên bề mặt của diện tích bố cục
một cách hài hòa, hợp lý và ổn định; phải khái quát được diện
tích đó, dù to hay nhỏ, như một tổng thể. Cũng vì thế, sự cân
bằng thị giác còn được nhìn nhận như là sự cân bằng về trọng
lượng. Một bố cục chỉ làm ta thỏa mãn khi các lực của nó được
sắp xếp hợp lý. Bởi vì khi quan sát một hình thể, bao giờ chúng
ta cũng phải xác định hình đó với không gian xung quanh, nói
cách khác, đó là sự so sánh, liên hệ với không gian ấy để đo
được các khối hình hai phía. Để cân bằng thị giác trong tranh,
cần các yếu tố sau: thứ nhất, hình thể có trọng lượng lớn có thể
cân bằng một hình nhỏ nhưng có đòn bẩy dài hơn, hay một hình
có diện tích lớn hơn nhưng sắc độ mờ nhạt hơn so với nền thì
cũng bằng một diện tích nhỏ hơn nhưng có độ đậm nhạt nổi hơn
nó (tương quan hình - nền). Thứ hai, độ tương phản mạnh so
với nền và xung quanh, tạo ra cảm giác nặng, nhẹ (2).
Sau khi đã đạt được sự cân bằng về thị giác thì sức căng của bố
cục cũng là vấn đề cần phải chú ý. Số lượng và chất lượng của
hình và nền, với tỷ lệ to nhỏ, tương quan sáng tối, có ảnh hưởng
rất lớn với vùng trống xung quanh và tạo sức căng cho toàn bộ
kích thước bức tranh. Sắp đặt hình thể trong không gian sao cho
bản thân chúng có mối tương quan mật thiết và hài hòa từ trung
tâm đến các khu vực xung quanh. Đặc biệt lưu ý đến độ nhấn
và khoảng trống đó là đối trọng giữađầy và vơi, có ý nghĩa
quyết định của một bố cục
Tổ chức sắp xếp mảng
Việc sắp xếp, tổ chức các mảng, hình, khối, độ đậm nhạt,
đường nét, có một ý nghĩa vô cùng quan trọng để nhấn mạnh

trọng tâm và ý đồ thể hiện của tác giả với nội dung cần truyền
đạt. Sắp xếp các mảng chính phụ hài hòa là việc làm đầu tiên
của họa sĩ.
Nói đến mảng chính (mảng trọng tâm) tức là nói đến mảng lớn
chứa đựng các mảng nhỏ hơn, trong đó có thể có các hình thể,
hình khối. Các mảng, khối được hình thành trên tổ hợp của
các nét và của các điểm khác nhau. Tuy nhiên, các mảng đó
phải tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong tổng thể bức tranh.
Sự thống nhất thể hiện ở các hình ở mảng chính rất cần tạo nên
sự chặt chẽ về bố cục, sự sáng tạo trong cách tổ chức sắp xếp
trong toàn mảng. Sự tổ chức sắp xếp bao gồm các mảng hình,
các mảng đậm nhạt, sáng tối, các mảng đặc, khoảng trống, sự
vận động của các hình, khối trong không gian, mật độ của các
hệ thống nét và điểm, đặc biệt là chất của các mảng trong tổ
chức của toàn hệ thống đó.
Trước khi sắp xếp, tổ chức các mảng lên mặt phẳng tranh,
thông thường họa sĩ phải xác định mình vẽ trên khung hình loại
gì, hình chữ nhật đứng hay nằm ngang, hình vuông hay hình
tròn Bên cạnh đó, anh ta cũng cần phải xác định mình sẽ vẽ
tranh theo thể loại thấu thị gì để có phương án bố cục mảng cho
hợp lý. Khi tổ chức sắp xếp mảng, rất cần chú ý đến các yếu tố
sau:
Trước tiên là yếu tố cân đối. Tính cân đối được thể hiện bởi sự
cân đối trong các mảng, hình khối, cân đối về đậm nhạt, về
đường nét, về chất. Sự cân đối ở đây là sự tổ chức sắp xếp hợp
lý về tỷ lệ giữa mảng chính với mảng phụ, giữa các khoảng
trống, giữa các hình trong các mảng, giữa hình với hình, về tỷ
lệ và cấu trúc của mảng sao cho thuận mắt. Phân bố độ đậm
nhạt, màu sắc trong tranh cho nổi bật được nội dung cần diễn tả,
đặc biệt là phải có sự liên kết hài hòa trong hệ thống sáng tối

của bức tranh. Tổ chức hệ thống nét, hệ thống các điểm trong
mảng cho phù hợp với tổng thể.
Tính cân đối về mảng được tổ chức sắp xếp bởi tỷ lệ các mảng
chính với mảng phụ, với khoảng trống. Mảng chính cần có tỷ lệ
vừa đủ để diễn tả về nội dung, không được to hay nhỏ quá và
đặc biệt là phải đặt đúng vị trí sao cho hợp lý, hài hòa về bố
cục.
Thứ hai là yếu tố tương phản, nói cách khác là sự đối lập. Trong
hội họa, sự đối lập thường được thể hiện ở tỷ lệ giữa mảng
chính và mảng phụ, giữa mảng với mảng, mảng với hình, giữa
hình với hình, hình với nền, ở độ đậm nhạt, giữa mảng chính và
phụ, với khoảng trống. Bên cạnh đó có thể còn có sự thay đổi,
đối lập về phong cách tạo hình, tính cách nhân vật, về hình
dáng các mảng, hình với nhau. Mảng hình cứng với mảng hình
mềm, mảng chuyển động, mảng tĩnh, Các mảng màu, độ nóng
lạnh, về chất trong các mảng sẽ tạo nên tính tương phản trong
tranh.
Sự đối lập để tạo nên sự chú ý hay nhấn mạnh trọng tâm sẽ là
yếu tố rất quan trọng trong việc sắp xếp cấu trúc cho các mảng,
tạo nên sự hài hòa trong tác phẩm. Tất cả sự đối lập trên khi
được tổ chức sắp xếp hợp lý trong hệ thống của bức tranh sẽ tạo
nên sự cân đối trong tranh và đặc biệt sẽ tạo nên bản sắc cũng
như sự sáng tạo của người họa sĩ.
Thứ ba là yếu tố liên tục. Sự liên tục trong tranh là cần thiết,
đây là cầu nối cho các mảng, các độ đậm nhạt, về đường nét,
điểm trong tranh tạo nên sự liên kết vững chắc cho cấu trúc của
mảng, tạo nên nhịp điệu của các mảng, sự vận động của khí
trong tranh.
Thứ tư là yếu tố nhịp điệu. Sự thay đổi về tỷ lệ giữa các mảng,
về hướng, về nét cứng, mềm, về tính chất tĩnh, động của các

mảng sẽ tạo nên nhịp điệu. Sự phân bố về đậm nhạt, về tổ chức
sắp xếp đường nét, điểm trong các mảng một cách hợp lý sẽ tạo
nên cấu trúc mảng vững chắc và có những nhịp điệu trong hệ
thống các mảng trong mặt phẳng tranh. Quan hệ giữa hình với
hình, giữa hình với nền, quan hệ của hình với mảng, giữa mảng
với mảng, giữa phần chính và phần phụ, quan hệ về tương
quan, về sáng tối, về đậm nhạt, được dựa trên các tính năng
của từng loại khối và sự vận động của các hình, khối. Tiếp đó là
sự liên kết giữa các khối và khoảng trống, sự kết hợp giữa các
hình (vuông, tròn, tam giác) với nền. Cho nên việc sắp xếp, tổ
chức các mảng nhỏ trong mảng chính cùng với bố trí đậm nhạt
trong mảng chính và các mảng phụ cùng khoảng trống sẽ tạo
nên tính nhịp điệu cho bức tranh.
Trong bố cục, yếu tố chính phụ luôn song hành với nhau. Mảng
chính là phần trọng tâm để nhấn mạnh nội dung và chủ đề của
tác phẩm nhưng mảng chính không hoàn chỉnh, có khi còn khô
cứng, nếu không có sự bổ trợ của mảng phụ. Mảng phụ có thể
là những mảng hình nhỏ hơn về diện tích đồng thời lực ngưng
tụ ít hơn mảng chính, sắc độ cũng không rõ nét và ít sự biểu
hiện hơn. Mảng phụ cũng có thể là các khoảng trống. Những
khoảng trống này thực sự có tiếng nói trong tổng thể của một
bức tranh. Một mảng phụ đẹp phải là một mảng phụ có tính liên
kết và hỗ trợ với các mảng khác, đặc biệt là mảng chính. Sự cân
đối của bức tranh khi và chỉ khi các mảng chính phụ cân đối với
nhau về diện tích, về sắc độ, về đường nét, về chất, đặc biệt cần
phải cân đối về sự ngưng tụ của hình thể được diễn tả trong
tranh. Sự hỗ trợ của mảng phụ sẽ làm cho bức tranh rõ hơn về
phần nội dung và làm cho tác phẩm hài hòa và ấn tượng.
Trong tác phẩm hội họa, những khoảng trống và cấu trúc của
khoảng trống hết sức đa dạng. Những khoảng trống, hay gọi

cách khác là không gian bao quanh chủ thể chính, là tập hợp
các yếu tố phụ hoặc yếu tố giai thoại - có thể có một giá trị biểu
cảm lớn hơn cả khoảng đặc (những yếu tố nhìn thấy, những
hình thể hiện hữu). Thậm chí, những khoảng trống này cho ta
một ý nghĩa sâu thẳm của bức tranh. Tuy nhiên, tất cả phụ
thuộc vào vị trí mà những khoảng trống chiếm lĩnh trong khuôn
hình và việc kết hợp khéo léo với các mảng hình trong tác
phẩm.
Cấu trúc của các mảng cùng các hình tượng được đưa vào trong
tác phẩm cần đơn giản và tinh luyện. Sự tổ chức, sắp xếp đó
không những từng nét phải tinh tế, cẩn thận mà còn rất cần đến
tạo hình biểu đạt chuẩn xác, sinh động. Sự sắp xếp, bố trí mảng
rất cần đến sự phong phú song không rườm rà mà tinh giản,
biểu đạt được nội dung thiết thực, thông qua các hình tượng
điển hình. Khả năng thể hiện của nghệ thuật đối với thế giới
mênh mông này là có hạn. Các nhà mỹ học cho rằng lấy một
làm mười, chọn dùng những hình tượng hữu hạn để biểu hiện
nội dung vô hạn, lời nói có tận cùng mà ý không tận cùng mới
là cái đẹp nghệ thuật.

×