MỤC LỤC
MỤC LỤC 1
LỜI CAM ĐOAN 3
LỜI CẢM ƠN 4
MỞ ĐẦU 6
1. Lý do chọn đề tài 6
2. Lịch sử vấn đề 8
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 10
3.1. Đối tượng nghiên cứu 10
3.2. Phạm vi nghiên cứu 10
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 11
4.1. Cơ sở lý luận 11
4.2. Phương pháp nghiên cứu 11
5. Đóng góp mới của đề tài 11
1.1. Các nghiên cứu đã được xuất bản chính thức 13
1.1.1. Công trình xuất bản từ đầu TK XX đến trước năm 1945 13
1.1.2. Công trình xuất bản từ năm 1945 đến năm 1975 16
1.1.3. Công trình xuất bản từ năm 1975 đến nay 19
1.2. Nguồn tư liệu từ các bảo tàng, sưu tầm tư nhân và mạng internet 24
1.2.1.Tư liệu từ các bảo tàng trong nước 24
1.2.2. Tư liệu từ các bảo tàng ở nước ngoài 27
1.2.3. Tư liệu từ bảo tàng tư nhân và bộ sưu tập tư nhân 29
1.2.4. Tư liệu thông qua mạng Internet 30
TIỂU KẾT 30
2.4.2.1. Đặc điểm về bố trí chữ Nôm trên sản phẩm gốm sứ 56
2.4.2.2. Phân loại chữ Nôm và những đặc trưng 56
2.5. Giá trị của các văn tự Hán Nôm trên đồ gốm sứ từ TK XV đến TK XIX 63
TIỂU KẾT 65
3.1. Văn tự chỉ niên đại 67
3.1.1. Văn tự chỉ niên đại theo hiệu vua 67
3.1.2. Văn tự chỉ niên đại ghi theo can chi 71
3.1.3. Văn tự chỉ niên đại theo can chi kết hợp với niên hiệu vua 72
3.2. Văn tự chỉ nơi tàng khoản, lạc khoản và thương hiệu 72
3.2.1. Văn tự chỉ nơi tàng khoản 72
3.2.2. Văn tự chỉ lạc khoản 74
3.2.3. Văn tự chỉ thương hiệu 76
3.3. Văn tự đề từ 77
3.3.1. Thơ, văn chữ Nôm 77
3.3.2. Thơ, văn chữ Hán 82
1
3.4. Giá trị nội dung của văn tự Hán Nôm trên gốm sứ TK XV – XIX 104
TIỂU KẾT 108
CHƯƠNG 4 110
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM VÀ THỂ THƠ THẦN TRÍ TRÊN ĐỒ
GỐM SỨ VIỆT NAM TỪ TK XV ĐẾN TK XIX 110
TIỂU KẾT 142
KẾT LUẬN VÀ HƯỚNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO 143
2
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án là công trình nghiên cứu khoa học của tôi
được thực hiện dưới sự chỉ bảo của người hướng dẫn khoa học. Các trích dẫn
trong luận án có nguồn gốc rõ ràng, đúng quy định. Các kết quả này chưa
từng được công bố trong bất kỳ nghiên cứu nào khác.
Nghiên cứu sinh
Nguyễn Văn Chiến
3
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin gửi lời cảm ơn Học Viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh và TS Nguyễn Hữu
Mùi, cùng các thầy các cô đã giúp đỡ, hướng dẫn tôi hoàn thành luận án.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, các nhà nghiên cứu, bạn bè
đã hỗ trợ, động viên tôi hoàn thành luận án này.
4
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT.
TP Tác phẩm
MS Mã số
BT
BTLSVN
Bảo tàng
Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam
TK Thế kỷ (theo ký hiệu số La Mã)
H
TPHCM
Nxb
Hà Nội
Thành phố Hồ Chí Minh
Nhà xuất bản
5
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Từ TK XV đến TK XIX, các triều đại phong kiến ở Việt Nam thay
nhau lên nắm quyền. Mỗi triều đại mới xuất hiện kéo theo sự xuất hiện của
các vật dụng gốm sứ mang phong cách riêng của triều đại đó. Vì thế, cổ vật
nói chung và gốm sứ cổ nói riêng đã trở thành tấm gương phản chiếu từng
giai đoạn lịch sử. Việc minh chứng cho mỗi giai đoạn lịch sử thông qua gốm
sứ đòi hỏi chúng ta phải nắm được niên đại của cổ vật đó, có nghĩa cổ vật
được minh chứng phải phù hợp với giai đoạn lịch sử được xem xét. Có nhiều
cách để chúng ta tìm ra niên đại thực của cổ vật, một trong những cách xác
định niên đại được coi là nhanh và chính xác nhất là thông qua văn tự ghi niên
đại trên cổ vật đó. Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu cổ vật (đặc biệt là
nghiên cứu gốm sứ cổ) thường tìm hiểu chất liệu, hoa văn, điển tích; một số ít
thông qua văn tự Hán Nôm để lý giải cụ thể hơn những điển tích trên cổ vật
mà chưa lấy văn tự Hán Nôm làm chủ thể chính trong công tác nghiên cứu so
sánh, cũng như nghiên cứu chuyên sâu, chuyên biệt thông qua gốm sứ.
Chất liệu gốm xuất hiện trên thế giới từ rất sớm, ở Việt Nam cũng có
niên đại trên 2000 năm. Văn tự trên gốm sứ Việt Nam theo một số nhà nghiên
cứu xuất hiện vào năm 149. Bởi vì, các nhà nghiên cứu căn cứ vào bộ sưu tầm
của Clément Huet tại bảo tàng Hoàng gia Bỉ về nghệ thuật và lịch sử thấy có
một bình gốm tráng men vàng nhạt khắc 11 chữ theo hàng dọc với nội dung
như sau: 建和三年闰月廿日李氏作 (Kiến Hòa tam niên nhuận nguyệt trấp
nhập Lý thị tác) có nghĩa “Người họ Lý làm vào ngày 20, tháng nhuận, năm
Kiến Hòa thứ 3”
1
. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, văn tự trên
1
Kiến Hòa năm thứ 3: nhà Hậu Hán đời vua Đông Hán Hoàn Đế (năm 149).
6
gốm Việt Nam xuất hiện muộn hơn. Nhưng có thể khẳng định, đến TK thứ X,
đồ gốm tráng men ở Việt Nam đã xuất hiện văn tự Hán; thời kỳ này văn tự
không phổ biến trên toàn bộ sản phẩm gốm mà chỉ được thể hiện trên một số
sản phẩm gốm chuyên biệt. Sang đến TK XV, gốm Việt Nam đã có những
bước phát triển khá toàn diện; các dòng gốm tráng men xuất hiện có độ bóng
tương đối đều và bền hơn những sản phẩm gốm tráng men thiếu kỹ thuật
trước đây, văn tự cũng được thể hiện nhiều và có tính liên tục. Từ TK XV đến
TK XIX, văn tự Hán Nôm đã xuất hiện thành hệ thống trên đồ gốm sứ, chính
vì lẽ đó, chúng tôi đã chọn đề tài nghiên cứu văn tự Hán Nôm trên đồ gốm sứ
Việt Nam từ TK XV đến TK XIX.
Trải qua thời gian, cùng những biến động của lịch sử, tự nhiên, xã hội,
cổ vật gốm sứ ở Việt Nam ngày bị mai một, nhưng cũng ngày càng khẳng
định được giá trị tư liệu lịch sử trong đó. Tuy nhiên, rất ít nhà nghiên cứu lịch
sử, cổ vật, Hán Nôm đi vào tập hợp có hệ thống những văn tự Hán Nôm xuất
hiện trên gốm sứ Việt Nam TK XV - XIX. Qua đó, xây dựng nên hệ thống
mang tính phổ quát nhất những vấn đề về văn tự Hán Nôm trên đồ gốm sứ cổ
trong mỗi giai đoạn.
Văn tự Hán Nôm trên gốm sứ cổ là một trong những tư liệu quan trọng
để minh chứng cho một nền văn hoá hay một nền văn minh nào đó. Thông qua
văn tự Hán Nôm, chúng ta còn biết về lịch sử các làng nghề, lịch sử về thương
mại, ngoại giao, v.v… Nhất là những tác phẩm Hán Nôm tiêu biểu có nhiều dị
bản được đề vịnh thì càng có giá trị trong việc tìm hiểu về tác giả, tác phẩm.
Ngoài ra, việc nghiên cứu văn tự Hán Nôm trên gốm sứ sẽ mở cho chúng ta
con đường tiến tới xây dựng và phát triển hệ thống những quan điểm trong
nghiên cứu bút tích trên đồ gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX.
Văn tự trên gốm sứ Việt Nam xuất hiện khá sớm. Tuy nhiên, trong quá
trình phát triển, chúng có sự giao thoa với cách thức chế tác gốm sứ Trung
7
Quốc. Vì vậy, khi phân định gốm sứ, thể thức văn tự, không ít nhà nghiên cứu
đã đánh đồng sứ Việt Nam và sứ Trung Quốc, nhất là gốm sứ giữa TK XVIII
đến đầu XIX. Vì thế, thông qua văn tự sẽ giúp việc phân định sứ Việt Nam và
sứ Trung Quốc rõ ràng hơn.
Do nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhiều văn tự đề vịnh trên đồ
gốm sứ cổ có giá trị văn bản học ở Việt Nam đang bị lãng quyên, hoặc chưa
được đánh giá đúng mực bằng giá trị vật chất do cổ vật mang lại. Do đó, hiện
tượng chảy máu cổ vật diễn ra khá nhiều, đồng nghĩa văn tự Hán Nôm trên cổ
vật có giá trị lịch sử, văn học, bút tích học cũng mai một theo. Tuy nhiên,
trong vài năm gần đây, cổ vật nói chung, gốm sứ cổ ở Việt Nam nói riêng dần
được bảo lưu và gìn giữ. Bên cạnh đó, trong và ngoài nước cũng đã xuất hiện
những nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu về văn tự Hán Nôm. Nhưng nhiều
cổ vật có văn tự Hán Nôm chưa được nghiên cứu, giải mã một cách hệ thống.
Từ những thực tiễn nêu trên, đồng thời để triển khai có hiệu quả mục
tiêu bảo tồn di sản văn hoá trong các chương trình hành động của Đảng và
Nhà nước; thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5
(khoá VIII) "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc". Do đó, chúng tôi chọn đề tài “Văn tự Hán Nôm trên đồ gốm
sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX”.
Để làm nổi bật giá trị của văn tự Hán Nôm trên gốm sứ cổ Việt Nam,
đòi hỏi chúng ta cần có phương hướng, giải pháp phù hợp, khoa học và cụ thể
đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị còn tiềm ẩn thông qua văn tự
Hán Nôm trên gốm sứ. Từ đó, xây dựng nên hệ thống văn tự Hán Nôm cốt
lõi nhất trên đồ gốm sứ cổ.
2. Lịch sử vấn đề
Ngay từ đầu TK XX, công việc nghiên cứu và sưu tầm những đồ gốm
sứ Việt Nam có văn tự Hán Nôm đã được các nhà nghiên cứu quan tâm. Cho
8
đến nay, việc nghiên cứu và công bố về đồ gốm sứ Việt Nam có văn tự đã đạt
được nhiều thành tựu. Có thể thấy, quá trình nghiên cứu đã trải qua các thời
kỳ sau:
- Thời kỳ thứ nhất: Từ đầu TK XX đến 1945.
- Thời kỳ thứ hai: Từ năm 1945 đến 1975.
- Thời kỳ thứ ba: Từ năm 1975 đến nay.
Trong mỗi thời kỳ các nhà nghiên cứu về văn tự Hán Nôm trên gốm sứ
đã có những đóng góp nhất định. Thời kỳ thứ nhất, các chuyên gia của Viện
Viễn đông Bác đã cổ tổ chức nhiều đợt nghiên cứu, sưu tầm, biên khảo về cổ
vật Việt Nam; nhưng chưa có công trình nào mang tính tập hợp về văn tự Hán
Nôm, văn tự Hán Nôm chỉ được ghi chép lẻ tẻ trong một số công trình biên
khảo, giới thiệu về cổ vật nói chung.
Thời kỳ thứ 2, các nhà khoa học tại Viện Viễn Đông Bác cổ ở Việt
Nam đã hợp tác với chính phủ các quốc gia cũng như với các nhà khoa học
bản địa để theo đuổi những công trình ở Đông Nam Á: nghiên cứu về Phật
giáo, ngôn ngữ, văn học, dân tộc học, v.v… Thời kỳ này, các học giả trong
nước đã có nhiều công trình xuất bản có liên quan đến văn tự Hán Nôm trên
gốm sứ. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về văn tự Hán Nôm trên gốm sứ
chưa phát triển một cách xứng tầm như tư liệu vốn có.
Thời kỳ thứ ba, các bảo tàng ở Hà Nội và các bảo tàng địa phương,
như: Hải Phòng, Nam Định, Mỹ thuật cung đình Huế, v.v… cũng đã từng
bước hoàn thiện hồ sơ hiện vật. Những phát hiện cùng kết quả nghiên cứu
mới về đồ gốm sứ Việt Nam có văn tự được đăng tải trên nhiều tạp chí
chuyên ngành. Trong khoảng thời gian đầu, các công trình thường mang tính
điều tra, các đề tài nghiên cứu còn rất hạn hẹp. Sau này, việc nghiên cứu văn
9
tự Hán Nôm trên gốm sứ Việt Nam được phát triển và hệ thống lại mang tính
khoa học hơn rất nhiều.
Để hiểu rõ và cụ thể hơn về lịch sử vấn đề, chúng tôi sẽ trình bầy rõ
hơn ở Chương I: Tổng quan tình hình nghiên cứu văn tự Hán Nôm trên đồ
gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
- Văn tự Hán Nôm trên đồ gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX
và các đối tượng liên quan.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Đầu tiên, chúng tôi tập trung nghiên cứu những vấn đề chung về văn tự
Hán Nôm trên gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX về nguồn gốc, đặc
trưng đến nội dung được phản ánh qua các nguồn tư liệu tại một số bảo tàng
trong và ngoài nước; một số bộ sưu tầm tư nhân uy tín, một số trang web
chuyên về cổ vật. Qua đó, khảo tả đặc điểm văn tự, đặc biệt đi sâu nghiên cứu
một số dòng gốm sứ có giá trị thông qua những ghi chép Hán Nôm.
Thông qua, nghiên cứu văn tự Hán Nôm trên đồ gốm sứ Việt Nam từ
TK XV đến TK XIX, góp phần nhận diện giá trị văn hoá, lịch sử, văn học.
Phân loại, giới thiệu, dịch thuật và tiến tới nắm được nội dung và đặc trưng cơ
bản của hệ thống văn tự Hán Nôm trên đồ gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến
TK XIX. Qua đó, góp phần vào nghiên cứu làng nghề, phát triển du lịch, giáo
dục văn hóa địa phương. Cũng như giúp hiểu rõ hơn đời sống tín ngưỡng của
từng giai đoạn lịch sử, từng vùng đất, bổ sung vào hệ thống tư liệu lịch sử
thành văn của dân tộc. Bước đầu đề xuất một số biện pháp để bảo tồn và phát
huy giá trị văn tự trên đồ gốm sứ cổ Việt Nam.
Thông qua văn tự Hán Nôm để phân định đồ gốm sứ cổ và đặc trưng
của văn tự trên từng dòng gốm sứ, đây là một khoảng trống cần được bổ
10
khuyết. Do đó, công việc của chúng tôi cũng nhằm sâu chuỗi lại hệ thống văn
tự Hán Nôm trên gốm sứ và bước đầu đưa ra những đặc trưng chung nhất của
văn tự Hán Nôm trên các dòng gốm sứ, cũng như đặc trưng riêng biệt của
từng kiểu văn tự Hán Nôm trên các dòng gốm sứ ấy.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
Vận dụng các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê Nin về kế thừa vốn
văn hoá truyền thống, vận dụng đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc
bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá dân tộc.
Kế thừa thành tựu các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học
trong và ngoài nước đã được công bố và liên quan đến đề tài.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp điền dã, phân tích, tổng hợp.
Phương pháp khảo sát, miêu tả, so sánh, đối chiếu.
Phương pháp văn bản học Hán Nôm.
Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Bảo tàng học, Sử học, Văn hóa
học, v.v
5. Đóng góp mới của đề tài
Đề tài giải quyết những vấn đề về văn hóa thông qua hệ thống văn tự
Hán Nôm trên gốm sứ, đồng thời đưa ra lý thuyết về cách định danh cho từng
loại hình văn tự Hán Nôm trên đồ gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX.
Qua đề tài góp phần nhận diện những giá trị tiềm ẩn của văn tự Hán
Nôm trên đồ gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX, làm sáng tỏ thêm
những vấn đề lịch sử, văn hóa, văn học, v.v…
Giải quyết những vấn đề liên quan đến tác giả tạo tác gốm sứ, tác giả
và tác phẩm văn học cũng như một số nội dung còn tranh luận thông qua văn
tự Hán Nôm trên gốm sứ, qua đó xây dựng nguồn tư liệu có giá trị xác thực.
11
Hệ thống lại nội dung văn tự Hán Nôm trên đồ gốm sứ, định danh và
khu biệt hóa từng loại hình văn tự trên từng dòng sản phẩm gốm sứ từ TK XV
đến TK XIX.
Giúp phân biệt tính thật, giả của gốm sứ cổ thông qua hệ thống văn tự
Hán Nôm. Đưa ra hệ thống lý thuyết về đặc trưng hình thức văn tự Hán Nôm
trên đồ gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX. Bước đầu xây dựng lý thuyết
cho việc nghiên cứu thể thơ Thần trí, nhất là trên đồ gốm sứ.
Đề tài làm phong phú thêm nguồn tư liệu trong cùng lĩnh vực nghiên
cứu gốm sứ cổ, thông qua đó có thể là cuốn cẩm nang cho những người tìm
hiểu đồ cổ, nhất là đồ gốm sứ cổ trong việc đối chiếu nội dung, hình thức, đặc
điểm của văn tự trên các hiện vật cùng loại.
6. Bố cục nội dung
Ngoài phần mở đầu như vừa nêu trên đề tài sẽ được triển khai thành
bốn chương chính, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục.
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu văn tự Hán Nôm trên đồ
gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX
Chương 2: Những đặc trưng về hình thức của văn tự Hán Nôm trên đồ
gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX
Chương 3: Những đặc trưng về nội dung của văn tự Hán Nôm trên đồ
gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX
Chương 4: Một số vấn đề về tác giả, tác phẩm và thể thơ Thần trí trên
gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX
Kết luận
Danh mục tài liệu tham khảo
Phụ lục
12
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VĂN TỰ HÁN NÔM TRÊN
ĐỒ GỐM SỨ VIỆT NAM TỪ TK XV ĐẾN TK XIX
Việc sưu tầm và nghiên cứu những đồ gốm Việt Nam có văn tự được
các nhà nghiên cứu bắt đầu từ những năm đầu TK XX; cho đến nay, công tác
nghiên cứu và công bố về đồ gốm sứ Việt Nam có văn tự đã đạt được nhiều
thành tựu đáng trân trọng. Kế tục những thành tựu đó, chúng tôi tiếp tục
nghiên cứu các khoảng trống liên quan đến văn tự Hán Nôm trên đồ gốm sứ
Việt Nam từ TK XV đến TK XIX trong khả năng và nguồn tư liệu mà chúng
tôi sưu tầm, tổng hợp được.
1.1. Các nghiên cứu đã được xuất bản chính thức
Nghiên cứu về văn tự Hán Nôm trên đồ gốm sứ cổ Việt Nam có bước
đi song hành với nghiên cứu văn tự trên gốm sứ cổ Trung Quốc. Có nghĩa là,
khi nghiên cứu văn tự Hán Nôm, các nhà nghiên cứu cũng phân theo các dạng
thức như: thể loại, ngữ nghĩa, cách viết, cách trình bày, v.v…
Đã có nhiều công trình nghiên cứu văn tự Hán Nôm trên gốm sứ xuất
hiện, mỗi một giai đoạn, các tác giả lại nghiên cứu ở những mức độ khác
nhau, những đóng góp của các công trình vào hệ thống nghiên cứu tư liệu
Hán Nôm trên gốm sứ Việt Nam rất đáng trân trọng, thậm chí có những tác
phẩm bước đầu chỉ mang tính giới thiệu và dịch thuật đơn giản nhưng cũng
mang đến một cách nhìn nhận mới cho hệ thống tư liệu Hán Nôm trên gốm sứ
Việt Nam giai đoạn đó.
1.1.1. Công trình xuất bản từ đầu TK XX đến trước năm 1945
Giai đoạn từ đầu TK XX đến trước năm 1945, các chuyên gia của Viện
Viễn đông Bác cổ đã tổ chức nhiều đợt nghiên cứu, sưu tầm, biên khảo cổ vật
13
Việt Nam, nhưng chưa có công trình nào mang tính tập hợp về văn tự Hán
Nôm trên gốm sứ, văn tự Hán Nôm chỉ được ghi chép lẻ tẻ trong một số công
trình biên khảo, giới thiệu về cổ vật nói chung.
Những năm 30 của TK XX, các học giả phương Tây đã chú ý đến gốm
sứ Việt Nam và họ bước đầu nghiên cứu các sản phẩm gốm sứ này. Thời gian
đó, họ vẫn quen với tên gọi gốm An Nam hoặc gốm Thanh Hóa. Các tác giả
tiêu biểu, xuất bản những tác phẩm công bố về văn tự Hán Nôm trên gốm sứ
Việt Nam có thể kể đến:
Louis Chochod, ông là người nước ngoài đầu tiên nghiên cứu gốm sứ
Việt Nam và đề cập đến văn tự Hán Nôm, tháng 12 năm 1909 ông đã công bố
chuyên khảo La question de la céramique en Annam et les Bleus de
Hué trên Bulletin du Comité de l’Asie France, Sài Gòn 12-1909. Năm 1943,
tác giả lại công bố tác phẩm Hué-La Mystérieuse, xuất bản ở Paris.
Người tiếp theo có nói đến văn tự Hán Nôm trên gốm sứ Việt nam có
thể kể đến linh mục kiêm học giả người pháp là L.Cadière. Năm 1914, ông đã
cho xuất bản cuốn Le Bulletin des Amis du Vieux Hué có đề cập đến niên hiệu
Minh Mạng trên các sản phẩm sứ. Trong tác phẩm này, tác giả viết “Người ta
đã gặp ở Huế những đồ sứ (…) và được ghi thêm dưới đáy hiệu đề thuộc triều
vua Minh Mạng”.
Năm 1929, một tác giả người Pháp trong Tập san Đô thành hiếu cổ
cũng đã đề cập đến những câu thơ Nôm trên sứ triều Nguyễn của Việt Nam
.
Ông này đã dẫn lời ông Hồ Đắc Khải, một quan chức cao cấp của triều
Nguyễn thuở ấy cho biết tác giả hai câu thơ Nôm trên đĩa trà mai hạc là Định
Viễn quận vương Nguyễn Phúc Bính, con trai của vua Gia Long. Sau này,
những bài viết mang tính chuyên khảo trong Tập san Đô thành hiếu cổ đã
được tập hợp và in thành bộ sách Những người bạn Cố Đô. Trong Những
người bạn Cố Đô có khá nhiều bài viết đề cập đến văn tự Hán Nôm trên
14
những cổ vật gốm sứ của Việt Nam, vì thế chúng tôi không giới thiệu chi tiết
từng bài mà chỉ giới thiệu tác phẩm này để chúng ta cùng nhau tham khảo.
Khoảng năm 1933 – 1934, Hobson R.L đã công bố mười ba văn tự trên
“lọ sứ An Nam” ở Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau này,
có đến 30 công trình, tài liệu tiếp tục đề cập đến mười ba chữ trên lọ sứ
Topkapi. Mười ba chữ là: 大和八年南策州匠人裴氏戲筆 (Thái Hòa bát
niên, Nam Sách châu tượng nhân, Bùi Thị Hý bút). Hobson R.L viết: “Trên
vai lọ có chữ, đọc từ trái qua phải, là người thợ thủ công (workman, đàn ông),
họ Chuang (Trương) ở châu Nan Ts’e (Nam Sách), vẽ chơi vào năm Ta Ho
(Đại Hòa) thứ 8 (1450). Chữ viết không thật văn hoa, chỉ là một niên hiệu ứng
với niên đại này và đọc là T’ai Ho (Thái Hòa), niên hiệu của một ông vua An
Nam (1443 -1454) viết chữ Ta thay cho chữ T’ai là rất thông thường
2
. Và việc
Nan Ts’e - chou (Nam Sách châu) nằm ở An Nam làm cho cách hiểu trên là
đúng. Như vậy, chúng ta có một mẫu vật tuyệt vời của gốm men lam An
Nam, chắc chắn là do một người thợ thủ công (đàn ông) Trung Quốc làm và
với niên đại chỉ ít năm sau đời vua Hsoan Te”.
Người tiếp theo là Janse O, tác giả đã thông báo về chữ Nho ở đáy của
một số hiện vật đào được ở Thanh Hóa từ năm 1934 đến 1939. Trong một bài
viết của mình, Prior R đã dẫn ra căn cứ trên.
Năm 1938, Cl. Huet đã mang về nước Bỉ hàng ngàn cổ vật Việt Nam.
Đến năm 1942, ông cho ra mắt một chuyên khảo về gốm Thổ Hà và Bát
Tràng và có nhắc đến những văn tự Hán Nôm trên các sản phẩm gốm này.
Trong chuyên khảo Cl. Huet, cho biết: “Một lư hương nhỏ, tròn có mang một
2
Niên hiệu Thái Hòa hay Đại Hòa đều được hiểu là niên hiệu của vua Lê Nhân Tông
(1443-1453). Khi viết niên hiệu này, trên một số tiền xu, cổ vật gốm sứ vẫn dùng chữ Thái
太 bằng cách viết chữ Đại 大. Ngoài vua Lê Nhân Tông thì vua Lê Thái Tông (1440-1442)
cũng có niên hiệu được thể hiện kiểu như vậy, đó là niên hiệu Đại (Thái) Bảo.
15
văn tự về niên đại sản xuất và mục đích sử dụng; văn tự này rất có ích cho
việc xác định những món đồ cùng loại”
Năm 1943, Bùi Thế Mỹ trong tập san của Hội khuyến học Nam Kỳ đã
viết về những câu thơ Nôm trên một bộ trà và cho đó là câu thơ Nôm do
Nguyễn Du đề vịnh khi đi sứ. Bùi Thế Mỹ viết: “Tương tuyền lúc Nguyễn Du
đi sứ sang Trung Quốc, có đến thăm một lò chế tác đồ sứ, gặp dịp người ta
đang làm một bộ đồ trà, vẽ kiểu Mai hạc. Chủ lò nhã ý mời quan chánh sứ An
Nam phẩm đề một đôi câu thơ lên món đồ. Nguyễn Du đã dùng chữ Nôm của
nước nhà mà đề rằng: “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ hạc là người
quen”.
Năm 1944, tác giả Vương Hồng Sển cũng đã viết bài Les Bleus de Hué
à décor Mai Hac đăng trên Bulletin de la Société des études Indochinoises
(BSEI). Tác giả đã khẳng định câu thơ Nôm trên bộ trà mai hạc là của đại thi
hào Nguyễn Du.
Năm 1944, L.Bezacier công bố chuyên đề Khái luận về nghệ thuật An
Nam (Essais sur L’art Annamite, Ha Noi).
Tuy nhiên, việc nghiên cứu về văn tự Hán Nôm trên hiện vật gốm sứ
trong các công trình, bài viết vừa nêu mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát, giới
thiệu lẻ tẻ từng hiện vật có văn tự, chưa có công trình nào đề cập một cách
đầy đủ, hoặc khái quát đặc điểm văn tự Hán Nôm. Qua tham khảo tài liệu,
bước đầu chúng tôi nhận thấy, nội dung ghi chép, mô tả, phiên âm văn tự có
sự sai khác so với nội dung văn tự trên sản phẩm gốm sứ và các tác giả
thường đưa ra những kiến giải mang tính chủ quan.
1.1.2. Công trình xuất bản từ năm 1945 đến năm 1975
Năm 1945, đánh dấu cho sự mở đầu một giai đoạn mới trong nghiên
cứu văn tự Hán Nôm trên gốm sứ ở Việt Nam, khi nước Việt Nam dân chủ
16
cộng hòa được thành lập. Mặc dù còn chiến tranh, nhưng các nhà khoa học tại
Viện Viễn Đông Bác cổ ở Việt Nam đã hợp tác với chính phủ các quốc gia
mới thành lập cũng như với các nhà khoa học bản địa để theo đuổi những
công trình ở Đông Nam Á: nghiên cứu về Phật giáo, ngôn ngữ, văn học, dân
tộc học, v.v… Các cuộc khai quật khảo cổ và nghiên cứu khảo cổ học, văn tự
Hán Nôm vẫn được tiếp tục và trên một tầm cao mới.
Tác phẩm trong giai đoạn này đã xuất hiện nhiều đại diện các nhà
nghiên cứu bản địa, một trong những người như thế có thể kể đến nhà văn
hóa, học giả, kiêm nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Vương Hồng Sển. Vương
Hồng Sển (1902-1996), bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai, ông
được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng
trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam. Trong suốt cuộc đời, ông sưu tầm
được hơn 800 cổ vật, trong đó nhiều nhất, độc đáo nhất là đồ gốm men xanh
trắng TK XVII - XIX. Ông đã góp phần đáng kể trong việc xác định niên đại
và phân loại một số đồ gốm cũng như hướng dẫn kỹ năng ban đầu cho những
người thích sưu tầm đồ cổ. Các công trình nghiên cứu của ông được giới
chuyên môn đánh giá cao.
Nhưng một người mà giới nghiên cứu và sưu tầm cổ vật ít khi biết danh
tính là ông Dương Minh Thới, ông không chỉ là nhà sưu tầm những đồ cổ đẹp
và hiếm, mà ông còn là một học giả, ông tìm những vật với đặc điểm Nho
giáo thể hiện trên họa tiết: bài thơ, tranh vẽ liên quan với một truyền thuyết
hoặc một sự tích Hán-Việt. Tháng 8 năm 1948, ông đã viết bài Les vieilles
porcelaines de Chine et les vieux bleus de Huế đăng trên báo Education.
Trong bài viết, ông yêu cầu chính phủ Pháp thành lập Bảo tàng men lam:
“Người du khách đến xem có thể biểu tượng đời sống người Việt. Còn học trò
Việt đến xem khi nhìn các hình vẽ trên đồ sứ có thể hiểu các tích trong văn
học Việt Nam”.
17
Khoảng từ 1950 đến 1975, việc nghiên cứu văn tự Hán Nôm trên gốm
sứ Việt Nam có bước phát triển hơn trước, nhưng hầu hết các công trình
nghiên cứu liên quan đến văn tự Hán Nôm trên gốm sứ Việt Nam vẫn chưa
được quan tâm nghiên cứu, sưu tầm, mà chỉ thông qua các cuộc khai quật
khảo cổ, khi xuất hiện những hiện vật có văn tự Hán Nôm mới được chú ý.
Năm 1952, hai tác giả H.Parmenier và R.Mercier công bố Những thành
phần kiến trúc cổ ở miền Bắc Việt Nam (E’lements anciens d’architectures au
Nord Vietnam, BEFEO, T.XIX, 1952)
Với học giả Vương Hồng Sển thì từ năm 1950 đến năm 1972 ông đã
giới thiệu một số bài viết và các tác phẩm có đề cập đến văn tự Hán Nôm trên
sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Quốc cùng những kiến giải về lịch sử, niên
đại, nước men, màu chàm, văn tự trên đồ gốm sứ cổ, v.v… Sau này, giới
nghiên cứu, sưu tầm cổ vật ở Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều từ những kiến
giải của ông, các công trình đó là:
- La chique de bétel et les pots à chaux anciens du Viet-nam (1950)
- Thú chơi cổ ngoạn (1971)
- Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa (1972)
- Cảnh Đức trấn đào lục (1972)
- Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn (1972)
Nếu Vương Hồng Sển được biết đến như một nhà nghiên cứu, học giả
bản địa có nhiều đóng góp nhất trong việc nghiên cứu cổ vật trong những giai
đoạn đầu của TK XX, thì trong khoảng thời gian trước năm 1975 cũng đã
xuất hiện một vài gương mặt nghiên cứu về văn tự Hán Nôm trên gốm sứ cổ,
tiêu biểu như Trương Cam Vinh, Trần Thanh Đạm, v.v…
Năm 1960, trên Văn hóa nguyệt san, số 52, Trần Thanh Đạm đã viết
bài Ấm chén và đồ xưa. Đây là một bài viết mang tính chuyên khảo về thú
18
thưởng trà và chơi trà cụ. Thú đó được xem như một thú chơi tao nhã của giới
quý tộc. Bên cạnh đó, việc thưởng thơ trên các bộ trà cụ cũng là một lạc thú
của các tao nhân, mặc khách tự cổ chí kim.
Năm 1962, cũng trên Văn hóa nguyệt san trong số 73, trang 880 – 896
Trương Cam Vinh đã viết bài về Chơi đồ cổ và chơi cổ đồ.
Năm 1970, tác giả Nguyễn Phi Hoanh đã xuất bản cuốn sách nghiên
cứu Lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trong tác phẩm này, tác giả đã tập hợp được
một số cổ vật trong giai đoạn từ TK XV đến TK XIX có xuất hiện văn tự Hán
Nôm và giành một chương riêng cho đồ sành Bát Tràng.
Khoảng những năm từ 1945 đến 1975, việc nghiên cứu văn tự Hán
Nôm trên gốm sứ Việt Nam có bước phát triển hơn trước nhưng vẫn chỉ dừng
lại ở việc giới thiệu và dịch thuật mang tính ước đoán về văn tự Hán Nôm chứ
chưa được hệ thống một cách khoa học. Một phần lý do có thể do cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp đã khiến việc thu thập tài liệu khó khăn, nên việc
sưu tầm, nghiên cứu về văn tự Hán Nôm trên gốm sứ cũng chưa được phát
triển một cách xứng tầm.
1.1.3. Công trình xuất bản từ năm 1975 đến nay
Sau giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối, việc nghiên cứu
thuộc lĩnh vực khảo cổ nói chung và văn tự Hán Nôm trên gốm sứ nói riêng
được đẩy mạnh nhưng chủ yếu do các nhà nghiên cứu Việt Nam tiến hành.
Tuy vậy, trong khoảng thời gian đầu, công việc này vẫn chỉ là những điều tra,
sưu tầm cổ vật có văn tự Hán Nôm; nói chung các mảng, các đề tài nghiên
cứu còn rất hạn hẹp. Chúng ta chưa có ý niệm gì về việc phân chia văn tự, đặc
điểm, dịch thuật, v.v… Sau này, việc nghiên cứu về văn tự Hán Nôm trên
gốm sứ Việt Nam được phát triển và hệ thống lại mang tính khoa học hơn rất
19
nhiều. Trong giai đoạn đầu, một số công trình nghiên cứu về văn tự Hán Nôm
trên gốm sứ Việt Nam xuất hiện có thể kể đến.
Năm 1975, cuốn Chạm khắc cổ Việt Nam qua các bản dập do Viện
Mỹ thuật xuất bản có giới thiệu văn tự trên chân đèn gốm sản xuất năm Sùng
Khang thứ 10 (1577), đời vua Mạc Mậu Hợp. Trong những năm đầu sau khi
giải phóng miền Nam, các bài viết lẻ tẻ về văn tự Hán Nôm trên gốm sứ cũng
xuất hiện.
Năm 1976, Dean F. Frasché đã viết Southeast Asian Ceramics. Ninth
through seventeenth centuries và có đề cập một cách sơ lược nhất về văn tự
Hán Nôm trên gốm sứ Việt Nam.
Năm 1977, Brown R.M đã nghiên cứu lại văn tự Hán Nôm trên lọ sứ
Topkapi một cách chi tiết, có phương pháp cụ thể và mang tính khoa học hơn
nhưng vẫn thiếu về quan điểm lịch sử và tài liệu dẫn chứng.
Tuy nhiên thời gian này, thế mạnh nghiên cứu về văn tự Hán Nôm trên
đồ gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX không còn là của các tác giả
nước ngoài, mà các nhà nghiên cứu trong nước đã khẳng định được tên tuổi
của mình trong lĩnh vực nghiên cứu văn tự Hán Nôm này. Một vài tác giả,
chúng ta có thể kể đến như:
Học giả Vương Hồng Sển đã công bố: Những đồ sứ do đi sứ mang về,
Nxb Mỹ Thuật, 1993; Sổ tay của người chơi cổ ngoạn, Nxb Mỹ Thuật, 1994;
Khảo về đồ sứ từ hậu Lê đến sơ Nguyễn, Nxb Mỹ Thuật, 1993; Những đồ sứ
khác quan dụng, ngự dụng, Nxb Mỹ Thuật, 1993; Khảo về đồ sứ men lam
Huế, Nxb Mỹ thuật, 1994.
Sau học giả Vương Hồng Sển có thể kể đến nhà nghiên cứu Nguyễn
Đình Chiến, Nguyễn Đình Chiến là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu
có giá trị, tính khoa học cao. Những tác phẩm đầu tiên ông nghiên cứu về văn
tự Hán Nôm trên gốm sứ được tác giả giới thiệu như sau:
20
“Đồ gốm Việt Nam có minh văn đã được chúng tôi tập trung nghiên
cứu và công bố từ năm 1986, trong số Thông báo khoa học của Bảo tàng Lịch
sử Việt Nam (Nguyễn Đình Chiến, 1986: 125-133).
Năm 1991, trong Hội nghị thông báo khảo cổ học, chúng tôi tập trung
giới thiệu về 2 tác giả làm gốm ở Bát Tràng dưới triều Mạc là Đỗ Phủ và Đỗ
Xuân Vi (Nguyễn Đình Chiến, 1991a: 136-137). Cùng năm đó, trên tạp chí
Khảo cổ học, chúng tôi giới thiệu về nhóm đồ gốm chế tạo dưới triều Mạc của
tác giả Đặng Huyền Thông (Nguyễn Đình Chiến, 1991b: 55-56).
Năm sau, cùng Trịnh Căn, chúng tôi có thêm tài liệu công bố về tác
phẩm gốm của Đặng Huyền Thông (Nguyễn Đình Chiến-Trịnh Căn, 1992:
272-273)”.
Tuy nhiên, công trình có tính chuyên sâu của Nguyễn Đình Chiến là:
Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn TK XV - XIX, do Bảo tàng Lịch sử
Việt Nam xuất bản năm 1999. Đây là cuốn sách được tác giả biên soạn trên
cơ sở nâng cao công trình luận án Tiến sĩ của ông bảo vệ thành công năm
1996. Cuốn sách đã tập hợp và trình bày các loại hình, kiểu dáng, mầu men,
đề tài trang trí của sưu tập 132 đồ gốm có văn tự. Đặc biệt, nội dung văn tự
phong phú của đồ gốm từ TK XV đến TK XIX đã phản ánh nhiều vấn đề về
lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, phật giáo Việt Nam. Với một hệ thống niên đại
tuyệt đối thông qua văn tự. Sau đó là Tàu cổ Cà Mau được Sở Văn hóa Thông
tin Cà Mau xuất bản năm 2002.
Cùng với tác giả Phan Huy Lê, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Đình
Chiến đã công bố Gốm Bát Tràng TK XIV - XIX, Nxb Thế giới ấn hành năm
1995. Sách do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hợp tác
Nghiên cứu Việt Nam Trường Đại học KHXH và Nhân văn quốc gia, tổ chức
biên soạn và xuất bản nhằm giới thiệu một cách có hệ thống về gốm Bát
Tràng TK XIV - XIX, trên cơ sở tư liệu lịch sử, tư liệu điền dã và chủ yếu là
21
sưu tập gốm Bát Tràng đang được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng quốc gia,
bảo tàng ở các địa phương khác và bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân. Cuốn sách
đã giới thiệu lịch sử làng gốm Bát Tràng, qui trình sản xuất và loại hình của
đồ gốm Bát Tràng; cùng với việc giới thiệu 254 ảnh hiện vật, những bài minh
trên gốm và nhiều bản vẽ, bản dập.
Sau này, các bài chuyên khảo về văn tự Hán Nôm trên gốm sứ đã rộng
và sâu hơn. Các tác giả chuyên sâu về văn tự Hán Nôm trên đồ gốm ngoài
Nguyễn Đình Chiến, có thể kể đến Phạm Quốc Quân. Hai tác giả có chuyên
môn sâu trong lĩnh vực nghiên cứu cổ vật, hai ông cùng viết, 2000 năm gốm
Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 2005.
Riêng về gốm Chu Đậu thì Tăng Bá Hoành được đánh giá cao khi công
bố tác phẩm Gốm Chu Đậu, Bảo tàng Hải Dương ấn hành năm 1999.
Hà Văn Tấn (chủ biên) Khảo cổ học Việt Nam, Tập III, Khảo cổ học
lịch sử Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 2002.
Lưu Trần Tiêu, Đặng Văn Bài và Nguyễn Đình Chiến có tác phẩm Cổ
vật Việt Nam, Nxb VHTT, 2002; tác giả Trần Khánh Chương có Gốm Việt
Nam từ đất nung đến sứ, Nxb Mỹ Thuật, 2001; Bùi Minh Trí và Kerry Long
có Gốm hoa lam Việt Nam, Nxb KHXH, 2001, v.v…
Một số tác giả nước ngoài cũng đã dành nhiều thời gian, công sức
nghiên cứu về gốm Việt Nam, điển hình có các công trình:
John Guy, Oriental trade ceramics in South-East Asia, ninth to
sixteenth centuries, Oxford University Press, 1986.
John Stevenson, John Guy, Louise Allison Cort, Vietnamese ceramics,
Art Media Resources with Avery Press, 1997.
Còn về văn tự trên đồ sứ, nhất là sứ đặt kiểu của triều đình Việt Nam,
thì một trong những nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này là tác giả
Trần Đình Sơn đã công bố: Những nét đan thanh, Nxb Văn nghệ TP. HCM,
22
2003; Thưởng ngoạn đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn (1802-1945), Nxb Văn nghệ
TP. HCM, 2008, Đồ sứ ký kiểu Việt Nam thời Lê - Trịnh (1533-1788), Nxb
Văn nghệ, 2010…
Bên cạnh đó, các tác giả nghiên cứu về văn tự Hán Nôm trên dòng sứ
này, có thể kể đến:
Trần Đức Anh Sơn có Đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn, Nxb Đại học Quốc
gia Hà Nội, 2008. Đây là luận án Tiến sĩ lịch sử của Trần Đức Anh Sơn về
Đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn được viết công phu, tác giả đã dành riêng chương
V để giới thiệu văn tự trên đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn. Đây là lần đầu tiên có
một công trình chuyên sâu về văn tự trong một giai đoạn, mặc dù tập hợp này
chưa thật đầy đủ, nhưng như thế cũng đủ thấy văn tự Hán Nôm đã được coi
trọng trong việc nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực. Phạm Hy Tùng có Cổ vật
gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa, Nxb Sài Gòn, 2006. Những tác
phẩm này đã có những đóng góp không nhỏ trong việc nghiên cứu về văn tự
Hán Nôm trên đồ sứ đặt kiểu.
Các tác phẩm này đã hệ thống lại lịch sử nước nhà thông qua gốm sứ,
giới thiệu về lịch sử làng nghề, những hoa văn, kiểu dáng tiêu biểu của gốm
sứ qua mỗi thời kỳ. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đã có đóng góp lớn vào
việc khai phá văn tự Hán Nôm trên đồ gốm sứ. Một số nhà nghiên cứu đã
công bố những chuyên khảo, chuyên luận về văn tự Hán Nôm trên gốm sứ
mang tính chất chuyên sâu có thể kể đến Philippe Truong với những bài viết:
Những motif trang trí trên đồ sứ Nội phủ thị đoài trong Thông tin Di sản, số 6
(2010); Đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh và Chính cung và đồ sứ Nội phủ thị
trung thời chúa Trịnh trong Thông tin Di sản, số 8 (2011).
Có thể thấy, các công trình nghiên cứu trên đã có những đóng góp đáng
kể trong việc nghiên cứu văn tự Hán Nôm trên đồ gốm sứ Việt Nam từ TK
XV đến TK XIX. Tuy nhiên, những tác phẩm, bài viết đều chỉ đề cập đến một
23
số ít các tác phẩm Hán Nôm tiêu biểu mà chưa có công trình nghiên cứu
chuyên khảo nào nghiên cứu về đặc điểm văn tự Hán Nôm trên gốm sứ.
1.2. Nguồn tư liệu từ các bảo tàng, sưu tầm tư nhân và mạng
internet
1.2.1.Tư liệu từ các bảo tàng trong nước
Ngoài tài liệu in ấn thì việc nghiên cứu các nguồn tư liệu Hán Nôm trên
đồ gốm sứ Việt Nam từ TK XV đến TK XIX tại các bảo tàng trong và ngoài
nước cũng đáng lưu tâm. Đây là công việc khó, đòi hỏi công sức và tiền của,
vì thế thông qua các cuộc trưng bầy, giới thiệu về cổ vật và các hồ sơ hiện vật
tại bảo tàng để chúng ta cùng nhau khảo sát.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt
Nam) được thành lập ngày 03 tháng 9 năm 1958 ở đây lưu giữ những hiện
vật, phản ánh các nền văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt
Nam. Hệ thống kho cơ sở của bảo tàng hiện lưu giữ hơn 100.000 tiêu bản
hiện vật, gồm nhiều chất liệu, nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm thuộc các nền
văn hóa. Hệ thống trưng bầy của Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã được phân
chia rất chi tiết và tổng hợp được nhiều hiện vật gốm sứ có văn tự Hán Nôm
trong giai đoạn từ TK XV đến TK XIX thông qua các gian trưng bầy hiện vật
các triều đại Lê sơ – Mạc – Lê Trung hưng, triều Tây Sơn và triều Nguyễn.
Ba gian trưng bầy cổ vật này đã tập hợp và giới thiệu nhiều đồ gốm sản xuất
tại Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Chu Đậu với những nét đặc sắc về văn tự
Hán Nôm, dòng men, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí. Đáng chú ý
là sưu tập hiện vật độc bản khai quật từ tàu cổ Cù Lao Chàm, với những tác
phẩm gốm hoa lam độc đáo, rất có giá trị.
Năm 1954, trong sổ kiểm kê của Bảo tàng Louis Finot Hà Nội chỉ ghi
lại 11 đồ gốm sứ có văn tự đã đọc được, thuộc niên đại từ 1578 – 1585 và
1802 - 1819.
24
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những bảo tàng có vị trí
quan trọng nhất trong việc lưu giữ kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của
cộng đồng các dân tộc Việt nam. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện giữ trên
18.000 hiện vật trong nước tiêu biểu cho nền Mỹ thuật Việt Nam từ thời tiền
sử đến nay. Tất cả các hiện vật gốm sứ Việt Nam có văn tự Hán Nôm tại Bảo
tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được tổng hợp như:
Thời Lý Trần có 04 hiện vật xuất hiện văn tự (3 bát và 1 đĩa; trong đó 1
hiện vật không đọc được), các văn tự thời kỳ này được khắc chìm.
Triều Lê sơ có 40 hiện vật thể hiện văn tự Hán Nôm, bao gồm các loại
hình như: Bát, chén, đĩa, âu, hộp. Văn tự được thể hiện bằng cách dùng chính
màu men lam viết trong lòng hiện vật. Các văn tự chủ yếu ở dạng một chữ.
Triều Mạc, tổng số 15 hiện vật có văn tự Hán Nôm gồm chân đèn, bát,
lư hương. Các văn tự được viết, khắc, được đắp nổi cắt- khắc.
Triều Lê Trung Hưng, tổng số 6 hiện vật có văn tự Hán Nôm (2 chân
đèn; 4 lư hương), những hiện vật này đều là đồ thờ. Các văn tự được thể hiện
bằng cách khắc vào xương gốm; khắc - in.
Triều Nguyễn, tổng số 66 hiện vật có văn tự Hán Nôm, loại hình đa
dạng. Các văn tự được thể hiện cách viết mực tầu; màu men lam, khắc, in.
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế lưu trữ hơn 3700 hiện vật các
loại. Riêng bộ sưu tập gốm sứ có 700 hiện vật, đây là bộ sưu tập tương đối
phong phú về thể loại và đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ đồ gốm sứ còn
được bảo tồn tại Việt Nam. Sưu tập gốm sứ tại bảo tàng này rất đa dạng, bao
gồm các loại gốm mộc, gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý-Trần (TK XI-
XIV), gốm hoa lam thời Lê (TK XVI - XVII), gốm thời Mạc (TK XVI), gốm
trang trí thời Nguyễn (TK XIX - đầu TK XX)…
Về gốm thời Mạc, Bảo tàng còn giữ được khoảng 10 hiện vật, trong đó
loại hình chân đèn chiếm đa số. Đó là những chân đèn hình con tiện làm bằng
25