Tải bản đầy đủ (.pdf) (16 trang)

Ai là vị sứ quân một tai nổi tiếng trong sử Việt? docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (203.24 KB, 16 trang )



Ai là vị sứ quân một tai
nổi tiếng trong sử Việt?



Được lịch sử biết đến là một trong thập nhị sứ quân trước
thời nhà Đinh với đặc điểm nhận biết hiếm có, ông là Độc
nhĩ tướng quân Đỗ Cảnh Thạc.

Có mặt trong lịch sử nước Nam hơn một nửa thế kỷ, ông trở
thành một trong những công thần bậc nhất của nhà Ngô
không chỉ lúc tạo lập mà cả ở thời điểm khôi phục sau thời
Dương Tam Kha, được lịch sử biết đến là một trong thập nhị
sứ quân trước thời nhà Đinh với đặc điểm nhận biết hiếm có.
Ông là Đỗ Cảnh Thạc.

Mất một vành tai thuở thiếu thời. Thù nhà, nợ nước hẳn
đầy vơi

Về xuất thân của vị tướng họ Đỗ, Thần phả Đỗ tướng công
và sắc phong ở đình Cổ Hiền cho hay ông có nguồn gốc từ
Trung Quốc: “Đỗ Tướng Công, huý Cảnh Thạc, sinh ngày 14
tháng giêng năm Nhâm Thân (912). Thân phụ ngài là Đỗ
Quảng Lăng, mẹ là Trần Thị Thọ thuộc Đỗ Động Giang, Ấp
Động (huyện Thanh Oai bây giờ)”. Cụ thể hơn, có thuyết cho
rằng cha Đỗ Cảnh Thạc tên là Đỗ Thục, người gốc Quảng
Lăng đất Trung Quốc. Vào thời Ngũ đại thập quốc, Đỗ Thục
sang nước ta làm Tĩnh Hải quân và sinh ra Đỗ Cảnh Thạc.
Gốc gác này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục


cũng chưa rõ: “Đỗ Cảnh Thạc: Người huyện Thuận Đức
thuộc Quảng Đông”.

Tương truyền vào thuở thiếu thời, cậu bé họ Đỗ tỏ ra thông
minh khỏe mạnh, năm lên 8 tuổi đã biết bày ra các trò chơi.
Năm 12 tuổi đã biết cưỡi ngựa, bắn cung, theo cha đi săn
muông thú. Năm 16 tuổi đã có chí lớn, thấy bọn quan quân
nhà Nam ức hiếp dân lành, giết người cướp của thì trong lòng
căm hận, chỉ muốn tiêu diệt kẻ thù cho bõ tức . Nhưng cũng
chính vì tính khí ấy mà vị sứ quân tương lai mới… mất một
tai về tay giặc Nam Hán.

Bắn cung. Nguồn tranh của Monsier Henri Oger.

Việc này, trong Thần phả Đỗ tướng công có chép lại nguyên
do: “Một hôm giặc vào bắt lợn của nhà, ông xông ra giằng
lợn lại bị chúng đánh đập, cáu tiết ông giằng chiếc đòn
khiêng lợn đánh túi bụi, sau vì thế cô mà bị chúng quây bắt
trói lên cây và xẻo mất một bên tai. Sau việc này, lòng căm
thù sôi sục, ông quyết tìm thầy học võ”. Cứ như trong thần
phả viết, việc ấy ắt xảy ra sau thời Khúc Thừa Mỹ để nước
rơi vào tay giặc Nam Hán năm Quý Mùi (923) cho đến trước
khi Dương Đình Nghệ khôi phục năm Tân Mão (931). Cũng
có thuyết khác cho hay, khi dẫn quân đánh nhau với Nam
Hán, trong lúc giao tranh, ông bị gươm của giặc phạt mất một
tai. Cũng vì mối thù không đội trời chung với giặc phương
Bắc của bản thân, lại thêm nợ nước, thù nhà chồng chất khi
sau đó trong thời gian Đỗ Cảnh Thạc tìm thầy luyện võ ba
năm “giặc đã kéo đến ấp cướp bóc đàn áp, dân ấp người chết
người chạy trốn, nhà ông bị đốt cháy, cha mẹ bị giặc giết”, đã

nung nấu trong huyết quản chàng trai một tai ấy chí lớn trả
thù nhà, đền nợ nước.


Công thần nghiệp trải suốt triều Ngô. Dẹp loạn Bình
Vương phục cơ đồ

Trong suốt cuộc đời làm tướng của mình, Đỗ Cảnh Thạc dần
trở thành một cánh tay đắc lực phò giúp cho nhà Ngô lập nền
tự chủ, dựng xây triều đại, được Trạng Bùng Phùng Khắc
Khoan tán tụng là: “Tướng công phò suốt ba đời nhà Ngô,
trải bao biến cố vẫn giữ một lòng trung hiếu, không màng
danh lợi, cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước. Thật là
một tấm gương trung hiếu chói lọi cho đời sau noi theo”.

Theo thần phả Độc nhĩ đại vương ở vùng Thanh Oai thì ban
đầu Đỗ Cảnh Thạc tìm về dưới trướng của Dương Đình
Nghệ, nhưng sau đó lại bén duyên với con rể họ Dương là
Ngô Quyền lúc ấy đang trấn thủ Ái Châu do ý hợp tâm đầu.
Khâm phục tài năng và chí khí của viên tướng họ Ngô nên
ngày 15 tháng giêng năm Đinh Dậu (937), Đỗ Cảnh Thạc đã
đem theo đội quân được xây dựng từ trước về với Ngô
Quyền, tôn Ngô Quyền là Đại huynh.

Sau khi Dương Đình Nghệ chết dưới tay của Kiều Công
Tiễn, lại thêm họa Nam Hán rình rập, dẫn đến quyết định
huyết chiến nơi Bạch Đằng giang. Tương truyền, ông chính
là người bàn với Ngô Quyền dùng cọc nhọn đóng ở lòng
sông để diệt giặc, lại dẫn đầu một cánh quân cả thủy binh và
bộ binh mai phục ở bên hữu ngạn sông Bạch Đằng để tham

gia tổng tấn công quân Hoằng Thao, góp phần vào đại thắng
nơi dòng sông sóng bạc đầu.

Đến năm Kỷ Hợi (939), Ngô Quyền xưng vương, dựng nước,
đóng đô, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, vị
tướng họ Đỗ đã được phong làm Thái uý đứng đầu các quan
võ. Chỉ tiếc rằng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, 5 năm sau,
Ngô Vương Quyền băng hà (Giáp Thìn (944). Trước khi về
thế giới bên kia, Ngô Quyền đã chỉ định Thái tử Ngô Xương
Ngập là con cả sẽ nối ngôi, lại nhờ em vợ Dương Tam Kha
giúp rập. Nhưng nhân đó, Dương Tam Kha cướp ngôi nhà
Ngô, tự xưng là Bình Vương, lại để không mang tiếng cướp
ngôi, Dương Tam Kha lấy con thứ hai của Ngô Quyền và chị
mình là Xương Văn làm con mình.

Lược đồ 12 sứ quân. Nguồn: DVD Tài liệu hỗ trợ dạy và học
Lịch sử lớp 4, NXB Giáo dục Việt Nam.

Trước biến loạn của dòng họ, sợ bị lụy đến thân, Ngô Xương
Ngập chạy đến Nam Sách Giang, ẩn náu tại nhà Phạm Lệnh
Công ở Trà Hương (nay là huyện Kim Thành, tỉnh Hải
Dương). Sợ sự tồn tại của đứa cháu gọi mình bằng cậu sẽ làm
cho các cựu thần nhà Ngô có lòng khác, Dương Tam Kha bèn
sai Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạch đem quân đi lùng Ngô
Xương Ngập. Tuy nhiên, họ Dương đã cậy sai người khi Đỗ
Cảnh Thạc đã từng cùng Ngô Quyền vào sinh ra tử bao phen,
sẽ không nỡ xuống tay với chính con ruột của chủ cũ. Thế
nên việc bắt Ngô Xương Ngập không thành. Sử cũ cho hay:
“Trước sau đến ba lần đều không bắt được. Phạm Lệnh Công
đem Xương Ngập giấu vào trong động núi. Tam Kha biết tin,

lại cho sục sạo, cuối cùng vẫn không tìm thấy” (Trích Khâm
định Việt sử thông giám cương mục). Không những thế, cũng
chính vì một lòng với nhà Ngô, nên về sau, Đỗ Cảnh Thạc
góp công cho cuộc trung hưng của dòng họ này ngay sau đó
vài năm.

Năm Canh Tuất (950), Bình Vương Dương Tam Kha sai Ngô
Xương Văn và cũng hai vị tướng trước đây là Dương Cát Lợi
và Đỗ Cảnh Thạc đem quân đi đánh hai thôn Thái Bình,
Đường Nguyễn (thuộc Sơn Tây). Ngô Xương Văn bấy lâu
làm con nuôi hờ của Bình Vương, vẫn nghĩ tới vương nghiệp
của cha bị cướp, nhân đây bèn làm một cuộc đảo chính. Đại
Việt sử lược cho biết, khi đoàn quân của Ngô Xương Văn
cùng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc: “Đi đến Từ Liêm,
Ngô Xương Văn bảo hai sứ rằng:

- Tiên vương ta, đức hợp lòng dân, chẳng may lìa bỏ quần
thần. Dương Chủ Tướng (tức Dương Tam Kha, Đại Việt sử
lược ghi rằng Chủ Tướng là tên huý của Dương Tam Kha –
người dẫn) tự ý hành động một cách bất nghĩa, tội lớn vô
cùng. Nay lại sai ta đi đánh các ấp vô tội. May mà thắng thì
kẻ kia rốt cũng không phục. Vậy chúng ta phải làm sao?

Hai sứ thưa rằng:

- Ngài dạy bảo, chúng tôi xin nghe.

Việc này trong Thiên Nam ngữ lục chép lại, cho chúng ta
thấy được tấm lòng trung hiếu của Dương Cát Lợi và Đỗ
Cảnh Thạc với cố chúa:

Xương Văn chịu lấy việt mao,
Cùng hai Dương, Đỗ bảo nhau rằng vầy:
“Tam Kha bất nghĩa chẳng hay,
Lỗi lời Tiên đế, hại rày nghiệp Ngô”.

Nhị sứ nghe nói như ru,
Quyết cùng như vậy còn ngờ làm chi.
Thôi bèn trở quân trẩy đi,
Trước sau trên dưới bọc vi Loa Thành.
Tam Kha bèn mới nộp mình,
Lấy thân quốc cữu nhiêu sinh chẳng hoài.


Được sự thống nhất ý kiến từ những bề tôi cũ trung thành của
cha, trong đó có Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Xương Văn bèn đem
binh mã quay trở lại Cổ Loa lẻn đánh Bình Vương và lật đổ
được y, lập lại ngôi chính thống cho dòng họ, được sử cũ gọi
là thời Hậu Ngô Vương.
Công lao trải khắp triều Ngô của vị tướng họ Đỗ, về sau được
ngợi ca là:
Phạt Bắc chinh Đông, uy vũ trấn nhị triều Hán chúa,
Giáo dân hộ quốc, đức quang lưu tam thế Ngô vương


Thành hoàng ba xã mấy ai hay. Cho bà hàng nước chút
lộc này

Năm Ất Sửu (965), Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn bị
trúng tên ở hai thôn Đường và Nguyễn thuộc Thái Bình mà
chết, nhà Hậu Ngô đến đây dứt. Các sứ quân thi nhau tranh

hùng, tạo nên thời thập nhị sứ quân. Đỗ Cảnh Thạc với thanh
thế của mình, bèn chiếm giữ Đỗ Động (thuộc huyện Thanh
Oai), tự xưng là Đỗ Cảnh Công, hùng cứ một phương:
Nhật Khánh cứ đất Đường Lâm,
Cảnh Thạc làm tướng quyền cầm mạnh sao.

(Trích Việt sử diễn âm)

Căn cứ của ông tập trung sức mạnh ở đồn Bảo Đà và thành
Quèn, trong đó thành Quèn gắn với tên tuổi vị tướng họ Đỗ
hơn cả. Về việc dựng thành, tương truyền một lần Đỗ Cảnh
Thạc đi qua trang Lạp Hạ, huyện Ninh Sơn (sau đổi là An
Sơn), phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây thấy ở phía Tây có một trại
nhỏ là trại Quèn, núi vòng phía sau, sông ôm phía trước. Núi
sông bao bọc như thế rồng chầu hổ phục, núi không cao mà
đất bằng phẳng, nước trong xanh, nguồn mạch dồi dào. Ông
liền chọn làm nơi dựng thành. Bốn bề thành là đầm nước, lau
sậy um tùm, phải có thuyền độc mộc mới ra vào được. Thành
Quèn là tên Nôm của thôn Cổ Hiền, nay thuộc Cổ Hiền, Xã
Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ đó, cả huyện Ninh
Sơn, suốt từ trại Quèn xuống đến Thiên Phúc, Bảo Đà thuộc
Thanh Oai đều thuộc quyền ông cai quản.

Tuy nhiên, trong 12 sứ quân, sức mạnh của Trần Lãm, hay
Trần Minh Công là hơn cả, lại có Đinh Bộ Lĩnh là kẻ kiệt
hiệt, dần gộp thâu các sứ quân. Căn cứ của Đỗ Cảnh Công bị
uy hiếp dữ dội. Trải qua nhiều cuộc giao tranh, lực lượng hai
bên tổn thất khá nhiều.

Về kết cục của vị tướng Độc nhĩ, trong Thần phả Đỗ tướng

công chép: “Ngày 8 tháng giếng năm Mậu Thìn (968), Đỗ
tướng công cùng Đinh Bộ Lĩnh giao phong ở khu vực núi
Hoàng Xá. Ông bị quân của Đinh Bộ Lĩnh núp trên núi bắn
trúng một mũi tên tẩm độc. Ông chạy đến chân núi Sài (núi
Sài Sơn, nơi có chùa Thầy) thì chết, thọ 56 tuổi. Ngựa xích
thố của ông chạy trở lại núi Ỏn hí vang như sấm rồi chết tại
đó.

Khi Đỗ tướng công thất thủ chạy về núi Sài, bà bán nước
thấy ngài còn ngồi trên ngựa, ngài ngửa mặt lên trời mà nói
lớn:

- Ta sống là anh hùng cái thế cứu dân, cứu nước. Ta chết làm
tam xã vi thần hộ tướng hộ dân an lạc thái bình.

Ngài ngã ngựa, quân của ngài chạy theo đã nghe tiếng ngựa
hí ở núi Ỏn, vì rừng rậm không ai tìm thấy xác ngài. Sáng
hôm sau, bà cụ ra nơi ngài hóa đã thấy mối đùn thành gò lớn,
từ đó bà cụ hàng ngày hương khói cho ngài. Một đêm cụ nằm
mộng thấy Ngài oai phong lẫm liệt bảo rằng:

- Ta sẽ là Thành Hoàng Tam Xã, nhân dân Tam Xã sẽ nhang
đèn cho bà cùng với ta.

Ít lâu sau bà cụ ra đi như giấc ngủ. Lúc ấy nhân dân biết được
việc ấy mới làm một gian nhà bằng cỏ gianh trên mộ để cúng
bái. Lúc này chưa ai biết tên huý của Ngài nên chỉ khấn:
“Đẳng thần Tướng Quốc vị Vương Tam Xã”. Hai năm sau,
hai quan đồng liêu của Ngài là Dương Cát Lợi và Lữ Sử Bình
đi tìm và thăm mộ ngài, nhân dân mới biết tên huý của Ngài.

Từ đó hàng năm cứ đến mùng 8 tháng giêng, nhân dân lại tổ
chức cúng tế Ngài. Trước khi chính tế thì tế hàng ngang cho
bà bán nước. Tế hàng ngang chỉ mặc áo dài đen, khăn gõ tế
trầu cau hương nước, quả thực”.

Đền Tam xã nói tới ở đây được nhân dân xã Sài Sơn, Thuỵ
Khuê và Đa Phúc góp công xây dựng nên gọi là đền Tam Xã
(ba xã trên là 3 làng thuộc tổng Lật Sài, phủ Quốc Oai,
Huyện An Sơn ngày trước). Theo nhân gian truyền lại, Đỗ
Cảnh Thạc được truy tôn là Độc Nhĩ vương thượng đẳng
thần. Khi tế lễ không dùng sắc phục màu vàng bởi ông chết
trận, lại kiêng huý, cấm ngặt việc dùng chữ “Thạc”, nếu viết
phải bớt nét, nếu nói thì phải lệch đi để tỏ lòng tôn kính.

×