Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Tuổi già và các bệnh lý tâm thần kinh. pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (152.81 KB, 8 trang )







Tuổi già và các bệnh lý tâm thần kinh

Trong những thập niên gần đây tuổi thọ người Việt Nam đã được nâng cao rõ rệt,
tại các đô thị tuổi thọ bình quân đã được trên 70.

Đây là một bước tiến lớn và là niềm tự hào của ngành y tế nước nhà, tuy nhiên
cũng là thách thức đặt ra đối với ngành y tế nói riêng và của toàn xã hội nói chung,
làm sao bảo đảm được công tác chăm sóc sức khỏe để các cụ được nghỉ ngơi trọn
vẹn và lành mạnh nhất sau khi đã cống hiến cho xã hội và gia đình. Một số bệnh lý
thường gặp ở tuổi già:
Các bệnh lý cơ thể: tim mạch, ung thư, tai biến mạch máu não, các bệnh lý sa sút
tâm thần và phổi được coi là 5 nguyên nhân tử vong chính ở người già, ví dụ như
cao huyết áp là một bệnh lý tim mạch xuất hiện ở ít nhất 40% người lớn tuổi, cùng
với xơ vữa động mạch là một bệnh lý hay đi kèm cùng với bệnh tim mạch và cao
huyết áp. Tuổi già còn là một sự xuống cấp của các cơ quan cảm giác, có ít nhất
1/3 trong họ bị giảm thính lực, 1/2 các cụ trong độ tuổi 75 – 85 bị cườm, 70% bị
tăng nhãn áp.
Các bệnh lý tâm thần ở tuổi già trầm cảm: trầm cảm ở người cao tuổi có tỷ lệ
tái phát và tỷ lệ tự sát gia tăng theo tuổi. Gia đình cần lưu ý khi các cụ có những
biểu hiện như tình trạng buồn, rầu rĩ kéo dài, giảm hứng thú và thoái lui khỏi các
hoạt động bên ngoài, không muốn giao tiếp, hành vi cử chỉ chậm chạp bất thường
so với tuổi, có những lời nói phát biểu bi quan chán nản, than kém trí nhớ.
Triệu chứng trầm cảm điển hình: khí sắc trầm cảm như mất quan tâm và hứng
thú; rối loạn giấc ngủ; rối loạn sự ngon miệng, sụt hoặc tăng cân; mất tập trung;
cảm giác mệt mỏi, suy nhược; chậm chạp hoặc kích động; mặc cảm tội lỗi, đánh


giá thấp bản thân; ý nghĩ chết chóc, tự sát.
Đặc biệt trầm cảm ở người già có khi biểu hiện giống như một tình trạng giả sa sút
tâm thần như lú lẫn, suy giảm trí nhớ. Mặt khác ở một số cụ trầm cảm và sa sút
tâm thần có thể cùng xuất hiện song song làm khó khăn cho việc chẩn đoán và
điều trị.
Các yếu tố thuận lợi làm trầm cảm: tình trạng thoái hóa não, điều kiện sống không
thích hợp và sang chấn tâm lý, các bệnh cơ thể đi kèm theo, tiền sử trước tuổi già
đã từng trầm cảm… Trầm cảm đặt ra một vấn đề hết sức cấp thiết cho sức khỏe
các cụ vì những bệnh lý cơ thể như tim mạch, khối u… có thể thừa cơ bộc phát
hoặc nặng thêm khi bị trầm cảm, ngoài ra tự sát trong trầm cảm ở người già chiếm
một tỷ lệ đáng kể.
Thuốc chống trầm cảm là phương tiện hữu hiệu nhất để điều trị và kiểm soát trầm
cảm ở người cao tuổi. Ngày nay y học đã tìm ra những nhóm thuốc chống trầm
cảm mới ngày càng hiệu quả, tác động tương đối nhanh chóng và ít gây tác dụng
phụ khó chịu lên cơ thể người già. Các liệu pháp tâm lý nhằm nâng đỡ và giải
quyết các xung đột tâm lý cũng là một biện pháp cần phối hợp với thuốc men.
Để phòng ngừa, cần tránh cho các cụ sống cô độc, ít trò chuyện, ít giao tiếp và tâm
lý bi quan với cuộc sống và sức khỏe, trong dinh dưỡng cần tránh thuốc lá, rượu
và các chất kích thích.
Các bệnh lý tâm thần ở tuổi già lão hóa bình thường: biểu lộ qua sự khó tiếp thu
thông tin mới, quá trình tư duy chậm đi. Có thể quên nhẹ, đặc trưng của lão hóa
não nhưng hoàn toàn khác với biểu hiện thoái hóa tuần tiến của sa sút.
Giảm sút khả năng nhận thức và sa sút tâm thần: nhóm rối loạn bệnh lý này có tỷ
lệ cao ở người cao tuổi, trong đó sa sút tâm thần là một trong 5 nguyên nhân chính
gây tử vong ở người già và gây tác động nhiều tới gia đình do các cụ thường hạn
chế hoặc mất khả năng sinh hoạt độc lập, phải phụ thuộc vào người khác. Các con
số thống kê nước ngoài và VN cho thấy có từ 7 – 10% tính chung toàn bộ các cụ
từ 65 trở lên bị sa sút.
Giảm sút khả năng nhận thức (Mild Cognitive Impairment – MCI):
Các nghiên cứu cho thấy ở nhóm người trên 65 tuổi chỉ còn khoảng 20 – 40% là

còn duy trì được một khả năng trí nhớ, nhận thức linh hoạt và chính xác, phần lớn
họ đều có ít nhiều sút giảm trí nhớ chủ quan khi so với 5 – 10 năm trước đó, ví dụ
như hay quên vật dụng và chỗ của chúng… Ở mức độ nặng hơn, các chức năng
nhận thức và sinh hoạt đã có khiếm khuyết rõ ràng: suy giảm các kỹ năng nghề
nghiệp, khó khăn khi nhớ tên người, kém khả năng tập trung chú ý hơn, dễ quên
những sự kiện mới xảy ra…
Tùy vào nguyên nhân mà diễn tiến của tình trạng giảm sút trí nhớ và nhận thức
này có thể giữ nguyên trạng, nặng thêm một mức hoặc tiến triển xấu đi vào sa sút.
Các bệnh lý như tai biến mạch máu não nhẹ, kín đáo hoặc rõ rệt, các rối loạn tâm
thần, các bệnh cơ thể đều có thể là nguyên nhân và ảnh hưởng tới diễn tiến nặng
hoặc nhẹ của bệnh. Trong đó nặng nề nhất là bệnh Alzheimer vì sẽ đưa bệnh nhân
đi vào giai đoạn sa sút bất hồi phục, có một số bệnh nhân có thể duy trì được tình
trạng giảm sút nhận thức từ 5 – 7 năm sau đó bắt đầu đi vào sa sút.
Sa sút tâm thần:
Sa sút dạng Alzheimer: bệnh lý sa sút phổ biến, chiếm khoảng 50 – 60% các loại,
nguyên nhân do thoái hóa các tế bào não bởi các mảng tuổi già và thoái hóa dạng
sợi.
Giai đoạn Alzheimer nhẹ: thường kéo dài khoảng 2 năm. Bệnh nhân quên những
sự việc quan trọng gần đây (như tuần vừa qua), tính toán hơi khó khăn (các thầy
thuốc thường yêu cầu bệnh nhân tính nhẩm lấy 100 trừ cho 7, rồi lại lấy hiệu số
trừ cho 7 tiếp vài lần), dễ quên trả hóa đơn tiền điện nước, thường những điều này
người thân sống chung với bệnh nhân sẽ nhận ra sớm nhất (đôi khi họ nhớ những
việc của bệnh nhân hơn chính họ).
Giai đoạn Alzheimer trung bình: thường kéo dài khoảng 1,5 năm hoặc hơn. Đây là
giai đoạn bệnh nhân bắt đầu phải có sự giúp đỡ của xung quanh. Họ bắt đầu quên
những sự kiện quan trọng trong tiểu sử bản thân như: tên trường và nơi chốn đã
học, tính toán càng kém hơn, nhiều khi họ mặc đồ không phù hợp với bối cảnh và
thời tiết bên ngoài. Giai đoạn này người bệnh đã cần tới sự giúp đỡ ít nhiều từ
những người xung quanh.
Giai đoạn Alzheimer mức độ nặng và trầm trọng: bệnh nhân phải có giúp đỡ bắt

buộc trong mọi sinh hoạt hàng ngày cũng như sinh hoạt cơ bản. Hai giai đoạn này
có thể kéo dài từ 4 – 8 năm. Họ có thể thậm chí quên tên vợ con, địa chỉ nhà,
không tự chăm sóc vệ sinh cá nhân, ở vào giai đoạn cuối tiêu tiểu không tự chủ,
nằm lì trên giường.
Sa sút do bệnh mạch máu não (Vascular dementia):
Dạng sa sút này chiếm khoảng 15%, trên bệnh nhân nhồi máu não với kích cỡ và
các vùng khác nhau trên não. Diễn tiến sa sút thường tuần tiến theo kiểu bậc
thang. Tuy nhiên, do nguy cơ tai biến mạch máu não tái diễn nên có thể vẫn tiến
triển nhanh, hơn nữa trong các thể sa sút hỗn hợp, sa sút mạch máu còn làm tăng
nguy cơ tử vong so với thể Alzheimer đơn thuần.
Biểu hiện ngoài sa sút còn có thể thấy các dấu thần kinh định vị trên lâm sàng
hoặc hình ảnh học hoặc các bất thường ở đáy mắt, tiếng thổi động mạch cảnh,
buồng tim to. Các biểu hiện về cảm xúc (cảm xúc không ổn định, bùng nổ, khoái
cảm) thường nổi bật hơn ở sa sút mạch máu. Chức năng nhận thức có thể tạm duy
trì hoặc một phần hoặc một số lĩnh vực. Một số dấu hiệu như rối loạn ngôn ngữ, đi
khó có thể xuất hiện ngay từ đầu, khác với sa sút Alzheimer chỉ có khi bệnh tiến
triển.
Trong điều trị, cần lưu tâm tới điều trị các bệnh lý ảnh hưởng như cao huyết áp, xơ
vữa động mạch, tăng lipid máu, tiểu đường… cũng như trong dinh dưỡng cần
phòng ngừa bằng cách giảm chất béo, đường, mỡ, tăng cường chất xơ, vitamin…
Các bệnh sa sút tâm thần khác:
Bệnh Parkinson: bệnh khởi phát muộn, tỷ lệ 200/100.000 với rối loạn vận động
(cử động chậm, run khi nghỉ, nét mặt đơ, tăng trương lực cơ, đi bước nhỏ và chúi)
kèm sa sút trong 40 – 80% trường hợp, thường xuyên trầm cảm.
Bệnh Pick: sa sút thoái hóa hiếm gặp và khó phân biệt trên lâm sàng với
Alzheimer. Biểu hiện sa sút với hành vi giải ức chế. Tổn thương ở vùng trán và
thái dương với teo não, thoái hóa thể Pick.
Lo âu: thường xuất hiện chung với tình trạng giảm sút nhận thức MCI. Các cụ lo
âu một cách quá mức nhiều chủ đề (bệnh tật, kinh tế, gia đình…).
Loạn tâm thần: thường thấy là loạn tâm thần hoang tưởng với các ý tưởng sợ bị

xâm hại, bị mất cắp tiền và tài sản, các cụ nghi ngờ mọi người, đôi khi cả người
thân, thường xuyên kiểm tra, phòng vệ (đêm thức để canh trộm cắp, kiểm soát tiền
bạc…).
Tóm lại, trong chiến lược chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đặc biệt là các
bệnh tâm thần kinh, cần lưu ý phát hiện sớm các dấu hiệu của trầm cảm và suy
giảm trí nhớ, nhận thức và sa sút trí tuệ. Một số liệu pháp điều trị hiện nay như
thuốc chống trầm cảm, thuốc ngăn quá trình sa sút trí tuệ có thể cải thiện đáng kể
hoặc ít nhất làm chậm lại quá trình thoái hóa não nếu được điều trị sớm và tích
cực.
Bên cạnh đó, dinh dưỡng hợp lý và khoa học (giảm chất béo, đường, mỡ, tăng
cường chất xơ, vitamin…) và phong cách sống tránh cô đơn, tăng cường giao tiếp
xã hội, điều chỉnh tâm lý bi quan, tập thể dục đều đặn là chiến lược phòng ngừa từ
xa tốt nhất cho mọi loại bệnh cơ thể cũng như tâm thần kinh.

×