TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, Tập 75A, Số 6, (2012), 187-195
187
RỪNG NGẬP MẶN TẠI CỬA SÔNG GIANH TỈNH QUẢNG BÌNH
VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NGẬP NƯỚC
Dương Viết Tình, Nguyễn Trung Thành
Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế
Tóm tắt. Rừng ngập mặn tại cửa sông Gianh có diện tích là 22,1 ha, phân bố tại vùng cửa
sông và các bãi ngập triều cao với thành phần gồm 23 loài của 17 họ thực vật. Các loài chủ
yếu như Trang, Giá, Đước, Vẹt dù chiếm ưu thế về tổ thành. Các nhân tố sinh thái như độ
mặn nước, chế độ thủy triều và thể nền có ảnh hưởng đến sự phân bố loài và khả năng sinh
trưởng của rừng ngập mặn tại cửa sông Gianh. Rừng ngập mặn vùng cửa sông có vai trò
quan trọng trong việc bảo vệ hệ thống đê điều và đóng góp đáng kể cho sinh kế của cộng
đồng. Việc bảo vệ và phục hồi tài nguyên RNM sẽ cải thiện đáng kể cho đời sống của người
dân trong khu vực và sẽ góp phần ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng ven biển miền Trung.
1. Đặt vấn đề
Rừng ngập mặn (RNM) là dạng cấu trúc thực vật đặc trưng của vùng ven biển
nhiệt đới và cận nhiệt đới. Vai trò của RNM được khẳng định với nhiều các sản phẩm
cung cấp cho cộng đồng bao gồm các vật liệu xây dựng, nhiên liệu, thức ăn… RNM còn
là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản, chim và nhiều động vật khác. Ngoài những giá
trị về kinh tế và đa dạng sinh học thì RNM còn giữ một vai trò quan trọng trong việc
bảo vệ bờ biển, bờ sông, điều hòa khí hậu, hạn chế xói lở, ổn định đất phù sa mới bồi,
hạn chế sự xâm mặn, bảo vệ đê điều, nước biển dâng. Ðồng thời nó cũng có vai trò đặc
biệt trong việc ứng phó biến đổi khí hậu (BÐKH). Ở Việt Nam có nhiều nghiên cứu về
RNM tuy nhiên dữ liệu hầu hết tập trung ở phía Bắc và phía Nam. Khu vực ven biển
miền Trung nơi tài nguyên RNM ít được chú trọng nghiên cứu, mặc dù hệ thống RNM
ở đây khá đa dạng và có vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó với BĐKH.
Rừng ngập mặn ở Quảng Bình nói chung và RNM tại cửa sông Gianh nói
riêng hiện đang đứng trước nguy cơ bị khai thác, sử dụng quá mức để phục vụ phát
triển kinh tế, hậu quả rừng bị tàn phá nghiêm trọng, do vậy cần thiết nghiên cứu
nhằm đề xuất các giải pháp quản lý bền vững vùng rừng ngập mặn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Phân tích nguồn tài nguyên RNM cửa sông Gianh tỉnh Quảng Bình, làm cơ sở
cho việc đề xuất các giải pháp quản lý bảo vệ và phát triển bền vững RNM ở địa
phương đồng thời bổ sung nguồn dữ liệu khoa học về RNM ở Việt Nam.
188 Rừng ngập mặn tại cửa sông Gianh tỉnh Quảng Bình…
3. Nội dung nghiên cứu
- Xác định hiện trạng và phân bố RNM tại cửa sông Gianh;
- Điều tra đa dạng sinh học RNM ở địa phương;
- Phân tích sinh kế của người dân đối với tài nguyên RNM vùng cửa sông;
- Đề xuất một số giải pháp góp phần xây dựng định hướng bảo tồn và phát triển
tài nguyên RNM.
4. Phương pháp nghiên cứu
Điều tra thực địa theo tuyến xác định sẵn; Lập ô mẫu và đo đếm các chỉ tiêu về
sinh trưởng; Xác định điều kiện lập địa và các chỉ tiêu liên quan; Đánh giá đa dạng sinh
học;
Phương pháp đánh giá độ giàu loài thực vật: Lập các ô tiêu chuẩn có diện tích là
20x20m và số liệu điều tra đo đếm, tính toán độ giàu loài thực vật được tính thông qua
các chỉ số đa dạng Simpson, chỉ số đa dạng Shannon – Weiner.
Biểu đồ phân nhánh Bray – Curtis: Dạng biểu đồ thể hiện sự tương đồng về tổ
thành loài của quần xã thực vật.
Xây dựng bản đồ phân bố và diện tích bằng GIS; Sử dụng phần mềm Bio-
diversity Pro 2.0 để xác định các chỉ số đa dạng sinh học;
Sử dụng các tài liệu chuyên ngành để xác định loài và các công dụng chính của
các cây RNM;
Phân tích và tính toán các chỉ tiêu bằng các phương pháp thống kê tham số và
phi tham số
5. Kết quả và thảo luận
5.1. Diện tích và phân bố rừng ngập mặn
Kết quả điều tra nhận thấy hiện trạng rừng ngập mặn phân bố dọc theo các bãi
bồi hai bên bờ sông theo hướng lên thượng lưu của sông Gianh. RNM tập trung chủ yếu
ở phía ngoài đê và vùng không có đê (xem bản đồ hình 1). Tổng diện tích RNM tại khu
vực cửa sông Gianh là 22,1 ha, trong đó huyện Quảng Trạch có 20,9 ha và Bố Trạch là
1,2 ha. Diện tích tập trung dọc theo phía ngoài đê là 14,81 ha (chiếm 67%) và ở những
vùng không có đê là 7,29 ha (chiếm 33%).
Những diện tích RNM còn phát triển tốt hiện nay là rừng trồng phục hồi với tổ
thành cây ngập mặn điển hình ở ngoài đê. RNM qua quá trình thích nghi đã có sự phân
hóa và phân bố theo vùng tạo thành các tiểu vùng có đặc trưng nhóm loài khác nhau.
DƯƠNG VIẾT TÌNH, NGUYỄN TRUNG THÀNH 189
Hình 1. Bản đồ phân bố rừng ngập mặn tại cửa sông Gianh
5.2. Thành phần loài cây rừng ngập mặn
Hệ thực vật ngập mặn, ở đây có 23 loài của 17 họ thực vật. Họ Đước
(Rhizophoraceae) có số loài nhiều nhất (3 loài), họ Lúa (Poaceae) 2 loài và họ Đậu
(Fabaceae) có 2 loài còn các họ khác chiếm tỷ lệ ít hơn (1 loài). Trong tổng số loài
điều tra có 12 loài thực vật chính thức, chiếm 31,4% tổng số cây ngập mặn thực thụ ở
Việt Nam và 11 loài thực vật tham gia RNM. Điều này cho thấy hệ thực vật ở cửa sông
Gianh có tính đa dạng thành phần loài và mang đầy đủ tính đặc trưng của các loài thực
vật ngập mặn.
Bảng 1. Công thức tổ thành ở một số vị trí điều tra vùng RNM
Vị trí
Khoảng
cách so
cửa sông
(km)
Quần xã Công thức
Xã Quảng Phúc 3,7 Trang - Giá 8,5Tr + 1,5G
Xã Quảng Phong 10,2 Đước - Vẹt - Mắm - Sú 4,9D + 4,1V + 0,9M + 0,1S
Xã Quảng Hải 14,5 Vẹt - Bần 9,8V + 0,2B
Xã Quảng Văn 9,2 Sú - Giá - Vẹt - Bần 6,5S + 2,4G + 1,1V + 0,1B
Ghi chú: Tr: Trang, G: Giá, D: Đước, V: Vẹt, M: Mắm, S: Sú, B: Bần
190 Rừng ngập mặn tại cửa sông Gianh tỉnh Quảng Bình…
Do điều kiện ngập nước và độ mặn cao nên tổ thành rừng ngập mặn
thường đơn giản, hiện tượng ưu thế loài rất rõ với cấu trúc phổ biến là một tầng
cây gỗ, các loài chủ yếu như Trang, Giá, Đước, Vẹt dù chiếm ưu thế về tổ thành (xem
bảng 1). Đồng thời cấu trúc tổ thành cũng thay đổi theo tiểu vùng sinh thái, hướng
ngược lên thượng lưu (hay chiều từ Đông sang Tây) và phía bờ Nam - Bắc của sông. Về
tổ thành loài cây tái sinh dưới tán rừng tương đối đơn giản. Chiếm ưu thế tại vị trí khu
vực xã Quảng Phúc là Trang (68%) và Giá (32%). Trong khi đó tại xã Quảng Phong
vẫn là Đước (45%) và Vẹt (54%), tổ thành cây tái sinh loài Mắm rất ít (1%). Đây là cơ
sở cho quá trình lựa chọn loài để tiến hành quá trình trồng lại rừng ở khu vực 2 bên bờ
sông.
5.3. Các yếu tố sinh thái tác động đến rừng ngập mặn
Khảo sát một số nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến RNM gồm: Các yếu tố độ mặn,
thể nền, chế độ triều, nhiệt độ và lượng mưa đã có ảnh hưởng đến sự phân bố, phát triển
và tái sinh của các cây ngập mặn. Độ mặn bình quân là 9,5‰ là điều kiện thuận lợi cho
cây ngập mặn. Thể nền chủ yếu là các bãi bồi ven sông với độ lầy thụt trung bình thấp,
có sự phân hóa rõ theo hướng Đông Tây. Chế độ triều là nhật triều không đều, biên độ
triều thấp 0,4 – 0,7m, ít tạo điều kiện cho sự phát tán của trụ mầm. Khảo sát nhiệt độ tại
khu vực cho thấy rằng nhiệt độ bình quân là 25
0
C, biên độ biến thiên nhiệt tại khu vực
tương đối lớn (khoảng 5
0
C). Nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng đã gây nên hiện tượng cây
chết ở một số vùng như Quảng Phong, Quảng Văn năm 2007. Như vậy nền nhiệt độ ở
sông Gianh thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây. Tuy nhiên, sự biến thiên
nhiệt độ trong năm gây nên sự bất lợi cho cây.
Kết quả nghiên cứu về lượng mưa hằng năm vào khoảng 2.976mm, đây là điều
kiện thuận lợi cho sự phát triển của cây ngập mặn trong khu vực. Tuy nhiên, khi nghiên
cứu về mực nước trung bình tháng tại sông Gianh nhận thấy mực nước trung bình có sự
thay đổi, đặc biệt là vào mùa mưa.
Biểu đồ mực nước trung bình tháng trạm sông Gianh (2006 - 2009)
-1.50
-1.00
-0.50
0.00
0.50
1.00
1.50
2.00
Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8 Tháng 9 Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12
Tháng
Mực nước (m)
Hmax
Hmin
Biểu đồ 1. Biểu đồ mực nước TB tháng trạm sông Gianh (2006 – 2009)
(Nguồn: Đoạn QLĐS Quảng Bình, 2010)
DƯƠNG VIẾT TÌNH, NGUYỄN TRUNG THÀNH 191
Theo biểu đồ mực nước trung bình tháng tại trạm sông Gianh trong 4 năm (2006
- 2009) ta có thể thấy rằng mực nước sông có sự dâng cao về mùa mưa, trung bình vào
các tháng 9, 10, 11 cao hơn 1m và đỉnh điểm cao tới 1,89m (tháng 10/2009).
5.4. Đa dạng thảm thực vật khu vực cửa sông Gianh
Thực vật rừng ngập mặn sông Gianh ngoài các loài cây ngập mặn chính thức
còn có thành phần cây tham gia tạo nên một hệ sinh thái với nhiều cấu trúc và dạng
sống khác nhau.
Bảng 2. Các dạng sống thực vật RNM cửa sông Gianh
STT Dạng sống Ký hiệu Số l. loài Tỷ lệ %
1 Cây gỗ G 9 39,1
2 Cây bụi Bu 5 21,7
3 Dây leo DL 3 13
4 Cây gỗ dạng bụi Gb 1 4,5
5 Cây thân cỏ C 5 21,7
(Nguồn: Số liệu điều tra, 2010)
Qua bảng trên dạng sống của thảm thực vật RNM các loài cây gỗ chiếm tỷ lệ
cao nhất (39,1%) với 9 loài với điển hình như Đước, Vẹt, Bần, Mắm… Các cây dạng
bụi và cây thân cỏ chiếm tỷ lệ tương đương nhau (21,7%). Cây gỗ dạng bụi và cây dây
leo chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong các dạng sống rừng ngập mặn sông Gianh.
5.5. Vai trò của rừng ngập mặn đối với cộng đồng
Thông qua khảo sát và sử dụng tài liệu đối chứng, chúng tôi nhận thấy có 52 loại
thực vật (Thống kê Quảng Bình, 2009) trong rừng ngập mặn đều có các công dụng khác
nhau trong đời sống của cộng đồng như làm dược liệu 10 loài, thức ăn cho người và gia
súc 10 loài, gỗ củi 8 loài, bảo vệ đê 13 loài và sợi thủ công 11 loài, điều này đã tạo việc
làm cho một bộ phận dân cư sống gần rừng. Trong đó đáng chú ý là các hộ nghèo vùng
cửa sông, những người thiếu đất canh tác và không đủ khả năng và năng lực để xây
dựng các hồ nuôi thủy sản. Kết quả khảo sát cho thấy 97% (29/30) hộ nghèo trong khu
vực là có các hoạt động gắn với rừng và sinh kế vùng cửa sông.
Rừng ngập mặn tại cửa sông có tác dụng bảo vệ hệ thống đê điều của cộng đồng,
với tổng chiều dài đê cửa sông là 33,9km trong đó chiều dài đê có rừng chỉ 9,1km
(chiếm 26,8%) và còn lại 24,8km (chiếm 73,2%) chiều dài đê chưa có rừng. Hàng năm
bão lụt đang tác động mạnh vào hệ thống đê bao chưa có RNM đã gây tổn thất lớn về
kinh tế cho địa phương (xem bảng 3).
192 Rừng ngập mặn tại cửa sông Gianh tỉnh Quảng Bình…
Bảng 3. Thống kê chiều dài đê vùng cửa sông Gianh (Đơn vị: km)
Vị trí Chiều dài đê sông
Huyện Xã Tổng Có rừng
Chưa có
rừng
Quảng Trạch
Quảng Phúc 3,2 1,3 1,9
Quảng Thuận 2,3 1,1 1,2
Quảng Phong 3,1 1,2 1,9
Quảng Hải 5,6 2,3 3,3
Quảng Văn 2,9 1,7 1,2
Quảng Lộc 4,5 0,6 3,9
Quảng Tân 2,0 - 2,0
23,6 8,2 15,4
Bố Trạch
Thanh Trạch 1,8 - 1,8
Bắc Trạch 3,3 - 3,3
Hạ Trạch 2,1 0,2 1,9
Mỹ Trạch 3,1 0,7 2,4
10,3 0,9 9,4
Tổng 33,9 9,1 24,8
(Nguồn: Số liệu điều tra, 2009)
5.6. Sự suy giảm tài nguyên và ảnh hưởng đối với người dân
Tổng diện tích rừng mất đi do nuôi trồng thủy sản (NTTS) là 9,3 ha (chiếm 30%
diện tích thay đổi). Diện tích rừng mất đi nhiều nhất ở xã Quảng Phong (5,3 ha), Quảng
Phúc (3,1 ha). Diện tích RNM được trồng năm 2009 trên toàn khu vực là 25 ha với tỷ lệ
sống là 80%).
Bảng 4. Sự suy giảm diện tích rừng ở một số xã vùng cửa sông
Địa điểm Năm Diện tích thay đổi (ha) Hiện trạng
Quảng Phúc
1996 -1,7 Hồ tôm
1997 -1,4 Nuôi thủy sản
Quảng Thuận 2005 +1,2 Rừng 5 năm tuổi
DƯƠNG VIẾT TÌNH, NGUYỄN TRUNG THÀNH 193
Quảng Phong
1996 -5,3 Hồ tôm
2007 -0,7 Đất trống
2009 +4,4 Rừng 5 tháng tuổi
Quảng Văn 2004 -1,2 Đất trống
Quảng Tân 2009 +3,2 Rừng 5 tháng tuổi
Quảng Lộc 2009 +10,7 Rừng 5 tháng tuổi
Quảng Tiên 2009 +6,7 Rừng 5 tháng tuổi
(Nguồn: Số liệu điều tra, 2010)
3.7. Định hướng phát triển bền vững RNM ở Quảng Bình
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu cuộc sống, con
người đã làm giảm diện tích của RNM, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của thực
vật ngập mặn, thể hiện qua một số hoạt động như: Hoạt động nuôi trồng thủy hải sản;
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Hoạt động đi lại của tàu thuyền trên sông và của
người dân địa phương; Khai thác lâm sản, thủy sản trong rừng ngập mặn; Sức ép gia
tăng dân số; Nhận thức cộng đồng còn thấp; Năng lực quản lý của cộng đồng còn hạn
chế.
4. Kết luận
4.1. Rừng ngập mặn tại cửa sông Gianh có diện tích là 22,1 ha, tập trung phân bố
tại vùng cửa sông và các bãi ngập triều cao với thành phần gồm 23 loài của 17 họ thực vật.
Trong đó có 12 loài thực vật chính thức và 11 loài thực vật tham gia rừng ngập mặn. Các
loài chủ yếu như Trang, Giá, Đước, Vẹt dù chiếm ưu thế về tổ thành.
4.2. Các nhân tố sinh thái như độ mặn nước, chế độ thủy triều và thể nền có ảnh
hưởng đến sự phân bố loài và khả năng sinh trưởng của rừng ngập mặn tại cửa sông
Gianh.Với độ mặn biến động trong khoảng 2‰ – 17‰ và thủy triều giao động trong
khoảng 0,4 – 0,7m đã tạo sự phân định vùng phân bố rõ nét cho các loài cây rừng ngập
mặn theo hướng Đông Tây và Bắc Nam.
4.3. Rừng ngập mặn vùng cửa sông có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ
thống đê điều và đóng góp đáng kể cho sinh kế của cộng đồng. Việc bảo vệ và tái phục
hồi tài nguyên RNM sẽ cải thiện đáng kể cho đời sống của người dân trong khu vực.
4.4. Phục hồi và phát triển RNM ở các bãi bồi vùng cửa sông, trồng các loài cây:
Vẹt dù, Trang, Bần, Sú… Với các phương thức trồng rừng hỗn loài hay thuần loài.
Quy hoạch vùng đất ngập nước 2 bên bờ sông Gianh cho trồng rừng và NTTS
theo hướng bền vững dựa vào sự tham gia của cộng đồng. Đặc biệt lập kế hoạch trồng
lại rừng dọc các tuyến đê chưa có rừng ở vùng hạ nguồn cửa sông Gianh nhằm góp
194 Rừng ngập mặn tại cửa sông Gianh tỉnh Quảng Bình…
phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy hoạch sử dụng đất và giao RNM còn lại cho
các tổ nhóm cộng đồng sống liền kề để tham gia quản lý rừng và hưởng lợi các lâm sản
ngoài gỗ trong rừng ngập mặn.
Một số đề nghị cho hướng phát triển rừng ngập mặn như sau:
- Phục hồi và phát triển RNM ở các bãi bồi vùng cửa sông, trồng các loài cây: Vẹt
dù, Trang, Bần, Sú… Với các phương thức trồng rừng hỗn loài hay thuần loài. Mật độ
có thể lựa chọn là 1x1m với các bãi triều cao và 0,7x 0,7m đối với các bãi triều thấp.
- Quy hoạch vùng đất ngập nước 2 bên bờ sông Gianh cho trồng rừng và NTTS
theo hướng bền vững dựa vào sự tham gia của cộng đồng. Đặc biệt lập kế hoạch trồng
lại rừng dọc các tuyến đê chưa có rừng ở vùng hạ nguồn cửa sông Gianh.
- Quy hoạch sử dụng đất và giao RNM còn lại cho các tổ nhóm cộng đồng sống
liền kề để tham gia quản lý rừng và hưởng lợi các lâm sản ngoài gỗ trong RNM.
- Vai trò của UBND huyện và xã là rất quan trọng trong việc hướng dẫn cộng
đồng bảo vệ và phát triển tài nguyên RNM tại địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư Quy định tiêu chí xác định và phân
loại rừng Số 34/2009/TT-BNNPTNT, 2009.
[2]. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tóm tắt chính sách Xây dựng khả năng phục hồi các
chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển chịu nhiều rủi ro nhất do tác động của biến
đổi khí hậu ở miền Trung Việt Nam, Hà Nội, 2009.
[3]. Bùi Thị Nga, Huỳnh Quốc Tinh và M. Scheffer, Rừng ngập mặn độ tuổi nhỏ cung cấp
lượng lớn vật rơi rụng giàu dưỡng chất cho thủy vực, Tạp chí khoa học - Trường Đại
học Cần Thơ, 1, (2004), 42-51.
[4]. Đoàn Đình Tam, Đinh Thanh Giang, Vai trò của rừng ngập mặn và ý thức của người
dân về quản lý và sử dụng tài nguyên ven biển (Tại Bàng La - Đồ Sơn và Đại Hợp -
Kiến Thuỵ, Hải Phòng), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, 2009.
[5]. Cục Thống kê Quảng Bình, Niên giám thống kê huyện Quảng Trạch năm 2008, Nxb.
Thống kê, 2009.
DƯƠNG VIẾT TÌNH, NGUYỄN TRUNG THÀNH 195
MANGROVE FOREST ECOSYSTEM AT THE OUTFALL OF GIANH RIVER,
QUANG BINH PROVINCE AND SOLUTIONS FOR SUSTAINABLE
DEVELOPMENT OF MANGROVE FOREST
Duong Viet Tinh, Nguyen Trung Thanh
College of Agriculture and Forestry, Hue University
Abstract. The mangrove forest located at the outfall of Gianh river has an area of 22,1 ha
and is distributed at the outfall and high intertidal zone with 23 species belonging 17
families. Species such as Kandelia candel, Excoecaria agallocha, Rhyzophora apiculata,
Bruguiera gymnorrhiza predominate the population. The ecological elements such as water
salinity, tide and soil affect the distribution of species and the growth ability of mangrove
forest at the outfall of Gianh river. The mangrove forest plays an important role in
protecting the damn system and upgrading people’s standard of living. Protecting and
restoring mangrove forests will improve the life of people in the region and help cope with
climate change in the Central Coast region.