Nhà đầu tư thận trọng với đòn bẩy
tài chính
Nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính hiện nay gói gọn ở nhóm nhà
đầu tư lướt sóng, đánh vào các cổ phiếu mang tính đầu cơ, chứ
không lan rộng như cách đây hai tháng.
Trong bối cảnh giao dịch chứng khoán giằng co như nhiều ngày qua,
chưa có điểm tựa đủ sức nâng thị trường, thì nhu cầu tìm đến đòn bẩy tài
chính cũng thưa thớt hơn. Theo ông Nguyễn Hắc Hải, Giám đốc phân
tích và tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Rồng Việt: "Xu hướng thị
trường hiện tại, cộng với lãi vay chứng khoán trên 16% một năm, nên
việc sử dụng đòn bẩy tài chính không hấp dẫn".
Thị trường mỗi ngày vẫn tiếp thêm dòng tiền mới, nhưng mức độ gia
tăng đã chậm lại so với tháng 4, tháng 5. Theo ông Hải, tiền nóng (từ
hoạt động vay mượn) để đầu tư hiện chủ yếu quanh quẩn bên ngoài quan
sát, chứ chưa nhập cuộc. Việc cho vay vẫn có, nhưng chỉ một số ít cổ
phiếu có yếu tố đầu cơ ngắn hạn. Ở danh mục cổ phiếu biến động mạnh,
chủ yếu là các mã vừa và nhỏ, nhà đầu tư lướt sóng vẫn dùng đến công
cụ này như một cách tăng thêm lợi nhuận.
Từ đầu tháng 7, giao dịch sàn TP HCM phổ biến trên 40 triệu chứng
khoán, hiếm hoi những phiên chuyển nhượng trên 50 triệu. Giá trị mua
bán quanh quẩn 1.200-1.500 tỷ đồng, có phiên còn không đạt đến 1.000
tỷ đồng. Kết quả này giảm gần một nửa so với cách đây 2 tháng. Nhà
đầu tư cũng không còn đẩy mạnh sử dụng đòn bẩy khiến giao dịch 70-80
triệu một phiên, thậm chí cao hơn như hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5, đã
không xảy ra.
Phụ trách môi giới ở một công ty chứng khoán, anh Thành cho biết
doanh số giao dịch hơn tháng qua sụt giảm mạnh, còn lượng người tìm
đến công cụ này tại công ty gần như bằng 0, trái ngược hoàn toàn so với
cách đây hơn 2 tháng. Chính vì vậy, kết quả giao dịch trong các phiên
phần lớn xuất phát từ lượng tiền mặt sẵn có trong tài khoản nhà đầu tư,
còn sự tham gia của lượng tiền từ đòn bẩy tài chính rất thấp.
Đại diện Công ty chứng khoán Sacombank cho rằng, trong lúc thị trường
đi ngang, nhà đầu tư không màng đến đòn bẩy. Bởi không ai muốn bỏ ra
một khoản chi phí phát sinh nhưng không tìm được lợi nhuận bù đắp.
Nhu cầu đòn bẩy chỉ tăng mạnh khi thị trường tăng trưởng nóng.
Động cơ dùng đòn bẩy tài chính thời gian gần đây, theo ông Lê Văn
Thanh Long, Công ty chứng khoán SME là do: "Nhà đầu tư đã giải ngân
vào blue-chip cho mục tiêu dài hạn, không còn nhiều tiền để đầu tư ngắn
hạn vào các penny".
Tiềm lực tài chính của nhà đầu tư sẽ gia tăng, khi với số vốn nhỏ được
vay gấp 1 đến 1,5 lần vốn, nếu biết chọn đúng cổ phiếu để dốc tiền túi
lẫn vay mượn vào. Và trong bối cảnh dòng tiền luân chuyển trên thị
trường không dồi dào, theo ông Long, các công ty chứng khoán vẫn
cung cấp các sản phẩm đòn bẩy tài chính, như một dịch vụ gia tăng cho
nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vẫn trong giai đoạn tích lũy, nhà
đầu tư ngại gặp rủi ro cũng như phải đối mặt với áp lực tài chính, khi sử
dụng đòn bẩy. Ông Long cho rằng tỷ lệ hợp lý mà nhà đầu tư có thể duy
trì hiện nay là 70% tài sản, 30% tiền vay và "không sử dụng đòn bẩy cho
động thái bắt đáy cổ phiếu, đặc biệt là việc sử dụng đòn bẩy để bình
quân giá xuống".
Gần như không dám đụng đến đòn bẩy tài chính trong giai đoạn này, anh
Quang, nhà đầu tư sàn chứng khoán SSI cho rằng, thanh khoản ở các
penny chỉ đột phá vài phiên, khi đội làm giá đẩy hoặc những phiên phân
phối, chứ khó duy trì lâu. Nếu không vào kịp sóng cực ngắn này, nhà
đầu tư sẽ thất bại và những ai dùng tiền vay càng thua đậm hơn. Các
penny khó leo lên vị trí của midcap, blue-chip, phần lớn chỉ lên một thời
gian rồi trở về "thời dĩ vãng".