Tải bản đầy đủ (.doc) (162 trang)

Rèn kĩ năng nghe - nói cho học sinh lớp 1 trong dạy học môn Tiếng Việt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.42 MB, 162 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lí do lựa chọn đề tài
1.1.Rèn KNNN là rèn KN sống cho HS
Nghe - nói - đọc - viết là những hoạt động diễn ra thường xuyên trong cuộc
sống của chúng ta. Trong bốn dạng hoạt động này, xét về tần số xuất hiện, thì cặp
hoạt động nghe - nói diễn ra liên tục hơn, đậm đặc hơn. Cặp hoạt động này có hai
đặc tính nổi bật:
- Thứ nhất, nghe - nói là cặp hoạt động ngôn ngữ nói - dạng giao tiếp trực tiếp
bằng âm thanh trong hoạt động ngôn ngữ. Hoạt động nghe - nói luôn luôn là một
phương tiện đắc lực song hành cùng con người, giúp con người nhận thức và tìm
hiểu thế giới xung quanh một cách có hiệu quả. Vì thuộc lĩnh vực âm thanh như
vậy, nên hoạt động nghe - nói có thể diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, ít bị phụ thuộc vào
điều kiện xung quanh hơn việc giao tiếp bằng chữ viết. Trên thực tế, một người có
thể không đọc, không viết một trang sách nào nhưng rất ít ai lại không nghe, không
nói một lời nào.
- Thứ hai, nghe - nói là cặp hoạt động mang cả đặc tính của việc tiếp nhận lời
nói lẫn việc tạo lập lời nói. Nếu như nghe là tiếp nhận lời người khác thì nói là tạo
lập lời nói của chính mình. Một người, trong hoạt động giao tiếp không thể chỉ biết
nghe mà không biết nói. Ngược lại, cũng không thể chỉ biết nói mà không biết
nghe. Hai hoạt động này thường luân phiên, thay thế nhau trong giao tiếp của con
người.
Muốn sử dụng KNNN một cách có hiệu quả thì cũng cần phải có sự luyện tập
thường xuyên, liên tục và có kế hoạch. Có thể khẳng định, KNNN chỉ hình thành
qua luyện tập và bằng con đường luyện tập. Hiện nay, nhà trường phổ thông đang
cố gắng hình thành cho HS được những KN sống cơ bản nhất. Trong số những KN
ấy, KN giao tiếp là một trong số những KN quan trọng. Chính vì vậy, việc nghiên
cứu tìm ra những nội dung cũng như các biện pháp rèn KNNN cho HS nói chung,
HS đầu cấp TH nói riêng một cách hiệu quả là hết sức cần thiết.
1.2.Nghe - nói tốt giúp HS nhận thức và khám phá thế giới có hiệu quả
Hoạt động nghe - nói là hoạt động quan trọng trong việc nâng cao chất lượng
học tập của HSTH nói chung và HS lớp 1 nói riêng. Nghe - nói tốt sẽ giúp các em


giao tiếp có hiệu quả và cũng là cơ sở quan trọng tạo ra sự thành công trong học
tập. Bên cạnh đó, nghe - nói còn là một phương tiện để HS tư duy và nhận thức về
thế giới xung quanh một cách tích cực. Các em sử dụng hoạt động nghe - nói của
mình để giải quyết trực tiếp một vấn đề hay một tình huống nào đó xảy ra trong
môi trường giao tiếp của mình. Chính khả năng sử dụng ngôn ngữ của các em, đặc
biệt là hoạt động nghe - nói, đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới cách tương tác xã hội và
ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả trong giao tiếp của các em.
Năng lực ngôn ngữ tốt là cơ sở giúp trẻ phát triển năng lực học tập, năng lực
tư duy, năng lực hợp tác. Đồng thời giúp trẻ tự mình tìm hiểu và khám phá thế giới
xung quanh một cách dễ dàng. Vì vậy, chúng ta xác định việc nâng cao năng lực
sử dụng ngôn ngữ thông qua quá trình rèn KNNN sẽ:
- Cung cấp cho trẻ một phương tiện hoạt động hữu hiệu trong nhiều lĩnh vực
khác nhau của nhà trường.
- Giúp trẻ biết tiếp nhận lời người khác một cách đầy đủ, chính xác; biết chia
sẻ ý kiến, thương lượng, quản lí các hoạt động tương tác, biết cách thức giao tiếp
với những người khác…
- Giúp trẻ biết cách tạo lập lời nói của mình một cách có văn hóa, lễ phép,
phù hợp với những nhân tố khác nhau của hoạt động giao tiếp.
Do tầm quan trọng của nghe - nói trong hoạt động nhận thức và khám phá thế
giới của trẻ như vậy nên đề tài đi sâu vào tìm hiểu những đặc điểm của hoạt động
nghe - nói và từ đó đưa ra được các biện pháp luyện tập phù hợp với đặc điểm tâm
lí, đặc điểm nhận thức của trẻ và có khả năng thực thi trong việc rèn hai KN này.
1.3.Việc rèn KNNN ở TH hiện nay còn nhiều bất cập
Mục tiêu chương trình TH của chúng ta là phát triển cho HS về bốn phương
diện KN: nghe - nói - đọc - viết. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay, GV quá chú
trọng vào hai KN đọc - viết, thường coi nhẹ việc luyện hai KN nghe - nói. Bản
2
thân GV còn lúng túng trong việc tổ chức dạy học (lựa chọn nội dung dạy học,
hình thức dạy học, phương pháp dạy học) nhằm hình thành và bồi dưỡng KNNN
cho HS. GV chưa ý thức được việc giảng dạy cung cấp thông tin đơn thuần trong

quá trình dạy học là một cấp độ thiển cận. Điều đó làm HS thụ động và không phát
triển tư duy. Đa số các GV cho rằng một lớp học trật tự là một lớp học đang học
tập. Việc rèn KNNN cho trẻ thông qua cách thảo luận theo nhóm hay việc tổ chức
một số hình thức luyện tập khác cần đầu tư nhiều thời gian và công sức. Vì vậy,
không phải GV nào cũng quan tâm đến vấn đề này một cách nghiêm túc.
Ngoài vấn đề nhận thức của GV về vai trò quan trọng của KNNN trong quá
trình học tập môn TV cho HSTH thì việc tổ chức rèn KNNN cho HS đầu cấp TH
của chúng ta hiện nay cũng có một số vấn đề khó khăn:
Thứ nhất, có quá nhiều các môn học được đưa vào trong chương trình giảng
dạy từ giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, tin học, ngoại ngữ, tự nhiên xã hội,
khoa học cho đến chính tả, tập viết, tập đọc, toán, đạo đức, lịch sử, địa lí… và một
số chương trình đặc biệt trong hoạt động ngoài giờ lên lớp. Trong khi đó, khả năng
tích hợp các vấn đề về nội dung, KN học tập cho HS đối với GV còn non kém.
Điều đó dẫn đến một thực tế là GV không đủ thời gian cần thiết để quan tâm tới
nội dung của hoạt động nghe - nói và càng khó khăn hơn trong việc tổ chức rèn
KNNN cho HS.
Thứ hai, hệ thống các bài tập chưa tập trung nhiều vào việc rèn KN nghe -
nói. Các kiểu loại bài tập chưa phong phú, nội dung các bài tập rèn KNNN chưa
thực sự hấp dẫn đối với HS.
Thứ ba, cách thức tổ chức rèn KNNN trong nhà trường hiện nay còn đơn
điệu, nhàm chán chưa thực sự lôi cuốn sự tham gia tích cực của HS. Để tăng cường
hiệu quả việc rèn KNNN cho HS, GV cần phải chú ý đến các yếu tố: khả năng bộc
lộ các KN, khả năng thể hiện kiến thức, khả năng xác định nội dung, đối tượng,
mục đích và hoàn cảnh giao tiếp phù hợp để giao tiếp hiệu quả. HS cần học cách
nói chuyện với chính bản thân mình, tham gia các cuộc hội thoại, phỏng vấn, thảo
luận theo nhóm nhỏ, nói chuyện với GV và những người thân xung quanh. Các em
3
phải học cách nói chuyện phù hợp với các tình huống và đối tượng giao tiếp khác
nhau.
1.4.Yêu cầu đổi mới việc dạy học TV và rèn KNNN cho HSTH

Nghị quyết đại hội trung ương IV (khoá 7) có ghi: “Sự phát triển của đất
nước trong giai đoạn mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những
thách thức không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo của đất nước
ta. Bối cảnh mới tạo cơ hội thuận lợi để giáo dục đào tạo nước ta tiếp cận với xu
thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục hiện đại, tranh thủ các nguồn lực
bên ngoài, tạo thời cơ để phát triển giáo dục và đào tạo; tạo điều kiện để đổi mới
căn bản và toàn diện nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đổi
mới quản lí giáo dục, đào tạo, tiến tới một nền giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại
đáp ứng nhu cầu của xã hội và từng cá nhân người học”.
Theo tinh thần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành triển khai các nhiệm
vụ nhằm cụ thể hóa những giải pháp mang tính chiến lược trong giáo dục TH, cụ
thể:
- Tiến hành rà soát và điều chỉnh một phần SGK. Chương trình TV được định
hướng tăng cường thực hành và rèn các KN cụ thể như nghe - nói - đọc - viết.
- Quán triệt tinh thần đổi mới phương pháp dạy học lấy HS làm trung tâm,
khắc phục nhược điểm của lối dạy học truyền thống, tiếp cận với các phương pháp
dạy học hiện đại nhằm thay đổi nhận thức và tư duy của người học, đáp ứng kịp
thời xu thế phát triển của xã hội.
- Chuẩn bị tổ chức biên soạn, thử nghiệm nội dung chương trình, SGK, tài
liệu, phương pháp dạy học mới… để chuẩn bị cho công cuộc đổi mới căn bản và
toàn diện của chương trình giáo dục sau năm 2015.
Mục đích của việc dạy TV ở TH là giúp HS sử dụng TV thành thạo trong
giao tiếp. Việc hình thành và rèn KN nghe - nói - đọc - viết cho các em là một
trong những mục tiêu quan trọng của môn TV TH theo định hướng đưa ngôn ngữ
vào các hoạt động giao tiếp trong cuộc sống một cách sinh động. Trong các KN
đó, KNNN được quan tâm như một yếu tố cơ bản.
4
Tóm lại, với tất cả những lí do trên cho phép ta kết luận: việc rèn KNNN cho
HSTH là vô cùng quan trọng. Việc nghiên cứu xây dựng một nội dung và phương
pháp phù hợp dựa trên cơ sở lí luận và thực tiễn sẽ góp phần rèn KNNN cho HS

hiệu quả hơn trong nhà trường.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích
Luận án hướng đến hai mục đích chính sau đây:
- Đưa ra những định hướng về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức
rèn KNNN cho HS lớp 1 nhằm giúp GV tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ
chức hoạt động dạy TV theo định hướng giao tiếp.
- Đưa ra quy trình rèn KNNN phù hợp thông qua HTBT tương ứng nhằm
nâng cao hiệu quả dạy học nói chung đồng thời giúp HS nâng cao năng lực ngôn
ngữ, đặc biệt biết cách sử dụng ngôn ngữ nói như một công cụ trong hoạt động
giao tiếp cũng như các hoạt động học tập và vui chơi khác.
2.2. Nhiệm vụ
Để đạt được mục đích trên, luận án phải thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:
- Tổng quan nghiên cứu về vấn đề rèn KNNN cho HSTH trong và ngoài nước
thông qua vệc tìm kiếm, tập hợp tư liệu tham khảo.
- Hệ thống hóa, phân tích một cách chi tiết, cặn kẽ những cơ sở lí luận khoa
học về tâm lí học, ngôn ngữ học, tâm lí học hoạt động của việc rèn KNNN cho HS
đầu cấp TH.
- Khảo sát chương trình, hệ thống BT rèn KNNN trong SGK TV1; khảo sát
tình hình rèn KNNN cho HS lớp 1 trong thực tiễn dạy học. Trên cơ sở đó, phát
hiện những ưu điểm và hạn chế của việc rèn KNNN cho HS lớp 1 và xác định
hướng đề xuất của đề tài.
- Xây dựng nội dung và biện pháp tổ chức quá trình rèn KNNN.
- Đề xuất HTBT rèn KNNN cho HS lớp 1 và thiết kế một số giờ dạy mẫu
nhằm cụ thể hoá quy trình hình thành KNNN.
- Kiểm chứng khả năng thực thi của các đề xuất được nêu ra trong luận án
bằng tổ chức thực nghiệm đánh giá để đưa ra kết luận và kiến nghị cần thiết.
5
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng

Đối tượng nghiên cứu của luận án chính là nội dung và cách tổ chức rèn
KNNN cho HS lớp 1 thông qua môn TV. Bên cạnh đó, luận án còn quan tâm
nghiên cứu các biện pháp tổ chức rèn KNNN thông qua các BT thực hành. Trên cơ
sở xác định mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết của hai KN này trong tổng thể các KN
sử dụng ngôn ngữ của HSTH.
3.2. Phạm vi
Một trong những mục tiêu quan trọng của việc dạy TV cho HSTH nói chung
và HS lớp 1 nói riêng là hình thành và phát triển cả bốn KN nghe - nói - đọc - viết
cho các em. Tuy nhiên, đề tài chỉ giới hạn xem xét nghiên cứu hai KN cơ sở ban
đầu là KN nghe và KN nói, trong đó nhấn mạnh KNNN trong hoạt động giao tiếp.
Đề tài xác định nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức rèn KNNN cho HS
lớp 1 ở các trường TH đang học theo chương trình hiện hành của Bộ Giáo dục và
Đào tạo thông qua môn TV.
4. Phương pháp nghiên cứu
Chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau trong quá trình hoàn
thiện luận án:
4.1. Phương pháp khảo sát điều tra
Phương pháp này được sử dụng trong quá trình điều tra thực trạng vấn đề rèn
KNNN cho HS ở lớp 1 thông qua việc khảo sát, phỏng vấn, thăm dò ý kiến đối với
cán bộ quản lí, GV, HS. Ngoài ra, phương pháp này cũng được sử dụng trong khi
dự giờ, trao đổi và thảo luận với cán bộ quản lí, GV trong quá trình triển khai thực
nghiệm ý tưởng đề tài. Kết quả điều tra, khảo sát giúp tác giả luận án xác định
hướng nghiên cứu của đề tài và là cơ sở để đề xuất những nội dung, phương pháp
và cách thức tổ chức rèn KNNN cho HS lớp 1.
4.2. Phương pháp phân tích
Sử dụng phương pháp phân tích nhằm xem xét và giải thích các vấn đề có
liên quan đến lí luận và thực tiễn. Phương pháp này được sử dụng khi phân tích
6
những cơ sở lí luận và thực tiễn của việc xây dựng nội dung và biện pháp rèn
KNNN cho HS lớp 1.

4.3. Phương pháp thống kê, phân loại, so sánh
Phương pháp thống kê, phân loại là phương pháp bắt buộc khi chúng tôi tiến
hành khảo sát, phân loại, thống kê hệ thống các BT rèn KNNN trong SGK TV1
hiện hành. Dựa trên những kết quả đó, đề tài phát hiện ra điểm mạnh, điểm yếu của
việc rèn KNNN trong quá trình dạy học. Từ đó, đề tài xây dựng những tiêu chí phù
hợp hơn cho nội dung rèn KNNN nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học.
Phương pháp thống kê, so sánh lại được sử dụng một cách có hiệu quả sau
quá trình thực nghiệm. Kết quả của việc so sánh, đối chứng chính là một trong
những sự kiểm chứng về tính khả thi của đề tài.
4.4. Phương pháp thực nghiệm sư phạm
Đây là một phương pháp nhằm kiểm tra, đánh giá và xem xét tính khả thi của
những nội dung, phương pháp rèn KNNN cho HS đã đưa ra trong luận án. Ngoài
việc lấy ý kiến của các chuyên gia, cán bộ quản lí, GV, đề tài còn tiến hành quan
sát thực tiễn dạy học của GV, HS, xử lí số liệu khảo sát một cách tỉ mỉ, công phu
và chính xác. Quá trình thực nghiệm cũng là quá trình thăm dò, kiểm nghiệm từng
bước đi một cách chắc chắn trong suốt quá trình nghiên cứu và triển khai theo định
hướng ban đầu của đề tài.
Luận án đã sử dụng các loại thực nghiệm cơ bản sau:
- Thực nghiệm thăm dò nhằm thăm dò khả năng thực hiện các nội dung và
phương pháp rèn KNNN mà luận án đã đưa ra nhằm tăng cường KN sử dụng ngôn
ngữ cho HS lớp 1.
- Thực nghiệm kiểm tra, đánh giá (thực nghiệm dạy học): nhằm kiểm tra,
đánh giá việc ứng dụng các nội dung và phương pháp rèn KNNN trong quá trình
dạy học môn TV ở đầu cấp TH.
5. Giả thuyết khoa học
Hiện nay, việc rèn KNNN cho HS đầu cấp TH còn chưa được GV chú trọng.
Hình thức luyện tập chưa thật lôi cuốn, hấp dẫn và đặc biệt là HS còn có tâm lí e
ngại khi đứng trước lớp nên việc rèn KNNN chưa đạt được kết quả mà nhà trường
7
mong muốn. Vì vậy, nếu chúng ta dựa trên một cơ sở lí luận khoa học chắc chắn,

việc khảo sát thực trạng được tiến hành chu đáo và đề xuất được những nội dung
cũng như biện pháp, quy trình luyện tập thích hợp thông qua HTBT khoa học, hấp
dẫn, phù hợp với đối tượng HS thì chắc chắn chất lượng rèn KNNN cho HS đầu
cấp TH sẽ được nâng cao. Các em sẽ mạnh dạn, tích cực luyện tập hơn và điều đó
sẽ giúp các em thực hiện hoạt động nghe - nói có hiệu quả, tạo cho các em sự tự
tin, bình tĩnh, chủ động khi nghe - nói trong học tập và giao tiếp.
6. Đóng góp của luận án
Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ đóng góp tích cực vào việc dạy học TV
cho HSTH nói chung và việc rèn KNNN cho HS lớp 1 nói riêng. Những đóng góp
đó được thể hiện ở những điểm sau:
1. Xác định cơ sở lí luận và thực tiễn cho việc xây dựng nội dung và phương
pháp rèn KNNN cho HS lớp 1 qua môn TV. Đó chính là kết quả của việc vận dụng
có chọn lọc những thành tựu ngôn ngữ học, tâm lí học vào quá trình dạy học. Và
đó cũng chính là kết quả nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn việc rèn KNNN cho
HSTH hiện nay.
2. Đề tài đã đưa ra những nội dung và biện pháp rèn KNNN cho HS lớp 1.
Những nội dung và biện pháp này được xác định một cách rõ ràng dựa trên cơ sở
khoa học và thực tiễn. Thông qua việc xây dựng HTBT thực hành và thiết kế một
số giờ dạy học mẫu, đề tài cũng đưa ra quy trình tổ chức rèn KNNN như những
minh chứng cho quá trình mà theo chúng tôi là hợp lí nhất. Đồng thời, đề tài còn
chỉ rõ định hướng vận dụng vào thực tiễn dạy học TV hiện nay. Những đề xuất này
có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho GV đồng thời cũng là những định hướng
trong việc tổ chức dạy học TV cho HS lớp 1 hiện nay.
7. Cấu trúc của luận án
Luận án gồm 150 trang chính văn và 76 trang phụ lục.
Cấu trúc gồm 4 phần:
- Phần Mở đầu gồm: lí do chọn đề tài, mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, phạm
vi, phương pháp nghiên cứu, giả thuyết khoa học, những đóng góp của luận án, cấu
trúc của luận án.
8

- Phần nội dung gồm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan những nghiên cứu về vấn đề rèn KNNN cho HS đầu
cấp TH
Chương 2: Cơ sở lí luận và thực tiễn của việc rèn KNNN cho HS lớp 1 qua
môn TV
Chương 3: Tổ chức rèn KNNN cho HS lớp 1 trong dạy học môn TV
Chương 4: Thực nghiệm sư phạm
- Phần Kết luận chung gồm những kết quả đạt được, những đóng góp mới
và đề xuất của luận án.
Ngoài 4 phần chính, luận án còn có:
- Phần tài liệu tham khảo: Thống kê tài liệu tham khảo được sử dụng trong
quá trình hoàn thành luận án.
- Phần phụ lục: Giới thiệu phiếu điều tra và kết quả điều tra dành cho cán bộ
quản lí, GVvà HS về vấn đề rèn KNNN ở đầu cấp TH; giới thiệu một số giáo án
mẫu về tiết dạy rèn KNNN cho HS lớp 1.
9
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ VẤN ĐỀ
RÈN KĨ NĂNG NGHE - NÓI CHO HỌC SINH ĐẦU CẤP TIỂU HỌC
1.1. Việc nghiên cứu hoạt động nghe - nói và dạy học nghe - nói cho HS đầu
cấp TH ở một số nước trên thế giới
1.1.1. Một số công trình nghiên cứu về rèn KNNN
Hiện nay, trên thế giới có nhiều nghiên cứu về năng lực sử dụng ngôn ngữ
của HSTH nói chung và vấn đề hình thành KNNN cho HS đầu cấp TH nói riêng.
Trong phạm vi và khuôn khổ của đề tài, chúng tôi tập trung nghiên cứu một số
công trình có đề cập đến vấn đề rèn KNNN cho HS đầu cấp TH mà đề tài quan
tâm.
- Đầu tiên, cần khái quát về quan điểm dạy Tiếng mẹ đẻ của các nhà khoa
học Nga. Đây có thể được xem là những định hướng, gợi ý quan trọng cho việc rèn
KNNN cho trẻ đầu cấp TH mà chúng tôi đưa ra trong luận án.

+ Tác giả Phê-đô-ren-cô L.L đã đưa ra năm nguyên tắc khi dạy Tiếng mẹ đẻ:
nguyên tắc chú ý đến mặt vật chất của ngôn ngữ, nguyên tắc thông hiểu ý nghĩa
của ngôn ngữ, nguyên tắc đánh giá tính biểu cảm của lời nói, nguyên tắc phát triển
cảm quan của ngôn ngữ và nguyên tắc phát triển lời nói miệng trước lời nói viết.
Khi khẳng định nguyên tắc lời nói miệng phát triển trước lời nói viết, tác giả đã
phân tích: “Đối với trẻ, lời nói viết là giai đoạn thứ hai trong sự lĩnh hội lời nói
chung và trẻ không thể lĩnh hội được lời nói viết nếu không nắm được lời nói
miệng” [1, tr. 93,94].
Như vậy, tác giả đã nhấn mạnh vai trò của lời nói miệng. Điều đó cũng có
nghĩa là vai trò của KNNN đã được quan tâm ngay từ giai đoạn đầu tiên trong quá
trình học ngôn ngữ của trẻ. Cũng trong cuốn sách này, tác giả V. I. Ca-pi-nôx đã
nhấn mạnh những quan điểm của lí thuyết hoạt động trong lĩnh vực tâm lí học,
quan điểm này đã có những tác động cơ bản tới sự hình thành và phát triển lời nói
cho trẻ. Ông khẳng định: “Động cơ nói năng không phải là hoạt động của lời nói
mà là hoạt động thuộc bậc cao hơn - hoạt động giao tiếp. Từ đó, chúng ta có thể
nói về hoạt động nói năng nếu như chúng ta xem xét lời nói trong khuôn khổ của
10
hoạt động giao tiếp” [2, tr116]. Như vậy, thông qua vấn đề “Phát triển năng lực
ngôn ngữ cho HS dưới ánh sáng của lí thuyết hoạt động lời nói”, tác giả đã đưa ra
một kết luận: Hoạt động nghe - nói cần được đặt trong hoạt động giao tiếp.
- Trong những năm gần đây, đã có thêm nhiều nghiên cứu đề cập tới vai trò,
vị trí của việc dạy KNNN trong quá trình hình thành năng lực sử dụng ngôn ngữ
tiếng mẹ đẻ ở HSTH. Đây cũng là vấn đề được hệ thống giáo dục của Vương quốc
Anh chú ý. Việc xác định nội dung và phương pháp rèn KNNN đã được nghiên
cứu và thực nghiệm trong thực tiễn giảng dạy và mang đến hiệu quả cao cho HS
trong quá trình hình thành và rèn KNNN.
+ Tác phẩm “Toward an analysis of discourse” (Hướng đến việc phân tích
diễn ngôn), xuất bản năm 1975 của tác giả Sinclair và Coulthard (Anh) [140] đã
cung cấp và mô tả các mô hình hội thoại của GV và HS trong giờ học, nhấn mạnh
vai trò hình thức hội thoại trong việc rèn KNNN cho HS.

+ Tài liệu “Teaching Speaking and Listening in the Primary School” (Dạy
nói và nghe trong trường TH) (2000) của nhóm tác giả Elizabeth Grugeon, Lyn
Dawers, Carol Smith and Lorraine Hubbard [136]. Tài liệu này đã cung cấp một
cách nhìn tổng quan về vai trò và sự phát triển của KNNN trong nhà trường. Tài
liệu cho thấy các hình thức tổ chức việc rèn KNNN trên sân chơi hay trong lớp
học, tổ chức cho HS hoạt động theo nhóm dưới hình thức đối thoại, tổ chức luyện
nói thông qua thảo luận, trò chơi, đóng vai và kể chuyện cũng là những hình thức
mang lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt, tài liệu còn khẳng định vai trò tổ chức và
hướng dẫn, cách đặt câu hỏi và khuyến khích HS nói, cách lắng nghe và chia sẻ
của GV đối với HS là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công. Tài liệu cũng
đưa ra một số hình thức tổ chức rèn KNNN thông qua một số những phương tiện
hiện đại: máy tính, phim truyền hình Điều quan trọng nhất là trong chương 8 của
tài liệu có giới thiệu về cách kiểm soát và đánh giá KNNN trong lớp học. Từ việc
lập kế hoạch cho đến việc thu nhập những kết quả về KNNN của HS trong quá
trình phát triển. Và cuối cùng là việc kiểm tra khả năng nghe - nói độc lập cũng
như đánh giá mức độ KNNN của các em khi tham gia hoạt động nhóm dưới các
hình thức khác nhau.
11
Tài liệu giúp chúng tôi hiểu và tiếp cận được phần nào đó việc giảng dạy và
rèn KNNN trong trường TH nước Anh và có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn trong
việc đề xuất các biện pháp rèn KNNN cho HS đầu cấp TH của mình.
+ Cuốn sách “Curriculum Guidance for the Foundation Stage” (Hướng dẫn
chương trình giảng dạy cho giai đoạn khởi đầu) - (Xuất phát điểm cho giáo dục và
hướng nghiệp (DfEE)/ Những tiêu chuẩn và cơ sở của Chương trình giảng dạy
(QCA)2000: 44 - 5) [143] đã đặt sự phát triển và năng lực sử dụng ngôn ngữ trong
giao tiếp làm trung tâm trong hoạt động học tập của trẻ nhỏ.
+ Cuốn sách “National Literacy Strategys: Framework for Teaching” (DfEE
1998c:3) [143] - (Chiến lược dạy chữ quốc gia: khung chương trình giảng dạy) đặt
hai KNNN là trọng tâm trong chương trình dạy chữ. Hai KN này được coi là một
phần thiết yếu trong hoạt động học tập của HSTH mặc dù không được xác định

riêng biệt trong khung chương trình. Nội dung trong cuốn sách đã củng cố thêm
tầm quan trọng của KNNN khi phân chia giờ học. Yếu tố quan trọng trong chương
trình “Literacy Hour” đòi hỏi có sự trao đổi lời nói trong lớp học, nghĩa là trẻ em
cần phải tập trung chú ý tới lời giảng của GV và có sự đáp lại nhanh chóng. Nhiều
bài học rèn KN đọc và viết cũng lệ thuộc vào việc trao đổi thông tin bằng lời nói
giữa GV và HS thông qua việc tổ chức cho HS hoạt động nhóm nhằm thảo luận
những nội dung học tập cần có sự hợp tác giữa các nhóm.
+ Tài liệu “Speaking, listening, learning” (QCA/Khoa Giáo dục và KN
(DfES), (2003) [144], nội dung đánh giá cao hoạt động trao đổi bằng lời nói và
khuyến khích GV tổ chức nhiều hoạt động này để phát triển khả năng tư duy phản
biện của trẻ bằng cách dẫn dắt các kiểu nói chuyện hội thoại.
+ Trong “The National Curriculum” - Chương trình giảng dạy Quốc gia
(DfEE/ QCA 1999) [142], nội dung dành cho việc rèn KNNN chiếm 1/3 chương
trình học Tiếng Anh, việc rèn KNNN đã được tổ chức thông qua cả 2 hình thức
“thảo luận nhóm” và “đóng kịch” dưới tựa đề “Knowledge, Skills and
Understandings” - “Kiến thức, KN và hiểu biết”.
- Cuốn “Teaching oral language” (Building afirm foundation using
ICPALER in the early pmary year), xuất bản lần đầu tiên năm 2011, tác giả Jonh
12
Munro (Australian Council for Educational Resesrch) [134] là cuốn sách rất đáng
được chú ý. Trong tác phẩm này, tác giả không chỉ đưa ra những căn cứ thuyết
phục xác định tầm quan trọng của KNNN trong quá trình dạy KN đọc - viết và quá
trình tiếp nhận kiến thức mà còn đề cập đến lí do đặt vấn đề trọng tâm của ngôn
ngữ giao tiếp trong những năm đầu cấp TH thông qua mô hình có tên gọi là
ICPALER. Mục đích của mô hình nhằm trang bị cho GV những nội dung cơ bản
cũng như cách kiểm soát các KNNN của HS. Trong phần hai, tài liệu miêu tả rất rõ
quá trình giảng dạy nhằm nâng cao ngôn ngữ nói cho HS cấp TH. Việc hình thành
và phát triển ngôn ngữ nói cho HS được thực hiện qua những hoạt động dạy học
nhằm từng mục tiêu cụ thể phù hợp với từng giai đoạn:
o Dạy các quy ước và nghĩa của từ

o Dạy cách nghe hiểu và diễn đạt câu
o Dạy nghe hiểu và diễn đạt chủ đề
Trên cơ sở đó, cuốn sách còn dạy HS vận dụng cách sử dụng ngôn ngữ
trong học tập và giao tiếp.
- J.A. Foley (2006), “New Dimentions In The Teaching of Oral
Communication” (Anthology series 47 Published by Seameo Regional language
Centre) [138] đã tập hợp 16 vấn đề đã được lựa chọn để đại diện cho những ý
tưởng và quan điểm về “Những chuẩn mực mới trong giảng dạy giao tiếp”. Các
vấn đề trên được chia làm 3 nhóm: lí thuyết nền tảng, ứng dụng thực tế và đánh giá
giao tiếp. Nhìn chung, tài liệu đã đề cập đến vai trò của KN nói trong việc học tập
một ngôn ngữ, trong đó đặc biệt quan tâm tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.
-

R.J. Campbell (2006), “Developing the primary School Curriculum” [139]
giúp ta có cái nhìn tổng quan về chương trình phát triển giáo dục ở TH, bao gồm
các vấn đề: tình hình chính trị, học thuyết về chương trình phát triển giáo dục, vai
trò của giáo viên; cung cấp những kinh nghiệm nghiên cứu về chương trình giáo
dục của một số nước; đưa ra một mô hình nhà trường lí tưởng trong đó nhấn mạnh
nhận thức của GV về vai trò của họ và điều kiện môi trường làm việc của GVTH.
Qua đó, ta có một hình dung tổng thể về vị trí vấn đề đang nghiên cứu được đặt
trong một hệ thống chung.
13
- Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể đến tác giả Wilson, Julie Anne [135]. Các
tác giả này đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn chung về chương trình phát triển
KNNN cho trẻ đầu cấp TH thông qua tài liệu “A Program to Develop the listening
and speaking skill of children in a first grade classroom” (1997). Các tác giả đã
khẳng định tầm quan trọng của KNNN đối với trẻ em: “Những trẻ có thể diễn giải
suy nghĩ và ý kiến của mình bằng lời nói sẽ có thể thành công hơn trong học tập.
Quan trọng hơn, những trẻ không phát triển khả năng nghe - nói có nguy cơ chịu
ảnh hưởng cả đời bởi chính sự thiếu hụt KN này” [135,tr.12].

Những nghiên cứu trên đã giúp chúng tôi có một cái nhìn tổng thể về việc rèn
KNNN và thấy rõ tầm quan trọng, vai trò của KNNN trong chương trình dạy Tiếng
mẹ đẻ cũng như quan điểm rèn KNNN cho HS đầu cấp TH ở một số quốc gia.
1.1.2. Định hướng rèn KNNN ở cấp TH của một số nước trên thế giới
Kĩ năng sử dụng ngôn ngữ bao gồm bốn KN: nghe - nói - đọc - viết. Tuy
nhiên, việc nghiên cứu về vấn đề phương pháp, cách thức hình thành các KN, vai
trò của từng KN và mối tương quan giữa chúng là một trong những vấn đề nghiên
cứu được quan tâm hàng đầu trong chương trình giáo dục TH ở một số nước trên
thế giới. Nhìn lại các công trình nghiên cứu về vấn đề rèn KNNN cho HSTH,
chúng ta thấy được một số quan điểm chính như sau:
1.1.2.1. Rèn KNNN theo hướng tiếp cận năng lực
Nhiều nước trên thế giới đã nhấn mạnh mục tiêu của môn học Tiếng mẹ đẻ là
giúp HS có một công cụ để tư duy và giao tiếp thông qua việc hình thành và phát
triển các KNNN.
Đầu tiên phải kể đến chương trình dạy Tiếng mẹ đẻ của Malaixia. Chương
trình này đề cao vai trò của ngôn ngữ trong việc lĩnh hội kiến thức và giao tiếp.
Chương trình khẳng định: “Sự thành thạo ngôn ngữ làm cho HS học tập có hiệu
quả, nên ngôn ngữ nói có vai trò quan trọng ở TH. Khi học xong TH, HS biết sử
dụng ngôn ngữ nói phù hợp với trình độ phát triển của mình”. Tương tự như vậy,
chương trình Dạy Tiếng mẹ đẻ của Thái Lan cho rằng: “Việc dạy Tiếng phải trau
dồi cho HS KN nghe - nói - đọc - viết và khả năng dùng ngôn ngữ để thông báo và
14
bày tỏ tình cảm một cách có hiệu quả cao, có ấn tượng sâu sắc, đúng mực, sáng tạo
và thích hợp” [119].
Trong khi đó, chương trình dạy Tiếng Pháp (1985) cũng đưa ra những mục
tiêu hết sức rõ ràng là việc thành thạo các KN sử dụng ngôn ngữ quyết định thành
quả học tập của HS ở trường TH. Một mặt nó là sự khởi đầu của mọi môn học, mặt
khác nó hình thành tư duy rõ ràng, có tổ chức và chủ động. Hơn thế, chương trình
còn khẳng định dứt khoát rằng: KNNN tiếng Pháp là một trong những yếu tố tạo
điều kiện cho mọi thành công trong học tập và tạo cơ sở cho việc hòa nhập vào xã

hội một cách thoải mái.
Như ta thấy, mục tiêu rèn các KN nói chung và việc đề cao vai trò của KNNN
trong giai đoạn đầu cấp TH của các nước trên đều khẳng định thông qua việc
chiếm lĩnh ngôn ngữ như một công cụ sắc bén để tư duy và giao tiếp.
Nếu nghiên cứu các chương trình dạy Tiếng mẹ đẻ trên thế giới, ta có thể chia
làm 2 nhóm: nhóm cấu tạo dạy theo phân môn và nhóm cấu tạo dạy theo năng lực
ngôn ngữ.
+ Ở nhóm cấu tạo dạy theo phân môn ta có thể kể tới Cộng hòa dân chủ Đức,
Pháp, Nga, Việt… Dưới đây là bảng thống kê các phân môn dạy ngôn ngữ nói và
ngôn ngữ viết của Đức và Pháp:
Nước
Các phân môn
dạy ngôn ngữ nói
Các phân môn dạy ngôn ngữ viết
CHDC Đức Diễn đạt nói và viết
Đọc, tập viết, chính tả, ngữ pháp, diễn
đạt nói và viết.
Cộng hòa
Pháp
Thực hành ngôn ngữ
nói
Đọc, tập viết, chính tả, ngữ pháp, từ ngữ,
sử dụng thơ để học ngôn ngữ diễn đạt
nói và viết
Qua bảng thống kê trên, ta thấy thời lượng và dung lượng tri thức, KN phục
vụ cho việc dạy ngôn ngữ viết nhiều hơn ngôn ngữ nói. Nhóm cấu tạo dạy theo
phân môn chia việc học Tiếng mẹ đẻ để thành nhiều phân môn, có môn dạy kiến
thức, có môn dạy KN. Như vậy, nhóm cấu tạo theo phân môn đề cao việc rèn KN
đọc - viết hơn KNNN.
15

+ Ở nhóm cấu tạo dạy theo năng lực ngôn ngữ ta có thể nhắc đến những đại
diện sau: Tiếng Anh (của Anh, của hạt Đê-Von, của xứ Wale, của Ô-xtrây-li-a, của
Xri-lan-ca…). Nhóm này xây dựng chương trình dựa trên các năng lực ngôn ngữ,
chia việc học Tiếng mẹ đẻ thành các KN nghe - nói - đọc - viết hoặc thành các KN:
nghe - nói - đọc và viết. Nhóm dạy Tiếng mẹ đẻ theo năng lực ngôn ngữ đề cao
việc rèn KNNN trong quá trình học tập.
1.1.2.2. Rèn KNNN trong giao tiếp và bằng giao tiếp
Rèn KNNN trong giao tiếp và bằng giao tiếp là phương pháp giảng dạy
Tiếng mẹ đẻ được một số nước lựa chọn. Theo định hướng này, dạy ngôn ngữ nói
là lấy giao tiếp làm môi trường, phương pháp, nhiệm vụ và mục đích của việc rèn
KNNN. Đồng thời làm thay đổi nhiều đến nội dung chương trình nhằm tạo cơ hội
cho trẻ tham dự vào hội thoại, tham gia vào cuộc thảo luận, tranh luận. Chính điều
đó giúp ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa lời nói và KN sử dụng lời nói, giữa KN
lời nói và năng lực lời nói.
Trong chương trình dạy Tiếng của Malaixia cho rằng: Những KN cơ bản về
nghe - nói - đọc - viết giúp cho HS sử dụng lời nói vì những mục đích thực tiễn và
sáng tạo. Qua đó, ta thấy năng lực lời nói có ảnh hưởng tới kết quả của việc sử
dụng lời nói.
Chương trình Tiếng Pháp (Ca-na-đa) khẳng định: việc sử dụng lời nói như
một công cụ giao tiếp phản ánh hết qua một tổng thể các KN.
Chương trình dạy Tiếng mẹ đẻ của Ấn Độ lại đưa ra vấn đề khác nhau giữa
KN lời nói và năng lực lời nói. Nói KN lời nói là dừng ở mức độ thành thục của
thao tác lời nói. Nói năng lực lời nói là bao hàm thêm cả sự thành thục trong suy
nghĩ của các thao tác trí tuệ.
- Qua việc tìm hiểu những nghiên cứu chung trên thế giới về vấn đề rèn KNNN
cho HSTH, đề tài xác định:
- Vai trò KNNN được đặt ngang hàng với KN đọc - viết và là KN nền tảng để
phát triển KN đọc - viết.
- Việc rèn KN nới chung và KNNN nói riêng cần được tiến hành đồng thời với
việc cung cấp tri thức ngôn ngữ.

16
- Rèn KNNN nhằm giúp HS tăng cường năng lực ngôn ngữ, biết cách sử dụng
công cụ ngôn ngữ vào quá trình giao tiếp trong môi trường sống của các em.
1.2. Việc nghiên cứu hoạt động nghe - nói và dạy KNNN cho HSTH ở Việt
Nam
1.2.1. Những nghiên cứu về việc dạy nghe - nói ở Việt Nam
Ở Việt Nam, vấn đề giáo dục văn hóa giao tiếp cho HS nói chung và giáo dục
rèn KNNN nói riêng đã bắt đầu được quan tâm nghiên cứu. Chúng tôi xin điểm lại
một số tài liệu có liên quan trực tiếp đến vấn đề nghiên cứu của đề tài:
- Cuốn sách “Một số vấn đề về dạy hội thoại cho HSTH” [118] của tác giả
Nguyễn Trí đã cung cấp những hiểu biết cơ bản về hội thoại, giới thiệu nội dung
chương trình hội thoại dựa theo chương trình TH ban hành năm 2001 và 2006, giới
thiệu các kiểu BT dạy học KNNN trong bộ SGK TV TH, trong đó có kiểu BT rèn
KNNN cho HS. Trên cơ sở xác định mục đích, cấu trúc các kiểu BT đó, tác giả đề
xuất ý kiến: phương pháp đóng vai là phương pháp đặc trưng dạy các BT hội thoại
và dạy học KNNN cho HSTH.
- Bài viết “Kinh nghiệm dạy học ngôn bản theo phương pháp giao tiếp ở một
số nước” [115] của tác giả Nguyễn Trí đã bàn về cơ cấu hệ thống chương trình dạy
ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói cho HSTH. Theo tác giả, phương hướng dạy học
giao tiếp và để giao tiếp đã làm thay đổi nội dung chương trình dạy Tiếng mẹ đẻ
của một số nước trên thế giới.
- Tác giả Phan Phương Dung trong luận án “Các phương tiện ngôn ngữ biểu
hiện tính lễ phép trong giao tiếp TV” [24] đã tìm hiểu một cách có hệ thống các
phương tiện ngôn ngữ biểu thị tính lễ phép. Tác giả đã bàn về một số mẫu BT dạy
lời nói văn hóa cho HSTH và HS trung học cơ sở. Cũng tác giả này, trong bài viết
“Các phương tiện từ ngữ biểu đạt tính lễ phép trong giao tiếp và khả năng ứng
dụng trong dạy học TV ở TH” đã đề cập một cách cụ thể các phương tiện từ ngữ
biểu đạt tính lễ phép trong giao tiếp và việc ứng dụng từ ngữ biểu đạt tính lễ phép
trong giao tiếp và trong dạy học TV ở TH. Những tài liệu này chính là căn cứ để
chúng tôi suy nghĩ về phương pháp dạy KNNN cho HSTH nhằm khắc phục được

các lỗi sử dụng trong giao tiếp.
17
- Trong cuốn “Hoạt động giao tiếp với dạy học TV ở TH” [22], hai tác giả
Phan Phương Dung và Đặng Kim Nga đã nghiên cứu đến vấn đề giao tiếp và hoạt
động giao tiếp như: các hình thức giao tiếp, chức năng của giao tiếp, ngôn bản và
các nhân tố giao tiếp, các dạng lời nói và hoạt động giao tiếp, quá trình sản sinh và
quá trình tiếp nhận lời nói trong hoạt động giao tiếp.
- Tác giả Nguyễn Quang Ninh đã bàn đến việc rèn KN nói và viết theo hướng
giao tiếp trong hai công trình “Một số vần đề dạy học ngôn bản nói và viết ở TH
theo hướng giao tiếp” [71] và“Rèn KN sử dụng TV” [70]. Tác giả nhấn mạnh vấn
đề hội thoại theo hướng giao tiếp, đồng thời cho rằng: hội thoại là hoạt động giao
tiếp bằng miệng giữa các nhân vật tham dự giao tiếp nhằm trao đổi những thông
tin hoặc trao đổi tư tưởng, tình cảm theo mục đích đã được đặt ra.
- Với đề tài “Một số biện pháp nâng cao hiệu quả rèn KN nói cho HSTH ở
môn TV” [58] , tác giả Trần Thị Hiền Lương đã xác định được biện pháp dạy học
rèn KN nói cho HS xuất phát từ đặc điểm lứa tuổi HSTH, từ lí luận dạy học hiện
đại, đến tăng cường thực hành. Trong đề tài, tác đã đưa ra các biện pháp rèn KN
nói như rèn KN phát âm, rèn KN nói độc thoại, nói hội thoại trong đó có KN sử
dụng ngôn ngữ cho HSTH.
- Ngoài ra, một số luận văn và luận án khác cũng đề cập đến vấn đề này từ
các phương diện khác nhau, ví dụ: Lê Thị Thanh Hà - “Phương pháp dạy học Tập
làm văn nói theo hướng giao tiếp cho học sinh lớp 2” [38], Phạm Thị Phượng -
“Giúp học sinh lớp 2 học tốt các bài “Nghi thức lời nói” trong giờ Tập làm văn”
[81], Nguyễn Hồng Thúy - “ Xây dựng hệ thống bài tập rèn KN hội thoại cho học
sinh lớp 4” [104], Tạ Thị Thu Xuân - “Rèn KN nghe - kể chuyện cho học sinh lớp
3 qua phân môn Tập làm văn” [128], Nguyễn Thị Thu Hương - “Dạy học nghi
thức lời nói cho học sinh lớp 2 qua phân môn Tập làm văn” [44]…
Có thể thấy, các công trình nghiên cứu của các tác giả kể trên đã bàn đến mục
tiêu, nội dung, biện pháp phát triển KNNN hoặc rèn KN sử dụng KNNN cho HS.
Tuy nhiên, các vấn đề trên mới chỉ được đề cập một cách tổng quát cho toàn bộ

cấp học như một vấn đề lớn mà chưa được nghiên cứu sâu ở mỗi lớp học một cách
cụ thể. Các phương pháp tăng cường hiệu quả rèn KNNN cho HSTH gắn với
18
chương trình và sách giáo khoa hiện nay đã được đề cập tới vẫn chưa được khai
thác sâu sắc và triệt để. Do vậy, nghiên cứu nội dung để tìm biện pháp nâng cao
hiệu quả KN sử dụng KNNN cho HS lớp 1 là một việc làm cần thiết, nhằm hỗ trợ
cho GV trong quá trình dạy học TV theo định hướng giao tiếp ở các khối lớp tiếp
theo.
1.2.2. Một số quan điểm về rèn KNNN thông qua môn TV trong trường TH
1.2.2.1. Quan điểm về việc rèn KNNN trong môn TV ở trường TH Việt Nam trước
năm 2000
- Thời Pháp thuộc
Tiếng mẹ đẻ không có vị trí xứng đáng trong nhà trường. Thay vào đó, HS
bắt buộc phải dùng tiếng Pháp. Những công trình nghiên cứu TV của Đào Duy
Anh, Trương Vĩnh Ký với các cuốn từ điển đầu tiên mới chỉ mang tinh thần dân
tộc trong cách học Tiếng mẹ đẻ chứ chưa đưa đến cho người học cách học khoa
học. Đặc biệt, vấn đề rèn các KN ngôn ngữ, mới chỉ dừng lại ở việc dạy đọc và
viết chữ quốc ngữ, còn KNNN chưa được đề cập đến.
- Từ thời kháng chiến đến hoà bình lập lại
Tiếng mẹ đẻ được đưa vào nhà trường nhưng cũng chưa có gì khởi sắc bởi
hạn chế của việc nghiên cứu TV. Cách học thời đó vẫn là đánh vần từng tiếng một.
Người học hoàn toàn thụ động trong việc ghép âm, ghép vần rồi đánh vần, thậm
chí cả “đánh vật” với các tiếng khó. Và đương nhiên, cách thầy đọc - trò chép, thầy
giảng - trò ghi là cách dạy học cơ bản nhất của cả một thời. Giai đoạn này, các nhà
nghiên cứu mới chỉ quan tâm tới việc cung cấp tri thức TV chứ chưa hề quan tâm
tới vấn đề nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ thông qua việc rèn các KNNN bên
cạnh việc rèn các KN đọc - viết.
- Từ cuối những năm 50 cho đến năm 1976
Việc nghiên cứu dạy TV nói chung vẫn chưa được quan tâm nhiều, mặc dù
lúc này đội ngũ các nhà nghiên cứu đã tiếp cận được với những thành tựu khoa học

của Liên Xô và các nước Đông Âu. Chương trình môn Ngữ văn ở TH bao gồm 2
bộ phận: TV và Văn học.
+ Bộ phận thứ nhất: Tập đọc, Học thuộc lòng, Kể chuyện.
19
+ Bộ phận thứ hai: Tập chép, Chính tả, Ngữ pháp, Tập làm văn.
Nhiệm vụ của chương trình là giúp HS trau dồi kiến thức ngôn ngữ, kiến
thức văn học, kiến thức đời sống, giáo dục tình cảm thẩm mĩ, bồi dưỡng tâm
hồn… Bên cạnh đó, chương trình đã bắt đầu đề cập đến việc rèn KN thông qua các
phân môn một cách gián tiếp. Trong đó, KNNN được chú trọng ở các phân môn
Kể chuyện và Tập làm văn (miệng).
- Những năm 80, 90 của thế kỉ trước
Những nhà nghiên cứu TV cũng đã dành cho môn TV cấp TH sự quan tâm
đáng kể như Hồ Lê, Hoàng Lộc, Phan Thiều, Bùi Minh Toán, Nguyễn Trí, Đặng
Thị Lanh, Lê A
- Chương trình môn TV cấp TH được xây dựng năm 1981 (và được chỉnh lí
1986) đã xác định mục tiêu rõ ràng hơn: “Dạy cho trẻ biết sử dụng TV văn hoá để
giao tiếp và mở rộng hiểu biết thông qua KN nghe - nói - đọc - viết tạo điều kiện
học tốt các môn học khác và học lên cấp 2”. Chương trình còn nhấn mạnh việc rèn
các KN nghe - nói - đọc - viết thông qua con đường thực hành. Đặc biệt là việc đề
cập đến vấn đề rèn các KN thông qua từng phân môn cụ thể: rèn KN nghe (Tập
đọc, Chính tả, Kể chuyện…), rèn KN nói (Kể chuyện, Tập làm văn), rèn KN đọc
(Học vần, Tập đọc), rèn KN viết (Tập viết, Tập chép, Chính tả, Tập làm văn). Dĩ
nhiên, sự phân chia nhiệm vụ như trên chỉ là tương đối bởi vì không có phân môn
nào chỉ rèn một KN mà nó có thể kết hợp việc rèn các KN khác khi có điều kiện.
- Chương trình TV dùng cho các vùng chậm phát triển về kinh tế, văn hóa,
giáo dục nhằm thu gọn chương trình dạy học hiện hành trên cơ sở lựa chọn những
nội dung cơ bản: Chương trình 120 tuần (cuối thập kỉ 80), chương trình 165 tuần
(1981), chương trình 100 tuần (2000). Các chương trình này chú trọng đến đối
tượng HS vùng khó, đặc biệt là HS vùng dân tộc. Vì vậy, việc ưu tiên dạy TV như
một ngôn ngữ thứ hai đã xác định việc dạy KNNN cho HSTH thông qua môn TV

ngay từ ngày đầu HS mới đến trường.
Tóm lại, sau khi rà soát sơ lược chương trình TV ở TH trước năm 2000, ta
có thể có một vài nhận xét cơ bản như sau:
- Về mục tiêu
20
Quan niệm về dạy TV chưa đầy đủ, chưa làm rõ được việc dạy TV nhằm
mục đích chính là dạy cho HS biết sử dụng TV hiệu quả trong giao tiếp, chương
trình TV chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố văn hoá truyền thống của dân tộc để
dạy văn hoá ứng xử trong giao tiếp.
- Về nội dung
Chương trình TV ở TH trước năm 2000 coi nhẹ việc rèn các KN nghe và
KN nói TV. Hầu như các chương trình đều chưa quan tâm đúng mức tới việc dạy
TV trong hội thoại, nâng cao năng lực giao tiếp trong hội thoại cho HS. KN giao
tiếp chỉ được hình thành một cách tự phát trong quá trình học TV tại nhà trường
cũng như trong đời sống hàng ngày của HS.
Quan niệm về các KN sử dụng TV chưa toàn diện, bỏ qua một số KN cần
thiết như KNNN trong hội thoại, trong giao tiếp ở gia đình, nhà trường, xã hội…
mà chỉ quan tâm đến hai KN chủ yếu là đọc - viết. Bên cạnh đó, quan niệm cũ
chưa khai thác vốn TV sẵn có của HS trong quá trình dạy học TV. Quan niệm về
các văn bản dùng làm ngữ liệu dạy học chưa toàn diện, thiên về các văn bản mang
tính nghệ thuật, chưa coi trọng các loại văn bản khác cần sử dụng trong đời sống.
- Về phương pháp
Các phương pháp dạy học theo quan điểm giao tiếp chưa được sử dụng
trong dạy và học TV. Việc luyện tập các KN chưa được đảm bảo độ thành thạo,
thuần thục nên đã hạn chế đến kết quả học TV nói chung.
1.2.2.2. Quan điểm về việc rèn KNNN trong môn TV ở trường TH Việt Nam những
năm gần đây
- Chương trình TV năm 2000 được biên soạn dựa trên những định hướng:
Dạy TV thông qua hoạt động giao tiếp; tận dụng những kinh nghiệm sử dụng TV
của HS; vận dụng quan điểm tích hợp trong dạy TV; kết hợp dạy TV với dạy văn

hoá và dạy Văn. Từ những định hướng này, chương trình TV 2000 đã xác định
mục tiêu môn học thông qua 3 lĩnh vực: KN, kiến thức và thái độ. Ngoài mục tiêu
cung cấp những kiến thức sơ giản về TV, chương trình còn cung cấp những kiến
thức về tự nhiên, xã hội và con người, về văn hoá - văn học của Việt Nam và thế
21
giới. Chương trình còn quan tâm tới vấn đề bồi dưỡng tình yêu TV, hình thành thói
quen giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của TV.
- Chương trình năm 2000 đã coi việc hình thành KN như một trong những
yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc dạy môn TV ở TH. Chương trình khẳng
định việc dạy TV là dạy HS sử dụng TV hiện đại để học tập và giao tiếp trong các
môi trường hoạt động phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, chương trình cũng nhấn
mạnh việc rèn KN sử dụng TV trên cơ sở các tri thức sơ giản về TV. Cụ thể:
chương trình yêu cầu rèn luyện cả bốn KN nghe - nói - đọc - viết và đặc biệt chú ý
đến việc rèn KNNN trong độc thoại và đối thoại:
+ Dạy nghe các văn bản phù hợp với trình độ HSTH, tập trung vào dạy nghe -
hiểu, dạy nghe trong hội thoại (nghe - nhớ).
+ Dạy nói trong hội thoại: dạy các nghi thức lời nói trong giao tiếp thông
thường hoặc trong giao tiếp nghi thức chính thức, dạy nói thành bài trong phát
biểu, thuyết trình.
- Chương trình TV TH 2000 đã nhấn mạnh tinh thần thực hành giao tiếp, chú
trọng dạy TV thông qua các tình huống giao tiếp. Các kiến thức đưa vào chương
trình được chọn lọc và thông qua con đường thực hành. HS cần được rèn các KN
cơ bản trong các hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, phù hợp với lứa tuổi.
- Vấn đề đưa ngữ liệu vào văn bản học TV cho HSTH được thay đổi.
Chương trình không phủ nhận giá trị quan trọng của những tác phẩm nghệ thuật
trong việc dạy TV. Nhưng chương trình cũng nhấn mạnh: việc đưa các loại văn
bản khác là cần thiết vì những loại văn bản ấy là nguồn ngữ liệu phong phú, mở
rộng hiểu biết cho HS và giúp các em hình thành được năng lực sử dụng TV trong
thực tế cuộc sống.
Mặc dù chương trình TV 2000 đã xác định những mục tiêu, nội dung dạy học

theo định hướng giao tiếp nhằm nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ và KN sử
dụng ngôn ngữ trong các hoạt động học tập và vui chơi của HS, nhưng sau một
thời gian dài triển khai, ta thấy chương trình bộc lộ một số vấn đề cần xem xét,
điều chỉnh, bổ sung và nghiên cứu lại cho phù hợp với thực tiễn dạy học và đáp
ứng tốt nhất cho mục tiêu chương trình đã đề ra:
22
Thứ nhất, chương trình hiện tại chưa chú trọng vào phần luyện ngữ âm, đặc
biệt là phần luyện KN phát âm phân biệt các âm- vần khó.
Thứ hai, hình thức rèn KNNN còn đơn điệu, chủ yếu thông qua hình thức
quan sát tranh, nói từ, câu chứa âm - vần được học. Nội dung rèn KNNN thông
qua giao tiếp còn hạn chế.
Thứ ba, các biện pháp rèn KNNN chưa phong phú và đa dạng nên chưa thực
sự hấp dẫn đối với HS lớp 1.
1.2.2.3. Chương trình TV Công nghệ giáo dục
Chương trình được xây dựng trên quan điểm lựa chọn khoa học ngôn ngữ về
TV hiện đại làm tiền đề và diễn đạt nó dưới hình thức một môn học theo nguyên
tắc mới: nguyên tắc phát triển, nguyên tắc chuẩn mực, nguyên tắc tối thiểu. Dựa
vào những nguyên tắc trên, chương trình TV Công nghệ Giáo dục đã xác định một
quy trình dạy học tường minh. Thông qua hệ thống việc làm, HS chiếm lĩnh được
tri thức khoa học cùng với các KN tương ứng.
Việc hình thành và phát triển các KN sử dụng TV luôn được đặt bên cạnh
mục tiêu cung cấp tri thức TV cho HS. Đặc biệt, khi đề cập đến KN, chương trình
TV Công nghệ giáo dục luôn xem xét các KN trong mối quan hệ chặt chẽ không
thể tách rời. Các KN nghe - nói - đọc - viết có tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn
nhau. KNNN là KN cơ bản ban đầu tạo tiền đề vững chắc cho KN đọc và viết. Cả
bốn KN nghe - nói - đọc - viết sẽ được tổng hợp và kiểm soát bằng quy trình trong
việc hình thành và phát triển KN viết. Chính vì vậy, dạy học theo quy trình công
nghệ là dạy học theo quy trình 4 việc. Ngoài việc tự chiếm lĩnh các kiến thức qua
hoạt động tự trải nghiệm của mình với HS còn được hình thành các KN tương ứng
một cách tự nhiên. Ngay tên gọi hệ thống việc làm trong quy trình dạy học đã thể

hiện được tư tưởng dạy học, cụ thể:
Việc 1- Chiếm lĩnh ngữ âm: giúp HS có KN phân tích, KN khái quát hóa.
Việc 2 - Viết: HS dùng kí tự để mã hóa âm thanh dưới dạng chữ viết và củng
cố các KN khác.
Việc 3 - Đọc: Dựa trên kết quả đã được hình thành một cách vững chắc từ
việc 1 và việc 2, HS đọc và phân biệt chính tả một cách chính xác.
23
Việc 4 - Viết chính tả: Thông qua quy trình viết chính tả, HS không chỉ được
luyện tập củng cố kiến thức và KN đã được học trong quá trình hoạt động mà GV
còn kiểm soát được kết quả cuối cùng của HS qua sản phẩm.
Ví dụ: KN nghe hiểu để nhận nhiệm vụ, KN nói - nhắc lại những gì đã nghe,
KN viết - viết lại thông qua việc mã hóa kí hiệu từ âm thanh, KN đọc - tự kiểm
soát lại sản phẩm cuối cùng của mình.
Tóm lại, chương trình TV lớp 1 Công nghệ Giáo dục không chỉ giúp trẻ nắm
chắc kiến thức ngữ âm, hình thành các KN ngôn ngữ như một công cụ đắc lực
trong học tập mà còn giúp HS phát triển khả năng phân tích và tư duy ngôn ngữ
một cách chắc chắn thông qua hệ thống việc làm khoa học, tường minh. Tuy
nhiên, việc sử dụng công cụ ngôn ngữ đó trong thực tiễn giao tiếp chưa được quan
tâm nhiều.
24
Kết luận chương Tổng quan
Từ những dẫn chứng và phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy việc dạy
Tiếng ở nhà trường phổ thông nói chung và trường TH nói riêng có 3 xu hướng
chính:
- Dạy Tiếng như dạy một ngôn ngữ: Đây là quan điểm dạy học tiếng theo hệ
thống cấu trúc ngôn ngữ. Theo quan điểm này, việc dạy Tiếng trong nhà trường
chủ yếu là cung cấp cho HS một số khái niệm ngôn ngữ và mối quan hệ giữa các
khái niệm đó; việc rèn KNNN chưa được chú ý đúng mức. dạy Tiếng như một
ngôn ngữ giúp HS nắm chắc các tri thức ngôn ngữ, cụ thể: các khái niệm, từ vựng,
cú pháp… Tuy nhiên, cách dạy này không quan tâm đến việc ứng dụng những kiến

thức ngôn ngữ đã được học vào trong thực tiễn giao tiếp. Vì thế, HS có thể rất giỏi
về kiến thức ngôn ngữ nhưng chưa chắc đã có khả năng giao tiếp tốt.
- Dạy Tiếng như dạy một lời nói: Theo quan điểm này, việc dạy Tiếng trong
nhà trường chủ yếu là cung cấp cho HS những mẫu lời nói cụ thể thường xuất hiện
trong đời sống thường ngày. Quan điểm dạy Tiếng như dạy một lời nói hình thành
cho HS những mẫu lời nói cơ bản trong nghi thức giao tiếp hàng ngày. Quan niệm
này chú ý nhiều tới việc rèn KN mà ít quan tâm tới đặc điểm cấu trúc ngôn ngữ.
Tuy nhiên, các mẫu lời nói không phải lúc nào cũng vận dụng thích hợp với các
tình huống giao tiếp đa dạng trong cuộc sống.
- Dạy Tiếng như tổ chức một hoạt động nói năng: Quan điểm này vừa chú ý
tới giá trị của các yếu tố ngôn ngữ trong hệ thống cấu trúc vừa chú ý tới giá trị của
chính các yếu tố này trong hoạt động giao tiếp. Theo đó, việc dạy học Tiếng ở nhà
trường phổ thông được chú ý cả trong việc cung cấp lí thuyết ngôn ngữ lẫn việc
vận dụng lí thuyết vào thực hành giao tiếp và rèn KN nghe - nói - đọc - viết. Việc
dạy Tiếng theo quan điểm này là việc dạy qua giao tiếp và bằng giao tiếp, tức là
dạy trong hoạt động ngôn ngữ. Quan điểm dạy học này đòi hỏi sự kết hợp hài hòa
giữa tri thức, KN và sự vận dụng các tri thức, KN đó trong giao tiếp.
Trên thế giới, việc rèn KNNN đã được nhiều tác giả quan tâm sâu sắc.
Chương trình dạy học các KNNN đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường như
một nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, KNNN được đặt ngang hàng với các KN khác
25

×