Tải bản đầy đủ (.doc) (188 trang)

Cách mạng năm 1932 ở Xiêm (Thái Lan) – Tính chất và ý nghĩa lịch sử

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (977.49 KB, 188 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế
quốc chủ nghĩa với sự thống trị của tư bản độc quyền. Cùng với sự phát triển đó,
chủ nghĩa tư bản ngày càng “bủa lưới” bao trùm cả thế giới. Các nước Đông
Nam Á ngày càng bị cuốn vào guồng quay của hệ thống kinh tế - chính trị thế
giới và trở thành những đối tượng bị chinh phục của chủ nghĩa tư bản thế giới.
Hệ quả tất yếu là hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đều lần lượt rơi
vào vòng kiểm soát hoặc trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân tư bản
phương Tây ở những mức độ khác nhau. Trong bối cảnh đó, chỉ có hai quốc gia
ở châu Á đã thoát khỏi một cách ngoạn mục làn sóng xâm lược của chủ nghĩa
thực dân phương Tây. Nếu ở Đông Bắc Á, Nhật Bản là nước duy nhất giữ được
độc lập, thì ở Đông Nam Á, Xiêm cũng là quốc gia duy nhất không rơi vào ách
thuộc địa như các nước khác trong vùng và cơ bản vẫn duy trì được sự độc lập
tương đối của mình. Sở dĩ Xiêm có được kết quả to lớn này là do “giới tinh hoa
của nước này, trước hết là nhà vua, giới quý tộc, quan lại triều đình đã thức
tỉnh, tiến hành cải cách, mở cửa bằng những biện pháp thỏa hiệp, ngoại giao
mềm dẻo trong đối ngoại và thức thời trong chính sách đối nội” [25, tr.369-370].
Dưới các triều vua Rama IV (1851 - 1868), Rama V (1868 - 1910), ở Xiêm
diễn ra khá thành công công cuộc duy tân, phát triển đất nước theo hướng tư bản
chủ nghĩa, đặt nền móng cho quá trình hiện đại hóa đất nước của Xiêm. Với các
cuộc cải cách này, Xiêm đã bước một bước đi đầu tiên vào quỹ đạo tư bản chủ
nghĩa. Tuy nhiên, để hoàn tất quá trình định dạng chủ nghĩa tư bản, Xiêm còn phải
trải qua một quá trình lâu dài và còn qua nhiều lần đổi mới, cải cách nữa, đặc biệt
là một cuộc cách mạng vào năm 1932.
1
Trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, với cuộc cách mạng năm
1932, Xiêm nổi lên là một hiện tượng khá độc đáo, không chỉ trong bản thân
lịch sử Xiêm mà cả ở khu vực Đông Nam Á. Dưới sự lãnh đạo của Priđi
Phanômyông - thủ lĩnh Đảng Nhân dân, cuộc cách mạng năm 1932 đã mang lại
những thay đổi chính trị quan trọng, là một bước tiến trong quá trình dân chủ


hóa nhà nước Xiêm“nhằm làm cho nước Xiêm hội nhập với tình hình thế giới
hiện đại” [13, tr.1147].
Nghiên cứu về cuộc cách mạng năm 1932 ở Xiêm, đặc biệt là tính chất và ý
nghĩa lịch sử của nó không chỉ làm rõ được những tiền đề, diễn biến, kết quả mà
quan trọng hơn là đi sâu phân tích, đánh giá, nhận định về tính chất và ý nghĩa
của cuộc cách mạng, góp phần giải đáp những câu hỏi, những vấn đề xung
quanh “sự kiện Xiêm” trong thập niên 30 thế kỉ XX. Đồng thời, trên cơ sở
những nhận xét, đối chiếu, so sánh sự kiện này với phong trào cách mạng ở một
vài nước trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, ta có thể góp phần làm rõ hơn
con đường phát triển của nước Xiêm – Thái Lan thời cận đại. Ngoài ra, việc tìm
hiểu về Priđi Phanômyông – linh hồn của cuộc cách mạng 1932, đặc biệt là
những tư tưởng cải tạo xã hội của ông sẽ giúp ta rút ra được những bài học kinh
nghiệm bổ ích và thiết thực đối với công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam theo
hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay.
Trong điều kiện hiện nay, khi các quốc gia châu Á đang đứng trước xu thế
toàn cầu hóa, những bài học về quá trình hội nhập trong thời kì cận đại tuy thuộc
về quá khứ, nhưng nếu được chứng nghiệm là xác đáng, thì vẫn có giá trị nhất
định đối với quá trình đổi mới để hội nhập. Việt Nam hiện nay đang trong quá
trình đổi mới, “mở cửa” trong quan hệ hợp tác với cộng đồng quốc tế, trong đó
có Thái Lan và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Với phương châm “Việt
Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế,
tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” [10, tr.233], việc
2
tiếp tục mở rộng các mối quan hệ quốc tế đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về lịch
sử các nước và các khu vực. Thực tế lịch sử cho thấy, trong quá trình tồn tại và
phát triển, Việt Nam và Thái Lan có mối quan hệ chặt chẽ nhiều mặt trong quá
khứ cũng như trong hiện tại. Do đó, chúng ta không thể không tìm hiểu một
nước láng giềng khu vực quan trọng, có nhiều điểm khác biệt, nhưng cũng
không ít điều tương đồng về lịch sử và văn hóa như Thái Lan. Con đường phát
triển của Thái Lan, thông qua toàn bộ lịch sử của mình, để lại những kinh

nghiệm tham khảo rất bổ ích đối với Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất
nước ngày nay.
Những vấn đề đặt ra trên đây là cơ sở để chúng tôi chọn “Cách mạng năm
1932 ở Xiêm (Thái Lan) – Tính chất và ý nghĩa lịch sử” làm đề tài Luận án
tiến sĩ sử học của mình với hy vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ những khía cạnh
đặt ra ở trên.
2. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận án là khái quát những tiền đề, diễn biến, kết
quả của cách mạng 1932. Từ đó, phân tích làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa
của cuộc cách mạng trên cơ sở có sự so sánh, đối chiếu với một vài cuộc cách
mạng tư sản trên thế giới và trong khu vực.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận án là công trình nghiên cứu khoa học về cuộc cách mạng 1932 ở
Xiêm (Thái Lan), trong đó trọng tâm là tìm hiểu về tính chất và ý nghĩa lịch sử
của cuộc cách mạng. Tên của đề tài đã xác định rõ giới hạn nội dung trọng tâm
và phạm vi nghiên cứu của đề tài. Để làm sáng tỏ nội dung Luận án, chúng tôi
dự kiến tập trung đi sâu nghiên cứu những vấn đề trọng yếu sau:
- Trước hết, luận án tập trung khái quát về cuộc cách mạng 1932 ở Xiêm về
tiền đề, diễn biến, kết quả. Trong phần này, chúng tôi tập trung vào sự ra đời nền
quân chủ lập hiến thay thế cho chế độ quân chủ chuyên chế ở Xiêm, sự ra đời
3
của hai bản hiến pháp, những nét cơ bản trong tư tưởng cải tạo xã hội của Priđi
Phanômyông với tư cách là nội dung chính trị tư tưởng của cuộc cách mạng và
quá trình lên cầm quyền của giới quân sự Xiêm.
- Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi đi sâu phân tích, làm rõ về tính chất và ý
nghĩa của cuộc cách mạng 1932, so sánh, đối chiếu với các cuộc cách mạng tư
sản ở châu Âu trong những thế kỉ trước, từ đó rút ra những đặc điểm của cuộc
cách mạng 1932. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của đề tài. Trong phạm vi những
công trình và tài liệu nghiên cứu có thể tiếp cận, Luận án cố gắng cung cấp cho
người đọc những ý kiến, quan điểm khác nhau của các học giả trong và ngoài

nước về tính chất và ý nghĩa của cuộc cách mạng năm 1932. Từ đó, chúng tôi
đưa ra những quan điểm riêng của mình.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu mà Luận án hướng tới là tính chất và ý nghĩa lịch sử
của cuộc cách mạng năm 1932 ở Xiêm,
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của Luận án về không gian là vương quốc Xiêm (Thái
Lan). Tuy nhiên, để có thể hoàn thành tốt được những nhiệm vụ đặt ra trong
luận án, chúng tôi thấy cần đặt nước Xiêm và cuộc cách mạng 1932 trong bối
cảnh quốc tế và khu vực. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, chúng tôi có mở
rộng không gian nghiên cứu ra khu vực châu Á và một vài nước trên thế giới.
Phạm vi thời gian mà Luận án bao quát chủ yếu là từ năm 1932, tức là năm
bùng nổ cuộc cách mạng. Tuy nhiên, để có thể tìm hiểu được những tiền đề,
nguyên nhân sâu xa cũng như những nhiệm vụ của cuộc cách mạng, chúng tôi
phải mở rộng phạm vi thời gian nghiên cứu từ giữa thế kỷ XIX, khi Xiêm bắt
đầu những bước đầu tiên trong quá trình hội nhập với phương Tây.
4
Giới hạn cuối cùng về thời gian của Luận án là vào năm 1938, khi giới
quân sự giải tán Nghị viện và thành lập chính phủ mới, đánh dấu sự thắng thế
hoàn toàn của giới quân sự trên chính trường Xiêm, mở đầu một giai đoạn mới
trong lịch sử Xiêm – Thái Lan.
Trong thời kì Luận án nghiên cứu, tên gọi của vương quốc Thái Lan được
dùng là “Vương quốc Xiêm” (gọi tắt là Xiêm) vì đến năm 1939 Xiêm mới đổi
tên thành Thái Lan.
5. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
5.1. Nguồn tài liệu
Để hoàn thành Luận án, chúng tôi dựa trên các nguồn tài liệu chủ yếu sau:
Tài liệu gốc:
Bao gồm các sắc lệnh, tuyên bố, thư từ, bài phát biểu của các vị vua Rama;

những thông cáo, tuyên bố của Hoàng gia Xiêm được trình bày trong các công
trình nghiên cứu cụ thể như: The Political Economic of Siam (1851 - 1910), tập
1, của tác giả Chatthip Nartsupha and Suthyprasartser, Hội Khoa học xã hội
Thái Lan xuất bản năm 1981; Siam in transition: A brief survey of cultural
trends in the five years since the Revolution of 1932, của tác giả Kenneth Perry
Landon, Đại học Chicago xuất bản năm 1939; Chulalongkorn the great của tác
giả Prachomchochai xuất bản năm 1965 tại Tokyo; The End of the Absolute
Monarchy in Siam của tác giả Benjamin A. Batson, Đại học Oxford xuất bản
năm 1986.
Những tập nhật kí, hồi kí của những người phương Tây đến Xiêm buôn bán,
truyền đạo, làm gia sư cho các con vua, các cố vấn trong triều đình Xiêm được
trình bày trong các công trình: A True Description of the Mighty Kingdoms of
Japan and Siam của Francois Caron xuất bản tại Băng Cốc năm 1986,
Description of Old Siam, của Micheal Smithies, Đại học Oxford xuất bản năm
1995; An English governess at the court of Siam của A.Leonowens xuất bản tại
5
Luân Đôn năm 1954; The Diaries and Letters of King Chulalongkorn's General
Adviser của Walter E.J.Tips, Gustave Rolin – Jeaquemyns…
Các cuốn hồi kí của Priđi Phanômyông và một số nhà lãnh đạo cách mạng
1932 được trình bày trong các công trình: Pridi Banomyong and the Making of
Thailand Modern History, của tác giả Vichitvong Na Pombhejara xuất bản năm
1979; On Founding the People’s Party and the Democratic System của Pridi
Banomyong xuất bản năm 1972; Field Marshal P.Pibul Songgram, 5 tập của
Pibul Songgram xuất bản năm 1975 – 1976; Thai Politics: Extracts and
Documents 1932-1957, của Thak Chaloemtiarana, Hội Khoa học Xã hội Thái
Lan xuất bản năm 1978…
Tuy nhiên, do không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với những tài liệu này
bằng Tiếng Thái nên nguồn tài liệu này chúng tôi chủ yếu lấy lại từ các công trình
nghiên cứu bằng Tiếng Anh.
Tài liệu chuyên khảo: Bao gồm công trình nghiên cứu của các thế hệ trước

có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới đề tài luận án, đó là: các công trình
nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về lịch sử Thái Lan
trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… đặc biệt là trong thời kì
lịch sử mà Luận án hướng tới. Ngoài ra, phải kể đến các luận án tiến sĩ, luận văn
thạc sĩ, cử nhân, các báo cáo trong các hội thảo, các bài báo trên các tạp chí
chuyên ngành. Nguồn tài liệu này bao gồm các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Thái,
Việt đã được dịch hoặc nguyên bản và được lưu giữ tại các trung tâm nghiên
cứu và các thư viện lớn của Việt Nam (Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện
Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam…).
Bên cạnh đó là các công trình nghiên cứu về lịch sử các nước như Liên Xô,
Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, qua đó cung cấp những sự kiện lịch sử có
liên quan đến vấn đề Luận án nghiên cứu và được sử dụng để so sánh, phân tích,
đối chiếu làm rõ vấn đề cũng như rút ra những nhận xét khái quát.
6
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là một vấn đề lịch sử, do đó, để giải
quyết những vấn đề do đề tài Luận án đặt ra, về mặt cơ sở lí luận, chúng tôi dựa
vào chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử. Điều đặc biệt lưu ý
là trong khi nghiên cứu chúng tôi quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng ta,
của chủ nghĩa Mác – Lênin về công tác nghiên cứu lịch sử, tiếp thu những quan
điểm nghiên cứu và cách tiếp cận mới, trên cơ sở đó rút ra những bài học lịch sử
cần thiết, bổ ích phục vụ cho công cuộc đổi mới, mở cửa của nước ta hiện nay.
Về phương pháp cụ thể, trong Luận án, chúng tôi sử dụng phương pháp
lịch sử, phương pháp lôgíc là phương pháp nghiên cứu chủ yếu, qua đó, trình
bày quá trình hình thành và phát triển của các vấn đề bằng những sự kiện điển
hình, phân chia giai đoạn phát triển bằng các mốc lịch sử theo thời gian, qua đó
rút ra kết luận khái quát.
Với phương pháp lịch sử, chúng tôi cố gắng dựng lại toàn bộ cuộc cách
mạng 1932 ở Xiêm qua những sự kiện, nhân vật, các giai đoạn, diễn biến và kết
quả chính của nó.

Phương pháp lôgíc được sử dụng trong luận án nhằm rút ra những đặc
điểm, những nhận định, đánh giá về tính chất và ý nghĩa của cách mạng 1932,
đồng thời đặt nó trong sự đối sánh với các cuộc cách mạng trên thế giới và trong
khu vực, từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích đối với Việt Nam trong
công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.
Đây là những phương pháp cơ bản, chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình
nghiên cứu luận án. Chúng tôi rất quan tâm đến việc trình bày các quan điểm
trên cơ sở tôn trọng các sự kiện và tính chân thực lịch sử đúng như nó đã diễn ra
và đã từng tồn tại. Ngoài ra, từ việc nghiên cứu một sự kiện lịch sử trong tổng
thể bối cảnh chung của khu vực và thế giới đồng đại nên phương pháp so sánh
7
được chúng tôi chú ý vận dụng. Bên cạnh đó, Luận án còn vận dụng các phương
pháp thống kê, tổng hợp và phân tích để Luận án có cái nhìn tổng quát hơn.
6. Đóng góp của Luận án
- Luận án là công trình chuyên khảo đầu tiên ở Việt Nam về cuộc cách
mạng năm 1932 ở Xiêm (Thái Lan), dựng lại bức tranh tương đối toàn diện, có
hệ thống về cuộc cách mạng một cách khách quan và khoa học.
- Cùng với việc việc nghiên cứu, trình bày một cách có hệ thống diễn biến
và kết quả của cuộc Cách mạng 1932 ở Xiêm, trọng tâm của Luận án là nghiên cứu
và rút ra những ý kiến về tính chất, đặc điểm và ý nghĩa của cuộc cách mạng này.
- Trong phạm vi những công trình và tài liệu nghiên cứu có thể tiếp cận,
Luận án cố gắng cung cấp cho người đọc những ý kiến, quan điểm khác nhau
của các học giả trong và ngoài nước về cách mạng 1932 nói chung và tính chất,
ý nghĩa lịch sử của nó nói riêng. Từ đó, chúng tôi đưa ra những nhận định và
đánh giá, những quan điểm riêng của mình.
- Luận án có thể sử dụng như một công trình tham khảo, phục vụ cho việc
nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử cuộc Cách mạng 1932 nói riêng và lịch sử Thái
Lan nói chung, cũng như phục vụ cho nhu cầu hiểu biết của bạn đọc quan tâm
tới lịch sử Thái Lan và Đông Nam Á.
7. Bố cục của Luận án

Ngoài phần mở đầu, phụ lục, thư mục tài liệu tham khảo và mục lục, nội
dung của Luận án gồm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu về cách mạng 1932 ở
Xiêm (Thái Lan).
Chương 2: Tiền đề và diễn biến của cách mạng 1932
Chương 3: Tính chất và đặc điểm của cách mạng 1932
Chương 4: Ý nghĩa của cách mạng 1932
8
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
VỀ CÁCH MẠNG 1932 Ở XIÊM (THÁI LAN)
Cuộc cách mạng năm 1932 với tư cách là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu cho
một thời đại mới trong lịch sử Thái Lan từ lâu đã thu hút sự quan tâm của giới
nghiên cứu trong và ngoài nước ở những mức độ, khía cạnh khác nhau. Trong quá
trình thực hiện Luận án, chúng tôi đã thu thập và tham khảo nhiều nguồn tài liệu
có giá trị, trong đó chủ yếu là tài liệu của các tác giả nước ngoài.
Trong phạm vi những tài liệu tiếp cận được, chúng tôi cố gắng đưa ra một
cái nhìn tổng quát về tình hình nghiên cứu vấn đề mà Luận án đang thực hiện.
1.1. Các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước
1.1.1. Các tác giả Thái
Ở Thái Lan, theo chúng tôi được biết, có nhiều công trình chuyên khảo về
cách mạng 1932 nói riêng và lịch sử Thái Lan nói chung. Cách mạng 1932 có
thể được các tác giả Thái đề cập tới với tư cách là một sự kiện mang tính bước
ngoặt trong các công trình chuyên khảo nghiên cứu chung về lịch sử Thái, hoặc
các chuyên luận nhìn nhận, đánh giá về cuộc cách mạng ở những khía cạnh,
bình diện khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình sưu tầm và tiếp cận với những
tài liệu bằng tiếng Thái, chúng tôi gặp nhiều khó khăn không khắc phục được.
Trước hết, những khó khăn này liên quan tới sự hạn chế của các tài liệu, sách
báo tiếng Thái ở Việt Nam. Mặt khác, sự hạn chế về trình độ ngoại ngữ (không
biết tiếng Thái) là trở ngại lớn của chúng tôi trong việc tiếp cận những tài liệu

tiếng Thái. Vì vậy, đối với những công trình nghiên cứu của người Thái mà
chúng tôi có được, chúng tôi chủ yếu sử dụng qua những tài liệu đã được dịch
sang tiếng Anh.
9
Trong số những công trình nghiên cứu của người Thái mà chúng tôi tiếp
cận được, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới cuộc Cách mạng 1932, chúng
tôi thấy nổi bật lên một số công trình như sau:
Công trình “Cách mạng Xiêm 1932” của hai tác giả Chanvit Kasetsiri và
Thamrongsak Petchalertanan được Quỹ khuyến khích Khoa học xã hội và nhân
văn xuất bản tại Băng Cốc năm 2009. Toàn bộ nội dung công trình được cấu
trúc thành 2 chương. Chương thứ nhất của tác giả Chanvit Kasetsiri tập trung
chủ yếu vào cuộc cách mạng 1932 với những nội dung cơ bản về sự ra đời Đảng
Nhân dân, về sự bùng nổ của cuộc cách mạng 1932… đặc biệt là những quan
điểm đánh giá của tác giả về vấn đề chủ nghĩa yêu nước và dân chủ Xiêm, vấn
đề người Hoa và sự khủng hoảng trong chính phủ của vua Rama VII. Chương
thứ hai của tác giả Thamrongsak Petchalertanan trình bày về cách mạng 1932 và
một năm sau cuộc cách mạng. Chương này được tác giả cấu trúc thành 5 phần
chính với những nội dung chủ yếu về nguyên nhân cách mạng, Đảng Nhân dân,
cuộc cách mạng ngày 24 tháng 6 năm 1932; về hai bản Hiến pháp của Xiêm
năm 1932 và đặc biệt là sự phát triển của chủ nghĩa quân sự sau cách mạng.
Trong chương này, tác giả cũng dành một số trang nhất định đề cập đến cuộc
đảo chính ngày 20 tháng 6 năm 1933 ở Xiêm về nguyên nhân, diễn biến, kết
quả, từ đó, tác giả đưa ra những nhận định về tình hình chính trị ở Xiêm cũng
như sự lên cầm quyền và vai trò của giới quân sự Xiêm. Có thể nói, cuốn sách là
một tài liệu rất quý đối với chúng tôi trong quá trình thực hiện luận án, đã cung
cấp cho chúng tôi những tư liệu có giá trị và đáng tin cậy về cách mạng 1932.
Công trình “Pridi Banomyong and The Making of Thailand Modern
History” (Pridi Banomyong và Sự hình thành Lịch sử Hiện đại Thái Lan),
Singapore, ISEAS, của tác giả Vichitvong na Pombhejara xuất bản năm 1979.
Đây là một tài liệu có giá trị trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành Luận án.

Trong công trình này, tác giả đã dành trọn chương 1 trình bày về diễn biến của
10
cách mạng ngày 24 tháng 6 năm 1932 và 14 chương tiếp theo trình bày về cuộc
đời và sự nghiệp của Priđi Phanômyông – linh hồn của cuộc cách mạng. Tác giả
đã đánh giá cao vai trò của Priđi Phanômyông (1900 - 1983) đối với lịch sử Thái
Lan thế kỉ XX, coi ông như “người cha của nền dân chủ Thái Lan”, người khởi
thảo bản hiến pháp đầu tiên của Xiêm vào tháng 6 năm 1932 và là người từng
giữ những chức vụ quan trọng nhất trên trường chính trị Thái Lan: bộ trưởng nội
các, thủ tướng, chính khách cao cấp…
Cuốn sách “A History of Thailand” (Lịch sử Thái Lan) của Rong
Syamananda, giáo sư Trường Đại học Chulalongkorn, được xuất bản năm 1972
tại Băng Cốc bằng cả tiếng Thái và tiếng Anh. Đây là một công trình nghiên cứu
về lịch sử Thái Lan từ thời tiền sử đến thời hiện đại, trong đó, những vấn đề về
tình hình kinh tế, chính trị, xã hội dưới các triều vua Rama VI, Rama VII và nền
dân chủ Thái Lan được tác giả trình bày trong chương XII, XIII. Cách mạng
1932 không phải là vấn đề trọng tâm và chỉ được tác giả đề cập đến với tư cách
là một sự kiện quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa nhà nước Xiêm.
Năm 1983, Nhà xuất bản Ăkxon Chu Ron Thắt xuất bản bộ giáo trình 2 tập
“Lịch sử Thái Lan” của tác giả Penxri Duk, Priyanark Bunnag. Trong công trình
này, hai tác giả đã dành một số trang nhất định đề cập đến cuộc cách mạng năm
1932 ở Xiêm và những kết quả của nó. Tuy nhiên, do tính chất của một công
trình thông sử, các sự kiện liên quan đến cách mạng 1932 chỉ được tác giả trình bày
một cách khái quát. Dù vậy, công trình cũng cung cấp một số sự kiện có giá trị về
lịch sử Thái nói chung và cách mạng 1932 nói riêng.
Công trình “Thai Politics: Extracts and Documents 1932 - 1957” (Chính
trị Thái Lan: Những trích đoạn và tài liệu 1932 - 1957) của tác giả Thak
Chaloemtiarana cung cấp những đoạn trích và tài liệu quý báu về tình hình chính
trị Xiêm từ năm 1932 đến năm 1957. Những tài liệu giới thiệu trong cuốn sách
này đem lại cái nhìn tổng quát hơn khi nghiên cứu về cuộc cách mạng năm
11

1932, giúp người sử dụng đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan về cuộc
cách mạng và nền dân chủ Thái Lan thời gian này. Mặc dù cách mạng 1932
không phải là nội dung trọng tâm nhưng công trình cũng giúp cho người nghiên
cứu có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn khi tìm hiểu về cuộc cách mạng này.
Công trình “Sự hưng thịnh và suy vong của nền quân chủ chuyên chế Thái
Lan”của tác giả Chaiyan Rajchagool do Nhà xuất bản White Lotus, Băng Cốc,
Thái Lan xuất bản năm 1994. Trong công trình này, tác giả đi vào tìm hiểu và lí
giải về sự suy vong dẫn đến sụp đổ của nền quân chủ chuyên chế Xiêm vào đầu
thế kỉ XX.
1.1.2. Các tác giả nước ngoài
Chính sách mở cửa của Xiêm từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX và
những thành tựu của đất nước này đã thu hút nhiều học giả nước ngoài nghiên
cứu về Xiêm trong mọi lĩnh vực. Đối với các học giả nước ngoài, cuộc Cách
mạng năm 1932 ở Xiêm thường được đề cập một cách khái quát trong các công
trình viết về lịch sử Đông Nam Á hoặc lịch sử Thái Lan. Có thể kể đến một số
công trình như:
Công trình “Siam in transition – A brief survey of cultural trends in the five
year since the Revolution of 1932” (Nước Xiêm chuyển biến – Khảo sát về
những khuynh hướng văn hóa trong 5 năm kể từ Cách mạng 1932) của tác giả
Kenneth Perry Landon, xuất bản năm 1939 là công trình nghiên cứu tổng thể về
các khuynh hướng chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo cũng như
khuynh hướng phân quyền trong chính phủ Xiêm. Tác giả đã dành toàn bộ
chương đầu tiên để trình bày khái quát về cuộc cách mạng năm 1932 từ nguyên
nhân, sự bùng nổ cách mạng, lực lượng lãnh đạo đến kết quả cách mạng. Đặc
biệt, phần Phụ lục của công trình đã cung cấp cho chúng tôi những tư liệu quý.
Vì vậy, công trình là một tài liệu rất có giá trị trong quá trình thực hiện Luận án.
12
Nhà nghiên cứu người Nga – E.O Bécdin với cuốn sách “Lịch sử Thái
Lan” xuất bản năm 1976 tại Mátxcơva đã trình bày một cách khái quát về lịch
sử Thái Lan từ thời tiền sử cho đến thời hiện đại, trong đó nội dung về cuộc cách

mạng năm 1932 đã được tác giả trình bày khái lược trong chương X. Trong công
trình này, tác giả cũng có đề cập đến tư tưởng cải cách xã hội về mặt kinh tế của Priđi.
Tuy nhiên, là một công trình mang tính thông sử nên tác giả chủ yếu trình bày
về các sự kiện lịch sử, chưa đi sâu vào các nhận định, đánh giá mang tính lịch sử.
Công trình “Lịch sử hiện đại Thái Lan” do nhà sử học Liên Xô N.V.
Rêbricôva biên soạn và được Nhà xuất bản Văn học phương Đông, Mátxcơva
xuất bản năm 1960 (Luận án sử dụng bản dịch của Nhà xuất bản Sự thật, Hà
Nội, năm 1962). Trong công trình này, tác giả đã trình bày về lịch sử Thái Lan
với những sự kiện lịch sử tiêu biểu từ năm 1918 đến năm 1959, trong đó cuộc
cách mạng 1932 được tác giả trình bày trong chương II với nhận định đây là một
cuộc cách mạng tư sản và kết quả quan trọng nhất của cuộc cách mạng này là
quốc gia tư sản ở Xiêm đã thật sự hình thành.
Công trình “Thailand – A short history” (Sơ lược lịch sử Thái Lan) của tác
giả David K. Wyatt được xuất bản năm 1982 tại Luân Đôn. Tác giả đề cập đến
những vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng 1932 rải rác trong ba chương VII,
VIII, IX trên các khía cạnh Xiêm trước và sau cuộc cách mạng, nền quân chủ
chuyên chế cuối cùng ở Xiêm.
Tác giả Judith A. Stowe với công trình “Siam becomes Thailand: A Story
of Intrigue” (1991), Honolulu University of Hawaii Press. Công trình gồm 4
phần tập trung ở 14 chương đã làm rõ về lịch sử Thái Lan giai đoạn từ năm 1932
đến năm 1945, trong đó, tác giả dành trọn phần 1 và phần 2 gồm 7 chương để
trình bày về lịch sử Thái từ 1932 đến 1940 với những nội dung về sự sụp đổ của
chế độ quân chủ chuyên chế, sự ám ảnh của chủ nghĩa cộng sản, sự lớn mạnh
của giới quân sự và vấn đề chủ nghĩa dân tộc. Công trình đã cung cấp những tư
13
liệu khá chi tiết về bối cảnh lịch sử, diễn biến cách mạng và là một công trình có
giá trị đối với chúng tôi trong quá trình hoàn thành Luận án.
Giáo sư người Anh – D.G.E Hall là người đã có những đóng góp lớn trong
việc nghiên cứu về lịch sử khu vực Đông Nam Á nói chung và lịch sử Thái Lan
nói riêng. Công trình “Lịch sử Đông Nam Á” của ông được xuất bản tại Luân

Đôn năm 1956 là một công trình rất có giá trị (Luận án sử dụng bản dịch của
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 1997). Trong công trình này, các
vấn đề về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Xiêm dưới các triều vua Rama VI,
Rama VII và đặc biệt là cuộc cách mạng 1932 đã được tác giả đề cập đến
một cách khái quát trong chương 49 với tiêu đề “Nước Xiêm chuyển biến
1910 - 1942”.
Công trình “Politics in Thailand” của tác giả David A. Wilson do Trường
Đại học Cornell, Ithaca, New York xuất bản năm 1962. Trong cuốn sách này,
tác giả dành trọn phần mở đầu trình bày về cuộc cách mạng 1932, nhưng rất tiếc
những vấn đề cơ bản về cuộc cách mạng này lại được tác giả trình bày một cách
sơ lược, khái quát.
Liên quan rải rác đến đề tài mà luận án nghiên cứu còn phải kể đến một loạt
các công trình: J.D.G.Campbell với công trình “Siam in the twentieth century”
(Xiêm trong thế kỉ XX) xuất bản năm 1902; công trình “The Kingdom of Siam”
(Vương quốc Xiêm) của tác giả A.C.Carter xuất bản năm 1904; “Siam” (Nước
Xiêm) của W.A.Graham xuất bản năm 1924; “The Kingdom and People of
Siam” (Vương quốc và cư dân Xiêm) của John Bowring – Đại sứ Anh tại Xiêm
xuất bản năm 1977 tại Singapo; công trình “A History of the Kings of Thailand”
(Lịch sử các nhà vua Xiêm) của hoàng thân Chula Chacrabongse xuất bản tại
Băng Cốc năm 1960; công trình “Mongkut - The King of Siam” (Vua Xiêm –
Môngkút) của A.L.Moffat xuất bản tại New York năm 1962; “Chulalongkorn
the Great” (Chulalongkorn vĩ đại) của Prachom Choochai xuất bản năm 1965;
14
“State and Society in the Reign of Mongkut (1851 - 1868)” (Nhà nước và xã hội
Xiêm thời Môngkút (1851 - 1868)) của tác giả Wilson Constance xuất bản năm
1970 đề cập chi tiết mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội Xiêm thời vua Môngkút;
tác giả Walter E.J.Tips với công trình“Gustave Rolin Jaequemyns and the
Making of Modern Siam” (Gustave Rolin Jaequemyns và sự hình thành nước
Xiêm hiện đại) do Nhà xuất bản White Lotus, Băng Cốc xuất bản năm 1996 đã
tập hợp các bức thư và nhật kí của viên Tổng cố vấn người Bỉ của vua

Chulalongkorn (1868 - 1910) là Rolin Jaequemyns trong thời kì ông ta làm việc
tại triều đình Xiêm. Những công trình trên đây đã đề cập khá chi tiết về các triều
đại Rama, đặc biệt là Rama IV (1851 - 1868) và Rama V (1868 - 1910) cũng
như vai trò và công lao của hai vị vua trong công cuộc canh tân đất nước và bảo
vệ nền độc lập dân tộc. Đây cũng chính là những tư liệu quý giá đối với chúng
tôi trong quá trình thực hiện luận án khi nghiên cứu về những bước đi đầu tiên của
Xiêm trong tiến trình hội nhập vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Ngoài ra còn phải kể đến các công trình ít nhiều liên quan trực tiếp đến đề
tài Cách mạng 1932 mà Luận án nghiên cứu, cụ thể: Tác giả John. F. Cady với
công trình “Southeast Asia: Its historical Development” (Đông Nam Á: Lịch sử
phát triển), xuất bản tại New York, năm 1964; Benjamin A. Batson với “The
End of the Absolute Monarchy in Siam” (Sự sụp đổ của chế độ quân chủ chuyên
chế Xiêm), Đại học Oxford, New York xuất bản, năm 1986; David Joel
Steinberg với “In Search of Southeast Asia: A Modern History” (Nghiên cứu về
Đông Nam Á: Lịch sử hiện đại), Đại học Hawai xuất bản, năm 1987; Tác giả
John L.S. Girling với “Thailand: Society and Politics” (Thái Lan: Xã hội và
Chính trị), Đại học Cornell xuất bản năm 1990; Bruce McFarland Lockhart với
công trình “Monarchy in Siam and Vietnam 1925 - 1946” (Chế độ quân chủ
chuyên chế Xiêm và Việt Nam 1925 -1946), xuất bản tại New York, năm 1990;
Piere Fistie với “Lịch sử thế kỉ XX Đông Nam Á”, Viện Khoa học xã hội, Hà
15
Nội. Tất cả những công trình nói trên thật sự là cần thiết cho tác giả trong quá
trình nghiên cứu và hoàn thành Luận án.
1.1.3. Các tác giả Việt Nam
Với tư cách là láng giềng gần gũi, các nhà khoa học Việt Nam cũng có
những công trình nghiên cứu về Thái Lan trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, số
lượng các công trình nói chung chưa nhiều và cho đến nay chưa có một công
trình chuyên khảo nào về cách mạng 1932. Có thể dẫn ra đây một số tác giả và
công trình tiêu biểu như:
Giáo sư Vũ Dương Ninh với “Lịch sử vương quốc Thái Lan”, Nhà xuất bản

Giáo dục, năm 1994. Trong cuốn sách này, những nội dung cơ bản về lịch sử
vương quốc Thái Lan từ thời sơ sử đến những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX
được trình bày mang tính khái quát cao, giúp người nghiên cứu có cái nhìn tổng
thể khi nghiên cứu về Thái Lan. Cách mạng 1932 được giáo sư trình bày trong
một chương riêng với tiêu đề “Cuộc cách mạng ngập ngừng năm 1932”, trong
đó có đề cập đến sự kiện cách mạng ngày 24 tháng 6 năm 1932, kế hoạch kinh tế
của Priđi Phanômyông và quá trình lên cầm quyền của giới quân sự.
PGS.TS Lê Văn Quang với “Lịch sử vương quốc Thái Lan”, xuất bản năm
1995 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một công trình thông sử về lịch sử Thái
Lan từ thời cổ đại đến những năm 80 của thế kỉ XX, trong đó cuộc cách mạng
1932 được tác giả trình bày trong một chương riêng biệt với nhận định đây là
một cuộc cách mạng tư sản. Tuy nhiên, vấn đề tính chất của cách mạng không
phải là nội dung trọng tâm nên chỉ được tác giả đề cập đến với những nhận định
rất khái quát.
Nguyễn Khắc Viện với “Thái Lan – Một số nét về chính trị, kinh tế - xã
hội, văn hóa và lịch sử”, Nhà xuất bản Thông tin lí luận xuất bản năm 1988.
Trong công trình này, tác giả đề cập khái quát về Thái Lan với những đường nét
16
lịch sử chính, trong đó, cách mạng năm 1932 được trình bày trong chương III từ sự
bùng nổ cách mạng vào tháng 6 năm 1932, đến diễn biến cách mạng và một vài
nhận định, đánh giá về ý nghĩa của nó.
Một số lượng lớn các công trình có liên quan rải rác đến nội dung của đề tài
như: “Lịch sử Thái Lan” của hai tác giả Phạm Nguyên Long, Nguyễn Tương
Lai, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1998; Huỳnh Văn Tòng với tác
phẩm “Lịch sử Thái Lan từ thế kỉ XIII đến những năm của thập niên 80”, Khoa
Đông Nam Á, Viện đào tạo mở rộng thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm
1993; “Thái Lan – Cuộc hành trình tới câu lạc bộ các nước công nghiệp mới”
của Nguyễn Thu Mĩ, Đặng Bích Hà, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1992; “Kinh
tế vương quốc Thái Lan” của tác giả Lâm Quang Huyên, xuất bản tại Thành phố Hồ
Chí Minh, năm 1992; “Thái Lan – Truyền thống và văn hóa” của các tác giả

Viện Đông Nam Á, xuất bản năm 1999; “Đối thoại với các nền văn hóa: Vương
quốc Thái Lan”, Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, năm 2002; Luận án
“Chính sách đối ngoại của Xiêm nửa cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX” của Tiến sĩ Đào
Minh Hồng, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001; Luận án
“Quá trình cải cách ở Xiêm 1851 - 1910 và những hệ quả của nó” của Tiến sĩ
Dương Thị Huệ, bảo vệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2003; Luận
án “Chính sách đối ngoại của vương triều Ayuthaya thế kỉ XIV - XVIII” của
Tiến sĩ Trần Thị Nhẫn, bảo vệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2011.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu người Thái, trên thế giới và Việt Nam đã
đạt được nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu về lịch sử Thái Lan nói chung
và Cách mạng 1932 ở Xiêm nói riêng. Vì vậy, tất cả những công trình kể trên
đều là những nguồn tư liệu quý giá, có ý nghĩa với tác giả trong quá trình nghiên
cứu và hoàn thành luận án.
17
1.2. Những vấn đề Luận án cần giải quyết
1.2.1. Những nội dung kế thừa từ các công trình đã công bố
Là một công trình nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các vấn đề đặt ra của
cuộc Cách mạng 1932 ở Xiêm – Tính chất và ý nghĩa lịch sử, trước hết chúng
tôi dựa vào những công trình đã công bố của các nhà khoa học đi trước. Luận án
kế thừa những công trình nghiên cứu đã công bố những nội dung cụ thể như sau:
Một là, quá trình cải cách ở Xiêm 1851 – 1910 trên các lĩnh vực kinh tế,
chính trị, xã hội, giáo dục, tôn giáo, quân sự, ngoại giao và những tác động của
nó đối với Xiêm; những nhận xét, đánh giá về bước đầu tiến trình hội nhập với
phương Tây và sự định dạng của chủ nghĩa tư bản ở Xiêm. Trong luận án, nội
dung này được chúng tôi xem là một trong những tiền đề quan trọng dẫn đến
những cải cách dưới thời Rama VI (1910 - 1925), Rama VII (1925 - 1935) và
đặc biệt là cách mạng 1932.
Hai là, những khái quát cơ bản về tiến trình diễn biến của cách mạng và
những kết quả của nó.
1.2.2. Những nội dung mới cần giải quyết trong luận án

Qua tìm hiểu tình hình nghiên cứu về lịch sử Thái Lan của các tác giả trong
và ngoài nước liên quan đến nội dung nghiên cứu mà luận án đang hướng tới,
chúng tôi nhận thấy những nội dung mới cần giải quyết trong luận án như sau:
Thứ nhất: Các công trình khoa học của các nhà nghiên cứu đi trước ở Thái
Lan, trên thế giới và Việt Nam đã tái hiện khá đầy đủ lịch sử Thái Lan từ buổi
đầu cho đến thời hiện đại. Cách mạng 1932 được trình bày với tư cách là một sự
kiện quan trọng, một mốc lịch sử trong quá trình định dạng của chủ nghĩa tư bản
ở Xiêm. Tuy nhiên, những tiền đề khách quan, chủ quan, sự ra đời của tổ chức
chính trị lãnh đạo cách mạng và yếu tố thời cơ cách mạng chưa được các tác giả
đề cập và nghiên cứu một cách có hệ thống. Đây là một nội dung chúng tôi cố
gắng làm rõ trong luận án.
18
Thứ hai, luận án tập trung làm rõ sự ra đời chế độ quân chủ lập hiến thay
thế chế độ quân chủ chuyên chế ở Xiêm. Đồng thời, làm rõ tiến trình cải cách
hiến pháp ở Xiêm và một số nội dung quan trọng trong những tư tưởng cải cách
về kinh tế - xã hội của Priđi Phanômyông (1900 - 1983). Trên cơ sở đó, có
những nhận xét, so sánh đối chiếu với Việt Nam và rút ra những bài học kinh
nghiệm quan trọng trong xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Thứ ba, qua tìm hiểu tình hình nghiên cứu về cuộc Cách mạng 1932 ở
Xiêm, chúng tôi nhận thấy ý kiến về tính chất của cuộc cách mạng còn có nhiều
khác biệt. Một số tác giả cho rằng cách mạng 1932 là một cuộc cách mạng tư
sản, một số khác cho rằng đây là cuộc chính biến, nhóm thứ ba lại cho đây vừa
là cuộc cách mạng tư sản vừa là cuộc chính biến. Xuất phát từ thực tế đó, trên cơ
sở nghiên cứu và khái quát những nhận định, đánh giá về tính chất cách mạng
1932 của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, chúng tôi mạnh dạn trình bày
suy nghĩ và bước đầu đưa ra ý kiến cá nhân của mình về vấn đề này.
Thứ tư, với tư cách là người Việt Nam, nghiên cứu lịch sử Thái Lan, thông
qua việc so sánh với một vài cuộc cách mạng ở châu Âu trong những thế kỉ
trước, chúng tôi cố gắng tập trung làm rõ những đặc điểm và ý nghĩa của cuộc
cách mạng này. Đây là một nội dung trọng tâm mà luận án hướng tới.

Cuối cùng, cho đến hiện tại, trong thời điểm thực hiện luận án, chúng tôi
nhận thấy, ở Việt Nam chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu một cách hệ
thống, tổng thể và chuyên sâu về cách mạng 1932, đặc biệt là tính chất và ý
nghĩa lịch sử của nó.
Tóm lại, luận án vừa là sự kế thừa những thành tựu nghiên cứu của các học
giả, các nhà nghiên cứu đi trước, vừa là sự cố gắng và đóng góp khoa học của
bản thân tác giả trong việc tập trung nghiên cứu, góp phần làm rõ một sự kiện
quan trọng trong lịch sử Thái: Cách mạng năm 1932 – Tính chất và ý nghĩa
lịch sử.
19
Chương 2
TIỀN ĐỀ VÀ DIỄN BIẾN CỦA CÁCH MẠNG 1932
2.1. Những tiền đề của Cách mạng 1932
2.1.1. Các cuộc cải cách nửa cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX
Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn
phát triển của chủ nghĩa đế quốc. Sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa đòi hỏi
các nước đế quốc phải mở rộng thị trường hơn nữa. Vào thời điểm này, các quốc
gia phương Đông đang đắm chìm trong chế độ phong kiến lạc hậu với nền kinh
tế tự cấp tự túc, nhanh chóng trở thành miếng mồi cho các nước tư bản phương
Tây xâm lược. Nửa sau thế kỉ XIX, công cuộc xâm lược và bành trướng thuộc
địa của chủ nghĩa tư bản phương Tây được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Ấn Độ,
Trung Quốc rồi các nước trong khu vực Đông Nam Á lần lượt trở thành thuộc
địa hoặc nửa thuộc địa của tư bản phương Tây: Malaixia, Mianma trở thành
thuộc địa của Anh, Inđônêxia bị Hà Lan thôn tính, Philippin trở thành thuộc địa
của Tây Ban Nha, còn Việt Nam, Campuchia và Lào cũng lần lượt bị Pháp thôn
tính. Như vậy, từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, hầu hết bản đồ châu Á, đặc
biệt là các nước Đông Nam Á đã bị nhuốm màu đen bởi ách thống trị thực dân.
Trong tình hình quốc tế và khu vực như vậy, Vương quốc Xiêm với ưu thế
về vị trí chiến lược và điều kiện tự nhiên cũng không tránh khỏi nguy cơ bị xâm
lược từ phía các nước phương Tây. Các nước tư bản Hà Lan, Anh, Pháp, Mĩ lần

lượt thâm nhập vào Xiêm thông qua hai con đường chủ yếu là hoạt động thương
mại và truyền giáo.
Trước áp lực xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây, Vương quốc
Xiêm muốn tồn tại, phát triển và giữ được độc lập đòi hỏi phải có những biện
pháp khôn khéo, đúng đắn. Triều đình phong kiến Xiêm thời Rama IV –
Môngkút (1851 - 1868) đã tiến hành canh tân đất nước, loại bỏ những hủ tục
20
phong kiến lạc hậu lỗi thời, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Công
cuộc canh tân đất nước được triều đình phong kiến Xiêm tiến hành trên cơ sở
vừa tiến hành đấu tranh ngoại giao để từng bước thủ tiêu ảnh hưởng của các
nước phương Tây vừa tiến hành canh tân đất nước bằng những cải cách theo mô
hình phương Tây.
Trước hết, vua Rama IV đã thực hiện một chương trình “Âu hóa” đất nước
trên nhiều lĩnh vực. Nhằm từng bước cải tổ nhân sự trong chính quyền Xiêm,
nhà vua đã sử dụng nhiều người phương Tây tham gia vào bộ máy chính quyền.
Một số nghiên cứu về lịch sử Thái Lan thời kỳ này cho biết, vào thời Rama IV
có khoảng 84 cố vấn người nước ngoài làm việc cho triều đình Xiêm. Chẳng
hạn, bà Leonowens (người Anh) là gia sư cho các con vua, ngài Jaequemyns
(người Bỉ) làm tổng cố vấn và là người trợ lí đắc lực cho nhà vua trong các vấn
đề cải cách, John Bowring (người Anh) là người được giao trọng trách thay mặt
nhà vua giải quyết các vấn đề đối ngoại của Xiêm ở châu Âu [15, tr.65-66].
Về kinh tế, nhằm kích thích sự phát triển kinh tế, đặc biệt là hoạt động xuất
khẩu gạo và đường - hai mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn, đem lại nguồn thu
quan trọng cho ngân sách nhà nước, năm 1852, Rama IV (1851-1868) tuyên bố
hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Để đảm bảo hạ tầng cho sự phát triển nông
nghiệp, những công trình thủy lợi, giao thông được đẩy mạnh xây dựng như
kênh Rasichaven nối thủ đô Băng Cốc với các tỉnh, làm các con đường
Charonkrung, đường mới năm 1862 cho người dân đi lại và buôn bán dễ dàng.
Quân đội cũng được cải tổ theo kiểu phương Tây, lực lượng quốc phòng
được phiên chế thành bộ binh, pháo binh và thủy binh. Bộ binh do sĩ quan Anh

huấn luyện, pháo binh do Chuthamani (em trai vua Rama IV) chịu trách nhiệm,
có sự cố vấn của người Anh. Trong hải quân bắt đầu sử dụng tàu chạy bằng hơi
nước. Nhà vua ban hành khoảng 500 đạo luật, sắc lệnh trong đó có những sắc
lệnh nhằm cải thiện đời sống nhân dân nghèo khổ như giảm nghĩa vụ lao dịch.
21
Tiền mới được ban hành, nhà in được xây dựng, báo chí được xuất bản để nâng
cao dân trí.
Đồng thời với những cải cách theo mô hình phương Tây nhằm củng cố,
phát triển đất nước, Rama IV thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo bằng
việc kí kết các hiệp ước bất bình đẳng với các nước tư bản phương Tây nhằm
tránh được những cuộc đấu tranh vũ trang mà Xiêm biết chắc rằng không thể
thắng được các nước này. Đầu tiên là Hiệp ước Xiêm – Anh (Hiệp ước
Bowring) năm 1855, tiếp đó là Hiệp ước Xiêm – Pháp, Xiêm - Mĩ năm 1856,
Hiệp ước Xiêm – Đan Mạch năm 1858, Xiêm – Bồ Đào Nha năm 1859, Xiêm –
Hà Lan năm 1860, Xiêm - Phổ năm 1862 và với Thụy Điển, Na Uy, Italia, Bỉ
trong năm 1868. Việc kí các hiệp ước bất bình đẳng này một mặt cho thấy
không một cường quốc nào có sức mạnh vượt trội đủ khả năng thống trị Xiêm.
Mặt khác, mặc dù phải nhượng bộ một số quyền lợi kinh tế, tư pháp nhưng việc
kí những hiệp ước này đã giúp Xiêm thoát khỏi số phận trở thành thuộc địa như
các nước khác trong khu vực, nền độc lập của Xiêm được bảo toàn. Về vấn đề
này, nhà nghiên cứu có tên tuổi người Anh - D.G.E.Hall, viết:“Có thể sẽ không
quá lời nếu nói rằng vương quốc Xiêm phải chịu ơn Môngkút (Rama IV) hơn
bất cứ ai khác về việc nước này đã duy trì được nền độc lập của mình trong khi
vào cuối thế kỉ XIX tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đều bị đặt dưới
sự cai trị của người châu Âu. Bởi vì, hầu như ông là người Xiêm duy nhất nhận
thấy rõ rằng nếu Trung Quốc đã thất bại trong chính sách đóng cửa của mình
trước áp lực của người châu Âu thì Xiêm phải thỏa hiệp với các lực lượng bên
ngoài đang đe dọa mình và bắt đầu thích nghi với thế giới mới” [13, tr.962].
Sau khi Rama IV qua đời, năm 1868, Rama V – Chulalongkorn (1868 -
1910) lên kế vị và tiếp tục thực hiện những cải cách của vua cha. Dưới thời

Rama V, một cuộc cải cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế,
xã hội, giáo dục, quân sự đã diễn ra ở Xiêm.
22
Cải cách quan trọng đầu tiên của Rama V là việc thủ tiêu chế độ nô lệ tồn
tại từ rất lâu đời ở Xiêm. Đến cuối thế kỉ XIX, nô lệ vẫn chiếm tới 1/3 dân số
Xiêm [35, tr.17]. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu D.G.E.Hall, cần lưu ý rằng:
“Mặc dù chế độ nô lệ ở Xiêm không khắc nghiệt như các đồn điền châu Mĩ và
nó được chi phối bởi những giáo huấn của bộ luật Manu, song việc xóa bỏ nó
rõ ràng là điều cần thiết đối với quá trình hiện đại hóa” [13, tr.969]. Sau nhiều
lần đề nghị, thảo luận và sửa đổi, năm 1874, vua Chulalongkorn đã công bố sắc
lệnh thủ tiêu chế độ nô lệ vì nợ với những nội dung chính như sau: Tất cả con
cái của nô lệ vì nợ sinh sau ngày 1 tháng 10 năm 1868 đến 21 tuổi sẽ được tự
do; Cha mẹ không được bán con mình làm nô lệ khi chúng chưa đến tuổi 15.
Khi chúng quá 15 tuổi, nếu muốn bán, phải được sự đồng ý của chúng; Mức tiền
chuộc nô lệ được quy định 32 bath cho nam nô lệ 8 tuổi, 28 bath cho nữ nô lệ 8
tuổi, 4 bath cho nam nô lệ 18 – 20 tuổi và 3 bath cho nữ nô lệ 18 – 20 tuổi. Cũng
theo quy định này, tất cả nô lệ đến tuổi 60 đều được tự do. Ngoài ra, những món
nợ suốt đời của nô lệ trước kia là cố định, nay nhà nước quy định giảm 4
bath/tháng. Sau những cải cách có tính chất thử nghiệm, từng bước, đến năm
1905, Hoàng gia đã chính thức ban hành đạo luật bãi bỏ chế độ nô lệ trong phạm
vi cả nước.
Cùng với việc thủ tiêu chế độ nô lệ, Rama V cũng cho bãi bỏ chế độ lao
dịch cưỡng bức đối với người dân. Những người dân được giải thoát khỏi nghĩa
vụ lao dịch 3 tháng mỗi năm cho nhà nước, bù lại, họ phải nộp một khoản tiền
cho chính quyền địa phương thay cho chế độ lao dịch.
Những cải cách trên của Rama V có ý nghĩa quan trọng cả về mặt kinh tế
và xã hội. 1/3 dân số Xiêm được giải phóng từ nô lệ thành người tự do. Điều này
có ý nghĩa quan trọng trong việc giải phóng sức lao động, tạo ra nguồn nhân lực
cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đang chập chững hình thành ở Xiêm.
23

Ngoài hai biện pháp trên, để tạo điều kiện cho kinh tế nông nghiệp phát
triển, Rama V đã cho xây dựng hệ thống tưới tiêu mới và đưa vào sử dụng từ
năm1875. Năm 1902, nhà vua cho thành lập Vụ Quản lí kênh rạch để phụ trách
những vấn đề có liên quan đến xây dựng, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp các hệ thống
tưới tiêu trên toàn quốc. Vùng đồng bằng trung tâm là nơi sản xuất tới 95%
lượng gạo xuất khẩu của Xiêm được hưởng chế độ ưu đãi thuế hơn hẳn những
vùng nông nghiệp khác.
Kết quả là sản lượng lúa gạo của Xiêm ngày càng tăng lên. Xuất khẩu gạo
của Xiêm năm 1885 là 225.000 tấn thì đến 1910 là 900.000 tấn (tăng gần 4 lần)
[38, tr.79]. Nền nông nghiệp Xiêm do đó ngày càng mất dần tính tự cung tự cấp,
chuyển dần sang nền kinh tế hàng hóa (trước hết trong sản xuất lúa gạo) và gắn
liền với thị trường quốc tế.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Rama V cũng có những cải cách quan trọng.
Để khuyến khích các nhà đầu tư, nhà nước đảm bảo cho họ một tỉ lệ lãi nhất
định trong đầu tư vào các ngành công nghiệp và đường sắt. Cùng với đó, nhà
vua cũng quan tâm xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ, tạo thuận lợi cho
việc giao lưu, buôn bán hàng hóa giữa các tỉnh. Năm 1882, nhà vua cho lập Cục
đường sắt hoàng gia để kiểm soát việc xây dựng đường sắt. Các tuyến đường sắt
đã được xây dựng: Băng Cốc – Pắcnam (1892), Băng Cốc – Cò Rạt (1892),
Băng Cốc – Xamút - Pracan (1896), Băng Cốc – Nakhon Ratsima (1897). Tư
bản nước ngoài đã tăng cường đầu tư vào Xiêm: Năm 1890 ở Băng Cốc có 5
nhà máy xay xát lúa gạo của người châu Âu, đến 1908 có khoảng 12 công ty
nước ngoài đầu tư kinh doanh ở Xiêm.
Về tài chính, năm 1892, Rama V cho cải tổ Hội đồng phát triển ngân khố
được thành lập từ năm 1874, và đến năm 1892, Hội đồng này trở thành Bộ Tài
chính. Chế độ thầu thuế do tư nhân đảm nhận trước đây bị bãi bỏ. Thay vào đó,
các nhân viên nhà nước sẽ đảm nhận việc thu thuế, người đứng đầu mỗi vùng
24
thu và nộp lên Bộ Tài chính. Từ năm 1902 đến năm 1908, Chulalongkorn cho
tiến hành cải cách tiền tệ. Đồng Baht là đơn vị tiền giấy đầu tiên được phát hành

ở Xiêm. Nhà vua còn khuyến khích tư nhân mở ngân hàng kinh doanh. Năm
1904, ngân hàng thương mại Băng Cốc của người Hoa, một trong những ngân
hàng lớn nhất của Xiêm ra đời. Năm 1906, vua Chulalongkorn và một số quan
chức cũng thành lập ngân hàng thương mại Xiêm.
Đồng thời với những cải cách liên quan đến kinh tế, xã hội, Rama V cũng
tiến hành những cải cách về hành chính, luật pháp, giáo dục, tôn giáo và quân đội.
Công cuộc cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ từ năm 1892 do
hoàng thân Damrong (em trai nhà vua) tiến hành với việc cải tổ bộ máy hành
chính từ trung ương đến địa phương. Mô hình nhà nước Xiêm được cải tổ theo
mô hình nhà nước Đức. Vua vẫn là người đứng đầu nhà nước, có quyền lực tối
cao nhưng điểm khác biệt là bên cạnh vua có hai hội đồng là Hội đồng Nhà
nước và Hội đồng Tư vấn. Bộ máy hành pháp truyền thống trước đây được thay
thế bằng Hội đồng chính phủ gồm 12 bộ trưởng, có chức năng và quyền hạn như
bộ máy hành pháp hiện đại theo kiểu phương Tây.
Cùng với quá trình cải tổ hành chính ở Trung ương, cuối thế kỉ XIX, giới
cầm quyền Xiêm cũng bắt đầu cải tổ tận gốc hệ thống hành chính địa phương.
Nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với các tỉnh và
các vùng xa trung tâm, Chulalongkorn đã nhóm các tỉnh thành 18 monthon
(vùng) do các phái viên của vua cai quản. Phần lớn những người này là anh em
của nhà vua. Theo mô hình này, mỗi vùng được chia thành nhiều tỉnh
(changwat), mỗi tỉnh lại được chia thành nhiều huyện (amphur), dưới huyện là
làng (xã) (tambol) và cuối cùng là xóm (muban).
Trong bộ máy hành chính mới này, các quan lại đều hưởng lương của nhà
nước. Tất cả các quan lại đều do trên cử xuống, hầu như không có bầu cử. Các
25

×