Thông cáo báo chí
Thành phố Hồ Chí Minh
09-10 Tháng Tám 2012
Đối thoại Giáo dục Toàn Cầu: Kĩ năng nghề nghiệp tại Đông Nam Á và nhu
cầu nhân lực của nền kinh tế mới – Thách thức với Giáo dục Đại học
Kĩ năng nghề nghiệp được định nghĩa như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hiện đại? Những kĩ năng nào
sinh viên ra trường cần phải có? Những mô hình tối ưu để đưa kĩ năng nghề nghiệp vào giáo dục đại
học? Các câu hỏi quan trọng trên đã được thảo luận bởi các nhà giáo dục, các doanh nghiệp trong
chương trình Đối thoại Giáo dục toàn cầu: Kĩ năng nghề nghiệp tại Đông Nam Á và nhu cầu nhân lực
của nền kinh tế mới: Thách thức với giáo dục đại học. Hội nghị do Hội đồng Anh tổ chức tại thành phố
Hồ Chí Minh trong hai ngày 9-10 tháng Tám.
Đây là chương trình đối thoại đầu tiên trong se-ri Đối thoại Giáo dục Toàn cầu do Hội đồng Anh tổ chức
tại sáu quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á cho đến tháng Một năm 2013. Hội nghị có sự tham dự của Phó
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Quý, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Đại sứ Anh Tiến sĩ
Antony Stokes. Tham gia cuộc đối thoại còn có chuyên gia kinh tế và giáo dục của Ngân hàng Thế giới,
các nhà giáo dục, lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn đến từ Úc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản,
Malaysia, Myanmar, Philippines, Vương quốc Anh và Việt Nam.
Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam Robin Rickard nói: ‘Tại Việt Nam kĩ năng nghề nghiệp của sinh viên
khi ra trường là một chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm trong bối cảnh lợi thế về dân số trẻ và
nhân công rẻ của Việt Nam đang dần trở nên mờ nhạt. Đến năm 2020 tỉ lệ dân số trong độ tuổi từ 5-19
sẽ giảm xuống còn 22% so với tỉ lệ 27% của năm 2010. Bên cạnh đó, giá nhân công tại Bangladesh và
Cam-pu-chia hiện đã rẻ hơn Việt Nam. Thực tế này cho thấy thách thức đối với các nhà hoạch định
chính sách, các nhà giáo dục, các doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam.
‘Và đây không chỉ là câu chuyện của Việt Nam khi nhiều quốc gia Đông Á khác cũng đang đối mặt với
thách thức dân số già đi và yêu cầu tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh đó cuộc đối thoại chính sách này đã tạo ra một dịp tuyệt vời để các bên ngồi lại, thảo
luận và lắng nghe. Các đại biểu có thể thu lại được nhiều điều từ những câu chuyện cụ thể, những mô
hình tối ưu được trình bày bởi các diễn giả quốc tế từ các doanh nghiệp và các trường đại học nổi tiếng
trên thế giới.
’Là một tổ chức thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học đồng thời tích cực thực hiện chương
trình lớn đã được nhiều người biết đến là Kĩ năng và Cơ hội việc làm, Hội đồng Anh rất tự hào được tổ
chức chương trình đối thoại chính sách này tại Việt Nam.’
Giáo sư Alison Halsted, Phó Hiệu trưởng Phụ trách phụ trách Phát triển Chiến lược học thuật, Đại học
Aston, Vương quốc Anh là một trong số những diễn giả tại cuộc đối thoại. Là lãnh đạo một trường đại
học Anh nổi tiếng về chương trình thực tập dành cho sinh viên và tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc
làm (năm học 2010-11 87% sinh viên hệ đại học của Đại học Aston đã tìm được các công việc dành cho
trình độ đại học sáu tháng sau khi tốt nghiệp, đây là tỉ lệ cao thứ năm trong số các trường đại học của
Anh), Giáo sư Alison Halsted chia sẻ nghiên cứu của bà về cách Vương quốc Anh ứng phó với những
thay đổi của nền kinh tế cũng như những kĩ năng cần trang bị cho sinh viên Anh cũng như sinh viên quốc
tế.
Thú vị hơn, là người đứng đầu dự án xây dựng Học viện Kĩ thuật Aston, trường công nghệ lớn đầu tiên
của Vương quốc Anh nằm trong một đại học dành cho các đối tượng học sinh từ 14-19 tuổi (trường khai
giảng khóa đầu trong tháng Chín tới đây), Giáo sư Halsted có nhiều điều để chia sẻ về cách xây dựng
quan hệ với doanh nghiệp và cách thức để đào tạo ra những người trẻ nhạy bén với công nghệ đồng
thời có những kĩ năng kinh doanh tốt phục vụ cho thị trường lao động.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Giáo dục Trí Việt, một nhà ngoại giao
đã rất nổi tiếng mang đến chương trình đối thoại phần trình bày về yêu cầu đổi mới đối với các trường
đại học Việt Nam để phù hợp với nền kinh tế mới. Giáo sư Lê Quang Minh, Phó Giám đốc Đại học Quốc
gia thành phố Hồ Chí Minh lại nói về những giải pháp cụ thể của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí
Minh trong việc nâng cao chất lượng và kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên.
Thông cáo báo chí
Thành phố Hồ Chí Minh
09-10 Tháng Tám 2012
Những sáng kiến của các trường đại học trong khu vực Đông Á cũng đã được trình bày qua những câu
chuyện cụ thể của Indonesia, Philippines, Myanmar. Đặc biệt Giáo sư Rupert Maclean, Giám đốc Trung
tâm Nghiên cứu và Phát triển Học tập suốt đời, Giáo sư Chủ nhiệm Ban Giáo dục Quốc tế, Viện Giáo
dục Hong Kong đã tham gia đối thoại với tranh luận thú vị: Liệu việc quá chú trọng đến việc trang bị cho
người học những kĩ năng tuyển dụng có đang biến ‘giáo dục đại học thành giáo dục dạy nghề?’ Tiến sĩ
Mutsuhiro Arinobu, Trưởng ban Quản trị Đại học Tokyo đã mang đến câu chuyện của Nhật Bản; câu
chuyện về một đất nước với dân số đang già đi và nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao để giữ vị thế
của Nhật trên trường quốc tế.
Đại diện cho khối doanh nghiệp, Tiến sĩ Võ Tấn Long, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam nói về nhu cầu về
nguồn nhân lực mới có kiến thức chuyên ngành sâu rộng, hiểu biết về quy trình kinh doanh cũng như sở
hữu những kĩ năng ‘con người’ tốt. Tiến sĩ Võ Tấn Long cũng chia sẻ kinh nghiệm của IBM trong việc
hợp tác với các trường đại học trên toàn thế giới, trang bị cho sinh viên những kĩ năng tổng hợp bao
gồm kĩ năng kinh doanh, công nghệ, kĩ năng ‘con người’ thông qua SSME, Khoa học, Quản lý, Kĩ thuật,
Thiết kế dịch vụ - một khái niệm do chính IBM sáng tạo ra.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam VINATEX trình bày về khó
khăn thực sự về nhân lực chất lượng cao trong ngành dệt may Việt nam (hiện đang đứng thứ năm thế
giới về kim ngạch xuất khẩu). Ngoài ra, ông Paul Smith, Chủ tịch của Harvey Nash Outsourcing (doanh
nghiệp gia công phần mềm hiện đang có hơn 2000 nhân viên Việt Nam làm việc tại Hà Nội và thành phố
Hồ Chí Minh) đưa ra ý kiến liệu ‘kĩ năng mềm’ có nên đưa vào thành môn học chính bên cạnh toán, khoa
học, ngoại ngữ để kích thích sáng tạo, tăng cường chất lượng và khả năng làm việc nhóm của sinh viên.
Các tài liệu nghiên cứu quan trọng sẽ được Hội đồng Anh công bố sau cuộc đối thoại chính sách.
Chương trình Đối thoại Giáo dục toàn cầu tiếp theo trong series đối thoại châu Á sẽ diễn ra tại Hong
Kong vào ngày 27-28 tháng Chín tới với chủ đề Tương lai của mạng lưới nghiên cứu Châu Á. Tiếp sau
Hong Kong sẽ là Singapore với cuộc đối thoại Giáo dục đại học và ngành công nghiệp sáng tạo (18-19
tháng 10), Malaysia với cuộc đối thoại về Các mô hình mới của đào tạo ngoài nước và trải nghiệm của
sinh viên (27-28 tháng 11), Trung Quốc với cuộc đối thoại mang chủ đề Hợp tác giáo dục quốc tế và con
đường để được công nhận tại Trung Quốc (10 tháng 12) và cuối cùng là Nhật Bản với chương trình đối
thoại Lãnh đạo giáo dục đại học và thách thức toàn cầu hóa: Kinh nghiệm của Đông Á (15-16 tháng Một
năm 2013).
Thông tin thêm vui lòng liên hệ:
Nguyễn Thu Giang
Quản lý Chương trình Giáo dục Đại học
Hội đồng Anh Việt Nam
T +84 (0)4 3728 1920 ext 1926
F +84 (0)4 38434962
Vũ Hải Đăng
Quản lý Truyền thông
Hội đồng Anh Việt Nam
T +84 (0)4 3728 1920 ext 1957
F +84 (0)4 38434962
Giới thiệu về Hội đồng Anh:
• Hội Đồng Anh là tổ chức quốc tế về hợp tác văn hoá và giáo dục của Vương quốc Anh và là tổ
chức hàng đầu thế giới về hợp tác văn hoá.
• Hội Đồng Anh liên kết mọi người thông qua những cơ hội giáo dục, các ý tưởng sáng tạo của
Vương quốc Anh nhằm xây dựng các mối quan hệ bền vững, lâu dài trên toàn thế giới
• Chúng tôi hoạt động ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và đã có mặt tại Việt Nam
từ năm 1993
• Tại Việt Nam, chúng tôi hoạt động trên các lĩnh vực giáo dục, xã hội, tiếng Anh và nghệ thuật
• Hội Đồng Anh là một tổ chức phi chính trị hoạt động với sự hỗ trợ từ chính phủ Anh