Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Sẽ có 5 nhóm hàng hóa chịu thuế môi trường

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (60.75 KB, 3 trang )

Sẽ có 5 nhóm hàng hóa chịu thuế môi trường
Văn Nam
Thứ Ba, 19/1/2010, 17:37 (GMT+7)
(TBKTSG Online) – Dự kiến các tổ chức, cá nhân khai thác, sản xuất và nhập
khẩu 5 nhóm hàng hóa gồm: xăng dầu, than, chất làm lạnh chứa hydro-cloro-
fluoro-carbon, túi ni lông và thuốc bảo vệ thực vật sẽ phải nộp thuế môi trường
trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Thuế môi trường diễn ra chiều 19-1,
ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, nếu
được Quốc hội thông qua vào tháng 10-2011, luật này sẽ được ban hành và có
hiệu lực từ ngày 1-1-2012.
Theo dự thảo Luật Thuế môi trường đang được Bộ Tài chính và Ủy ban Tài
chính ngân sách Quốc hội soạn thảo, cụ thể các loại sản phẩm, hàng hóa sẽ phải
chịu thuế môi trường gồm xăng, nhiêu liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut,
than (trừ than bùn), dung dịch HCFC, túi ni lông (trừ túi ni lông sinh học) và
thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng như thuốc sử dụng trong nông
nghiệp, thuốc trừ muỗi, thuốc bảo quản lâm sản và thuốc khử trùng kho.
Thuế Môi trường sẽ được tính căn cứ vào số lượng, đơn vị hàng hóa khai thác,
sản xuất hay nhập khẩu. Ví dụ: mức thuế môi trường đối với xăng dự kiến sẽ dao
động từ 1.000 – 4.000 đồng/lít, dầu diesel từ 500 – 2.000 đồng/lít, than từ 6.000 –
30.000 đồng/tấn, túi ni lông từ 20.000 – 30.000 đồng/kg hay thuốc bảo vệ thực
vật sẽ dao động từ 1.000 – 5.000 đồng/kg.
Theo ông Vũ Văn Trường, việc ban hành Luật Thuế môi trường là cần thiết
vì cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có Luật Thuế môi trường và các biện pháp tài
chính nhằm bảo vệ môi trường, trong khi thực trạng ô nhiễm môi trường ngày
càng nghiêm trọng.
Việc ban hành Luật Thuế môi trường sẽ góp phần thay đổi hành vi xâm hại đến
môi trường trong hoạt động sản xuất, khai thác và kinh doanh đối với các sản
phẩm có chức chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, luật được ban
hành cũng góp phần tạo thêm nguồn thu để chi ngược lại cho các hoạt động bảo
vệ môi trường.


Ông Trường cho biết hiện nay, mỗi năm Nhà nước chi khoảng 4.000 tỉ đồng kinh
phí cho hoạt động bảo vệ môi trường, trong khi đó, tổng số tiền phí môi trường
thu được hàng năm chỉ đạt khoảng 1.200 tỉ đồng. Ông trường cho biết sau khi
Luật Thuế môi trường được ban hành và có hiệu lực, sẽ giúp thu được một khoản
tiền từ 14 – 50 ngàn tỉ đồng mỗi năm, tạo thêm nguồn ngân sách cho hoạt động
bảo vệ môi trường.
Góp ý cho dự thảo luật tại hội thảo, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, việc
ban hành Luật Thuế môi trường là cần thiết, nhưng cần phải cân nhắc, xem xét
thật kỹ lưỡng mức thuế đánh vào từng nhóm sản phẩm, hàng hóa sao cho khoa
học, hợp lý hơn dựa trên khối lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường và mức độ
độc hại đối với môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi
trường TPHCM cho rằng hiện nay đã có phí bảo vệ môi trường, nếu áp dụng thu
thuế môi trường thì không hợp lý vì cả 2 hình thức phí và thuế đều nhằm một
mục đích là hạn chế hành vi gây ô nhiễm môi trường.
“Theo tôi, nếu đã thu thuế môi trường thì không thu phí nữa. Ngoài ra, cần mở
rộng đối tượng chịu thuế khác như thuốc lá, pin, ắc qui …”, ông Tuấn góp ý.
Theo ông Tuấn, mặc dù luật qui định 3 đối tượng chịu thuế là tổ chức, cá nhân
khai thác, sản xuất và nhập khẩu hàng hóa, thế nhưng không loại trừ trường hợp
khi chịu thêm thuế, nhà sản xuất tăng giá bán sản phẩm và người phải “nộp” thuế
thực sự cuối cùng chính là người tiêu dùng.
“Bản chất của việc nộp thuế này cuối cùng vẫn là người tiêu dùng gánh chịu, thế
nên luật cũng phải nói rõ điều này để người tiêu dùng biết mà thay đổi hành vi
tiêu dùng, hạn chế gây ô nhiễm môi trường khi tiêu thụ 5 nhóm hàng hóa nói
trên”, ông Tuấn góp ý thêm.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài gòn

×