Cần những giải pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường nông thôn
Việt Nam là nước nông nghiệp với trên 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm hơn 73%
dân số trong cả nước. Phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn là một trong những mục tiêu
được Đảng và Nhà nước chú trọng và đã đạt được kết quả thiết thực, đóng góp đáng kể vào sự
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta nói
chung và ở nông thôn nói riêng đang ngày càng gia tăng. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp
đồng bộ và hữu hiệu, trong đó có sự chung tay, góp sức của cộng đồng để giảm thiểu ô nhiễm môi
trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Thực trạng đáng báo động
Theo báo cáo của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, mỗi năm, khu vực nông thôn phát
sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m
3
nước thải sinh hoạt và khoảng 7.500
tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trong đó, khoảng trên 80% khối lượng rác thải, nước
thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao thuốc BVTV chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh, hoặc
xả trực tiếp vào môi trường. Đặc biệt, hiện tượng lạm dụng thuốc BVTV trong phòng trừ dịch hại,
tùy tiện, không tuân thủ các quy trình kỹ thuật sử dụng, không đảm bảo thời gian cách ly của từng
loại thuốc dẫn đến hậu quả: nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, chất thải trong chăn nuôi đang là vấn đề ô nhiễm môi trường nổi cộm. Hiện nay, cả
nước có khoảng 16.700 trang trại chăn nuôi, tỷ trọng chăn nuôi trang trại và công nghiệp chiếm
37%. Theo tính toán của các chuyên gia, hàng năm, tổng đàn gia súc, gia cầm của nước ta thải vào
môi trường khoảng 84 - 85 triệu tấn chất thải rắn, trong khi tốc độ chăn nuôi tăng nhanh trước áp
lực tăng dân số, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng của cộng đồng. Vấn đề môi trường
trong nuôi trồng thủy sản đã nảy sinh những vấn đề bất cập cần sớm được giải quyết. Tính đến
năm 2010, diện tích nuôi trồng thủy sản đã được mở rộng hơn 1 triệu ha và sản lượng đạt 2,8 triệu
tấn. Song tình trạng phát triển nuôi trồng thủy sản còn tự phát, thiếu quy hoạch, chưa có hệ thống
cấp và thoát nước hợp lý, thức ăn thừa không được xử lý, việc xử dụng hóa chất xử lý môi trường,
thuốc phòng trừ sâu bệnh không hợp lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và lây lan dịch
bệnh.
Đề cập về môi trường nông thôn tại tỉnh Nam Định, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phan
Văn Phong cho biết, ước tính một ngày, khu vực nông thôn địa phương thải ra khoảng 530 tấn rác
thải sinh hoạt, 13,6 tấn rác thải xây dựng, 142 tấn rác thải sản xuất. Trong rác thải sinh hoạt,
khoảng 66,5% là chất hữu cơ dễ phân hủy, 8% có thể tái chế, còn lại là rác vô cơ và các loại khác.
Do đó, trong những năm qua, từ nguồn chi sự nghiệp môi trường hàng năm cùng với nhiều nguồn
chi khác, tỉnh Nam Định đã quyết định đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp, xử lý rác thải cho các xã,
thị trấn trong tỉnh. Đến nay, đã và đang đầu tư xây dựng 46 bãi chôn lấp xử lý rác thải với diện tích
khoảng 10 nghìn m
2
/bãi. Mặc dù tỉnh đã có những cơ chế, chính sách phục vụ cho công tác thu
gom cũng như xử lý rác thải nhưng một số bãi chôn lấp không được vận hành đúng quy trình, việc
phân loại rác chưa được tuân thủ, nên mùi phát sinh khá nặng, đặc biệt là việc chôn lấp rác lộ thiên
và không san lấp phủ kín đất kịp thời nên vẫn còn tình trạng ô nhiễm tập trung về một địa điểm.
Bên cạnh đó, các bãi chôn lấp rác cấp xã đều là quy mô nhỏ nên việc áp dụng các phương pháp xử
lý ô nhiễm môi trường không khí, đất nước... gặp khó khăn.
Báo cáo của Sở NN&PTNT Đồng Nai cho thấy, tỉnh đã áp dụng nhiều giải pháp trong công
tác BVMT như: Chương trình 3 giảm 3 tăng trên cây lúa; Chương trình sản xuất rau, quả an toàn
theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; Sử dụng công nghệ khí sinh học xử lý chất thải trong chăn
nuôi... và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cho đến cuối năm 2010, Dự án "Chương trình
khí sinh học xử lý chất thải cho ngành chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2007 - 2012" đã hỗ trợ xây
dựng trên 3.410 công trình khí sinh học, đào tạo 20 kỹ thuật viên tỉnh và huyện và tổ chức 400
buổi hội thảo tuyên truyền, tập huấn cho người sử dụng khí sinh học... Tuy nhiên, ý thức người
dân chưa cao trong sử dụng thuốc BVTV, chưa có ý thức trong thu gom và lưu giữ chất thải nông
nghiệp gây ô nhiễm môi trường đồng ruộng, nước mặt. Đặc biệt, do sự cố môi trường thường
xuyên xảy ra nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn ở mức báo động.
Mặt khác, ở nước ta đã và đang phát triển nhiều loại hình làng nghề, điều này cũng gây ảnh
hưởng môi trường nghiêm trọng. Theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2,
Quốc hội khóa XIII, số lượng làng nghề thống kê được trên toàn quốc đến thời điểm tháng 7/2011
là 3.355 làng, trong đó có 1.318 làng được công nhận và 2.037 làng có nghề chưa được công nhận,
khoảng 60% tổng số làng nghề tập trung ở miền Bắc. Đời sống nhân dân khu vực làng nghề được
nâng lên rõ rệt. Nhưng tác hại do môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động
trong các làng nghề đang có xu hướng tăng lên. Tuổi thọ trung bình của người dân trong các làng
nghề ô nhiễm ngày càng giảm, thấp hơn khoảng 10 năm so với tuổi thọ trung bình của cả nước.
Ngoài ra, cả nước hiện có khoảng 5.000 nhà máy chế biến nông sản. Hằng năm, các nhà máy này
thải ra khối lượng lớn khí lỏng và rắn, chất lượng nước mặt ở nhiều cơ sở chế biến nông, lâm sản
bị ô nhiễm nghiêm trọng, một số nơi đã ở mức báo động, vượt mức cho phép hàng trăm lần.
Cần giải pháp hữu hiệu
Trước những thách thức về môi trường nông thôn hiện nay, cần có các giải pháp đồng bộ và
hữu hiệu. Ngoài việc xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước về môi trường nông nghiệp,
nông thôn thì cân ưu tiên lựa chọn các công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ quản lý
và tập quán của từng vùng để phổ biến áp dụng. Đối với từng lĩnh vực hoạt động ở khu vực nông
thôn sẽ có những giải pháp phù hợp. Với làng nghề, cần tiến hành quy hoạch cho phù họp với tính
chất đặc thù của từng loại hình sản xuất; đầu tư, hỗ trợ về tài chính để các làng nghề đổi mới trang
thiết bị phục vụ sản xuất thay thế dần công cụ thủ công lạc hậu; có các biện pháp chế tài đủ mạnh
để xử lý các cơ sở gây ô nhiễm... Đối với hoạt động chế biến nông, lâm sản, cần chú trọng công
tác quy hoạch sản xuất, chế biến, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý đồng bộ và
thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo định hướng chiến lược. Nhằm bảo đảm sự đa dạng sinh học và
môi trường đối với các lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản cần triển khai các chính sách phát triển chăn
nuôi "sạch", thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân phát triển kinh tế
trang trại theo định hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, thực hiện có
hiệu quả công tác xử lý chất thải từ chăn nuôi. Đối với lĩnh vực rừng và ngành trồng trọt, cần chú
trọng việc sử dụng các hóa chất trong nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV; Quy hoạch và ưu
tiên đầu tư phát triển và bảo vệ rừng cũng như các biện pháp hoàn nguyên môi trường ở những
khu vực đã bị sa mạc hóa, các khu vực bị ảnh hưởng mạnh của xói mòn, rửa trôi... Đồng thời, để
công tác bảo vệ môi trường nông thôn đạt hiệu quả, bên cạnh công tác quản lý, cần có sự chung
tay, góp sức của cả cộng đồng và ý thức, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động
sản xuất.
Vũ Nhung
TCMT 05/2012