Chỉ số năng lực quản lý môi trường và những vấn đề liên quan đến môi trường không khí
Việt Nam
PGS.TS Bùi Cách Tuyến
Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Từ những năm 2000, trên thế giới đã có một số nghiên cứu, xây dựng và áp dụng các chỉ số
về môi trường. Trong số đó, chỉ số bền vững môi trường (Environmental Sustainability Index -
ESI) và sau này là chỉ số năng lực quản lý môi trường (Envi-ronmental Períormance Index - EPI)
là 2 chỉ số mang tính "đột phá", có ý nghĩa trong việc đánh giá hiệu quả công tác BVMT của các
nước, có thể tham khảo trong các nghiên cứu, theo dõi diễn biến các vấn đề môi trường quốc gia
trên bình diện quốc tế.
ESI được coi là một công cụ sử dụng để đánh giá hiệu quả công tác BVMT, sự hài hòa giữa
phát triển kinh tế và BVMT của một quốc gia. ESI lần đầu tiên được đưa ra trong Diễn đàn Kinh tế
thế giới, tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ, tháng 1/2005, giúp xác định tính chất bền vững môi trường
của 146 quốc gia.
ESI được coi là "tiền thân" của EPI được đề cập đến trong thời gian gần đây. EPI được dùng
để đánh giá hiệu quả hoạt động BVMT của một quốc gia. Chỉ số được nhóm nghiên cứu trường
Đại học Yale, Đại học Columbia phối hợp vói Diễn đàn Kinh tế thế giới, Trung tâm Nghiên cứu
của ủy ban châu Âu và các tổ chức, chuyên gia quốc tế xây dựng dựa trên công trình nghiên cứu
về ESI 2005. Chỉ số EPI được nghiên cứu xây dựng từ năm 2006 với các công trình nghiên cứu
khác nhau: thử nghiệm công bố EPI năm 2006, EPI năm 2008 và EPI năm 2010.
Năm 2012, nhóm nghiên cứu này tiếp tục công bố báo cáo EPI 2012 tại Diễn đàn Kinh tế thế
giới nhằm mục đích xếp hạng (EPI rank) và đánh giá xu hướng (Trend EPI rank) về hiệu quả hoạt
động BVMT cho 132 quốc gia trên thế giới.
1. Phương pháp tính toán EPI
Theo báo cáo năm 2012, EPI được tính toán dựa trên 10 nhóm chỉ thị với 22 chỉ thị cụ thể.
Các nhà nghiên cứu đã chia 10 nhóm chỉ thị nói trên thành 2 nhóm đối tượng: Sức khỏe môi
trường (gồm 3 nhóm chỉ thị) và Tính bền vững của hệ sinh thái (gồm 7 nhóm chỉ thị). Cách xây
dựng chỉ số, các nhóm chỉ thị được mô tả chi tiết trong sơ đồ:
Theo đó, xem xét cụ thể đến nhóm chỉ thị về ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe,
được tính toán theo 2 chỉ thị:
*Chỉ thị Bụi lơ lửng PM2,5: được đánh giá thông qua thông số bụi mịn PM-2,5 bằng
phương pháp mô hình hóa kết hợp với việc sử dụng tư liệu ảnh vệ tinh MODIS
*Chỉ thị ô nhiễm không khí trong nhà: được đánh giá bằng tỷ lệ dân số sử dụng nhiên liệu
rắn làm chất đốt. Số liệu này được lấy theo số liệu điều tra và ước tính của Tổ chức Y tế thế giới
(WHO).
Từ kết quả tính toán của 2 chỉ thị nêu trên, nhóm chỉ thị chất lượng không khí ảnh huởng
đến sức khỏe sẽ tiếp tục được tính toán cho điểm để tiến hành xếp loại. Tuy nhiên, do các số liệu
điều tra không thể có đầy đủ, nên nhóm nghiên cứu đã sử dụng chủ yếu các phương pháp tính toán
ngoại suy số liệu. Phương pháp tính toán cho từng chỉ thị được thực hiện khá phức tạp, sau khi
tính toán, mỗi nhóm chỉ thị tương ứng với một điểm số và qua điểm số này sẽ được dùng để xếp
loại cho từng quốc gia.
Như vậy, theo kết quả đánh giá, đối với nhóm chỉ thị về chất lượng thông khí ảnh hưởng đến
sức khỏe: Việt Nam xếp hạng 123/132 quốc gia được đánh giá, tương đương với một số quốc gia
châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan, Nêpan và Bănglađét.
Tương tự như trên, các nhóm chỉ thị còn lại cũng được tính toán, cho điểm và xếp loại đối
với từng quốc gia. Sau đó, thông qua 10 nhóm chỉ thị, các nhà khoa học tính toán ra EPI. Theo báo
cáo của các nhà khoa học, Việt Nam có IPI xếp hạng 79/132, thuộc nhóm nước có năng lực quản
lý môi trường trung bình và tương đương với các quốc gia đang phát triển trên thế giới (phân loại
theo 5 nức: năng lực rất tốt, năng lực tốt, lăng lực trung bình, năng lực kém và năng lực rất kém).
Ngoài ra, xếp hạng xu hướng cải thiện năng lực quản lý môi trường, Việt Nam xếp hạng 73/132
quốc gia được đánh giá, thuộc nhóm các quốc gia có những cải thiện nhỏ về năng lực, thực thi
quản lý môi trường ở mức trung bình (phân loại theo 5 mức: cải thiện rất tốt, cải thiện tốt, cải thiện
nhỏ, suy giảm tương đối, suy giảm rất nhiều).
2. Nhận xét
EPI là cách tiếp cận mói và thông qua đó, Việt Nam cũng như các quốc gia khác có thể tham
khảo, theo dõi diễn biến các vấn đề môi trường quốc gia mình và có những so sánh trên bình diện
quốc tế. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu mới và các số liệu tính toán phần lớn còn dựa trên các số
liệu ước tính nên các kết quả đưa ra cũng chỉ mang tính chất tương đối, để tham khảo.
Gần đây báo chí trong nước nói nhiều về nhóm chỉ thị chất lượng không khí ảnh hưởng đến
sức khỏe với xếp hạng thấp, mà không nhắc đến những chỉ số khác mà Việt Nam được xếp hạng
trung bình. Chính vì vậy, khi đánh giá, chúng ta cũng cần xem xét đầy đủ các chỉ thị để xác định
đúng vị trí của quốc gia so sánh với các nhóm quốc gia trên thế giới. Cụ thể như, nếu xét về nhóm
chỉ thị chất lượng không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì Việt Nam đứng ở vị trí thấp
(123/132). Nhưng xét trên tổng thể về năng lực và thực thi chính sách BVMT thì Việt Nam được
xếp hạng 79/132 và thuộc nhóm nước có năng lực quản lý môi trường trung bình.
3. Đánh giá hiện trạng chất lượng không khí của Việt Nam
Chất lượng môi trường không khí ở Việt Nam hiện nay được theo dõi, đánh giá dựa trên số
liệu quan trắc môi trường định kỳ hàng năm của Hệ thống quan trắc môi trường quốc gia và các
địa phương. Các số liệu quan trắc này sẽ được so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN)
về môi trường không khí để đánh giá mức độ ô nhiễm. Theo các báo cáo đánh giá trong giai đoạn
2005 - 2010, diễn biến chất lượng môi trường không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam (điển
hình như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai...) có xu hướng suy giảm. Tuy nhiên, vấn đề ô
nhiễm chủ yếu là bụi và bụi mịn, đặc biệt là các khu vực đang trong quá trình xây dựng hoặc có
các nút giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn. Tại các khu vực này, nồng độ
bụi và bụi mịn vượt tiêu chuẩn cho phép khá cao (khoảng 1,5-2,5 lần).
Tại các khu vực đang trong quá trình xây dựng, ô nhiễm bụi xảy ra vào những giai đoạn nhất
định và mang tính chất cục bộ. Nguyên nhân chính là do các quy định về che chắn bụi tại các công
trường xây dựng và phương tiện chuyên chở vật liệu và phế thải xây dựng, phun nước rửa đường...
chưa được giám sát và thực hiện triệt để. Đặc biệt, việc đào, lấp, sửa chữa hệ thống đường, ống
cấp thoát nước, hệ thống cáp thông tin, cáp điện thường xuyên mà không nghiêm túc thực hiện các
biện pháp BVMT dẫn đến mất vệ sinh, ô nhiễm bụi tại các khu vực này.
Nồng độ bụi tại các nút giao thông vào giờ cao điểm thường vượt tiêu chuẩn cho phép. Các
thời điểm này, lưu lượng phương tiện giao thông lớn, kèm theo đó chất lượng các phương tiện kém
và hệ thống đường giao thông chưa tốt dẫn đến thải lượng chất ô nhiễm vào không khí tăng cao.
Thêm vào đó, ở những khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp cũng là nơi có hàm
lượng bụi cao vượt mức cho phép. Nhiều cơ sở sản xuất vẫn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, lại
chưa có hoặc không vận hành các hệ thống xử lý khí thải đã dẫn đến lượng khí thải công nghiệp ra
môi trường khá lớn. Ví dụ như việc đốt nhiên liệu hóa thạch của các ngành xi măng, luyện kim,
nhiệt điện tạo ra khí thải gây ô nhiễm, hoặc ngành công nghiệp hóa chất thải ra môi trường không
khí các loại hơi hữu cơ độc hại... Các thông số khác đặc trưng cho ô nhiễm không khí như Nitơ
đioxit (NO2), Carbon monoxit (CO), Sunfua đioxit (SO2)... mặc dù có xu hướng gia tăng trong
thời gian gần đây, nhưng nhìn chung vẫn ở trong tiêu chuẩn cho phép.
Ở khu vực nông thôn, một số vùng cũng đã có dấu hiệu bị ô nhiễm cục bộ do các cơ sở sản
xuất công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc từ các làng nghề trong vùng. Cụ thể, các khu vực nông
thôn gần nhà máy nhiệt điện, xi măng, các làng nghề tái chế kim loại, chế tác đá, nung gạch...
nồng độ bụi cũng đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, những năm gần đây hiện tượng ô
nhiễm khói, bụi từ việc đốt rơm rạ sau thu hoạch là một vấn đề cần được quan tâm, giải quyết.
Ngoài những khu vực nêu trên, ở vùng miền núi, các đô thị mới và vùng ven đô, do đặc thù
có mật độ dân cư và giao thông ít, chưa có nhiều hoạt động công nghiệp, xây dựng nên chưa phát
sinh vấn đề ô nhiễm không khí. Tại nhiều khu vực, chất lượng môi trường không khí được đánh
giá tốt.
4. Công tác kiểm soát chất lượng không khí ở Việt Nam và trách nhiệm của các Bộ, ngành,
địa phương
Những việc đã làm được trong thời gian qua
Việt Nam đã triển khai khá nhiều các biện pháp giảm thiểu phát thải chất ô nhiễm vào không
khí. Đối với vấn đề giao thông, đó là các hoạt động cụ thể như: loại bỏ việc sử dụng xăng pha chì
từ năm 2001; tăng cường kiểm tra khí thải phương tiện xe cơ giới; tăng cường quản lý hoạt động
giao thông và tăng lượng phương tiện giao thông công cộng tại các đô thị; yêu cầu các nhà sản
xuất thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Vấn đề kiểm soát bụi trong hoạt động
xây dựng và giao thông vận tải cũng được quan tâm thông qua việc ban hành quy định các công
trình xây dựng phải có che chắn bụi, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng hoạt động vào ban
đêm và có bạt che phủ. Đối với hoạt động công nghiệp là việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg (đến nay tỷ lệ xử lý đã đạt khoảng
79%).
Từ năm 2005, Việt Nam cũng đã triển khai chương trình trọng điểm ưu tiên về Cải thiện chất
lượng không khí ở các đô thị Việt Nam (theo Quyết định số 4121/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông
vận tải ngày 1/11/2005). Trong đó, Bộ Giao thông vận tải, Bộ TN&MT, Bộ Khoa học và Công
nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh chịu trách
nhiệm triển khai 8 dự án ưu tiên. Đến nay, đã có 3/8 dự án được hoàn thành với kết quả tốt, 4 dự
án chưa triển khai và 1 dự án dừng không triển khai.
Ngoài ra, ở cấp quốc gia và địa phương, hàng năm vẫn triển khai thực hiện thường xuyên
các chương trình quan trắc môi trường không khí để theo dõi, đánh giá thường xuyên chất lượng
môi trường không khí. Song song với đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về chất lượng môi
trường không khí cũng được điều chỉnh, ban hành mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương
Theo quy định của Luật BVMT 2005 và các Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của
các Bộ, ngành, việc phân công trách nhiệm trong quản lý môi trường không khí còn phân tán, cụ
thể:
- Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước thống
nhất về BVMT, trong đó có quản lý môi trường không khí.
- Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT hướng dẫn kiểm
tra, xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường đối với các phương tiện giao thông cơ giới; xây dựng kết
cấu hạ tầng giao thông và hoạt động giao thông vận tải; quản lý chất lượng phương tiện tham gia
giao thông, vấn đề khí thải từ các phương tiện giao thông...
- Bộ Xây dựng được phân công chịu trách nhiệm theo dõi công tác BVMT trong hoạt động
xây dựng, bao gồm: chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển đô thị quốc gia,
các chính sách, giải pháp quản lý quá trình đô thị hóa, các mô hình quản lý đô thị lồng ghép với
BVMT; ban hành các quy định, đồng thời theo dõi, kiểm tra việc thực hiện đảm bảo các yêu cầu
BVMT trong hoạt động thi công, xây dựng như che chắn các công trình đang xây dựng, các
phương tiện vận chuyển vật liệu xây dưng... đảm bảo không phát tán bụi vào môi trường.
- Bộ Công Thương chịu trách nhiệm theo dõi công tác BVMT các cụm/điểm công nghiệp,
làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp tại các địa phương; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện
các biện pháp giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải công nghiệp...
* Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch tổng thể
phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện pháp luật về
BVMT trong sản xuất nông nghiệp.
* Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, phân
công cho các Sở, ban ngành thực hiện công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung và môi
trường không khí nói riêng trong phạm vi địa phương mình.
Qua đó, có thể thấy rằng chính sự phân tán trong việc phân công trách nhiệm giữa các Bộ,
ngành, địa phương và việc thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương đã
dẫn đến hàng loạt các vấn đề về môi trường không khí như đã nêu trên.
5. Kết luận
Để góp phần sớm giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí như đã nêu trên,
cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trong thời gian tới. Cụ thể như việc tiếp tục hoàn thiện chính
sách, pháp luật về BVMT không khí, bao gồm: xây dựng Luật không khí sạch, các quy chế BVMT
không khí đô thị... Xây dựng Chương trình quản lý chất lượng không khí quốc gia và tại các thành
phố lớn. Tăng cường năng lực, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức quản lý môi trường
không khí từ cấp Trung ương đến địa phương. Theo đó, các Bộ ngành cần tăng cường trách nhiệm
thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được giao, cụ thể:
* Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quản lý chất lượng phương tiện
giao thông, kiểm soát khí thải từ các phương tiện cơ giới.
* Bộ Xây dựng kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc phát thải bụi từ các hoạt động xây dựng;
quy hoạch, tổ chức và phát triển giao thông đô thị bền vững.
* Bộ Công Thương cần đẩy mạnh giám sát việc thực hiện các yêu cầu về an toàn vệ sinh,
môi trường công nghiệp; ban hành cơ chế khuyến khích hỗ trợ định hướng phát triển công nghiệp,
quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp...
* Bộ NN&PTNT cần rà soát, nghiên cứu và có những điều chỉnh phù hợp đối với quy hoạch
phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn liền với công tác BVMT và phải phù hợp với đặc
trưng của hoạt động sản xuất làng nghề.
- Bộ TN&MT và các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động kiểm kê nguồn thải, quan trắc và
kiểm soát môi trường không khí đô thị, khu vực công nghiệp; tăng cường xây dựng mạng lưới các
trạm quan trắc môi trường không khí theo Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29/1/2007 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia đến
năm 2020.
Để thực hiện được những vấn đề trên, rất cần có sự tham gia, phối hợp tích cực của các Bộ,
ngành và địa phương nhằm từng bước đạt được các mục tiêu đặt ra.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có những nghiên cứu, xây dựng và áp dụng phương pháp đánh
giá tổng hợp tương tự như EPI (đã trình bày ở phần 1) để đánh giá hiệu quả của các chính sách về
môi trường của Việt Nam, đồng thời có thể sử dụng để so sánh với các quốc gia khác trên thế giới.
TCMT 06/2012